Ngày 22-10 hằng năm
là lễ nhớ Thánh GH Gioan-Phaolô II, một vị giáo hoàng của Hòa Bình và Công Lý.
Đây là dịp để chúng ta cùng “soi lại” tấm gương sáng ngời của ngài mà tự chấn
chỉnh lại cách nghĩ và cách sống của mình...
Chúa Nhật ngày
27-4-2014, Đại lễ Lòng Chúa Thương Xót, ĐGH Gioan-Phaolô II được tôn phong hiển
thánh cùng với ĐGH Gioan XXIII (*). Trước đó không lâu, ngày 1-5-2011, tại
Rôma, Đức cố GH Gioan-Phaolô II, vị giáo hoàng thứ 264 của Giáo hội Công giáo, đã
được Giáo hội tôn phong tước hiệu Chân phước.
Không riêng người
công giáo mà cả những người thuộc các tôn giáo khác cũng hòa chung niềm vui
thánh thiện này. ĐGH Gioan-Phaolô II giản dị mà vĩ đại và thánh thiện, thể hiện
tình yêu và thứ tha như Đức Giêsu: Rửa chân và hôn chân người được rửa, đích
thân đến nhà tù để tha thứ cho người đã ám sát mình là Mehmet Ali Ağca, yêu
thương trẻ em, hòa đồng với giới trẻ, siêng năng lần hạt, có tâm hồn văn nghệ,…
Tên cúng cơm của ngài là Karol Józef Wojtyła (sinh ngày 18-5-1920, mất ngày 2-4-2005,
tên thánh là Giuse). Ngài được mệnh danh là Sứ giả Hòa bình. Chứng nhân thứ
nhất của Lòng Thương Xót Chúa là Thánh nữ Faustina (1905-1938), Thánh
Gioan-Phaolô II là nhân chứng thứ nhì, với Thông điệp “Thiên Chúa Giàu Lòng
Thương Xót” (Dives in Misericordia, 30-11-1980).
Đức Gioan-Phaolô II cai
quản Giáo hội Công giáo La Mã trên cương vị Giáo hoàng gần 27 năm. Ngài là vị
giáo hoàng đầu tiên không là người Ý kể từ giáo hoàng người Đức gốc Hà Lan
Adrian VI qua đời năm 1523, triều đại của Đức Gioan-Phaolô II là triều đại dài
thứ ba trong lịch sử các triều đại giáo hoàng. Mặc dù triều đại của ngài được
đánh dấu bằng sự suy yếu của Công giáo tại các nước phát triển Tây phương, đồng
thời có sự mở rộng của vai trò giáo hội ở Thế giới thứ ba và cộng sản Đông Âu. Việc
bầu chọn Đức Gioan-Phaolô II làm giáo hoàng được nhiều người tin tưởng với sự
thúc đẩy thay đổi ở Âu châu để cuối cùng dẫn đến sự suy sụp của các nước cộng
sản và sự nổi dậy của các chế độ dân chủ.
Thầy Karol Joséf Wojtyła thụ phong linh mục
ngày 1-11-1946, lúc 26 tuổi, do Đức TGM Adam Stefan Sapieha giáo phận Kraków
chủ phong. Sau đó, ngài dâng lễ tạ ơn tại nhà thờ chính tòa Kraków. Rồi ngài
được đi Rôma học tiến sĩ ở Viện Giáo hoàng Thánh Thomas Aquinas (Pontifical
Athenaeum of St. Thomas Aquinas), thường gọi là “Angelicum”. Ở đó ngài học
thêm về thần học và chính trị. Ngài nghiên cứu các bài viết của ĐGH Grêgôriô II,
các giáo huấn của Thánh Gioan Thánh giá, hiện tượng học (phenomenology) của Max
Scheler. Ngài còn nghiên cứu cả Yves Congar, một nhà lý luận quan trọng về đại
kết (ecumenism). Ngài học 2 năm tại Đại học Bỉ ở Rôma. Đại học này chỉ có 22
sinh viên là linh mục và chủng sinh, trong đó có 5 người Mỹ. Trong môi trường đa
ngữ này, LM Wojtyła trau dồi thêm tiếng Pháp và tiếng Đức, đồng thời bắt đầu
học tiếng Ý và tiếng Anh. Trong luận án tiến sĩ “Doctrina de fide apud S. Ioannem a Cruce” (Học thuyết Đức tin theo Thánh Gioan Thánh
giá), ngài nhấn mạnh bản chất gặp gỡ riêng với Thiên Chúa. Mặc dù luận
án tiến sĩ của ngài được chấp thuận hồi tháng 6-1948, ngài vẫn không được nhận
bằng tốt nghiệp vì ngài không có văn bản luận án (đó là luật của Angelicum). Ngày
16-12-1948, ban giảng huấn thần học tại ĐH Jagiellonian ở Kraków xem xét lại luận án
của ngài, và LM Wojtyła được cấp bằng.
Trở về Ba Lan vào mùa
hè năm 1948, ngài được bổ nhiệm mục vụ tại giáo xứ Niegowić, cách Kraków 15 dặm.
Đến Niegowić vào mùa thu hoạch, việc đầu tiên của ngài là quỳ xuống và hôn đất
– một “thói quen tốt” mà ngài vẫn làm khi làm giáo hoàng. Động thái này trở
thành “thương hiệu” của ngài, nhưng không phải của chính ngài, vì ngài nói rằng
ngài bắt chước vị thánh người Pháp của thế kỷ 19 là LM Gioan Maria Vianney, cha
sở xứ Ars (Curé d'Ars).
Tháng 3-1949, ngài được thuyên chuyển qua xứ
thánh Florian ở Kraków. Ngài dạy môn
đạo đức tại ĐH Jagiellonian ở Kraków và sau đó dạy tại
ĐH Công giáo Lublin.
