Thứ Sáu, 2 tháng 10, 2015

Suy niệm CN 27 TN b

Filled under:

1. Bài Đọc
            “Có mấy người Biệt Phái đến gần và hỏi Chúa Giêsu: ‘Có cho phép chồng bỏ vợ chăng?’. Họ có ý thử Người. Nhưng Chúa Giêsu hỏi lại: ‘Môsê đã dạy các ông thế nào?’. Họ thưa: ‘Môsê cho phép làm tờ ly dị rồi bỏ’. Chúa Giêsu mới nói: ‘Vì các ông cứng lòng, nên Môsê đã viết luật đó cho các ông. Nhưng từ đầu, Thiên Chúa đã sáng tạo một người nam và một người nữ. Vì đó, người đàn ông sẽ lìa cha mẹ để gắn bó với vợ mình, và cả hai người sẽ nên một huyết nhục (1). Như thế, họ không còn là hai, nhưng chỉ một huyết nhục. Vậy điều gì Thiên Chúa đã thắt kết, người ta không được phân rẽ’. Về nhà, các môn đệ lại hỏi Chúa Giêsu về điều ấy. Chúa Giêsu phán với các ông: ‘Ai bỏ vợ mình và lấy người khác thì phạm tội ngoại tình đối với người vợ trước. Nếu người vợ bỏ chồng mà lấy một người khác, cũng phạm tội ngoại tình’.
            “Người ta dẫn các trẻ con đến cùng Chúa Giêsu, để Người động đến chúng (2); nhưng các môn đệ mắng trách họ. Thấy thế, Chúa Giêsu không bằng lòng mới nói: ‘Để cho trẻ con đến cùng Thầy, đừng ngăn cản chúng, vì Nước Thiên Chúa là của những người giống như chúng. Thầy nói thực với anh em, ai không đón nhận Nước Thiên Chúa như trẻ con thì không được vào nước đó’. Rồi Chúa Giêsu ôm chúng vào lòng và đặt tay trên đầu chúng để ban phúc (3) cho chúng”.

2. Chú Thích
            (1) Một huyết nhục: Một xác thịt. Nói với người Do Thái, Chúa Giêsu đã nhắc những lời trong Thánh Kinh của họ (St 2,24).
            (2) Động đến chúng: Những người ở đó tin Chúa Giêsu động đến ai thì người đó được ơn phúc, nhất là trẻ con.
            (3) Ban phúc: Theo nguyên ngữ La Tinh hay Hy Lạp, có nghĩa là ‘Nói tốt’, tiếng Việt quen dịch là ‘Chúc phúc’; nhưng điều gì người ta không thực hiện được mới chúc cho kẻ khác; còn Thiên Chúa chúc phúc thế nào là thực hiện thế ấy, nên có thể hiểu Thiên Chúa ban phúc, trừ phi Thiên Chúa có lời, nhưng chưa ban.

3. Suy Niệm
            (1) Vì thương yêu người ta, Thiên Chúa đã muốn cho hai người nam nữ kết bạn trăm năm với nhau, để giúp nhau, cả về tinh thần, cả về vật chất, và để sinh con cháu tiếp tục nhân loại, cho có những người được hưởng thụ và gây nên hạnh phúc, ngày nay dưới đất và ngày sau trên trời. Vì thế, cần cho hai người nam nữ đã kết bạn trăm năm với nhau thì phải yêu thương và trung thành. Không thể lúc này thì hội hợp, khi khác lại chia phôi. Nếu không yêu thương và không trung thành, thì không đem cả cuộc đời của mình, cả tinh thần, cả vật chất, mà phó thác và lo lắng phụng sự cho nhau; trái lại còn làm khổ cho bạn và cho con cái trong gia đình. Hạnh phúc chân thực và cao quý của gia đình xây dựng trên điều kiện yêu thương và trung thành. Không được xem người bạn trăm năm chỉ như vật dụng của mình, khi muốn dùng thì giữ, lúc không muốn dùng lại bỏ đi. Những thứ vô tri vô giác mới chịu như thế, con người có lý trí và tâm tình, không ai chấp nhận sống với nhau như cầm thú, trừ phi những người đã tự kể mình và xem người khác chỉ có vật chất, không lý, không tình và không nghĩa; chỉ biết tìm lạc thú cho cơ thể, đổi gia đình và kết hợp thành ra gặp gỡ tạm thời để sử dụng, xem người khác như đồ chơi hay đồ dùng của mình. Ai hiểu nghĩa như thế, cũng phải nhận ly dị là một điều phi lý; gây nên bao nhiêu đau khổ rối loạn cho người trong cuộc, từ trong gia đình đến ngoài xã hội, từ vợ chồng đến con cái, cả những người thân yêu trong dòng họ hay là bạn hữu.

            (2) Nhưng khi đã không hợp tính tình với nhau, mà cứ phải ở cùng nhau, thì chỉ gây đau khổ cho nhau. Thiên Chúa đâu lại muốn cho người ta đau khổ. Thiên Chúa vẫn muốn cho những người có trách nhiệm đến việc hôn nhân, phải suy xét cân nhắc cẩn thận, không nên vội vàng; đừng vì một tà áo hay một nụ cười, đã tưởng là yêu nhau, tưởng có thể sống chết với nhau. Sau khi đã hứa hẹn cùng nhau, phải yêu quý nhường nhịn, xem người bạn trăm năm như chính mình, hay là hơn mình, hạnh phúc hay đau khổ của họ là của mình. Nhờ biết không được ly dị, mới tìm cách chiều chuộng nhau, lo lắng cho nhau, khiến cho gia đình được thuận hòa vui vẻ. Còn biết có thể bỏ nhau, thì ai cần gì phải yêu quý chiều chuộng, chỉ gây khổ cho nhau. Vẫn hay nhiều khi không phải dễ, vì không phải chỉ riêng một người, nhưng là việc chung của cả đôi bên. Vì thế, nói chuyện với người Do Thái, Chúa Giêsu đã nhắc đến Thánh Kinh của họ, để cho họ hiểu luật ly dị chỉ là một cách chiều theo những người cứng lòng, kiêu ngạo, ích kỷ, ham theo vật chất, không chịu khó tìm lý lẽ, tôn trọng bạn trăm năm. Nhưng người khôn ngoan không lợi dụng những luật cho người cứng lòng, yếu đuối, phải biết giữ luật xứng đáng cho mình. Đến khi dạy riêng với các Tông Đồ, Chúa Giêsu đã nói rõ ai ly dị và kết bạn với một người khác, bất kỳ bên nam hay bên nữ, đều mắc tội ngoại tình, nghĩa là ăn ở với một người khác không phải là bạn trăm năm của mình.

            (3) Vừa có người dẫn đến bọn trẻ con, Chúa Giêsu dùng dịp đó để thêm ý tưởng về điều kiện yêu quý hạng ấy. Vì cha mẹ yêu quý con cái, nên phải chịu khó thuận hòa với nhau, để hợp nhau mà nuôi dưỡng giáo dục chúng. Vì trẻ con có những điều kiện để vào thiên đàng,MỘT là chúng không có những ý tưởng xấu xa ác độc, chưa vướng mắc tôi lỗi gì; HAI là chúng đương còn những khả năng chịu huấn luyện, khác nào như rễ cây hút chất lực để sinh hoa quả, dưới bàn tay chăm nom săn sóc vun quén của người chủ vườn là cha mẹ. Vậy ai muốn được vào thiên đàng, cũng phải trở nên như chúng, bỏ hết các ác tính và tội lỗi của mình, sẵn sàng đón nhận những lời huấn luyện của Thiên Chúa, của người ta hay của chính mình. Người chủ vườn để cho cây non héo tàn, tự mình đã phải thiệt thòi, không có hoa quả sinh tươi, lại phá cả cuộc đời hiện tại và tương lai của thân cây, đó là những người cha mẹ không thuận hòa với nhau, không lo việc nuôi dưỡng giáo dục con cái. Cũng như người không biết hối hận sửa đổi, để trở lui về tâm trạng vô tội, là trở nên như trẻ con; không chịu tìm hiểu để luyện tập phát triển đạo đức, thì tự mình hại mình, thì không thể vào thiên đàng./-

                                             TU DUC 11
 
PHƯƠNG THẾ TU ĐỨC
   ĐỐI VỚI THIÊN CHÚA

A. GIÁO DỤC
IX. TÔN THỜ THÁNH TÂM
1. Lịch Sử:
            Trong mấy thế kỷ đầu công nguyên, tuy có người nói đến vết thương bên cạnh sườn Chúa Cứu Thế, nhưng chưa ai nói gì về Trái Tim Chúa. Mãi đến thế kỷ XII, mới có Thánh Bernard, và một vài người nói đến Trái Tim Chúa bị đâm. Qua thế kỷ XIII, Thánh Bonaventure đã có những câu:
            “Vì chúng ta đã đến với Trái Tim rất nhân từ của Chúa Giêsu, và ở lại đó là hay, đừng dễ dàng bỏ đi xa. Vậy lạy Chúa Giêsu, chúng con đến gần Thiên Chúa, chúng con vui mừng nơi Thiên Chúa, nhờ Trái Tim Chúa Giêsu, thực êm ái dịu dàng được ở trong Trái Tim này. Lạy Chúa Giêsu nhân lành, Trái Tim Chúa Giêsu là kho tàng quý giá, là hạt trai xinh đẹp. Ai lại không muốn hạt trai này. Hơn thế nữa, con cũng cho tất cả, con cho tất cả tư tưởng của con, và tất cả tâm tình của linh hồn con để đổi, con xin bỏ hết tư tưởng của con vào trong Trái Tim Chúa Giêsu tốt lành”.
            Bà Thánh Mechtilde được Chúa Giêsu mời vào Trái Tim Chúa để nghỉ ngơi. Bà Thánh Gertrude được Thánh Gioan Tông Đồ đưa đến nằm bên hữu Thiên Chúa, và giải thích là để cho Bà được trông thấy Trái Tim Chúa, và đón nhận được an ủi dịu dàng (Thời đó, người ta tin trái tim ở bên hữu, nên Chúa Cứu Thế cũng bị đâm bên ấy). Một hôm, Bà sợ đã hờ hững với Đức Mẹ, thì thấy Thiên Chúa bảo Bà, cứ lấy trong Trái Tim Chúa, tất cả những gì Bà muốn dâng cho Đức Mẹ.
            Thế kỷ XIV, Bà Thánh Catherine De Sienna hỏi Chúa Cứu Thế, tại sao Chúa Cứu Thế muốn cho cạnh sườn Chúa Cứu Thế bị mở ra, thì Chúa Cứu Thế đáp  “Cha muốn cho người ta biết bí mật của Trái Tim Cha, để họ hiểu tình thương của Cha còn lớn hơn những dấu bên ngoài. Vì những đau đớn của Cha có hạn, còn tình thương của Cha thì vô cùng”.
            Đầu thế kỷ XVI và sang thế kỷ XVII, nhiều Tu Sĩ Dòng Tên ưa nói đến Trái Tim Chúa, và vẽ hình Trái Tim Chúa có ba chữ IHS (Chúa Giêsu cứu nhân loại).
            Thánh Francois De Sales đã viết cho Thánh Jeanne De Chantal, đồng sáng lập và bề trên Dòng Đức Mẹ đi thăm viếng Bà ElizabethTôi đã nghĩ, nếu mẹ đồng ý, thì ta hãy lấy huy hiệu một Trái Tim duy nhất bị hai mũi tên đâm thâu qua giữa một vòng gai….. và thực Dòng nhỏ mọn của chúng ta làm công việc của Trái Tim Chúa Giêsu và Đức Mẹ. Chúa Giêsu lâm chung đã sinh ra chúng ta qua lỗ hở của Trái Tim Người”.
            Thánh Jean Eudes (1601-1680), từ năm 39 tuổi đã đem lòng sùng kính Trái Tim Chúa Giêsu và Trái Tim Đức Mẹ, dâng hai Dòng của người lập năm 1641 và 1643 cho HAI Trái Tim. Từ năm 1646, người bảo hai Dòng này, phải cử hành trọng thể lễ kính Trái Tim Đức Mẹ. Năm 1654, người lập hội kính Đức Mẹ trong các trường của Dòng, và đặt dưới tước hiệu Trái Tim Đức Mẹ, Năm 1670, người xuất bản bài lễ và bài kinh kính Trái Tim Chúa Giêsu.
            Thánh Marguerite Marie (1647-1690) vào Dòng Đức Mẹ đi thăm Bà Elizabeth năm 1671. Hôm 27.12.1673, Bà thấy Chúa Giêsu hiện ra cho thấy Trái Tim Người và phán “Trái Tim Cha say mê loài người và riêng con, đến nỗi không thể giữ nơi mình những ngọn lửa của tình yêu mến nồng nàn. Con phải làm cho Trái Tim Cha phóng những ngọn lửa đó, và biểu lộ cho người ta trông thấy, làm cho họ được phong phú các kho tàng quý báu của Trái Tim Cha đã chọn con, như một vực sâu đầy bất xứng và ngu dốt để thực thi ý lớn đó, để cho mọi sự nhờ Cha mà thực hiện”. Chúa Giêsu lấy trái tim của bà Marguerite Marie đặt vào Trái Tim của Chúa Giêsu, rồi lấy ra cháy lửa và đặt vào chỗ cũ.
            Bà còn được thấy Chúa Giêsu hiện ra lần thứ hai và thứ ba trong năm 1673 và 1674. Qua lần thứ tư, ngày thứ tám sau lễ Thánh Thể, bà được thấy Chúa Giêsu hiện ra và phán “Đây là Trái Tim đã yêu mến laòi người biết bao, nên có lễ đền tội”.
            Ngày 2.7.1678, Bà thấy Chúa Giêsu hiện ra, ủy thác việc truyền bá tôn thờ Trái Tim Chúa Giêsu cho Dòng Đức Mẹ đi thăm BàElizabeth và Dòng Tên. Thánh Bộ Nghi Lễ vẫn không chấp nhận việc này, năm 1727 và 1729, mặc dù có nhiều người yêu cầu. Qua năm 1765, chính bộ này lại cho phép cử hành và đọc kinh tôn thờ Trái Tim Chúa Giêsu lần lượt theo các nơi yêu cầu.
