Tuần Thánh, chúng ta tìm hiểu về Cuộc Khổ Nạn của Chúa Giêsu Kitô, để cùng đồng hành với Ngài trên Đường Thánh Giá, hiệp thông với đau khổ của Chúa Giêsu trên Thánh Gía, hầu xin ơn tha thứ tội lỗi của mình.
Với ý hướng đó, xin chuyển đến Quý Vị bài sau đây. Kính chúc Quý Vị sống một Tuần Thánh, với tinh thần thật nhiệt thành hết lòng hết sức của mình, để tham dự vào mầu nhiệm cứu độ.
CHÚA GIÊSU KITÔ THỤ NẠN
(A). HỌC THUYẾT THÁNH THOMAS
I. CUỘC KHỔ NẠN CỦA CHÚA GIÊSU KITÔ (q.46)
1. Đủ Mọi Thứ Đau Đớn (a.5)
Đau đớn của người ta có thể có hai cách:
MỘT là nói về loại, thì không cần cho Chúa Giêsu Kitô tất cả. Vì nói về loại có thể nghịch nhau, như lửa đốt, nước chìm. Đây chỉ nói về đau đớn do nguyên nhân ở ngoài, những thứ do nguyên nhân ở trong, như bệnh tật cơ thể, vẫn đáng cho Chúa Giêsu Kitô phải chịu.
HAI là nói về giống đau đớn, thì Chúa Giêsu Kitô đã chịu tất cả. Thứ Nhất là vì người ta. Chúa Giêsu Kitô đã chịu vì người lương dân Do Thái, vì đàn ông, đàn bà. Người cũng có chịu đau đớn vì vua quan và dân. Ngay cả trong hàng ngũ những người thân thuộc quen biết, như Giuđa bán Người và Phêrô đã chối Người. Thứ Nhì là về những thứ người ta có thể đau đớn. Chúa Giêsu Kitô chịu đau đớn vì những người bạn hữu bỏ mình; vì những lời lộng ngôn phạm đến danh giá của mình, vì những lời nhạo báng như phạm đến danh dự và vinh quang của mình; vì người ta lấy hết y phục phạm đến tài sản của mình, đau đớn trong linh hồn vì buồn sầu, mệt nhọc và sợ hãi; trong thân thể vì thương tích và roi vọt.
BA là trong chi thể. Chúa Giêsu Kitô chịu đau đớn trên đầu vì mão gai đâm vào; nơi tay chân vì các đinh đâm qua, trên mặt vì bị vả và bị khạc nhổ; trên toàn tấm thân vì bị đánh đòn. Hơn nữa, Người còn bị đau đớn trong cả các giác quan, về xúc giác khi chịu đánh đòn và đóng đinh vào thánh giá; về vị giác khi chịu nếm mật đắng và giấm chua; về khứu giác vì bị treo trên thánh giá ở một nơi thối tha với xác chết, gọi là núi Sọ; về thính giác vì phải nghe những lời lộng ngôn và nhạo báng; về thị giác vì trông thấy Thánh Mẫu và môn đệ mình yêu mến.
2. Hơn Tất Cả Mọi Thứ Đau Đớn (a.6)
Trong khi thụ nạn, Chúa Giêsu Kitô đã chịu đau đớn thực sự, và cảm thấy gây nên vì hại đến cơ thể, và đau đớn nội tâm gây nên vì nhận thấy thiệt hại, đó là buồn sầu. Cả hai thứ đau đớn này nơi Chúa Giêsu Kitô đã lên đến cực điểm hơn mọi thứ đau đớn người ta chịu ở đời này:
MỘT là vì nguyên nhân đau đớn, Nguyên nhân đau đớn hữu hình là hại đến cơ thể. Lên đến cực điểm vì giống đau đớn như đã nói ở trên; lại vì cách đau đớn. Vì chết bị đóng vào thập giá là vô cùng chua xót; bị đóng vào những chỗ có đường gân rất dễ cảm, như nơi bàn tay và bàn chân; trọng lượng của tấm thân bị treo lên tiếp tục gây thêm đau đớn; đã thế, lại còn đau đớn bị kéo dài, vì những người bị đóng vào thập giá không chết ngay như những người bị gươm giết.
Còn nguyên nhân đau đớn nội tâm vẫn nhiều: Trước là tất cả tội lỗi của loài người mà Chúa Giêsu Kitô chịu đau đớn để bồi thường. Sau là tội của người Do Thái và những người đã gây nên cái chết cho Chúa Giêsu Kitô, nhất là những môn đệ đã sa ngã trong khi Chúa Giêsu Kitô lâm nạn. Cuối cùng là vì mất đời sống cơ thể, theo tự nhiên rất kinh khủng cho nhân tính.
HAI là cường độ đau đớn gia tăng theo sức cảm thấy của nạn nhân, Thân của Chúa Giêsu Kitô đã được cấu tạo tuyệt đối hoàn toàn vì do Chúa Thánh Thần. Không có gì hoàn toàn hơn kết quả của phép lạ, như Thánh Gioan Kim Khẩu đã nói nước hóa rượu Chúa Giêsu Kitô đã thực hiện trong bữa tiệc cưới ở Cana. Vì thế, xúc giác để nhận thấy đau đớn nơi Người vô cùng tinh vi. Còn linh hồn Người, theo các năng lực nội tâm, nhận thấy vô cùng hiệu lực tất cả các nguyên cớ buồn sầu.
BA là vì đau đớn của Chúa Giêsu Kitô rất tinh tuyền. Khi người ta đau đớn, mối buồn sầu nội tâm và cả nỗi đau đớn ở ngoài có thể dịu bớt vì lý lẽ, theo các năng lực ở trên ảnh hưởng đến năng lực ở dưới. Nhưng nơi Chúa Giêsu Kitô chịu đau đớn thì không có như thế, vì Người đã cho phép năng lực nào thực hiện riêng năng lực ấy.
BỐN là vì cường độ đau đớn của Chúa Giêsu Kitô là vì Người đã tự ý chọn lấy để giải phóng con người khỏi tội lỗi. Cho nên Người đã nhận cường độ tương đương với hậu quả.
3. Đau Đớn Hết Linh Hồn (a.7)
Nói về toàn thể là theo các phần tử. Đau đớn hết linh hồn là đau đớn theo yếu thể của linh hồn, hay là tất cả các khả năng của linh hồn.
Nên biết mỗi khả năng của linh hồn có thể đau đớn hai cách, MỘT là riêng theo đối tượng của mình, như thị giác đau đớn vì sáng chói quá; HAI là vì chủ thể, như thị giác đau đớn vì chạm đến con mắt là quan năng, như khi mắt bị chích hay bị nóng.
Vậy nếu hiểu toàn linh hồn theo nghĩa yếu thể thì toàn linh hồn Chúa Giêsu Kitô đã chịu đau đớn, vì toàn yếu thể linh hồn kết hợp với cơ thể, khiến cho toàn linh hồn trong toàn cơ thể và trong mỗi phần của cơ thể. Vì thế, khi cơ thể của Chúa Giêsu Kitô chịu đau đớn và toan cách biệt linh hồn, thì toàn chính linh hồn cũng phải đau đớn.
