Chủ Nhật, 18 tháng 10, 2015

Tóm lược tin Giáo Hội tuần qua (10.10.15 – 16.10.15)

Filled under:

ĐỨC TGM CHICAGO KÊU GỌI KIỂM SOÁT VŨ KHÍ CHẶT CHẼ HƠN
CHICAGO. Trong dịp đầu tháng 10, Đức Cha Blase Cupich, TGM Chicago đã lên tiếng kêu gọi chính quyền kiểm soát vũ khí trong nước chặt chẽ hơn. Đức Cha Cupich đưa ra lời kêu gọi này trong một bài xã luận đăng trên nhật báo Chicago đúng vào ngày hai người bị giết chỉ cách nhau vài giờ trong hai đại học ở Hoa Kỳ, và một tuần sau khi xảy ra vụ thảm sát tại một học viện khác làm cho 9 người chết. Cụ thể, Đức cha hy vọng chính quyền có thể xem xét lại điều khoản thứ hai trong hiến pháp Hoa Kỳ khi cho phép mọi người dân được quyền tự do sở hữu vũ khí. Vào thời lập quốc, khi đất nước chưa có lực lượng cảnh sát an ninh hùng hậu và phải cần đến những nhóm côn dân vũ trang để bảo đảm an bình cho dân chúng, điều khoản thứ hai này là một điều thích đáng. Nhưng hiện nay, điều khoản ấy không còn phù hợp nữa. Khi súng đạn trở nên quá thông dụng, người ta sẽ biến đường xá nhà cửa thành một bãi chiến trường. Đức cha cũng trích lời của Đức Thánh Cha Phanxicô phát biểu trước Quốc Hội Hoa Kỳ hồi tháng 9, trong đó ngài tố cáo việc buôn bán vũ khí và lên án những đồng tiền nhuộm máu đào của những người vô tội.
VIỄN TƯỢNG CUỘC VIẾNG THĂM CỦA ĐỨC THÁNH CHA TẠI PHI CHÂU
BANGUI. Theo chương trình, Đức Thánh Cha sẽ viếng thăm 3 nước Phi Châu là Kenya, Uganda và Cộng Hòa Trung Phi từ ngày 25 đến 30 tháng 11 tới đây. Đức TGM Franco Coppola, Sứ Thần Tòa Thánh tại Cộng Hòa Trung Phi, cho biết hiện nay người ta chưa thể nói có rủi ro nào cho cuộc viếng thăm của Đức Thánh Cha tại nước này hay không. Thực tế là, hồi cuối tháng 9 vừa qua, các cuộc xung đột dữ dội lại bùng nổ ở Trung Phi giữa người Hồi giáo và Kitô giáo. Trong số 4.800.000 dân cư tại Trung Phi, có một nửa là tín hữu Kitô, trong số này chiếm 50% là Công Giáo và 50% còn lại là Tin Lành. Có 10% dân số Trung Phi theo Hồi giáo và đa số sống tại miền Bắc.
Còn ở Uganda, HĐGM nước này ước lượng sẽ có hơn 2 triệu tín hữu, trong đó có 2800 linh mục, tham dự thánh lễ do Đức Thánh Cha cử hành tại đền thờ các thánh tử đạo ở Namugongo. Ban tổ chức cũng dự kiến sẽ có hơn một ngàn quan khách đến dự lễ. Các Giám Mục Uganda cho rằng Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ là người bắc những nhịp cầu để vượt thắng sự chia rẽ về mặt chính trị hay những bất đồng ý kiến về các vấn đề sinh tử của quốc gia. Mặt khác, các vị cũng kêu mời các tín hữu Kitô chuẩn bị canh tân tinh thần trong dịp này. Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ là vị Giáo Hoàng thứ ba viếng thăm Uganda sau Đức Phao-lô VI năm 1969 và Đức Gioan Phao-lô II năm 1993.
BỘ TRƯỞNG NỘI VỤ PHÁP SẼ ĐẾN DỰ LỄ PHONG THÁNH
ROMA. Bộ Trưởng Nội Vụ Pháp, ông Bernard Cazeneuve, sẽ hướng dẫn phái đoàn chính phủ Pháp tham dự lễ phong hiển thánh cho song thân của thánh nữ Tê-rê-sa Hài Đồng Giêsu do Đức Thánh Cha Phanxicô chủ sự vào sáng Chúa Nhật ngày 18-10 tới đây tại quảng trường thánh Phê-rô. Dư luận đặc biệt chú ý đến sự hiện diện của Bộ Trưởng Bernard Cazeneuve trong dịp này, vì từ 7 tháng nay, nước Pháp không có đại sứ cạnh Tòa Thánh. Thực ra, Tòa Thánh không chấp nhận một người đồng tính luyến ái công khai là ông Laurent Stefani được Tổng Thống Pháp Francois Hollande bổ nhiệm làm đại sứ. Trước sự từ chối của Tòa Thánh, ông tiếp tục giữ nguyên lập trường và không bổ nhiệm người nào khác.
