Thứ Ba, 10 tháng 3, 2015

Vấn đề tình yêu của Thiên Chúa trước các bất công xã hội

Filled under:

VẤN ĐỀ 12: Nói rằng Thiên Chúa là tình yêu. Vậy tại sao Thiên Chúa biết trước có một số người sẽ phải xuống hỏa ngục, mà Ngài còn tạo dựng nên họ làm chi ? Tại sao Ngài để cho con người phải chịu đau khổ, chết choc, chiến tranh và đầy dẫy những bất công trong xã hội ?

Where-is-God-Suffering.jpg  
GIẢI ĐÁP :

A. TRÌNH BÀY:

1. ĐẶT VẤN ĐỀ:

1) Thiên Chúa là Tình Yêu:

Thiên Chúa đã tỏ mình ra cho loài người biết Ngài là tình yêu (x. 1 Ga 4,16). Chúa Cha yêu Chúa Con, và tình yêu ấy nhiệm xuất ra Chúa Thánh Thần (Kinh Tin Kính). Thiên Chúa đã biểu lộ tình yêu bằng các việc như sau:

- Tạo dựng nên vũ trụ vạn vật vì và cho con người.

- Sẵn sàng tha thứ những lỗi lầm của họ, bằng việc sai Đức Giê-su đến dạy cho loài người nhận biêt tinh yêu cua Thiên Chúa và sẵn sàng hiến thân chịu chết trên thập giá để cứu độ những ai tin và đi theo con đường yêu thương của Người như Người đã nói: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15,13). 

- Người dạy các môn đệ phải yêu thương nhau, vì đó là dấu hiệu để người ngoài nhận ra họ thực sự là môn đệ của Người (x. Ga 13,35).

- Đức Ki-tô dạy những ai tin kính Người hãy thi hành lời Người truyền là: Tha thứ luôn luôn: “Thầy không bảo là tha đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy” (Mt 18,22). Yêu cả kẻ thù: “Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em” (Mt 5,44).

Cuộc đời của Đức Giê-su đầy những hành động yêu thương: chữa lành các bệnh tật như bị quỷ ám, kinh phong, bại liệt (x Mt 4,24), nhân bánh ra nhiều nuôi những kẻ đói được ăn no (x. Lc 9,12-17). Thiết lập bí tích Thánh Thể để ban sự sống đời đời (x. Ga 6,48-51) và để ở lại với các môn đệ mọi ngày cho đến tận thế (x. Mt 28,20).

 2) Tuy nhiên, có người đặt vấn đề : Nếu Thiên Chúa là tình yêu, thì tại sao Ngài biết trước một số người sẽ phải xuống hỏa ngục mà còn dựng nên họ làm chi ? Tại sao Ngài để xảy ra các tai ương như động đất, lũ lụt, sóng thần, núi phun lửa, chiến tranh và đầy dẫy những bất công trong xã hội ?

2. GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ:

Đây là một chân lý mầu nhiệm, rất khó hiểu đối với tâm trí kém cỏi của loài người chúng ta.

Có những điều Chúa làm và con người dễ dàng hiểu được, nhưng cũng có những hành động của Chúa vượt quá tầm hiểu biết của loài người như ngôn sứ I-sai-a đã tuyên sấm: ”Tư tưởng của Ta không phải là tư tưởng của các ngươi và đường lối của các ngươi cũng không phải là đường lối của Ta” (Is 55,8). Đây là chân lý mầu nhiệm, nghĩa là một điều hợp lý, nhưng lại vượt quá giới hạn của trí khôn con người. Cũng như một em bé trinh độ tiểu học không thể hiểu các công thức toán học phức tạp của lớp 12 trình độ trung học, nhưng em vẫn phải chấp nhận các công thức đó là đúng và đáng tin. Hiện nay em chưa hiểu được nhưng khi học lên cao em sẽ có thể hiểu được.

Sau đây là một số lời giải đáp cho các vấn nạn về sự đau khổ và sự dữ ở trần gian mà loài người cảm thấy khó hiểu và khó chấp nhận:

1) Tại sao Thiên Chúa biết trước một số người sẽ xuống hỏa ngục, mà Ngài dựng nên họ làm chi ?

a) Trước hết, Thiên Chúa là Tinh Yêu, dựng nên mọi tạo vật trong đó có loài người là để chia sẻ ân sủng và hạnh phúc viên mãn của Ngài cho họ. Ngài dựng nên họ không phải để bắt họ chịu đau khổ hỏa ngục, nhưng để họ được chia sẻ hạnh phúc với Ngài (x. St 2,8)

Tuy nhiên, để hạnh phúc ấy được trọn vẹn, Ngài đã ban cho con người có tự do, để họ tự do quyết định làm điều tốt, và tránh làm điều xấu (Stk 2,16).