Còn hiểu theo nghĩa tất cả các khả năng, nói đến đau đớn riêng của từng khả năng, thì linh hồn Chúa Giêsu Kitô đau đớn theo tất cả các khả năng loại dưới, vì trong mỗi khả năng này tác động theo những thứ dưới đất, thì có nguyên nhân đau đớn của Chúa Giêsu Kitô như đã nói ở trên (a.5). Nhưng xét về lý ở trên, thì nơi Chúa Giêsu Kitô không đau đớn vì đối tượng là Thiên Chúa, Ngài không phải là nguyên nhân đau đớn cho linh hồn Chúa Giêsu Kitô, nhưng là nguyên nhân khoái lạc và vui mừng.
Nói về cách thứ hai đau đớn cho một khả năng nào về chủ thể, có thể nói tất cả các khả năng linh hồn Chúa Giêsu Kitô đều đau đớn. Vì các khả năng này đều đâm rễ trong yếu thể linh hồn và linh hồn đau đớn khi cơ thể đau đớn.
4. Trong Khi Đau Đớn, Toàn Linh Hồn Chúa Giêsu Kitô Vẫn Trông Thấy Thiên Chúa (a.8)
Nói về yếu thể, toàn linh hồn Chúa Giêsu Kitô vẫn hưởng thụ như là chủ thể phần trên của linh hồn, là hưởng thụ Thiên Chúa.
Còn nói toàn linh hồn về nghĩa tất cả các khả năng, thì không phải toàn linh hồn được hưởng thụ, không trực tiếp, vì hưởng thụ không thể là tác động của mỗi phần linh hồn; cũng không phải qua việc chiếu lại vinh quang, vì khi Chúa Giêsu Kitô đương còn ở dưới đất này, không có chiếu lại vinh quang từ phần trên đến phần dưới, hay là từ linh hồn qua cơ thể. Nhưng ngược lại, phần trên của linh hồn không bị ngăn trở vì việc riêng của phần dưới, như thế thì phần trên vẫn được hưởng thụ hoàn toàn trông thấy Thiên Chúa, trong lúc Chúa Giêsu Kitô chịu đau đớn.
5. Thời Kỳ Thích Đáng (a.9)
Việc thụ nạn của Chúa Giêsu Kitô là tùy theo ý Người. Mà ý Người theo khôn ngoan của Thiên Chúa sắp đặt mọi sự thích đáng và ngọt ngào. Vậy phải nhận Chúa Giêsu Kitô thụ nạn vào thời kỳ thích đáng.
6. Nơi Chốn Thích Đáng (a.10)
Thánh Augustin có nói ‘Đấng cứu độ làm vạn sự vào nơi chốn và thời kỳ riêng’. Vì mọi sự đều trong tay Người và nơi nào cũng thế. Vậy Chúa Giêsu Kitô đã thụ nạn không những trong thời kỳ thích đáng, lại cả nơi chốn cũng thích đáng.
7. Chịu Đóng Vào Thánh Giá Cùng Hai Người Trộm Cướp (a.11)
Nói về ý người Do Thái, như Thánh Gioan Kim Khẩu đã nói, họ đóng hai người trộm cướp trên hai thập giá hai bên để cho Chúa Giêsu Kitô cũng chịu sỉ nhục với chúng. Nhưng không có như thế. Không ai nói gì đến chúng. Còn thánh giá của Chúa Giêsu Kitô thì được tôn kính khắp nơi; các vua bỏ vương miện xuống và cầm thánh giá lên; trên cẩm bào, trên vương miện, trên khí giới, trên bàn thánh, khắp nơi trên mặt đất, đều chiếu sáng thánh giá.
Còn nói về ý của Thiên Chúa, Chúa Giêsu Kitô chịu đóng vào thánh giá giữa hai người trộm cướp:
MỘT là vì như lời Thánh Jérôme ‘Chúa Giêsu Kitô đã muốn chịu nhục thập giá thay cho chúng ta, nên đã chịu đóng vào thập giá như một người tội ác giữa hai tên tội ác để giải thoát mọi người’.
HAI là vì như Thánh Lêo đã nói ‘Hai người trộm cướp bị đóng vào thập giá, một bên hữu và một bên tả Chúa Giêsu Kitô, để chứng tỏ trong ngày Chúa Giêsu Kitô phán xét sẽ phân biệt mọi người thế ấy’. Và Thánh Augustin cũng nói ‘Ai để ý thì hiểu thánh giá này như một tòa án. Quan tòa ở giữa. Người tin thì được giải phóng; người nói xúc phạm thì bị luận phạt. Thế là có nghĩa về người sống và kẻ chết trong tương lai, đặt người này bên hữu và người kia bên tả’.
BA là theo Thánh Hilaire ‘Hai người trộm cướp bị đóng bên tả và bên hữu tỏ ra mọi giai cấp nhân loại đều được gọi đến mầu nhiệm thụ nạn của Chúa Giêsu Kitô; phân chia mọi người tín hữu và thất tín bên hữu và bên tả, một người trong hai bên, bên hữu thì được cứu thoát nhờ đức tin công chính hóa’.
BỐN là như Thánh Bêđa đã nói ‘Hai người trộm cướp bị đóng vào thập giá với Chúa Giêsu Kitô, tượng trưng những người sống theo đức tin và tuyên xưng Chúa Giêsu Kitô, hoặc phải gian truân tử đạo, hoặc chọn một cuộc đời khắc khổ hơn. Người trộm cướp bên hữu tượng trưng những người hành động vì vinh quang vĩnh viễn, còn những kẻ có ý tìm được người ta khen ngợi, thì bắt chước theo tinh thần và hành động của tên trộm cướp bên trái’.
8. Không Quy Về Thiên Tính (a.12)
Trong Chúa Giêsu Kitô, nhân tính và thiên tính hợp với nhau trong chủ vị, nhưng vẫn khác nhau hai tính. Vì thế, có thể quy thụ nạn của Chúa Giêsu Kitô về chủ vị của thiên tính, không phải vì thiên tính là tính không chịu đau đớn, nhưng vì nhân tính.
II. NGUYÊN NHÂN (q.47)
1. Hai Cách (a.1)
Có hai cách nói về nguyên nhân:
MỘT là trực tiếp. Theo cách này, chính những ngưới bách hại Chúa Giêsu Kitô đã giết Người, vì họ đã làm cho Người phải những cực hình đến nỗi phải chết, với ý muốn giết Người.
