Tóm lược tin Giáo Hội tuần qua (24.10.15 – 30.10.15)
BẾ MẠC THƯỢNG HỘI ĐỘNG GIÁM MỤC THẾ GIỚI
VATICAN. Lúc 10 giờ sáng ngày 25-10, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ sự thánh lễ tại Đền thờ Thánh Phê-rô để bế mạc Thượng HĐGM thế giới kỳ thứ 14 về gia đình với đề tài: “Ơn gọi và sứ mạng của gia đình trong Giáo Hội và trong thế giới hôm nay.” Trước đó, vào thứ bảy ngày 24-10, các Nghị Phụ đã nhóm phiên khoáng đại thứ 17 vào ban sáng để nghe đọc phúc trình chung kết. Trong phiên họp cuối vào ban chiều, các vị đã bỏ phiếu thông qua để đệ lên Đức Thánh Cha. Bản phúc trình đã được Ủy Ban Soạn Thảo Dự Thảo sửa chữa dựa trên 1355 đề nghị do 13 nhóm Nghị Phụ đề ra. Bản phúc trình mô tả những vấn đề sau đây: Vai trò của gia đình trong thế giới hôm nay. Vấn đề những người đồng tính luyến ái. Đề cao giá trị phụ nữ, bảo vệ trẻ em và người già. Vấn đề cuồng tín, cá nhân chủ nghĩa và nghèo đói. Tăng cường chuẩn bị cho hôn phối. Bảo vệ sự sống từ lúc mới thụ thai cho đến lúc chết tự nhiên. Giáo Hội cần canh tân ngôn ngữ để loan báo Tin Mừng. Gia đình là bến cảng vững chắc cho tình yêu thương. Cuối cùng, các Nghị Phụ thỉnh cầu Đức Thánh Cha ban hành một văn kiện về gia đình.
ĐỨC THÁNH CHA VIẾNG THĂM ĐHY ROGER ETCHEGARAY
ROMA. Lúc 7 giờ rưỡi tối Chúa Nhật 25-10, Đức Thánh Cha đã đến viếng thăm ĐHY Etchegaray, nguyên Chủ tịch Hội Đồng Tòa Thánh Công Lý và Hòa Bình, đang được điều trị tại bệnh viện Gemelli ở Roma. Ban sáng Chúa Nhật cùng ngày, vào cuối thánh lễ bế mạc Thượng HĐGM, ĐHY Etchegaray đã bị ngã đúng lúc Đức Thánh Cha đi đến gần. Đức Thánh Cha tìm cách đỡ ĐHY nhưng không kịp. Phòng Báo Chí Tòa Thánh cho biết tình trạng của ĐHY tương đối tốt nhưng ngài cần phải được phẫu thuật để chữa chỗ xương bị gẫy. Trong cuộc viếng thăm, Đức Thánh Cha đã chuyện vãn thân mật với ĐHY và chúc lành cho ngài. ĐHY ngỏ lời cảm ơn Đức Thánh Cha về cuộc viếng thăm, đặc biệt là vì Thượng HĐGM vừa kết thúc.
VATICAN. Trong buổi tiếp kiến diễn ra sáng thứ hai ngày 26-10 dành cho bảy ngàn người du mục từ các nước về Roma tham dự cuộc hành hương quốc tế, nhân dịp kỷ niệm 50 năm chuyến viếng thăm của Đức Phaolô VI tại một trại tạm trú dành cho người du mục ở Pomezia; Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi hãy loại trừ mọi thành kiến và nghi kị đối với người dân du mục. Đức Thánh Cha cũng vui mừng ghi nhận rằng ơn gọi linh mục và tu sĩ đang gia tăng nơi các cộng đồng người du mục trên thế giới. Hiện diện trong dịp này, có Đức Cha Devprasa Ganava, nhiều linh mục và tu sĩ nam nữ cũng là dân du mục. Đức Thánh Cha cũng không quên cổ võ anh chị em du mục hãy quan tâm và đẩy mạnh việc giáo dục, phát triển người trẻ.