            Đến năm 1856, Giáo Hoàng Pio IX, theo lời các Giám Mục nước Pháp thỉnh cầu, đã cho phép toàn Giáo Hội cử hành lễ này. Năm 1875, ngài truyền cho Bộ Lễ Nghi, gửi cho các Giám Mục, kinh dâng mình cho Trái Tim chính ngài đã chấp nhận và khuyến khích giáo hữu nên đọc riêng hay chung tùy ý.
            Mười bốn năm sau, Tòa Thánh đưa lễ kính Trái Tim Chúa Giêsu lên bậc nhất, và năm 1897 cho phép được cử hành trọng thể vào ngày Chúa Nhật. Qua năm 1899, Giáo Hoàng Leo XIII gửi thông điệp khuyên việc tôn thờ, và dâng toàn thể nhân loại cho Trái Tim Chúa Giêsu. Việc tôn thờ này đã được thực hiện dưới nhiều hình thức, như có nhiều Dòng, nhiều hội đạo đức được lập ra lấy danh hiệu Trái Tim Chúa Giêsu, có ảnh tượng và áo kính Trái Tim chí thánh, Trái Tim Thánh Thể, Trái Tim đền tội .....
2. Tu Đức:
            Người lo tu đức cần phải tin và hiểu, Chúa Giêsu là Ngôi Lời Thiên Chúa nhập thể, nên mọi người giáo hữu phải tôn thờ toàn thân Chúa Giêsu, đặc biệt Trái Tim Chúa Giêsu tượng trưng tình mến Thiên Chúa yêu thương người.
            Người tu đức càng phải hết lòng thờ phụng và kính mến nhớ tưởng, tạ ơn và đền tội, tận tâm học hỏi và theo gương Chúa Cứu Thế yêu mến. Nhưng có thể không bận tâm về các việc Chúa Giêsu hiện ra, và các lời Thiên Chúa phán riêng với ai, cùng những việc lạ lùng.
            Chỉ tin theo lời Giáo Quyền ấn định việc tôn thờ Trái Tim Chúa Giêsu, nhưng không lo về những phép lạ, không dâng lễ và rước lễ theo số lượng các ngày thứ sáu đầu tháng, vì không quan tâm về số lượng, và không bận tâm với tượng ảnh, vì là những hình thức bên ngoài. Nhưng quan tâm và lưu ý tìm trong Phúc Âm, các lời Chúa Giêsu dạy, và các việc Chúa Giêsu làm, chứng tỏ Chúa Giêsu mến Đức Chúa Cha và thương yêu người ta đến thế nào, để cầu xin Thiên Chúa ban ơn giúp sức, và cố gắng theo gương thi hành hằng ngày.
 X. TÔN SÙNG ĐỨC MẸ
1. Ý Nghĩa:
            Người Công Giáo muốn tu đức càng đem lòng xác tín, Đức Mẹ vừa là Thánh Mẫu Chúa Cứu Thế, Thiên Chúa làm người, Đức Mẹ còn là Mẹ thân yêu của cả nhân loại; một phần do Chúa Giêsu đã chúc ngôn từ trên Thánh Giá, xin Đức Mẹ làm Mẹ của mọi người qua ThánhGioan đại diện; một phần vì Đức Mẹ đã nhận làm Thánh Mẫu của Chúa Cứu Thế, Đấng cứu chuộc nhân loại bằng cả cuộc đời dưới đất, và bằng cả giọt máu sau cùng, thì Đức Mẹ càng yêu thương mọi người như con Đức Mẹ sinh ra.
            Người Công Giáo tu đức lại còn nhận Đức Mẹ là Mẹ yêu quý của mình, vì mình tin Đức Mẹ đã hợp với Chúa Giêsu để cứu chuộc nhân loại, nhận mình làm môn đệ thân yêu và con hiếu thảo của Đức Mẹ, và mình mong muốn ngày càng thực hiện được như thế.
            Theo đó, người Công Giáo tu đức đem hết lòng hiếu thảo, yêu quý, tôn kính, tôn trọng, nhiệt thành sâu xa đối với Đức Mẹ, đến nỗi như say mê, không có lúc nào, không có việc gì lại không nhờ Đức Mẹ, kết hợp với Đức Mẹ, dường như Đức Mẹ là linh hồn, là tinh thần, là hơi thở của mình. Có như thế mới là tôn sùng Đức Mẹ.
2. Mục Đích:
            Chỉ vì muốn làm đẹp lòng Thiên Chúa, đẹp lòng Đức Mẹ, và muốn cho ai cũng tôn sùng Đức Mẹ như mình, hay hơn mình. Không dám mong mỏi đòi hỏi gì nơi Đức Mẹ, vì sợ mến Đức Mẹ vì mình, chứ không phải vì Thiên Chúa hay vì Đức Mẹ. Lại vì tin chắc mình trung thành hiếu thảo với Đức Mẹ, không có gì mất lòng Đức Mẹ, bao giờ cũng vui lòng Đức Mẹ, thì không có gì khiến làm cho mình phải xa cách Đức Mẹ đời này và đời sau. Dù có cần phải phép lạ đặc biệt, Đức Mẹ cũng sẵn sàng cầu bầu, và Thiên Chúa không từ khước điều gì vì hai Mẹ Con vẫn khắn khít với nhau.
            Vẫn không dám tự phụ hay tự thị, nhưng chỉ muốn yêu quý và tôn sùng Đức Mẹ cách hoàn toàn thuần túy, tuyệt đối không để cho có chút gì, trực tiếp hay gián tiếp pha lẫn vào, vô tình vô ý thành ra mưu chước lợi dụng hay lạm dụng Đức Mẹ.
            Luôn luôn vẫn nhớ Đức Mẹ trên trời không phải như Đức Mẹ dưới đất, gần như Thiên Chúa, Đức Mẹ không cần gì cho Đức Mẹ, không cần mình phải nói làm sao để cho Đức Mẹ biết lòng mình. Đức Mẹ vẫn thấu rõ từng ý tưởng, tâm tình, ý chí, ngôn ngữ và hành vi, vui buồn, sướng khổ của mình. Đức Mẹ chỉ muốn cho con vui vẻ, chứ không muốn cho con buồn sầu; Đức Mẹ muốn cho con được sung sướng, chứ Đức Mẹ không muốn cho con phải đau khổ.
            Một cách nào, vì tình thương sâu xa, đậm đà, tha thiết, Đức Mẹ vẫn chia sẻ mọi nỗi vui buồn, sướng khổ của con. Đức Mẹ cũng có thể mượn Lời Chúa Cứu Thế mà nói như Chúa Cứu Thế: Ai làm gì cho con của Đức Mẹ, là làm cho chính Đức Mẹ. Đó là hạnh phúc cao quý ngọt ngào Thiên Chúa dành để riêng cho ai biết đem lòng tin tưởng, yêu quý, trông cậy Đức Mẹ như con hiếu thảo, và chung cho mọi người đương sống dưới đất này.
3. Phương Thế:
a- Theo gương Chúa Cứu Thế:
            Tuy Phúc Âm kể rất ít về Đức Mẹ, nhưng người tu đức có thể dựa vào một vài tích truyện, và giáo huấn của Giáo Quyền, để hiểu được chừng nào hay chừng ấy. Như Thiên Chúa đã cho thiên thần thưa với Đức Mẹ “Trinh Nữ đầy ơn Thiên Chúa, Thiên Chúa ở cùng Trinh Nữ” (Lc 1,28), và soi sáng cho Bà Thánh Elizabeth thưa “Em có phúc hơn mọi người phụ nữ” (Lc 1,42). Đó là Thiên Chúa đã muốn biểu lộ cho mọi người được biết, Thiên Chúa chuyển ban ơn rất đặc biệt riêng cho Đức Mẹ ngay từ những ngày đầu.
            Giáo Quyền lại dựa vào những lời đó, và dựa vào lý, không lẽ nào Thánh Mẫu Chúa Cứu Thế, lại có một giây phút nào dưới quyền ma quỷ, và thân của Người cũng không thể hư nát dưới đất như thân của mọi người, nên Giáo Quyền đã xác định Đức Mẹ vô nhiễm nguyên tội, và Đức Mẹ đã được lên trời cả linh hồn và cơ thể sau khi nhắm mắt từ trần.
            Người con hiếu thảo của Đức Mẹ càng hợp với Đức Mẹ mà vui mừng, và hết lòng tạ ơn Thiên Chúa, đã thương Đức Mẹ và cũng là thương con, làm cho Đức Mẹ càng đáng là Thánh Mẫu Chúa Cứu Thế.
            Ngày Chúa Cứu Thế lên 12 tuổi, theo Đức Mẹ và Thánh Giuse lên đền thờ dự lễ, rồi ở lại đó. Sau 3 ngày, hai ông bà tìm lại được, Đức Mẹ lo lắng phàn nàn vì không hiểu tại sao, Chúa Giêsu thưa lại: Thầy Mẹ không biết Con phải lo việc Cha Con ư ? (Có bản dịch: Con phải ở với Cha Con hay là bên Cha Con). Dịch thế nào cũng có thể hiểu Chúa Giêsu muốn nhân dịp đó, biểu lộ Thánh Giuse không phải là Thân Phụ của Người, Đức Mẹ vẫn đồng trinh, và Thân Phụ của Người chính là Thiên Chúa Cha. Vừa nói đến sứ mệnh của Người, nhắn nhủ ai cũng có sứ mệnh đó một cách nào, và cũng đề cao Đức Mẹ và Thánh Giuse. Phúc Âm kể tiếp: Người vẫn phục tòng hai ngài. Cũng dạy cho ai nhận mình là con hiếu thảo của Đức Mẹ, thì phải lo thi hành việc của Thiên Chúa, hay ở bên Thiên Chúa, và phục tòng Thánh Giuse và Đức Mẹ.
            Trong bữa tiệc cưới ở Cana, khi nghe lời Đức Mẹ nói: Họ hết rượu, thì Chúa Giêsu thưa lại: Việc đó không can gì đến Mẹ và Con, giờ của Con chưa đến (Ga 2,4). Nhưng rồi Chúa Giêsu cũng chiều theo Đức Mẹ mà làm phép lạ đầu tiên, khiến cho chủ nhà có được rượu ngon lành để tiếp khách. Rõ ràng Chúa Giêsu muốn thưa với Đức Mẹ và nhắn nhủ với muôn người và muôn đời, bao giờ con hiếu thảo cũng chiều theo ý Đức Mẹ, dù mình ở vào hoàn cảnh nào, dù chưa phải ngày giờ của mình.
            Trong một dịp khác, Đức Mẹ đến tìm Chúa Giêsu trong lúc Chúa Giêsu đương giảng dạy có đông người. Biết tin có Thân Mẫu đến, Chúa Giêsu lại nói: Thân Mẫu tôi và anh em tôi, là những ai thi hành ý Cha tôi trên trời. Lời này không phiền lòng Đức Mẹ, vì Người hiểu là một lời đề cao Đức Mẹ, và dạy bảo chân lý muôn đời cho mọi người. Đức Mẹ không những là Thân Mẫu Chúa Cứu Thế, vì đã sinh Chúa Giêsu, là Thiên Chúa trên trời xuống thế làm người, lại đã hoàn toàn xin vâng ý của Thiên Chúa, nên là Thân Mẫu Thiên Chúa gấp hai lần. Còn ai muốn được Chúa Giêsu yêu quý, như Thân Mẫu và anh em của Chúa Giêsu, muốn được làm con hiếu thảo của Đức Mẹ thì cứ thi hành thánh ý Thiên Chúa trên trời.
            Đến lúc đã chịu đóng đinh trên Thánh Giá, gần nhắm mắt từ trần, còn lo cho Đức Mẹ không con, và lo cho loài người không Mẹ, nên Chúa Cứu Thế đã nói mấy lời di ngôn trước Đức Mẹ và Thánh Gioan đại diện cho loài người, là từ giờ phút đó, Đức Mẹ không những là Mẹ của nhân loại, chỉ vì đã là Thánh Mẫu Chúa Cứu Thế; nhân loại không những là con của Đức Mẹ vì đã được Thiên Chúa sáng tạo theo hình ảnh của Thiên Chúa và được cứu chuộc, nhưng lại còn vì Ngôi Hai Thiên Chúa đã di chúc và chỉ định.
b- Theo gương Đức Mẹ:
            Dĩ nhiên con hiếu thảo muốn đẹp lòng Đức Mẹ thì hết lòng hết sức theo gương Đức Mẹ, nhất là Đức Mẹ trên trời, chỉ có gương tốt lành, từ ý tưởng, đến tâm tình, ý chí, ngôn ngữ và hành vi đều hợp ý Thiên Chúa và đẹp lòng Thiên Chúa. Theo Phúc Âm, càng thấy rõ rệt các đức tính, ngôn ngữ và hành vi tốt lành của Đức Mẹ.
            Như khi được thiên thần chào thì Đức Mẹ phân vân ái ngại, vì đức khiêm nhường sâu thẳm, đâu dám nghĩ và tin chắc mình được đầy ơn Thiên Chúa, và Thiên Chúa ở cùng mình. Con hiếu thảo của Đức Mẹ theo gương Đức Mẹ, không bao giờ dám nghĩ và tin mình được điều gì khác thường, mặc dù vẫn cố gắng trở nên đạo đức và hữu ích cho mình cùng người khác, nhờ ơn Thiên Chúa cho đẹp lòng Thiên Chúa.
            Khi nghe lời thiên thần báo tin mình sẽ sinh con, thì Đức Mẹ hỏi lại: Làm sao có việc như thế, vì tôi không biết đến người nam. Câu hỏi này nói lên hai điều: MỘT  Đức Mẹ vẫn khôn ngoan, thận trọng, không tin vội vàng, không tin dễ dàng, bao giờ nghe ai nói gì cũng hỏi han cho thấu đáo, khi thấy đủ lý lẽ chứng cớ mới chịu tin. HAI  vì Đức Mẹ đã muốn giữ trinh khiết trọn đời, vì tin có giữ cho khỏi vương vấn vật chất tục lụy mới được sáng suốt, hoàn toàn phụng sự Thiên Chúa và phục vụ người ta, không bận tâm riêng cho một người nào, hay một tập thể gia đình nào.
