Thứ Năm, 20 tháng 2, 2020

SUY NIỆM HẰNG NGÀY - NGÀY 20- 2-2020

Filled under:


Lời Chúa: Mc 8, 27-33

SUY NIỆM 1

Ngài là Ðức Kitô

Ðoạn Tin Mừng hôm nay thường được mệnh danh là cuộc tuyên tín tại địa hạt Cêrarê thuộc quyền Philip.
Chúa Giêsu đã làm rất nhiều phép lạ và rao giảng nhiều điều mới mẻ so với các Rabbi Do thái. Dân chúng đã bắt đầu bàn tán về con người và sứ mệnh của Ngài: người thì bảo là Gioan Tẩy giả đã sống lại, kẻ thì cho là Êlia hay một Tiên tri nào đó. Riêng Chúa Giêsu vẫn tiếp tục giữ thinh lặng về con người và sứ mệnh của Ngài: cứ sau mỗi phép lạ, Ngài thường bảo kẻ được thi ân giữ kín tông tích của Ngài.
Nhưng đã đến lúc Chúa Giêsu muốn phá vỡ sự thinh lặng ấy, Ngài đặt câu hỏi một cách rõ ràng với các môn đệ. Câu trả lời của các ông vừa là phản ánh dư luận của đám đông, vừa là trắc nghiệm về chính lòng tin của họ. Lời đáp của Phêrô quả là một lời tuyên xưng: "Ngài là Ðức Kitô", nghĩa là Ðấng Thiên Chúa sai đến để giải phóng dân tộc. Dĩ nhiên, trong cái nhìn của Phêrô và phù hợp với giấc mơ của ông, thì Ðức Kitô mà các ông mong đợi là Ðấng sẽ dùng quyền năng của mình để đánh đuổi ngoại xâm và biến đất nước thành một vương quốc cường thịnh. Chính vì thế, khi Chúa Giêsu loan báo về cuộc khổ nạn Ngài phải trải qua, Phêrô đã can gián Ngài. Tuyên xưng một Ðức Kitô Cứu Thế, nhưng không chấp nhận con đường Thập giá của Ngài, Chúa Giêsu gọi đó là thái độ của Satan. Ba cám dỗ của Satan đối với Chúa Giêsu đều qui về một mối là hãy khước từ con đường Thập giá; vì thế, khi Phêrô vừa can gián Ngài từ bỏ ý định cứu rỗi bằng con đường Thập giá, Chúa Giêsu đã gọi Phêrô là Satan.
Phêrô và các môn đệ chỉ hiểu được sứ mệnh của Chúa Giêsu, khi Ngài từ trong cõi chết sống lại. Ðấng Kitô là một danh hiệu gắn liền với Thập giá. Mang danh hiệu Kitô, tuyên xưng Chúa Kitô, cũng có nghĩa là chấp nhận đi theo con đường của Ngài, Phêrô và các môn đệ đã sống đến tận cùng lời tuyên xưng của mình; tất cả đều lặp lại cái chết khổ hình của Chúa Kitô.
Chúa Giêsu đã nói: "Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình, vác thập gía mỗi ngày mà theo Ta". Cuộc sống hàng ngày, nhất là trong những hoàn cảnh hiện tại, hơn bao giờ hết là một lời mời gọi tham dự vào cuộc khổ nạn của Ngài. Chúa Giêsu không bảo chúng ta đi tìm Thập giá, nếu không, đạo Kitô chỉ là một thứ tôn giáo bệnh hoạn, trong đó con người tự đày ảy mình; nhưng Ngài bảo chúng ta vác lấy thập giá mình. Mỗi người một thập giá, mỗi ngày một thập giá, Thiên Chúa không bao giờ đặt một thập giá nặng hơn đôi vai chúng ta.
Có rất nhiều cách để chúng ta khước từ thập giá: chúng ta từ khước thập giá bằng cách không tiếp nhận cuộc sống như một ân ban; chúng ta khước từ thập giá khi chúng ta chỉ nhìn một cách bi quan về các biến cố và con người; khi chúng ta bán đứng lương tâm vì một chút lợi lộc vật chất; khi chúng ta đóng kín niềm tin trong các buổi phụng vụ, trong bốn bức tường nhà thờ, mà quên rằng sống đạo là sống niềm tin Kitô trong từng giây phút của cuộc sống.
Chúng ta hãy lặp lại lời thánh Phaolô: "Tôi chỉ biết có một Chúa Kitô và là Chúa Kitô chịu đóng đinh Thập giá". Ước gì niềm tin của chúng ta luôn được soi sáng bằng mầu nhiệm Tử nạn và Phục sinh của Chúa Kitô, và được thể hiện bằng một thái độ chấp nhận thập giá trong từng giây phút cuộc đời.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)


SUY NIỆM 2

“Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?”, câu hỏi mà Chúa Giêsu dành cho các môn đệ khi xưa cũng là câu hỏi mà Người muốn mỗi người chúng ta phải trả lời. Rất dễ dàng để chúng ta có thể đưa ra câu trả lời cho câu hỏi này khi dựa vào sách Giáo lý: Người là Ngôi Hai, Con Thiên Chúa. Nhưng thật ra, Chúa Giêsu muốn một câu trả lời từ chính kinh nghiệm của niềm tin, từ chính cõi lòng của từng người trong chúng ta.

Thánh Phêrô, đại diện cho các môn đệ, sau khi chứng kiến những dấu lạ mà Chúa Giêsu thực hiện đã nhận ra Người là Đấng Kitô. Nhưng quan điểm của họ về Đấng Kitô hoàn toàn khác xa với bản tính đích thực của Đấng Cứu Thế như Chúa Giêsu diễn đạt: Người phải chịu đau khổ, bị giết chết... Điều đó vượt quá trí hiểu của Phêrô: Làm sao Con của Thiên Chúa Tối Cao lại có thể chịu đau khổ và bị giết chết được!

Cũng giống như các môn đệ khi xưa, đôi khi trong cuộc sống chúng ta muốn có một Thiên Chúa theo ý chúng ta. Đối diện với những bất công, chúng ta muốn Thiên Chúa phải ra tay tiêu diệt tất cả; đối diện với những bệnh tật, khổ đau, chúng ta muốn Thiên Chúa chữa lành ngay tức khắc... Để rồi chúng ta quên mất Thiên Chúa có cách của Ngài. Con đường mà Đấng Kitô giải cứu nhân loại lại là con đường thập giá. Chúng ta sẽ không thể nói một cách đúng đắn Chúa Giêsu là ai nếu chúng ta không chiêm ngắm và bước theo con đường mà Người đã đi. Thập giá chính là biểu tượng của sức mạnh tình yêu mà Thiên Chúa dành cho con người.

Lạy Chúa Giêsu đầy lòng lân tuất, xin cho chúng con mỗi ngày biết cảm nhận và nhận ra tình yêu Chúa dành cho chúng con qua mầu nhiệm Cứu độ. Đồng thời, xin cho chúng con thêm lòng can đảm, tín thác để đón nhận những thập giá trên đường đời, hầu mai ngày được hưởng vinh phúc cùng với Chúa trên Nước Trời. Amen.

GKGĐ Giáo Phận Phú Cường