Chủ Nhật, 22 tháng 3, 2015

Thiên Chúa có cần con người làm việc lành để được cứu rỗi hay không?

Filled under:

Hỏi: Tại sao các anh em Tin Lành nói chỉ cần tin Chúa Kitô là được cứu rỗi trong khi Giáo Hội Công Giáo dạy phải làm thêm việc lành nữa ?

Trả lời: Liên quan đến vấn đề cứu rỗi ( salvation) thì giữa Giáo Hội Công Giáo và anh  em Tin Lành nói chung ( Protestants) đã có sự khác biệt lớn lao,  hầu như không thể vượt qua được để có thể đi đến chỗ cùng chia sẻ một niềm tin về ơn cứu độ của Chúa Kitô..

Trước hết, chúng ta cần biết qua về Nhóm Kitô giáo gọi chung là Tin Lành ( Protestantism) do những người chủ xướng như Martin Luther ở Đức, năm 1517;  John Calvin ở Pháp,  Ulrich Zwingli ở Thụy sĩ , và  King Henry VIII  và Wolsey ở  Anh năm 1527. Họ đã tự tách ra khỏi Giáo Hội Công Giáo để tiến hành cài gọi là “ Cải cách tôn giáo “ Protestant Reformation’  trong  thế kỷ 16 ở Âu Châu và sau này lan tràn sang Mỹ và  Á Châu. Riêng ở Mỹ, các nhóm Tin Lành chính gồm có Baptists, Methodists, Lutherans, Presbyterians, Protestant  Episcopal, United Church of Christ, Episcopalians, Quakers , Disciples  of Christ of  the Later-day Saints, Jehovah’s Witnesses…

Quan điểm thần học  của họ dựa trên 2 tiêu chuẩn  hay nguyên tắc căn bản  chính sau đây :

1- Vai trò tối cao của Thánh Kinh ( Supremacy of the Scriptures)  như là nguồn duy nhất ( Sola Scriptura )  cho  Niềm tin và chân  lý Kitô Giáo.

2- Sự công chính hóa ( Justification) hay ơn cứu độ chỉ nhờ vào đức tin mà thôi.

Tất cả 2  nguyên tắc trên đều không hoàn toàn phù hợp với niềm tin và giáo lý của Giáo Hội Công Giáo và Chính Thống Giáo ( Orthodox Churches) vì lý do  như sau:

Thứ nhất, Giáo Hội Công Giáo tin Thánh Kinh, Mạc Khải ( Revelation), và Thánh Truyền ( Sacred Tradition)  là 3 nguồn chân lý của đức tin  trong khi anh  em Tin Lành chỉ tin có Thánh Kinh, không công  nhận Mạc Khải và Thánh Truyền,  kể cả Quyền Giáo Huấn ( Magisterium)  của Giáo Hội và vai trò lãnh đạo của Đức Thánh Cha. Họ tin Kinh Thánh nhưng lại  hiểu theo cách cắt nghĩa riêng của họ, khác với cách hiểu và cắt nghĩa của Công Giáo.

Cụ thể, liên quan đến đoạn Thánh Kinh Tân Ước trong  Tin Mừng  Thánh Matthêu sau đây :

 Người  ( Chúa Giêsu) còn đang nói với đám đông, thì có mẹ và anh  em của Người đứng bên ngoài tìm cách nói chuyện với Người. Có kẻ thưa Người rằng : “ Thưa Thầy, có Mẹ  và anh  em Thầy đứng ngoài kia, tìm cách nói chuyện với Thầy. ( Mt 12 : 46-47)

Anh  em Tin Lành đã cắt nghĩa cụm từ “ anh  em “ ở trên theo nghĩa anh em  huyết tộc, để từ đó nói rằng Đức Mẹ, sau khi sinh Chúa Giêsu, còn sinh thêm một số con nữa,.và  từ ngữ “ anh  em” trong câu trên được họ giải thích là con ruột của Đức Mẹ, em của Chúa Giêsu,  cho nên Đức Mẹ không còn đồng trinh trọn đời như Giáo Hội Công Giáo và Chính Thống tin.

Ngược lại,  Giáo Hội Công Giáo và Chính Thống Giáo cắt nghĩa từ ngữ “ anh  em “ nói trên theo nghĩa thiêng liêng, chứ không theo nghĩa đen  ( literal meaning) của từ ngữ,  nên  tin vững chắc rằng Đức Maria chỉ  sinh có một Người Con duy nhất làChúa Giêsu nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần, vì thế Mẹ vẫn trọn đời đồng trinh  như Giáo Hội dạy không sai lầm cho đến nay.

Thứ hai - Liên quan đến vấn đề công chính hóa và ơn cứu rỗi, anh  em Tin Lành cho rằng con người đã mất hết khả năng hành thiện sau khi Adam sa ngã, nên không thể làm được gì có giá trị công chính nữa.Do đó, chỉ còn tin Chúa Kitô là được cứu rỗi mà thôi. Mọi có gắng của cá nhân không thể làm cho con người trở nên công chính ( justified) mà phải nhờ vào ơn thánh và tin Chúa Kitô mới được cứu rỗi mà thôi.