            Đến khi nghe thiên thần thưa lại, giải thích rõ ràng, Đức Mẹ biết ý Thiên Chúa với một tâm hồn phục tòng hoàn toàn, khiêm tốn sâu xa, nhận mình chỉ là nữ tỳ của Thiên Chúa. Đức Mẹ lại vội vàng lên đường đi thăm và chia vui với người bà con họ hàng, không ngại đường xá xa xôi, núi non vất vả. Được nghe lời Bà Elizabeth chào mừng, Đức Mẹ đáp lại những lời khiêm tốn, hết lòng tạ ơn Thiên Chúa và công nhận lượng Thiên Chúa chí ái chí nhân.
            Điều đó, vừa nhắc cho con cái Đức Mẹ biết mẫu gương yêu thương, nghe tin ai được ơn Thiên Chúa cũng như riêng mình thì vui mừng, muốn chia vui với người khác, và hợp cùng nhau mà tạ ơn Thiên Chúa. Lại dạy những điều tín ngưỡng thiết yếu về những đặc tính của Thiên Chúa; ai có thể lực mà không biết giúp con cái Thiên Chúa được hạnh phúc, lại chỉ bất công làm cho họ phải đau khổ, thì có ngày cũng phải mất địa vị quyền bính, để phải khốn khổ gian nan, hoặc đời này hoặc đời sau. Còn ai dù phải hèn hạ đói khát thế nào cũng có ngày được hạnh phúc, miễn là biết chăm lo bổn phận hằng ngày, chỉ lo việc mến Thiên Chúa và yêu thương người, không phàn nàn oán trách, không làm gì thiệt hại hay đau khổ cho ai; trái lại, những người giàu sang, nhưng chỉ biết sống kiêu căng ích kỷ, không biết thương yêu giúp đỡ người khác, rồi cũng có ngày mất hết tài sản.
            Với đức khiêm tốn thì kín đáo về mình, được chừng nào hay chừng ấy, thà chịu tiếng oan, nhưng giữ mình cho khỏi có chút nào kiêu ngạo, dù là đối với người thân yêu, nhất là khi người ta không hỏi gì đến mình, và mình không thấy đủ lý do cần kíp phải trình bày. Như thái độ Đức Mẹ đã giữ với Thánh Giuse.
            Khi được tin có lệnh hoàng đế truyền ai ở đâu, phải về quê quán mà khai hộ tịch, Đức Mẹ biết đó chỉ là quyền của người ngoại xâm, vì thời ấy Do Thái đương bị lệ thuộc đế quốc Rôma, nhưng Đức Mẹ vẫn nhận mình là một người công dân, thì phải theo Chính Quyền đương thời về phần đời, nên ra đi theo Thánh Giuse, mặc dù đương lúc gần ngày mãn nguyệt, mà đường xá vẫn xa xôi cách trở. Không những thế, lại còn bị nhiều người khinh bỉ, không cho trú ngụ. Đến lúc nghe lời thiên thần nói về Chúa Hài Đồng, vinh danh, xướng ca, chúc tụng Chúa Hài Đồng, thì Đức Mẹ chỉ biết ghi tạc và suy niệm trong lòng.
            Thực là một gương mẫu cho con cái hiếu thảo của Đức Mẹ. Bao giờ cũng phải khôn ngoan cẩn thận, chu toàn bổn phận công dân đối với Chính Quyền, mặc dù có những điều trái ý hay là phẫn uất, để tránh khỏi thiệt hại cho mình hay người khác, có khi còn giúp cho Chính Quyền dễ dàng lo ích lợi cho nhân dân, hay là cải tổ những điều ức hiếp sai lầm, trái với sứ mệnh và nghĩa vụ của mình.
            Sẵn sàng tha thứ cho những ai hiểu lầm, cách này hay cách khác, mà làm cho mình phải đau khổ, trong lúc mình không nói được. Còn nghe điều gì mầu nhiệm về Thiên Chúa, thì phải theo khả năng của mình mà suy niệm, để tìm hiểu thêm được chừng nào hay chừng ấy, tức là tạ ơn Thiên Chúa, chúc tụng Thiên Chúa; sau là đưa vào trong đời sống của mình để thi hành, cho đẹp lòng Thiên Chúa, xây dựng hạnh phúc cho mình và cho nhiều người khác.
            Đức Mẹ còn cho con cái của Đức Mẹ thấy gương mẫu vâng giữ luật tôn giáo hay luật của Giáo Hội. Thánh Kinh gọi là luật Môsê, cũng có nơi như trong sách Xuất Hành: Hãy thánh hiến cho Ta, mọi con đầu lòng trong số con cái Israel (13,2) và Dân Số: Tất cả các con đầu lòng trong số con cái Israel, của loài người cũng như của súc vật, đều thuộc về Ta (12,17) lại nói là Thiên Chúa truyền cho Môsê, nhưng thực ra Đức Mẹ không buộc phải giữ luật này, vì Người sinh con không có gì ô uế, và Con của Người là Ngôi Hai Thiên Chúa nhập thể, thì không có vấn đề dâng lên Thiên Chúa như con của người ta.
            Tuy nhiên, vì mến Thiên Chúa và yêu thương người, Đức Mẹ không muốn cho ai hiểu lầm dị nghị, nên đã hợp với Thánh Giuse, thi hành lễ dâng Con vào đền thờ. Giữa lúc đó, có ông già Simeon là người công chính, được Chúa Thánh Thần soi sáng, đã nói lên những lời chúc tụng Thiên Chúa, và tiên báo Đức Mẹ sẽ bị đau đớn. Đức Mẹ đương vui mừng vì Con, lại nghe nói đến tương lai thống khổ của mình. Đức Mẹ vẫn tin Thiên Chúa chí thiện, chí ái, không muốn cho ai đau khổ, huống là một người chỉ biết trung thành hiểu theo với Thiên Chúa khác thường. Nhưng hình như Đức Mẹ đã biết Con xuất chúng, thì Đức Mẹ không tránh khỏi những người ghen ghét, ác độc, làm cho cả Mẹ lẫn Con phải chịu lấy những điều đau đớn gian nan.
            Đức Mẹ hiểu biết lòng người, Đức Mẹ không lấy làm lạ. Đức Mẹ đã có sẵn chương trình và đường lối: Giữ làm sao trên không mất lòng Thiên Chúa, dưới không thiệt hại đau khổ cho một người nào, nêu gương nhắn nhủ với tất cả con cái thân yêu của mình.
            Chúng con kính Thiên Chúa và mến Đức Mẹ, chúng con muốn theo gương Thiên Chúa và noi gương Đức Mẹ, thì không khỏi có người ganh ghét chúng con. Họ không biết Thiên Chúa và không biết Đức Mẹ, họ sẽ có những ngôn ngữ và hành vi làm cho chúng con phải đau khổ, chúng con cứ giữ lòng thương yêu họ. Họ có thể sai lầm, dù có thế nào, chúng con cũng tha thứ cho người ta. Nhưng bao giờ chúng con cũng phải biết giữ ngôn ngữ, thái độ và hành vi giúp cho họ tỉnh ngộ, đừng xúc phạm đến Thiên Chúa và Đức Mẹ, đừng làm khổ cho chúng con, như Thiên Chúa và Đức Mẹ vẫn nhắn nhủ và chờ đợi.
            Ngày gần sinh Chúa Cứu Thế, Đức Mẹ đã phải vất vả đi xa, vì lệnh hoàng đế Rôma. Đến ngày Chúa Cứu Thế vừa sinh ra, chưa được mấy hôm, thì Đức Mẹ còn phải vất vả đi xa hơn nữa, vì lệnh của vua bản xứ ác độc, sợ mất ngôi báu của mình và của con cháu mình, nên nhẫn tâm tàn sát trẻ con vô tội. Đức Mẹ đã nghe theo Thánh Giuse được báo mộng, đi tản cư sang Ai Cập. Đức Mẹ cũng muốn nhân dịp đó, nhắn nhủ với con yêu dấu của mình mai sau này, bao giờ cũng phải khôn ngoan, gìn giữ tính mệnh của mình, và những người thân yêu mình, không nên tự phụ liều lĩnh, mà phải gánh chịu những điều thiệt hại.
            Vẫn hay không bao giờ được phủ nhận Thiên Chúa, nhưng lúc nào cũng cần phải cầu nguyện cho biết ý Thiên Chúa, suy nghĩ và bàn hỏi với những người hiểu biết hơn mình, để thi hành cho đúng theo ý Thiên Chúa. Vì sức khỏe và mạng sống của con người bao giờ cũng cần để thi hành ý Thiên Chúa, xây dựng hạnh phúc cho mình và người khác, không nên liều lĩnh hại đến mạng sống và sức khỏe của mình. Dĩ nhiên, cũng không được làm điều gì gây nên gương xấu cho bất cứ một người nào, không xứng đáng là con hiếu thảo của Đức Mẹ.
            Trong dịp Đức Mẹ đi cùng Thánh Giuse đưa Chúa Giêsu  thiếu nhi lên đền thờ, Đức Mẹ cũng dạy cho con cái của Đức Mẹ phải biết khi nào mình bị mất Thiên Chúa là mình đương mắc tội, thì phải hết sức lo tìm lại Thiên Chúa, nghĩa là phải lo hối hận và lãnh Bí Tích thế nào, để được gặp Thiên Chúa và kết hợp với Thiên Chúa, giữ gìn làm sao để cho không có một lúc nào, một ý tưởng, một tâm tình hay ý chí, một ngôn ngữ hay hành vi thế nào mà không có Thiên Chúa ở với mình.
            Trong bữa tiệc cưới ở Cana, Đức Mẹ cũng dạy cho con Đức Mẹ biết yêu thương người và mến Thiên Chúa. Vì yêu thương người, nên Đức Mẹ đã muốn chia vui với người ta, chúc mừng người ta, không có gì ngăn trở thì nhận lời mời của người ta. Trong khi ngồi lại với nhau, nên để ý xem có thiếu ai thì hỏi thăm cho biết họ có phải ngăn trở gì chăng, sức khỏe cơ thể và tinh thần của họ thế nào. Lại để ý xem thử chủ nhà có thiếu gì chăng, mình có thể giúp đỡ thế nào không, nên Đức Mẹ đã thấy người ta hết rượu. Đức Mẹ sợ chủ nhà phải buồn phiền, sợ người đương dự tiệc mất vui. Đức Mẹ lại biết Chúa Cứu Thế có quyền giúp cho họ, nên Đức Mẹ trình bày tình cảnh thiếu thốn đau khổ của người ta, là cầu nguyện với Thiên Chúa.
            Nghe lời Chúa Cứu Thế đáp lại, Đức Mẹ vẫn hiểu ý Thiên Chúa, nên Đức Mẹ bảo người giúp việc, khi Chúa Cứu Thế bảo thế nào thì cứ lo làm thế ấy. Thế là Đức Mẹ dạy với con cái Đức Mẹ, bao giờ cũng nhớ mời Thiên Chúa và mời Đức Mẹ đến với mình, lo làm sao cho có Thiên Chúa và có Đức Mẹ ở với mình, thì không những tránh khỏi tai nạn đau khổ, lại còn được hạnh phúc vui mừng, quá sức mình mong muốn.
            Dù mình gặp phải hoàn cảnh thế nào, Đức Mẹ cũng biết và cũng trình bày với Thiên Chúa, ngày nay trên trời vẫn không thua kém, mà còn hơn ngày xưa ở dưới thế. Còn về phần mình muốn được ơn Thiên Chúa, thì dù nghe thấy thế nào, trong hoàn cảnh làm sao, cũng cứ vâng theo lời Thiên Chúa dạy như mình đã học biết trong Phúc Âm, vì thế nào cũng nhận được ơn Thiên Chúa. Không bao giờ Đức Mẹ không cầu bầu cho mình, và Thiên Chúa luôn nhận lời Đức Mẹ. Bao lâu thấy mình chưa nhận được ơn, nên tự xét mình xem đã thi hành theo lời Thiên Chúa dạy trong Phúc Âm chưa, có lo cho đủ điều kiện để đón nhận ơn Thiên Chúa không.
            Đức Mẹ đã đi theo Chúa Cứu Thế và đến tận dưới chân Thánh Giá, không những vì Đức Mẹ mến Thiên Chúa, Đức Mẹ lại còn nhắn nhủ với con cái của Đức Mẹ, phải nhớ tình thương của Thiên Chúa và của Đức Mẹ, chịu đau đớn mà không có một lời oán trách ai; chỉ biết vì người ta sai lầm, chỉ mong cho người ta thấy sai lầm mà sửa đổi. Thiên Chúa và Đức Mẹ chỉ dùng ngôn ngữ và thái độ của mình để làm cho những người ác độc tội lỗi tỉnh ngộ, cải tà quy chánh, cải ác tùng thiện.
            Có lẽ trong lúc đó không được mấy người, nhưng Thiên Chúa và Đức Mẹ vẫn chờ đợi và nhắn nhủ, ai là người muốn trở nên con hiếu thảo của Thiên Chúa và Đức Mẹ, cũng theo gương của Chúa Cứu Thế và của Đức Mẹ mà thi hành. Đó là mình góp phần trong việc xây dựng hạnh phúc cho mọi người, đưa mọi người đến cùng Thiên Chúa và cùng Đức Mẹ, như Chúa Cứu Thế đã đón nhận người trộm lành biết hối hận, như Đức Mẹ đã vâng theo lời Chúa Cứu Thế di chúc, sẵn sàng đón nhận mọi người là con cái mình.
c- Ý tưởng:
            Người tu đức muốn xứng đáng là con cái của Đức Mẹ, phải giữ cho khỏi có một ý tưởng nào khiến Đức Mẹ không vui, như ý tưởng nghĩ xấu về anh chị em của mình, đều là con cái thân yêu của Đức Mẹ. Dù biết chắc người nào không tốt, mình cũng phải có ý tưởng, mong mỏi cho họ sửa đổi như Thiên Chúa và Đức Mẹ vẫn chờ đợi. Chính mình phải tự hỏi mình, nên làm như thế nào để cho họ vui mà sửa đổi, chứ không làm cho họ xấu hổ, nhục nhã, đau khổ, buồn phiền, là những điều Thiên Chúa và Đức Mẹ không muốn bao giờ. Ai nói Thiên Chúa và Đức Mẹ muốn, chỉ vì họ còn sai lầm về tình thương của Thiên Chúa và của Đức Mẹ. Họ còn hiểu Thiên Chúa và Đức Mẹ yêu thương cũng như những người tầm thường kém cỏi dưới đất này.
