ĐỘ LỚN CỦA TÂM HỒN
Ông Phê-rô hỏi: “Thưa Thầy, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần? Có phải bảy lần không?” Đức Giê-su đáp: “Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy.” (Mt 18,21-22 )
Suy niệm: Trước tình trạng bạo lực đang ngày càng gia tăng tới mức “kịch trần,” người ta truy tìm nguyên nhân của nó và càng lo lắng hơn, vì bạo lực phát xuất từ tâm hồn con người. Người ta chế tạo được những thứ vũ khí chui vào mọi ngõ ngách hang ổ để hủy diệt kẻ thù, nhưng chưa có thứ vũ khí nào có thể vào tận sâu tâm hồn con người để hủy diệt mọi nguyên cớ bạo lực. Vì thế, xúc phạm tiếp nối xúc phạm, báo thù tiếp nối báo thù. Một người xúc phạm, người kia báo thù; thế là cả hai trở thành người kẻ thù, và cứ thế bạo lực ngày càng gia tăng. Bấy giờ, người ta còn tệ hơn loài cầm thú khi giết chóc, báo thù nhau, không còn là anh em con một Cha trên trời nữa. Phê-rô cho rằng phải tha thứ đến “bảy lần,” tưởng thế đã là nhiều; nhưng đối với Chúa Giê-su như thế vẫn chưa đủ. Là con cái Chúa thì phải nên giống Ngài, trước tiên ở nết biết tha thứ cho nhau như Ngài tha thứ cho chúng ta. Đó là tha thứ đến “bảy mươi lần bảy” nghĩa là tha thứ vô điều kiện, là tha thứ đến vô cùng.
Mời Bạn: Bạn đang hằn học với ai? Bạn đang nghỉ chơi với ai? Chẳng lẽ bạn cứ muốn sống trong sự “chật hẹp” mãi sao? Tầm vóc tâm hồn của bạn lớn hơn bạn tưởng, bởi nó có khả năng tha thứ và vươn đến mọi người, vì Chúa tạo dựng nên nó như thế.
Sống Lời Chúa: Nhẩm đi nhẩm lại lời Chúa dạy: “Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy.”
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con biết tha thứ, như Chúa tha thứ cho con.
Ông Phê-rô hỏi: “Thưa Thầy, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần? Có phải bảy lần không?” Đức Giê-su đáp: “Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy.” (Mt 18,21-22 )
Suy niệm: Trước tình trạng bạo lực đang ngày càng gia tăng tới mức “kịch trần,” người ta truy tìm nguyên nhân của nó và càng lo lắng hơn, vì bạo lực phát xuất từ tâm hồn con người. Người ta chế tạo được những thứ vũ khí chui vào mọi ngõ ngách hang ổ để hủy diệt kẻ thù, nhưng chưa có thứ vũ khí nào có thể vào tận sâu tâm hồn con người để hủy diệt mọi nguyên cớ bạo lực. Vì thế, xúc phạm tiếp nối xúc phạm, báo thù tiếp nối báo thù. Một người xúc phạm, người kia báo thù; thế là cả hai trở thành người kẻ thù, và cứ thế bạo lực ngày càng gia tăng. Bấy giờ, người ta còn tệ hơn loài cầm thú khi giết chóc, báo thù nhau, không còn là anh em con một Cha trên trời nữa. Phê-rô cho rằng phải tha thứ đến “bảy lần,” tưởng thế đã là nhiều; nhưng đối với Chúa Giê-su như thế vẫn chưa đủ. Là con cái Chúa thì phải nên giống Ngài, trước tiên ở nết biết tha thứ cho nhau như Ngài tha thứ cho chúng ta. Đó là tha thứ đến “bảy mươi lần bảy” nghĩa là tha thứ vô điều kiện, là tha thứ đến vô cùng.
Mời Bạn: Bạn đang hằn học với ai? Bạn đang nghỉ chơi với ai? Chẳng lẽ bạn cứ muốn sống trong sự “chật hẹp” mãi sao? Tầm vóc tâm hồn của bạn lớn hơn bạn tưởng, bởi nó có khả năng tha thứ và vươn đến mọi người, vì Chúa tạo dựng nên nó như thế.
