Lúc 9h30 sáng thứ Năm 24 tháng Ba, Đức Thánh Cha đã cử hành Lễ Dầu tại Đền Thờ Thánh Phêrô. Một số đông đảo các vị Hồng Y, Tổng Giám Mục, Giám Mục thuộc giáo triều Rôma và khoảng 1,600 linh mục thuộc giáo phận Rôma đã tham dự tham dự.
Trong thánh lễ dầu các linh mục lặp lại những lời hứa các ngài đã tuyên thệ khi thụ phong linh mục. Sau đó, các loại dầu được làm phép để dùng trong suốt năm khi thực hiện các Bí Tích Rửa Tội, Thêm Sức, Phong Chức Linh Mục, và Bí tích Xức Dầu.
Trong bài giảng Đức Thánh Cha Phanxicô nói:
Sau khi nghe Chúa Giêsu đọc một đoạn từ Tiên Tri Isaia và nói: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe.” (Lc 4:21), cộng đoàn trong hội đường Nazareth lẽ ra đã phải vỗ tay nồng nhiệt. Họ lẽ ra phải khóc vì vui mừng, cũng như khi dân chúng nghe các tư tế Nehemiah và Ezra đọc từ cuốn sách Luật được tìm thấy trong khi họ đang xây dựng lại các bức tường. Nhưng Phúc Âm cho chúng ta biết rằng người dân ở quê hương Đức Giêsu đã làm ngược lại; họ đóng cửa con tim mình, và xua đuổi Người. Lúc đầu, “mọi người đều tán thành và thán phục những lời hay ý đẹp thốt ra từ miệng Người” (4:22). Nhưng sau đó một câu hỏi tinh quái bắt đầu lan truyền: “Đây không phải là con trai của ông Giuse, người thợ mộc đó sao?” (4:22). Và sau đó, “họ đầy thịnh nộ” (4:28). Họ muốn xô ngài xuống vực sâu. Điều này ứng nghiệm lời tiên tri của ông Simeon nói với Đức Trinh Nữ Maria rằng Ngài sẽ là “dấu hiệu cho người đời chống báng” (2:34). Bằng lời nói và hành động của mình, Chúa Giêsu vạch trần những bí mật trong con tim mỗi người nam nữ.
Nơi Chúa loan báo Tin Mừng về lòng thương xót vô điều kiện của Chúa Cha cho những người nghèo, những người bị ruồng bỏ và bị áp bức, thì đó cũng chính là nơi chúng ta được kêu gọi hãy đứng dậy, để “thi đấu trong cuộc thi đấu cao đẹp vì đức tin” (1 Tim 6:12) . Trận chiến của Ngài không phải là nhằm chống lại con người, nhưng là chống lại ma quỷ (Eph 6:12), là kẻ thù của nhân loại. Chúa “đi qua giữa” tất cả những ai muốn ngăn chặn Ngài và “tiếp tục con đường của mình” (Lc 4:30). Chúa Giêsu không đấu tranh để xây dựng quyền lực. Nếu Ngài phá vỡ những bức tường và thách đố cảm thức của chúng ta về an ninh, Ngài làm điều đó để mở cửa cho cơn lũ lòng thương xót mà, với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần, Ngài muốn tuôn đổ trên thế giới chúng ta. Một lòng thương xót ngày càng lan rộng; công bố và mang lại sự mới mẻ; chữa lành, giải thoát và công bố một năm hồng ân của Chúa.
Lòng thương xót của Thiên Chúa chúng ta là vô hạn và không thể diễn tả nổi. Chúng ta diễn đạt sức mạnh của mầu nhiệm này như một lòng thương xót “ngày càng to lớn hơn nữa”, một lòng thương xót đang chuyển động, một lòng thương xót mỗi ngày đều tìm cách tiến lên, từng bước tiến về phía trước đến những miền hoang vu, nơi thờ ơ và bạo lực đã ngự trị.