            Phải có ý tưởng xây dựng hạnh phúc ngay trong hiện tại, cho cả người sai lầm tội lỗi, mới xứng đáng là con của Đức Mẹ trên trời vẫn muốn như thế. Đừng có ý tưởng làm cho ai đau khổ hiện tại, để cho họ có hạnh phúc tương lai. Đức Mẹ thương con vẫn muốn cho ngọt cho bùi để con sửa đổi, hơn là làm cho con phải đau khổ vì mình còn kém cỏi. Đức Mẹ trên trời vì thương yêu và ở bên Thiên Chúa, không có chút gì sai lầm kém cỏi, như có thể xẩy ra cho một số bà mẹ dưới đất này.
d- Tâm tình:
            Đức Mẹ trên trời chỉ có yêu thương, chứ không ghét bỏ một người nào. Con của Đức Mẹ càng lo cho được giống Đức Mẹ. Vừa cảm thấy không ưa ai, cũng bỏ ngay và đổi ra thành yêu mến, vì nhớ họ là con của Đức Mẹ, anh chị em của mình.
            Nhất là hiểu tình Đức Mẹ mến Thiên Chúa sâu xa, hoàn toàn tinh thần, rất đẹp lòng Thiên Chúa, để mình cũng học với Đức Mẹ mà mến Thiên Chúa cho đẹp lòng Thiên Chúa và đẹp lòng Đức Mẹ, không theo một sách hay một người nào mất lòng Thiên Chúa và mất lòng Đức Mẹ. Ghi nhớ và tìm hiểu mối tình của Đức Mẹ đối với Thiên Chúa như trong Phúc Âm đã diễn tả, từ khi thiên thần báo tin, đến lúc đứng dưới chân Thánh Giá, hay là sách Công Vụ Tông Đồ kể thường ngày Đức Mẹ vẫn âm thầm cầu nguyện cùng với các Tông Đồ, không giống như các sách khác, và các hình ảnh xưa nay đầy tưởng tượng.
            Người tu đức cần phải dựa vào những tích truyện đích thực để mến Thiên Chúa, mến Đức Mẹ và yêu người cho đúng. Không theo tính tự nhiên tình cảm mà không qua lý trí, như giữa người với người, rồi theo tự nhiên yêu người này ghét người kia, không có gì siêu nhiên cho đúng con của Đức Mẹ trên trời.
e- Ý chí:
            Đức Mẹ là người Mẹ thương yêu nhân từ, đối với mọi người con của Đức Mẹ, dưới đất cũng như trên trời, chỉ cương quyết cầu bầu giúp đỡ cho mọi người, lương cũng như giáo, không bao giờ ghét bỏ bất cứ một người nào. Ai không nhận được ơn Đức Mẹ cứu giúp, chỉ vì họ chưa bỏ những điều ngăn trở, chưa lo cho có đủ điều kiện theo ý Thiên Chúa.
            Không bao giờ có những chuyện Đức Mẹ chán nản, đến nỗi tự Đức Mẹ để cho một người nào phải đau khổ đời này hay đời sau. Như những chuyện hoàn toàn bịa đặt, Đức Mẹ hiện ra trên trời, đưa tay xua lửa, đạn qua làng người ngoại giáo để bênh vực làng người Công Giáo. Biết đâu, người ta kể và người ta tin những chuyện như thế, đều hiểu lầm về Đức Mẹ, làm mất lòng Thiên Chúa và mất lòng Đức Mẹ.
            Người tu đức càng phải giữ gìn cho khỏi tin những chuyện như thế, ngờ là thêm lòng mến Đức Mẹ, nhưng thực lại là mến một người kém cỏi, bênh người này mà hại người khác, không phải là mến Đức Mẹ trên trời, Ngài thương yêu mọi người là con của mình. Rồi không ngờ, tưởng là theo gương Đức Mẹ, mà nhẫn tâm làm đau khổ cho người này hay người khác, vẫn là con yêu dấu của Đức Mẹ.
g- Ngôn ngữ:
            Tuy là Mẹ, người trước có tấm thân vật chất, và sống dưới đất, rồi sau mới sống trên trời; tuy lên trời cả tấm thân và cả linh hồn, nhưng tấm thân của Đức Mẹ đã được thiêng liêng hóa, nên Đức Mẹ vẫn sống theo tinh thần. Ngày xưa dưới đất, đối với người ta, chắc Đức Mẹ cũng dùng ngôn ngữ để nói cho người ta vui lòng, Đức Mẹ không nói một lời nào gây đau khổ buồn phiền cho bất cứ một ai. Đức Mẹ không muốn cho ai thưa với Đức Mẹ như nói với người tầm thường, chỉ muốn tình cảm mà không có tinh thần kính mến cho xứng đáng. Ngày nay, Đức Mẹ ở trên trời, lại càng hơn thế nữa, Đức Mẹ không muốn những lời nỉ non âu yếm, tưởng Đức Mẹ cũng như người thường, chỉ tin theo lời nói, không thấy tận tâm can của mỗi người. Phải biết và phải tùy người nghe mà nói cho thích hợp.
            Vẫn hay ngôn ngữ cũng có phần tùy người nói. Nói thế nào cho mình thỏa mãn được tình yêu mến và thêm nhiệt thành, cho thích hợp với tâm hồn, tâm lý và văn hóa của mình. Cần phải lưu ý tới tập quán, xem có điều gì sai lầm để sửa chữa cho thích hợp với tâm hồn, tâm lý và văn hóa của mình, mới thỏa mãn tình yêu mến và lòng nhiệt thành của mình.
            Nên người giáo hữu muốn tu đức, cần xét lại xem thử mình nên thưa với Đức Mẹ, là Mẹ, hay là Đức Bà và Bà, hoặc chỉ gọi tên Maria. Như có người khi đọc kinh riêng một mình thì thưa: Con kính chào Mẹ đầy ơn phúc, Thiên Chúa ở cùng Mẹ, Mẹ có phúc hơn mọi người phụ nữ, và Chúa Giêsu Con lòng Mẹ vẫn đầy vinh quang. Thưa Mẹ là Mẹ chúng con, xin Mẹ cầu cho chúng con bây giờ và suốt đời chúng con.
            Khi đọc kinh riêng, mỗi người phải chọn kinh nào thích hợp với các đặc tính của Đức Mẹ và tâm hồn của mình, không phải bất cứ kinh nào cũng đọc. Suy niệm về cuộc đời của Đức Mẹ, để theo gương và thay đổi tính tình của mình, là việc rất hay và rất cần, nhất là đối với những người có khả năng, còn hơn chỉ đọc kinh ngoài miệng. Đó là việc chính của phép lần chuỗi Mai Khôi, cần phải có suy niệm, hoặc trước hoặc chính trong lúc đọc các kinh.
h- Hành vi:
            Dĩ nhiên, bao giờ cũng để ý cho mỗi hành vi của mình đều đẹp lòng Đức Mẹ, hợp với ý Đức Mẹ, không có điều gì thiệt hại đau khổ cho ai, là điều Đức Mẹ hằng mong ước chờ đợi nơi con của Đức Mẹ.
            Muốn gia nhập một phong trào hay hiệp hội đạo đức nào, người tu đức trong mỗi tập thể cần phải có chấp thuận của người phụ trách; còn người sống riêng một mình cần phải cầu nguyện, suy nghĩ bàn hỏi vị linh hướng, xem có điều gì không hợp đạo lý hay tâm tình của Đức Mẹ chăng. Như là xin cho khỏi làm con của Đức Mẹ, có điều gì vô tình là có tính cách lợi dụng cho mình chăng; tưởng là hy sinh, nhưng thực lại muốn được nhiều hơn. Có điều gì làm cho mình thêm kiêu ngạo, vì được vào một hạng nào, hơn những người khác ở ngoài chăng. Mình nói nhiều nhưng có  việc gì tương đương không, có phải trong quyền sở hữu sử dụng của mình chăng.
            Đừng quên Đức Mẹ chẳng cần gì cho Người, Người chỉ muốn cho con cái thêm lòng mến Thiên Chúa và yêu thương người, trở nên đạo đức chân thực ngày càng hơn. Điều vẫn chắc là Đức Mẹ muốn con trở nên hiếu thảo với Đức Mẹ mỗi ngày một hơn, Đức Mẹ không cần có gì khác.
XI. TÔN KÍNH CÁC THÁNH
            Người giáo hữu muốn tu đức biết mình phải hết lòng tôn kính các thánh, không phải vì mong các ngài làm nhiều phép lạ cho mình, và những người thân yêu của mình. Vì tin tất cả các phép lạ lớn nhỏ, đều do Thiên Chúa ban, và người lãnh nhận có những điều kiện hợp theo ý Thiên Chúa và luật Thiên Chúa. Lời các thánh cầu bầu chỉ là một điều kiện thiết yếu khác. Và đừng đổi lòng tôn kính thành ra lợi dụng hay là mê tín, có thể xúc phạm Thiên Chúa và xúc phạm tôn giáo của mình.
            Tôn kính các thánh, vì các ngài là những người anh chị hết lòng thương yêu các em đang còn ở dưới đất này, nên rất đẹp lòng Thiên Chúa. Nhưng cần phải biết tôn kính các thánh cho đẹp lòng Thiên Chúa và đẹp lòng Đức Mẹ.
            Trước là tôn kính các thánh theo lòng người em tôn kính anh chị, tìm hiểu cuộc đời của các thánh, nhất là những đặc tính của mỗi thánh, để học tập theo gương, hằng ngày cố gắng được chừng nào hay chừng ấy.
            Sau là phải học tập cho biết phân biệt trong đời, ngôn ngữ và hành vi của các ngài, theo các sách hay là theo người này người khác kể chuyện. Suy xét xem điều gì là có thực, điều gì có thể thêm bớt bịa đặt, theo tưởng tượng của người ta, hoặc những công thức sẵn có, nào là mầu nhiệm, những giấc chiêm bao, những việc lạ lùng.
            Đừng quên các thánh xưa kia, khi còn sống ở dưới đất này, không có mấy vị được nên thánh ngay trước khi sinh hay từ lúc mới sinh. Các ngài không phải là Thiên Chúa thứ hai, nên trong ngôn ngữ và hành vi có điều đúng và có điều không hay. Ai nhận đúng thì vui lòng và hợp ý với các ngài, vì các ngài chỉ ưa chân lý, không muốn ai nói, hay hiểu điều gì sai lầm về các ngài, đến nỗi mất lòng Thiên Chúa và thiệt hại cho người ta; nhất là ngày nay, các ngài được phúc ở bên Thiên Chúa, rất ghét những điều sai lầm, mê tín dị đoan.
XII. YÊU QUÝ TẬP THỂ
            Sau việc tôn kính các thánh trên thiên đàng là Giáo Hội khải hoàn, người tu đức Công Giáo nhận Giáo Hội chiến đấu dưới đất là gia đình thiêng liêng và siêu nhiên của mình, vì là một gia đình do Chúa Cứu Thế sáng lập, luôn luôn vẫn được ơn Thiên Chúa bảo tồn và phát triển. Vừa vô hình, vì mối dây liên lạc thiêng liêng giữa các phần tử trong Huyền Thể của Chúa Cứu Thế. Vừa hữu hình, vì có người này và người khác từ trên xuống dưới, từ gần đến xa, từ đông sang tây, từ xưa chí nay, khắp trong thế giới, có tôn ty trật tự, có tổ chức, có luật pháp rõ ràng.
            Tin càng yêu quý Giáo Hội chừng nào, càng đẹp lòng Thiên Chúa và Đức Mẹ chừng ấy. Vì Thiên Chúa là Cha và Đức Mẹ là Mẹ trên trời vẫn yêu thương, gìn giữ, giúp đỡ Giáo Hội, còn hơn cha và mẹ đạo đức thánh thiện thương yêu và giữ gìn giúp đỡ gia đình mình dưới đất.
            Yêu quý Giáo Hội, trước là hết lòng kính mến và tuân phục Giáo Hoàng là vị cha chung, đại diện Thiên Chúa để hướng dẫn toàn thể Giáo Hội; sau là các Giám Mục và Linh Mục, đại diện Thiên Chúa, hướng dẫn một phần nào gia đình của Thiên Chúa, đặc biệt là Giám Mục hướng dẫn Giáo Phận và Linh Mục Chính Xứ và Phó Xứ hướng dẫn Giáo Xứ của mình. Nhưng không thần thánh hóa các ngài, không dám kể các ngài đồng hàng với Thiên Chúa; vẫn tin các ngài là người còn sinh hoạt dưới đất, nên còn có thể có những sai lầm, ngoại trừ ơn vô ngộ của Giáo Hoàng và của Hội Đồng toàn thể Giám Mục.
            Dù được ơn Thiên Chúa hướng dẫn và giữ gìn, nhưng vì là tập thể dưới đất, không hẳn là hoàn toàn. Tuy những cơ cấu hay hơn nhiều tập thể khác, nhưng có thể vẫn còn có khuyết điểm hay là không hợp thời, các vị phụ trách không thể thay đổi mau chóng, vì không muốn gây đau khổ cho ai. Nên người trong Giáo Hội cần phải biết kiên nhẫn không nên phàn nàn, chỉ trích, công kích, đòi hỏi đi trước Giáo Quyền.
            Cũng không quên những linh hồn ở luyện ngục là Giáo Hội đau thương hay thanh luyện, cầu nguyện cho các linh hồn này, cũng là một cách đẹp lòng Thiên Chúa, vừa mến Thiên Chúa, vừa yêu thương người.