Quan điểm trên của anh  em Tin Lành chỉ đúng một phần . Đó là cậy nhờ công nghiệp cứu chuộc của Chúa Kitô, là công nghiệp vô giá, vì nếu không có công nhiệp Chúa đã chịu đau khổ, đã bị đóng đanh và chết trên thập giá để đền tội thay cho nhân loại,  thì không ai có thể được cứu rỗi , vì  Ngoài Người ra, không ai đem lại ơn cứu độ, vì dưới gầm trời này , không có một danh nào khác đã được ban cho nhân loại, để chúng ta phải nhờ vào danh đó mà được cứu độ.” ( Cv  4 :12 )

Nghĩa là nếu Chúa Kitô không xuống thế làm Con Người và  hiến mạng sống mình làm giá chuộc cho muôn người ( Mt 20: 28) thì không ai có thể làm gì để tự cứu mình và cứu người khác được. Đây là điều chúng ta phải tin chắc chắn như vậy.

Tuy nhiên, dù công nghiệp cứu chuộc của Chúa cứu thế Giêsu  và ơn của Thiên Chúa là đủ cho ta được cứu rỗi. Nhưng Thiên Chúa vẫn đòi con người phải cộng tác vào ơn cứu độ đó bằng nỗi lực tin yêu Chúa và xa tránh mọi tội lỗi, vì nếu không thì ơn  cứu chuộc vô giá kia của Chúa Kitô vẫn sẽ trở nên vô ích như thường..

Thật vậy, bản chất con người,  tuy bị băng hoại vì tội Nguyên Tổ ( Origional Sin) , và trở nên rất yếu đuối trước mọi cám dỗ của ma quỷ và dịp tội của thế gian. Nhưng con người vẫn còn ý muốn tự do ( Free will) mà Thiên Chúa tôn trọng cho con người sử dụng  để  hoặc tự do chọn sống theo đường lối của Chúa hay theo thế gian tội lỗi để quay lưng lại với Thiên Chúa là Cha nhân từ, “ Đấng muốn cho mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý.” ( 1 Tm 2 : 4)

Kinh nghiệm bản thân của mỗi người chúng ta đủ chứng minh điều này : đó là chúng ta không bị bó buộc phải yêu mến Chúa và làm việc lành phúc đức. Chúng ta vẫn cảm thấy mình được tự do sống cho Chúa hay theo thế gian vô thần, vô luân,  vô đạo.

Cụ thể, ngày Chúa Nhật, có biết bao người Công Giáo đã tự ý không  đi tham dự Thánh Lễ, để ở nhà coi football, hay đi đánh bạc và du hí ở những nơi tội lỗi. Lại nữa, có biết bao người  tự do bỏ vợ , bỏ chồng dù đã có con cái và sống chung với nhau nhiều năm. Có vợ chồng còn thuê người khác giết vợ hay chồng của mình  để đi xây tổ ấm mới ! Và còn biết bao người khác đã và đang làm những sự dữ như giết người, gian manh, lường đảo, dâm ô, bài bạc , trộm cướp, bóc lột …

 Nếu sống như vậy, thì họ nghe theo tiếng gọi của Chúa, tiếng lương tâm của họ hay theo thói đời hư đốn đồi trụy ?
Chính vì con người còn có tự do để làm sự lành sự thiên hay sự gian ác, tội lỗi,  nên đức tin phải được chứng minh cụ thể bằng hành động  như Thánh Gia-cô-bê Tông Đồ đã dạy như sau:

“ Thưa anh  em, ai bảo mình có đức tin mà không hành động theo đức tin thì nào có ích lợi gì ? Đức tin có thể cứu người đó được chăng ? ( Gc 2 : 14)

Cụ thể, nếu tuyên xưng  đức tin vào Chúa Kitô mà lại không thi hành những lời Người dạy bảo về mến Chúa , yêu tha nhân,

yêu mến sự thiện hảo, công bình và bác ái,  thì đức tin đó là “ đức tin chết” theo lời dạy của Thánh Gia-cô-bê ( Gc`: 12: 17).

Kinh Thánh cho biết ông Abraham đã thể hiện đức tin và lòng mến yêu Thiên Chúa của ông  bằng hành động dám hy sinh con mình là Isaac, như Thiên Chúa đòi hỏi để thử thách ông. Và ông đã chứng minh đức tin và đức mến phi thường của mình khi đang định sát  tế  con một của ông, nên  Thiên Chúa kể ông là người công chính và ông được gọi là bạn của Thiên Chúa.” ( Gc 2 : 23)