Tiếp tục bài giảng, Đức Thánh Cha đã mời gọi các tư tế hãy ý thức và nhớ lại lòng thương xót của Chúa đối với bản thân mình, và trở nên những chứng nhân và là người phục vụ Lòng Thương Xót. Ngài nói:
“Trong tư cách là tư tế, chúng ta là chứng nhân và thừa tác viên lòng Thương Xót ngày càng lớn rộng của Cha chúng ta; chúng ta có một nghĩa vụ dịu dàng và đầy an ủi là thể hiện Lòng Thương Xót ấy qua hàng ngàn cách thức, để Lòng Thương Xót của Chúa đi đến mọi người, như Chúa Giêsu đã làm khi “đi tới đâu là Người thi ân giáng phúc tới đó, và chữa lành” (Cv 10,38). Chúng ta cũng có thể góp phần hội nhập lòng thương xót trong các nền văn hóa để mỗi người đón nhận được hồng ân ấy trong kinh nghiệm sống của họ, để họ có thể hiểu và thực hành lòng thương xót ấy với tinh thần sáng tạo, theo thể thức riêng của dân tộc và gia đình họ”.
Đức Thánh Cha đặc biệt mời gọi các tư tế noi gương thương xót của Chúa qua hai khía cạnh: gặp gỡ và tha thứ.
Trước hết, như người cha, trong dụ ngôn người con trai hoang đàng, đã chạy ra gặp gỡ người con thứ trở về và mở tiệc ăn mừng. Tiếp đến là lòng tha thứ của chính Thiên Chúa, Chúa tha thứ những tội nợ khôn lường.
Đức Thánh Cha cũng khẳng định rằng “Trong tư cách là tư tế, chúng ta đồng hóa với dân bị gạt bỏ mà Thiên Chúa cứu vớt, và chúng ta nhớ rằng có vô số những người nghèo, người dốt nát, tù nhân, họ ở trong tình trạng ấy vì người khác áp bức họ. Nhưng chúng ta cũng nhớ rằng mỗi người chúng ta biết rõ, theo mức độ nào đó, bao nhiêu lần chúng ta mù quáng, thiếu ánh sáng đẹp đẽ của đức tin, không phải vì chúng ta không có sách Tin Mừng trong tầm tay, nhưng vì một sự thái quá của những thần học phức tạp. Chúng ta cảm thấy tâm hồn mình cần được giải khát bằng linh đạo, nhưng không phải vì thiếu Nước Hằng Sống - nước mà chúng ta chỉ uống vài ngụm, nhưng vì một sự thái quá của một thứ linh đạo “bong bóng”, “nhẹ nhàng”. Chúng ta cũng cảm thấy mình là tù nhân, không phải vì bị vây bủa như bao dân tộc bị bao vây bằng những bức tường đá, hoặc những hàng rào bằng thép, nhưng bằng tinh thần trần tục tiềm thể chỉ cần bấm một cái là mở ra và đóng lại. Chúng ta bị áp bức không phải vì những đe dọa và thúc đẩy, như bao nhiêu người nghèo, nhưng vì sự thu hút của hàng ngàn đề nghị tiêu thụ mà chúng ta không thể rũ bỏ để bước đi tự do trên những con đường dẫn đến tình yêu thương anh chị em chúng ta, dẫn đến đoàn chiên của Chúa, những con chiên đang chờ đợi tiếng nói của các vị mục tử”.
Sau bài giảng, Đức Thánh Cha đã làm phép các loại dầu.
Dầu ôliu nguyên chất được Đức Giám Mục làm phép vào Thứ Năm Tuần Thánh được gọi là dầu thánh dùng vào việc thánh hiến các dụng cụ thánh và xức dầu trong một số bí tích. Có ba loại dầu khác nhau và phân biệt nhờ mầu sắc, mùi vị khác nhau. Mùi vị, mầu sắc có được là do dầu được pha trộn với một hợp chất tinh tuyền được lấy từ một số loại cây tuyển chọn, rồi dùng tinh dầu này pha với tinh dầu của trái ôliu.
