Thứ Hai, 8 tháng 6, 2015

Chân dung Thánh Barnabas

Filled under:

Thánh Barnabas là người Do Thái, ở Cyprus, ngài gần gũi với Thánh Phaolô vì chính ngài đã giới thiệu Thánh Phaolô với Thánh Phêrô và các Tông đồ khác. Ngài là anh em họ với Thánh sử Mác-cô, là người trung gian giữa người bắt đạo và các Kitô hữu người Do Thái đa nghi. Thánh Barnabas không thuộc Nóm Mười Hai, mà thuộc Nhóm Bảy Mươi Hai.
Khi cộng đồng Kitô giáo phát triển tại Antiôkhia, Thánh Barnabas được sai đến với tư cách là đại diện chính thức của Giáo hội tại Giêrusalem để kết hợp họ. Ngài và Thánh Phaolô hướng dẫn Giáo hội tại Antiôkhia một năm, sau đó đến Giêrusalem.
Lúc này, Thánh Barnabas và Phaolô được coi là những người lãnh đạo uy tín, được các vị hữu trách ở Antiôkhia cử đi giảng đạo cho dân ngoại. Công sức các ngài đổ ra đã gặt hái nhiều thành công. Sau một phép lạ tại Lystra, dân chúng muốn coi các ngài là các vị thần – Barnabas là thần Zeus (Dớt), Phaolô là thần Hermes (Héc-mê) – nhưng các ngài nói: “Chúng tôi cũng chỉ là phàm nhân như quý vị. Chúng tôi loan báo cho quý vị biết Tin Mừng để quý vị từ bỏ các ngẫu tượng mà tôn thờ Thiên Chúa hằng sống” (x. Cv 14:8-18).
Nhưng rồi mọi chuyện trở nên bất ổn. Các ngài bị trục xuất khỏi thành phố và phải tới Giêrusalem. Khi Thánh Phaolô muốn thăm lại các nơi cũ mà các ngài đã giảng đạo, Thánh Barnabas muốn đưa Gioan Máccô theo, nhưng Thánh Phaolô cứ khăng khăng cho rằng, vì Máccô đã có lần bỏ trốn họ, không thích hợp để đưa theo lúc đó. Sự bất đồng ý kiến sau đó trở nên căng thẳng đến nỗi Thánh Barnabas và Thánh Phaolô “chia tay”, đường ai nấy đi: Barnabas đưa Máccô tới Cyprus, Phaolô đưa Silas tới Syria. Nhưng sau đó, cả Phaolô, Barnabas và Máccô lại giải hòa.
Khi Thánh Phaolô ủng hộ Thánh Phêrô về việc không ăn uống với dân ngoại vì sợ người Do Thái, thì “ngay cả Barnabas cũng bị lôi cuốn vì sự giả hình của họ” (x. Gl 2:1-13).
Mới đầu Thánh Barnabas được gọi là Joses, nhưng vì ngài có bản tính quả quyết, mạnh mẽ và đại lượng nên được gọi là “Con của Sự An Ủi” hoặc “Con của Sự Động Viên”.
Chúng ta đã bao lần nói “chuyện bà Tám”, ngồi lê đôi mách, chỉ trích, nói hành tha nhân, phe cánh, vào hùa với nhau để “tôn vinh” mình và “hạ bệ” người khác. Đó là bôi xấu nhân phẩm người khác, không tôn trọng nhân vị người khác. Vậy là xấu hay tốt?
Một trong những điều tệ hại nhất vẫn xảy ra trong cộng đồng, xã hội, gia đình, giáo xứ, trường học, công sở, hội đoàn,… là luôn biểu hiện các động thái tiêu cực đới với người khác – nhất là đối với những người không “hợp nhãn”, không “cùng phe”, không “đồng quan điểm” với mình. Rất đa dạng! Vậy phải làm sao? Hãy thử áp dụng mấy “liệu pháp” này:
     1. Khiêm nhường. Coi mình là người thua kém. Mà thật vậy, dù chúng ta có là gì cũng bởi nhờ Ơn Chúa (1 Cr 10:15). Thế thì chẳng có lý do gì mà “nổ”, mà “chảnh”, mà nhìn người bằng nửa con mắt. Nếu thấy người ta không ưa mình, hãy xét mình. Và cứ can đảm chấp nhận là mình bất xứng vì bất tài và vô dụng. Thế là an tâm. Thiên Chúa thấu suốt tâm can bạn hơn chính bạn biết mình. Đừng suy diễn hoặc thể hiện các động thái không có tính nhân bản.
