Phút cảm nhận Tin Mừng ngày 8-2-2020
"Đức Giê-su thấy một đám người rất đông thì chạnh lòng thương, vì họ như bầy chiên không người chăn dắt. Và Người bắt đầu dạy dỗ họ nhiều điều.” (Mc 6,34).
Ngày còn nhỏ, hẳn ai cũng có những lần khoe cha mẹ về việc học của mình: "Mẹ ơi; hôm nay con được 10 điểm". "Con của mẹ giỏi lắm, con rửa tay đi để ăn cơm".
Tin mừng hôm nay thuật lại Đức Giêsu ân cần bảo các môn đệ: "Các con hãy lui vào nơi vắng vẻ mà nghỉ ngơi một chút". Đó là tâm tình của người cha đối với những đứa con của mình, khi chúng hoàn thành tốt công việc được giao.
Người cha đầy tình yêu thương ấy, không chỉ đối với các con, mà còn yêu thương tất cả mọi người: "Lúc ra khỏi thuyền, Chúa Giêsu thấy dân chúng thật đông, thì động lòng thương, vì họ như đàn chiên không người chăn, và Người dạy dỗ họ nhiều điều".
Thiên Chúa không phải là một Đấng uy nghi ngự trên tòa cao mà phán xét, nhưng Ngài đã bày tỏ tình yêu của Ngài cho nhân loại, cảm thông với những nỗi khổ của nhân loại, gần gũi và yêu thương hết mọi người. Một Thiên Chúa như thế, đòi hỏi mọi người phải biết sống thế nào cho xứng danh là con cái Chúa.
Lạy Chúa. Xin cho chúng con sống xứng đáng với lòng thương của Chúa, xin cho chúng con biết kết hiệp mật thiết với Chúa nhiều hơn để chúng con hiểu ý Chúa và sống như Chúa là Đấng đầy yêu thương. Amen.
Thánh Paul Miki và các Bạn tử đạo Nhật Bản (c. 1597)
Thành phố Nagasaki, Nhật Bản, rất quen thuộc với mọi người vì đó là nơi trái bom nguyên tử thứ hai đã được thả xuống và giết hại hàng trăm ngàn người. Trước đó ba thế kỷ rưỡi, 26 vị tử đạo Nhật Bản đã bị treo trên thập giá ở một ngọn đồi nhìn xuống Nagasaki, bây giờ thường được gọi là Núi Thánh.
Thánh Phaolô Miki là con của Miki Handayu – một sĩ quan chỉ huy thuộc quân đội Nhật. Ngài sinh năm 1562 ở Tounucumanda và theo học trường dòng Tên ở Anziquiama, gia nhập dòng năm 1580, và trở nên nổi tiếng vì tài rao giảng.
Thánh Phaolô Miki là con của Miki Handayu – một sĩ quan chỉ huy thuộc quân đội Nhật. Ngài sinh năm 1562 ở Tounucumanda và theo học trường dòng Tên ở Anziquiama, gia nhập dòng năm 1580, và trở nên nổi tiếng vì tài rao giảng.