BRATISLAVA. ĐHY Ján Korec đã qua đời hôm 24-10 vừa qua, hưởng thọ 91 tuổi. Ngài nguyên là Giám mục Nitra và là nhân vật thuộc giai đoạn tiên khởi của công cuộc đấu tranh của Giáo Hội Công Giáo cho sự tự do và chế độ dân chủ ở Tiệp Khắc cũ. ĐHY Korec sinh ngày 22-01-1924, tại Bosany. Ngài gia nhập Dòng Tên ngày 15-09-1939. Ngài thụ phong linh mục ngày 01-10-1950. Ngày 24-08-1951, ở tuổi 27, ngài được truyền chức Giám mục trong âm thầm dưới sự chủ phong của Đức Cha Pavel Hnilica. Vào ngày 11-03-1960, ngài bị bắt và phải lĩnh án 12 năm tù vì bị gán ghép tội phản bội. Ngài được phóng thích năm 1968 khi đang mắc bệnh nặng. Sau khi được phóng thích, ngài đi nhặt rác và làm việc như một công nhân trong ngành công nghiệp hoá chất. Dưới chế độ cộng sản, Đức Cha Korec đã truyền chức âm thầm cho khoảng 120 linh mục. Lễ an táng ĐHY Korec sẽ được cử hành vào sáng thứ bảy ngày 31-11, tại nhà thờ chính tòa giáo phận Nitra. Như vậy, cho đến lúc này, Hồng Y đoàn còn 218 vị, trong đó có 100 vị trên 80 tuổi và 118 vị có quyền bầu Giáo hoàng. Dòng Tên chỉ còn hai Hồng Y là ĐHY Albert Vanhoye, người Pháp, và ĐHY Julisu Darmaatmadjia, nguyên TGM Jakarta Indonesia. Cả hai vị đều trên 80 tuổi.
VATICAN. Sáng ngày 26-10, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp kiến 100 vị tuyên úy quân đội đến từ các nước để tham dự khóa huấn luyện về công pháp quốc tế nhân đạo do Hội Đồng Tòa Thánh Công Lý và Hòa Bình, Bộ Giám Mục và Hội Đồng Tòa Thánh Đối Thoại Liên Tôn tổ chức. Ngỏ lời trong dịp này, Đức Thánh Cha khích lệ các vị tuyên úy quân đội biết tìm ra những phương thế thích hợp để săn sóc các vết thương tinh thần do chiến tranh và xung đột gây ra cho các binh sĩ và gia đình họ. Thực vậy, nhiều quân nhân sau các cuộc hành quân trở về, kể cả các sự vụ hòa bình, thường mang những vết thương trong tâm hồn. Đức Thánh Cha nói rằng các vị tuyên úy cần đổ trên vết thương tinh thần ấy dầu thơm của Lời Chúa, thoa dịu những đau khổ và đem đến niềm hy vọng, thông chuyển cho họ ơn Thánh Thể và Hòa Giải để nuôi dưỡng và hồi sinh những tâm hồn bị thương tổn.
VATICAN. Đức Thánh Cha Phanxicô qui định rằng cần phải nghiêm túc tuân giữ các qui luật hiện hành về giáo triều Roma trong thời gian tiến hành việc cải tổ các cơ quan trung ương Tòa Thánh. Trong thư gởi ĐHY Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, được công bố hôm 27-10, Đức Thánh Cha yêu cầu ĐHY thông báo cho mọi người về quy định của ngài, theo đó thời kỳ cải tổ giáo triều Roma không có nghĩa là thời kỳ trống luật. Các quy luật tổng quát của giáo triều cũng như của quốc gia thành Vatican và của các cơ quan liên hệ với Tòa Thánh đều giữ nguyên giá trị, đặc biệt các quy luật về việc thu nhận nhân viên, cấp bậc, lương bổng.
VATICAN. Đức Thánh Cha chia buồn với các nạn nhân trong vụ động đất tại Pakistan, Afganistan và Ấn độ; đồng thời ngài cũng kêu gọi sự cứu trợ cho các nạn nhân này. Trận động đất đã xảy ra vào ngày 26-10 vừa qua. Theo thống kê sơ khởi, có khoảng hơn 300 người chết. Tổ chức Caristas Italia tuyên bố sẵn sàng đưa ra các hoạt động cứu trợ để đáp ứng những nhu cầu cấp thiết nhất. Đức Thánh Cha bày tỏ tình liên đới sâu xa với những người bị thương tổn trong đợt thiên tai này và ngài cầu nguyện cho những người bị thiệt mạng, thương tích cũng như mất tích. Đức Thánh Cha cũng chúc lành cho thân nhân các nạn nhân, chính quyền dân sự và nhưng người tham gia việc cứu cấp.