HẰNG TRĂM LINH MỤC GIẢI TỘI TẠI TRUNG TÂM THƯƠNG MẠI BOGOTÀBOGOTÀ
BOGOTÀ. 350 linh mục đã giải tội trong các lối đi của một trung tâm thương mại lớn ở Bogotà, thủ đô của Colombia trong hai ngày 6 và 7 tháng 10 vừa qua. Đây là hoạt động do HĐGM Colombia đề xướng với tên gọi “Confesaton”. Qua hoạt động này, HĐGM Colombia muốn khẳng định rằng cần phải đi gặp gỡ dân chúng và giúp các tín hữu có cơ hội lãnh nhận Bí Tích Hòa Giải. Hoạt động này cũng là sự đáp ứng lại lời kêu gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô mong muốn Giáo Hội gần gũi hơn với dân chúng. Cha Hernán Poveda, phụ trách nhà nguyện tại trung tâm thương mại này, vui mừng nói: “Điều chúng tôi thực hiện là để chứng tỏ rằng Chúa Giêsu từ bi thương xót bước đi trong các đường phố kể cả tại trung tâm thương mại.”
bvtreemKHÓA HỌP TOÀN THỂ CỦA ỦY BAN TÒA THÁNH BẢO VỆ TRẺ EM
ROMA. Trong những ngày từ 9 đến 11 tháng 10 vừa qua, Ủy Ban Tòa Thánh Bảo Vệ Trẻ Em đã nhóm họp toàn thể lần thứ 2 tại Roma dưới quyền chủ tọa của ĐHY Sean O’Malley, TGM Giáo Phận Boston, Hoa Kỳ, và với sự tham dự của 16 thành viên khác đến từ nhiều quốc gia. Khóa họp bắt đầu với thánh lễ do Đức Thánh Cha chủ sự tại nhà nguyện thánh Marta ở nội thành Vatican. Trong 3 ngày họp, các tham dự viên đặc biệt lắng nghe và thảo luận về những phúc trình do các nhóm làm việc thành lập hồi tháng 2 năm nay thực hiện, nhằm mục đích cố vấn cho Đức Thánh Cha và các cộng tác viên của ngài cũng như các Giáo Hội địa phương trong việc bảo vệ trẻ em.
CHA JACQUES MOURAD ĐƯỢC TRẢ TỰ DO SAU 5 THÁNG BỊ BẮT CÓC Ở SIRIAjacpue-
ROMA. Cha Jacques Mourad, Bề trên đan viện cổ kính Mar Elian và là cha sở giáo xứ Qaryatayn bên Siria, vừa được trả tự do sau 5 tháng bị quân đội nhà nước hồi giáo IS bắt cóc. Cha Jacques Mourad bị bắt cóc ngày 21-5-2015 cùng với 200 tín hữu Kitô, đại đa số hiện nay vẫn còn nằm trong tay IS. Theo một nguồn tin cho biết, cha Mourad khá mạnh khỏe khi được trả tự do. Vào sáng ngày 11-10, cha đã dâng thánh lễ ở Zaydal, một ngôi làng cách thành phố Homs khoảng 5 km về mạn Đông Nam. Trong cuộc phỏng vấn dành cho hãng tin Asia News, cha Mourad cho biết không phải nhóm IS trả tự do cho cha. Nhưng đúng hơn, cha đã trốn thoát khỏi ngục tù và bây giờ cha rất lo lắng cho số phận của các tín hữu Kitô còn bị lực lượng khủng bố này giam giữ. Cha sợ rằng chúng sẽ trả thù các tín hữu. Hôm 12-10, đã có thêm 40 tín hữu Kitô chạy thoát được, nhưng vẫn còn khoảng hơn 190 người bị cầm tù. Cha cũng cho biết thêm, trong thời gian bị cầm tù, mỗi ngày đều có một thành viên IS vào nhà giam dọa nạt sẽ cắt cổ cha. Nhưng cha vẫn một mực kiên trung và không bao giờ ký tên vào tờ giấy từ bỏ Kitô giáo. Cha Mourad thoát thân khỏi tay IS bằng cách ngụy trang và đi chung với một người bạn Hồi giáo trên chiếc xe máy.
