1. Mới rồi, một biến cố đã xảy đến cho tôi. Biến cố riêng tư, tuy nhỏ, nhưng đang ảnh hưởng lớn đến đời tôi. Tôi xin được phép chia sẻ.
Sau một ngày được đọc và được nghe kể về những cuộc lễ tạ ơn trọng thể đó đây, trong đó đề cao những thành tích lẫy lừng nhiều mặt, tôi cảm thấy như có một sự giới thiệu về Ơn Phục Sinh tại những nơi ấy.
Đêm đến, tôi lên giường, muốn ngủ mà không ngủ được. Tôi cầu nguyện. Thế rồi, tôi đi vào một giấc mơ. Tôi thấy Chúa Giêsu Phục Sinh đến với tôi. Một cảm giác rất mạnh bừng lên trong tôi, làm tôi sung sướng và bình an lạ thường, đó là thấy Chúa Phục Sinh rất hiền lành, rất khiêm nhường, rất xót thương. Người nhìn tôi, mà không nói gì. Tôi nhìn Người, cũng không nói được gì. Đột nhiên, tôi bật khóc và tôi thức.
2. Khi tỉnh dậy, tôi cảm thấy lòng tôi tràn trề niềm vui. Tôi thấy cái nhìn của Chúa Phục Sinh đã đổi mới tôi một cách sâu xa và mạnh mẽ. Tôi chỉ xin kể ra đây vắn tắt bốn soi sáng tôi nhận được. Soi sáng nào cũng là chân lý cứu độ tôi. Soi sáng nào cũng làm cho tôi được phục sinh.
3. Soi sáng thứ nhất mở lòng trí tôi ra, là để tôi nhận biết tôi là kẻ tội lỗi.
Trong giây lát, cái nhìn của Chúa Phục Sinh cho tôi thấy quá khứ của tôi đầy những tội lỗi, hiện tại của tôi đầy những yếu đuối, tương lai của tôi đầy những điều phải đổi mới.
Tôi nhớ lại dụ ngôn “Người Pharisêu và người thu thuế” (Lc 18,9-14). Người Pharisêu khi cầu nguyện, đã hết lòng cảm tạ Chúa về bao việc đạo đức mình đã làm. Còn người thu thuế, khi cầu nguyện, thì hết lòng xin Chúa thương xót, vì nhận mình chỉ là kẻ tội lỗi. Chúa Phục Sinh soi sáng cho tôi thấy: Tôi hãy nhận mình là kẻ tội lỗi. Đó là sự thực. Tôi nhận rõ sự thực đó. Tôi sám hối. Tôi nhìn Chúa đang nhìn tôi. Tự nhiên tôi bật khóc.
4. Soi sáng thứ hai mở lòng trí tôi ra, là để tôi nhận biết bất cứ tội nào của tôi cũng đều gây đau đớn cho chính Chúa Giêsu.
Cái nhìn của Chúa Phục Sinh đưa lòng trí tôi đến thánh giá. Tôi nhìn lên Chúa Giêsu chịu đóng đinh trên đó. Người mang hình ảnh khủng khiếp của một tội nhân. Người chịu như vậy vì tội lỗi của tôi và của muôn người. Tội lỗi của tôi đã làm cho Người phải khổ. Tôi nhớ lại những lúc trước đây tôi dửng dưng trước đau khổ của Chúa Giêsu trên thánh giá. Người quá đau khổ vì tội lỗi tôi. Tôi nhận ra là sự dửng dưng đó của tôi đã làm cho Chúa bị đau khổ thêm. Tôi hối hận vô vàn. Tôi khóc.
5. Soi sáng thứ ba mở lòng trí tôi ra, là để tôi nhận biết sự tha thứ Chúa dành cho tôi là do lòng thương xót Chúa.
Tôi nhớ lại dụ ngôn “Người cha nhân hậu” (Lc 15,11-32). Người cha này đã đối xử với người con phung phá trở về một cách xót thương quá sức tưởng tượng. Người cha ấy đã tha thứ, đã ôm lấy con, chỉ vì tình yêu xót thương. Hình ảnh người cha tha thứ đó dạy tôi, khi sám hối, phải nhìn vào Chúa là Cha, để đón nhận sự thứ tha. Chứ đừng đón nhận ơn tha thứ, chỉ từ các nghi thức. Các nghi thức sám hối, để ban ơn tha thứ, nếu chỉ nhấn mạnh đến hình thức bên ngoài, sẽ dễ tạo nên một sự thứ tha máy móc. Hãy gặp mặt chính Chúa là Cha, để trở về với Cha.
