19/05/15 THỨ BA TUẦN 7 PS
Ga 17,1-11a
NGỘ RA CHA CỦA TA
Sự sống đời đời là nhận biết Cha.” (Ga 17,3)
Suy niệm: Ngày nay người ta đánh giá rất cao tri thức. Nhờ hiểu biết qui luật vận hành của vũ trụ, nhân loại đạt được những tiến bộ vượt bậc. Nhưng tri thức không chỉ có một loại. Triết gia Socrates (Xô-cra-tét) nói “Biết mình” là đầu mối mọi sự khôn ngoan. Sự “giác ngộ” của Đức Phật giúp vạch ra con đường giải thoát khỏi bể khổ. Chúa Giê-su giúp chúng ta đào sâu tri thức tới ngọn nguồn của nó, một tri thức thực thụ, hoàn hảo, không chỉ là biết vũ trụ, biết mình mà còn là “nhận biết Thiên Chúa Cha”, thứ tri thức đem lại “sự sống đời đời”.
Mời Bạn: Thực tế cuộc sống đang diễn ra với biết bao triển vọng và thách đố, biết bao vui buồn sướng khổ, với nền khoa học kỹ thuật tiến triển không ngừng. Giữa cảnh đời vàng thau lẫn lộn, và biến chuyển nhanh chóng này, làm sao ta có thể “ngộ” ra Cha của Ta, “ngộ” ra Thiên Chúa tình yêu đã đi vào đời chúng ta và đang đồng hành với chúng ta nơi Con Một Ngài là Đức Ki-tô? Liệu hình ảnh của Thiên Chúa có đang bị lu mờ giữa một thế giới duy vật và hưởng thụ của ngày hôm nay không? Việc “ngộ ra Cha của Ta” là điều cần thiết để giúp chúng ta “giác ngộ” con người thực của mình và mở cửa tâm hồn để lãnh nhận sự sống đời đời là hạnh phúc Nước Trời.
Chia sẻ: Điều kiện cần để “ngộ ra Cha” là: “Nhận biết Đức Giê-su Ki-tô, là Đấng Cha sai đến”. Tại sao thế?
Sống Lời Chúa: Để “nhận biết Đức Ki-tô”, bạn mời bạn tham gia những khoá học hỏi Kinh Thánh và trung thành suy niệm Lời Chúa mỗi ngày.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin ban Thánh Thần cho chúng con để chúng con nhận ra Chúa nơi Con Một Chúa là Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng con.
Thánh Giáo Hoàng Celestine V
(1215 -- 1296)
Thánh Celestine, tên thật là Phêrô Morrone, sinh trong một gia đình nghèo ở nước Ý và ngài là thứ mười một trong gia đình mười hai người con. Năm hai mươi tuổi, Phêrô từ giã mái trường và sống khổ hạnh trong một hầm nhỏ mà ngài đào ở dưới đất. Sau ba năm, ngài gia nhập dòng Biển Ðức và được thụ phong linh mục ở Rôma.
Ðến năm 1246, ngài trở về Abruzzi, và sống năm năm trong một cái hang ở Morrone, gần núi Sulmona. Ðể chống lại các cám dỗ, ngoài thời giờ cầu nguyện và đọc Kinh Thánh, ngài lao động thật cực nhọc hoặc sao chép lại các sách thiêng liêng. Ngài không bao giờ ăn thịt và giữ chay bốn lần trong một năm. Ngoài ra, ngài còn mặc áo nhặm, đeo giây lưng bằng sắt, ngủ trên mặt đất hoặc tấm ván thô và dùng củi hoặc đá để gối đầu. Thân xác ngài càng tiều tụy thì tinh thần ngài càng thăng tiến. Nhiều người đến với ngài và bắt chước lối sống khổ hạnh ấy. Sau cùng ngài phải thành lập một dòng tu và cho đến khi từ trần, trên toàn Âu Châu đã có ba mươi sáu đan viện và sáu trăm đan sĩ nam nữ sống theo quy luật của ngài.
Sau khi Ðức Giáo Hoàng Nicôla IV từ trần, Giáo Hội không có người kế vị trong hai năm và ba tháng, và vì nghe tiếng thánh thiện của Cha Phêrô, hồng y đoàn đã chọn ngài làm giáo hoàng, lúc ấy đã tám mươi bốn tuổi. Ngài đau khổ khi nghe tin ấy, nhưng phải chấp nhận và lấy tên là Celestine V. Quyết định ấy đã đưa đến nhiều thảm họa vì Ðức Celestine không thích hợp với vai trò giáo hoàng trong bất cứ khía cạnh nào khác, ngoại trừ sự thánh thiện.
Ngài làm giáo hoàng chỉ có năm tháng. Bởi vì ngài quá khiêm tốn và đơn sơ nên bị nhiều người lợi dụng. Ngài trở thành con cờ chính trị của Vua Charles II nước Naples. Không bao lâu nhiều vấn đề phức tạp đã xảy ra trong Giáo Hội. Sau cùng, ngài quyết định từ chức, và quỳ gối tạ tội trước Hồng Y Ðoàn vì đã không chu toàn nhiệm vụ cai quản Giáo Hội. Thật là một nghĩa cử khiêm tốn biết chừng nào!