Ngài quy tụ một nhóm gần 20 người trẻ, gọi là Rodzinka (gia đình nhỏ), để cùng
cầu nguyện, thảo luận triết học, giúp đỡ người mù và người bệnh. “Gia đình nhỏ”
tiếp tục phát triển. Các bạn trẻ bắt đầu gọi ngài là Wujek (chú, bác) để người
ngoài không biết ngài là linh mục khi phải đi ra ngoài. Nhóm của ngài càng phát
triển càng liên kết chặt chẽ, vài người trong nhóm kết hôn. Cuối cùng, nhóm của
ngài có đến 200 người, và được gọi là Środowisko (hiểu theo nghĩa “môi trường”
hoặc “hoàn cảnh”). Hằng năm cả nhóm cùng đi trượt tuyết và chèo thuyền. Khi đi
chèo thuyền, LM Wojtyła thường dùng thuyền 2 người để cùng trao đổi và hướng
dẫn tâm linh. Ngài dâng thánh lễ ngay trên thuyền, và lấy 2 mái chèo làm Thánh
giá. Năm 1955, những người chèo thuyền tham dự cuộc thi quốc tế trên sông Dunajec.
Thuyền của “chú” Wojtyła bị thủng ngay tại đích đến (finish line). LM Wojtyła đã
viết một loạt bài trên báo Công giáo “Tygodnik Powszechny” (Tuần báo Phổ
thông) ở Kraków giải quyết các vấn đề đương thời của giáo hội.
Các tác phẩm văn chương của LM Karol Wojtyła
nở rộ trong 12 năm đầu làm linh mục. Chiến tranh, sống dưới chế độ cộng sản, và
trách nhiệm mục vụ của ngài xuất hiện trong các bài thơ và kịch bản của ngài. Các
tác phẩm đó được ngài ký bằng bút danh Andrzej Jawień và Stanisław Andrzej
Gruda. Ngài dùng các bút danh để phân biệt tác phẩm văn chương với tác phẩm tôn
giáo (được ngài ký tên thật), và cũng để tránh sự “dòm ngó” của người khác.
Ngài có bằng tiến sĩ thứ hai, đánh giá tính
khả thi của đạo đức Công giáo (feasibility of a Catholic ethic) dựa trên hệ
thống đạo đức của nhà hiện tượng học (phenomenologist) Max Scheler (An
Evaluation of the Possibility of Constructing a Christian Ethics on the Basis
of the System of Max Scheler – Đánh giá tính khả dĩ của việc xây dựng Đạo đức
Kitô giáo theo Hệ thống của Max Scheler, năm 1954). Cũng như với
bằng tiến sĩ thứ nhất, ngài cũng không được cấp bằng ngay, vì chính quyền cộng
sản cấm ban giảng huấn của ĐH Jagiellonian cấp bằng. Cùng với việc chuẩn bị tại
ĐH Công giáo Lublin, cuối cùng ngài cũng nhận được bằng tiến sĩ triết năm 1957,
và ngài được bầu làm trưởng khoa đạo đức học (Chair of Ethics) năm 1956.
Ngày 5-8-1958, trong chuyến đi chèo thuyền 2
tuần với nhóm Środowisko ở sông Lyne, thuộc Đông Bắc Ba Lan, LM Karol Wojtyła nhận
được một lá thư cho biết phải đến gặp TGM Hồng y Wyszynski, giáo phận Warsaw. Khi
ngài đến văn phòng tòa TGM, ĐHY cho ngài biết ngài được bổ nhiệm làm giám mục
phụ tá (auxiliary bishop) của TGM Eugeniusz Baziak, tổng giáo phận Kraków, vì
tổng giáo phận bị trống ngôi (sede vacante) do ĐHY Sapieha qua đời. LM Wojtyła vâng
lời và đến thẳng tu viện Ursuline xin được vào nhà nguyện để cầu nguyện. Ngài
ngạc nhiên thấy các nữ tu đang phủ phục trước Nhà Tạm (tabernacle).
Ngài kể trong cuốn “Rise, Let us be on our Way” (Hãy đứng dậy, chúng ta cùng lên
đường) rằng khi ngài vào một căn phòng đầy các linh mục, với tin tức về việc
ngài được bổ nhiệm làm giám mục phụ tá, TGM Baziak đã nói lớn: “Habemus papam” (Chúng ta đã có giáo
hoàng). Ngài cho rằng những từ này có thể là lời tiên tri trong ánh sáng của các
sự kiện xảy ra tiếp theo. Thế là Karol Wojtyła đã tìm được chính mình, là vị
giám mục trẻ nhất Ba Lan lúc mới 38 tuổi. Ngài được TGM Baziak tấn phong giám
mục vào ngày lễ thánh Wenceslaus,
28-9-1958, tại nhà thờ chính tòa Wawel ở Kraków.
Năm 1959, ĐGM Wojtyła bắt đầu thói quen hằng
năm là cử hành thánh lễ vọng Giáng sinh ở một khu đất trống tại Nowa Huta, một
thành phố công nghiệp do cộng sản xây dựng không xa Kraków, và là thành phố đầu
tiên ở Ba Lan không có nhà thờ nào. Nhưng do áp lực của người Công giáo, một
nhà thờ đã được xây dựng tại Nowa Huta năm 1977.