Sống Lời Chúa: Nhẩm đi nhẩm lại lời Chúa dạy: “Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy.”
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con biết tha thứ, như Chúa tha thứ cho con.
THÁNH AUBINÔ
GIÁM MỤC
(470-550)
GIÁM MỤC
(470-550)
Vầng trăng trung tuần trải ánh sáng êm dịu trên vạn vật. Những cơn gió nhẹ đùa giỡn với ánh trăng len lỏi lách qua từng kẽ lá. Thêm vào đó tiếng rít thanh thanh của côn trùng ngoài vườn cỏ làm thành bản nhạc phấn khởi tăng thêm niềm hân hoan cho dân làng Languidia. Họ vui mừng nghe tiếng chuông khai sinh của cậu con trai một gia đình quý phái đang rền vang trong yên lặng: cậu Aubinô chào đời vào một đêm hè năm 470.
Không một tài liệu nào cho ta rõ quý danh cha mẹ cậu Aubinô, nhưng điều chắc chắn là cả hai đều lương thiện, giầu có và nhân đức. Họ là những tấm gương tốt đẹp còn sống mãi trong lòng người làng Languiđia thuộc giáo phận Vannê. Nhân đức của hai ông bà đã làm cho người con nên thánh thiện ngay từ bé. Quả thế, ngay từ hồi bốn-năm tuổi Aubinô đã biết quy hướng đời sống vềø Thiên Chúa và tập sống đời tu trì. Người ta phải bỡ ngỡ khi đọc hay nghe những mẩu chuyện kể việc hy sinh của cậu bé ấy. Ngoài những buổi học cần mẫn, cậu còn đánh tội cầu nguyện hàng giờ trong nơi thanh vắng.
Đời sống đặc biệt ấy là dấu hiệu của lý tưởng tu trì mà Aubinô say mê theo đuổi đã âm thầm từ giã gia quyến, bỏ lại mọi danh vọng của cải mà dòng tộc và gia đình quý phái vẫn mong ước chờ đợi. Qua dặm đường cỏ úa, Aubinô tiến đến gõ cửa tu viện Tinciliac gần đô thành Angêria. Nơi đây thầy đã sống những năm nhà thử đầy gương sáng. Thầy đã được anh em dòng tặng cho tên danh dự "Ngôi sao đức khiêm nhường". Danh hiệu đó quả xứng đáng với Aubinô, ngài luôn coi mình như kẻ hèn hạ, sống trung thành với luật dòng trong mọi chi tiết và yêu làm những công việc nhỏ mọn nhất. Vì thế, đời sống hy sinh cầu nguyện và làm việc của thầy không bao lâu đã trổi vượt anh em. Đời sống thánh thiện âm thầm lớn lên dưới lớp men đức khiêm nhường. Nhưng thầy cố khiêm tốn ẩn mình đi thì Chúa quan phòng lại muốn hé mở cho mọi người biết. Chúa muốn thế để yên ủi và chuẩn bị cho người còn trẻ tuổi một tương lai huy hoàng, đồng thời để ngọn đèn nhân đức của Aubinô được giãi sáng đến mọi tâm hồn. Thế nên ngay khi còn là một tu sĩ trẻ, Aubinô đã được phúc hưởng ân lạ do Chúa ban. Một ngày kia, Aubinô vâng lời bề trên đi ra phố với một số đông các thầy. Nửa đường trời bỗng tối sầm lại, những đám mây đen nghịt và nặng trĩu dồn đến, đồng thời những cơn cuồng phong nổi lên tới tấp mang theo những trận mưa đổ xuống tầm tã. Nước trắng mặt đường, không một bóng người qua lại, trừ mấy cánh chim bạt gió. Các thầy phải vào trú trong một căn nhà vô chủ vừa nhỏ bé vừa mái thủng tường xiêu đứng trơ trọi bên mé đường. Vì thế, dầu cố nép mình vào những chỗ khuất, các thầy vẫn không tránh khỏi những hạt mưa phũ phàng. Thế mà lúc tạnh mưa, bỏ căn nhà ra đi mọi người phải bỡ ngỡ thấy toàn thân Aubinô vẫn khô, dù khi trú mưa thầy đã khiêm tốn nhường chỗ ưu tiên cho các thầy bạn, còn thầy đã vui vẻ đứng chỗ nước xối nhất. Phải chăng vì hạt mưa không dám chạm đến thân thể thầy, hay vì đó là kết quả một đời thánh thiện, nổi bật ngôi sao khiêm tốn, và biểu lộ cách kín đáo tình yêu Thiên Chúa chan hoà nơi người con ngoan ngoãn.
