Đây là vấn đề gây “rối trí” không chỉ đối với trẻ em mà cả nhiều người lớn. Chúng ta không nói Thứ Sáu Tuần Thánh là tốt, vì đó là ngày Chúa Giêsu chịu chết trên Thập Giá. Làm sao Thứ Sáu Tuần Thánh có thể là tốt khi mà chính tội lỗi chúng ta đã giết chết Thiên Chúa?
Nhưng Thứ Sáu Tuần Thánh tốt lành vì Đức Kitô, qua cái chết của Ngài, đã tỏ lòng thương xót bao la đối với nhân loại, và đã cứu chuộc chúng ta. Tốt lành ở đây có nghĩa là thánh, Thứ Sáu Tuần Thánh là ngày thánh và quan trọng đối với các Kitô hữu Đông phương, cả Công giáo và Chính thống giáo. Thứ Sáu Tuần Thánh cũng được gọi là ngày thánh trong ngôn ngữ Rôma.
Anh ngữ gọi Thứ Sáu Tuần Thánh là Thứ Sáu Tốt Lành (Good Friday). Không rõ nguồn gốc, một số người cho là do cách nói “God's Friday” (Thứ Sáu của Chúa) mà thành; một số người khác lại cho là do Đức ngữ là Gute Freitag, chứ không là gốc Anh ngữ. Đôi khi, ngày này được người Anglo-Saxons gọi là “Thứ Sáu Dài” (Long Friday), trong tiếng Đan Mạch cũng vậy. Đức ngữ gọi ngày Thứ Sáu Tốt Lành là Karfreitag – nghĩa là Thứ Sáu Đau Buồn hoặc Thứ Sáu Đau Khổ.
Chẳng ai rõ nguồn gốc, nhưng lý lẽ thần học rất giống cách diễn tả trong Giáo lý Baltimore: Thứ Sáu Tuần Thánh là tốt vì chính cái chết của Đức Kitô dẫn tới sự sống lại trong Chúa Nhật Phục Sinh, đem lại sự sống mới cho những người tin.
Thứ Sáu Tuần Thánh có là ngày buộc?
Ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, người Công giáo tưởng niệm sự đóng đinh và sự chết của Đức Kitô, gọi là Cuộc Khổ Nạn. Người Công giáo được khuyến khích tham dự nghi thức tưởng niệm cuộc khổ nạn của Đức Kitô vào Thứ Sáu Tuần Thánh để chuẩn bị đầy đủ cho sự sống lại của Đức Kitô vào Chúa Nhật Phục Sinh, như vậy Thứ Sáu Tuần Thánh không là ngày buộc. Tuy nhiên, đây lại là ngày buộc ăn chay và kiêng thịt.
Tháng 7-2007, cựu giáo hoàng Biển Đức XVI, trong Tự sắc Summorum Pontificum, đã duy trì Thánh lễ Latin Truyền thống là một trong hai dạng Thánh lễ được duy trì, người ta cho rằng ngài cũng sẽ xem lại các “Lời nguyện Trọng thể” (Solemn Prayers) dùng trong Thứ Sáu Tuần Thánh. Các lời nguyện này cầu cho Giáo hội và mọi người Công giáo, rồi cầu cho các Kitô hữu ngoài Công giáo, cầu cho người Do Thái, và cuối cùng cầu cho người ngoại giáo.
Các lời nguyện khác nhau nhưng có điểm chung: Nhận biết Đức Kitô, qua cái chết và sự phục sinh của Ngài, là Đấng Cứu Độ của nhân loại. Do đó, các lời cầu xin cho người Công giáo mạnh mẽ trong đức tin, các Kitô hữu ngoài Công giáo trở về hiệp nhất trong đức tin Công giáo, người Do Thái và ngoại giáo nhận biết Đức Kitô là Thiên Chúa cứu độ họ. Nói cách khác, hy vọng mọi người được cứu độ nhờ tin vào Đức Kitô.
Thứ Hai, ngày 4-2-2008, Thư ký Tòa thánh thông báo rằng cựu giáo hoàng Biển Đức đã xem lại lời nguyện này, và bản chỉnh sửa được dùng trong nghi thức Thứ Sáu Tuần Thánh theo sách lễ truyền thống là Sách Lễ Rôma (Missale Romanum) xuất bản năm 1962.
Trong thư gởi Giáo đoàn Rôma, Thánh Phaolô viết: “Nếu bạn vốn là cành của cây ô-liu dại, mà còn được chặt đi và tháp vào cây ô-liu tốt, trái lẽ tự nhiên, thì phương chi họ vốn là những cành của cây ô-liu chính, họ lại càng có thể được tháp vào cây cũ. Thưa anh em, tôi không muốn anh em chẳng hay biết mầu nhiệm này, để anh em đừng tự cho mình là khôn, đó là: một phần dân Ít-ra-en đã ra cứng lòng, cho đến khi các dân ngoại gia nhập đông đủ.26 Như vậy, toàn thể Ít-ra-en sẽ được cứu độ, như có lời chép: Từ núi Sion, vị Cứu Tinh sẽ đến, Người sẽ loại bỏ những điều vô đạo khỏi nhà Gia-cóp” (Rm 11:24-26).
Theo Thánh Phaolô, Ơn Cứu Độ chỉ đến từ Đức Kitô, do đó, bác ái Kitô giáo đòi buộc chúng ta cầu nguyện cho mọi người cùng trở lại. Sẽ là sai nếu chúng ta tin Đức Kitô là Đấng cứu chuộc nhân loại mà lại loại trừ người Do Thái. Chúa Giêsu đã vì mọi người mà chịu chết để cứu độ mọi người tin vào Ngài.