Nếu họ làm tốt thì sẽ được thưởng, còn nếu dùng tự do để làm điều ác thì sẽ bị phạt theo đức công bình (x. Stk 2,17) và luật nhân quả: “Ở hiền gặp lành” “Gieo gió gặt bão”.

b) Vì Thiên Chúa là tình yêu, nên hằng ban Ơn Thánh giúp loài người sống theo thánh ý của Ngài. Nhưng họ được hoàn toàn tự do quyết định làm hay không làm. Thánh AUGUSTINO đã nói: “Thiên Chúa sinh ra bạn không cần bạn, nhưng Ngài không thể cứu rỗi bạn nếu bạn không cộng tác với ngài.”

c) Con người không được đổ thừa trách nhiệm cứu rỗi bản thân mình cho Thiên Chúa, vì sự biết trước của Thiên Chúa không giống sự biết trước của chúng ta.
- Con người chúng ta sống trong thời gian nên sự biết trước có tính cách tất định.

- Còn nơi Thiên Chúa là Đấng ở ngoài thời gian nên sự biết trước của ngài không tất định, mà còn lệ thuộc vào sự tự do của con người.

Ta có thể ví sự biết trước của Thiên Chúa như cái nhìn của khán giả xem đá banh: khi nhìn lực lượng của hai bên, khán giả bên ngoài có thể đoán trước phần thắng bại thế nào. Tuy vậy, sự ăn thua ấy không tất định, không nhất thiết phải xảy ra như dự đoán, mà còn lệ thuộc vào ý chí quyết thắng và tinh thần dũng cảm của các đấu thủ, cũng như sự cổ võ của khán giả bên ngoài nữa. Nếu bây giờ chúng ta được sự cổ võ của Thiên Chúa (ơn thánh), và hăng hái sống đạo, thì từ đời đời Thiên Chúa cũng đã thấy và biết trước như vậy. Nhưng rồi, sau một thời gian sốt sắng, chúng ta lại chán nản buông xuôi theo sự cám dỗ của ma quỷ, của thế gian và xác thịt, thì cũng từ đời đời Thiên Chúa đã biết trước ta sẽ bị sa ngã như vậy. Thiên Chúa luôn luôn động viên khích lệ, ban ơn trợ giúp ta sống tốt đẹp để ta được ơn cứu độ, nhưng ta có muốn được cứu hay không là do ta tự do quyết định.

Một ví dụ khác về sự quyết định tự do của con người trước lời mời gọi của Thiên Chúa. Chẳng hạn: vào một buổi tối trời, chúng ta trông thấy một người đi xe đạp trên một đoạn đường rất nguy hiểm mà nhiều người đã gặp tai nạn. Chúng ta có lòng tốt khuyên bảo người đó không nên tiếp tục đi. Nhưng nếu họ coi thường lời cảnh cáo của chúng ta mà cứ tiếp tục đi, thì chúng ta cũng có thể phần nào biết trước số phận của người ấy, và họ không thể đổ thừa trách nhiệm cho chúng ta. Cũng thế, những người từ chối ơn Chúa giúp, nhất định chọn làm điều xấu, thì sẽ hoàn toàn chịu trách nhiệm về hành vi của họ, vàkhông thể trách cứ Thiên Chúa đã biết trước mà sao còn dựng nên họ. Chúa Ki-tô  cũng đã nói lên sự cứng lòng cố chấp của dân Do thái như sau: “vì họ nhìn mà không nhìn, nghe mà không nghe không hiểu. Thế là đối với họ đã ứng nghiệm lời sấm của ngôn sứ I-sai-a, rằng: Các ngươi có lắng tai nghe cũng chẳng hiểu, có trố mắt nhìn cũng chẳng thấy; vì lòng dân này đã ra chai đá: chúng đã bịt tai nhắm mắt, kẻo mắt chúng thấy, tai chúng nghe, và lòng hiểu được mà hoán cải, và rồi Ta sẽ chữa chúng cho lành (Mt 13,13-15).