TGM Eugeniusz Baziak qua đời tháng 6-1962, và
ngày 16-7-1962, GM Karol Wojtyła được bổ nhiệm làm giám quản (Vicar Capitular) của
tổng giáo phận cho đến khi bổ nhiệm TGM. Ngày 5-10-1962, ĐGM Karol Wojtyła đi
Rôma tham dự Công đồng Vatican II. Là một giám mục trẻ và có chức vụ tương đối
thấp trong hàng giáo phẩm, ĐGM Wojtyła ngồi ở cạnh cửa Đền thờ Thánh Phêrô. Trước
khi tới Công đồng, ĐGM Wojtyła đã gởi một tiểu luận cho các ủy viên để chuẩn bị
Công đồng, ngài đề nghị rằng thế giới muốn biết giáo hội phải nói gì về con
người và tình trạng con người. Câu trả lời của giáo hội là gì đối với việc phổ
biến tính hiện đại gây thất vọng và sự hiện hữu của con người?
Ngài góp 2 tài liệu ảnh hưởng nhất và mang
tính lịch sử nhất của Công đồng là “Decree
on Religious Freedom” (Sắc lệnh về Tự do Tôn giáo – bản Latin là Dignitatis Humanae) và “Pastoral Constitution on the Church in the
Modern World” (Hiến chế Mục vụ về Giáo hội trong Thế giới
Hiện đại – bản Latin là Gaudium et
Spes).
Ngày 30-12-1963, ĐGH Phaolô VI bổ nhiệm ngài
làm TGM của TGP Kraków. Năm 1960, TGM Wojtyła xuất bản cuốn “Tình yêu và Trách
nhiệm” (Love and Responsibility), đó là lời biện hộ các giáo huấn truyền thống
của giáo hội về giới tính và hôn nhân quan điểm thần học mới (new philosophical
standpoint). Năm 1967, ngài có công trong việc công thức hóa Tông thư “Humanae
Vitae” (Sự Sống Con Người) – tông thư này giải quyết các vấn đề tương tự, đồng
thời cấm phá thai và kế hoạch hóa gia đình vì nhân tạo. Năm 1967, ĐGH Phaolô VI
bổ nhiệm TGM Wojtyła làm hồng y.
Tháng 8-1978, sau khi ĐGH Phaolô VI qua đời,
ĐHY Wojtyła được vào Mật viện Giáo hoàng (Papal Conclave). Khi đó, các hồng y
bầu chọn ĐHY Albino Luciani, TGM Venice, với tông hiệu Gioan-Phaolô I. Lúc 65
tuổi, ĐHY Luciani là người trẻ nhất theo tiêu chuẩn giáo hoàng. ĐHY Wojtyła, lúc
đó 58 tuổi, còn hy vọng được vào Mật viện lần nữa trước khi 80 tuổi (hạn tuổi
đối với các hồng y được bầu làm giáo hoàng). Tuy nhiên, triều đại giáo hoàng
của Đức Gioan-Phaolô I chỉ kéo dài 33 ngày vì ngài qua đời ngày 28-9-1978. ĐHY
Wojtyła trở lại Vatican để bầu giáo hoàng từ
ngày 14-10-1978. Có hai nhóm ứng viên “mạnh”: ĐHY Giuseppe Siri, TGM Genoa, và ĐHY
Giovanni Benelli, TGM Florence với một vị phụ tá thân cận của ĐGH Gioan-Phaolô I.
Trong những lần bỏ phiếu đầu tiên, ĐHY Benelli chênh lệch 9 phiếu. Tuy nhiên, ĐHY
Wojtyła an toàn là một ứng viên thỏa hiệp (compromise candidate), một phần nhờ
sự ủng hộ của ĐHY Franz König, tổng giáo phận Vienna, và các vị khác mới đầu
ủng hộ ĐHY Giuseppe Siri. Ngài được 99 phiếu trong tổng số 111 vị tham dự bầu
cử.
Ngày 16-10-1978, ĐHY Karol Wojtyła được bầu
làm giáo hoàng, trở thành đấng kế vị Gioan Phaolô I, với tông hiệu Gioan-Phaolô
II, là vị Giáo hoàng đầu tiên ngoài nước Ý trong gần 500 năm và là vị Giáo
hoàng gốc Slav (nhóm người sinh sống chủ yếu tại nửa phía đông Đông Âu) đầu
tiên trong lịch sử Công giáo. Việc bầu chọn một hồng y ở một đất nước cộng sản
làm giáo hoàng giống như cốt truyện một cuốn sách (1963) và bộ phim “The Shoes
of the Fisherman” (Đôi giày của Ngư ông, 1968).
Sau khi đắc cử, ngài nói: “Với đức tuân phục trong niềm tin vào Đức
Kitô, Thiên Chúa của tôi, và với lòng tin tưởng vào Mẹ Đức Kitô và Giáo hội, dù
rất khó khăn, tôi xin chấp nhận” (With obedience in faith to Christ, my
Lord, and with trust in the Mother of Christ and the Church, in spite of great
difficulties, I accept).
Trên huy hiệu giáo
hoàng của ĐGH Gioan-Phaolô II có chữ M, đó là viết tắt chữ Maria. Điều đó cho
thấy Đức Mẹ rất quan trọng trong đời sống tâm linh của ngài.
Ngày hôm sau, với cương vị giáo hoàng, ngài
dâng thánh lễ với hồng y đoàn (College of Cardinals) tại Nguyện đường Sistine (Sistine
Chapel). Sau thánh lễ, ngài ban phép lành đầu tiên – gọi là “Urbi et Orbi” (phép
lành truyền thống), đài phát thanh phát sóng toàn thế giới.
Ngài không tự xưng là “chúng tôi” như các
giáo hoàng trước mà dùng đại danh từ “tôi”. Ngài chọn làm một lễ tấn phong đơn
giản chứ không rườm rà, và không đội mũ giáo hoàng khi đảm nhiệm. Ngài làm vậy
để nhấn mạnh đến chức vụ phục vụ của
mình là “tôi tớ của các tôi tớ của Chúa” (Servus Servorum Dei).
