Chuyện kể: Một bá tước người Nga và vợ đi trên chiếc xe ba ngựa qua một miền quê vắng vẻ. Cùng có mặt trên xe với họ là Andrei, người đầy tớ trung thành. Đột nhiên, một bầy sói đói bỗng dưng xuất hiện, tấn công chiếc xe. Bá tước liền thả một con ngựa.
Tưởng rằng bầy sói, trong lúc vồ lấy và xé thịt ngựa, vợ chồng bá tước sẽ có thời gian chạy thoát. Nhưng họ đã lầm. Bầy sói chỉ ăn thịt con ngựa trong giây lát. Bây giờ mùi máu tươi càng làm chúng thêm hung tợn. Chúng lại chạy theo tấn công xe của con người.
Vợ chồng bá tước vô cùng hoảng sợ. Họ không thể thả thêm một con ngựa vì chiếc xe sẽ lật nhào, mà khoảng cách giữa họ và những chiếc miệng đói kia thì chỉ là gang tất.
Cuối cùng, khi tất cả hy vọng dường như tiêu tan, người đầy tớ trung thành Andrei đã tự nhảy xuống xe làm mồi cho bầy thú dữ. Vợ chồng bá tước thoát nạn. Người đầy tớ của họ, đã hy sinh mạng sống mình vì họ…
Trong kho tàng chuyện kể của trần gian, chúng ta vẫn thường gặp vô vàn những câu chuyện tương tự như thế: Con người hy sinh cho nhau.
Dù vậy, đối với những kẻ làm chủ, những kẻ nắm quyền lực, những vua chúa hay bất cứ người lãnh đạo nào…, thói thường ta vẫn thấy, trong bất cứ trường hợp chạm trán hiểm nguy nào, những kẻ thuộc quyền, những kẻ bề tôi, phải hy sinh cho họ.
Và ai ai cũng chấp nhận kiểu suy nghĩ rằng, “người dưới”, “người nhỏ” hy sinh cho “người trên”, “người lớn” là chuyện thường tình, chuyện không cần bàn cãi.
Nếu hiểu theo nghĩa ấy, ta thấy lời khẳng định của Chúa Giêsu: “Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Mục Tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên”, chứng tỏ Chúa Giêsu, dù là Đấng Tối Cao, Đấng Thiên Chúa làm người, đã tự ví mình ngang hàng với đầy tớ, để đón nhận sự hy sinh bản thân, đón nhận sự mất mát thuộc về mình, cho “đoàn chiên”, là chính chúng ta được sống, được cứu thoát, được hạnh phúc.
Và cũng trong mạch suy nghĩ ấy, chúng ta khẳng định mà không sợ quá lời rằng: Khi là kẻ được hy sinh cho, “đoàn chiên” bỗng được chủ của mình đặt lên hàng làm chủ, làm người “phía trên”, để người thực là chủ ấy có thể phục vụ cho, có thể hy sinh cho, có thể chết cho, có thể quan phòng săn sóc cho, có thể thực hành mọi sáng kiến để mang lại lợi ích cho…
Không chỉ có bấy nhiêu. Càng đọc tiếp Tin Mừng theo thánh Gioan, chúng ta càng bắt gặp sự “cao cả” của chúng ta. Sự “cao cả” mà Chúa Giêsu dành cho: “Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Tôi biết chiên của tôi và chiên của tôi biết tôi, như Chúa Cha biết tôi và tôi biết Chúa Cha, và tôi hy sinh mạng sống mình cho chiên”.
Khi khẳng định “Tôi biết”, Chúa Giêsu cho thấy sự “biết” mà Người dành cho chúng ta thật sâu thẳm, thật cụ thể, thật gần gũi, lồng trong ta, hiểu ta như hiểu chính bản thân của Người. Cái “biết” thâm sấu ấy, đả làm cho Chúa nên một trong ta và ta trong Chúa.
“Biết” như thế là “biết” cách cá vị. Cái “biết” ấy đã làm cho mục tử và đàn chiên gắn chặt vào nhau. Cái “biết” ấy đã làm nảy nở tình yêu giữa mục tử và chiên, càng lúc càng lớn mạnh, và sẽ lớn đến vô cùng.
Cái “biết” ấy là động lực để chính mục tử càng ngày càng quyến luyến đàn chiên, càng không thể xa rời đàn chiên, càng tiến tới hy sinh và hy sinh “mất mạng sống mình cho chiên”.
Cái “biết” ấy được nâng ngang tầm “Cha biết tôi và tôi biết Cha”. Không thể có bất cứ lời nào để nói hết tình yêu của Chúa Giêsu đối với chúng ta. Bởi tình yêu giữa Cha và Chúa Giêsu là tình yêu của Thiên Chúa, không có thứ tình yêu thứ hai nào trong trời đất. Đó là tình yêu vĩnh cửu, tình yêu tuyệt đối, tình yêu chỉ có từ chính cung lòng của Đấng Toàn năng và Chí Thánh.