            Người tu đức ở trong các tập thể đều nhận Dòng Tu hay Tu Hội của mình cũng là đại gia đình thiêng liêng và siêu nhiên. Cũng là một lòng yêu quý như phần tử trong đại gia đình, nhận thánh sáng lập như Đấng Tổ Phụ, vị Tổng Quyền như cha hay mẹ chung; các vị phụ trách Tỉnh hay Hạt cũng là cha mẹ, hoặc anh chị một chi nhánh, và phụ trách Tu Viện hay Tu Xá, là một nhà anh chị em thân mật gần gũi nhau. Còn Tu Sĩ Dòng hay Tu Hội khác, là anh chị em họ gần hay họ xa với mình. Đối với mỗi Tu Sĩ đều giữ lòng yêu mến, đối với những vị phụ trách, bao giờ cũng có lòng tôn kính và tuân phục.
            Đã nhận là gia đình, dù là thiêng liêng và siêu nhiên, như Giáo Hội hay là Dòng Tu, cũng lo giữ trung thành truyền thống và tinh thần của gia đình, tận tâm cẩn thận trong mọi ngôn ngữ và hành vi của mình, không những để bảo vệ, lại còn để gia tăng thanh danh của gia đình, cho đẹp lòng Thiên Chúa và Đức Mẹ, cũng là Cha và Mẹ chung trên trời.
            Đó là những gia đình siêu nhiên, cũng vì mến Thiên Chúa và yêu thương người, người tu đức còn phải yêu quý gia đình thiên nhiên, kể theo trật tự thời gian và số lượng, trước là vợ chồng, cha mẹ, anh chị em và họ hàng nội ngoại, sau là đồng bào cùng ở trong một tổ quốc, như sẽ nói các chi tiết trong phần ĐỐI VỚI THA NHÂN.
XIII.  TU ĐỨC
            Theo nghĩa học tập tiêu diệt các ác tính và phát huy các đức tính để cho chính mình trở nên đạo đức, thánh thiện, trước là cho đẹp lòng Thiên Chúa, vinh danh Thiên Chúa; sau là hữu ích cho bản thân và tha nhân.
            Tu đức là một phương thế nói chung, trước đối với Thiên Chúa, sau đối với chính mình và người khác, để đạt mục đích mến Thiên Chúa yêu thương người.
            Các chi tiết đối với Thiên Chúa, đã nói trong Phần Thứ Nhất: Phương Thế Đối Với Thiên Chúa. Còn chi tiết đối với bản thân và tha nhân sẽ nói ở các phần sau, Phần Thứ Hai: Phương Thế Đối Với Bản Thân, và Phần Thứ Ba: Phương Thế Đối Với Tha Nhân.
XIV. TÔNG ĐỒ
            Vì kính mến Thiên Chúa và yêu quý Giáo Hội, người tu đức càng phải lưu tâm đến cả tinh thần của mình, từ ý tưởng đến tâm tình, ý chí, ngôn ngữ và hành vi, làm thế nào để cho có nhiều người mến Thiên Chúa và mến Giáo Hội, như mình hoặc hơn mình. Cũng là một việc yêu mến trực tiếp tha nhân, nên dành cho các chi tiết ở hai Phần sau (Đối Với Bản Thân và Đối Với Tha Nhân), như đã nói ở trên, gọi là làm việc Tông Đồ.
B. TỔ CHỨC
I. TÍN NGƯỠNG
1. Thư Viện:
            Cần có những sách báo không phản nghịch tín lý và luân lý. Nếu có thể được, người phụ trách phải có khả năng phân biệt sách báo nào hợp hay là không hợp với tín lý và luân lý; biết trình độ người đọc có thể hay không nên đọc những loại sách báo nào. Nếu tập thể không có người có khả năng như thế, thì phải cần bàn hỏi cố vấn chuyên môn có đủ điều kiện khôn ngoan, học thức, và kinh nghiệm, không quá rộng rãi cũng không quá hẹp hòi, không bảo thủ mà cũng hkông cấp tiến. Cũng không nên dễ tin vào những loại sách báo gọi là có danh tiếng, đương được thông dụng phổ biến, hay đã lâu đời.
2. Thính Thị:
            Cũng phải thận trọng về các bài giảng dạy, dòng nhạc, lời kinh, tiếng hát, các câu chuyện, vô tuyến truyền thanh và truyền hình, phim ảnh, internet, về trình độ của người nghe thấy đã biết phân biệt được chừng nào. Cũng như về sách báo, giữ làm sao cho khỏi sợ cấp tiến lại sa vào bảo thủ, hoặc sợ lạc hậu lại rơi vào cấp tiến hay cách mạng, hoặc là sai lầm. Đây là một điều rất khó cho người tu đức, phần đông vẫn bị sa vào bên này, hay rơi vào bên kia; nên cần được học hỏi và giáo dục đức tin cho đúng, có căn bản giáo lý vững vàng.
            Người phụ trách phải lo cho trong tập thể có một vài người biết dung hòa, không lạc hậu, không cấp tiến, không bất cập, không thái quá, hiểu rõ và đúng các tín điều, các nguyên tắc đạo đức. Cần phải có học Luận Lý để biết phương pháp tìm chân lý, biết phân biệt thế nào là đúng, thế nào là sai. Cần phải có học Tâm Lý để biết các khuynh hướng, xu hướng, tính khí và tính tình của con người. Cần phải có hiểu biết về Thánh Kinh, không nô lệ từng chữ, biết phân biệt câu nào phải hiểu theo nghĩa bóng, câu nào phải hiểu theo nghĩa đen, tôn kính truyền thống, nhưng vẫn tin xưa nay đều có sai lầm, cần phải bổ khuyết và bổ túc cho nhau. Cần người thánh thiện và đạo đức, nhưng không phải vô ngộ về tín lý và về luân lý, cả về tu đức. Cần có người hiểu biết về Thần Học, để phân biệt đâu là giải thích có thể không tin, đâu là bình luận tán dương cần suy nghĩ cẩn thận, không tự ty mặc cảm mà nô lệ các nhà thần học, không ham mê vào bằng cấp và danh tiếng .....
            Người phụ trách đừng quên có những tranh ảnh và âm nhạc lạc đạo mà vẫn thịnh hành, cần phải lưu ý đến ý nghĩa phẩm chất hơn số lượng. Tập thể tu đức cần phải biết chọn lựa, vì có họa sĩ chỉ lo hình thái và màu sắc, nhạc sĩ chỉ lo cung điệu và thanh âm, bất chấp tín lý và luân lý.
3. Môi Sinh:
            Trong tập thể tu đức, nên tránh những tin tức lạ lùng về tôn giáo, được chừng nào hay chừng ấy. Nên biết tin tức khoa học hơn những tin tức hiện ra, tiên tri, điềm lành, điềm gở, tận thế, phép lạ nhờ ảnh tượng ông thánh này bà thánh kia. Người phụ trách nên cảnh cáo những người tin dễ dàng, tin vội vàng, và giúp cho người khác đừng tưởng những người đó mạnh về đức tin. Về những điều tin như trên, người tu đức phải khó tin hơn những người còn ấu trĩ, phàm tục.
            Cần phải tránh nói và tránh nghe những chuyện Thiên Chúa hay Đức Mẹ hiện ra nơi này hay nơi khác, phép lạ này hay phép lạ kia, linh hồn người chết hiện về, quỷ ám người này hoặc người nọ, bao lâu chưa được Giáo Quyền tuyên bố xác nhận. Nếu có ai ham mê những việc này, người phụ trách nên cảnh cáo, khuyên bảo phải thận trọng, không nên dễ tin.
            Tôn giáo không hẳn phải có những việc lạ lùng. Đừng lầm đạo Thiên Chúa cũng như nhiều đạo khác. Không nên dễ dàng tin những người bị quỷ ám và giữ họ trong tập thể, tránh cho khỏi liên lạc với những người đó, nhất là đừng hỏi họ việc này việc khác, việc bí mật hay tương lai. Luật đạo cấm hỏi thầy bói, huống nữa là hỏi ma quỷ.
            Nên nhớ, có nhiều vị Giám Mục khôn ngoan, cấm giáo hữu không được hỏi và tin những người bị quỷ ám, thực hay giả, và không cho phép Linh Mục tự ý công khai trừ quỷ, mặc dù chức Linh Mục gồm có chức trừ quỷ.
            Cũng nên nhớ, các bề trên của Thánh Bernadette và chị Lucia, vẫn cấm không cho hai nữ tu này nói đến những điều đã nghe thấy ở Lourdes và ở Fatima.
            Nếu trong tập thể, có người nói, họ nghe hay thấy những điều gì khác thường, đừng vội tưởng là ơn riêng cho tập thể; nhưng phải hết sức dè dặt, ngăn cấm thì hay hơn, vì chưa biết rõ đâu là thiên nhiên thực sự, bệnh thần kinh hay là giả dối, đâu là ngoại nhiên, đâu là siêu nhiên.
II. HY VỌNG
1. Thư Viện:
            Phải tránh những sách báo gieo những ý tưởng sợ hãi, bi quan, yếm thế, thất vọng hay tự phụ, dù là sách nói về tôn giáo, đạo đức, tu đức, thiên đàng, hỏa ngục, tận thế và tiên tri. Cần phải có sách báo giúp cho người ta thêm tin tưởng vào Thiên Chúa chí thiện, chí ái và chí nhân, giúp người ta cố gắng vươn lên, phấn khởi, dù là sách ngoài đời hay của tôn giáo khác, miễn là không có điều gì mâu thuẫn với tín lý và luân lý Công Giáo.
2. Thính Thị:
            Tránh nghe những lời dọa dẫm, bịa đặt, ngăm đe, trái với lượng Thiên Chúa thương yêu nhân từ. Không nên có những tranh ảnh khủng khiếp. Dù có suy gẫm cái chết hay là hỏa ngục, cũng không nên đọc những sách tưởng tượng trái với đạo lý của Thiên Chúa. Người muốn tu đức là người trưởng thành về tuổi tác và giáo lý thì không muốn nghe, không muốn nói, không muốn hỏi những chi tiết mộng mị, huyễn hoặc về người chết và hỏa ngục.
            Cũng cần phải tránh những bài hát hay những lời cầu nguyện, lầm lẫn quyền năng của Thiên Chúa, và tính tự phụ của con người.
            Giúp cho người tu đức lâm bệnh hay là lâm chung, cũng là giúp cho những người hiện diện trong lúc đó, được nghe những lời nói về Thiên Chúa, mà thống hối và tin tưởng; hơn là làm cho họ khủng khiếp lo sợ hỏa ngục và ma quỷ cướp linh hồn, khiến họ mất bình an, không hối hận và không tin tưởng. Phải cẩn thận những sách xưa gọi là Giúp Kẻ Liệt hay Dọn Mình Chết Lành.
3. Môi Sinh:
            Tạo nên khung cảnh bình an, vui tươi, thanh cao, xứng đáng, sạch sẽ, tươm tất, phân phối theo nhu cầu, để giúp cho người tu đức thêm tin tưởng, trông cậy không buồn phiền, lo sợ, gây chán nản. Người yếu đuối bệnh tật được chăm nom, săn sóc, an ủi một cách chu đáo, tận tình, vui nhiều hơn buồn. Việc làm tuần tự từ dễ đến khó, từ nhẹ nhàng đến nặng nhọc, từ ít đến nhiều ..... giúp cho người ta thêm phấn khởi và cầu tiến, không có mặc cảm vô dụng hay dư thừa. Khuyến khích nhiều hơn và cần hơn dọa dẫm hay ngăm đe. Dùng cảnh vật và việc vật chất bên ngoài để gây và giúp tâm trạng cùng tinh thần bên trong, thêm hy vọng, khỏi thất vọng và tự phụ.
III. THỜ PHỤNG
            Nơi thờ phụng tế lễ bao giờ cũng giữ sạch sẽ, trật tự, yên lặng, sáng sủa, và có nhiều khí trời. Bàn thờ và đồ thờ, đồ lễ đều được nghiêm trang, xứng đáng, xinh đẹp, hợp với tín lý, nhưng không có vẻ giàu sang, quý giá, đắt tiền. Mục đích để giúp cho người ta nghe thấy và dễ tập trung tinh thần về cùng Thiên Chúa Ba Ngôi, Đức Mẹ và các thánh.
            Ảnh tượng không nên có nhiều, đặt không đúng trật tự giáo lý, không được nghiêm trang, khiêu gợi sợ hãi, khủng khiếp, hay là tình cảm thái quá. Màu sắc dùng quá rực rỡ. Ánh sáng không làm chói mắt. Âm thanh không gây chói tai. Không nên đưa âm thanh cung điệu của chốn trần tục vào nơi thờ phụng tế lễ.
            Phụng vụ lễ nghi có mục đích giúp cho mọi người hiện diện đưa tâm hồn lên cùng Thiên Chúa, và kết hợp với Thiên Chúa, nên ngôn ngữ và cử chỉ đều phải phù hợp với ý Thiên Chúa và thích nghi với tín lý. Theo giới hạn trách nhiệm, người phụ trách phải chú ý đến ngôn từ, đừng để có những từ vô phép, thô kệch, xúc phạm phản ngược tín lý. Nếu cần, phải trình với cấp trên để xin sửa đổi.
            Không nên lầm vâng lời với máy phát âm, hay là tối mắt, vô ý thức. Đừng tưởng dù biết mất lòng Thiên Chúa, gây những ý tưởng không hay, nhưng đã có trong sách thì cứ đọc, có chữ đỏ thì cứ theo, không dám trình bày với cấp trên những điều nhận thấy của tập thể và của chính mình, mặc dù mình nhận thấy là hợp lý, và những điều sai lầm có thể thiệt hại cho tín ngưỡng, tinh thần thờ phụng tế lễ và tâm hồn đạo đức.
            Bất cứ lễ nghi nào, không nên dưới thời gian tối thiểu và trên thời gian tối đa. Từ thông thường đến ngoại lệ, nói một cách chung, có lẽ từ 20 phút đến 90 phút là vừa. Dưới tối thiểu sợ vội vàng, không đủ nghiêm trang, có điều thất lễ; trên tối đa sợ mệt mỏi, không thể chú ý, lại có thể nhàm chán. Ngày xưa, nhiều người lầm tưởng, càng lâu chừng nào càng trọng thể chừng ấy, nên có những nghi thức rườm rà, diễn đi diễn lại nhiều lần. Ngày nay, có người lại tưởng, càng chóng càng hay, bỏ bớt những nghi thức có khả năng gây nên những ý tưởng, tâm tình hữu ích chính đáng. Đó là hai lập trường thái quá và bất cập, cần phải tránh.