Sáng ngày 17-10-1978, ngài đã trình bày
chiến lược của ngài: Trung thành với cộng đồng và các hội đoàn. Ngài đã kiên
quyết khẳng định việc phải tuân thủ lời răn dạy của giáo hoàng, tôn trọng các
luật lệ về nghi lễ cũng như về kỷ luật. Sau cùng, ngài nhấn mạnh đến nhu cầu
tiến hành cuộc đối thoại trên phạm vi toàn thế giời và lời cam kết của Giáo hội
với hòa bình và công lý trên thế giới.
Cũng như vị tiền nhiệm, ĐGH Gioan Phaolô II miễn
lễ đăng quang truyền thống (traditional Papal coronation) và chỉ mặc tu phục
giản dị để nhậm chức vào ngày 22-10-1978. Khi nhậm chức giáo hoàng, các hồng y
quỳ gối trước ngài để tuyên hứa và hôn nhẫn, ngài đứng dậy khi ĐHY Stefan
Wyszyński (người Ba Lan) quỳ gối, ngăn hồng y này hôn nhẫn và ôm hồng y này.
Ngày 13-5-1981, ĐGH Gioan Phaolô II vào
Quảng trường Thánh Phêrô, ngài bị Mehmet Ali Ağca bắn bị thương nặng, hắn là
tay súng chuyên nghiệp thuộc nhóm Sói Xám (Grey Wolves). Hắn dùng súng lục 9 ly
bán tự động bắn ngài vào bụng, xuyên qua đại tràng và ruột non vài phát. Ngài
được đưa ngay vào bệnh viện Gemelli. Ngài bất tỉnh trên đường đến bệnh viện. Dù
không bị đứt động mạch nhưng ngài bị mất 3/4 lượng máu trong cơ thể. Cuộc phẫu
thuật kéo dài 5 giờ. Khi tỉnh lại, trước khi phẫu thuật tiếp, ngài nói các bác
sĩ đừng gỡ bỏ Dây Quàng Vai (Brown Scapular, dây các phép) khi phẫu thuật. Ngài
nói rằng Đức Mẹ Fatima đã cứu ngài.
ĐGH Gioan-Phaolô II nói: “Tôi có thể quên
vụ [Ali Ağca ám sát ngài] ở Quảng trường Thánh Phêrô xảy ra vào hôm đó và vào
lúc Mẹ của Đức Kitô lần đầu hiện ra với những dân nghèo hơn 60 năm trước tại Fatima
thuộc Bồ Đào Nha hay không? Vì mọi thứ xảy ra với tôi trong ngày đó, tôi cảm
thấy sự quan tâm và bảo vệ đặc biệt của Đức Mẹ, đã trở nên mạnh hơn viên đạn” (Đức
Gioan Phaolô II – Ký ức & Đồng nhất, NXB Weidenfeld & Nicolson, năm 2005,
tr. 184).
Ağca bị một nữ tu và những người đứng gần đó
bắt giữ, sau đó cảnh sát đến điệu hắn đi. Hắn bị án tù chung thân. Hai ngày sau
lễ Giáng sinh năm 1983, Đức Gioan-Phaolô II đích thân đến nhà tù thăm hắn. Ngài
và hắn nói chuyện riêng khoảng 20 phút. Ngài cho biết: “Những gì chúng tôi nói chuyện vẫn được giữ bí mật, chỉ anh ta và tôi
biết. Tôi nói với anh ấy như một người anh em mà tôi đã tha thứ và là người tôi
hoàn toàn tin tưởng”.
Ngày 2-3-2006, Ủy ban Mitrokhin của Ý, do Silvio
Berlusconi thành lập và dẫn đầu là thượng nghị sĩ Paolo Guzzanti, kết luận rằng
Liên bang Soviet (Soviet Union) đã đứng sau vụ ám sát Đức Gioan-Phaolô II, nhằm
trả đũa việc ngài ủng hộ tình đoàn kết, giới Công giáo, phong trào công nhân Ba
Lan ủng hộ dân chủ (pro-democratic Polish workers' movement), một chủ thuyết đã
được Michael Ledeen và Cơ quan Tình báo Trung ương Hoa Kỳ (United States Central
Intelligence Agency) ủng hộ lúc đó. Tường trình của Ý cho biết rằng các bộ an
ninh cộng sản Bulgaria (Communist
Bulgarian security departments) đã được dùng để không lộ vai trò của Liên bang
Soviet (Soviet Union ). Báo chí tường trình cho
biết rằng Tình báo quân đội Soviet (Soviet military intelligence, tiếng Nga là “Glavnoje
Razvedyvatel'noje Upravlenije”) – không phải là KGB – chịu trách nhiệm. Phát
ngôn viên Boris Labusov, thuộc Cơ quan Tình báo Ngoại quốc của Nga (Russian
Foreign Intelligence Service) gọi sự kết tội đó là “lố bịch” (absurd). Trong chuyến tông du của Đức Gioan-Phaolô II
tới Bulgaria hồi tháng 5-2002, thư ký của ngài là TGM Stanisław Dziwisz, đã
viết trong cuốn “A Life with Karol”
(Sống với Đức Karol) rằng ĐGH tin rằng liên bang Soviet cũ đã đứng
phía sau vụ ám sát ngài nhưng họ không thừa nhận. Bulgaria và Nga đã tranh cãi
về kết luận của Ý, nói rằng ĐGH từ chối liên kết với Bulgaria .