HAI là gián tiếp. Vì không ngăn trở hậu quả khi có thể làm được, như người không đóng cửa khi họ có thể đóng, để cho nước mưa hắt vào ướt một người kia. Theo nghĩa này, chính Chúa Giêsu Kitô là nguyên nhân cho Người thụ nạn và tử nạn. Vì Người có thể ngăn trở, trước là vì Người có thể tránh các kẻ chống đối để cho họ đừng muốn hay không thể giết Người. Sau nữa, vì tinh thần Người có quyền bảo vệ bản tính nhục thể của Người không phải thiệt hại vì một thương tích nào, vì linh hồn Chúa Giêsu Kitô đã kết hợp với Ngôi Lời Thiên Chúa, như Thánh Augustin đã nói. Vì linh hồn Chúa Giêsu Kitô không xua đẩy những thứ hại đến cơ thể Người, nhưng đã muốn cho cơ thể Người chịu lấy thiệt hại đó, cho nên có thể nói, tự ý Người phú bỏ linh hồn hay là chịu chết.
2. Vì Vâng Lời (a.2)
MỘT là đáng để công chính hóa nhân loại, như Thánh Phaolô đã nói ‘Cũng như vì sự bất tuân của một người mà muôn người bị kể là tội nhân, thì nhờ sự tòng phục của một Đấng, muôn người được kể là công chính’ (Rm 5,19).
HAI là đáng để hòa giải người ta với Thiên Chúa, như Thánh Kinh có câu ‘Vâng lời có giá hơn lễ phẩm’ (1 Sm 15,22).
BA là đáng để Chúa Giêsu Kitô toàn thắng cái chết và thần chết. Một binh sĩ chỉ thắng trận nhờ vâng lời tướng lãnh. Chúa Giêsu Kitô đã thắng trận nhờ vâng lời Thiên Chúa.
3. Vì Đức Chúa Cha (a.3)
MỘT là theo ý vĩnh cửu của Đức Chúa Cha đã muốn từ trước, Chúa Giêsu Kitô thụ nạn để giải phóng loài người.
HAI là Đức Chúa Cha đã cho Chúa Giêsu Kitô có ý muốn chịu đau đớn vì chúng ta bằng cách cho Người tình yêu mến.
BA là Đức Chúa Cha không giữ Chúa Giêsu Kitô khỏi thụ nạn, lại phó Người cho những kẻ bách hại, như Thánh Augustinđã giải thích lời Chúa Giêsu Kitô trên thánh giá ‘Sao Cha bỏ Con?’.
4. Vì Những Người Do Thái và Lương Dân (a.4)
Chúa Giêsu Kitô thụ nạn có hậu quả cứu độ những người Do Thái, nhiều người trong số này đã được Rửa Tội. Sau nữa, để những người Do Thái ra đi giảng đạo, chuyển hậu quả thụ nạn của Chúa Giêsu Kitô sang cho người lương dân.
5. Vì Những Kẻ Bách Hại Mà Không Giết Người (a.5)
Trong số những người Do Thái, có người lớn kẻ nhỏ. Người lớn là những người có quyền thế, cũng như ma quỷ, họ biết ‘Chúa Giêsu Kitô là Vị Cứu Tinh mà sách Luật đã hứa, vì họ đã thấy mọi dấu hiệu các tiên tri đã nói trước về tương lai, nhưng họ không biết mầu nhiệm thiên tính’, cho nên Thánh Tông Đồ đã nói ‘Giá họ biết, họ đã không đóng Thiên Chúa vinh quang vào thánh giá’ (1 Cr 2,8).
Nhưng việc họ không biết không tha thứ họ khỏi tội ác, vì chính họ đã cố ý một cách nào không biết. Vì họ đã trông thấy những dấu hiển nhiên về thiên tính, nhưng vì ganh ghét Chúa Giêsu Kitô, họ đã thay đổi ý nghĩa những dấu hiệu đó và họ không muốn tin những lời Chúa Giêsu Kitô tự nhận mình là Con Thiên Chúa.
Còn kẻ nhỏ là dân chúng, không biết những mầu nhiệm trong Thánh Kinh, không biết đầy đủ chính Người là Vị Cứu Tinh, cũng không biết là Con Thiên Chúa; tuy có một vài người trong bọn họ tin Chúa Giêsu Kitô, nhưng đa số không tin. Nếu có khi họ nghi ngờ hay chính Người là Vị Cứu Tinh, vì có nhiều dấu lạ và đạo lý rất hiệu lực, nhưng rồi họ bị những người có quyền thế đánh lừa, nên họ không tin Chúa Giêsu Kitô là Con Thiên Chúa, cũng không tin là Vị Cứu Tinh.
6. Tội Nặng Nhất (a.6)
Như vừa thấy ở trên, những người Do Thái có quyền thế đã biết Chúa Giêsu Kitô, nếu họ có không biết thế nào, đó là vì họ muốn không biết nên không thể tha thứ. Vì thế, tội của họ rất nặng, vì theo loại tội đó, lại vì tự họ có ác ý.
Còn dân chúng Do Thái có tội rất nặng nếu xét về loại tội đó, nhưng vì họ không biết thì cũng bớt được phần nào. Nói đến tội những người lương dân lại có nhiều cớ đáng được tha thứ, tuy tay họ đã đóng Chúa Giêsu Kitô vào thánh giá, nhưng họ không biết Luật (trong Thánh Kinh của người Do Thái).
III. CÁCH THỨC SINH HẬU QUẢ (q.48)
1. Công Nghiệp (a.1)
Chúa Giêsu Kitô đã nhận ơn thánh không những vì riêng Người, lại còn vì Người là đầu Giáo Hội, để cho ơn nơi Người truyền xuống các chi thể. Vì thế, các việc của Chúa Giêsu Kitô làm cho Người và cho chi thể của Người, như những việc của một người đương có ơn thánh làm cho chính mình. Ai đương có ơn thánh mà chịu đau đớn vì công chính, thì vì đó đáng được cứu độ. Theo đó, Chúa Giêsu Kitô thụ nạn thì đáng được cứu độ không những cho mình, lại còn cho tất cả các chi thể của mình.
2. Bồi Thường (a.2)
Đền tội cho thực là hiến tặng cho Vị bị xúc phạm một việc yêu mến bằng hay là hơn việc xúc phạm. Vì yêu mến và vâng lời, Chúa Giêsu Kitô đã chịu đau đớn là hiến tặng Thiên Chúa thứ gì lớn hơn tất cả tội lỗi của nhân loại đòi hỏi phải bồi thường.
MỘT là vì tính cách cao trọng tình yêu mến khiến cho Chúa Giêsu Kitô chịu đau đớn.
HAI là vì phẩm giá đời sống của Chúa Giêsu Kitô đã hiến tặng để bồi thường, là đời sống vừa của Thiên Chúa, vừa của người ta.
BA là vì toàn thể thụ nạn và tính cách cao trọng đau đớn Chúa Giêsu Kitô đã nhận.
Vì thế, thụ nạn của Chúa Giêsu Kitô là một việc bồi thường không những đầy đủ, lại còn dư dật cho tội lỗi loài người. Như Thánh Gioan đã nói ‘Chính Người đền tội lỗi chúng ta, không những của chúng ta mà thôi, nhưng còn cho cả thế giới’ (1 Ga 2,2).