     2. Giữ lập trường. Chúng ta nghĩ xấu về người khác vì chúng ta có chút thông tin gì đó về họ, qua người này hay người nọ, nhưng chúng ta không xét xem thông tin đó có đáng tin không và người nói có chính xác, có ý ngay lành không? Chẳng hạn trên internet có biết bao thông tin, biết tin cái nào? Tức là chúng ta phải có khả năng phán đoán chính xác và khả năng chắt lọc với sự khôn ngoan – chứ đừng “không ngoan” (khác nhau chỉ một mẫu tự G thôi)! Đừng vội tin những gì bạn nghe. Phải có lập trường chứ đừng nhẹ dạ, cả tin. Kẻ xấu có thể lợi dụng sự cả tin của mình. Cái gì cũng có “mặt trái” của nó. Cần phải “dò cho đến ngọn nguồn lạch sông”!
     3. Thẳng thắn. Người Việt nói: “Ba mặt, một lời”. Ba mặt chứ không chỉ hai mặt. Nghĩa là công khai với nhiều người, có người làm chứng giữa hai người. Nếu có “vấn đề” gì với ai đó, hãy thẳng thắn và cởi mở nói chuyện với nhau, đừng ngại hoặc “úp-mở”. Nếu cảm thấy khó thì nhờ người khác cùng đối thoại. Đúng vậy, thực sự đối thoại, chứ đừng “đối thọi”!
     4. Phục vụ. Phục vụ là động thái được Chúa Giêsu luôn đề cao, Ngài không chỉ nói (Mc 10:45) mà chính Ngài còn nêu gương khi Ngài cúi xuống rửa chân cho các môn đệ trong Bữa Tiệc Ly (Ga 13:1-20), trước khi Ngài chịu khổ nạn. Mình phục vụ người khác, rồi người khác sẽ phục vụ mình. Đó cũng là tính xã hội vậy. Phục vụ là thể hiện yêu thương, khiêm nhường, tha thứ,... Sự liên kết tuyệt vời!
     5. Nhận lỗi. Đừng đổ lỗi cho người khác. Thường thì người ta có xu hướng lẩn tránh trách nhiệm, chỉ tìm cách đổ lỗi cho người khác. Dù không phải là lỗi của mình, nhưng cứ khiêm nhường mà nhận lỗi. Rồi mọi sự sẽ được làm sáng tỏ, như chúng ta vẫn nói: “Trời có mắt”. Chắc chắn Thiên Chúa không để cho ai phải chịu hàm oan đâu!
     6. Trưởng thành. Trưởng thành tâm lý, tức là chín chắn, chứ không chỉ trưởng thành thể lý. Một số người thích tỏ ra mình là người “đáng thương” để được người khác tội nghiệp mình. Họ “nhõng nhẽo” như vậy không chỉ là tự tôn mà thậm chí còn là kiêu ngạo. Động thái này thật là ấu trĩ! Vì con trẻ thường hờn dỗi để nũng nịu với cha mẹ hoặc người lớn.
     7. Đừng than phiền. Người ta dễ than phiền, ai cũng than phiền, dù trẻ hay già, dù giàu hay nghèo, dù nam hay nữ. Than phiền cũng là “bệnh truyền nhiễm”, nó có sức lây lan rất nhanh. Vì dễ than phiền mà có thể dẫn tới việc nói xấu hoặc chỉ trích người khác. Cẩn tắc vô ưu!
Thánh Barnabas được đầy Chúa Thánh Thần và Hồng Ân. Ngài là người cổ vũ, động viên, giúp đỡ hoặc khuyến khích. Ngài vừa đại lượng vừa lạc quan và uy tín. Ngài đã dám đi gặp Thánh Phaolô ngay khi nhiều người khác nghi ngờ ngài, vẫn cứ mạnh dạn chịu trách nhiệm về tình huống ở Antiokhia, đồng thời can đảm rao giảng Tin Mừng. Có lần vào ngày Sa-bát sau, gần như cả thành tụ họp nghe lời Thiên Chúa. Thấy những đám đông như vậy, người Do Thái sinh lòng ghen tức, họ phản đối và nhục mạ Thánh Phaolô. Bấy giờ Thánh Phaolô và Thánh Barnabas đã mạnh dạn lên tiếng: “Anh em phải là những người đầu tiên được nghe công bố lời Thiên Chúa, nhưng vì anh em khước từ lời ấy, và tự coi mình không xứng đáng hưởng sự sống đời đời, thì đây chúng tôi quay về phía dân ngoại” (Cv 13:46).
Hãy noi gương ngài trong việc khuyến khích người khác!
Lạy Thánh Barnabas, xin nguyện giúp cầu thay cho chúng con, xin luôn động viên chúng con, giúp chúng con biết dứt khoát, quả quyết, mạnh mẽ và đại lượng như ngài để làm chứng về Đức Kitô. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng cứu độ chúng con. Amen.
TRẦM THIÊN THU

Lễ Thánh Barnabas Tông Đồ, 11-6-2013