            Sau mỗi lễ nghi ngoại lệ, tập thể nên có những cuộc nhận định thành thực, về ngôn ngữ và cử chỉ, để rút được những kinh nghiệm hữu ích. Bao giờ sau cũng hơn trước cho đẹp lòng Thiên Chúa và được lòng nhiều người, mới thực là đúng ý nghĩa.
            Không biết mỗi tập thể có nên có những kinh chúc tụng và tạ ơn cho hợp với tinh thần của mình, hơn là mượn những lời của ai không thích hợp, và cùng nhau có nên đọc tối sáng thường xuyên chăng? Có lẽ mỗi tập thể cũng nên đặt vấn đề có phải cùng nhau đọc thong thả những lời thống hối, hơn là đọc lời cáo mình, nhất là buổi tối trước khi đi ngủ chăng?
            Dù tin Thiên Chúa không bắt người ta đền tội, nhưng việc đền tội vì lòng hiếu thảo vẫn hay và cần, nên tập thể vẫn có những việc đền tội chung, và mỗi người tu đức nên có những việc đền tội riêng, như ăn chay, kiêng thứ này hay thứ khác, lao động chân tay, trí óc ..... miễn là không thiệt hại sức khỏe, và không trở ngại các công việc bổn phận chung và riêng.
            Yên lặng rất cần để kết hợp với Thiên Chúa, nhưng mỗi người phải được đưa tâm hồn lên cùng Thiên Chúa, mặc dù giữa lúc ồn ào. Cố gắng giữ ý tưởng và tâm tình thế nào cho hợp ý Thiên Chúa và chuyện trò với Thiên Chúa, thưa hỏi với Thiên Chúa cho biết mình có sai lầm gì chăng, mình nên làm thế nào cho khỏi đãng trí mất lòng Thiên Chúa. Người phụ trách tập thể nên sắp đặt thế nào để có được nhiều giờ yên lặng, được chừng nào hay chừng ấy. Tu viện rất cần phải xa lánh những nơi ồn ào. Dù phải đảm nhiệm công việc tông đồ, giáo dục, cộng đoàn tu đức cũng xếp đặt thế nào để có khu vực riêng, và những thời gian yên lặng, nhiều chừng nào càng hay chừng ấy.
            Muốn cho người trong tập thể được bớt đau khổ, và ai nấy đều phục tòng ý Thiên Chúa, người phụ trách nên ngăn chặn, đừng ai nói đến ý Thiên Chúa biểu lộ hay ẩn áo muốn cho người ta đau khổ. Nhưng cần khuyến khích mọi người tin, ý Thiên Chúa muốn cho mỗi người yêu mến anh chị em mình, và ra sức xây dựng hạnh phúc cho từng người ở chung gần gũi với mình, biết an ủi những người buồn phiền đau khổ. Ai làm cho người khác đau khổ vì ngôn ngữ, hành vi của mình, là làm cho chính Chúa Cứu Thế, như lời Chúa Cứu Thế đã dạy rõ ràng trong Phúc Âm.
            Vì thế, phải giúp cho mọi người hiểu lời Thánh Kinh theo nghĩa nào cho phù hợp với Thiên Chúa chí thiện chí ái, Ngài không muốn cho ai đau khổ; Thiên Chúa chí minh, Ngài không cần phải gửi hay phải làm đau khổ để thử thách hay sửa phạt người ta.
IV. TÔN GIÁO
            Tìm cách tổ chức các lễ nghi và kinh nguyện thường ngày, nhất là các ngày lễ trọng thế nào, để giúp cho chính mình và những người tham gia, sống trước sự hiện diện của Thiên Chúa. Từ ngôn ngữ đến cử chỉ, đều phải hết sức nghiêm trang cung kính. Nếu được phép của cấp trên, thì có thể thêm những lời, và những cách thức nhắc cho mọi người cảm thấy có Thiên Chúa hiện diện trước mặt mình.
            Nhà chầu cũng cần được xứng đáng và tốt đẹp nhất, bao giờ cũng có hoa tươi, đèn sáng; không cần phải tốn kém nhiều, và đặt chỗ tôn trọng nhất; mọi người đến cung chiêm dễ dàng trong lúc thi hành các việc tôn giáo.
            Đừng để có một việc gì gây ra hay là nuôi dưỡng mê tín dị đoan, dù là một việc có nhiều hoa lợi vật chất, thà là chịu nghèo nàn hơn là giàu có với những mối lợi này. Phải hết sức giữ gìn cho khỏi gây lầm lẫn tôn giáo và kinh doanh, hay là đua tranh, khoe khoang, phe đảng.
            Người phụ trách việc nhận tiền khấn và tiền lễ, phải là người hiểu rõ ý nghĩa đạo lý, sẵn sàng giải thích cho người ta biết, việc tôn giáo không bao giờ tính bằng giá tiền. Việc tôn giáo tuyệt đối không phải là việc mua bán, không phải vì nạp nhiều tiền mà được Thiên Chúa hay các thánh nhận lời. Thiên Chúa biết rõ lòng ai muốn theo sức mình, góp vào việc mua sắm các thứ trang hoàng thờ phụng, để giúp cho người ta thêm lòng nhiệt thành đạo đức, hay là giúp cho người ta túng thiếu, hoặc bệnh tật bớt phần đau khổ, vật chất hay tinh thần.
            Nếu có người dâng tiền khấn hay tiền lễ mà được ơn này hay ơn khác, chỉ vì lòng tín ngưỡng, kính mến, hy vọng và đạo đức của họ. Những người đó có làm những việc hợp theo ý Thiên Chúa, theo luật pháp, khoa học thiên nhiên, tuyệt đối không phải vì số tiền dâng cúng. Có người không dâng tiền gì, vì nghèo khó, nhưng có mấy điều kiện này cũng được. Trái lại, có người dâng tiền, nhưng không có mấy điều kiện đó, thì chẳng được gì.
            Người tu đức không nên hiến tặng cho người khác, hay mang nơi mình những ảnh tượng, tin là có thể chữa bệnh tật, hay là giữ gìn khỏi tai nạn.
            Ngoài trường hợp phải tuân theo chỉ thị cấp trên, hay là chuẩn bị một lễ nào, tập thể hay cá nhân tu đức, không nên tổ chức những việc cầu nguyện theo số kinh hay số ngày, như đọc mấy lần kinh gì, hay tuần tam nhật, cửu nhật, để xin một ơn nào, vì ơn Thiên Chúa không bao giờ lệ thuộc tùy theo số lượng.
            Hành hương đến nơi nào vì có kỷ niệm gì chính xác về Thiên Chúa, về Đức Mẹ hay các thánh, để giúp mình nhớ lại và hiểu thêm các ơn Thiên Chúa, hoặc để tĩnh tâm, hoặc để hợp với người khác mà cầu nguyện, là những việc rất hay, miễn là không tốn phí nhiều, nhất là trong lúc hay ở nơi đương có nhiều người thiếu ăn thiếu mặc. Tập thể hay cá nhân tu đức, không nên tổ chức để xin ơn này ơn khác, vì Thiên Chúa không bao giờ bắt ai phải đến nơi nào mới nhận được ơn phúc, nhất là đừng vì mong thu được nhiều lợi lộc do có nhiều người hành hương và dâng cúng.
V. BÍ TÍCH
            Người cử hành và người lãnh nhận Bí Tích, cần phải nghiêm trang lễ phép, đừng hấp tấp vội vàng. Chất liệu phải sạch sẽ xứng đáng. Đọc hình thức phải khoan thai, rõ ràng từng chữ. Tổ chức thế nào để tránh cho khỏi có người ngờ là chỉ có ngôn ngữ và cử chỉ, mà sinh được những ơn cao quý vô cùng. Cũng như gây cho người ta hiểu là người thừa hành có quyền như Thiên Chúa, cần người ta, cần chất liệu, cần hình thức hơn là cần Thiên Chúa.
            Người tu đức sống giữa đời, càng phải cẩn thận giữ gìn cho khỏi gây hiểu lầm về Bí Tích, vì thái độ và cử chỉ, hay ngôn ngữ của mình. Đến lúc phải tổ chức một Bí Tích nào, cần phải lo cho có đủ các điều kiện như trên. Nếu có thể được, chính mình hay nhờ người khác giải thích rõ ràng từng cử chỉ và ngôn ngữ, cho người tham dự hiểu đúng ý nghĩa và giá trị của Bí Tích.
            Giáo luật và Giáo Quyền vẫn dạy rõ ràng, cá nhân hay tập thể tu đức, phải tuân theo điều kiện thời gian và không gian, lúc khẩn cấp và khi bình thường, không nên vì muốn giảm tiện mà bất chấp những điều kiện này.
VI. CẦU NGUYỆN
1. Khung Cảnh:
            Nơi thoáng khí, sáng sủa, mát mẻ hay là ấm áp tùy theo mùa. Màu sắc êm dịu, không nên có thứ gì thái quá hay bất cập, làm cho người ta khó chú ý và đãng trí. Bàn thờ và cung thánh phải hợp với tín lý, mỹ thuật và văn hóa, nhưng không đua tranh giàu sang và ngoại lai. Ghế ngồi và bàn quỳ phải đủ tiện nghi và giúp cầm trí; vì việc chính yếu trong lúc phụng vụ hay cầu nguyện là chú ý, không phải là dịp tiết chế.
2. Thời Gian:
            Theo nguyên tắc chung, thời giờ thích hợp là sáng và tối, không nên lâu quá một giờ liên tục. Theo nguyên tắc riêng, còn phải tùy khả năng và năng lực của mỗi người. Có người thì dễ đọc kinh sau 4 giờ sáng và trước 10 giờ đêm. Người khác muốn cho chắc được yên lặng hoàn toàn, lại thích hợp vào khoảng 10 giờ đêm đến 4 giờ sáng, có thể lâu đến một hay hai giờ. Người phụ trách nên biết cách dung hòa. Cần nhất là vào những lúc có yên lặng, và không bị gián đoạn vì những việc bất thường hay những sự việc thường xuyên.
3. Ngôn Từ:
            Theo giới hạn chức vụ và quyền bính của mình, tinh thần và truyền thống của tập thể, người phụ trách lập Ủy Ban duyệt lại các ngôn từ trong kinh nguyện và phụng vụ; giữ cho khỏi có những lời trái với tín lý, luân lý và tu đức, xúc phạm hỗn hào, thô tục, ngoại lai, trái với văn hóa hay tâm lý, khiến cho người đọc và người nghe khó tập trung tinh thần, khó cầm lòng câm trí.
            Đã là kinh, thì phải tránh cho khỏi có những lời thế này thế khác, bắt người ta phải đọc mà hiểu nghĩa bóng, trong lúc nghĩa đen làm cho người ta khó chịu, đãng trí hay là bị cám dỗ, thà đừng đọc thì hơn.
            Vẫn hay lời Thánh Kinh là lời rất quý, nhưng phần nhiều vẫn lệ thuộc không gian và thời gian, và phần nhiều phải hiểu theo nghĩa bóng. Theo nguyên văn đã khó, theo dịch văn lại càng khó hơn nữa. Người Do Thái ngày xưa lấy làm kinh nguyện, nhưng người ngày nay hay nơi khác, không còn tính tình và văn hóa của người Do Thái, nhiều khi rất khó đọc và rất khó hiểu, nếu trung thành theo từng chữ của người Do Thái. Bắt đọc những lời trái với thời gian và không gian, là trái với luật tâm lý thiên nhiên Thiên Chúa đã ban cho con người; trừ phi những ai tin lời có sức thần thông hơn ý.
4. Âm Thanh:
            Từ tiếng đọc đến tiếng đàn, tiếng hát, đều phải giữ luật đưa tâm hồn người ta lên cùng Thiên Chúa, không phải để thỏa thích một số người. Đừng quá mạnh hay quá nhẹ, quá to hay quá nhỏ, cũng đừng quá vắn hay quá dài. Phải tùy theo từng giai đoạn kinh nguyện hay phụng vụ, để âm thanh cho thích hợp với ý nghĩa và cung điệu. Vẫn hay phải có nghệ thuật, nhưng giữ cho khỏi lầm lẫn cầu nguyện và ca hát, nhà thờ và nơi hòa nhạc hay diễn kịch.
5. Cử Chỉ:
            Phải giữ cho thích hợp với những lời đọc và từng giai đoạn, lôi cuốn hay đáp ứng với tâm hồn. Khi chung, phải tùy theo nghi thức đã định, lúc riêng, lại tùy theo mỗi người. Đứng, ngồi, quỳ, giang tay, phủ phục, cúi đầu ….. tùy theo ý nghĩa của kinh nguyện hay nghi thức phụng tự.
VII. SUY NIỆM và CHIÊM NIỆM
            Ngay từ đầu, phải theo tinh thần và truyền thống của tập thể hay theo khả năng của người tu đức, tổ chức thế nào cho họ học nhiều và học đúng, nhất là về Thánh Kinh, đạo lý và tu đức học, để họ có tài liệu mà suy niệm. Nhất là cần phải học Luận Lý Học để biết suy tư lý luận, phân biệt thế nào là đúng, thế nào là sai. Cần được tập trước là suy niệm, rồi sau tới chiêm niệm. Rất cần có những ý tưởng chính đáng, càng nhiều càng hay. Không nên làm gì giúp việc tưởng tượng và nói nhiều về tâm tình, không theo lý trí và giáo lý.
            Càng có nhiều giờ suy niệm và chiêm niệm, chung hay riêng càng hay, có thể riêng nhiều hơn chung, nhưng mỗi lần không nên dưới nửa tiếng, và không quá một tiếng đồng hồ. Nếu không trái tinh thần và luật pháp của tập thể, nên bớt giờ đọc kinh và thêm giờ suy niệm và chiêm niệm.