3. Tế Lễ (a.3)
Tế lễ là hiến dâng Thiên Chúa tôn kính thích đáng cho đẹp lòng Người. Như Thánh Augustin đã nói ‘Tế lễ cho Thiên Chúa, nghĩa là có mục đích tốt lành khiến cho mình Chúa Giêsu Kitô là Đấng Trung Gian duy nhất, và thực sự đã dùng việc tế lễ hòa bình mà hòa giải chúng ta với Thiên Chúa, Người tồn tại làm một với Đấng nhận lễ phẩm, dâng thay cho ai thì là một với những người đó ngay tự nơi mình, chính mình dâng hiến và lễ phẩm vẫn là một’.
4. Cứu Chuộc (a.4)
Vì tội lỗi, người ta mắc hai điều: MỘT là nô lệ vì tội lỗi. Ma quỷ thắng người ta trong khi thúc đẩy người ta phạm tội; như thế, người phạm tội trở nên nô lệ ma quỷ. HAI là phần phạt, người phạm tội mắc lấy theo phép công bình của Thiên Chúa. Đây cũng là một thứ nô lệ vì phải đau đớn trái ý mình, người tự do đối với họ theo ý họ.
Vậy thụ nạn của Chúa Giêsu Kitô vẫn đầy đủ và dư dật để bồi thường tội lỗi và phần phạt của loài người, như thể là một món tiền chuộc để giải phóng chúng ta khỏi hai món nợ đó. Vì bồi thường cho mình hay cho người khác là một thứ tiền chuộc mình hay chuộc người khác ra khỏi tội lỗi và hình phạt. Chúa Giêsu Kitô bồi thường, không phải là nộp tiền bạc hay một thứ gì trong loại đó, nhưng là hiến tặng thứ gì quý nhất, là hiến tặng chính mình vì chúng ta. Cho nên việc Chúa Giêsu Kitô thụ nạn là cứu chuộc chúng ta.
5. Chúa Giêsu Kitô Thực Là Thiên Chúa Cứu Chuộc (a.5)
Trong việc mua chuộc có hai điều: MỘT là trả; HAI là giá phải trả. Ai trả giá chuộc một người nào không phải với của mình, lại với của người khác, thì không chính mình, nhưng chính mình bỏ của ra mới là người đứng chuộc. Vậy giá chuộc chúng ta là Máu Chúa Giêsu Kitô, hay là đời sống cơ thể của Người, là chính Người đã trả. Cho nên trả giá và giá trả đều trực tiếp của Chúa Giêsu Kitô về phương diện là người, nhưng cũng của toàn cả Ba Ngôi Thiên Chúa là nguyên nhân đầu tiên và xa; vì chính đời sống của Chúa Giêsu Kitô cũng do Ba Ngôi Thiên Chúa là tác giả đệ nhất, và chính Ba Ngôi Thiên Chúa đã gợi ý cho Chúa Giêsu Kitô về phương diện người ta chịu đau đớn vì nhân loại.
Vì thế, riêng Chúa Giêsu Kitô về phương diện người ta là Đấng Cứu Chuộc trực tiếp, mặc dù chính việc cứu chuộc có thể quy về toàn Ba Ngôi Thiên Chúa như nguyên nhân đầu tiên.
6. Tác Thành (a.6)
Có hai nguyên nhân tác thành: MỘT là nguyên nhân chính; HAI là nguyên nhân dụng cụ. Nguyên nhân chính tác thành cứu độ người ta là Thiên Chúa. Vì nhân tính nơi Chúa Giêsu Kitô là ‘dụng cụ của thiên tính’. Do đó, mọi tác động và đau đớn của Chúa Giêsu Kitô đều thực hiện như dụng cụ theo quyền lực thiên tính để cứu độ loài người. Theo nghĩa này, thụ nạn của Chúa Giêsu Kitô là nguyên nhân tác thành cứu độ loài người.
IV. CHÍNH HẬU QUẢ (q.49)
1. Giải Phóng Khỏi Tội Lỗi (a.1)
Thụ nạn của Chúa Giêsu Kitô là nguyên nhân chính tha thứ tội lỗi:
MỘT là theo cách gây nên đức ái. Như Thánh Phaolô đã nói ‘Thiên Chúa chứng tỏ lượng Ngài thương yêu ta, vì khi ta đương còn là kẻ tội lỗi, đến giờ đã định, Chúa Giêsu Kitô chịu chết cho ta .....’ (Rm 5,8-9). Nhờ đức ái thì được tha tội, lời Chúa Giêsu: ‘Vì thế, tôi nói cho ông hay: Tội của chị ta rất nhiều, nhưng đã được tha, bằng cớ là chị ấy đã yêu mến nhiều. Còn ai được tha ít thì yêu mến ít’ (Lc 8,47).
HAI là theo cách cứu chuộc. Vì Chúa Giêsu Kitô là đầu chúng ta, Người đã thụ nạn vì vâng lời, và yêu mến để giải phóng chúng ta là chi thể của Người khỏi điều tội lỗi; thụ nạn của Người là như giá chuộc tội.
BA là theo cách tác thành, vì nhục thể theo đó Chúa Giêsu Kitô đã thụ nạn là ‘dụng cụ của thiên tính’, từ dụng cụ này các đau đớn và động tác của Chúa Giêsu Kitô thực hiện trong quyền lực Thiên Chúa đã đánh đuổi tội lỗi.
2. Giải Phóng Khỏi Ma Quỷ (a.2)
Trước khi Chúa Giêsu Kitô thụ nạn, sức lực của ma quỷ có ba cách động đến người ta:
MỘT là vì tội lỗi, người ta đáng bỏ cho sức lực ma quỷ đã thắng bằng cám dỗ.
HAI là vì người ta đã phạm tội xúc phạm Thiên Chúa thì Ngài công bình bỏ người ta theo sức lực ma quỷ.
BA là vì ma quỷ có ý chí vô cùng độc ác ngăn trở không cho người ta được cứu độ.
Theo mỗi cách này, thụ nạn của Chúa Giêsu Kitô đã có những hiệu quả. MỘT là giải phóng con người khỏi sức lực ma quỷ vì đã tha tội. HAI là giải phóng khỏi sức lực ma quỷ vì hòa giải chúng ta với Thiên Chúa. BA là giải phóng chúng ta khỏi ma quỷ, vì trong khi Chúa Giêsu Kitô thụ nạn, ma quỷ đã vượt quá sức lực Thiên Chúa đã ban cho nó, chính nó tìm cách làm cho Chúa Giêsu Kitô phải chết, mặc dù Người không đáng chết, vì Người không có tội.
3. Giải Phóng Khỏi Phần Phạt (a.3)
MỘT là trực tiếp, vì thụ nạn của Chúa Giêsu Kitô đầy đủ và dư dật để đền tội cho cả loài người. Đền tội đầy đủ thì cũng hết phần phạt.
HAI là gián tiếp, vì thụ nạn của Chúa Giêsu Kitô là nguyên nhân tha tội, mà phần phạt là vì tội (đã tha tội thì cũng tha phần phạt).
4. Giải Hòa Với Thiên Chúa (a.4)
MỘT là vì thụ nạn của Chúa Giêsu Kitô cất hết tội lỗi, là điều làm cho người ta thành ra thù địch Thiên Chúa.