Vụ ám sát thứ hai xảy ra vào ngày 12-5-1982,
một ngày trước ngày “kỷ niệm” ám sát lần một, ở Fatima (Bồ Đào Nha), một người
đàn ông đã đâm ngài bằng lưỡi lê. Anh ta bị bảo vệ bắt, dù TGM Stanisław
Dziwisz sau đó cho biết rằng Đức Gioan Phaolô II đã bị thương nhưng không tiết
lộ về vết thương nguy hiểm tới tính mạng ngài. Kẻ ám sát ngài là linh mục Juan
María Fernández y Krohn, thuộc phe hữu của Tây Ban Nha, được TGM Marcel
Lefebvre (thuộc Hội Thánh Piô X) phong chức linh mục và chống lại những thay
đổi do Công đồng Vatican II, gọi ĐGH là đặc vụ của Cộng sản Moscow (Mát-cơ-va)
và Khối Mác-xít Đông Âu. Sau đó Fernández y Krohn rời bỏ Công giáo La Mã và bị
tù 6 năm. Cựu linh mục này được điều trị bệnh tâm thần (mental illness) và bị
trục xuất khỏi Bồ Đào Nha, rồi làm cố vấn pháp luật (solicitor) ở Bỉ. Tháng 7-2000,
ông ta lại bị bắt sau khi leo qua tường rào an ninh (security barricade) ở Dinh
Hoàng gia Brussels (Royal Palace of Brussels), kết tội vua Tây Ban Nha Juan
Carlos đã giết anh của ông ta là Alfonso năm 1956.
Đức Gioan Phaolô II cũng là một trong các
“đích nhắm” của tổ chức Bojinka được Al-Qaeda tài trợ khi ngài đến Philippines năm
1995. Kế hoạch đầu tiên của họ là giết Đức Gioan Phaolô II khi ngài thăm Philippines
dịp Đại hội Giới trẻ (World Youth Day) năm 1995. Ngày 15-1-1995, một kẻ đánh
bom tự sát mặc tu phục linh mục, khi Đức Gioan Phaolô II đi qua hắn để đến
chủng viện San Carlos
ở TP Makati. Hắn đến gần ngài và cho nổ bom. Vụ ám sát ngài có tổ chức để nhằm
đánh lạc hướng. Tuy nhiên, lửa hóa chất đã báo động cho cảnh sát ở gần đó, và
những kẻ ám sát ngài đã bị tóm gọn trước khi Đức Gioan-Phaolô II đến.
Ngài là vị giáo hoàng trẻ tuổi nhất kể từ ĐGH
Piô IX (54 tuổi) được bầu vào năm 1846. Đức Gioan Phaolô II làm giáo hoàng khi
còn khỏe mạnh và tương đối trẻ (ngài vẫn đi xe đạp, đi bơi và trượt tuyết). Tuy
nhiên, sau 25 năm trên cương vị giáo hoàng, vụ ám sát năm 1981 và chứng ung thư
đã khiến sức khỏe ngài giảm sút. Ngài phải cắt một khối u ở đại tràng năm 1992,
bị trật khớp vai năm 1993, gãy xương đùi năm 1994, và cắt ruột thừa năm 1996.
Năm 2001, một bác sĩ chỉnh hình nói rằng Đức
Gioan Phaolô II bị bệnh Parkinson, như đã được nghi ngờ một thời gian, Vatican biết điều này vào năm 2003. Ngài khó nói vài câu
một lượt, tai cũng khó nghe hơn. Ngài còn bị viêm khớp nặng ở đầu gối chân phải,
do đó ngài ít đi bộ trước công chúng. Tuy nhiên, ngài vẫn tiếp tục đi khắp thế
giới. Những ai đã gặp ngài đều nói rằng dù sức khỏe yếu kém nhưng ngài vẫn hoàn
toàn tỉnh táo.
Về cuối triều đại giáo hoàng của ngài, có
những người ngoài và trong giáo hội nghĩ rằng ngài nên từ chức hoặc về hưu. Thậm
chí người ta còn đề nghị nhiệm kỳ giáo hoàng. Tuy nhiên, khi Đức Gioan Phaolô
II nói rằng ngài chấp nhận Ý Chúa muốn ngài làm giáo hoàng, ngài sẽ hoàn thành
nhiệm vụ đến khi chết, dù tư liệu của ngài cho thấy ngài đã viết đơn xin từ
chức năm 2002.
Ngày 1-2-2005, ngài được đưa vào Bệnh viện
Đa khoa Agostino Gemelli ở Rôma vì bị nhiễm trùng thanh quản cấp tính và ho, do
cảm cúm. Tòa thánh Vatican cho biết là ngày
hôm sau tình trạng sức khỏe ngài đã ổn định, nhưng ngài vẫn ở trong bệnh viện
đến khi khỏe hẳn. Ngày 6-2, ngài xuất hiện trước công chúng để đọc Kinh Truyền Tin
(Angelus) ở cửa phong bệnh viện bằng giọng khàn. Ngài không thể cử hành Lễ Tro
tại Quảng trường Thánh Phêrô ngày 9-2, và trở về Vatican ngày 10-2.
Ngày 24-2-2005, ngài bắt đầu khó thở và bị
sốt, ngài được đưa ngay vào bệnh viện Gemelli để được phẫu thuật mở khí quản (tracheotomy).