BANGUI. Đức Cha Dieudonné Nzapailaiga, TGM giáo phận thủ đô Bangui, thuật lại với hãng tin Fides rằng hôm 26-10 vừa qua, khi Đức Cha dẫn phái đoàn Vatican đến đền thờ Hồi giáo trung ương, cách tòa TGM 5 cây số để xem xét nơi Đức Thánh Cha sẽ viếng thăm trong hai ngày 29 và 30-11 tới đây; một số người trẻ Hồi giáo đã đe dọa phái đoàn. Vị Imam Hồi giáo và những người hiện diện đã lên án vụ này và ngỏ lời xin lỗi những gì đã xảy ra. ĐHY Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, nói với giới báo chí hôm 28-10 vừa qua rằng Đức Thánh Cha Phanxicô không lo sợ cho sự an toàn của bản thân ngài trong cuộc viếng thăm tại Phi Châu. Nếu Đức Thánh Cha lo sợ, ngài đã không quyết định đi đến đó. Trái lại, chính Đức Thánh Cha muốn tới Trung Phi trong tình trạng xung đột đang xảy ra tại đây để khích lệ hòa bình. Vì thế, ngài sẵn sàng đương đầu với nhưng rủi ro nếu có.
ROMA. Hiện nay Bộ Phong Thánh đang cứu xét một vụ khỏi bệnh lạ lùng liên quan đến án phong thánh cho Chân Phước Mẹ Têrêsa Calcutta. Hôm 28-10 vừa qua, hãng tin CG Hoa Kỳ đã thuật lại lời kể của cha Elmiran Ferreia Santos, cha sở giáo xứ Đức mẹ Aparecida thuộc TGP Santos, ở Brazil. Cha cho biết một chị giáo dân trong xứ đang rất phiền muộn vì chồng chị bị ung thư não. Anh đang được cấp cứu tại bệnh viện và tình trạng ngày càng nặng hơn. Vào ngày hôm đó, sau khi dâng lễ cho các nữ tu Thừa Sai Bác Ái của Mẹ Têrêsa và trở về giáo xứ, có một bức ảnh nhỏ của Mẹ do các nữ tu tặng; cha đã gặp chị phụ nữ ấy và khuyên chị cùng quỳ gối cầu xin Mẹ Têrêsa cứu giúp. Cha cũng khuyên chị cùng gia đình tiếp tục cầu nguyện với Mẹ sốt sáng hơn nữa. Quả nhiên, những ngày sau đó, bệnh trạng của chồng chị được cải thiện và được đưa ra khỏi phòng cấp cứu. Hai ngày sau, anh được cấp giấy chứng nhận khỏi bệnh và xuất viện. Khi thấy anh được bình phục hoàn toàn và các bác sĩ không giải thích được tại sao, cha Santos tin rằng Mẹ Têrêsa đã cứu giúp. Tại Bộ Phong Thánh, nếu vụ khỏi bệnh này qua được các cuộc khảo sát của các bác sĩ, các nhà thần học và Hội Đồng Hồng Y thành viên Bộ Phong Thánh; Đức Thánh Cha có thể cho phép công bố sắc lệnh nhìn nhận đó là phép lạ và Chân Phước Mẹ Têrêsa có thể được phong hiển thánh.
VATICAN. Trong buổi tiếp kiến sáng 29-10 dành cho 300 người gồm ban giám đốc, các ký giả và nhân viên của đài Radio Maria, nhân dịp họ nhóm họp ở Roma; Đức Thánh Cha Phanxicô khuyến khích các thành viên của đài tiếp tục sứ mạng loan báo Tin Mừng và cổ võ lòng tôn sùng Đức Mẹ. Đài Radio Maria được thành lập tại Italia và nay đang hoạt động tại 70 nước trên thế giới với nhiều ngôn ngữ khác nhau, mỗi ngày có hơn 30 triệu thính giả. Trong dịp này, Đức Thánh Cha cũng mời gọi các thành viên của đài luôn biết vun trồng mảnh vườn nội tâm bằng kinh nguyện, lắng nghe Lời Chúa, đọc những sách tốt để đào sâu đức tin ngõ hầu chính các thành viên của đài có thể trở thành điều mà họ đã đề nghị với thính giả ngang qua các chương trình của đài.
