1. Cám dỗ là gì?
- Cám dỗ là một sức mạnh xấu, lôi cuốn, xúi giục người ta bỏ điều lành mà làm điều xấu, bỏ ý Chúa mà làm theo ý riêng.
- Cám dỗ thường theo tiến trình 3 bước:
- Khêu gợi lên tư tưởng, hình ảnh;
- Thúc giục, kích thích, gây tò mò;
- Ưng chịu và thực hiện.
Ta bị “sa chước cám dỗ” và “phạm tội” khi ta ưng chịu theo cám dỗ.
Cám dỗ rất tinh vi, có thể khởi đầu là việc đạo đức, tốt lành, nhưng dần biến thành kiêu căng, tự phụ, chống đối, bướng bỉnh…
2. Có nhiều thứ cám dỗ, thường tập trung vào 3 điều:
-Danh: danh vọng, địa vị, chức quyền: tham quyền, độc tài, độc ác…
-Lợi: lợi lộc, tiền của, ruộng đất, bài bạc, số đề: tham tiền …
-Thú: thú vui, rượu chè, khoái lạc nhục dục: tham dục đưa đến tà dâm, chém giết, phá thai…
3. Cám dỗ do đâu? Do 3 thù, mà chủ chốt là ma quỷ.
- Ma quỷ: thần lực xấu, tiếng nói âm thầm, xúi giục làm điều xấu.
- Thế gian: Môi trường, hoàn cảnh, người thân, kẻ thù…
- Xác thịt: do lòng người: tham, sân, si.
4. Ai bị cám dỗ?
Trong cuộc sống, không ai được miễn trừ cám dỗ.
-Cám dỗ là một thực tại gắn liền với thân phận con người, từ thời tổ phụ Ađam, Evà. Con vật không bị cám dỗ, vì chúng không có tự do và ý chí. Chỉ có con người mới bị cám dỗ.
- Các thánh cũng bị cám dỗ triền miên, có khi còn bị cám dỗ dữ dội hơn những người thường nữa là khác. Chúa Giêsu nói: “Ma quỷ sẽ sàng các con như sàng gạo”. Các chước cám dỗ không buông tha bất cứ ai. Giáo hoàng, Giám mục, Linh mục, Tu sĩ, Giáo dân… Chúng sẽ bám riết con người cho đến chết.
Chúa Giêsu cũng bị cám dỗ, như Tin Mừng mô tả. Ngài thực sự là Thiên Chúa, nhưng đồng thời Ngài cũng hoàn toàn là con người như chúng ta, nên "Người cũng phải chịu trăm chiều thử thách y như ta" (Dt 4,15). Có điều đặc biệt là dù bị cám dỗ về “mọi phương diện” như chúng ta, nhưng Chúa Giêsu không bao giờ sa chước cám dỗ, không bao giờ phạm tội. Ngài chiến thắng trước mọi cơn cám dỗ và luôn trung thành đi theo đường lối của Chúa Cha cho đến cùng.
5. Lợi ích và tai hại của cám dỗ
Cám dỗ rất nguy hại, vì lôi kéo ta sa ngã phạm tội, chống lại Chúa và bất hoà tha nhân, nô lệ cho đam mê, ích kỷ, đánh mất bình an và hạnh phúc thiên đàng.
Tuy nhiên, khi vượt qua cám dỗ, đời sống đức tin của ta được trưởng thành: “Lửa thử vàng, gian nan thử đức”.
- Cám dỗ giúp thanh luyện ý chí, đức tin, đức cậy của ta.
- Cám dỗ giúp ta sống khiêm nhường và cậy trông vào Chúa.
- Cám dỗ là dịp lập công phúc, nhờ ta chiến thắng cám dỗ.
II. LÀM SAO ĐỂ THẮNG CÁM DỖ?
1. Cần phải Biết Mình.
- Biết mình là thân phận yếu đuối mỏng giòn. Kẻ nào tự phụ mình mạnh mẽ, mình vững vàng, kẻ đó dễ bị vấp ngã nhất.
- Biết mình có “tử huyệt” nào, điểm yếu nào khiến mình dễ sa ngã nhất. Mỗi người đều có một “tử huyệt”, một chỗ hiểm riêng. Nơi người nầy là cái miệng tham ăn tham uống, nơi người khác là bệnh háo sắc, hay thói tham danh hám lợi, nơi người khác nữa có thể là lòng ích kỷ, hận thù, ghen ghét, kiêu căng, v.v…
- Sống tiết độ và Tỉnh thức: “Anh em hãy sống tiết độ và tỉnh thức vì ma quỷ, thù địch của anh em, như sư tử gầm thét, rảo quanh tìm mồi cắn xé” (1Pr 5,8). Cần biết “Nói không” với ma quỷ, với cám dỗ, cần phải có ý chí và sống Lời Chúa. “Nói không” với cám dỗ cần phải có sự khổ chế, chay tịnh và đặc biệt là cầu nguyện. Cầu nguyện chính là phương thế hữu hiệu nhất để có ơn Chúa trợ giúp. Không cầu nguyện, là đã bị rơi vào cám dỗ rồi!
2. Cần Biết Chúa
- Biết Chúa là Chúa Tể đời mình, để biết cậy dựa vào sức mạnh của Ngài. Cậy dựa vào Ngài bằng cách gắn bó vào Ngài, tìm sức mạnh chiến thắng cám dỗ. Kinh Lạy Cha.
- Biết sống cầu nguyện: Đường dây điện thoại nối Thiên đàng với trần thế là đường dây trực 24/24. Chúa luôn muốn ta cầu xin Ngài giúp đỡ trong cuộc chiến chống lại cám dỗ. “Trong ngày gian truân hãy kêu cầu cùng Ta, Ta sẽ giải cứu ngươi, và ngươi sẽ ngợi khen Ta.” (Tv 50,15).
