Có phải chăng giờ đây sau cơn lốc cách mạng tình dục diễn ra vào những năm sáu mươi trong thế kỷ trước, người ta đã nhận ra những tác hại vô cùng lớn lao của nó và muốn tìm phương giải quyết? Từ năm 1998 ở Mỹ có vũ hội Trinh Tiết là nơi các ông bố đưa con gái đến khiêu vũ, ký vào bản giao kèo và đọc to lời hứa trước Chúa sẽ bảo vệ gin giữ trinh tiết cho tới lúc kết hôn. Nhóm tình nguyện có tên True Love Waits đã kêu gọi được 2, 4 triệu thanh niên Mỹ tham gia ký vào tấm thiệp có chữ “Tin tưởng rằng tình yêu đích thực sẽ chờ đợi, tôi xin thề trước Chúa trước bản thân và gia đình, tôi sẽ giữ gìn trọn vẹn trinh tiết trước hôn nhân. Chính phủ Mỹ đã chi một triệu USD để thúc đẩy phong trào này” (Nguồn Bách Khoa Toàn Thư mở “Wilkipedia” – Cách Mạng Tình Dục).
Trong khung cảnh các giá trị đã bị đảo lộn như xã hội Mỹ nói riêng và thế giới phương Tây nói chung mà còn có những thanh niên can đảm thề hứa trước Chúa trước bản thân và gia đình rằng sẽ giữ trọn vẹn trinh tiết trước hôn nhân, đó là điều rất đáng trân trọng. Thế nhưng nếu chỉ có vậy tức thề hứa giữ trinh tiết trước khi kết hôn thôi thì đó chưa phải là ý nghĩa cũng như mục đích của hôn nhân Công Giáo. Tại sao? Bởi vì hôn nhân Công giáo là Bí Tích kết hợp giữa người nam và người nữ theo luật của Thiên Chúa để họ có thể sống với nhau cho đến trọn đời. “Có mấy người Pharisieu đến gần Chúa Giêsu và hỏi: Thưa Thầy chồng có được phép rẫy vợ không? Họ hỏi thế là để thử Người. Chúa đáp: Thế ông Maisen đã truyền dạy các ông điều gì? Họ trả lời ông Maisen đã cho phép viết tờ ly dị mà rẫy vợ. Chúa Giêsu nói với họ: Chính vì các ông cứng lòng nên ông Maisen mới viết điều răn đó cho các ông. Còn lúc khởi đầu tạo dựng Thiên Chúa đã làm nên con người có nam có nữ. Vì thế người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình và cả hai sẽ trở nên một xương một thịt. Như vậy họ không còn là hai nhưng chỉ là một xương một thịt. Vậy sự gì Thiên Chúa đã kết hợp thì loài người không được phân ly” (Mc 10, 2-9).
Tùy từng đối tượng mà Chúa Giêsu có những câu trả lời thích hợp. Ở đây Chúa nói dứt khoát với người Pharisieu là không được phép ly dị bởi ngay từ lúc ban đầu sáng tạo, Thiên Chúa đã dựng nên con người có nam có nữ hầu cho họ được cùng nhau kết hợp. Trình thuật Kinh Thánh diễn tả sự kết hợp ấy một cách hết sức sống động: “ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa cho một giấc ngủ mê ập xuống trên con người, và con người thiếp đi. Rồi Chúa rút một cái xương sườn của con người ra, và lắp thịt thế vào. ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa lấy cái xương sườn đã rút từ con người ra, làm thành một người đàn bà và dẫn đến với con người. Con người nói: “Phen này, đây là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi! Nàng sẽ được gọi là đàn bà, vì đã được rút từ đàn ông ra.” Bởi thế, người đàn ông lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai thành một xương một thịt” (St 2, 21-24).
Việc sáng tạo người nam người nữ và sự kết hợp vợ chồng của Sách Sáng Thế nếu nhìn theo khía cạnh duy lý xem ra đó chỉ là câu chuyện hết sức hoang đường. Tuy nhiên dưới góc độ của minh triết Đông Phương và chỉ như thế chúng ta mới có thể nhận ra tính chất vô cùng độc đáo của nó. Người nữ người nam tượng trưng cho hai nguyên lý Âm và Dương. Nguyên lý thuộc Hình Nhi Thượng có nghĩa nó hoàn toàn vô hình con người không thể cảm nhận. Tuy vô hình vô thanh vô sắc như thế nhưng chính nguyên lý này đã làm nên cuộc sinh hóa bất tận của vạn vật “Sinh Sinh Chi Vị Dịch” (Hệ Từ Thượng). Sự sinh hóa của muôn vật khởi đầu là do Âm Dương cơ ngẫu. Phàm cái gì lẻ một là không sinh được. Phải có cái chẵn đôi để tương đối tương điều hòa với nhau thì mới có sự sinh sinh. Vạn vật sinh sinh đều do ở cái gốc tương đối ấy. Cơ là lẻ, Ngẫu là chẵn. Một cái Cơ lại phải tìm một cái Cơ khác để thành ra Ngẫu thì mới sinh được” (Trần Trọng Kim Nho Giáo – Quyển Thượng).