HAI là vì thụ nạn của Chúa Giêsu Kitô là tế lễ rất đẹp lòng Thiên Chúa.
5. Mở Cửa Thiên Đàng (a.5)
Cửa đóng thì không vào được. Tội lỗi ngăn trở không cho người ta vào Nước Trời. Có hai thứ tội:
MỘT là tội chung cho cả nhân tính, là tội nguyên tổ. Tội này đã đóng cửa Nước Trời cho mọi người.
HAI là tội riêng của mỗi người, là tội người ta phạm vì động tác của họ.
Nhờ thụ nạn của Chúa Giêsu Kitô, chúng ta được giải phóng không những khỏi tội chung cho nhân tính, cả về tội lỗi và phần phạt, vì Chúa Giêsu Kitô đã trả giá chuộc chúng ta; lại còn giải phóng được khỏi tội riêng của mỗi người hiệp thông với thụ nạn của Chúa Giêsu Kitô bằng đức tin, đức ái và các bí tích đức tin. Như thế là thụ nạn của Chúa Giêsu Kitô mở cửa Nước Trời cho chúng ta.
6. Được Cao Thăng (a.6)
Trong khi thụ nạn, Chúa Giêsu Kitô đã hạ mình xuống dưới phẩm giá của Người bằng bốn cách:
MỘT là vì Người đã chịu đau đớn và chịu chết, vốn Người không đau như thế.
HAI là vì nơi chốn, thân Người đã chịu đặt trong mồ, và linh hồn Người xuống âm ty.
BA là vì những sỉ nhục Người đã chịu.
BỐN là vì Người đã chịu nộp vào quyền người ta.
Vì thế, Chúa Giêsu Kitô đã đáng được vinh thăng bằng bốn cách: MỘT là Người đã sống lại vinh quang. HAI là Người đã lên trời. BA là Người đã ngự bên hữu Đức Chúa Cha và tỏ hiện thiên tính của Người. BỐN là vì quyền phán xét của Người.
V. TỬ NẠN (q.50)
1. Đáng Cho Chúa Giêsu Kitô Chịu Chết (a.1)
MỘT là để bồi thường cho nhân loại đã bị phạt chết vì tội nguyên tổ. Bồi thường tương xứng thay cho một người khác là chịu lấy phần phạt họ đã đáng. Vì thế, Chúa Giêsu Kitô đã chịu chết để bồi thường thay cho chúng ta.
HAI là để chứng tỏ thực nhân tính Người đã nhận.
BA là giải phóng chúng ta khỏi sự chết.
2. Thiên Tính và Nhục Thể (a.2)
Điều gì đã ban theo ơn thánh, nếu không có tội lỗi, thì không bao giờ bị lấy lại. Ơn kết hợp làm cho thiên tính kết hợp với nhục thể Chúa Giêsu Kitô trong một chủ vị rất lớn hơn ơn lập tự làm cho ta được nên thánh; ơn kết hợp cũng trường tồn hơn, vì theo bản tính, ơn này để kết hợp trong chủ vị, còn ơn lập tự để kết hợp trong tình yêu mến. Và ta thấy ơn lập tự không mất nếu không có tội lỗi. Nơi Chúa Giêsu Kitô không hề có tội gì, thì thiên tính không thể thôi kết hợp với nhục thể của Người, cả trước và sau khi Người chịu chết.
3. Thiên Tính và Linh Hồn (a.3)
Linh hồn kết hợp với Ngôi Lời Thiên Chúa trực tiếp và gần gũi hơn cơ thể, vì cơ thể kết hợp với Ngôi Lời qua trung gian linh hồn. Khi Chúa Giêsu Kitô chịu chết, Ngôi Lời không rời bỏ cơ thể thì càng không rời bỏ linh hồn.
4. Con Người Của Chúa Giêsu Kitô (a.4)
Chúa Giêsu Kitô chịu chết thực, đó là một tín điều. Vậy nói điều gì trái với việc Chúa Giêsu Kitô chịu chết thực, là sai lầm trái tín điều. Nói về một người hay một con thú chết thực, thì không còn là người hay thú nữa. Vì thế, nói trong ba ngày Chúa Giêsu Kitô chịu chết, vẫn còn là người, nói như thế một cách tuyệt đối là nói một điều sai lầm. Nhưng có thể nói trong ba ngày đó, Chúa Giêsu Kitô là ‘người đã chết’.
Tuy nhiên, có người nói trong ba ngày đó, Chúa Giêsu Kitô vẫn là người; vẫn hay đó là một lời sai lầm, nhưng không có nghĩa sai lầm về tín lý. Như Hugues de Saint Victor (1100-1141) đã nói như thế, vì ông tin có linh hồn là người, nhưng đây là một điều sai lầm như đã nói trong phần thứ nhất (q.75 a.4).
Pierre Lombard cũng nói như thế, nhưng vì một lý khác, vì ông tin người ta không cần phải có linh hồn kết hợp với cơ thể, nhưng chỉ cần có một linh hồn và một cơ thể, kết hợp hay không, cũng vẫn là con người. Đây cũng là một điều sai lầm như đã nói trong phần thứ nhất (q.76 a.1).
5. Trước Và Sau Vẫn Là Một Tấm Thân (a.5)
Nói rằng thân Chúa Giêsu Kitô đã chịu chết vẫn còn hoàn toàn là một như khi còn sinh tiền, nghĩa là không chịu hư hỏng vì chết, nói như thế là lạc đạo. Theo Thánh Jean Damascène ‘từ – hư hỏng – có hai nghĩa: MỘT là nghĩa phân cách linh hồn và thân xác và các điều tương tự; HAI là trở về những nguyên tố vật chất. Vậy nói theo nghĩa trước là một điều vô đạo, vì thân Chúa Giêsu Kitô lại không đồng một bản chất như chúng ta, Chúa Giêsu Kitô đã không chết thực sự, và chúng ta cũng không được cứu thực sự. Nhưng hiểu về nghĩa thứ hai, thì thân Chúa Giêsu Kitô không hư hỏng’.
6. Cứu Độ Chúng Ta (a.6)
Nói về Chúa Giêsu Kitô chịu chết có hai cách: MỘT là đương thực hiện và HAI là đã thực hiện rồi. Khi đương thực hiện, là khi Chúa Giêsu Kitô thụ nạn. Nói về nghĩa này thì Chúa Giêsu Kitô chịu chết là nguyên nhân cứu độ chúng ta.
Còn nói đã thực hiện rồi, là sau khi tấm thân và linh hồn đã phân cách nhau. Về nghĩa này, Chúa Giêsu Kitô đã chết không còn là nguyên nhân cứu độ chúng ta theo nghĩa công nghiệp, nhưng chỉ theo nghĩa tác thành. Vì khi Chúa Giêsu Kitô đã chết, thiên tính vẫn không rời bỏ nhục thể, dù phân cách khỏi linh hồn, nhục thể này vẫn còn có giá trị lợi ích cho chúng ta vì còn kết hợp với thiên tính.