            Có thể tổ chức những cuộc chia sẻ Lời Thiên Chúa hay thảo luận về các đức tính, dưới sự hướng dẫn của những người chuyên môn. Tập thể nào cũng nên lưu ý cho những người có khả năng học chuyên môn để giúp hai việc này. Nếu không có người đủ điều kiện hướng dẫn, thì những cuộc chia sẻ và thảo luận có thể hại nhiều hơn lợi. Cần phải phân biệt chuyên môn là hiểu biết đúng khác với học thuộc lòng, và có bằng cấp là nhớ đủ chương trình hợp ý giáo sư hay giám khảo.
            Nên có những lớp hay những khóa học tập suy niệm và chiêm niệm, vừa lý thuyết vừa thực hành, chú trọng đến việc tìm ý tưởng và chuẩn bị đón nhận ý Thiên Chúa. Tránh những lúc ồn ào và những giờ mệt mỏi. Chọn những lúc và những nơi thanh vắng và mát mẻ, thuận tiện nhất cho phần đông là ban sáng trước hay sau thánh lễ. Không nên tiết kiệm ánh sáng và khí trời trong lúc suy niệm hay chiêm niệm.
            Như trên đã nói, trong thực tế, thấy mình khó suy tư lý luận hay không muốn làm việc này, không phải là dấu Thiên Chúa bảo mình chiêm niệm. Nhưng cố gắng suy tư lý luận chừng 5 hay 10 phút, lại thấy mình có ý tưởng thêm, chứ không phải ảnh tượng, thì nên tiếp tục chiêm niệm. Nếu thấy không có ý tưởng gì, lại phải trở về suy tư lý luận. Nghĩa là lúc đầu, trong vòng 6 tháng, hai việc này nên thay đổi nhau, cho đến khi nào thấy chiêm niệm vẫn có ý tưởng thì tiếp tục việc đó. Những người thấy mình không thể suy tư hay suy niệm, biết khả năng lý trí của mình không được bao nhiêu, hoặc năng thấy đau đầu vì cầm lòng cầm trí, lại tìm cách nói chuyện với Thiên Chúa, về những điều mình nghe thấy, có thể chắc hơn và ích lợi hơn là về tâm tình.
            Khung cảnh và bàn ghế để cho người suy niệm cũng nên đầy đủ tiện nghi tối thiểu, để giúp cho họ dễ dàng đón nhận ý Thiên Chúa. Không nên tiết chế và xin đau khổ trong lúc thi hành hai việc này.
VIII. CHIÊM NGƯỠNG
            Trừ phi ngoại lệ hay được ơn riêng Thiên Chúa ban cho người nào, theo luật chung phần đông, thì đi từ suy tư lý luận lên đến suy niệm, chiêm niệm, rồi đến chiêm ngưỡng sở đắc và sau hết là chiêm ngưỡng thiên phú. Tùy theo khả năng và tập luyện, ơn Thiên Chúa và kiến thức, mỗi giai đoạn trước có thể vắn hay dài. Tuy nhiên, người phụ trách nên hướng dẫn và giúp đỡ cho mỗi người đi qua từng giai đoạn trước, để những giai đoạn sau cho chắc hơn.
            Không nên dễ dàng tin ai đã được chiêm ngưỡng thiên phú siêu nhiên. Không nên khuyên ai thu vắn hay bỏ các giai đoạn trước. Để chắc chắn hơn, dù người đã tu luyện lâu năm, cũng còn cần phải có những lúc suy tư lý luận, suy niệm, chiêm niệm.
            Để giúp việc chiêm ngưỡng, nên có khung cảnh thiên nhiên hay nhân tạo xinh đẹp, êm dịu, tươi mát, thanh vắng, nhất là thích hợp cho thính giác và thị giác. Cần phải có nghệ thuật, mỹ thuật, không phải tốn kém nhiều tiền.
            Không dám nói đến ơn Thiên Chúa siêu nhiên dành riêng cho ai thế nào, theo thường, người có lòng mến Thiên Chúa yêu thương người, không lo danh lợi cho mình, chỉ lo hạnh phúc cho người ta, như khắc khoải băn khoăn đến tình cảnh đau khổ và tội lỗi của người ta. Vừa có nhiều ý tưởng nhờ có suy tư, học hành và kinh nghiệm, lại có suy niệm, chiêm niệm, chiêm ngưỡng chủ động là có chuẩn bị để đón nhận ơn siêu nhiên chiêm ngưỡng thụ động. Theo luật Thiên Chúa, thiên nhiên hợp với ý Thiên Chúa là chuẩn bị để đón nhận siêu nhiên.
            Vì thế, người phụ trách cũng như người hướng dẫn nên tổ chức khung cảnh, ngày giờ, học hành, thảo luận, để giúp người tu đức kinh qua những giai đoạn trước để đến những giai đoạn sau. Nhưng theo phần đông, những giai đoạn này là những công việc phải thi hành, không phải là những thời gian quá độ.
            Từ suy tư đến chiêm ngưỡng thụ động là một cuộc tuần hoàn liên tục, không phải chỉ có một chiều, tới rồi không lui, việc trước qua đi rồi không tái diễn, nhưng các việc này vẫn trên một vòng tròn; chỉ khác nhau là mỗi việc có thể lúc vắn, lúc dài, tùy ơn Thiên Chúa và tùy tâm trạng của mỗi người. Cũng như chuẩn bị để đón nhận, đón nhận rồi lại lo chuẩn bị. Đây là theo ý nghĩa chiêm ngưỡng để đón nhận ý Thiên Chúa.
            Còn theo ý nghĩa kết hợp, có thể hiểu, bao lâu còn sống dưới đất này, khó có kết hợp vĩnh cửu như ở thiên đàng, nhưng có lúc kết hợp rồi lại phải lo để kết hợp thân mật hơn và lâu dài hơn. Cứ như thế suốt đời người tu đức. Chính người tu đức, khi nào và ở đâu, trong công việc gì, cũng phải biết mình có thể, hay mình phải làm việc gì suy tư, hay suy niệm, chiêm niệm hay chiêm ngưỡng chủ động, để được chiêm ngưỡng thụ động. Người phụ trách và người hướng dẫn cũng phải biết để tổ chức khung cảnh và thời giờ, giúp cho họ thực hiện công việc tuần hoàn.
            Nhưng không nên bận tâm về những thử thách, đêm tối tăm hay đêm giác quan, kết hợp xuất thần hay kết hợp biến hóa, đã mong muốn đau khổ làm sao, hay đã chê ghét trần tục chừng nào..... đã có những hiện tượng khác thường nhiều hay ít ..... Nhưng chỉ lo xét về đã mến Thiên Chúa yêu thương người nhiều hay ít, có năng có những ý tưởng, tâm tình, ý chí, ngôn ngữ và hành vi đẹp lòng Thiên Chúa hay mất lòng Thiên Chúa, xây dựng hạnh phúc hay gây đau khổ cho người ta, nhiều hay ít, nặng hay nhẹ, lâu hay chóng ..... Rồi theo đó mà lấy đề tài suy tư, suy niệm, chiêm niệm và chiêm ngưỡng.
            Tin chắc có thể có người nhờ suy tư, suy niệm, những đề tài này, mà có thể kết hợp rất thân mật với Thiên Chúa, và đón nhận ý Thiên Chúa soi sáng cho mình và sửa đổi tư tưởng, tâm tình, ý chí, ngôn ngữ, hành vi của mình để lên bậc rất cao, mặc dù không có một hiện tượng nào khác thường.
            Đây là theo QUAN NIỆM II mà nói về tổ chức. Còn theo QUAN NIỆM I, xin nhường lời cho những bậc đã giàu kinh nghiệm về siêu nhiên và những hiện tượng khác thường.
IX. TÔN THỜ THÁNH TÂM
            Đối với những người cần phải trông thấy ảnh tượng Thánh Tâm mới nhớ đến Trái Tim và tình thương của Chúa Cứu Thế, thì nên giúp họ năng trông thấy ảnh tượng. Đối với những người cần phải có nghe những lời thở vắn than dài, về tội lỗi người ta đã xúc phạm Trái Tim Chúa Cứu Thế, thì nên giúp cho họ có những sách suy niệm hay sách kinh theo đường hướng này.
            Còn đối với những người hiểu tình thương của Chúa Cứu Thế, đòi hỏi người ta phải giữ, từ ý tưởng đến tâm tình, ý chí, ngôn ngữ và hành vi, cho khỏi có một chút gì phản ngược với lòng mến Thiên Chúa yêu thương người, trái lời Thiên Chúa dạy, đã không xây dựng hạnh phúc cho người ta, lại làm đau khổ cho người ta, là xúc phạm Trái Tim Chúa Cứu Thế, thì tổ chức cho họ học hỏi và suy niệm, càng ngày càng hiểu thêm rõ tình thương của Chúa Cứu Thế, nhất là suy niệm từng lời từng việc của Chúa Cứu Thế trong Phúc Âm, hơn những sách tưởng tượng và than thở.
            Mỗi lần biết người mình phụ trách hay hướng dẫn, có ý tưởng, tâm tình, ý chí, ngôn ngữ hay hành vi trái với yêu mến, nhiều hay ít, nặng hay nhẹ, không cần hỏi họ có hay không, không cần bắt họ thú thực, nhưng cứ giải thích cho họ thấy rõ, những điều đó xúc phạm Trái Tim Chúa Cứu Thế.
            Nên tổ chức những buổi thảo luận về Thánh tâm, hướng về mến Thiên Chúa yêu thương người, đúng như tâm tình của Chúa Cứu Thế biểu lộ qua hình bóng Trái Tim, ngôn ngữ và hành vi của Chúa Cứu Thế. Càng thêm mến Thiên Chúa yêu thương người, mới thực hiện ý nghĩa tích cực tôn thờ và theo gương Thánh Tâm, hơn là tiêu cực chỉ thở vắn than dài, oán trách khinh chê người khác, mà chính mình không thêm một chút nào yêu mến cho đẹp lòng Thiên Chúa. Có khi vẫn sống trong tội lỗi với những lời kinh nguyện thở than trước ảnh tượng Trái Tim hay Thánh Thể.
            Người tu đức không nên nghĩ đến việc lập ra, hay là gia nhập Hội này Hội khác, nào là dâng hiến bản thân và tha nhân, nào là dâng hiến ngày giờ, nhiều tượng và nhiều kinh; nhưng không làm gì cho chính mình, và người khác bỏ đường tội lỗi, tránh gây điều đau khổ và lo tiến trên đường đạo đức, xây thêm hạnh phúc, là làm vinh danh Thiên Chúa, và an ủi Trái Tim Chúa Cứu Thế.
            Cá nhân và tập thể tu đức cần phải tránh những hình thức, hay tổ chức với ý tưởng, xin Trái Tim Chúa Cứu Thế ơn này ơn khác, mà không lo nghĩ đến ơn hết tội lỗi và thêm đức tính. Phải tránh ý tưởng Trái Tim Chúa Cứu Thế, cũng như ông thánh này hay bà thánh kia hay làm phép lạ, làm mất ý nghĩa chính yếu và cao quý của Trái Tim Chúa Cứu Thế.
X. TÔN SÙNG ĐỨC MẸ
            Về việc tôn sùng Đức Mẹ, người tu đức muốn tổ chức gì, cũng cần phải nhớ những nguyên tắc như trên, nói về tổ chức và ảnh tượng. Nhất là phải nhớ, tổ chức thế nào cho đúng tinh thần hiếu thảo. Vẫn tin Đức Mẹ có nhiều quyền thế nhất, để giúp đỡ bênh vực con cái dưới đất, giữ cho chúng khỏi phải đau khổ và được hạnh phúc, đời này và đời sau. Nhưng con hiếu thảo chỉ nghĩ, chỉ biết, chỉ nhớ Đức Mẹ thương yêu trăm ngàn lần hơn một bà thánh làm nhiều việc lạ lùng, hay là một nữ luật sư có tài biện hộ cho tội nhân có nhiều ngôn ngữ và hình thức, nhưng không có lòng hối hận và sửa đổi.
            Người phụ trách lưu ý chọn ảnh tượng và kinh nguyện cho hợp giáo lý, ngày nào cũng có đọc những kinh tôn kính Đức Mẹ. Nhất là riêng mỗi người, có những lời nguyện tắt với Đức Mẹ, và làm gì cũng tìm cách kết hợp với Thiên Chúa và Đức Mẹ, xin Đức Mẹ cầu bầu cho mình được biết ý Thiên Chúa và theo gương Đức Mẹ.
            Người Công Giáo nào muốn tu đức, lại không tin Đức Mẹ quyền phép và thương yêu nhân từ, lại hằng cứu giúp, đến nỗi cần phải nghe nói và tìm cho biết rõ phép lạ thế nào, và bao nhiêu phép lạ của Đức Mẹ để thêm tin.  Vì thế, người tu đức lại càng tránh nghe phép lạ của Đức Mẹ tuyệt đối không phải vì không tin, hay yếu đức tin, nhưng vì lòng hiếu thảo, nên không muốn cho mình bị ý tưởng mến Đức Mẹ vì Đức Mẹ làm nhiều phép lạ, vì mong cho mình cũng được Đức Mẹ cứu giúp. Hay là vì sợ Đức Mẹ không bênh vực mình, chứ không phải con mến Đức Mẹ vì là Mẹ của con, và chỉ mong theo gương Đức Mẹ để mến Thiên Chúa yêu thương người cho đẹp lòng Thiên Chúa và vui lòng Đức Mẹ.
            Riêng mỗi người tu đức, tổ chức đời sống của mình để luôn luôn vẫn nhớ Đức Mẹ, kết hợp với Đức Mẹ, lo cho đẹp lòng Thiên Chúa và đẹp lòng Đức Mẹ. Sáng tối, hay khi này khi khác, sau mấy lời thưa với Thiên Chúa, đều có thói quen bao giờ cũng có những lời thưa với Đức Mẹ. Mỗi lần nghe tin Đức Mẹ hiện ra nơi này hay nơi khác, dùng người này hay người nọ để nhắn nhủ những điều này điều kia, làm nhiều phép lạ khác nhau, khi Giáo Quyền chưa lên tiếng xác nhận, mặc dù có nhiều người và nhiều sách báo nói đến; nếu người phụ trách đồng ý những nguyên tắc như trên, thì nhắc lại cho người mình có trách nhiệm, giúp cho họ đừng tưởng dễ tin và vội tin là đẹp lòng Đức Mẹ, trái lại có khi lại mất lòng Đức Mẹ, vì tin những điều không xứng đáng với Đức Mẹ, như một người con nghe ai nói, Đức Mẹ ở đâu và Đức Mẹ nói gì cũng tin.