Thầy Aubinô mỗi ngày một thêm thánh thiện. Mọi người trong dòng hân hoan coi thầy như một vị thánh sống. Mối thuận tình chân thành và hợp lý ấy được cụ thể hoá trong việc dồn phiếu cho thầy Aubinô và thầy được chịu chức linh mục năm 504. Khi ấy thầy vừa đúng 35 tuổi. Chịu chức thánh rồi, theo sự tín nhiệm của anh em, cha Aubinô phải nhận chức tu viện trưởng. Dưới sự hướng dẫn của cha bề trên mới, nhà dòng như đổi hẳn bộ mặt và mặc lấy đời sống mới dồi dào ân điển, trung thành theo quy luật và chan hoà mùi hương bác ái. Đường lối điều khiển của cha có thể tóm tắt trong câu: "Nghiêm nhặt với mình, dịu hiền với tha nhân".
Chưa lấy thế làm đủ, Chúa còn muốn đặt người cán bộ số một này lên một địa vị khác, với một nhiệm vụ trọng đại hơn. Sau 50 năm sống ẩn dật trong tu viện, cha Aubinô được thăng chức Giám mục giáo phận Angêria.
Vừa chẵn 10 năm vắng bóng chúa chiên, đoàn giáo hữu Angeria sung sướng đón nhận người cha hiền. Cha Aubinô chịu chức Giám mục năm 538, đáp lại lòng ước nguyện tha thiết của hàng giáo sĩ và giáo dân Angeria. Trong nhiệm vụ mới, Đức tân giám mục đã tỏ ra hoàn toàn hiến dâng đời sống để mưu phần rỗi cho con chiên và đem lại sự hưng thịnh cho giáo phận. Ngài không lấy việc rao giảng lời Chúa cho con chiên mỗi sáng Chúa nhật và các ngày đại lễ làm đủ. Ngài còn giảng dạy hàng ngày, dùng gương sáng thúc đẩy, và khích động đức tin của đoàn chiên. Đây là phương châm của đức Giám mục : "Linh hồn cần lời Chúa như xác thể cần của ăn." Với châm ngôn ấy Đức cha Aubinô đã hoán cải đời sống con chiên. Người cũng hết sức lưu tâm đến mức sinh hoạt của họ, không quản mọi khó khăn hầu cổ động, tìm cách giúp đỡ và yên ủi mỗi khi thấy một xứ hay một miền trong giáo phận bị thiên tai vạ giáng. Ngài không bỏ sót một nỗi cơ cực nào mà không thông cảm giúp đỡ. Chúng ta kể sao hết số tù nhân đã được Đức cha vận động phóng thích, số người nghèo đã được giúp đỡ, kẻ goá bụa đã được che chở.