Như thế đủ cho thấy là đức tin cần được thể hiện cụ thể bằng hành động theo gương ông Abraham và các Thánh Tử Đạo là những người đã dám đỏ máu mình ra để tuyên xưng đức tin vào Chúa Kitô.Nhưng  không phải chỉ đổ máu ra mới minh chứng được đức tin. Ngược lại, bằng đời sống bình thường trong gia đình và ngoài xã hội,  người có đức tin vẫn có thể biểu lộ đức  bằng hành động  cụ thể , như  làm việc bác ái, nhẫn nhục, chiu đưng và tha thứ cho người khác  để minh chứng  niềm tin  sống động của mình vào Thiên Chúa, là Cha nhân từ, đầy yêu thương và tha thứ. Trái lại, nếu miệng  tuyên xưng đức  tin có Thiên Chúa là Cha cực tốt cực lành,  tin Chúa Kitô là Đấng cứu chuộc nhân loại, nhưng chân lại bước vào những con đường tội lỗi như cờ bạc, gian manh, lừa đảo, dâm ô ,trộm cắp, giết người …thì  dẫu có tuyên xưng đức tin hàng trăm ngàn  lần ngoài môi miệng cũng vô ích mà thôi. Chắc chắn như vậy.
Đó là lý do tại sao Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ xưa  những lời sau đây :

“ Không phải bất cứ ai thưa với Thầy : Lậy Chúa, lậy Chúa là được vào nước trời cả đâu, nhưng chỉ ai thi hành ý muốn  của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời mới được vào mà thôi.” ( Mt  7 : 21)

Làm theo ý muốn của Cha trên Trời có nghĩa là thực thi những Điều Răn của Chúa về yêu thương, công bình, bác ái và thánh thiện.Nghĩa là thể hiện đức tin bằng hành động cụ thể sao cho phù hợp với niềm tin có Chúa là Cha ngự trên trời, là Đấng công minh thưởng phạt con người về những việc mình làm trên trần thế này.

Mặt khác, nếu chỉ cần có đức tin là đủ cho được cứu rỗi như anh  em Tin Lành rao giảng, thì tại sao Chúa Giêsu, qua dụ ngôn về Ngày Phán Xét chung, lại nói với những người đứng  bên phải Người  như sau :

 Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc :hãy đến  thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi …Vì  xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn, Ta khát các người đã cho uống… “( Mt 25  34-35).

Còn những kẻ đứng bên trái Người, Chúa cũng phán bảo họ rằng : “ Quân bị nguyền rủa kia,  đi đi cho khuất mắt Ta mà vào lửa đời đời, nơi dành sẵn cho tên Ác quỷ và các sứ thần của nó, vì xưa Ta đói , các ngươi đã không cho ta ăn; Ta khát các người đã không cho uống,.. Ta đau yếu và ngồi tù, các ngươi đã chẳng thăm nom… ( cc. 41-42)

Khi phán những lời trên với hai loại người đứng bên phải và bên trái, Chúa Giêsu đã tự đồng hóa mình với những người nghèo đói, bệnh tật và tù đày đang có mặt ở khắp nơi trên trần gian này.Nếu chúng ta thực thi đức tin bằng đức ái nồng nàn để ra tay cứu giúp những anh chị em kém may mắn đó, thì chúng ta đã thi hành bác ái với chính Chúa Giêsu đang hiện diện nơi những người xấu số đó. Ngược lại, nếu chúng ta làm ngơ, hay dửng dưng  trước những đau khổ và nghèo đói  của anh chị  em  đồng loại, thì  chúng ta đã  nhắm mặt bịt tai để không nhìn, không nghe tiếng Chúa đang kêu xin chúng ta nơi những người đau khổ, thiếu thốn tù đầy, và bệnh tật ở quanh mình.

Tóm lại , dụ ngôn Ngày Phán Xét chung đã hùng hồn nói lên sự cần thiết phải thể hiện đức tin bằng hành động bác ái tương xứng để đáng được lãnh nhận ợn cứu chuộc của Chúa Kitô, Đấng cũng vì yêu thương con người cách  cụ thể  mà đã  “ hiến mạng sống mình làm giá chuộc cho muôn người.” ( Mt 20 : 28)

Như vậy,  chỉ tuyên xưng đức tin vào Chúa Kitô như anh  em Tin Lành chủ trương là chưa đủ, mặc dù là cần thiết. Cần thiết  vì nếu không có công nghiệp cực trọng của Chúa Kitô, thì không ai có thể  tự sức mình làm được gì để đáng được cứu rỗi.

Tuy nhiên, như đã nói ở trên, nếu chỉ tin Chúa Kitô và nhờ ơn cứu chuộc của Người mà không làm gì hết về phần mình;  hay tệ hại hơn nữa,  là cứ sống thù nghịch với thập giá của Chúa Kitô bằng đời sống phản chứng, phạm những tội khiến  Chúa  đã bị đóng đanh để đền thay cho,  thì chắc chắn công cứu chuộc của Chúa Cứu Thế  Giêsu sẽ trở nên vô ích cho những ai cứ sống đức tin cách  mâu thuẫn như vậy.

Tóm lại, ta không thể lợi dụng công nghiệp cứu chuộc của Chúa Kitô và  không làm gì về phần mình để cộng tác với ơn cứu độ của Chúa. Đó là lý do  tại sao  Giáo Hôi Công Giáo dạy con cái mình phải tin Chúa Kitô và minh chứng niềm tin ấy bằng quyết tâm cải thiện đời sống dựa trên Tin Mừng Cứu Độ và cụ thể hóa niềm tin bằng hành động bác ái  theo tinh thần dụ ngôn Ngày Phán Xét chung nói trên.


Lm. Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn