LỄ CHÚA BA NGÔI
Mầu nhiệm Đức Chúa Trời Ba ngôi là chân lý đức tin, không dành cho bất kỳ một ai có thể hiểu đầy đủ và giải thích riêng lẻ.
Trong tất cả các kinh cầu, Hội Thánh đều tuyên xưng: “Ðức Chúa Cha ngự trên trời là Ðức Chúa Trời thật. Ðức Chúa Con chuộc tội cứu thế là Ðức Chúa Trời thật. Ðức Chúa Thánh Thần là Ðức Chúa Trời thật. Ba Ngôi cũng là một Ðức Chúa Trời”.
Kinh Thánh không bao giờ dùng ý niệm “Ba Ngôi” nói về Thiên Chúa. Chỉ khái niệm triết học cho ta danh từ “Ba Ngôi”. Tuy nhiên, nhờ mạc khải, cách này, cách khác, Kinh Thánh cho ta bằng chứng đức tin Thiên Chúa Ba Ngôi.
- Sách Sáng thế nhắc đến “thần khí” Thiên Chúa (mà nhiều người tin là Chúa Thánh Thần) ngay khởi đầu tạo dựng: “Lúc khởi đầu, Thiên Chúa sáng tạo trời đất.Đất còn trống rỗng, chưa có hình dạng, bóng tối bao trùm vực thẳm, và thần khí Thiên Chúa bay lượn trên mặt nước” (1:1).
Hoặc những lần khác, Thiên Chúa như tự ngỏ với chính mình bằng đại từ số nhiều: “Chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta…” (1:26). Hoặc: “Này con người đã trở thành như một kẻ trong chúng ta…”(3:22). Hoặc: “Nào! Ta xuống và làm cho tiếng nói của chúng phải xáo trộn, khiến chúng không ai hiểu ai nữa” (11:7).
- Tiên tri Isaia cũng có lần dùng đại từ số nhiều để diễn tả cuộc trò chuyện nơi chính cung lòng Thiên Chúa: “Bấy giờ tôi nghe tiếng Chúa Thượng phán: ‘Ta sẽ sai ai đây? Ai sẽ đi cho chúng ta?’” (6, 8). Tác giả cũng nói đến“Thần khí của Đức Chúa là Chúa Thượng ngự trên tôi” (61, 1).
Nhiều ý kiến cho rằng, khi nói “chúng ta”, Thiên Chúa cho thấy nơi chính Người là số nhiều. Dẫu chưa rõ ràng, nhưng “số nhiều” nội tại nơi Thiên Chúa, là khởi đầu của mạc khải mầu nhiệm Ba Ngôi.
- Thánh Phaolô: “Chỉ có một Thiên Chúa là Cha, Đấng tạo thành vạn vật và là cùng đích của chúng ta; và cũng chỉ có một Chúa là Đức Giêsu Kitô, nhờ Người mà vạn vật được tạo thành, và nhờ Người mà chúng ta được hiện hữu” (1Cr 8, 6).
Hoặc: “Cầu chúc toàn thể anh em được đầy tràn ân sủng của Chúa Giêsu Kitô, đầy tình thương của Thiên Chúa, và ơn hiệp thông của Thánh Thần” (2Cr 13, 13).
Hoặc: “Để chứng thực anh em là con cái, Thiên Chúa đã sai Thần Khí của Con mình đến ngự trong lòng anh em mà kêu lên ‘Ápba, Ba ơi!’” (Gl 4,6).
Thư Êphêsô: “Thật vậy, nhờ Người, cả đôi bên, chúng ta được liên kết trong một Thần Khí duy nhất, mà đến cùng Chúa Cha” (2,18); “Chỉ có một thân thể, một Thần Khí, cũng như anh em đã được ơn để chia sẻ cùng một niềm hy vọng. Chỉ có một Chúa, một niềm tin, một phép rửa. Chỉ có một Thiên Chúa, Cha của mọi người, Đấng ngự trên mọi người và trong mọi người” (4,4-6).
Còn trong thư Titô: “Thiên Chúa đã tuôn đổ đầy tràn ơn Thánh Thần xuống trên chúng ta, nhờ Đức Giêsu Kitô Đấng cứu độ chúng ta” (Tt 3,6).