Để làm sáng tỏ thêm lòng bác ái của người con hiền, Thiên Chúa đã ban cho Đức Giám mục làm nhiều phép lạ mà chúng ta không thể kể hết được. Một tác giả cổ thời đã viết về ngài: "Đức Cha Aubinô có một ơn siêu nhiên đặc biệt, bằng một lời nói ngài có thể khuất phục sự chết và điều khiển sức thiên nhiên". Sau đây là hai trường hợp tiêu biểu:
- Trên đường đi kinh lược, Đức Giám mục bắt gặp một tên lính đang ngổ ngáo chực hãm hiếp một thiếu nữ. Cuộc vật lộn quyết liệt chứng tỏ tinh thần cương quyết của cô thiếu nữ biết trọng danh dự. Vừa thấy thảm cảnh, Đức Giám mục yên lặng xuống xe và đi thẳng tới. Đoàn người tháp tùng đứng nhìn bỡ ngỡ. Ngài đến tận nơi nghé miệng thổi hơi vào mặt tên lính khiến y ngã quỵ và bất tỉnh… Cảm động, người thiếu nữ quỳ xuống dưới chân Đức Giám mục cám ơn tha thiết…
Nếu hơi thở của thánh nhân có thể cất sự sống của con người dâm đãng, thì lời nói của Đức Giám mục cũng có hiệu lực cứu sống nhiều người. Đó là trường hợp của chàng trai Malabôde quý tử của một gia đình tín hữu thuộc giáo phận của ngài. Đang là hy vọng và là nguồn vui của gia đình, bỗng lâm bệnh và giã từ cõi đời giữa tuổi đôi mươi, bỏ lại cha mẹ già sầu tủi. Người ta đến kể cho Đức Giám mục hay. Biết ông bà là những giáo hữu chân chính, lại được ơn Chúa thúc đẩy, Đức Giám mục lên xe đến thẳng nhà ông bà. Khi đã truyền cho mọi người yên lặng. Đức Giám mục quỳ xuống cầu nguyện bên thi hài tái nhợt. Sau một giờ ngài đứng dậy, làm dấu thánh giá trên xác chết và đọc lời nguyện: "Lạy Chúa là nguồn sự sống, vì công nghiệp Đức Kitô Con Chúa, xin Chúa ban lại sự sống cho chàng trai này. Ước gì mọi người tôn nhận quyền phép của Chúa muôn đời Amen." Lời nguyện vừa dứt, Đức Giám mục cầm tay chàng trai từ từ kéo dậy trước sự bỡ ngỡ của mọi người…
Tiếng nhân đức của vị thánh Giám mục mỗi ngày một vang xa nhất là từ khi ngài được ơn làm phép lạ. Từ thôn quê hẻo lánh, đến chốn thị thành náo nhiệt, người ta truyền miệng nhau những lời ca tụng Đức Giám mục. Vì thế ngoài ảnh hưởng trong phạm vi tôn giáo, thánh Aubinô còn là nhân vật xuất sắc, có nhiều uy thế trong hoàng triều. Năm 533, Đức Giám mục đã giữ vai trò quan trọng tại Công đồng Olêăng (Orléans). Hoàng đế Sinêbê I (Childebert I) nhiều lần đã mời ngài vào cung hội kiến. Hoàng đế tuân theo ý kiến của thánh Giám mục như người con thảo hiếu vâng lời cha mẹ. Nhờ Đức Giám mục, Hoàng đế đã làm nhiều việc ích lợi cho Giáo hội Pháp và dân tộc Pháp.
Với một tâm hồn nhiệt thành và hy sinh, thánh Giám mục làm việc không ngừng, cho tới phút cuối đời. Ngài từ trần tại Angeria năm 550 và hưởng thọ 80 tuổi. Ngài chết đi để lại cho mọi người kể cả Hoàng đế một niềm thương nhớ và cảm phục vô bờ bến. Hình ảnh người cha hiền và vị tông đồ nhiệt thành vẫn sống động mãi trong tâm trí họ. Vì thế, tin Đức Giám mục tạ thế truyền đi, mọi người kéo nhau đến toà Giám mục viếng xác và chờ đợi giờ mai táng trọng thể. Xác thánh Giám mục được đặt trong nhà thờ thánh Môrilô. Về sau một nhà thờ mới được xây cất kính thánh Giám mục. Cùng với nhịp tôn kính của giáo dân, các tu sĩ vận động di cư tu viện về gần nhà thờ để được hạnh phúc canh giữ mồ thánh của người cha nhân ái…
Lòng tôn sùng thánh Giám mục mỗi ngày một phổ biến khắp năm châu, cho đến ngày Giáo hội chuẩn nhận bằng việc tôn phong Đức giám mục Aubinô lên bậc hiển thánh và ấn định ngày 01-03 mỗi năm là ngày kính ngài.