Tổng hợp và biên tập: Vũ Đức Anh Phương, SJ
Bài xem thêm: Trừ quỷ: "Xin quên các phim ảnh vì tình trạng bình thường có thể còn đáng lo hơn"
Minh chứng của linh mục Gallego, nhà trừ quỷ chính thức của địa phận Barcelone
Linh mục Juan José Gallego, nhà trừ quỷ của địa phận Barcelone nhận định và tận tụy đảm nhận trách vụ giữa lắng nghe, chẩn đoán, cầu nguyện và trừ quỷ. Ngài tóm tắt nguyên tắc của mình như sau: «Các biểu hiệu của thần dữ thì rất nhiều. Xin quên các phim ảnh kiểu «Nhà trừ quỷ» vì tình trạng bình thường có thể còn đáng lo hơn. Thần dữ không biểu hiện như kiểu trong phim nhưng qua các tác hại của nó. Những người đau khổ họ xa Chúa, và đó là công việc của thần dữ».
Aleteia: Những vụ bị quỷ ám có nhiều như người ta nghĩ không?
Linh mục Gallego: Có, nhưng nó chỉ chiếm 10% trong các vụ trừ quỷ, phần còn lại là bị ảnh hưởng của thần dữ.
Cha có xác quyết hoàn toàn trong các vụ bị quỷ ám không?
Không, không bao giờ. Những gì tôi thấy là các biểu hiện của thần dữ nơi tín hữu, nhưng không nhất thiết họ phải là người công giáo, họ ở trong tình trạng đau khổ và cần giải thoát khỏi bàn tay của quỷ. Họ xin tôi chữa cho họ nhưng thực tế là chính Chúa hành động.
Những người này ở mọi nơi, trong mọi trường hợp. Tôi không ngần ngại hướng dẫn họ đi khám bác sĩ nếu tôi thấy trường hợp của họ do tâm lý.
Đâu là chân dung của người trừ quỷ?
Họ phải rất kiên nhẫn vì đôi khi phải làm rất nhiều lần. Phải có tinh thần tông đồ trong việc giúp đỡ của mình. Công việc của người trừ quỷ không dễ dàng cũng không dễ chịu. Mình không chọn công việc này. Phải luôn sốt sắng, cầu nguyện và trung thực.
Và đâu là khía cạnh tích cực của việc trừ quỷ?
Là khi mình thấy có sự cải thiện, thật khích lệ. Nhưng có một vài người tôn kính tôi một cách quá đáng, xem tôi như nhà phù thủy. Tôi thường hay trả lời cho họ, không phải tôi chữa lành nhưng chính Chúa mới là người chữa lành, như thế mới làm cho tôi được yên.
Trừ quỷ cần phải có một thời gian trước khi có hiệu quả nhưng đôi khi có hiệu quả ngay tức khắc. Tôi xin họ đọc Phúc Âm mỗi ngày. Và cầu nguyện. Nếu là trường hợp bị quỷ ám hoặc bị ảnh hưởng thì chỉ có Chúa mới cứu được. Các thánh cũng cứu được nhưng chỉ có Chúa mới cất được quỷ.
Cha có sợ không?
Chỉ khi tôi được đề cử vào nhiệm vụ này năm 2007. Ngay lập tức tôi nhận lời nhưng sau đó tôi mới thấy nhiệm vụ này nặng như thế nào.
Làm sao để cha không bị ảnh hưởng đến cá nhân?
Tất cả những gì tôi làm là nhân danh Giáo hội để giúp đỡ. Có những lúc khó khăn khi có những người thấy những chuyện rất lạ, họ có những thị kiến, cảm nhận có sự hiện diện … Tôi giữ một khoảng cách và hoàn toàn để qua một bên vài việc, nếu không tôi sẽ điên. Phải tin tưởng vào Chúa. Hoặc mình là người của đức tin, hoặc mình phải bỏ chức vụ này. Về mặc con người mà nói … có thể làm được hết, nhưng mà không đơn giản chút nào. Đôi khi tôi cảm thấy mình bị đe dọa, hoặc khi quỷ nói qua người bị quỷ ám.
Có thể nào chính đương sự biết mình bị quỷ ám hay người chung quanh biết?
Cả hai đều có thể. Tuy nhiên có những triệu chứng như mất ngủ và muốn tự tử.
Khi trừ quỷ thì cha làm như thế nào?
Tôi choàng khăn thánh, lấy nước thánh và muối. Rồi chúng tôi cầu nguyện để được che chở.
Chung chung, từ bỏ Satan mới là khó nhất. Nếu tôi thấy có sự cản trở, tôi ngừng ngay lập tức. Nếu không, nghi thức sẽ mất hết ý nghĩa. Tôi kết thúc bằng hai lời cầu nguyện. Đối với tôi, Đức Mẹ là quan trọng hàng đầu. Tôi cũng đề nghị cầu nguyện với thánh Bernard và thánh Phanxicô Axixi: «Lạy Chúa, xin dùng con làm khí cụ bình an …» … Và tôi xin họ quay trở về với Chúa. Đó là cách duy nhất.