- Đặc biệt, Tin Mừng nhiều lần nhắc đến cùng lúc cả ba Ngôi Vị: Chẳng hạn, biến cố Chúa Giêsu chịu phép rửa: “Khi Đức Giêsu chịu phép rửa xong, vừa ở dưới nước lên, thì các tầng trời mở ra. Người thấy Thần Khí Thiên Chúa đáp xuống như chim bồ câu và ngự trên Người. Và có tiếng từ trời phán ‘Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người’” (Mt 3, 16).
Chính Chúa Giêsu nhắc đến cả Ba Ngôi trong lời dạy của Người: “Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần” (Mt 28, 19). Hoặc: “Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi. Đó là Thần Khí sự thật, Đấng mà thế gian không thể đón nhận, vì thế gian không thấy và cũng chẳng biết Người (14, 16-17). Hoặc: “Người lại nói với các ông: ‘Bình an cho anh em! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em’. Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: "Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần”(Ga 20, 21-22).
Mạc khải của Thánh Kinh về mầu nhiệm Ba Ngôi còn nhiều. Chúng ta lướt qua một phần của mạc khải ấy, để giúp bản thân tin vững vàng và yêu mến chính mầu nhiệm mà mình hằng tuyên xưng.
Điều cần thiết, ta phải thực hiện khi tuyên xưng Thiên Chúa Ba Ngôi, là sống chính chân lý mình tuyên xưng. Sau đây là một số đề nghị, khả dĩ giúp ta có thể sống và gắn bó hơn với Thiên Chúa là Cha, và Con, và Thánh Thần.
1. Ý thức việc tuyên xưng Ba Ngôi. Không người tín hữu Công giáo sốt sắng nào mà không ghi dấu thánh giá lên thân thể và đọc kinh Sáng danh hàng ngày trong đời sống mình. Vậy, đừng bao giờ làm dấu hay đọc kinh qua loa, cho xong, cho có. Nhưng hãy làm dấu và đọc kinh thật chăm chú, cẩn trọng, sốt sắng. Hãy ghi dấu thánh giá trên thân mình, và đọc kinh sáng danh trong tâm tình cầu nguyện, yêu mến, tin tưởng cậy trông.
2. Noi gương Chúa Giêsu trong mọi hoàn cảnh để càng ngày càng đến gần Thiên Chúa hơn. Vậy chúng ta hãy:
- Thờ lạy Thiên Chúa. Đó là thái độ đầu tiên của thụ tạo khi đối diện với Đấng Tạo Thành. Ta phải thờ lạy Thiên Chúa bằng tất cả con tim, trí óc, trọng làm người.“Chính Ðức Chúa Thiên Chúa của anh em là Ðấng anh em phải kính sợ, chính Người là Ðấng anh em phải phụng thờ” (Ðnl 6,13-14). “Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Người mà thôi” (Mt 4, 10).
- Chúc tụng Thiên Chúa: Ý thức luôn được Chúa quan phòng, săn sóc, ta hết lòng ca ngợi Chúa. Quyền năng của Chúa là quyền năng cao cả, quyền năng thượng trí, nhưng Chúa lại dùng quyền năng ấy để bảo vệ, chở che chúng ta. Chúng ta ngoan ngoãn để Chúa dắt dìu và không ngớt ca khen, vinh chúc danh Người. Hãy theo tư tế Giacaria, cả đời vang lời chúc tụng: “Chúc tụng Đức Chúa là Thiên Chúa Ít-ra-en đã viếng thăm cứu chuộc dân Người” (Lc 1, 68).