Một sĩ quan cận vệ của thủ tường Ý Silvio Berlusconi nói rằng Đức Gioan Phaolô
II là một người trầm lặng (serene) sau khi được phẫu thuật. Ngài đưa tay lên và
muốn nói điều gì đó, nhưng các bác sĩ khuyên ngài không nên nói. Ngài ban phép
lành từ cửa sổ bệnh viện vào thứ Bảy 27-2 và Chúa nhật 6-3, ngài nói bằng tiếng
Đức và tiếng Ý khi gặp ĐHY Ratzinger (nay là ĐGH Bênêđictô XVI) trên tầng 10
của bệnh viện Gemelli vào ngày thứ Ba, ngày 1-3. ĐHY Ratzinger nói với báo giới
quốc tế: “ĐGH nói với tôi bằng tiếng Đức
và tiếng Ý. Ngài hoàn toàn minh mẫn. Tôi vui mừng thấy ngìa sáng suốt để có thể
nói về các vấn đề chính bằng giọng nói của ngài. Chúng tôi thường trao đổi bằng
tiếng Đức. Chi tiết không quan trọng – ngài nói về các vấn đề chính”.
Khi đọc Kinh Truyền Tin ngày Chúa nhật 13-3,
lần đầu tiên ngài có thể nói với khách hành hương từ khi nhập viện lần nữa. Chiều
hôm đó, ngài trở về Vatican sau gần một tháng
nằm viện. Chúa nhật lễ Lá (ngày 20-3), ngài xuất hiện một lúc tại cửa sổ để gặp
khách hành hương. Ngài được hàng ngàn người hoan hô khi ngài lặng lẽ cầm nhánh
ô-liu vẫy chào. Đây là lần đầu tiên ngài không thể cử hành Lễ Lá. Ngài xem lễ
qua ti-vi quay quang cảnh thánh lễ ở Quảng trường Thánh Phêrô.
Ngày 24-3, ĐHY Alfonso Lopez Trujillo của
giáo phận Colombia
cử hành nghi thức rửa chân tại Đền thờ Thánh Phêrô. ĐHY đại diện Đức Gioan Phaolô
II trong nghi thức thứ Năm Tuần Thánh ở Vatican
và nói rằng ĐGH muốn vâng theo Ý Chúa. Ngày 27-3, đại lễ Phục sinh, ngài cũng
xuất hiện một lúc tại cửa sổ. Ngài muốn nói mà không nói được. Cuối tháng đó, ngài
đến gần cái chết.
Ngày 31-3-2005, ngài bị sốt cao vì nhiễm
trùng niệu đạo, nhưng ngài không được đưa vào bệnh viện vì ngài muốn được chết
tại Vatican .
Cuối ngày hôm đó, Vatican thông báo rằng Đức Gioan-Phaolô II đã lãnh nhận Bí
tích Xức dầu, nghi thức cuối cùng của giáo hội Công giáo La Mã, lần đầu ngài lãnh
nhận bí tích này từ vụ ám sát năm 1981.
Ngày 1-4-2005, tình trạng sức khỏe ngài rất
yếu, suy tim và suy thận nhanh. Ngài phải tiếp thực phẩm qua đường mũi. Sáng
hôm đó ngài đã lên cơn đau tim, nhưng vẫn tỉnh táo. Joaquin Navarro Valls, phát
ngôn viên của Vatican ,
không nói về cơn đau tim của ngài, nhưng nói ngài bị suy tim và trong tình
trạng nguy kịch.
Vài báo Ý nói ngài qua đời lúc 20:20 CEST (18:20
UTC), nhưng ngay sau đó, Tòa thánh nói ngài chưa chết, và mọi chuyện đã thay
đổi. Đài truyền hình Sky Italia nói rằng tim và não của ngài vẫn hoạt động.
Khoảng 00:37 CEST ngày 2-4 (22:37 UTC ngày 1-4),
phát ngôn viên Tòa thánh đưa tin ngắn về sức khỏe của ngài và xác nhận ngài đã
lãnh nhận các Bí tích cuối cùng, không nói về việc đưa ngài tới bệnh viện, và
gặp những người thân cận nhất, trong số đó có ĐHY Ratzinger. ĐHY Ratzinger (sau
là giáo hoàng Biển Đức XVI) nói: “Ngài
biết mình sắp chết và đã chào biệt tôi lần cuối”. Ngài cũng muốn được đọc
những lời suy niệm về 14 chặng đàng Thánh giá đã suy niệm vài ngày trước.
Rất nhiều người trẻ đến canh thức. Trong sứ
điệp cuối cùng của ngài, đặc biệt dành cho giới trẻ trên thế giới, ngài nói: “Cha tìm kiếm các con. Bây giờ các con đã
đến với cha. Cha cảm ơn các con”.
Chiếu tối, Tòa thánh thông báo tình trạng
sức khỏe của ngài vẫn nguy kịch. Đến sáng, ngài lại bị sốt cao. Khoảng 19:00
CEST (17:00 UTC), báo đài Ý đưa tin Đức Gioan-Phaolô II đã bất tỉnh. Hầu như
hết hy vọng.
Thứ Bảy, 2-4-2005 (khoảng 15:30 CEST), ngài
nói bằng tiếng Ba Lan: “Pozwólcie mi
odejść do domu Ojca” – nghĩa là “Hãy để tôi về Nhà Cha”. Theo LM Jarek
Cielecki, lời cuối của ngài trước khi qua đời là tiếng “Amen”, rồi ngài nhắm
mắt lại. Tại phòng riêng của ngài, lúc 21:37 CEST (19:37 UTC) cùng ngày, ngài
trút hơi thở cuối cùng, 46 ngày sau sinh nhật thứ 85 của ngài. Giấy chứng tử
ghi nhiễm trùng và suy tim là những nguyên nhân gây tử vong.
Khi ngài qua đời, có
sự hiện diện của 2 thư ký riêng của ngài là TGM Stanisław Dziwisz và Mieczysław
Mokrzycki, Marian Jaworski, TGM Stanisław Ryłko và LM Tadeusz Styczeń. Ngài
được giúp đỡ nhờ bác sĩ riêng là Renato Buzzonetti, với 2 bác sĩ khác là
Alessandro Barelli và Ciro D'Allo, với các y tá khi cần thiết. Cũng có 3 nữ tu dòng
Thánh Tâm Chúa Giêsu giúp đỡ ngài trong giờ phút cuối cùng.