Hậu quả nào cũng theo hình ảnh nguyên nhân. Chết là không còn sống. Hậu quả cái chết của Chúa Giêsu Kitô là cất những thứ gì phản ngược với việc cứu độ chúng ta, là chết linh hồn và chết cơ thể. Vì thế mới nói, chết của Chúa Giêsu Kitô phá hủy nơi ta chết của linh hồn vì tội lỗi. Như Thánh Phaolô đã nói ‘Người đã chấp nhận nộp mình để chịu chết vì tội lỗi chúng ta’ (Rm 4,25); và phá hủy cái chết cơ thể là phân cách khỏi linh hồn ‘cái chết đã tiêu tan trong thắng trận’ (1 Cr 15,54).
VI. AN TÁNG (q.51)
1. Chúa Giêsu Kitô Chịu An Táng Là Điều Xứng Đáng (a.1)
MỘT là để chứng minh Người chết thực. Người ta đặt thi hài vào mồ sau khi đã biết chắc chết thực.
HAI là kể khi Người sống lại ra khỏi mồ thì cho những người ở trong mồ, hy vọng nhờ Người mà được sống lại.
BA là để làm gương cho những người nhờ Chúa Giêsu Kitô chịu chết, mà chết thiêng liêng cho tội lỗi của mình. Như ThánhPhaolô đã nói ”Nhờ phép Rửa Tội trong thụ nạn, ta đã được an táng với Người” (Rm 6,4).
2. Chúa Giêsu Kitô Đã Chịu An Táng Theo Cách Xứng Đáng (a.2)
MỘT là giúp cho người ta thêm tin Người đã chịu chết và đã sống lại.
HAI là khen ngợi lòng đạo đức của những kẻ đã an táng Người.
BA là dạy qua mầu nhiệm này, cho những người được an táng với Chúa Giêsu Kitô. ‘Vì được dìm vào trong cái chết của Người, chúng ta đã cùng được an táng với Người. Bởi thế, cũng như Người đã sống lại từ cõi chết nhờ quyền năng vinh hiển của Chúa Cha, thì chúng ta cũng được sống một đời sống mới’ (Rm 6,4).
3. Thân Chúa Giêsu Kitô Không Trở Thành Tro Bụi (a.3)
Một tấm thân phải hư hỏng vì tính yếu đuối, không thể giữ được tính cách duy nhất. Như đã nói, Chúa Giêsu Kitô không chịu chết vì bản tính yếu đuối. Chính vì Người muốn chịu chết, không phải do tật bệnh, nhưng là vì tự ý chịu nạn. Để cho thiên hạ đừng nghĩ Người chết vì tính yếu đuối, Chúa Giêsu Kitô đã không muốn cho cơ thể Người phải hư hỏng, hay là trở về những nguyên tố vật chất, bất cứ một cách nào. Để tỏ quyền lực của Thiên Chúa, Người đã muốn cho thân Người vẫn tồn tại không hư hỏng.
4. Chỉ Ở Trong Mồ Một Ngày và Hai Đêm (a.4)
Thời gian này tượng trưng hậu quả Người chịu chết. Như đã nói, nhờ Chúa Giêsu Kitô chịu chết, chúng ta được giải phóng khỏi hai cái chết: Chết linh hồn và chết cơ thể, tượng trưng bằng hai đêm Chúa ở trong mồ. Người chịu chết không vì tội lỗi của Người, nhưng vì yêu thương, thì giống như ngày, không phải như đêm, nên tượng trưng bằng một ngày toàn vẹn Chúa Giêsu Kitô đã ở trong mồ.
VII. XUỐNG ÂM TY (q.52)
1. Chúa Giêsu Kitô Xuống Âm Ty Là Điều Xứng Đáng (a.1)
MỘT là để đưa chúng ta ra khỏi hình phạt, vì chính Người đã đến để mang lấy tội lỗi chúng ta. Vì tội lỗi, con người không những đáng chết về cơ thể, nhưng còn đáng xuống hỏa ngục. Vậy Chúa Giêsu Kitô đã chịu chết để giải phóng chúng ta khỏi chết, thì Người xuống âm ty là xứng đáng để giúp chúng ta khỏi phải xuống đó.
HAI là để giải phóng những người bị giam cầm trong tay ma quỷ, vì thụ nạn của Chúa Giêsu Kitô đã thắng ma quỷ.
BA là để chứng tỏ quyền phép Người trong âm ty khi Người đến thăm và chiếu sáng, như Người đã tỏ quyền phép của Người trên mặt đất trong lúc Người sinh hoạt và chịu chết.
2. Không Xuống Hỏa Ngục (a.2)
Có hai cách ở một nơi nào:
MỘT là vì hậu quả. Theo nghĩa này, Chúa Giêsu Kitô đến các ngục người chết theo những cách khác nhau. Vì trong hỏa ngục, Người đến để cho những linh hồn ở đó phải sỉ nhục, vì đã không tin và độc ác. Người vào trong luyện ngục để cho những linh hồn ở đó hy vọng được vinh quang. Người vào âm ty, có các tổ phụ ở đó chỉ vì tội nguyên tổ, Người đã cho họ thấy ánh sáng vinh quang vĩnh cửu.
HAI là vì yếu thể. Theo nghĩa này, Chúa Giêsu Kitô chỉ xuống ngục những người công chính, để thăm viếng ngay tại nơi đó với linh hồn của Người, những kẻ Người đã thăm viếng nội tâm bằng cách ban cho họ ơn thánh qua thiên tính của Người. Như thế là đến trong một nơi, Người đã chiếu dọi một cách nào hậu quả của Người khắp những nơi khác, như Người thụ nạn một nơi trên mặt đất, Người đã giải phóng toàn cả thế giới.
3. Toàn Cả Chúa Giêsu Kitô Đến Trong Âm Ty (a.3)
Khi Chúa Giêsu Kitô chịu chết, nếu linh hồn phân cách cơ thể, cả linh hồn và cả cơ thể đều không phân cách khỏi chủ vị Con Thiên Chúa. Vì thế, trong ba ngày Người chịu chết, toàn Chúa Giêsu Kitô vẫn ở trong mồ, vì toàn chủ vị của Người vẫn ở đó theo cơ thể vẫn kết hợp với Người. Cũng một cách đó, toàn thể của Người vẫn ở nơi âm ty vì toàn chủ vị của Người vẫn ở đó vì linh hồn vẫn kết hợp với chủ vị. Cũng như Chúa Giêsu Kitô vẫn ở khắp nơi vì thiên tính của Người.
4. Ở Lại Ít Lâu (a.4)
Cơ thể của Người ở trong mồ một ngày và hai đêm để chứng minh Người chết thực. Vì thế, phải tin linh hồn Người ở trong âm ty trong khoảng thời gian đó, để cùng trong một lúc linh hồn Người ra khỏi âm ty với cơ thể ra khỏi mồ.
