Thứ Bảy, 6 tháng 6, 2015

BÀI SUY NIỆM TĨNH TÂM LINH MỤC CỦA LINH MỤC ĐOÀN GIÁO PHẬN PHÚ CƯỜNG

Filled under:

LINH MỤC SỐNG HIẾN TẾ

Nhân dịp Hội đồng Giám mục Italia viếng mộ hai thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô, cùng kết thúc khóa họp lần thứ 65 tại Vatican, cũng là dịp Năm Đức Tin, lúc 6 giờ chiều 23.5.2013, giờ Vatican, trong khi cử hành nghi thức phụng vụ Lời Chúa, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cùng các Đức Giám mục Italia long trọng tuyên xưng đức tin tại Đền thờ thánh Phêrô.

Dựa trên nền tảng Tin Mừng Ga 21, 15-19, cho biết ba lần Chúa Giêsu hỏi thánh Phêrô “Con có yêu mến Thầy không?”, Đức Thánh Cha khẳng định: “Chúng ta, cùng với thánh Phêrô bàng hoàng trước lời hỏi này: Một Thiên Chúa, Đấng là Tình Yêu, lại ngỏ lời hỏi môn đệ về tình yêu. Đấng là Tình Yêu đã van xin tình yêu của con người. Thiên Chúa ăn mày tình yêu của con người, là để Thiên Chúa yêu con người. Người còn là Đấng van xin con người hãy yêu thương nhau. Chính vì Thiên Chúa nài xin tình yêu của chúng ta, nên Người trở thành động lực mạnh mẽ, và mạnh mẽ hơn nữa, để chúng ta yêu nhau…”

Gần cuối bài giảng, Đức Thánh Cha nhắc nhở: “Hệ luận của sự yêu mến Chúa là cho tất cả, hiến cả mạng sống chúng ta vì Chúa: đây phải là đặc tính sứ vụ mục tử của chúng ta. Chúng ta không phải là biểu hiện của một cơ cấu hay một sự tổ chức cần thiết: với việc phục vụ của chúng ta qua quyền bính, chúng ta được kêu gọi trở thành dấu chỉ sự hiện diện và hoạt động của Chúa phục sinh, xây dựng cộng đoàn trong tình bác ái huynh đệ…”.

Chúng ta đang sống trong tháng Thánh Tâm. Chúng ta cũng sẽ mừng trọng thể lễ Mình Máu Chúa và mừng lễ Thánh Tâm. Đặc biệt, dịp lễ Thánh Tâm, anh em linh mục trong giáo phận tụ về bên nhau. Hơn bất cứ thời gian nào, đây chính là thời gian Hội Thánh dùng để trao gởi khuôn mẫu tình yêu là chính Thiên Chúa để chúng ta ấp ủ, học tập, và trao ban tình yêu của mình như Thánh Tâm Chúa.

I. TỪ THỊ KIẾN CỦA TIÊN TRI ÊZÊKIEL (Ez 47, 1-12).

“Tôi đã thấy nước từ bên phải đền thờ”. Đó là lời bài hát trong phụng vụ thánh tẩy. Đó chính là lời Thánh Kinh trích trong sách tiên tri Êzêkiel. Tiên tri nhìn thấy một thị kiến lạ thường: Một dòng nước bắt nguồn từ bên phải đền thờ. Dòng nước cứ chảy, chảy mãi, chảy mãi. Dòng nước lạ lùng ấy càng chảy, mỗi lúc mỗi đi xa, cứ lớn lên thêm, phát triển và lan rộng vô cùng. Dòng nước đổ ra biển Chết, làm nước biển hóa lành, đến nỗi mọi sinh vật trong biển, vốn chết, đều hồi sinh và tràn đầy sức sống.