Ngay sau đó, ĐHY Quốc vụ khanh Angelo Sodano
đến, có cả Sứ thần Tòa thánh Eduardo Martínez Somalo, TGM Leonardo Sandri, thư
ký văn phòng, và TGM Paolo Sardi, nguyên Sứ thần Tòa thánh. Sau đó, ĐHY
Ratzinger, trưởng Hồng y đoàn, và ĐHY Jozef Tomko cũng hiện diện.
Hơn 2 triệu công dân
Vatican với 1 tỷ người Công giáo hoàn cầu và nhiều người không Công giáo đã
thương tiếc Đức Gioan Phaolô II. Ngài luôn nói rằng khi ngài qua đời nên coi
như giai đoạn chuyển qua cuộc sống vĩnh hằng. Đám đông ở Vatican đã vỗ tay khi
được thông báo ngài qua đời, theo thói quen truyền thống Ý biểu hiện lòng kính
trọng.
Tại Ba Lan, người
Công giáo tụ họp tại nhà thờ ở Wadowice, nơi sinh của ngài. Đài truyền hình
quốc gia hoãn lại các chương trình khác từ ngày 1-4-2005 để chiếu thánh lễ. Dân
Ba Lan rất kính trọng ngài và coi ngài là “cha”, họ đã rất buồn khi ngài qua
đời. Chính phủ Ba Lan tuyên bố 6 ngày đại tang ngài.
Nhiều vị lãnh đạo thế giới đã bày tỏ thương
tiếc ngài và cho treo cờ tang tại quốc gia của họ:
– Tại Argentina, các
sinh viên giữ thinh lặng một lúc trước khi vào lớp sau khi nghe tin Đức Gioan Phaolô
II qua đời. Tổng thống Néstor Kirchner của Argentina nói: “Hàng triệu người chúng ta đang khóc thương Đức Gioan Phaolô II, các
giáo huấn của ngài tiếp tục theo chúng ta đến hết đời, mãi mãi”.
– Thủ tướng Úc John
Howard nói rằng Đức Gioan Phaolô II nên được nhớ đến là một người kiên trì đấu
tranh cho tự do để chống lại cộng sản, và là một vị lãnh đạo Kitô giáo vĩ đại.
– Tại Brazil, nước
có số người Công giáo đông nhất thế giới, tổng thống Luiz Inácio Lula da Silva bày
tỏ niềm tiếc thương của dân Brazil đối với ngài. Chính phủ tuyên bố 7 ngày quốc
tang dành cho ngài. Đêm trước khi ngài qua đời, thượng nghị viện Brazil
đã ngưng họp và các nghị sĩ đã cùng đọc kinh Lạy Cha (Lord's Prayer) để cầu
nguyện cho ngài hồi phục. Sau khi ngài qua đời, thượng nghị viện đã dành một
phút mặc niệm ngài.
– Thủ tướng Paul
Martin của Canada nói: “Phần tư thế kỷ
qua, Đức Gioan-Phaolô II đã là biểu tượng của tình thương và niềm tin, hòa bình
và lòng trắc ẩn… Hôm nay, nỗi đau của chúng ta là nỗi đau chung của thế giới”.
Ngày 4-4, thủ tướng Martin và các vị lãnh đạo của Canada đã tưởng niệm Đức
Gioan-Phaolô II tại Hạ viện (House of Commons). Cờ rũ treo khắp nước và tại một
số tòa nhà ngoại giao; cờ tang treo cho đến ngày an táng ngài. Tỉnh Manitoba để
sách phân ưu cho người ta ghi vào.
– Tại Chilê, chính
phủ tuyên bố 3 ngày quốc tang. Tổng thống Ricardo Lagos cho biết: “Đức Gioan Phaolô II không ở xa chúng ta. Tên
ngài đã trở thành một phần của lịch sử, tư tưởng của ngài sẽ luôn truyền cảm
hứng cho chúng ta để xây dựng một quốc gia công bình hơn và một thế giới hòa
bình hơn”.
– Tổng thống Álvaro
Uribe Vélez của Colombia
cho treo cờ tang trên các tòa nhà chính phủ và các tòa đại sứ treo cờ rũ 2 ngày.
Tổng thống nhấn mạnh đến sự chiến đấu vì hòa bình thế giới của Đức Gioan Phaolô
II.
– Chính quyền Cuba
cho phép ĐHY Jaime Lucas Ortega y Alamino phát biểu trên đài truyền hình: “Đây là một con người đã gánh chịu sức nặng
luân lý của thế giới trong suốt 26 năm... biến ngài thành biểu tượng luân lý
duy nhất đối với lòng nhân đạo trong những năm qua đầy khó khăn và chiến tranh”.
Chính quyền Cuba
tuyên bố 3 ngày quốc tang.
– Thủ tướng Ấn độ
Manmohan Singh cũng đã ghi lời phân ưu tại tòa đại sứ Vatican ở New Delhi . Chính phủ Ấn
độ tuyên bố 3 ngày quốc tang.
– Tại Anh quốc, nữ
hoàng Elizabeth II diễn tả niềm tiếc thương sâu sắc trước cái chết củ Đức Gioan
Phaolô II và ghi nhớ những nỗ lực của ngài trong việc thúc đẩy hòa bình khắp
thế giới. Thủ tướng Tony Blair nói: “Thế
giới đã mất một vị lãnh đạo tôn giáo đáng kính đối với người có đạo hay không
có đạo”.