Adam ở một mình không tốt vì vậy Thiên Chúa mới tìm cho người một kẻ giúp đỡ giống như nó (St 2,18 ). Kẻ giúp đỡ giống như nó và tất nhiên không phải là nó. Nếu là nó thì không thể sinh? Dương không thể cùng với Dương để sinh mà bắt buộc cần có Âm. Tuy nhiên ta thấy trong việc tạo dựng kẻ giúp đỡ ấy cần phải giống như nó, vậy cái sự giống như nó ấy là giống ở điểm nào? Xin thưa điểm giống ấy chính là hết thảy con người dù là nam hay nữ cũng đều được dựng nên giống Hình Ảnh Thiên Chúa (St 1, 26).
Được tác tạo là Hình Ảnh Thiên Chúa, là Con Thiên Chúa đây là Sự Thật lớn lao mà Đức Kitô muốn mạc khải cho những ai thành tâm theo Ngài: “Không ai biết Con là trừ phi có Cha; và Cha Ta là ai, trừ phi có Con, và kẻ được Con khấng mạc khải ra cho” (Lc 10, 22). Biết Cha có nghĩa là nhận biết Thiên Chúa đích thật là Đấng Cha của mình. Cái biết ấy hoàn toàn không phải là cái biết của kiến thức thần học. Kiến thức chỉ có thể đưa đến đủ loại những quan niệm về Thiên Chúa chứ không phải Thiên Chúa của thực tại đúng như Ngài Là. Để có được Thiên Chúa của thực tại thì không thể có bất cứ con đường nào khác ngoài con đường Tình Yêu: “Anh em thân mến, chúng ta hãy yêu thương nhau,
vì tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa. Phàm ai yêu thương, thì đã được Thiên Chúa sinh ra, và người ấy biết Thiên Chúa” (1Ga 4, 7).
Lý do khiến Thánh Gioan nói ai thương yêu thì sanh bởi Thiên Chúa và nhận biết Thiên Chúa bởi vì Thiên Chúa chính là Bản Thể Tình Yêu hằng hữu ở nơi mỗi người. Chỉ có Tình Yêu phát xuất từ Thiên Chúa mới đem đến cho con người sự nhận biết Thiên Chúa đích thực. Hôn nhân Công Giáo là một trong những con đường Tình Yêu bảo đảm chắc chắn đem lại sự nhận biết Thiên Chúa thông qua cam kết thực hiện giữa hai người nam nữ. Có những con đường Tình yêu xem ra về hình thức rất khác nhau, chẳng hạn Thánh Gioan Thánh Giá nên Thánh bằng sự khổ chế còn Thánh Teresa hài Đồng Giêsu lại dùng Con Đường Thơ Ấu v.v… Bề ngoài khác nhưng bề trong thì không khác, tất cả đều phải kinh qua cuộc khổ đau mới có thể đi theo con đường bỏ mình của Chúa Kitô: “Ai muốn theo Ta thì hãy từ bỏ mình vác thập giá mình mà theo” (Mt 16,24). Bỏ mình theo Chúa là một ơn gọi và hôn nhân Công giáo cũng là một trong những ơn gọi ấy. Chính bởi đó mà vị chủ tế đã nói lời mở đâu với đôi hôn nhân bằng những lời này: “Chúa Kitô rộng rãi chúc phúc cho Tình yêu này và Chúa dùng Bí Tích đặc biệt làm cho các con được phong phú và kiên cường để các con luôn trung tín với nhau và đảm nhận những trách nhiệm của hôn nhân cũng như chính Người đã dùng phép Thánh tẩy để Thánh hiến các con”.
Chúa chúc phúc và ban những ơn cần thiết cho đôi vợ chồng với mục đích là để họ có được sự chung thủy với nhau hầu đảm nhận những trách nhiệm lớn lao và nặng nề của hôn nhân. Lời hứa khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan. Khi bệnh hoạn cũng như lúc mạnh khỏe cần phải thi hành cách trọn vẹn. Lý do là vì chỉ có như thế mới đảm nhận được cái trách nhiệm mà hai người đã cùng thề hứa: “Sẵn sàng yêu thương đón nhận con cái mà Thiên Chúa sẽ ban và giáo dục chúng theo luật Chúa Kitô và Hội Thánh. Sẵn sàng yêu thương đón nhận con cái, lời hứa này xem ra cũng không hề dễ nhất là trong cái thời gọi là cách mạng tình dục khi người ta muốn tách tình dục ra khỏi hôn nhân.