dhy100ĐỨC HỒNG Y CAO NHIÊN NHẤT MỪNG SINH NHẬT THỨ 100
SOTTO IL MONTE. ĐHY cao niên nhất của Giáo Hội, Loris Franceso Capovilla, cựu bí thư riêng của thánh Giáo Hoàng Gioan XXIII, đã mừng sinh nhật thứ 100 hôm 14-10 vừa qua. ĐHY Capovilla sinh ngày 14-10-1915 gần thánh phố Padova, Bắc Ý. Ngài thụ phong linh mục năm 1940. Đến năm 1950, ngài trở thành bí thư riêng của Đức TGM Giuseppe Roncalli – Thượng Phụ thành Venezia – và tiếp tục công việc nay khi Đức Thượng Phụ được bầu làm Giáo Hoàng Gioan XXIII vào năm 1958. Sau khi Thánh Giáo Hoàng qua đời, cha Capovilla được bổ nhiệm làm TGM Giáo Phận Chieti năm 1967, rồi làm đại biểu của Tòa Thánh tại Đền Thánh Đức Mẹ Loreto cho đến khi về hưu năm 1988. Đức Thánh Cha Phanxicô đã bổ nhiệm ngài làm Hồng Y ngày 22-02-2014 khi ngài đã 98 tuổi. Trong dịp sinh nhật đặc biệt này, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gởi điện tín chúc mừng và cầu chúc ĐHY Capovilla đầy phúc lành. Tổng thống Italia, ông Sergio Matterella cũng gọi điện chúc mừng ngài.
ĐỨC THÁNH CHA TIẾP KIẾN CÁC TÍN HỮU HÀNH HƯƠNGhanhhuong
VATICAN. Đức Thánh Cha xin lỗi vì những gương mù gần đây ở Roma và Vatican, và mời gọi các bậc cha mẹ luôn thi hành những lời hứa với trẻ em. Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư, 14-10-2015 tại Quảng trường thánh Phêrô dành cho khoảng hơn 40 ngàn tín hữu. Trước khi tiến ra Quảng trường, ngài đã vào Đại Thính Đường Phaolô VI để chào thăm các bệnh nhân tại đây. Sau đó, Đức Thánh Cha dùng xe màu trắng đi ra quảng trường, tiến qua các lối đi để chào thăm các tín hữu. Khi ngài lên đến bục cao, mọi người đã cùng nhau tôn vinh Lời Chúa qua bài Tin Mừng trích từ Phúc Âm theo thánh Mathêu, đoạn 18, ghi lại lời Chúa Giêsu lên án những gương mù gương xấu, và kêu gọi đừng khinh rẻ cũng như gây gương xấu cho các trẻ em.
thhdTHƯỢNG HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VÀ VẤN ĐỀ NHỮNG NGƯỜI LY DỊ TÁI HÔN
VATICAN. Trong các phiên khoáng đại vừa qua của Thượng HĐGM thứ 14 về gia đình, vấn đề cho những người ly dị tái hôn lãnh nhận các bí tích chiếm một phần lớn các bài phát biểu của các nghị phụ. Ví dụ trong phiên khoáng đại thứ 9, chiều ngày 14-10-2015, có những nghị phụ nói rằng trong một số trường hợp, có thể cho những người ly dị tái hôn được lãnh các bí tích, cụ thể là xưng tội rước lễ; nếu họ ý thức mình sống trong tội lỗi và có ý chí không phạm tội nữa. Một số nghị phụ khác tái khẳng định rằng Giáo Hội không loại trừ một ai và Chúa Kitô không đến để chữa người lành, nhưng là người bệnh. Vì thế, những người ly dị tái hôn cần được tháp tùng, yêu thương và tha thứ. Bởi chưng, họ là thành phần của Giáo Hội và là chi thể của Chúa Kitô. Do đó, hệ quả dĩ nhiên là họ có thể lãnh nhận Thánh Thể. Một số vị khác đề nghị đừng giải thích giáo luật một cách cứng nhắc thái quá, đồng thời yêu cầu những người ly dị tái hôn đừng gây gương mù gương xấu. Nói tóm lại, các nghị phụ mong ước có một nền mục vụ thích hợp, có khả năng củng cố chứ không làm suy yếu đạo lý, khởi đi từ tiền đề chân lý là cuộc gặp gỡ với chính Đức Kitô; và nếu chỉ nói về các bí tích như phương tiện duy nhất để lãnh nhận ân thánh thì sẽ khó đến gần những người đã cảm nghiệm một sự thất bại hoặc với người không tin.
Tổng hợp và biên tập: Vũ Đức Anh Phương, SJ