d) Đàng khác vì không ai trong chúng ta biết trước số phận tương lai của mình, thì tại sao ta lại không nghĩ mình sẽ được thưởng để cố gắng sống tốt lành tử tế hơn mà lại nghĩ mình sẽ bị phạt hỏa ngục, rồi ngã lòng trông cậy để sống buông thả, và đổ thừa trách nhiệm cho Thiên Chúa đã tiền định như vậy:

TÓM LẠI: Thiên Chúa là Tình Yêu, và Ngài đã thể hiện tình yêu ấy bằng việc sáng tạo vũ trụ vạn vật, trong đó có con người.Ngài tạo dựng con người để thông ban hạnh phúc cho họ. Tuy nhiên, để hạnh phúc ấy được trọn vẹn, Thiên Chúa lại cho con người sự tự do chọn lựa làm theo điều tốt và loại bỏ điều xấu. Con người muốn hưởng hạnh phúc hay không là tùy theo sự tự do quyết định của họ: nếu làm tốt sẽ được thưởng, còn nếu cố tình chọn làm điều xấu thì tất nhiên sẽ bị phạt theo luật nhân quả. Khi ấy, họ không thể đổ thừa trách nhiệm cho ai khác ngoài chính bản thân mình. Còn việc Thiên Chúa biết trước không có tính tất định như con người thường hiểu, mà còn lệ thuộc nhiều yếu tố khác nữa, nhất là lệ thuộc vào ý muốn tự do của chúng ta.

2) Thiên Chúa là tình yêu, vậy tại sao Ngài lại để xảy ra các tai ương, cùng những bất công nơi con người ?
a) Đây cũng là một điều rất khó hiểu đối với trí khôn của con người, vì một đàng chúng ta tin chắc Thiên Chúa là Đấng toàn năng và đầy lòng từ bi thương xót, nhưng đàng khác, thực tế chúng ta lại gặp thấy biết bao tai ương cùng những bất công nơi con người.

- Theo giáo lý công giáo thì đau khổ tai họa là hậu quả của tội lỗi: Đầu tiên, Thiên Chúa tạo dựng nên con người để họ được chia sẻ hạnh phúc với Ngài. Nhưng để họ xứng đáng được hưởng hạnh phúc ấy, Thiên Chúa đã thử thách lòng tin yêu của họ. Nguyên tổ A-đam E-và đã không vượt qua được sự thử thách của Thiên Chúa khi chọn làm điều xấu, cố tình lỗi lệnh Chúa truyền (Stk 2,16–17; 3,1–7), nên hai ông bà đã bị phạt bị mất tất cả những gì đang được hưởng: “Từ nay đàn bà sẽ phải đau đớn lúc sinh con… đàn ông phải lam lũ vất vả, phải đổ mồ hôi để có bát cơm ăn, phải đau khổ và phải chết nữa” (Stk 3,16–19). Từ đó, do hậu quả của tội tổ tông này, mà đau khổ đã lọt vào thế gian, và rồi các tội riêng của con người tiếp tục gây đau khổ cho nhau.

- Nếu là những tai họa do loài người gây nên như: chiến tranh, giặc giã thì những tai họa ấy hoàn toàn do lỗi của con người chứ không phải do sự sắp đặt của Thiên Chúa. Loài người đã lạm dụng tự do để chọn lối sống tham lam ích kỷ, lợi dụng khoa học để chế tạo ra những thứ vũ khí giết người hàng loạt… gây ra biết bao đau khổ cho đồng loại. Thiên Chúa là tình yêu, không muốn cho con người bị đau khổ,  nên đã biến những tai họa kia trở nên nguyên nhân đem lại hạnh phúc cho những kẽ biết phó thác cậy trông và đi theo con đường yêu thương của Đức Giê-su.

Trong thực tế, chúng ta thấy rằng: tai họa đến với người này lại có thể là may mắn đối với người khác: người bệnh tật thì đau khổ nhưng lại là cơ hội cho giới y sĩ có việc làm, cũng như một cơ may giúp các nhà bác học phát minh ra những thứ thuốc mới hữu hiệu hơn. Hơn nữa, ngay trong cái khổ cũng có cái sướng và ngược lại cái sướng hôm nay có thể trở thành nguyên nhân gây đau khổ ngày mai. Chẳng hạn: một người nghèo khổ bỗng nhiên trúng số trở thành giàu có là sự may mắn. Nhưng nếu họ không khéo sử dụng thì sự giàu có ấy có thể làm họ phạm tội, hoặc trở thành nguyên nhân khiến họ phải chịu đau khổ nhiều hơn. Từ đó cho thấy: đau khổ thực ra chỉ là tương đối, sống trên đời không ai hoàn toàn sướng và cũng không ai phải chịu đau khổ hoàn toàn. Điều quan trọng là người ta có biết chấp nhận hoàn cảnh và cố gắng vượt qua hay không. Chính điều này sẽ giúp họ luôn luôn bình an là nguồn hạnh phúc.