Vậy mà Chúa Giêsu lại “biết” ta bằng cái “biết” chỉ có trong tình yêu của Thiên Chúa. Chúng ta thật hạnh phúc. Chúng ta thật giá trị. Chúng ta thật hữu danh trước Đấng Cứu Chuộc mình.
Chúng ta là một tặng phẩm vô giá của Chúa Giêsu. Chúng ta là sự nghiệp, là niềm vui của Chúa Giêsu. Chúng ta là đối tượng tình yêu của Chúa Giêsu. Chúng ta là bảo vật mà Chúa Giêsu không ngừng tìm kiếm và gìn giữ.
Không bao giờ có ai dám nói, mình làm chủ của Chúa Giêsu. Bởi ai mà không tự nhận thấy, bản thân mình phải lệ thuộc hoàn toàn vào Chúa. Có Chúa, chúng ta mới được sáng tạo, được sống, và được tái tạo.
Có Chúa, chúng ta mới có thể đến cùng Chúa Cha. Có Chúa, chúng ta mới biết rằng, mình được sống nhờ sự sống mà Thiên Chúa thông chia. Và chỉ có Chúa, chúng ta mới được soi đường tiến về hạnh phúc thật của đời mình.
Không bao giờ có ai dám nói, mình làm chủ của Chúa Giêsu. Bởi chính Người mới thật là chủ của chúng ta. Chúa là chủ chăn. Chúng ta chỉ là chiên trong tay của Chúa. Chúng ta lệ thuộc vào Chúa.
Nhưng Chúa không đòi chúng ta phải chết. Chính Người tự nguyện đi vào cõi chết, để chúng ta được sống. Chính Người sống lại, để chúng ta sống đời đời.
Chúa Giêsu tự nguyện trở thành “Người Tôi Tớ” mà tiên tri Isaia đã từng loan báo. Chúa nâng từng người lên thân phận cao quý đến nỗi, Chúa trở thành “Người Tôi Tớ” chết cho từng người.
Chúng ta cảm tạ Chúa Giêsu. Lòng cảm tạ mà chúng ta dâng lên Chúa Giêsu phải là lòng cảm tạ xuyên suốt, thấm vào từng nếp nghĩ, nếp sống, từng thời gian của bản thân.
Nhận ra sự cao quý của mình, của mọi con người mà Thiên Chúa và Chúa Giêsu dành cho, chúng ta sống lòng cảm tạ bằng thái độ hết sức tôn trọng sự sống, tôn trọng sự thật, bảo vệ nhân quyền, bảo vệ môi sinh, thăng tiến công bằng xã hội…
Sống đúng những giá trị ấy, chắc chắn sẽ có lúc ta không chỉ trả giá, mà còn trả giá đắt. Như thánh Gioan nói: “Thế gian không nhận biết chúng ta, vì thế gian không nhận biết Thiên Chúa” (1Ga 3, 1b).
Sự mù quán của thế gian là thử thách, là chông gai dành cho những ai sống lòng biết ơn Thiên Chúa qua những giá trị vừa nói.
Nhưng không có con đường nào khác. Bởi một mặt, Mục Tử của chúng ta đã hiến dâng mạng sống của Người vì chúng ta, đã từ địa vị “Chủ Chăn” trở thành “Người Tôi Tớ”, vì tất cả những giá trị cao quý ấy.
Mặt khác, Vị Mục Tử Nhân Lành cũng đã từng lên tiếng: “Như Chúa Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em.” (Ga 20:21).
Nên chúng ta chỉ có một hướng đi, là theo hướng đi của Người nhằm sống lòng cảm tạ của mình mà thôi.
Hiến thân cho Thiên Chúa, cho Chúa Giêsu, cho thế giới, cho từng con người là vinh dự, là ẽ sống, là sự sống còn của từng người – những kẻ làm chiên trong tay Chúa.
Lm. JB NGUYỄN MINH HÙNG (Giáo xứ Tân Thạnh Đông) Trích: Conggiaovietnam.org
“CHÚA DẪN TÔI ĐI…”
Nhân lễ Chúa là Đấng Chăn Chiên Nhân Lành, chúng ta đọc lại Thánh vịnh 23 để cảm nhận nhiều hơn về tình yêu, sự âu yếm, ân cần sắp đặt đời ta theo thánh ý kỳ diệu của Chúa.
Từ suy tư về tình yêu của Chúa, ta sẽ thêm gắn bó với Lời Chúa. Yêu mến Lời Chúa càng là cách để ta càng nhận ra lối đường Chúa dẫn ta đi.
