Thứ Bảy, 12 tháng 3, 2016

5 Phút cho Lời Chúa 12/3/2016

Filled under:


PHÂN ĐỊNH VÀ LÀM CHỨNG
“Vậy, vì Người mà dân chúng đâm ra chia rẽ. ” (Ga 7,43)
Suy niệm: Đúng như lời Chúa Giê-su nói, Ngài đến “không phải để đem bình an,” mà là “gươm giáo và chia rẽ” (x. Mt 10,34; Lc 12,51). Quả vậy, khi bình luận về Đức Giê-su trong những lúc “trà dư tửu hậu, người ta có đủ mọi thứ ý kiến trái chiều: có kẻ coi Ngài như một vị tiên tri, hoặc hơn thế, là Đấng Ki-tô; kẻ khác lại hoài nghi vì xuất thân dân dã của Ngài. Thế nhưng họ lại im lặng vì sợ hãi trước quyền thế của “các thượng tế và người Pha-ri-sêu,” “cả vú lấp miệng em”, thẳng tay “trù dập” bất cứ ai dám lên tiếng bênh vực Đức Giê-su. Đi ngược với số đông đó, các vệ binh dù bị mạt sát là “bọn dân đen, quân bị nguyền rủa, đui mù về Lề Luật, bị mê hoặc” họ vẫn dám làm chứng cho sự thật mà họ nhận được từ Chúa Giê-su. Cũng thế, ông Ni-cô-đê-mô, một người thông luật, trưng dẫn Lề Luật để biện hộ cho Đức Giê-su dù phải hứng chịu những lời mỉa mai của những người đồng sự: “Hãy về nghiên cứu Thánh Kinh.” Không chỉ nói, ông còn xuất đầu lộ diện là môn đệ Chúa Ki-tô trong cuộc khổ nạn và mai táng của Ngài.
Mời Bạn: Bạn có sẵn sàng nói về Đức Ki-tô, và nhất là làm chứng rằng Ngài thật là Đấng Cứu Thế, cho dù vì thế bạn chịu thiệt thòi, bị chế giễu, bị “trù dập” không? Đức Giê-su có bao giờ là đề tài cho chúng ta thảo luận để sống giống như Người chưa?
Sống Lời Chúa: Nghiền ngẫm và suy niệm Lời Chúa hằng ngày để sẵn sàng làm chứng cho Ngài trong cuộc sống.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, giữa muôn vàn biến cố xảy đến trong ngày, xin cho con cặp mắt đức tin tinh tường để phân định và nhận ra sự hiện diện của Chúa và sẵn sàng làm chứng cho Ngài.
 
