Thứ Sáu, 19 tháng 6, 2015

Mười điểm chính của thông điệp "Chúc tụng Chúa"

Filled under:

Trong nghĩa rộng của “môi sinh nhân loại”, sáu chương của thông điệp Chúc tụng Chúa trải rộng ra trên nhiều chủ đề, có những chủ đề lặp lại và quen thuộc của Đức Phanxicô.

PopeFrancis-LaudatoSi.jpg

“Vừa vui và vừa thảm thiết”, thông điệp của Đức Phanxicô có một ngôn ngữ trong sáng về tình trạng đáng nguy của hành tinh, chất vấn về truyền thống Do thái-Kitô để hiểu sâu hơn về cơn khủng hoảng hiện nay. Thông điệp đưa ra một “môi sinh toàn diện”, đường hướng hoạt động và nền tảng của một “linh đạo cho môi sinh”.

1. Cứu hành tinh

“Chúng ta chưa bao giờ xử tệ căn nhà chung của mình cho bằng trong hai thế kỷ vừa qua”. Một ghi nhận báo động của Đức Phanxicô về tình trạng này làm cho tâm thức tập thể giật mình tỉnh dậy. Sự thay đổi khí hậu ở trong tầm ngắm với tác nhân chính có trách nhiệm là các sinh hoạt của con người. Nhưng không phải chỉ có chừng đó.

Ngoài rác thải loại, nước uống và sinh thái đủ loại, Đức Phanxicô còn đề cập đến các thành phố khổng lồ dễ gây tác hại cho sức khỏe. Tình trạng ô nhiễm vừa hiện thực vừa tiềm tàng. Như thế cứu hành tinh là cứu con người.

2. Các bất bình đẳng, triệu chứng của cơn khủng hoảng

Khủng hoảng môi sinh và khủng hoảng xã hội đi liền nhau, nó không tách nhau ra khỏi nhau, chênh lệch giữa người giàu và người nghèo, giữa Bác bán cầu và Nam bán cầu là những triệu chứng hiển nhiên. “Khí hậu nóng lên do các nước giàu tiêu thụ năng lượng đã có âm vang trên các vùng nghèo nhất của trái đất, đặc biệt là ở Phi Châu”, Đức Giáo hoàng viết. Ngài nhấn mạnh  còn tồn tại một “loại nợ môi sinh, đặc biệt giữa Bắc và Nam bán cầu”. Ngài viết tiếp, “Các nước phát triển phải góp phần thanh toán món nợ này, họ phải giới hạn nhiều việc tiêu thụ năng lượng không tái hồi để mang nguồn tài trợ đến cho những nước đang cần hơn”.

3. Giới hạn dân số, một giải pháp không chấp nhận được

Đức Giáo hoàng chống lại ý tưởng cho rằng sự gia tăng dân số (năm 2050 dân số thế giới sẽ lên 9 tỷ người) sẽ không tương hợp với việc cứu hành tinh: “Lên án sự gia tăng dân số mà không lên án sự tiêu thụ quá độ, tiêu thụ theo một phương pháp chọn lọc của một số nước là một cách để khỏi chạm trán với vấn đề.”

“Bảo vệ thiên nhiên lại càng không tương hợp cho việc biện minh cho hành động phá thai”, Đức Phanxicô nhắc lại.  Nghe “tiếng kêu của thiên nhiên” là nhận biết một cách khoáng rộng hơn “giá trị của một người nghèo, của một bào thai”. Một chất vấn gởi đến các phong trào môi sinh.

4. Khuyến khích dùng các loại năng lượng tái hồi

Để thay thế các chất đốt do hóa thạch rất ô nhiễm, Đức Phanxicô hỗ trợ sự “phát triển các năng lượng tái hồi” và mong muốn Nam bán cầu có thể được hưởng lợi từ việc này: “Sự khai thác trực tiếp và dồi dào nguồn năng lượng mặt trời đòi hỏi có phương cách và tiền viện trợ thế nào để các nước đang phát triển có thể với tới được”.

Ngài cũng khuyến khích việc tiết kiệm năng lượng. Ngài tỏ ra rất dè dặt về thị trường cácbon, “một cách xoay xở để hỗ trợ cho việc tiêu thụ quá tải của một số nước và một số ngành”.

5. Chấp nhận một thế giới có giới hạn và có tình tương trợ nhiều hơn

“Chưa bao giờ nhân loại có nhiều quyền trên chính mình như vậy và không có gì bảo đảm con người sẽ luôn dùng quyền này một cách tốt đẹp”. Trong suốt thông điệp, Đức Giáo hoàng luôn nhắc con người phải chấp nhận các giới hạn của một thế giới hữu hạn, đó là một thực tế không thể xâm phạm được.
Bổn phận trong sáng này phải đi theo lời kêu gọi từ bỏ chủ nghĩa ích kỷ để nhìn lại tình huynh đệ liên kết, một tình huynh đệ kết hợp gia đình nhân loại lại với nhau. “Chúng ta không thể cho rằng chăm sóc thiên nhiên và môi trường mà không khử độc các quan hệ nền tảng của con người”, Đức Phanxicô viết, tình huynh đệ tương trợ là chủ đề lặp đi lặp lại của triều giáo hoàng của ngài.