Chúa là Đấng Chăng Chiên Nhân Lành. Người dẫn ta đi bằng nhiều phương thế. Trong đó, Lời cùa Người là điểm tựa để ta khám phá thánh ý Người.
Thánh vịnh 23 ca tụng Đấng là Mục Tử của chúng ta rằng: “Chúa là mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì. Trong đồng cỏ xanh tươi, Người cho tôi nằm nghỉ. Người đưa tôi tới dòng nước trong lành và bổ sức cho tôi. Người dẫn tôi trên đường ngay nẻo chính vì danh dự của Người.
Lạy Chúa, dầu qua lũng âm, con sợ gì nguy khốn, vì có Chúa ở cùng. Côn trượng Ngài bảo vệ, con vững dạ an tâm. Chúa dọn sẵn cho con bữa tiệc ngay trước mặt quân thù. Đầu con, Chúa xức đượm dầu thơm, ly rượu con đầy tràn chan chứa.
Lòng nhân hậu và tình thương Chúa ấp ủ tôi suốt cả cuộc đời, và tôi được ở đền Người những ngày tháng, những năm dài triền miên” (Tv 23).
1. PHÓ THÁC CHO CHÚA.
Câu hỏi suy ngẫm: Tại sao người chăn chiên phải dẫn đường cho chiên?“Người dẫn tôi trên đường ngay nẻo chính” có nghĩa gì? Tại sao? Bạn được Chúa dẫn dắt từng ngày như thế nào? Vì lý do nào?
Chúng ta cần thinh lặng để suy nghĩ và trả lời những câu hỏi trên dựa trên chính những khám phá về tình yêu của Chúa dành cho chính bản thân.
Với kinh nghiệm về tình yêu Chúa dành cho mình, ta sẽ an lòng khi đọc và suy niệm Lời Chúa. Vì cũng như chính cuộc đời ta, Chúa cũng sẽ dẫn dắt và soi sáng cho ta khi ta đi tìm ý nghĩa của chính Lời mà Chúa dạy ta.
Đấng Chăn Chiên không chỉ cho chiên ăn, Người còn dẫn dắt đàn chiên, chu cấp nhu cầu và bảo vệ đàn chiên, đem những con chiên lạc về (phục hồi) và tiếp tục dẫn chiên đi trên “chính lộ” (các lối công chính).
Chiên không thể nhìn xa. Khi không đi theo người chăn, chiên sẽ đi lạc. Người chăn chiên ở Palestine rành đường đi trong hoang địa, nơi có những đường mòn, lối đi của thú dữ, hay trộm cướp nằm chờ.
Đối với chiên, các con đường đều giống nhau. Nó không biết lối nào dẫn đến triền núi đá, hay thú dữ. Sánh Châm Ngôn 14,12 nói: “Có con đường xem ra ngay thẳng; Nhưng rốt cuộc lại đưa đến tử vong”.
Nhưng Người Chăn Chiên Nhân Lành luôn dẫn chiên đi đến đồng cỏ xanh và suối nước an bình. Chúa luôn dẫn chúng ta vào chính lộ, dẫn chúng ta đến những nơi tốt, không bao giờ để ta là chiên của Người vào chỗ chết.
Điều kỳ diệu về Người Chăn Chiên Nhân Lành là: Người không hề nhầm lẫn. Người luôn luôn dẫn ta đi trên những lối đúng.
“Con đường người công chính tựa ánh bình minh; Càng rực rỡ thêm cho đến lúc chính ngọ” (Cn 4, 18). Con đường Chúa dẫn ta đi không có bóng tối, không có sự nguy hiểm, không có sự thất vọng.
Sách Châm Ngôn còn nói thêm: "Đường công minh đưa tới sự sống; Lối gian tà dẫn đến tử vong” (Cn 12, 28).
Mặc dù không nhìn được xa, bao lâu chiên tin tưởng theo sau chủ chăn, nó sẽ đi đúng đường.
Thị giác của chúng ta, dù là phương diện thể chất, còn có lúc sai lầm, huống hồ trên phương diện thuộc linh. Chúng ta không thể thấy xa. Vậy làm thế nào đối diện với tương lai vô định?
Hãy phó thác mình trong tay Chúa. Hãy để Đấng Chăng Chiên Nhân Lành tùy ý định liệu cho ta. Hãy tin tuyệt đối vào tình yêu và sự quan phòng của Người.
Khi phó thác tương lai của mình, và phó thác chính mình cho Đấng Chăn Chiên Nhân Lành, dù bước đi trong đêm tối, ta vẫn vượt qua và vững vàng trong mọi bất trắc, mọi khốn khó của đời mình.
Muôn đời, Chúa vẫn là sự sáng dẫn đường. Muôn đời Chúa vẫn là bến bờ của tình yêu để ta ngã mình vào đó.