5. Giải Phóng Các Tộc Trưởng Do Thái (a.5)
Khi Chúa Giêsu Kitô xuống âm ty thì tác động theo quyền lực thụ nạn của Người. Với việc thụ nạn của Chúa Giêsu Kitô, nhân loại được giải phóng không những khỏi tội lỗi, lại còn được giải phóng khỏi phần phạt. Người ta bị phạt vì hai cớ: MỘT là vì tội mình phạm; HAI là vì tội của toàn nhân tính. Phần phạt tội này là chết về cơ thể và không được sống vinh quang. Vì thế, khi xuống âm ty, với quyền lực thụ nạn, Người đã giải phóng các thánh khỏi phần phạt mất đời sống vinh quang, khiến cho các ngài không được thấy yếu thể Thiên Chúa là hạnh phúc hoàn toàn của con người. Các thánh tộc trưởng Do Thái đã bị giữ trong âm ty, vì cửa đời sống vinh quang đã không mở cho các ngài vì tội nguyên tổ. Như thế, Chúa Giêsu Kitô xuống âm ty đã giải phóng các ngài khỏi chốn giam cầm.
6. Không Giải Phóng Những Người Khác Đã Bị Phạt (a.6)
Chúa Giêsu Kitô xuống âm ty chỉ giải phóng những người được kết hợp với việc thụ nạn của Người, nhờ có đức tin hợp với đức ái cất hết tội lỗi. Còn những người ở trong ngục những kẻ bị phạt, hoặc đã không tin Chúa Giêsu Kitô thụ nạn, như những người ngoại giáo, hoặc đã có lòng tin, nhưng không được giống chút nào với đức mến của Chúa Giêsu Kitô thụ nạn. Họ chưa được trong sạch hết tội của họ. Vì đó, việc Chúa Giêsu Kitô xuống âm ty không giải phóng họ khỏi phần phạt hỏa ngục.
7. Không Giải Phóng Trẻ Con Đương Mắc Tội Nguyên Tổ (a.7)
Vì chúng không được kết hợp với thụ nạn của Chúa Giêsu Kitô nhờ đức tin và đức ái. Chúng không thể tin vì chưa dùng được tự do, cũng không được hết tội nguyên tổ nhờ đức tin của cha mẹ hay là bí tích nào vì đức tin.
Còn các thánh tộc trưởng được giải phóng khỏi âm ty thì được vào vinh quang trông thấy Thiên Chúa. Chỉ có nhờ ơn thánh mới được vinh quang này. Trẻ con chết với tội nguyên tổ thì không có ơn thánh, nên không được giải phóng.
8. Không Giải Phóng Các Linh Hồn Ở Luyện Ngục (a.8)
Việc thụ nạn của Chúa Giêsu Kitô không có quyền lực tạm thời, nhưng có quyền lực vĩnh viễn. Như thế thì rõ ràng không có quyền lực trong lúc Chúa Giêsu Kitô xuống âm ty hơn ngày nay. Vì đó, những người đương ở luyện ngục với tình trạng như ngày nay thì không được giải phóng. Nhưng nếu có những linh hồn nào lúc ấy có điều kiện để được giải phóng như ngày nay thì lúc ấy cũng được giải phóng.
(B). SUY LUẬN
Nguyên trong kinh Tin Kính thông dụng từ thế kỷ IV, gọi là kinh Tin Kính của các thánh Tông Đồ, có câu La Tinh ‘Descendit ad inferos’, bản tiếng Việt Nam từ xưa đã dịch là ‘Xuống ngục tổ tông’. Nhưng theo ý nghĩa như Thánh Thomas vừa nói ở trên, không phải chỉ có ngục này, còn tiếng Việt Nam vẫn hiểu tổ tông là Ađam và Evà. Muốn sát nghĩa từ La Tinh, thì hiểu ‘ngục ở dưới’ hay là ‘địa ngục’, nhưng không phải là ngục dưới đất. Vì thế, ở đây, mượn từ ‘âm ty’ (hay âm phủ), chỉ chốn tối tăm của người chết.
Theo các sử liệu, chính Linh Mục Rufinus (Ý, 345-411) là người đầu tiên nói đến kinh Tin Kính phải đọc khi rửa tội ở Aquile (Ý) có câu này. Nhưng không có trong kinh Tin Kính đọc ở Rôma và Đông Âu. Qua thế kỷ V, chỉ có trong kinh Tin Kính đọc ở miền nam nước Pháp.
Năm 447, ngày 21-7, Giáo Hoàng Lêo viết cho một Giám Mục ở Tây Ban Nha có nói, việc Chúa Giêsu Kitô xuống âm ty là một tín điều chắc chắn cho người Công Giáo.
Đầu thế kỷ VI, Giáo Hoàng Symmaque viết cho hoàng đế Anastase xác nhận, ngài vẫn tin Chúa Giêsu Kitô xuống âm ty.
Qua thế kỷ VII, năm 633, Công Đồng Tolède IV tuyên bố, Chúa Giêsu Kitô xuống âm ty để giải thoát các linh hồn công chính khỏi tay ma quỷ.
Thế kỷ IX, Công Đồng Arles VI nhắc lại lời Công Đồng Tolède IV.
Đến năm 1141, Công Đồng Sens kết án câu của Abelard ‘Linh hồn Chúa Giêsu Kitô không tự mình xuống âm ty, nhưng chỉ xuống bằng quyền lực của mình’. Năm 1215, Công Đồng Latran IV, và năm 1274, Công Đồng Lyon, xác nhận ‘Chúa Giêsu Kitô xuống âm ty với linh hồn’.
Các Giáo Phụ như Thánh Jérôme, Thánh Augustin, Thánh Hilaire và Thánh Basile cũng nhắc đến Thánh Vịnh 33,7-9; 29,4; 48,16; 85,13; 134,8 và sách Huấn Ca 24,45.
Phúc Âm Thánh Mattheu có câu ‘Cũng như Jonas ở trong bụng một con cá lớn, thì Con Người sẽ ở ba ngày ba đêm trong lòng đất’. Nhiều người đã hiểu ‘trong lòng đất’ là an táng Chúa Giêsu Kitô trong mồ. Nhưng một số Giáo Phụ như Thánh Irênê và Thánh Grégoire de Nysse lại hiểu không thể nói mồ Chúa Giêsu Kitô trong lòng đất, phải nói là Chúa Giêsu Kitô xuống âm ty.
Có người nhắc đến hai câu của Thánh Phaolô: Còn về việc người ta được nên công chính nhờ đức tin, thì có lời nói: Đừng tự hỏi, ai sẽ lên trời? Ngụ ý là, để đem Chúa Giêsu Kitô xuống (Rm 10,6); và: Người đã lên nghĩa là gì, nếu không phải là Người đã xuống tận các vùng sâu thẳm dưới mặt đất? (Ep 4,9).