THÁNH TASICIÔ
CHỊU CHẾT VÌ PHÉP THÁNH THỂ
(kh. 235-257)
Tasciô ra chào đời khoảng năm 235 dưới triều Đức Giáo Hoàng Têphanô. Tasciô theo nguyên ngữ Hi lạp có nghĩa là trung tín và can đảm. Quả thế, là con cháu các đấng tử đạo, sẵn có dòng máu dũng cảm chảy trong huyết quản, nên năm 12 tuổi Tasciô đã dâng mình cho Chúa để theo đuổi lý tưởng linh mục. Bấy giờ đang thời cấm đạo dữ dội, các linh mục phải lẩn xuống các hang toại đạo. Ngày ngày cậu Tasciô lén đến các thánh đường ở dưới những hang để được giúp lễ. Dần dần cậu được học Thánh kinh và tập tành các nghi lễ. Suốt trong thời gian học tập, cậu được chứng kiến nhiều cái chết anh hùng của các Giám mục, linh mục và giáo dân lấy máu đào minh chứng đức tin. Nhiều lần tâm hồn thấy sôi lên ngọn lửa sốt mến và nóng lòng muốn được theo gót các vị đàn anh. Lòng ước mong nồng nhiệt ấy đã thúc đẩy Tasciô tập luyện nhân đức và, năm 20 tuổi, Tasciô đã xứng đáng lãnh chức bốn gọi là chức chấp đăng. Gọi thế vì ngày nay những thầy đã chịu chức ấy có nhiệm vụ cầm đèn hay nến trong các nghi lễ trọng thể. Nhưng ngày xưa nhiệm vụ của thầy đó quan trọng hơn nhiều. Theo nguyên ngữ Hi lạp chức ấy là Acolyta (thầy bốn) có nghĩa là đi theo. Vậy thầy chấp đăng có nhiệm vụ đi theo và giúp đỡ Đức Giám mục. Bấy giờ số các thầy phó tế còn ít, nên nhiều khi những thầy chấp đăng đạo đức nhiệt thành, biết cẩn ngôn cẩn hành cũng được Đức Giám mục đặc tuyển và uỷ cho những trách nhiệm đặc biệt, như mang thư của ngài tới các giáo đoàn. Đôi khi các ngài cũng nhờ chính các thầy để giải quyết những thắc mắc, hoặc dàn xếp những sự lộn xộn giữa giáo dân. Các giáo hữu thời ấy rất sốt sắng, rất siêng năng rước lễ. Chúa Giêsu Thánh Thể là nguồn hạnh phúc và an ủi của họ trong những ngày bị cấm cách, lao tù hay đau yếu. Do đó một đôi khi vì thiếu các thầy phó tế nên các thầy chấp đăng cũng được đặc ân mang Mình Thánh Chúa đến cho các giáo hữu đau yếu hay bị giam tù, đó là một hân hạnh lớn nhưng cũng rất nguy hiểm. Thầy Tasciô đã được lãnh chức ấy trong một trường hợp rất đặc biệt.
Bấy giờ là năm 257, Hoàng đế Valêrianô đang thống trị khắp đế quốc Rôma. Nghe lời bọn nịnh thần xúi bẩy, ông ra sắc chỉ cấm đạo rất gay gắt. Giáo hội trải qua một thời sóng gió. Người ta bách hại truy nã các linh mục và nhất là Giám mục. Đức Giáo Hoàng Têphanô rất lo lắng cho đoàn chiên. Ngài lẩn lút tìm đến an ủi để giữ vững đức tin của các giáo hữu.
Căm tức vì lòng nhiệt thành của Đức Giáo Hoàng, bọn quan lại ghét đạo ra lệnh buộc mọi người phải tố cáo và trọng thưởng cho kẻ nào bắt được Đức Giáo Hoàng.
Được tin ấy, Đức Giáo Hoàng rút xuống hang toại đạo. Nhưng ơn Chúa soi sáng, Ngài thấy trước tương lai Giáo hội sẽ bấp bênh mờ mịt, nếu ngài bị bắt bất ngờ mà không có người kế nghiệp, nên ngài đã truyền chức cho 3 linh mục, 7 thầy phó tế và 13 thầy vừa phụ phó tế vừa chấp đăng. Thầy Tasciô đã được lãnh chức trong dịp này và sẵn sàng hiến thân phụng sự Chúa.
Mọi sự đã xảy ra như Đức Giáo Hoàng đã tiên đoán. Ít ngày sau lễ truyền chức, vào một buổi sáng, khi Đức Giáo Hoàng đang dâng lễ trong một nhà nguyện nhỏ dưới hầm Alixtô thình lình có người báo quân lính đang kéo tới. Không một chút nao núng, Đức Giáo Hoàng vẫn bình tĩnh hoàn tất thánh lễ. Lễ xong ngài ung dung tới ngự trên toà để nói cho giáo dân một lần cuối cùng rằng: "Ngai Giáo Hoàng bất diệt dù hoả ngục cũng không phá nổi ". Ngài vừa dứt lời thì đoàn lính hùng hổ ập tới như một đàn sư tử đói mồi, chúng chạy xô lên toà đâm chém loạn xạ. Linh hồn Đức Giáo Hoàng bay lên trước toà Chúa lãnh triều thiên vinh hiển của các thánh tử đạo.
Dù đã giết được Chúa chiên, bọn khát máu vẫn còn chưa thoả mãn, chúng lục soát khắp nơi, bắt các giáo hữu về tra tấn và ném vào những tù ngục tối tăm. Thầy Tasciô cùng tất cả các vị đã được Đức Giáo Hoàng truyền chức trước đây ngày ngày lẩn lút đem Mình Thánh Chúa cho các giáo hữu bị tù
Thế rồi một hôm, Thánh Thể đặt trên ngực dưới làn áo choàng, thầy Tasciô bỏ hang Calixtô trên đường Appianô để đi về phía Gapianô. Bỗng một bọn lính đổ xô ra, mắt đăm đăm nhìn thầy. Đôi tay cung kính đặt trên ngực, thầy cứ tiếp tục bước. Nhưng như một bầy thú gặp mồi, bọn chúng chặn ngay thầy lại và đòi xem báu vật thầy mang trên ngực. Tuy một mình chống chọi với 20 tên lính, thầy vẫn không để bọn chúng chạm tới của thánh; không những thế thầy còn hất ngã mấy tên đứng chắn lối và vội vã bước đi. Căm giận ứ lên cổ, bọn chúng lấy gạch đá ném túi bụi vào thầy. Bỗng thầy quỳ thụp xuống, ngước mắt lên trời cầu nguyện: "Ôi lạy Chúa, sự sống của con không đáng gì, nhưng xin Chúa đừng để bàn tay bọn hung dữ này phạm đến Chúa …" Bọn lính đã ập tới nơi. Người dũng sĩ trẻ tuổi ngã gục và linh hồn ngài cũng lìa xác để về chầu Chúa, nhưng đôi tay ngài vẫn xiết chặt trên ngực. Những tên sát nhân điên đảo lục soát khắp thân thể ngài, lật nghiêng lật ngửa để tìm kiếm báu vật ngài mang. Nhưng vô ích, chúng không còn thấy một vết tích gì trên ngực vị thánh trẻ. Tasciô đã kịp rước Chúa vào lòng, hay Chúa đã tự làm một phép lạ cho Mình Thánh biến đi? Như có vẻ hối hận một phần nào, bọn lính hoảng hốt run sợ và vội vàng tẩu thoát.
Cái chết anh hùng và bi thảm của vị thánh trẻ vang động tới muôn tâm hồn. Các giáo hữu vừa được tin liền vội vã quên cả nguy hiểm đến đem xác ngài về và tổ chức lễ an táng rất trọng thể tại nghĩa trang Calixtô. Người ta nói rằng xác ngài đã được đặt nằm bên cạnh mồ Đức Giáo Hoàng Têphanô.
Đầu thế kỷ IV Đức Giáo Hoàng Đamasô đến viếng ngôi mộ nhỏ ấy; cảm kích trước tấm gương anh hùng và lòng đạo đức của vị thánh trẻ, ngài đã ghi lại mấy lời vàng ngọc tóm tắt cuộc đời ngắn ngủi nhưng đầy chí khí can trường: "Đây là nơi an nghỉ của thánh Tasciô người chiến sĩ anh dũng đã thà chết không thà để Mình Thánh Chúa bị xúc phạm  …"