Marta An Nguyễn chuyển dịch
Aleteia: Những vụ bị quỷ ám có nhiều như người ta nghĩ không?
Linh mục Gallego: Có, nhưng nó chỉ chiếm 10% trong các vụ trừ quỷ, phần còn lại là bị ảnh hưởng của thần dữ.
Cha có xác quyết hoàn toàn trong các vụ bị quỷ ám không?
Không, không bao giờ. Những gì tôi thấy là các biểu hiện của thần dữ nơi tín hữu, nhưng không nhất thiết họ phải là người công giáo, họ ở trong tình trạng đau khổ và cần giải thoát khỏi bàn tay của quỷ. Họ xin tôi chữa cho họ nhưng thực tế là chính Chúa hành động.
Những người này ở mọi nơi, trong mọi trường hợp. Tôi không ngần ngại hướng dẫn họ đi khám bác sĩ nếu tôi thấy trường hợp của họ do tâm lý.
Đâu là chân dung của người trừ quỷ?
Họ phải rất kiên nhẫn vì đôi khi phải làm rất nhiều lần. Phải có tinh thần tông đồ trong việc giúp đỡ của mình. Công việc của người trừ quỷ không dễ dàng cũng không dễ chịu. Mình không chọn công việc này. Phải luôn sốt sắng, cầu nguyện và trung thực.
Và đâu là khía cạnh tích cực của việc trừ quỷ?
Là khi mình thấy có sự cải thiện, thật khích lệ. Nhưng có một vài người tôn kính tôi một cách quá đáng, xem tôi như nhà phù thủy. Tôi thường hay trả lời cho họ, không phải tôi chữa lành nhưng chính Chúa mới là người chữa lành, như thế mới làm cho tôi được yên.
Trừ quỷ cần phải có một thời gian trước khi có hiệu quả nhưng đôi khi có hiệu quả ngay tức khắc. Tôi xin họ đọc Phúc Âm mỗi ngày. Và cầu nguyện. Nếu là trường hợp bị quỷ ám hoặc bị ảnh hưởng thì chỉ có Chúa mới cứu được. Các thánh cũng cứu được nhưng chỉ có Chúa mới cất được quỷ.
Cha có sợ không?
Chỉ khi tôi được đề cử vào nhiệm vụ này năm 2007. Ngay lập tức tôi nhận lời nhưng sau đó tôi mới thấy nhiệm vụ này nặng như thế nào.
Làm sao để cha không bị ảnh hưởng đến cá nhân?
Tất cả những gì tôi làm là nhân danh Giáo hội để giúp đỡ. Có những lúc khó khăn khi có những người thấy những chuyện rất lạ, họ có những thị kiến, cảm nhận có sự hiện diện … Tôi giữ một khoảng cách và hoàn toàn để qua một bên vài việc, nếu không tôi sẽ điên. Phải tin tưởng vào Chúa. Hoặc mình là người của đức tin, hoặc mình phải bỏ chức vụ này. Về mặc con người mà nói … có thể làm được hết, nhưng mà không đơn giản chút nào. Đôi khi tôi cảm thấy mình bị đe dọa, hoặc khi quỷ nói qua người bị quỷ ám.
Có thể nào chính đương sự biết mình bị quỷ ám hay người chung quanh biết?
Cả hai đều có thể. Tuy nhiên có những triệu chứng như mất ngủ và muốn tự tử.
Khi trừ quỷ thì cha làm như thế nào?
Tôi choàng khăn thánh, lấy nước thánh và muối. Rồi chúng tôi cầu nguyện để được che chở.
Chung chung, từ bỏ Satan mới là khó nhất. Nếu tôi thấy có sự cản trở, tôi ngừng ngay lập tức. Nếu không, nghi thức sẽ mất hết ý nghĩa. Tôi kết thúc bằng hai lời cầu nguyện. Đối với tôi, Đức Mẹ là quan trọng hàng đầu. Tôi cũng đề nghị cầu nguyện với thánh Bernard và thánh Phanxicô Axixi: «Lạy Chúa, xin dùng con làm khí cụ bình an …» … Và tôi xin họ quay trở về với Chúa. Đó là cách duy nhất.
Marta An Nguyễn chuyển dịch