- Càng bị cám dỗ, ta càng được mời gọi cậy trông vào ơn Chúa hơn. Và mỗi khi ta kiên cường chống trả trước các cơn cám dỗ ta sẽ trở nên giống Chúa Kitô hơn. Phần thưởng lớn lao cũng đang chờ đợi ta: “Phúc thay người biết kiên trì chịu đựng cơn thử thách, vì một khi đã được tôi luyện, họ sẽ lãnh phần thưởng là triều thiên sự sống mà Thiên Chúa hứa ban cho những ai yêu mến Ngài.” (Gc 1,12).
- Nếu bị sa chước cám dỗ: ta hãy khiêm nhường thống hối, mau trở về với Chúa, xin Chúa tha thứ qua bí tích Thương xót: xưng tội, để được sạch tội và được ơn bình an. “Xin thương xót con là kẻ tội lỗi”
3. Cầu khẩn Chúa Thánh Thần và sống Lời Chúa
Nếu ma quỉ là Thần xấu xa, ta có Chúa Thánh Thần, Thần sức mạnh giúp ta chiến thắng mọi cám dỗ ma quỷ.
- Khi quỷ dâm ô xúi tôi mở những emails lạ, dụ dỗ tôi tò mò đi vào những websites của Trư Bát Giới… Tôi phải mau mắn và thành tâm xin Chúa Thánh Thần soi lòng mở trí để tôi nhận ra rằng: “Ai nhìn người phụ nữ mà thèm muốn, thì trong lòng đã ngoại tình với người ấy rồi. Nếu mắt phải của anh làm cớ cho anh sa ngã, thì hãy móc mà ném đi; vì thà mất một phần thân thể, còn hơn là toàn thân bị ném vào hoả ngục (Mt 5,28-29).
- Khi quỷ gian dối xúi tôi nói dóc, nói xạo, nói quanh co, nói sai sự thật, lừa bịp thiên hạ… tôi phải lập tức xin Chúa Thánh Thần ban ơn khôn ngoan để tôi có thể nhớ lời của Chúa Giêsu dạy tôi rằng: “Hễ ‘có’ thì phải nói ‘có’, ‘không’ thì phải nói ‘không.’ Thêm thắt điều gì là do ác quỷ mà ra!” (Mt 5,37).
- Khi quỷ kiêu căng, ngạo mạn xúi tôi phê bình chỉ trích người này, xét đoán người kia, lên án người nọ … thì tôi phải lập tức xinChúa Thánh Thần giúp tôi nhớ rằng: “Anh em đừng xét đoán, thì anh em sẽ không bị Thiên Chúa xét đoán. Anh em đừng lên án, thì sẽ không bị Thiên Chúa lên án” (Lc 6,37).
- Khi bị quỷ dâm ô xúi tôi ngoại tình, ly dị, bỏ chồng, phụ vợ, làm giấy ly dị giả … tôi phải cầu xin với Chúa Thánh Thần ngay để Ngài giúp cho tôi hiểu rằng “[Tôi và người bạn đời của tôi] không còn là hai [nữa], nhưng chỉ là một xương một thịt. Vậy, sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly” (Mc 10,8-9).
- Khi quỷ kiêu căng xúi tôi khoe khoang, tự kiêu tự đại … thì tôi xin Chúa Thánh Thần nhắc nhở cho tôi rằng: “Kiêu hãnh đi liền với ô nhục…kiêu căng đưa đến sụp đổ, ngạo mạn dẫn đến té nhào” (Cn 11,2; 16,18).
- Khi quỷ giận hờn xúi tôi giận người này, ghét người kia, chửi người nọ … thì tôi xin Chúa Thánh Thần soi sáng để tôi hiểu rằng: “Ai giận anh em mình, thì đáng bị đưa ra toà. Ai mắng anh em mình là đồ ngốc, thì đáng bị đưa ra trước Thượng Hội Đồng. Còn ai chửi anh em mình là quân phản đạo, thì đáng bị lửa hoả ngục thiêu đốt (Mt 5,22).
- Khi quỷ dâm dục xúi bẩy tôi đi ngoại tình, ăn chơi trác táng, quan hệ bừa bãi … tôi phải van nài Chúa Thánh Thần, xin Ngài nhắc nhở cho tôi nhớ rằng: “Thân xác là Đền Thờ của Chúa đấy nhé! Chớ có làm cho nó ra ô uế!” (1 Cr 6,19).
KẾT:
Cám dỗ luôn xuất hiện thường xuyên trong cuộc đời chúng ta, từ lúc có có trí khôn cho đến chết, rất tinh vi, rất nhẹ nhàng, nhằm lôi kéo ta xa Chúa, bỏ đường lối Chúa, theo ý riêng và xác thịt.
Nhờ ơn Chúa và Lời Chúa, nhờ sống tiết độ và tỉnh thức, ta sẽ chiến đấu và chiến thắng cám dỗ.
Ai tín thác vào Chúa, sẽ không thất vọng bao giờ.
Lời nguyện thường xuyên để thắng cám dỗ:
“Lạy Chúa Giêsu, con tín thác vào Chúa.
“Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ”
F.Việt Long Mỹ, 13/03/2015(WGP.Vĩnh Long)
(Kinh nghiệm: Mỗi lần chúng ta cảm thấy bị cám dỗ, chúng ta giơ tay làm dấu Thánh Giá, cám dỗ sẽ mau tan biến và chúng ta lại được ơn chống trả chước cám dỗ)