6. Dự trù một sự giảm phát triển

Đức Phanxicô nhấn mạnh, cần phải làm chậm lại nhịp tiêu thụ mà theo ngài là quá nhanh. Vì thế ngài minh bạch biện hộ chúng ta phải chấp nhận sự “giảm phát triển ở một vài nơi trên thế giới”. Ngài cũng đã lặp lại nhiều lần cần phải có một nếp sống thanh đạm và tầm quan trọng của tập thể cùng hành động trong mục đích này.

Đức Phanxicô cũng nhấn mạnh đến hệ quả của sự thay đổi khí hậu đối với những người “nghèo” nhất, ngài nhắc lại năm mươi lần trong bản thông điệp của mình. “Ngày nay chúng ta không thể không nhận thấy tương quan môi sinh luôn làm thay đổi tương quan xã hội, một tương quan phải thấm đậm công lý trong các cuộc thảo luận về môi trường, để lắng nghe tiếng kêu bất bình của trái đất cũng như của người nghèo”, ngài răn dặn.

7. Những hành vi nhỏ mỗi ngày

Ngài nhắc bốn lần sự quan trọng của những “hành vi nhỏ” hàng ngày, “qua đó chúng ta chấm dứt với nạn bạo lực, với sự bóc lột, với tính ích kỷ”. Đây cũng là những hành vi “quan tâm hỗ tương” trong các lãnh vực “dân sự và chính trị”, nhưng cũng trong “tất cả các hành động nhằm xây dựng một thế giới tốt hơn”.

Các hành vi này thường được học trong gia đình và đó là “dấu chỉ của một tình yêu cho xã hội và cho sự dấn thân vì lợi ích chung”, Đức Phanxicô nhấn mạnh, ngài nhắc lại Đức Phaolô VI cũng đã đề nghị xây dựng một “nền văn minh của tình yêu”.

8. Chiêm niệm công trình tạo dựng

Sự tôn trọng hành tinh phải đi cùng với lòng chiêm niệm các tạo vật, giống như chân phước Charles de Foucauld và Thánh Phanxicô Đaxi đã làm. Vì thế, theo Đức Giáo hoàng, cần phải chiêm niệm về thế gian này không phải từ bên ngoài nhưng “từ bên trong, nhận biết các liên kết mà Chúa Cha đã nối tất cả chúng ta lại với nhau”.

Linh đạo Kitô giáo thúc đẩy một lối sống chiêm niệm, để không bị “ám ảnh bởi tiêu thụ”, ngài nhấn mạnh. Chiêm niệm, ngược lại sẽ giúp chúng ta thấu hiểu hơn về thế gian, một cách sâu đậm, tránh xa được lối “thống trị của kẻ mạnh và thói thích tích trữ”. Do đó nghỉ ngơi chiêm niệm không thể bị xem như “không sinh lợi và vô ích”.

9. Từ Guardini đến Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu, các quy chiếu của Đức Phanxicô

Trong suốt thông điệp của mình, Đức Phanxicô quy chiếu các tác giả khác nhau, bắt đầu bằng Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu. Nữ thánh người Pháp tu theo “con đường nhỏ của tình yêu”, hướng dẫn chúng ta đi theo “nếp sống môi sinh toàn vẹn”. Ít mong chờ hơn, ngài cũng nhắc đến triết gia người Ý Dante, tác giả kiệt tác Thần Khúc (Divine comedy), mà tình yêu làm khuấy động “trời trăng sao”. Một quy chiếu khác của giáo hoàng là thần học gia người Đức, Romano Guardini, chuyên gia về phụng vụ và giáo sư của Đức Ratzinger khi ngài còn trẻ ở Munich.

Ngoài ra ngài còn trích khoảng hai mươi lần các tài liệu được các Hội đồng giám mục nhiều nước công bố như các nước Nhật, Đức, Phi Luật Tân, Bồ Đào Nha, các nước Châu Mỹ La Tinh như Bolivia, Ba Tây, Argentina, Paraguay, Mễ Tây Cơ.

10. Một thông điệp mở đường đối thoại với tất cả mọi người

Ngay những hàng đầu của Thông điệp Chúc tụng Chúa, Đức Giáo hoàng đã ngắm một mục đích: “đối thoại với tất cả mọi người về căn nhà chung”. Như thế thông điệp của ngài hướng đến “tất cả những ai có thiện tâm”.  Một thành ngữ mượn của Đức Gioan XXIII trong thông điệp Hòa bình Dưới thế (Pacem in terris) của ngài năm 1963.

Đối thoại này để “tương lai hành tinh” được tất cả mọi người cùng làm. Vì thế “cùng nhau đi tìm con đường giải thoát” là điều có thể làm được. Theo Đức Giáo hoàng, “các định hướng và hành động” tất cả đều đi qua con đường đối thoại cùng “với khoa học” cho sự “sung mãn của con người” hoặc “để có những đường hướng mới cho nền chính trị quốc gia hay địa phương”.


(Giuse Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch, phanxico.vn 19.06.2015/ 
la-croix.com, Sébastien Maillard (Roma) và Loup Besmond de Senneville, 2015-06-18)