Kính thưa cộng đoàn, thưa anh em Linh mục quý mến,
Thứ Năm Tuần Thánh là ngày của Linh mục. Ban sáng có thánh lễ truyền Dầu, các LM giáo phận qui tụ xung quanh vị GM giáo phận để biểu dương sự hiệp nhất và tình Huynh đệ trong chức linh mục. Ban chiều có lễ Tiệc Ly, kỷ niệm Chúa Giêsu lập bí tích Thánh Thể, và chính trong khung của bí tích này, được cử hành lần đầu tiên mà Ngài cũng lập bí Truyền Chức Thánh, khai sinh chức linh mục. Linh mục là người được Chúa và Giáo Hội, qua vị Giám mục giáo phận tuyển chọn vào hàng ngũ tư tế đời đời, tông truyền, tức từ thời các thánh tông đồ đến ngày nay.
Lễ Dầu năm nay, đức cha chính dạy tôi chia sẻ với cộng đoàn và cách riêng với các linh mục về đức vâng phục. Tôi xin nói hai điểm : 1/ Đức vâng phục là điều kiện để làm linh mục; 2/ là nhân đức để sống sứ vụ linh mục.
1/ Đức vâng phục là điều kiện để làm linh mục :
Trong 3 nghi thức phong chức PT, LM, GM, mỗi nghi thức có những câu hỏi khác nhau hợp với mỗi cấp, nhưng đặc biệt trong cả ba cuộc phong chức, vị tiến chức đều được (hay bị) tra vấn về đức vâng phục : - “Con có hứa tôn kính và vâng phục cha, cùng những đấng kế vị cha không ?” Câu trả lời là : “Con xin hứa ”. (Tưởng tượng có vị nào dám nói rằng : “Con không hứa”, chắc là nghi thức sẽ dừng lại ngay lập tức. Chấm hết ! Giải tán !) Vâng phục là một trong những điều kiện để được phong chức, thiếu nó, việc phong chức không thành. Không bao giờ GH chuẩn miễn đức vâng phục, trong khi các điều khác có thể miễn chuẩn, (vd với phó tế vĩnh viễn – tức có gia đình-, sẽ không buộc giữ độc thân, đương sự được miễn chuẩn luật này).
Đối với các dòng thì nó là lời khấn, còn với phó tế, linh mục, giám mục giáo phận thì nó là lời hứa. Chúng ta thường dễ nghĩ rằng khấn thìtrọng hơn hứa. Thật ra, khấn hứa đều đòi buộc như nhau, bởi đối tượng nhắm đến là chính Chúa : khấn với Chúa, hứa với Chúa.
Nền tảng của đức vâng phục nằm ở nơi Chúa Giêsu, Đấng “đã vâng lời cho đến chết và chết trên thập giá” (Pl 2,8). Ngài đã “phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục” (Dt 5,8). Ta có thể nói rằng sự vâng phục Chúa Cha chính là tâm điểm chức Linh Mục của Chúa Kitô (Chỉ nam Linh mục số 56). Vậy, được thông phần vào chức Linh mục của Chúa Giêsu, nên một với Chúa Giêsu, linh mục cũng phải rập theo gương vâng phục của Ngài : vâng phục triệt để, tuyệt đối, đến cùng, dù phải chết hay phải trải qua nhiều đau khổ như Chúa Giêsu.
2. Đức vâng phục là nhân đức để sống sứ vụ linh mục :
Câu hỏi ngắn, và câu đáp cũng rất ngắn :“Con xin hứa ”, nhưng hệ quả của nótrải dài suốt cuộc đời, suốt sứ vụ linh mục. Giáo luật khoản 273 qui định như sau : “Linh mục có nghĩa vụ đặc biệt phải tôn trọng và vâng phục đối với ĐGH và Đấng bản Quyền của mình”. Vì thuộc về một linh mục đoàn nhất định, linh mục phục vụ một GH địa phương mà nguyên lý và nền tảng của sự hiệp nhất GH đó ở nơi Giám mục, người thi hành trên GH này mọi quyền hành thông thường, riêng biệt và trực tiếp, cần thiết cho nhiệm vụ mục tử của ngài.