XI. TÔN KÍNH CÁC THÁNH
            Càng ít ảnh tượng các thánh, nhưng vẫn biết nhiều và cố gắng nhiều theo gương đạo hạnh các thánh thì càng hay. Ngày kính thánh nào, hay ngày hôm trước, cá nhân hay tập thể tu đức nên đọc chuyện thánh ấy, nhưng lưu ý đến gương mẫu ngôn ngữ, hành vi mến Thiên Chúa yêu thương người của các ngài, hơn những phép lạ. Tập thể nào có người viết được, thì nên viết tuyển tập ngôn hành các thánh, để giúp những người khác, hơn là toàn tập gồm tất cả các việc lạ lùng trước và sau cuộc đời.
            Người tu đức năng suy niệm về ngôn ngữ và hành vi của các thánh, và không bận tâm về phép lạ chuyên môn của một vị nào. Cũng phải biết lựa chọn ngôn ngữ, hành vi nào là của các thánh, và ngôn ngữ, hành vi nào là của người ta.
            Tổ chức những buổi học hỏi để giúp cho người tu đức biết lựa chọn, hầu tránh khỏi việc lầm lẫn sinh nhiều tai hại.
            Đã biết phân biệt như thế, người tu đức cũng nên đọc những chuyện về bậc đạo đức anh hùng, chưa hay không được phong thánh. Vì cần biết nhiều gương mẫu để học kinh nghiệm, nên các tập thể tu đức vẫn năng có những chuyện này.
            Cũng nên có những buổi thuyết trình và phê bình những danh nhân trong đạo và ngoài đời, dĩ nhiên với lòng bác ái kính trọng. Theo ý này, người tu đức nên biết lịch sử chân thực của Giáo Hội và nhân loại, để có nhân chứng chính xác và vô tư về quá khứ, gương tốt và gương xấu, điều gì nên học tập và điều gì nên xa lánh, càng thấy rõ tình thương bao la của Thiên Chúa quan phòng, không thiên vị, cũng không định đoạt, ban ơn và bênh vực một cách vô căn cứ.
            Mặc dù có nhiều người và nhiều nơi thi hành, cá nhân và tập thể tu đức cũng không nên tổ chức một việc gì, có thể làm cho người ngoài chưa biết phân biệt gương tốt và gương xấu, tôn kính các thánh và mê tín dị đoan.
XII.  YÊU QUÝ TẬP THỂ
            Không trái với tinh thần, truyền thống và quy luật của tập thể tu đức; tùy theo khả năng và cương vị, tổ chức những cuộc tĩnh tâm, hội thảo, chia sẻ, gặp gỡ, liên lạc .....  có Giáo Hữu và thành viên của các tập thể khác tham gia và tham dự, đặt dưới sự chủ tọa của các cấp bậc trong Giáo Hội và Dòng Tu, không phân biệt học thức, tuổi tác. Có những đoàn thể hợp tác theo mục đích chung càng hay, như ngày nay nhiều nơi vẫn có tổ chức, là điều rất đáng cảm phục và khích lệ. Tổ chức thế nào cho khỏi mất lòng ai, ít tốn kém thời giờ, sức lực, tiền tài .....
            Người phụ trách nên cấm hẳn những người mình có trách nhiệm, không được nói hay viết một điều gì, xúc phạm đến thành viên hay tập thể khác, mặc dù người ta có xúc phạm đến mình. Cần phải cẩn thận điều này, vì nhiều khi vô tình hay vô ý, để cho con quỷ kiêu ngạo, đua tranh, ganh tị, len lỏi vào lòng người tu đức, đề cao tập thể mình để thu hút và bảo vệ ơn kêu gọi. Lại rộng lượng sẵn sàng cho phép người dưới quyền được tham gia và tham dự các cuộc tổ chức của tập thể khác, miễn là không có gì trái với quy luật của mình, và không có gì nguy hại cho ơn thiên triệu và việc tu hành.
            Về gia đình, xã hội và tổ quốc, sẽ trình bày ở Phần Hai và Phần Ba: Phương thế đối với Bản Thân và Phương thế đối với Tha Nhân.
C. SUY LUẬN
1. Thiên Chúa và Nhân Loại:
            Người ta có thể biết Thiên Chúa, trước là nhờ ơn Thiên Chúa mặc khải trong Thánh Kinh, và Giáo Quyền dạy trong các văn kiện, những điều mầu nhiệm vượt quá khả năng lý trí thiên nhiên; sau là nhờ ơn Thiên Chúa phù trợ khả năng lý trí để nhận được những điều theo suy tư lý luận thiên nhiên. Biết được những điều sau này, là nhờ dựa vào những điều nghe thấy ngoài mình và trong mình, để suy tư lý luận, từ thụ tạo lên đến Tạo Hóa.
            Theo cách phân biệt của các tôn giáo, nhất là Thiên Chúa Giáo, những điều trước thuộc về thần học, gồm cả những lời Thánh Kinh và lời Giáo Quyền thì không sai lầm; và riêng của các nhà thần học, hay của người viết sách, thì có thể sai lầm. Những điều sau thuộc về triết học, hay thần luận, đều do suy tư lý luận của người ta, cũng có thể sai lầm. Nhưng Thiên Chúa mình biết được nhờ mặc khải, và nhờ suy tư chính xác, không có gì mâu thuẫn với mặc khải và Giáo Quyền, thì vẫn là một, chứ không phải là hai Thiên Chúa khác nhau.
            Người tu đức cần phải nhớ mấy nguyên tắc cần thiết, để giữ cho khỏi sai lầm:
            MỘT là, bao giờ cũng phải tuân theo chỉ thị và xác nhận của Giáo Quyền.
            HAI là, những lời giải thích tín lý không thuộc về tín điều; nhưng giải thích khác truyền thống thì có thể đúng nếu bảo vệ tín điều, hay là sai vì trái với tín điều.
            BA là, tuy dựa vào thụ tạo để tìm hiểu, nhưng không bao giờ được có điều gì mâu thuẫn với Thiên Chúa chí minh và Chân Lý. Thiên Chúa hiểu biết cả vạn sự, tuyệt đối không có gì sai lầm để phải hối tiếc, không cần phải có ai nói gì mới biết lòng họ. Thiên Chúa chí thiện, chí ái và chí nhân, tốt lành vô cùng, thương yêu vô hạn. Thiên Chúa vĩnh viễn không bao giờ thay đổi, trước thế này sau thế khác. Thiên Chúa hoàn toàn tinh thần, tuyệt đối không có chút gì vật chất. Chỉ có Ngôi Hai Thiên Chúa nhập thể mới có nhân tính và tấm thân, để sinh hoạt với người ta, một thời gian dưới đất này, nhưng vẫn có hoàn toàn thiên tính.
            Có những người ngày xưa hay ngày nay, lấy những điều họ kể là hay, là tốt, nơi người ta mà gán cho Thiên Chúa, hay là đem nói cho những người còn ấu trĩ về văn hóa hay tuổi tác dễ hiểu, khiến cho có điều sai lầm, gọi là nhân hóa Thiên Chúa; lẽ đáng phải hiểu về nghĩa bóng, có người lại hiểu về nghĩa đen. Như nói Thiên Chúa thịnh nộ, ghen tương, cũng muốn nghe những lời tâm tình âu yếm, ân ái; quên Thiên Chúa hoàn toàn tinh thần và quên Thiên Chúa chí công, không thiên vị người này kẻ khác; quên Thiên Chúa toàn quyền muốn làm gì cho ai thì làm, bất chấp có nghịch lý hay không; quên Thiên Chúa là Chân Lý, chí minh, chí tôn, không vì ai mà làm gì; chỉ có thứ gì siêu nhiên của Ngài mới đẹp lòng Ngài; quên Ngài chí thiện, chí ái, và đã ban cho người ta những khả năng và định luật thiên nhiên; Thiên Chúa vô cùng nghiêm khắc, còn hơn những ông vua độc tài, độc đoán dưới đất này, quên Ngài chí nhân .....
            Nhất là trong Đạo Chúa Cứu Thế, người tu đức cần phải tỉnh thức, để cho khỏi mắc phải những sai lầm như thế. Cần phải tìm hiểu từng vấn đề, tại sao có người trình bày thế này hay thế kia, có phải vì tin đã có người nói trong quá khứ lâu đời thì đúng chăng? Có phải vì hiểu theo nghĩa đen những câu đang lý ra phải hiểu theo nghĩa bóng chăng? Có phải vì trong tiềm thức hay vô thức, muốn cho người ta phải theo mình, quý mình và cần mình chăng?
2. Thiên Nhiên và Siêu Nhiên :
            Thiên nhiên là luật của Thiên Chúa, là điều Thiên Chúa muốn ban chung cho mỗi loài thụ tạo, để bảo tồn và phát triển một cách thông thường. Thụ tạo nào dùng đúng theo ý Thiên Chúa và luật Thiên Chúa, thì vẫn đẹp lòng Thiên Chúa. Nhờ đó, một số người có thể nhận được ơn siêu nhiên Thiên Chúa ban cho từng người, vì cần thiết cho họ, đã có khả năng có thể lên cao hơn và hưởng phúc chừng nào trên phần phổ biến chung cho mọi người. Dùng thiên nhiên trái ý Thiên Chúa và luật Thiên Chúa, là không đúng người, không đúng lúc, không đúng nơi, lại thành ra tội lỗi.
            Đã là siêu nhiên thì mầu nhiệm, vì đặc biệt khác thường, trừ một số người có kinh nghiệm, hay là được ơn Thiên Chúa soi sáng thế nào, ngoài ra, không ai hiểu biết hay là kiểm sát được.
            Theo luật chung và thông thường, người tu đức cần phải biết thiên nhiên để thi hành, sử dụng, cho hợp ý Thiên Chúa và luật Thiên Chúa, là những điều mình có thể phải học tập theo ơn Thiên Chúa giúp; mong nhờ đó, lãnh nhận được ơn siêu nhiên Thiên Chúa muốn ban cho mình. Chính mình vẫn không bao giờ dám ao ước hay tìm kiếm, vì vượt quá khả năng của mình, và không biết có cần cho mình để đẹp lòng Thiên Chúa, trở nên đạo đức thánh thiện chăng. Tương tự như ơn Thiên Chúa thiên triệu mỗi người mỗi khác, không phải ai cũng đồng một đường lối, nhưng ai cũng phải lo nên hoàn thiện, là bao giờ cũng phải vì Thiên Chúa, mặc dù trong thiên nhiên, như Thánh Phaolô đã nói “Dù anh chị em ăn uống hay làm bất cứ việc gì, hãy làm cho vinh danh Thiên Chúa” (1 Cr 10,31), nghĩa là bao giờ cũng chỉ muốn làm đẹp lòng Thiên Chúa.
3. Mục Đích và Phương Thế:
            Sau khi đã có mục đích, phải tìm phương thế. Nhưng có tin Thiên Chúa và người ta thế nào, mới mến Thiên Chúa và yêu thương người, có phải là phương thế có trước và mục đích có sau chăng?
            Vẫn hay, tin trước rồi mến sau, nhưng muốn thực hiện yêu mến, thì cần tìm cho biết, phải tin thế nào, và tin những gì, để mến Thiên Chúa yêu thương người cho đúng. Như Dalat, Huế và xe đò hoặc phi cơ vẫn có trước khi người nào có mục đích đi du lịch hay nghỉ mát; nhưng đến lúc ai có mục đích này, mới phải tìm phương thế đi xe hay phi cơ nào, và đi làm sao cho đến nơi.
            Đối với mục đích yêu mến, lại có nhiều phương thế cũng là hậu quả của yêu mến. Như vì muốn mến Thiên Chúa, càng tín ngưỡng, hy vọng và thờ phụng ..... nhưng càng thi hành những phương thế này, lại càng mến Thiên Chúa. Hay nói cho đầy đủ xác đáng, có lẽ phải phân biệt phương thế đưa đến, và phương thế gia tăng mục đích.
4. Phương Thế và Phương Diện:
            Phương thế là cách thức thi hành để đạt mục đích; lại còn tùy theo phương diện là đứng hay nhìn về khía cạnh nào. Như cùng một mục đích mến Thiên Chúa yêu thương người, nhưng có phương thế đối với Thiên Chúa và có phương thế đối với người ta. Lại qua việc này hay việc khác, người này hay người kia, có phương thế đối với bản thân hay tha nhân, trực tiếp với mình hay người khác. Nhưng cả ba phương diện đều vì nguyên nhân và mục đích mến Thiên Chúa yêu thương người, thúc đẩy và lôi cuốn con người tu đức. Vì thế, nên trong sách này, có những vấn đề riêng mỗi chương, hay là chung cho cả ba chương.
5. Tương Quan và Liên Hệ:
            Tuy Thiên Chúa không cần gì cho Ngài, nhưng vì Ngài thương yêu nhân loại, Ngài muốn cho Ngài và cho con người có tương quan và liên hệ với nhau. Như nhà Nho vẫn nói “Thiên nhân tương dữ”. Theo đó, Chúa Cứu Thế đã dạy “Ai làm gì cho một người anh em nhỏ mọn của tôi, là làm cho tôi” (Mt 25,40). Cũng là một động cơ dễ hiểu, vì đâu trong đạo Chúa Cứu Thế đã hợp nhất mến Thiên Chúa yêu thương người, và tính cách duy nhất của các chương trong sách này.
            Người tu đức cũng hiểu mình càng tiến lên xứng đáng chừng nào, là càng đẹp lòng Thiên Chúa và hạnh phúc cho mình và người khác chừng ấy. Mình càng thoái bước trong đường tu bao nhiêu, là càng mất lòng Thiên Chúa, đau khổ cho mình và cho người khác bấy nhiêu.
            Rất mong được đón nhận lời chỉ giáo của các Bậc Trưởng Thượng và Quý Độc Giả. Đa tạ./-
                                                @Thiên Phong-Trần Minh Đức Bảy
                                                    niemtinm@aol.com
(Còn tiếp, xin đón đọc TU ĐỨC.12)