Tiếp tục chảy, đi xa, và phát triển, dòng nước lớn thành dòng sông lớn, đến nỗi không thể từ bên này sang bên kia. Trong dòng sông thị kiến, có đầy cá tôm, sức sống hai bên bờ đua nhau lớn lên xanh tươi. Mọi cây cỏ mọc lên, trổ sinh hoa quả quanh năm suốt tháng. Tóm lại, dòng nước từ đền thờ đã làm khắp nơi được sống và sống mạnh mẽ.

Nhìn ngắm Thánh Tâm Chúa Giêsu, nơi phát sinh nguồn sống mãnh liệt, dẫn đưa con người vào sức sống thần linh, Hội Thánh vô cùng sung sướng reo lên: Tôi đã thấy Nước từ bên phải đền thờ chảy ra,Và nước ấy chảy đến những ai, thì tất cả đều được cứu rỗi và reo lên, Alleluia! Alleluia!.

Đền thờ là thân xác Đấng chịu đóng đinh. Dòng nước là dòng Máu cứu chuộc mà Người trao ban đến giọt cuối cùng làm cho trần gian, do tội, đã ngập trong biển chết, được hồi sinh và sống mãi.

Trên Thánh Giá, nhân loại đã xé rách lồng ngực Chúa Giêsu, từ lồng ngực, nơi Trái Tim đã thương tích vì bị đâm thâu, dòng Máu cứu độ, máu chứ không phải nước mà thôi, đã chảy mãi, chảy mãi trong trần gian.

Như dòng sông thị kiến Êzêkiel, ơn cứu độ phát sinh từ đền thờ là chính Chúa Giêsu, càng chảy đi xa, càng rộng lớn, càng phát triển không ngừng. Dòng Máu cứu độ ấy thánh hóa và làm phát sinh sự sống khi chảy vào biển chết cuộc đời này, lan rộng khắp nơi từ đời này sang đời khác.

Ngày nay dòng Máu cứu độ của Chúa vẫn chảy mãi không ngừng đến tận cùng trái đất, để bất cứ nơi nào, có người tin Chúa, nơi ấy lại phát sinh ơn cứu độ, phát sinh sự sống mới, sự sống vĩnh cửu.

Dòng Máu cứu độ và đền thờ là thân thể Chúa, chính là tấm bánh trao ban cho ta. Nhờ dòng Máu và đền thờ ấy, bí tích cứu độ vẫn không ngừng thánh hóa nhân loại, làm cho nhân loại, nếu tin tưởng sẽ ngày càng sống và sống mãnh liệt, sống đến vô cùng.

Với hướng suy nghĩ về Thánh Tâm Chúa Giêsu và bí tích Thánh Thể, ta càng nhận ra, Thánh Thể và Thánh Tâm chung một ý nghĩa lớn lao, gần gũi. Mối dây tương tác của hai biểu tượng Thánh Thể, Thánh Tâm bổ sung ý nghĩa cho nhau, làm  khuôn mặt Tình Yêu nơi Thiên Chúa càng chiếu tỏa, sức nóng Tình Yêu ấy càng ấm áp cho lòng người, một khi sống trọn đức tin, dám đặt đời mình cho lòng tin vào Tình yêu của Thiên Chúa.

Và Hội Thánh, mang nơi mình kho tàng tình yêu vô cùng là Thánh Tâm và Thánh Thể mà Thiên Chúa trao tặng, trở nên phong phú, sức sống dồi dào. Từ đó, đời sống Hội Thánh không thuộc về Hội Thánh, nhưng là nhờ chính tình yêu của Chúa nuôi dưỡng và làm cho phát triển không ngừng. Hội Thánh diễm phúc vì được mang nơi mình chính mầu nhiệm tình yêu, chính Bầu Tim của Thiên Chúa, hơn thế, mang nơi mình chính bí tích của Thân Thể Thánh của Đấng là Thiên Chúa làm người, để bất cứ ai đến với Hội Thánh, đều được Thiên Chúa trao ban sự sống sung mãn của Người cho họ.