- Còn những tai họa thiên nhiên như động đất, bão lụt, mất mùa… đã gây ra cho loài người những hậu quả thảm khốc là kết quả của một thế giới tương đối, nhờ có con người mới dễ nhận biết chỉ có Thiên Chúa mới là Đấng hoàn hảo tuyệt đối và là cùng đích của vạn sự vạn vật mà thôi.

Những khuyết điểm của vũ trụ ấy là do Thiên Chúa cho phép xảy ra, để nhắc nhở con người: thế gian này là nơi tạm gởi. Chỉ có thiên đàng đời sau mới là quê thật vĩnh cửu của chúng ta.

Hơn nữa, Thiên Chúa cũng cố ý sáng tạo nên vũ trụ có khuyết điểm để con người được vinh dự công tác với Ngài bằng cách dùng trí khôn Chúa ban hoàn tất những gì còn khuyết điểm nơi tạo vật. Có như thế, con người mới chứng tỏ sự cao quý của loài có trí khôn trổi vượt trên mọi loài vật khác.

b) Tất cả những giải đáp nói trên cũng không đủ để làm thỏa mãn đối với những người gặp phải đau khổ nặng nề. Trong hoàn cảnh ấy, chỉ có Đức Tin mới giải quyết được vấn đề đau khổ. Vì tất cả những thử thách, đau khổ một phần là do Thiên Chúa để mưu ích cho phần rỗi đời đời của chúng ta .

Những đau khổ con người phải chịu còn giúp thanh luyện tâm hồn con người, giúp họ sớm trưởng thành, và có dịp lập công đền tội ngay ở đời này. Chính Chúa Giê-su đã nêu gương chịu đựng đau khổ cho con người: Người vô tội, nhưng đã tình nguyện chịu đau khổ và tự hiến mạng sống mình trên cây thập giá vì chúng ta. Ngài đã đi bước trước và mời gọi chúng ta đi theo: “Nếu ai muốn theo thầy, hãy từ bỏ mình đi và vác thập giá mà theo Thầy”(Lc 9,23). Từ đây, người tín hữu có thể tìm thấy niềm vui ngay trong những đau khổ họ chịu vì danh Chúa (x. TDCV 5,41). Vì sự đau khổ làm cho họ nên giống Chúa hơn (x. Pl 3,10).

Cũng từ ngày Chúa Giê-su làm gương can đảm chịu đau khổ, thì đối với những tâm hồn anh dũng theo Chúa, sự đau khổ đã trở nên nguồn sinh lực dồi dào và là điều kiện để được ơn cứu rỗi. Do đó  những người từ khi mới sinh đã bị thua thiệt đau khổ cũng không nên buồn rầu, than thân trách phận, vì cuộc đời con người không phải là tất cả, và chết không phải là hết. Những đau khổ họ chịu đời này vài ba chục năm có đáng là gì so với đời sống vĩnh hằng đời sau. 

TÓM LẠI: Thiên Chúa thực sự là Tình Yêu và muốn chia sẻ hạnh phúc của Ngài cho chúng ta. Ngài tạo dựng nên con người để họ được thông phần hạnh phúc với Ngài. Nhưng có những kẻ bị phạt muôn đời trong hỏa ngục là hoàn toàn do sự cố chấp của họ. Cũng thế, ngay trên trần gian này, con người phải chịu đau khổ cũng là do lỗi của con người. Tuy đau khổ là điều bất lợi về một phương diện, nhưng đau khổ cũng chỉ là tương đối, và nếu xét về phương diện khác thì đau khổ lại là điều cần thiết để thanh luyện tâm hồn và giúp ta lập được nhiều công nghiệp cho đời sau. Trong thực hành, mỗi khi gặp phải đau khổ, thay vì kêu trách Thiên Chúa, chúng ta hãy bình tĩnh giải quyết. Nếu đã cố gắng hết sức mà vẫn không thể thắng vượt được trở ngại, chúng ta sẽ sẵn sàng đón nhận với một tinh thần phó thác cậy trông vào Chúa Quan Phòng: Ngài luôn muốn làm điều lành cho ta. Ngài cũng có thể rút từ sự dữ ra sự lành cho con người. Bấy giờ thái độ can đảm ấy sẽ trở lên nguyên nhân giúp ta được hưởng hạnh phúc đời này và đời sau

B.PHÚT HỒI TÂM:

1) LỜI CHÚA: “Thiên Chúa sai Con của Ngài đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Ngài mà được cứu độ” (Ga 3,17).