Và mấy lời của Thánh Phêrô: Nhưng Thiên Chúa đã làm cho Người sống lại, giải thoát Người khỏi những đau khổ của cái chết. Vì lẽ cái chết không tài nào khống chế được Người mãi (Cv 2,24); và: Vì Thiên Chúa chẳng đành bỏ mặc linh hồn con trong cõi âm ty, cũng không để Vị Thánh của Ngài phải hư nát. Thiên Chúa sẽ dạy con biết đường về cõi sống, và cho con được vui sướng tràn trề khi ở trước Thánh Nhan. Thưa anh em, xin được phép mạnh dạn nói với anh em về tổ phụ Đavit rằng: Người đã chết và được mai táng, và mộ của người còn ở giữa chúng ta cho đến ngày nay. Nhưng vì là ngôn sứ và biết rằng Thiên Chúa đã thề với người là sẽ đặt một người trong dòng dõi trên ngai vàng của người, nên người đã thấy trước và loan báo sự Phục Sinh của Chúa Giêsu Kitô khi nói: Người đã không bị bỏ mặc trong cõi âm ty, và thân xác Người không phải hư nát (Cv 2,27-31); và: Người đã đến giảng cho các vong linh bị giam cầm (1 Pr 3,19), nhưng không rõ về nghĩa Chúa Giêsu Kitô xuống âm ty.
Có lẽ ngày xưa có người đã dựa vào câu Phúc Âm Thánh Mattheu ‘và các mồ mở ra, có nhiều thánh mà thi hài nghỉ ngơi(trong đó) đã sống lại. Ra khỏi mồ sau khi sống lại, các ngài vào trong thành thánh và hiện ra với nhiều người’ (Mt 27,52-53); rồi kết luận Chúa Giêsu Kitô đã xuống âm ty để đưa các ngài ra.
Thánh Ignace có nói Chúa Giêsu Kitô đã đến thăm các ngôn sứ đương chờ đợi Người và Người cho họ sống lại.
Clément d’Alexandrie quả quyết, Chúa Giêsu Kitô đã xuống âm ty để thăm những người xưa vẫn sống trong linh hồn mà chờ đợi ngày Chúa Giêsu Kitô đến. Mục đích Chúa Giêsu Kitô đến thăm là loan báo cho họ biết Tin Mừng.
Cũng như Thánh Irênê, Tertullien phản đối những người tin các linh hồn công chính xưa kia đều được lên thiên đàng ngay sau khi chết. Chính Chúa Giêsu Kitô cũng giữ luật chết của người ta, Người chỉ lên trời sau khi đã xuống âm ty tỏ mình cho các ngôn sứ được trông thấy.
Theo Origène, các ngôn sứ cũng như Thánh Gioan Tẩy Giả đã xuống âm ty báo tin Chúa Giêsu Kitô sẽ đến đó. Linh hồn của Chúa Giêsu Kitô đã tách rời thi hài đến cùng linh hồn những người đã chết để cải hóa những ai muốn nghe lời Chúa Giêsu Kitô giảng dạy.
Bellarmin đã biện minh việc Chúa Giêsu Kitô xuống âm ty không phải là một hình bóng để nói Người đã chịu những đau đớn ở đó, nhưng là một việc có thực, vì Thánh Phêrô có nói ‘Người đã đến giảng cho các linh hồn đang bị giam trong ngục’ (1 Pr 3,19); ‘Phúc Âm được giảng cho cả kẻ chết, để tuy họ bị án phạt trong thân xác, nhưng vẫn được sống thiêng liêng với Thiên Chúa’ (1 Pr 4,6).
Như thế, Thánh Thomas và các nhà thần học Công Giáo xưa nay đã trung thành theo Thánh Kinh, các Giáo Phụ và Giáo Quyền mà giải thích các chi tiết như trên.
Nhưng anh em Tin Lành phủ nhận tín điều này. Calvin chỉ kể là một hình bóng để nói Chúa Giêsu Kitô âu sầu trong tâm hồn, và chịu đau đớn dường như ở âm ty. Người khác hiểu là một kiểu nói ngày xưa về việc Chúa Giêsu Kitô chịu chết và an táng, Chúa Giêsu Kitô thương yêu những người có tội nên bị phạt, hay là việc Chúa Giêsu Kitô chịu nạn ích lợi cho mọi người, bất cứ ở đâu, dù là những nơi đau khổ.
Những người theo học phái Duy Tân giải thích mấy thế kỷ đầu của Giáo Hội, ngay các Giáo Phụ cũng đương còn những tin tưởng đơn giản; nhưng ngày nay có nhiều điều tiến hóa, không thể tin như xưa. Không thể theo nghĩa đen mấy từ ‘xuống âm ty’, nhưng phải hiểu nghĩa bóng, là Chúa Giêsu Kitô thương yêu, thăm viếng, an ủi, giảng dạy và cứu chuộc mọi người, khắp mọi nơi, còn sinh sống trên mặt đất này hay là đã qua đời.
Người Công Giáo ngày nay biết các Giáo Quyền chưa thay đổi mấy từ ’xuống ngục tổ tông’ trong kinh Tin Kính đọc khi rửa tội, và kinh sáng tối của Tín Hữu, mặc dù không có trong kinh Tin Kính đọc hay hát trong Thánh Lễ, thì vẫn nhận là một tín điều. Nhưng về ý nghĩa, có người nghĩ Chúa Giêsu Kitô không cần phải xuống âm ty để giảng dạy và giải phóng những người có đủ điều kiện để biết đạo Chúa Cứu Thế và ra khỏi nơi đau khổ. Vì Chúa Giêsu Kitô xuống với linh hồn, những người đương ở đó cũng chỉ có linh hồn, không có cơ thể, nên không có nói và nghe như trên mặt đất này.
Chúa Giêsu Kitô toàn năng không cần phải đến tận nơi để giải phóng, một ý của Người, một việc Người chịu nạn chịu chết là đầy đủ cho khắp mọi nơi và cho muôn đời. Còn người được giải phóng trong lúc đó, chỉ biết được là những người, bất cứ vào hạng tuổi tác hay thuộc về dân tộc nào, có đủ điều kiện, là không có tội ác tự ý của mình, hay là đã hết tội lỗi để nhận được ơn Thiên Chúa. Chỉ nói chung về điều kiện, khó nói rõ những hạng người nào.
Có người lại đặt câu hỏi: Không biết bao nhiêu người đã sinh trước Chúa Giêsu Kitô, đã sống một cuộc đời lương thiện, đều phải ở âm ty mấy ngày mấy tháng mấy năm ..... để chờ Chúa Giêsu Kitô xuống đó giải phóng? Hay là có thể nói, đã nhờ công nghiệp Chúa Giêsu Kitô mà được lên thiên đàng, như Đức Mẹ đã nhờ công nghiệp Chúa Giêsu Kitô mà được vô nhiễm nguyên tội.
Nhưng người Công Giáo không dám nói như thế, vì khác với Thánh Kinh, các Giáo Phụ và Giáo Quyền.
Nếu được phép không tin như Thánh Thomas, âm ty không phải luyện ngục, thì hai câu Phúc Âm của Thánh Mattheu đã nhắc ở trên (Mt 27,52-53) có thể chứng minh về luyện ngục, tình trạng những linh hồn người chết không mắc tội trọng, tuy còn bị đau đớn, nhưng hy vọng sẽ được thiên đàng./-
@Thiên Phong-Trần Minh Đức Bảy