Như mọi tổ chức, GH được xây dựng và đứng vững nhờ sự tùng phục phẩm trật. Giáo dân vâng phục linh mục, linh mục vâng phục giám mục, giám mục vâng phục giáo hoàng …Một cộng đoàn, dù nhỏ bé, nếu không vâng phục nhau thì không thể vững mạnh và tồn tại được. Linh mục – cộng sự viên thân cận của giám mục- mà không vâng phục giám mục, thì thật tai hại, nó gây gương xấu và hoang mang cho các tín hữu, còn đối với linh mục đó, chắc chắn không thể nào chu toàn sứ vụ linh mục cách tốt đẹp được.
Trên tất cả, đó làsự vâng phục Chúa. Mọi người, dù ở cấp bậc nào, phẩm trật nào, đều phải vâng phục Chúa, Đấng Tối Cao. Trong câu trả lời của Chúa Giêsu với Đức Mẹ khi gặp lại nhau ở đền thờ Giêrusalem, ta thấy Chúa Giêsu khéo léo hướng cha mẹ Ngài đến sự vâng phục Thiên Chúa : “Cha mẹ không biết là con phải lo công việc của Cha con sao ?”, và sau đó, “Ngài theo cha mẹ về Nadarét và hằng vâng phục các ngài ” (Lc 2,51).
Linh mục sẽ chu toàn sứvụ của mình trong sự vâng phục Giám Mục bản quyền, trong ý thức rằng mình đang vâng phục Chúa. Dễ đó mà cũng khó đó. Dễ khi ý của giám mục hợp với ý mình. Khó khi ý của ngài trái với ý mình. Làm sao đây trong trường hợp khó khăn đó ? Thưa, hãy lập lại lời nguyện của Chúa Giêsu trong vườn Cây Dầu: “Lạy Cha, nếu Cha muốn, xin cho con khỏi uống chén này. Tuy vậy, xin đừng làm theo ý con, mà xin theo ý Cha ”(Lc 22,42).
Tu đức trước công đồng Vatican II dạy rằng phải vâng phục vô điều kiện. Có câu truyện kể rằng bề trên bảo trồng sắn ngược, cứ vâng theo, cây sắn cũng mọc như thường ! Bây giờ thì khác hơn, có đối thoại song phương, bề dưới có quyền trình bày những lý do về phía mình, nhưng bề trên vẫn có quyền, sau khi nghiệm xét các lý do, để yêu cầu bề dưới vâng theo. Và lúc ấy chính là đức vâng phục trong sự hiểu biết, sẵn sàng, phục tùng, không còn là ý riêng, mà cả hai phía đều là theo ý Chúa.
Bề trên phải cân nhắc mọi lẽ theo ý Chúa, bề dưới cũng vậy. Cần thêm hai khía cạnh này: 1/ Càng vâng phục mau mắn, vui tươi, càng chứng tỏ là một tâm hồn thánh thiện(ĐHV.392) ; 2/ Vâng phục Chúa – là điều trên hết - đem lại bình an cho tâm hồn, theo lời Dante : “Thánh ý Chúa là sự bình an của ta ”.
Thời đại chúng ta đang sống không ủng hộ đức vâng phục, khi nó đề cao chủ nghĩa lý trí, tự do, cá nhân. Là kitô hữu, hơn nữa, là linh mục của Chúa, mỗi người trong cộng đoàn hiện diện đây, hãy noi theo gương khiêm nhường và vâng phục của Chúa Giêsu, sẵn sàng và vui tươi chấp nhận thành ý Chúa qua ý Bề trên hợp pháp trong Giáo Hội. Đối với giáo dân, đó là cha sở của anh chị em, đối với linh mục đoàn, đó là đức giám mục giáo phận. Đối với tất cả, đó là chính Chúa. “Vì lòng kính sợ Đức Kitô, anh em hãy tùng phục lẫn nhau ”(Ep 5,21).
Anh em linh mục thân mến, trong ngày chịu chức, anh em đã hứa vâng phục với đức giám mục. Ước gì lời hứa ấy thể hiện trong suốt cuộc đời và sứ vụ linh mục của anh em cách ý thức, mau mắn, ngọt ngào chứ không cay đắng. Chúng ta hãy học gương của Đức Mẹ, Mẹ hàng giáo sĩ, qua ba chữ vàng : “FIAT” (Xin Vâng Ý Chúa) – MAGNIFICAT(Chúc tụng Ý Chúa) – STABAT (Đứng vững trước Ý Chúa).
+Anphong Nguyễn Hữu Long
Giám mục Phụ tá Hưng Hóa
|