Trong thời kỳ bách hại đạo Công Giáo dưới thời Taiko, Toyotomi Hideyoshi, vào ngày 5 tháng Hai, ngài bị treo trên thập giá cùng với hai mươi lăm người Công Giáo khác, trong đó có nhiều giáo dân, như: Phanxicô, một thợ mộc bị bắt trong khi theo dõi cuộc hành quyết và sau đó bị treo trên thập giá; Gabriel, mười chín tuổi là con trai của người gác cổng dòng Phanxicô; Leo Kinuya, hai mươi tám tuổi làm thợ mộc ở Miyako; Diego Kisai, phụ tá của các cha Dòng Tên; Joachim Sakakibara, người làm bếp cho các cha Phanxicô ở Osaka; Peter Sukejiro, được một linh mục dòng Tên sai đến giúp đỡ các tù nhân thì bị bắt; Cosmas Takeya quê Owari nhưng đi truyền giáo ở Osaka; và Ventura ở Miyako, lúc đầu được các cha dòng Tên rửa tội, sau đó khi cha chết, ông trở nên một nhà sư, và sau cùng được các cha Phanxicô đưa trở lại Công Giáo
Trong khi bị treo trên thập giá, Thầy Phaolô Miki đã nói với những người đến xem cuộc hành quyết: “Bản án nói rằng những người này đến Nhật Bản từ Phi Luật Tân, nhưng tôi đâu có đến từ quốc gia nào. Tôi đích thực là người Nhật. Lý do duy nhất tôi bị giết là vì tôi rao giảng giáo lý Ðức Kitô. Quả thật tôi đã rao giảng giáo lý Ðức Kitô. Tôi tạ ơn Thiên Chúa vì lý do này mà tôi chết. Tôi tin rằng những lời trăn trối của tôi là sự thật. Tôi biết quý vị tin tôi và một lần nữa tôi muốn nói với quý vị: Hãy xin Ðức Kitô giúp quý vị có được hạnh phúc. Tôi vâng lời Ðức Kitô. Theo gương Ðức Kitô, tôi tha cho những người đã hành quyết tôi. Tôi không ghét họ. Tôi xin Thiên Chúa thương xót tất cả chúng ta, và tôi hy vọng máu của tôi sẽ đổ trên dân tôi như một cơn mưa nhiều kết quả.”
Khi các nhà truyền giáo trở lại Nhật trong những năm 1860, lúc đầu họ không thấy một vết tích nào của Kitô Giáo. Nhưng sau một thời gian, họ tìm thấy hàng ngàn người Kitô đã sống chung quanh Nagasaki và họ sống đạo một cách lén lút.
Đức Giáo Hoàng Urbano VIII tôn phong Chân Phước Tử Đạo cho tất cả các vị tử đạo Nhật ngày 14 tháng 9 năm 1627 và Đức Giáo Hoàng Pius IX đã ghi tên Chân Phước Paul Miki và các bạn tử đạo Nhật Bản vào sổ bộ các thánh tử đạo ngày 08 tháng 6 năm 1862.
Lời Bàn
Ngày nay, một thời đại mới đã đến với Giáo Hội Nhật. Mặc dù số người Công Giáo không nhiều, nhưng Giáo Hội được tôn trọng và được tự do tôn giáo. Việc phát triển Kitô Giáo ở Viễn Ðông thì chậm và khó khăn. Một đức tin như của 26 vị tử đạo thì rất cần thiết cho ngày nay cũng như trước đây, trong năm 1597.
Lời Trích
“Vì Ðức Giêsu, Con Thiên Chúa, đã thể hiện lòng bác ái của Người bằng cách hy sinh mạng sống cho chúng ta, không ai có tình yêu nào cao quý hơn người đã hy sinh mạng sống vì Ðức Kitô và anh chị em mình. Bởi đó, ngay từ thời sơ khai, một số Kitô Hữu đã được mời gọi – và chắc chắn sẽ được mời gọi luôn – để làm chứng cho tình yêu ấy cách hùng hồn trước muôn dân, nhất là những kẻ bách hại. Do đó, Giáo Hội coi sự tử đạo như một ơn huệ đặc biệt và là bằng chứng cao cả nhất của tình yêu.
“Mặc dù chỉ một ít người được ban cho cơ hội tử đạo, nhưng tất cả phải chuẩn bị để tuyên xưng Ðức Kitô trước mặt mọi người, và bước theo Người trên đường thập giá giữa những sự bách hại không bao giờ thiếu trong Giáo Hội” (Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội, 42).
“Mặc dù chỉ một ít người được ban cho cơ hội tử đạo, nhưng tất cả phải chuẩn bị để tuyên xưng Ðức Kitô trước mặt mọi người, và bước theo Người trên đường thập giá giữa những sự bách hại không bao giờ thiếu trong Giáo Hội” (Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội, 42).