– Tại Tòa Bạch Ốc (White
House) và các tòa nhà công tại Hoa Kỳ đều treo cờ rũ trong ngày an táng Đức
Gioan Phaolô II. Tổng thống George W. Bush bày tỏ lòng thương tiếc ngài và gọi
ngài là “nhà vô địch của tự do nhân quyền” (champion of human freedom), là
“nguồn cảm hứng cho hàng triệu người Mỹ” (inspiration to millions of Americans)
và là “anh hùng của mọi thời đại” (hero for the ages). Tổng thống Bush là tổng
thống đầu tiên của Hoa Kỳ tham dự đám tang một vị giáo hoàng. Cựu tổng thống
Bush cha và cựu tổng thống Bill Clinton cũng hiện diện tại đám tang ngài.
Nhiều nước có số người Công giáo đông đã
tuyên bố quốc tang dành cho ngài. Chính phủ Philippines tuyên bố để tang đến
khi an táng ngài. Gabon và Paraguay tuyên bố 5 ngày quốc tang, Costa Rica 4
ngày quốc tang, Ý 3 ngày quốc tang, Bồ Đào Nha cho treo cờ rũ trên các tòa nhà
công từ sau khi biết tin ngài qua đời, Bolivia, Cape Verde, Croatia, Đông Timor,
Haiti, Malawi và Seychelles cũng có hoạt động tương tự. Peru và Tây Ban Nha tuyên
bố 1 ngày quốc tang.
Ai Cập và Lebanon cũng có số dân Công giáo
đông, họ tuyên bố 3 ngày quốc tang. Kosovo tuyên bố 2 ngày quốc tang. Còn Albania,
Bosnia và Herzegovina tuyên bố 1 ngày quốc tang. Tại Công hòa Macedonia , các hoạt động văn hóa
được hoãn lại trong ngày Đức Gioan Phaolô II qua đời. Pháp và Đức cũng cho treo
cờ rũ. Nhiều lãnh tụ không Công giáo ở khắp thế giới đều bày tỏ niềm thương
tiếc ngài.
Từ khi Đức Gioan Phaolô
II qua đời, nhiều giáo sĩ tại Vatican, kể cả ĐHY Angelo Sodano giảng trong
thánh lễ an táng, đều nhắc đến ngài là vị giáo hoàng vĩ đại. Báo “Corriere
della Sera” của Ý gọi ngài là “người vĩ đại nhất”. Danh xưng “vĩ đại nhất” đã
dành cho 2 vị giáo hoàng hồi thế kỷ I là Đức Lêô Cả và Grêgôriô Cả. Các học giả
về Giáo luật (Canon law) đều nói rằng không có quy trình chính thức nào để
tuyên bố một vị giáo hoàng là “vĩ đại”, danh xưng này được hình thành qua công
chúng, và vẫn được áp dụng.
Lễ kính viếng (Rite
of Visitation) từ 4-4 tới 7-4 tại Đền thờ Thánh Phêrô. Di chúc của ngài được
công bố ngày 7-4 cho thấy ngài muốn được an táng tại quê hương Ba Lan nhưng quyết
định cuối cùng thuộc Hồng y đoàn, muốn an táng ngài dưới Đền thờ Thánh Phêrô, tôn
trọng ý muốn của ngài nên an táng ngài ở “đất trống” (in bare earth).
Thánh lễ cầu hồn
ngày 8-4 là kỷ lục thế giới về số người tham dự và số vị lãnh đạo quốc gia hiện
diện. Số các vị lãnh đạo quốc gia tham dự lễ an táng còn đông hơn đám tang của
Winston Churchill (1965) và Josip Broz Tito (1980). Có 4 vị vua, 5 nữ hoàng, 70
tổng thống và thủ tướng, hơn 14 vị lãnh đạo các tôn giáo và rất nhiều tín hữu. Khoảng
4 triệu người quy tụ về Rôma, chưa từng thấy trong lịch sử Kitô giáo. Khoảng
250.000 – 300.000 người trong khuôn viên Vatican. Trưởng Hồng y đoàn là ĐHY
Joseph Ratzinger lúc đó đã chủ tế. Đức Gioan Phaolô II được an táng trong hầm
mộ dưới Đền thờ Thánh Phêrô, khu mộ của các vị giáo hoàng, nơi mà trước đó là
thi hài Đức Gioan XXIII. Nơi đây trống vì hài cốt Đức Gioan XXIII được dời vào
trong Đền thờ sau khi được tuyên chân phước.
Tại Quảng trường
Thánh Phêrô, ngày an táng ĐGH Gioan Phaolô II, người ta đã hô vang: “Santo
subito!” – nghĩa là “Hãy phong thánh ngay!”. Và ước mong đó của mọi người đã
thành hiện thực.
Lạy Thiên Chúa giàu lòng thương xót, chúng con cảm tạ
Ngài đã ban cho thời đại của chúng có con một vị thánh vĩ đại có diện mạo của
Thiên Chúa tình yêu giàu lòng thương xót.
Lạy Thánh Gioan Phaolô II, xin nguyện giúp cầu thay cho
chúng con biết tích cực tìm kiếm và xây dựng hòa bình, luôn sống giản dị, nhưng
can đảm trong mọi nghịch cảnh để chứng tỏ là con cái Thiên Chúa. Amen.
TRẦM THIÊN THU
(*) Tên khai sinh là Angelo Giuseppe Roncalli. Ngài sinh
ngày 25-11-1881, mất ngày 3-6-1963, là vị giáo hoàng thứ 261 của Giáo hội Công
giáo từ 28-10-1958, và có công triệu tập Công Đồng Vatican II.
Nghe bài hát về Thánh
Gioan-Phaolô II: http://thanhlinh.net/node/65715