Hàng năm trong Tuần Thánh linh mục địa phận quy tụ với giám mục địa phận trong lễ Truyền Dầu vào Thứ Năm Tuần Thánh. Sau khi truyền phép linh mục chánh xứ nhận dầu mang về giáo xứ để dùng trong năm. Dầu này được cất cẩn thận trong tủ khoá.
Trong Cựu Ước có nhiều đoạn ghi lại việc xử dụng dầu trong các nghi thức đăng quang quan trọng trong xã hội cũng như trong phụng vụ Giáo Hội. Nghi thức xức dầu dùng trong các ngày lễ vua đăng quang hay linh mục thượng phẩm. Muốn biết thêm chi tiết xin xem các đoạn trong sách Xuất hành chương 30 và sách Lêvi chương 8.
Nguồn gốc chữ Chrism có lẽ cùng nguồn gốc với chữ Christ có nghĩa ‘Đấng được Xức Dầu tấn phong). Các thánh giáo phụ ghi nhận việc xức dầu là dấu chỉ bề ngoài xác định niềm tin bên trong mắt thường không thể nhìn thấy nhưng nói lên đức tin của tâm hồn. Thánh Ambrô kính viếng dầu thánh như là dấu chỉ của ân sủng. Các vị khác coi dầu thánh như là vật thánh ban ân thánh hoá cho các Kitô hữu. Đức Giáo Hoàng Bênidictô 16 xác định
Dầu thánh được dùng trong các trường hợp thánh hiến thánh đường, chuông và bàn thờ, chén thánh, dĩa thánh bởi những dụng cụ này được dùng trong việc cử hành thánh lễ. Dầu thánh dùng trong bí tích thanh tẩy. Có hai lần xức dầu. Xức dầu lần đầu mang ý nghĩa thanh tẩy và thánh hiến em bé đó cho Thiên Chúa. Xức dầu lần hai mang ý nghĩa ban ơn sức mạnh để trong tương lai chu toàn ba nhiệm vụ của Kitô hữu đó là sứ vụ linh mục, tiên tri và vương đế. Bí tích thêm sức người đó được xức dầu để nhờ ơn Thánh Thần Chúa hướng dẫn đồng thời ban sức mạnh chu toàn tốt đẹp ba sứ vụ nêu trên. Xức dầu bệnh nhân giúp người bệnh được mạnh nếu điều đó làm đẹp lòng Chúa đồng thời tăng sinh lực chống lại các cám dỗ và nếu có tội thì được tha. Khi truyền chức linh mục giám mục xức dầu hai tay linh mục. Khi truyền chứ giám mục thì giám mục chủ tế sức dầu trên đầu vị tâm giám mục với ý nghĩa thánh hiến và thánh hoá con người và công việc người đó sẽ đảm trách.
Dầu thánh được dùng trong phụng vụ mang ý nghĩa đặc biệt. Dầu ôliu được chọn làm dầu thánh vì tự bản chất của dầu vừa tốt cả về phẩm lẫn ít bị thái hoá do khí hậu và thời gian nên dầu được chọn biểu trưng cho sự giầu mạnh, bền bỉ và tốt lành của ân sủng Chúa. Hương thơm được pha trộn tượng trưng cho các đức tính cao quí, ngạt ngào hương thơm, tốt lành trong đạo. Dầu tượng trưng cho sức mạnh trong khi hương thơm tượng trưng cho sự bền bỉ.
Việc sức dầu tượng trưng cho việc lãnh nhận ân sủng Chúa và sức mạnh tinh thần cần thiết giúp người Kitô hữu sống đạo, chống lại tàn phá, huỷ diệt của cơn cám dỗ đồng thời toả hương thơm Lời Chúa cho tha nhân.
About Metro UI Theme
Lorem ipsum dolor sit amet, consectetur adipisicing elit, sed do eiusmod tempor incididunt ut labore et dolore magna aliqua. Ut enim ad minim veniam, quis nostrud exercitation ullamco laboris nisi ut aliquip ex ea commodo consequat. Duis aute irure dolor in reprehenderit...