II. ĐẾN ĐỜI SỐNG CỦA LINH MỤC: SỐNG HIẾN TẾ.

Với lời chứng của Tin Mừng Gioan, “Một người lính lấy giáo ĐÂM CẠNH SƯỜN NGƯỜI. Tức thì,MÁU CÙNG NƯỚC CHẢY RA. Người xem thấy việc này đã làm chứng, và lời chứng của người ấy xác thực; và người ấy biết mình nói sự thật để cho cả anh em nữa cũng tin” (Ga 19, 34-35), một mặt dòng sông thị kiến Êzêkiel mang tính tiên báo, nay nên hiện thực: Chúa Giêsu Kitô, tình yêu cứu độ của Thiên Chúa, nơi Người, chính Thiên Chúa hiến mình cho trần thế, đã thành suối nguồn, thành sông ơn cứu độ trào tràn, mạnh mẽ qua mọi thế hệ loài người.

Mặt khác, qua hình ảnh “Máu cùng Nước chảy ra”, thánh Gioan cho thấy Chúa Giêsu hiến tế trọn vẹn đời mình. Chúa hiến tế đến cùng, trao ban đến cùng. Đến giọt máu sau hết, Chúa cũng chấp nhận tế hiến “vì loài người chúng ta và để cứu độ chúng ta” (kinh Tin kính). Bí tích Cứu Độ từ hiến tế vô giá ấy, không ngừng mang lại sự sống bởi chính Thân Mình Đấng tự hiến, là sức sống, là nguồn sống và trao tặng sự sống đến muôn đời, không có bất cứ cái gì có thể thay thế.

Như Chúa Giêsu, Linh Mục Thượng Phẩm và là nguồn của chính thánh chức mà mình đang mang, các linh mục phải chấp nhận hiến tế. Hằng ngày dâng chính hy tế, cử hành mầu nhiệm Thánh Thể của Chúa, họ được mời gọi lắng mình trong Chúa, mang lấy tâm tư sâu lắng của Chúa, và để cho Thánh Tâm tình yêu của Chúa quyện lấy đời mình, để chính linh mục, khi phụng sự Chúa, phục vụ con người, họ cũng sẽ là những linh mục biết thể hiện tràn ngập đức ái mục tử rót lấy từ tình yêu của Thánh Tâm. Mang lấy tâm tư hiến tế của Chúa, họ phải thực hiện cho bằng được mấy nhiệm vụ cần thiết như:

1. Cả một đời chỉ biết làm theo mệnh lệnh Thiên Chúa như Chúa Giêsu. Chúa Giêsu là bài học ngàn đời cho từng linh mục. Người tuyệt đối vâng phục Thiên Chúa. Các linh mục cần ghi lòng tạc dạ: Thiên Chúa làm chủ đích mọi ân ban, mọi chiều kích bí tích và giáo huấn, mọi công cuộc và sáng kiến, mọi sứ mạng... mà qua thánh chức, Người đặt vào tay linh mục.

Do đó, mọi lời rao giảng, mọi lối sống, mọi cung cách, mọi tương quan, mọi thể hiện như mình là chứng nhân của yêu thương, linh mục phải quy về Chúa.

Vì Chúa vừa là chủ đích, vừa là cùng đích cho sứ mạng đời mình, linh mục không được phép để bất cứ thế lực nào, tiếng nói nào làm suy giảm đời sống chứng tá của mình.

Họ không có cách khác, mà chỉ một đường hướng duy nhất: lắng nghe tiếng Chúa, tận trung đến cùng mệnh lệnh của Chúa: Làm sáng danh Chúa, cứu rỗi các linh hồn.

2.  Ý thức Ơn gọi của linh mục chỉ đến từ Chúa. Họ không bao giờ được phép tự phụ về những thành công, hay quá đau buồn về những thất bại trên con đường dâng hiến của mình. Đã là tông đồ, phải xác tín mạnh mẽ: Bản thân chẳng là gì. Nếu không có Chúa, bản thân chỉ là thân cây khô héo. Chỉ duy tình thương của Chúa đã trao ban ơn gọi, thúc đẩy họ lên đường mà thôi.