2) LỜI CẦU:

Lạy Chúa Giê-su, vì yêu thương chúng con, Chúa đã chấp nhận chết trên Thập giá để đền tội thay cho chúng con và đã sống lại để ban ơn cứu độ cho chúng con. Xin giúp chúng con nhận ra giá trị của đau khổ gặp phải trong cuộc sống hằng ngày, để chúng con noi gương Chúa sẵn sàng chịu đựng những đau khổ thập giá là sự trái ý cực lòng, những bệnh tật rủi ro và những đau khổ do người chung quanh gây ra, hầu được gia tăng lòng tin cậy mến đối với Chúa và tích cực cộng tác với Chúa đem ơn cứu rỗi đến cho mọi người. – AMEN.

PHỤ CHÚ

1. BỆNH TẬT CŨNG LÀ MỘT ƠN HUỆ, NẾU BIẾT SỬ DỤNG SẼ CÓ ÍCH CHO TA.

I-NHA-XI-Ô LÔI-Ô-LA (IGNACE DE LOYOLA) là một sĩ quan trẻ tuổi rất háo danh, hay nóng giận, nhưng có tài chỉ huy. Một hôm, khi dẫn quân lính đi đánh trận, chẳng may anh bị thương gãy chân, phải nằm nhà thương điều trị. Trong thời gian dưỡng bệnh, anh tìm đọc sách tiểu thuyết giải khuây. Trong số các sách ở bệnh viện, cũng có những sách về cuộc đời Chúa Cứu Thế và hạnh các thánh. Lần đầu cầm cuốn sách đạo, I-nha-xi-ô cảm thấy ngại ngùng, nhưng vì đã đọc hết các sách truyện khác, nên anh cũng đọc cho đỡ buồn. Sau khi đọc xong mấy cuốn, I-nha-xi-ô đột nhiên khám phá ra những tư tưởng mới lạ có sức biến đổi cuộc đời của anh. Anh đã nhận ra lòng nhân từ mạnh hơn sự thù oán, lòng sốt sắng có sức chinh phục các linh hồn cách hữu hiệu.

Rồi với tâm hồn cao thượng, và với ơn Chúa Thánh Thần thôi thúc, I-nha-xi-ô tự nhủ mình: “Phan-xi-cô và Đô-mi-ni-cô làm được những việc vĩ đại, tại sao tôi lại không làm được?” Từ đó, anh đã quyết định theo gương hai vị thánh trên để trở thành một tu sĩ gương mẫu và thiết lập một dòng lớn vào bậc nhất của Giáo hội – Đó là dòng Chúa Giê-su (dòng Tên) và sau này anh đã được phong thánh.

2. TẤM GƯƠNG CHỊU ĐAU KHỔ CỦA THÁNH GIÓP THỜI CỰU ƯỚC:

GIÓP Là một người công chính, kính sợ Thiên Chúa. Ông cũng được Chúa ban cho sự giàu sang và con cái đầy đàn. Nhưng rồi, một ngày kia, để thử thách đức tin của Gióp, Thiên Chúa đã để mặc Gióp cho Sa-tan làm hại: các con ông bị chết hết, của cải sự nghiệp cũng bị tiêu tan. Cuối cùng Gióp còn bị mang bệnh cùi hủi, đến nỗi phải ở riêng một mình, ngồi trên đống tro và lấy mảnh sành cạo những con dòi đang rúc rỉa thân xác ông.

Trước những tai họa dồn dập, Gióp vẫn một lòng trông cậy Chúa, mặc cho những lời dèm pha của bạn bè, những lời nhiếc mắng của bà vợ ông. Ông nói: “Thiên Chúa đã ban mọi sự cho tôi, bây giờ Ngài lấy lại, xin ngợi khen Chúa”.

Cuối cùng Satan đã chịu thua và Thiên Chúa đã khen lòng trung thành của ông. Ngài đã trả lại cho ông tất cả những gì ông bị mất, và ông còn được Thiên Chúa ban nhiều con cái và của cải hơn trước.

Trở lại Mục Lục

Gx Sao Mai Xuân Ất Mùi 2015

LM ĐAN VINH 

Giám Huấn HHTM Trung Ương