- Tạ ơn Chúa. Có nhiều Thánh vịnh Tạ ơn, giúp ta nâng tâm hồn hướng về Chúa, biết ơn Chúa, cảm tạ Chúa. “Hãy tạ ơn Chúa vì Chúa nhân từ; muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương" (Tv 106, 1). “Thú vị thay đưọc tạ ơn Chúa, được hát mừng danh Ngài, lạy Đấng Tối Cao, được tuyên xưng tình thương Ngài giữa buổi sớm, và lòng thành tín của Ngài suốt canh khuya” (Tv 92, 2-3). “Người công chính, hãy reo hò mừng Chúa, kẻ ngay lành, nào cất tiếng ngợi khen.Tạ ơn Chúa, gieo vạn tiếng đàn cầm, kính mừng Người, gảy muôn cung đàn sắt” (Tv 33, 1-2)
Thánh Phaolô cũng dạy các tín hữu hãy tạ ơn Chúa:“Hãy tạ ơn trong mọi hoàn cảnh. Anh em hãy làm như vậy, đó là điều Thiên Chúa muốn trong Đức Kitô Giêsu” (1Tx 5, 18).
- Xin lỗi Chúa. Biết bao lần chúng ta vô ơn đối với tình yêu cao cả của Chúa. Biết bao lần, chúng ta bất xứng. Biết bao lần, chúng ta mê lầm trong tội, chạy theo cám dỗ, bội nghĩa vong ân. Hãy làm như “người con thứ” trong dụ ngôn Người Cha nhân hậu, dứt khoát trở về cùng Chúa, thành tâm xin lỗi Chúa, quyết tâm chừa tội: “Thôi ta đứng lên, đi về cùng cha và thưa với người: Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, chẳng còn đáng được gọi là con cha nữa. Xin coi con như một người làm công cho cha vậy” (Lc 15,18-19).
- Vâng phục thánh ý Chúa. Ta tìm ý Chúa trong kinh nghiệm sống, trong các biến cố thăng trầm của cuộc đời mình. Đó là nhìn lại những năm tháng, những biến cố trong chính cuộc đời của riêng mình đã đi qua, để thấy chương trình của Chúa mà tiếp tục tín thác và đặt mình vào bàn tay từ ái của Chúa.
Ta tìm ý Chúa qua thinh lặng và cầu nguyện. Chính trong thinh lặng và liên lỉ cầu nguyện, ta luôn đặt mình liên hệ với Chúa. Nhờ đó, ta nhận ra những tác động nội tâm mà Chúa dành cho, để sẵn sàng đón nhận và sống thánh ý Chúa.
3. Yêu thương mọi người. Yêu thương là điểm đặc biệt nơi cung lòng Ba Ngôi. Ba Ngôi yêu thương nhau làm khuôn mẫu cho tình yêu của chúng ta với nhau. Ngắm nhìn tình yêu tràn đầy nơi Thiên Chúa, thánh Gioan đòi chúng ta phải yêu nhau:“Thiên Chúa là Tình Yêu. Ai ở lại trong tình yêu thì ở lại trong Thiên Chúa và Thiên Chúa ở lại trong người ấy” (1Ga 4, 16b).
Hoặc: “Nếu ai nói: Tôi yêu mến Thiên Chúa mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối: Vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy. Đây là điều răn mà chúng ta đã nhận được từ Người: Ai yêu mến Thiên Chúa thì cũng yêu thương anh em mình”(1Ga 4, 20-21).
Cố gắng quay về mạc khải mầu nhiệm Ba Ngôi, là cố gắng, ngoài ước muốn tìm biết mầu nhiệm cực trọng này, còn là cách giúp bản thân yêu mến Lời Chúa, tin tưởng và phó thác trong bàn tay từ ái, quan phòng của Chúa hơn.
Khôn ai có thể nắm trọn vinh quang của Chúa. Bản thân từng người, hay cả cộng đoàn Hội Thánh có nỗ lực tìm kiếm vinh quang vô cùng của Chúa, chúng ta cũng không thể nói hết, viết hết, không thể ca tụng đủ lời, không thể dò dẫm cho tường tận…
Trước vinh quang vô cùng của Chúa, ta chỉ còn biết thốt lên: “Chúa là tất cả mọi sự”. Còn ta, hãy từng ngày, từng ngày một, cảm nghiệm hơn tình yêu, sự cao cả tối thượng của Chúa. Hãy để Chúa dẫn dắt từng bước qua mọi thời gian của đời sống, trong từng nhịp thở mà Chúa ban cho ta.
Lm. JB NGUYỄN MINH HÙNG (Gx. Tân Thạnh Đông)
http://www.conggiaovietnam.net/index.php?m=home&v=detail&ia=13832