Chủ Nhật, 18 tháng 10, 2015

5 Phút cho Lời Chúa 18/10/2015

Filled under:

18/10/15 CHÚA NHẬT TUẦN 29 TN – B  
Khánh Nhật Truyền Giáo
Mc 10,35-45

LÀM NGƯỜI PHỤC VỤ
'Ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em; ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ mọi người.' (Mc 10,43-44)
Suy niệm: Hai anh em Gia-cô-bê và Gio-an khiến cả nhóm mười môn đệ bực mình vì họ háo thắng, ích kỷ, muốn mình trổi vượt hơn anh em. Môn đệ Chúa Giê-su sống với anh em, làm việc chung và chia sẻ chung một số phận với họ: tất cả cùng nằm gai nếm mật với nhau, cùng chia vui sẻ buồn với nhau. Họ chia sẻ thành công và cả thất bại của nhóm. Họ không tìm một chỗ nào đó bên tả, hay bên hữu nhưng một chỗ ở giữa anh em để cùng đồng hành với anh em. Họ quan tâm những sự thuộc về Chúa, những vấn đề chung, đặt quyền lợi chung lên trên những tính toán cá nhân.
Mời Bạn: Chỗ của người môn đệ không là ‘bên tả’ hay ‘bên hữu’ nhưng là dưới chân Chúa và anh em: dưới chân Chúa để nghe Lời Chúa; dưới chân anh em để phục vụ. Một chỗ trong Nước Chúa là để phục vụ và phục vụ theo điều mình đã học được nơi Chúa.
Chia sẻ: Khi chọn người vào các chức vụ trong cộng đoàn, chúng tôi có quan tâm đến khả năng cống hiến và chu tòan công tác của người được chọn hay chỉ có ý trao ban một tước vị, một danh dự cho người đó? Có những biểu hiện của tình trạng lạm dụng quyền hành hay tham quyền cố vị hay không?
Sống Lời Chúa: Tôi truyền giáo bằng đời sống khiêm tốn phục vụ. Tôi sẵn sàng đảm nhận những công tác âm thầm, không ai biết đến để làm sáng danh Chúa và mở rộng vương quốc của Tình Yêu.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin dạy con biết phụng sự Chúa và phục vụ anh em mà không đòi một quyền lợi nào.

Thánh Luca
Thánh Luca là người viết phần lớn bộ sách Tân Ước, gồm quyển Phúc Âm thứ ba và Công Vụ Tông Đồ. Trong hai cuốn này, ngài cho thấy sự song hành giữa đời sống Đức Kitô và của Giáo Hội. Trong các thánh sử, ngài là người duy nhất thuộc dân ngoại. Truyền thuyết cho rằng ngài sinh quán ở Antioch, và Thánh Phao-lô gọi ngài là "người thầy thuốc yêu quý của chúng ta" (Col. 4:14). Có lẽ ngài viết sách Phúc Âm trong khoảng từ năm 70 cho đến 85.

Ngài xuất hiện trong sách Công Vụ trong chuyến hành trình thứ hai của Thánh Phao-lô, và ở lại Philippe một vài năm cho đến khi Thánh Phao-lô trở về đó trong chuyến hành trình thứ ba, và ngài tháp tùng Thánh Phao-lô đến Giêrusalem và ở gần thánh nhân trong thời gian cầm tù ở Ceasarea. Trong hai năm này, Thánh Luca đã có thời giờ để tìm tòi thêm các chi tiết và phỏng vấn những người đã từng gặp Đức Giêsu. Sau cùng ngài là người đồng hành trung tín đã tháp tùng Thánh Phao-lô trong chuyến đi đầy nguy hiểm đến Rôma. Trong thư gửi Timôthê, Thánh Phao-lô có nhắc, "Chỉ có Luca là ở với tôi" (2 Tim 4:11).

Lời Bàn
Thánh Luca viết cho Kitô Hữu dân ngoại với tư cách của một người dân ngoại. Cuốn Phúc Âm ngài viết chứng tỏ ngài là người giỏi về tiếng Hy Lạp, cũng như nguồn gốc của Do Thái.

Đặc tính của Thánh Luca có thể được nhận thấy trong Phúc Âm của ngài qua những tiêu đề được nhấn mạnh: (1) Phúc Âm của Sự Nhân Từ: Thánh Luca nhấn mạnh đến lòng nhân từ và nhẫn nại của Đức Giêsu đối với người tội lỗi và người đau khổ. Ngài thật cởi mở đối với mọi người, Ngài lưu tâm đến người Samaritan, người phong cùi, người thu thuế, người lính, người tội lỗi công khai, người mù chữ, người nghèo. Chỉ trong Phúc Âm Thánh Luca là có đề cập đến người phụ nữ tội lỗi, dụ ngôn con chiên lạc và đồng bạc bị mất, dụ ngôn người con hoang đàng, và người trộm lành. (2) Phúc Âm của Sự Cứu Chuộc Vạn Vật: Đức Giêsu chết cho tất cả mọi loài. Ngài không chỉ là con vua Đavít mà còn là con cháu A Dong, và người ngoại giáo là bạn của Ngài. (3) Phúc Âm của Người Nghèo: "Người bé mọn" thường nổi bật -- ông Zecharia và bà Elizabeth, Đức Maria và Thánh Giuse, các mục đồng, cụ Simeon và bà Anna. Ngài cũng lưu tâm đến điều mà ngày nay chúng ta gọi là "sự nghèo khó phúc âm." (4) Phúc Âm của Sự Quên Mình Tuyệt Đối: Thánh Luca nhấn mạnh đến nhu cầu hiến dâng hoàn toàn cho Đức Kitộ (5) Phúc Âm của Sự Cầu Nguyện và Chúa Thánh Thần: Thánh Luca cho thấy Đức Giêsu cầu nguyện trước mỗi biến cố quan trọng trong sứ vụ. Chúa Thánh Thần đưa Giáo Hội đến cùng đích tuyệt hảo. (6) Phúc Âm của Niềm Vui: Thánh Luca thành công trong việc trưng dẫn niềm vui cứu độ đã lan tràn trong Giáo Hội tiên khởi.

Lời Trích
Đoạn kết của Phúc Âm Thánh Luca: "Sau đó, Người dẫn các ông tới gần Bê-ta-ni-a, rồi giơ tay chúc lành cho các ông. Và đang khi chúc lành, thì Người rời khỏi các ông và được đem lên trời. Các ông bái lạy Người, rồi trở về Giê-ru-sa-lem mà lòng tràn ngập niềm vui, và họ tiếp tục ở trong Đền Thờ mà chúc tụng Thiên Chúa" (Luca 24:50-53).

Thứ Bảy: Chúa Thánh Thần sẽ nói thay ta -17.10.2015