3. Linh mục phải phó mình trong tay Chúa. Với chỉ thị: “Không được mang gì khi đi đường, chỉ trừ cây gậy; không được mang lương thực, bao bị, tiền giắt lưng; được đi dép, nhưng không được mặc hai áo” (Mc 6, 8-9), Chúa Giêsu muốn người tông đồ, đặc biệt, tông đồ linh mục của Chúa phải sống nghèo khó để hoàn toàn tin tưởng phó thác vào Chúa.

Sự nghèo khó giúp linh mục ý thức sự thiếu thốn của mình mà dễ cảm thông với nghười nghèo. Càng không có gì, càng dễ phó mình trong tay Chúa. Tiện nghi vật chất dễ đẩy đến lối sống hưởng thụ. Từ hưởng thụ, dễ tha hoá, dễ sống xa hoa, dễ kiêu ngạo, dễ cậy mình hơn cậy vào Chúa…

Vì thế, sống nghèo, linh mục sẽ chỉ chọn chúa, một mình Chúa thôi, làm gia nghiệp quý giá của đời mình.

4. Linh mục phải sống tinh thần nghèo khó. Sự nghèo khó của linh mục nên tấm gương lôi kéo người khác tin vào Chúa. Đòi phải ra đi tay không, là Chúa đòi họ phải sống tinh thần nghèo khó triệt để.

Hãy sống tinh thần nghèo khó như Chúa dạy: “Phúc cho ai có tinh thần nghèo khó…” (Mt 5, 3). Người linh mục của Chúa sống nghèo khó, họ không mang theo gì của loài người, chỉ trọn một niềm phó thác vào Chúa mà thôi.

5. Linh mục chỉ mong làm sáng danh Chúa chứ không tìm tư lợi bản thân. Đòi hỏi tinh thần nghèo khó để sống phó thác, để luôn ý thức ơn gọi của mình đến từ Chúa và chỉ làm theo mệnh lệnh của Chúa, là đòi hỏi hiến tế trọn vẹn, hiến tế đến cùng như Chúa Giêsu hiến tế vì Chúa, vì tha nhân.

Linh mục hãy sống ơn hiến tế ấy thẳm sâu trong từng suy nghĩ, từng hành động, từng giây phút sống, từng mối tương quan, từng sự liên đới… chứ không bao giờ gợn chút manh nha nghĩ đến tư lợi bản thân.

Một khi chấp nhận làm tông đồ của Chúa Giêsu, họ trở nên anh em giữa mọi anh em, cùng sớt chia, luôn ý thức mình phải trở nên đồng phận, vui với cái vui của con người; đau với cái đau của con người…

Hãy nhớ, không bao giờ toan tính cho bản thân, công tác linh mục sẽ sáng chói, đạt hiệu quả, đi vào lòng người, gây những ảnh hưởng tốt, làm Tin Mừng bùng phát…

Hãy yêu mến Chúa Giêsu. Hãy tích tình yêu ngút ngàn lấy từ Nguồn thiêng liêng là Thánh Thể và Thánh Tâm. Hãy đong thật đầy tình yêu Chúa Giêsu nơi trái tim mình. Một khi có đủ lửa tình yêu với Chúa, đã thấm đẫm, đã ướp đầy hồn tình yêu với Đấng cứu chuộc, linh mục sẽ biết làm gì và làm cách nào để cụ thể hóa lòng bác ái mục tử của họ, nhằm mang lại hiệu quả lớn lao nhất cho sáng danh Chúa, cho phần rỗi các linh hồn.