Tưởng được yên thân để sống đời ẩn dật như trước, nhưng hậu quả của các quyết định trong thời gian ngài làm giáo hoàng đã để lại nhiều nghi vấn nơi vị tân giáo hoàng kế nhiệm, do đó, Ðức Boniface VIII đã giam ngài trong thành Fumone. Ở đây, ngài bị sỉ nhục và chịu gian khổ, nhưng không hề than thở một lời. Trái lại, ngài còn gửi thư cho Ðức Boniface cho biết ngài rất hài lòng và không còn muốn gì hơn. Ngài thường nói: "Tôi không mong muốn gì hơn ở thế gian này ngoài căn phòng nhỏ hẹp; và họ đã cho tôi toại nguyện."
Trong thời gian tù đầy, ngài thường hát thánh vịnh đêm ngày. Một ngày trong tháng Năm 1296, ngài báo trước với lính canh là ngài sẽ chết vào cuối tuần. Thật vậy, sau khi kết thúc bài thánh vịnh trong giờ kinh sáng ngày thứ Bảy 19-5, ngài trút hơi thở cuối cùng. Trong mười tháng tù đầy, ngài không bao giờ giảm bớt lối sống khắc khổ.
Nhờ lời cầu bầu của ngài, nhiều phép lạ đã được ghi nhận, và ngài được Ðức Clêmentê V phong thánh năm 1313.
Tôi Chết Thay Cho Thầy Tôi
Một tu sĩ Hồi Giáo nọ quy tụ được 60 môn sinh. Sau một thời gian giáo huấn họ, ông quyết định như sau: Ta thấy đã đến lúc phải làm một cuộc hành trình mới. Ta không biết những gì sẽ xảy ra cho thầy trò chúng ta. Các ngươi hãy tuân giữ các điều ta đã truyền dạy cho các ngươi. Hãy nhớ điều này: trong bất cứ lúc nào, hễ ta giơ tay lên trời thì các ngươi hãy hô lớn: "Tôi chết thay cho thầy tôi".
Ðám môn sinh nhận thấy không thể chấp nhận được một đề nghị xem ra điên rồ như thế, cho nên 59 người đã bỏ cuộc trở về với nếp sống cũ của họ. Chỉ có một người chấp nhận điều kiện và quyết tâm đi theo thầy mình cho đến cùng. Hai thầy trò lên đường mà không biết đi về đâu. Họ đi mãi cho đến lúc tới một thành phố do một bạo chúa cai trị. Không bao lâu thì họ vào thành phố, ông bạo chúa đã ra lệnh cho các binh lính như sau: "Các ngươi hãy bắt giữ lấy tên du thử du thực đầu tiên và điệu đến đây cho ta. Ta muốn treo cổ hắn để làm một bài học cho bọn vô lại trong thành phố này".
Thế là bọn lính đã đến bắt người đệ tử của vị tu sĩ và điệu đến trước mặt bạo chúa. Giữa lúc cuộc hành quyết sắp bắt đầu, thì vị tu sĩ mới xuất hiện giữa đám đông và hô lớn: "Thưa quan lớn, xin hãy giết tôi, vì chính tôi là người đã dụ dỗ thanh niên này bỏ nhà ra đi để sống kiếp sống lang thang như tôi". Nói xong ông giơ tay lên trờị
Vừa thấy cử chỉ ấy của vị thầy, người thanh niên mới gào lên: "Thưa quan lớn, tôi muốn chết thay cho thầy tôi".
Quan bạo chúa nghe thế, mới hỏi các viên cố vấn của mình như sau: "Họ là ai mà sẵn sàng chết thay cho nhaủ". Quan bạo chúa mới cho điệu vị tu sĩ đến trước mặt và yêu cầu giải thích cho cặn kẽ về mối tương quan giữa thầy trò.
Vị tu sĩ Hồi Giáo mới bình tĩnh phát biểu như sau: "Thưa quan lớn, chúng tôi có nghe nói rằng bất cứ ai được giết trong thành phố này đều được phúc trường sinh bất tử. Dĩ nhiên, nghe biết như thế, cho nên thầy trò chúng tôi mới hăm hở đến đây để được chết như thế".
Nghe thế, quan bạo chúa mới mỉm cười, rồi ra lệnh trả tự do cho họ. Người môn sinh chợt hiểu được rằng ai hy sinh mạng sống mình thì sẽ tìm lại được nó.
Cái chết của Ðức Kitô trên thập giá đều là vô nghĩa, nếu cái chết đó không phải là cái chết cho mọi người. Thập giá của Ðức Kitô sẽ chỉ là một ô nhục, nếu thập giá đó không là biểu trưng của tình yêu, sự hy sinh.
Bước theo Ðức Kitô trong cuộc tử nạn, vác lấy thập giá và đi theo Ngài không là một việc làm nhiệm ý và tùy hứng, nhưng là đòi hỏi thiết yếu của ơn gọi Kitô. Con đường của Ðức Kitô chính là con đường của tình yêu, của hy sinh hiến thân cho người khác.