Bao lâu chiên nhìn thấy người chăn và ở gần người chăn, chúng không cần lo sợ tương lai, chúng hoàn toàn bình an. Càng tín thác, ta càng bình an và bình an thật bền bỉ.
Vì chiên không thể nhìn xa, cách duy nhất để nó có thể nhìn thấy người chăn là phải ở gần. Người chăn chỉ có thể dẫn dắt nếu chiên nhìn xem và lắng nghe người chăn.
Lời mạc khải của Chúa là một trong những cách Chúa thể hiện Người ở gần, để ta luôn nhìn thấy, để ta luôn đúng đường, để ta luôn ý thức lắng nghe trong nội tâm của mình. Chúa sẽ dạy ta, khi ta suy niệm Lời của Người.
2. LỜI CHÚA SOI DẪN ĐƯỜNG ĐI.
Đọc Thánh Kinh là cách thể hiện tốt nhất chúng ta là chiên trong tay Chúa, Đấng chăn dẫn chúng ta. Chúa sẽ dẫn ta đi, ta không hề sợ sai lầm khi đọc Thánh Kinh, khi nghiền ngẫm Lời Chúa.
Tuy nhiên, để việc đọc Thánh Kinh là việc “có Chúa”, là việc Người hiện diện để dẫn đường cho ta, đòi ta phải tin tuyệt đối nơi Chúa.
Nói cách khác, thái độ đầu tiên của người đọc Lời Chúa là thái độ của đức tin. Tin rằng, chính qua đoạn Kinh Thánh mà tôi đang đọc, đang suy niệm hay chiêm niệm, Chúa đang ngỏ lời với tôi. Chính Người đang dẫn dắt tôi. Tôi là chiên, Người là Đấng chăn chiên nhân lành dạy tôi theo Người. “Trong sách Thánh, Cha trên trời dịu dàng đến với con cái Người và đi vào cuộc đối thoại với họ (MK 21).
Nhưng để có thể đối thoại với Chúa qua chính bản văng Lời Chúa mà ta đọc, ta cần biết mở lòng lắng nghe tiếng Chúa cách ân cần và khiêm tốn.
Như chiên đang nghe người chủ chiên, tin tưởng và làm theo những gì chủ xếp đặt, thì khi đọc Lời Thiên Chúa, thái độ đức tin đòi ta phải để cho Chúa nói với mình.
Ta nghiêm túc lắng nghe Người và để cho Người dùng Lời mà ta đang đọc, đang suy niệm hay chiêm niệm ấy cảm hóa ta. Ta phải xác định rằng: Tiếng Chúa đến với tôi ở đây, bây giờ.
Có thể tiếng ấy khác với những dự định của tôi và đòi tôi bước vào một cuộc mạo hiểm của lòng tin phó thác, như chiên hoàn toàn để cho người chủ của nó xác định đường lối và dẫn đi bất cứ nơi đâu mà chủ muốn.
Cuộc gặp gỡ với Lời Chúa sẽ soi sáng cho từng cá nhân cũng như cho cả tập thể trước những quyết định và chọn lựa trong hoàn cảnh cụ thể hôm nay.
Như thế, suy niệm Lời Chúa đòi ta phải dấn thân bằng cả cuộc đời. Bởi không phải chỉ ngày một, ngày hai mà ta có thể lắng nghe được tiếng Chúa cách dễ dàng. Càng trung thành khám phá Lời Chúa bao nhiêu, ta càng lắng nghe tiếng Chúa trong ta dồi dào bấy nhiêu.
Nếu trung thành đọc và khám phá Lời Chúa, ta sẽ nhận ra điều thú vị này: Cùng trên một bản văn Lời Chúa, lúc bình an, ta sẽ nghe Chúa nói phù hợp với ta lúc bình an. Nếu ta đang gặp thử thách, đang bệnh tật, lo âu, nghèo đói…, ta sẽ nghe Chúa nói phù hợp với chính hoàn cảnh bi thương của ta. Lúc ta còn trẻ, cũng chính bản văn Lời Chúa ấy, ta sẽ nghe Chúa nói với ta phù hợp với tuổi trẻ. Lúc ta đã cao niên hay xế chiều, Chúa sẽ nói với ta phù hợp với tuổi già của ta.
Có thể lúc này, Chúa nói với ta thế này. Nhưng lúc khác, cùng trên một bản văn đó, nhưng Chúa lại giúp ta hiểu cách khác... Lời Chúa thật lạ lùng. Lời ấy theo ta, đồng hành với ta, sớt chia cùng ta cho đến trọn đời ta.
Đúng thật, Người là Đấng chăn chiên nhân lành. Người dẫn chúng ta “trên đường ngay nẻo chính, vì danh dự của Người” (Tv 23, 3). Người dẫn chúng ta từng người, từng người một, không trừ bất cứ ai!!...
Lm. JB NGUYỄN MINH HÙNG