6. Soi sáng thứ bốn mở lòng trí tôi ra là để tôi chọn Chúa Giêsu một cách tuyệt đối và dứt khoát.
Tôi đã chọn Chúa Giêsu. Sự lựa chọn đó của tôi là tuyệt đối. Tôi dám nói về sự lựa chọn đó bằng những lời của thánh Phaolô: “Tôi tin chắc rằng: Cho dầu là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào, trời cao hay vực thẳm, hay bất cứ một loài thụ tạo nào khác, không có gì tách được tôi ra khỏi tình yêu cua Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Kitô Giêsu, Chúa chúng ta” (Rm 8,38-39).
Tôi chọn Chúa Giêsu là cũng chọn thánh giá của Người: “Ước chi tôi chẳng hãnh diện về điều gì ngoài thánh giá Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta” (Gl 6,14). Vì thế “Tôi luôn mang nơi thân xác mình cuộc thương khó của Đức Giêsu, để sự sống của Đức Kitô cũng được biểu lộ nơi thân mình tôi” (2Cr 4,10). Tóm lại, “Tôi chỉ có một tham vọng là làm đẹp lòng Người” (2Cr 5,9).
7. Những gì trên đây đã xảy đến cho tôi từ cái nhìn của Chúa Phục Sinh thực là tuyệt vời. Tôi hết lòng cảm tạ Chúa.
Tôi nghĩ Chúa Phục Sinh đã đến với nhiều người, có thể cũng một cách như đã đến với tôi, và có thể bằng những cách khác. Điều quan trọng là mỗi người chúng ta cần phải tỉnh thức và nhạy bén. Bởi vì Chúa Phục Sinh đến cách bất ngờ, lúc bất ngờ, và ở nơi bất ngờ.
Nếu chúng ta tưởng Chúa Phục Sinh sẽ đến theo chương trình chúng ta đã sắp đặt trước, thì ta tự lừa dối mình.
8. Kinh nghiệm của riêng tôi cho tôi thấy: Chúa Phục Sinh thường hay đến với tôi bằng một cái nhìn thân thương của Người. Người gởi cho tôi cái nhìn thân thương ấy của Người qua nhiều phương tiện. Qua cầu nguyện, qua một số người, một số thời sự, một số bài báo, một số trang sách, một số biến cố v.v... Tôi đã bất chợt được những cái nhìn thân thương của Chúa. Chính nhờ ơn Chúa. Tôi đón nhận sứ điệp gói trong những cái nhìn đó, để rồi tôi gặp được chính Chúa Phục Sinh.
9.Không phải sứ điệp nào trong những cái nhìn của Chúa đều làm tôi vui. Bởi vì không thiếu trường hợp, sứ điệp đó lại là những cảnh báo rất đáng sợ.
Xưa: “Khi đến gần Giêrusalem và nhìn thấy thành, Đức Giêsu khóc thương mà nói: ‘Phải chi ngày hôm nay ngươi cũng nhận ra những gì đem lại bình an cho ngươi. Nhưng hiện giờ, điều ấy còn bị che khuất, mắt ngươi không thấy được. Thật vậy, sẽ tới những ngày quân thù đắp luỹ chung quanh, bao vây và công hãm ngươi tư bề. Chúng sẽ đè bẹp ngươi và con cái ngươi đang ở giữa ngươi và sẽ không để hòn đá nào trên hòn đá nào, vì ngươi đã không nhận biết thời giờ ngươi được Thiên Chúa viếng thăm” (Lc 19,41-44).
Chúa nhìn thành và đã khóc. Tôi đang thấy cảnh đó tái diễn. Người cảnh báo về một sự sụp đổ tang thương nào đó. Và tôi lo sợ. Lo sợ của tôi giúp tôi thêm khiêm nhường và bớt chủ quan để thêm cậy tin vào Chúa Phục Sinh.
10.“Xin đừng làm theo ý con, nhưng xin theo ý Cha mà thôi” (Lc 22,42). Tôi luôn cùng với Chúa Phục Sinh nói lên lời phó thác đó, để thánh ý Chúa Cha được nên trọn nơi tôi. Tôi xác tín tôi được sai đi để làm chứng cho Chúa qua sự từ bỏ mình, để vâng phục trọn vẹn nơi Chúa Phục Sinh.
Long Xuyên 28-3-2015
+ Gm. Gioan B Bùi Tuần