Thứ Tư, 5 tháng 2, 2020

SUY NIỆM HẰNG NGÀY - Ngày 5-2-2020

Filled under:

Lời Chúa: Mc 6,1-6

Khi ấy, Chúa Giêsu trở về quê nhà và các môn đệ cùng theo Người. Ðến ngày Sabát, Người vào giảng trong hội đường, và nhiều thính giả sủng sốt về giáo lý của Người, nên nói rằng: "Bởi đâu ông nầy được như vậy? Sao ông được khôn ngoan như vậy? Bởi đâu tay Người làm được những sự lạ thể ấy? Ông nầy chẳng phải bác thợ mộc con bà Maria, anh em với Giacôbê, Giuse, Giuđa và Simon sao? Chị em ông không ở với chúng ta đây sao?" Và họ vấp phạm vì Người.
Chúa Giêsu liền bảo họ: "Không một tiên tri nào mà không bị kinh bỉ ở quê hương, gia đình họ hàng mình". Ở đó Người không làm phép lạ nào được, ngoại trừ đặt tay chữa vài bệnh nhân, và Người ngạc nhiên vì họ cứng lòng tin. Người đi rảo qua các làng chung quanh mà giảng dạy.

SUY NIỆM 1

Cuộc sống âm thầm

Thánh Gioan Bosco, nhà giáo dục giới trẻ lừng danh nhất của thế kỷ 19 đã kể lại giấc mơ năm Ngài lên 9 tuổi như sau: Ngài mơ thấy mình ở giữa một đám trẻ đang chơi đùa, nghịch ngợm, cãi cọ và nói những lời thô tục. Muốn cho đám trẻ một bài học, cậu bé liền gọi một số em ra và dùng nắm tay để đe dọa. Nhưng chính lúc đó, Chúa Giêsu hiện ra gọi cậu bé lại và nói:
- Này Gioan, muốn biến những con chó sói này thành chiên con, thì con không nên dùng sức mạnh của đôi tay, mà hãy dùng lòng tốt.
Lúc đó, cậu bé thưa với Chúa:
- Lạy Chúa, chắc con không làm được đâu.
Chúa Giêsu liền chỉ cho Gioan Bosco thấy gương mặt hiền hậu của một người mẹ đang đi bên cạnh và nói:
- Ðây là mẹ của con và cũng là mẹ của chúng nữa. Với mẹ, con có thể biến đổi giới trẻ cho Nước Chúa, cho một thế giới tốt đẹp hơn.
Quả thật, về sau, cả công cuộc giáo dục giới trẻ của Gioan Bosco đều được đặt dưới sự hướng dẫn và bảo trợ của Mẹ Maria. Nhưng để có thể đến với Mẹ Maria, Gioan Bosco đã tiếp nhận lời dạy bảo và gương sáng của chính người mẹ ruột của mình. Có lẽ ngài không bao giờ quên lời căn dặn của mẹ ngài: "Mẹ đã sinh ra trong cảnh nghèo, mẹ đã sống trong cảnh nghèo; nếu con muốn làm linh mục để nên giàu có, thì mẹ sẽ không bao giờ đến thăm con nữa".
Mẹ Maria có lẽ đã không bao giờ nói một lời như thế với Chúa Giêsu, khi Ngài đã sống bên cạnh Mẹ Maria tại Nazareth trong suốt 30 năm. Tin Mừng đã không ghi lại một lời nào của Mẹ trong giai đoạn này, nhưng chắc chắn, cũng như mọi đứa trẻ, Chúa Giêsu đã sống và lớn lên một cách bình thường, nghĩa là Ngài đã từng uống từng lời dạy dỗ của Mẹ. Sống kiếp người chỉ có 33 năm, thì 30 năm, Chúa Giêsu lại dành cho cuộc sống ẩn dật âm thầm tại Nazareth. Ðây chắc chắn không phải là một giai đoạn uổng phí trong cuộc đời Chúa Giêsu. Chúa Giêsu đã không lập gia đình, nhưng đã sống phần lớn cuộc sống của Ngài trong gia đình, một cuộc sống âm thầm và bình thường, đến độ những người đồng hương của Ngài phải thốt lên với giọng gần như khinh bỉ: "Ông ta không phải là bác thợ, con bà Maria sao?"
Phản ứng của những người đồng hương về những năm âm thầm của Chúa Giêsu tại Nazareth là một xác quyết rằng Chúa Giêsu đề cao đời sống gia đình. Ngài đã không sống như một siêu nhân, Ngài đã không làm bất cứ một việc phi thường nào, nhưng đã sống một cách bình dị trong cảnh nghèo như mọi người. Chính vì Con Thiên Chúa đã sống một cách bình dị những thực tại hàng ngày của cuộc sống gia đình, mà đời sống ấy mang một giá trị và có ý nghĩa đối với con người. Tất cả những biến cố trong cuộc sống của Con Thiên Chúa làm người đều đáng được chúng ta chiêm ngưỡng, và trong ánh sáng của những biến cố ấy, chúng ta được mời gọi để nhìn vào cuộc sống hàng ngày của chúng ta.
Nguyện xin Chúa thánh hóa cuộc sống mỗi ngày của chúng ta, để chúng ta sống một cách sung mãn từng giây phút và trở thành nhân chứng tình yêu Chúa trước mặt mọi người.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)