III. VẤN TÂM: CÁC MỤC TỬ HÃY NÊN GIỐNG CHÚA GIÊSU.

Chúng ta, những người dấn thân trong ơn gọi tu trì của Hội Thánh Chúa Giêsu. Vì thế, tất cả chúng ta hãy luôn để lòng mình thấm thía lời Chúa Giêsu: “Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi; tôi biết chúng và chúng theo tôi. Tôi ban cho chúng sự sống đời đời; không bao giờ chúng phải diệt vong và không ai cướp được chúng khỏi tay tôi” (Ga, 10, 27-28).

Nhất là những ai đang mang trọng trách lãnh đạo đoàn chiên của Chúa trong vai trò của một mục tử, chúng ta càng phải cầu nguyện để chính mình luôn luôn ý thức như Chúa Giêsu đã ý thức: “Cha tôi, Đấng đã ban chúng cho tôi, thì lớn hơn tất cả, và không ai cướp được chúng khỏi tay Chúa Cha” (Ga 10, 29).

Đó chính là những lời tâm sự của Chúa Giêsu. Một khi các mục tử nơi trần thế, được Chúa Giêsu ủy quyền để lãnh đạo đoàn chiên của Người, các mục tử phải là những người trước tiên cưu mang, uống lấy, luôn tâm niệm, luôn say trong lời của Chúa Giêsu. Nhờ đó, khi các ngài hành động trong vai trò một người lãnh đạo nơi đoàn chiên của Chúa, các ngài sẽ thực sự hành động trong tư thế của Chúa Giêsu. Để chính khi thừa lệnh Chúa, theo ý Hội Thánh, cử hành bí tích, cử hành thánh lễ, cử hành quyền giảng dạy, các mục tử cử hành cách hết sức sốt sắng, đầy tinh thần trách nhiệm, nhằm mang lại nhiều hiệu quả nhất cho đời sống tâm linh cũng như đời sống vật chất, linh hồn cũng như thể xác của tất cả nhưng ai mà các ngài dấn thân phục vụ.

Từng người mục tử chúng ta luôn ý thức và xin Chúa cho mình được trở thành những nhà lãnh đạo kiên trung trong đức tin, bền bỉ trong đức cậy, mạnh mẽ trong đức mến. Nêu cao tấm gương tận tụy hy sinh, phục vụ quên mình, sống thánh thiện, thực hành đức bác ái mục tử…

Các mục tử của Chúa hãy là những người rập khuôn cuộc đời Chúa Giêsu. Các ngài hoàn toàn đi theo dấu chân Chúa Giêsu không bao giờ ngơi nghỉ. Các ngài ý thức từng giây phút rằng, chính các ngài chứ không phải ai khác, là họa ảnh của Chúa Giêsu hôm nay, nơi trần thế này, để làm sao, mọi người khi nhìn thấy mục tử của họ là chính lúc họ an tâm rằng, Chúa Giêsu đang hiện diện nơi vị mục tử ấy. Tắt một lời, các mục tử hãy sống suốt đời của mình như Chúa Giêsu đã sống.

Anh em linh mục phải để cho Dòng Nước của Đền Thờ xưa trong thị kiến của tiên tri Êgiêkiel như biểu tượng của Máu Chúa Giêsu, mà nay thực là Dòng Máu vô giá của Chúa Giêsu tưới gội thấm đẫm trót cuộc đời làm mục tử của mình. Qua Dòng Máu trường sinh và cứu độ ấy, chính chúng ta, chứ không phải ai khác, có nhiệm vụ làm tươi tốt, làm nảy nở, làm phát triển không ngừng biên cương của Hội Thánh, cũng là chính biên cương của Nước Chúa đến với từng tâm hồn con người, từng nẻo đường của nhân loại. Miễn làm sao, Dòng Máu ấy sẽ sinh sôi vô kể, làm cho phong nhiêu ơn cứu độ vừa mạnh mẽ, vừa trường cửu, vừa đầy sức sống, vừa có sức phục sinh cả những gì đã chết như hình ảnh “biển Chết”:“…Này: có rất nhiều cây cối ở hai bên bờ sông. Người ấy bảo tôi: Nước này chảy về miền đất phía đông, xuống vùng Abara, rồi đổ ra biển Chết và làm cho nước biển hòa lành. Sông chảy đến đâu thì mọi sinh vật lúc nhúc ở đó sẽ được sống. Sẽ có rất nhiều cá, vì nước này chảy tới đâu, thì nó chữa lành; sông này chảy đến đâu, thì ở đó có sự sống…Trên hai bờ sông sẽ mọc lên mọi giống cây ăn trái, lá không bao giờ tàn, trái không bao giờ hết: mỗi tháng các cây đó sẽ sinh trái mới nhờ nước chảy ra từ thánh điện…”(Ed 47, 7-12).