Trong quan niệm hôn nhân truyền thống thì việc sinh con đẻ cái để lưu truyền nòi giống chẳng những là việc đương nhiên nhưng còn là một thứ phúc lộc trời ban. Tình dục xét ra chỉ là cái phương tiện dù rằng không thể thiếu trong việc lưu truyền nòi giống. Thế nhưng nếu tách nó ra khỏi hôn nhân thì tình dục sẽ chỉ còn là một thứ bản năng thấp hèn hoàn toàn không xứng với phẩm giá cao trọng của con người là Hình Ảnh Thiên Chúa. Cũng chính bởi tách tình dục ra khỏi hôn nhân như thế mà đã không sao tránh khỏi những hậu quả đương nhiên đem đến cho nó trong “Hạt Cơ Bản”, cuốn tiểu thuyết nổi tiếng của tác giả Pháp Michel Houellebecq đã mỉa mai khá chua chát về cuộc Cách Mạng Tình Dục 1960 – 1970. Michel Houellecq đã miêu tả nó một cách lạnh lẽo thô kệch thảm hại hay nói như Michel Dzerzinski nhân vật chính trong tác phẩm “Tình dục đã trở nên thảm hại”. Những năm 1960 – 1970 ở phương Tây tỷ lệ ly hôn tăng nhanh tỷ lệ sinh sản giảm mạnh. Con người được hưởng thụ giải trí trong hoàn cảnh các giá trị gia đình lỏng lẻo, tình cảm nhạt nhòa sự bảo toàn nòi giống trở nên đáng báo động. Cuôn sách tràn ngập thông điệp: “Nền văn minh phương Tây xuống dốc từ cách mạng tình dục mà cứ tưởng đang làm cách mạng giải phóng con người” (Wilkipedia đã dẫn).
Chỉ thích hưởng thụ mà không muốn sinh con đẻ cái, chính điều ấy đã làm cho đời sống không còn ý nghĩa gì nữa đồng thời tất yếu sẽ đưa đến chỗ tiêu diệt. Tại sao? Bởi như thế là đã trái với định luật tự nhiên là sự truyền sinh. Cứ xem trong thiên nhiên sẽ thấy từ các loài thực vật cho tới động vật không loài nào mà không được trời phú bẩm cho cái khả năng truyền sinh hầu lưu truyền nòi giống. Đối với thực vật thì sự truyền sinh ấy không có sự giao phối đực cái (Âm Dương) giống như sinh vật mà là do sự thụ phấn hoặc di chuyển các hạt bằng sức đẩy của gió hay của chim chóc của côn trùng v.v… Còn với các loài sinh vật từ bậc thấp cho đến bậc cao thì việc truyền sinh ấy được thực hiện như một thứ bản năng có nghĩa chúng không thể từ chối. Con người xét về mặt thiên nhiên tuy cũng là một thứ động vật nhưng là loài có ý thức nên việc truyền sinh ấy được thực hiện qua các định chế hôn nhân.
Việc kết hôn của người đời hay người có đạo đều có mục đích là để sinh con lưu truyền nòi giống. Thế nhưng trong việc lưu truyền này ta thấy có sự khác biệt. Nòi giống người có đạo là nòi giống tâm linh. Còn người đời là nòi giống xác thịt. “Buổi tối hôm thành hôn, Tobia nói với Sara rằng: Chúng ta là con cháu các Thánh, chúng ta không thể kết bạn như những chư dân họ không nhận biết Thiên Chúa” (Tob 8, 5).
Người Công giáo kết hôn không như những kẻ ngoại đạo bởi vì mục đích rốt ráo của hôn nhân là để nhận biết Thiên Chúa hay nói cách khác là để sản sinh ra những người Con Thiên Chúa. Có nhận ra như thế chúng ta mới thấy hôn nhân Công giáo quả thật là một Bí Tích. Sống đời sống hôn nhân Công giáo là sống Bí Tích Tình Yêu của Chúa Kitô dành cho Hội Thánh: “Cũng một thể ấy chồng phải thương yêu vợ mình như chính thân thể mình. Ai thương yêu vợ mình là thương yêu chính mình vậy. Vì chẳng hề có ai ghét thân thể mình nhưng nuôi nấng chăm sóc nó như Chúa Kitô đối với Hội Thánh” (Eph 5, 28-29).
Chúa Kitô yêu thương Hội Thánh và hiến mình cho Hội Thánh thế nào thì vợ chồng cũng phải hiến thân cho nhau như vậy. Sự hiến thân ấy thể hiện ở nơi lời hứa chung thủy với nhau khi thịnh vượng cũng như lúc gian lao, khi mạnh khỏe cũng như lúc ốm đau để yêu thương tôn trọng nhau suốt đời. Tôn trọng yêu thương trong lúc mạnh khỏe có công ăn việc làm phương tiện đầy đủ không có gì khó. Cái khó là những khi hoạn nạn ốm đau nghèo khó, chỉ khi ấy sự chung thủy trong hôn nhân mới bị thử thách và thử thách ấy sẽ không thể vượt qua nếu không có Chúa Kitô ở cùng “Vì ngoài Ta các con không thể làm gì được” (Ga 15, 5).
Phùng Văn Hóa