SUY NIỆM 2

Việc Chúa Giêsu trở về quê nhà những tưởng sẽ đem lại niềm vui và Tin Mừng đến được cho người dân làng mình. Nhưng những người đồng hương của Chúa Giêsu không đó nhận Người vì họ vịn vào việc họ biết Đức Giêsu Nazaréth cũng như họ hàng thân thuộc của Ngài rất rõ. Quả là quen quá hóa nhàm, vì quá quen thuộc với Chúa họ lại trở nên cứng lòng tin, không mở lòng mình để có thể nhận ra Đấng Cứu Tinh mà họ đang khao khát đợi trông.
Một mục tử được sai đến với dân Chúa để đồng hành và dẫn dắt dân lắm khi cũng gặp chuyện trái ngang như thế. Nhẹ thì dửng dưng không cộng tác, kiểu khác thì tìm cách loại trừ với muôn vàn lý do. Nhưng lối suy nghĩ và hành động như thế trước tiên chỉ tổ làm phương hại đến chính mình và cộng đoàn vì đã quay lưng lại với ơn Chúa ban qua các vị mục tử là công cụ để đồng hành giữa dân và trao ban ân sủng Chúa nơi các bí tích và việc mục vụ mục tử thi hành.
Thánh Agata mà Giáo Hội mừng kính hôm nay là một vị thánh can trường. Được sinh ra trong một gia đình đạo đức, thế giá tại Sicilia, ngay từ nhỏ Agata đã khấn hiến trọn cuộc đời cho Thiên Chúa. Càng lớn càng có nhan sắc, thêm tính nết dịu hiền nên quan trấn Sicilia xin cầu hôn với Agata. Vì Agata khấn giữ mình đồng trinh, quan tức giạn đã bắt giam với lý do Agata có đạo. Các nhục hình hết sức tàn nhẫn, kể cả việc hạ lệnh nướng thánh nhân trên giường sắt nung đỏ không làm Agata nhụt chí, ngài vẫn một mực trung kiên với Thiên Chúa. Quan còn ra lệnh dùng mảnh chai nhọn bắt thánh nữ lăn lộn trên đó. Hành động can trường làm cả thành phố náo động, Quintianô sợ dân chúng nổi loạn, đã truyền giam thánh nữ trong ngục. Bị hành hạ trăm bề, thánh nữ Agata đã trút hơi thở cuối cùng vào ngày 05/02/251. Thiên Chúa đã thưởng công thánh nhân bằng muôn vàn phép lạ. Nổi tiếng là phép lạ thánh Agata đã che chở thành Catana khỏi hiểm họa núi lửa Eùtna.
Lạy Chúa, Chúa ban cho con ơn này đến ơn khác, khi thì qua một gương thánh nhân, khi lại qua những sự kiện trong cuộc sống. Xin ban cho con đôi mắt đức tin, để có thể nhận ra ơn Chúa và dám mở lòng mình để đón nhận ơn Ngài. Amen.

GKGĐ Giáo Phận Phú Cường