IV. HƯỚNG VỀ VĨNH CỬU: ĐỪNG ĐỂ TÌNH YÊU TẮT LỊM.

Chúng ta hãy nhớ đinh ninh lời Đức Thánh Cha nhắc nhở các Giám mục Italia ngày 23.5.2013: “Dù tình yêu mặn nồng thế nào đi nữa, nếu không được liên tục nuôi dưỡng thì sẽ suy yếu và tắt lịm. Không phải vô cớ mà Thánh Phaolô Tông Đồ nhắn nhủ rằng: ‘Anh em hãy cảnh giác về bản thân và về toàn thể đoàn chiên mà Chúa Thánh Linh đã đặt anh em như người canh giữ để trở thành những mục tử của Giáo Hội Chúa, Giáo Hội mà Thiên Chúa đã thủ đắc bằng máu chính Con của Ngài’ (Cv 20,28).

Hãy sống như Chúa Giêsu, các mục tử sẽ phải ghi khắc không bao giờ quên rằng, tôi có làm gì, có lãnh đạo như thế nào, thì sự thật vẫn là: đàn chiên không phải của riêng tôi. Tôi không sở hữu theo ý mình để rồi muốn làm gì thì làm, nhưng là “Cha tôi, Đấng đã ban chúng cho tôi”. Người “lớn hơn tất cả”. Tôi chỉ là đầy tớ của Người, chỉ làm theo ý Người mà thôi. “Cha tôi” mới là Đấng có quyền. Người thi hành quyền của Người trong tình yêu tuyệt đối.

Hãy sống như Chúa Giêsu, các mục tử càng thêm ý thức lời Đức Thánh Cha: gắn bó mật thiết, cầu nguyện không ngơi nghỉ, hy sinh đến quên mình. Đó mới chính là cách chúng ta thực sự “liên tục nuôi dưỡng” tình yêu của mình với Chúa, với trách vụ, với đoàn chiên, và với mọi thụ tạo, để không bao giờ tình yêu bị “suy yếu và tắt lịm” qua hết mọi thời gian làm người trên dương thế của chúng ta.

Trên đường phục vụ, cũng là con đường đi về với Chúa. Xin Chúa ban cho chúng ta chính con tim của Chúa để chúng ta yêu những gì Chúa yêu, ghét mọi điều Chúa ghét.

Điều quan trọng nhất, là hãy luôn luôn ném mình trong ân sủng Chúa, để ân sủng tuôn trào từ Thánh Tâm chan chứa yêu thương ấy mãi thấm vào và thấm đến từng ngóc ngách của tâm hồn mục tử của chúng ta. Tất cả chúng ta hãy cùng Đức Thánh Cha đọc lại lời mà thánh Luca ghi: “Anh em hãy cảnh giác về bản thân và về toàn thể đoàn chiên mà Chúa Thánh Linh đã đặt anh em như người canh giữ để trở thành những mục tử của Giáo Hội Chúa, Giáo Hội mà Thiên Chúa đã thủ đắc bằng máu chính Con của Ngài” (Cv 20,28).