Trong tòa giải tội, các linh mục thường nghe hối nhân nói là họ không nghĩ ra được tội gì để xưng cả. Cách xét mình sau đây dành cho những ai lúng túng trong việc tìm ra tội để xưng. Tuy nhiên chúng ta phải nhấn mạnh rằng hầu hết những tội liệt kê dưới đây đều chỉ là tội nhẹ, không buộc phải xưng trong tòa giải tội.
Nếu tôi đang cố gắng để trở nên hoàn thiện, thì đó là vì tôi muốn yêu Chúa một cách toàn vẹn, hay vì tôi muốn trở nên người hoàn hảo? Tôi có tìm cách dìm tài năng kẻ khác xuống vì sợ họ làm tôi bị lu mờ đi không? Tôi có muốn được khen ngợi mà lại giả bộ như không muốn chăng? Trong lúc nói chuyện tôi có luôn luôn nói về mình không?
Tôi có thấy dễ tha thứ nhưng rất khó quên những tổn thương mà người khác gây ra cho tôi không? Tôi có thấy khiếm khuyết trong mọi sự nơi mọi người, ngoại trừ tôi và những việc tôi làm không? Tôi có thường ngồi lê đôi mách, nói xấu người khác chỉ vì ghen tương, đố kỵ hay chỉ vì muốn tỏ ra mình biết mọi sự không? Tôi có nói ra những thông tin mà tôi không nên nói ra không?
NHỮNG ĐIỀU BẠN THƯỜNG BỎ QUA
Tôi có phải là người “khôn nhà dại chợ” không? Nghĩa là khi ở nhà thì tôi khó tính bẳn gắt, còn lúc ra đường thì tôi lại là người rất là dễ thương không? Tôi có khiêm tốn và tự nguyện nhìn nhận lỗi lầm mà mình đã thật sự sai phạm hoặc được người khác chứng tỏ là đã sai phạm không? Tôi có quá mẫn cảm đối với những gì người ta nói về tôi hoặc làm cho tôi không? Tôi có tuyên bố là tôi đã đọc sách này báo nọ, đi chỗ này nơi kia hay làm chuyện này việc khác, mà trong thực tế tôi chưa từng đọc, từng đi, từng làm hay không? Tôi có giả bộ thế này thế kia, hoặc làm như mình có thứ này thứ kia mà thực tế thì không có chăng? Khi nói về mình, tôi có tô điểm, thêm cho thành công của mình và giấu bớt khuyết điểm hay thất bại của mình không?
Tôi có thường tỏ lòng tôn kinh, biết ơn và đên đáp ơn Chúa không? Khi tham dự thánh lễ, tôi có nghĩ về đủ mọi chuyện, mà quên mất tấn kịch vĩ đại đang xảy ra trước mắt không? Đi dự thánh lễ, tôi có hay đến trễ và thường chuẩn bị cho công việc cao cả hàng tuần này một cách quá sơ sài không? Tôi có cầu nguyện như Chúa đã cầu nguyện: “Lạy Cha, xin đừng theo ý con, mà xin vâng ý Cha” không? Tôi có cầu xin Chúa ơn yêu thương Ngài đúng như Ngài xứng đáng được yêu thương không?
VỀ LÒNG THÀNH THẬT
ở siêu thị hay ở các trung tâm thương mại, tôi có ý hướng thành thật hay tôi tìm cách làm sao lấy được hàng mà khỏi phải trả tiền? Tôi có hành xử bất công với người chủ thuê tôi bằng cách làm giảm nhuệ khí làm việc tại văn phòng hay ở nhà máy, hoặc không làm đúng công việc mình phải làm trong ngày không? Tôi có mê xem vô tuyến truyền hình đến nỗi bỏ bê gia đình, xao lãng bổn phận nhà và công việc làm ăn không?
Tôi có xem phim nhảm nhí hay đọc tiểu thuyết khiêu dâm chỉ vì ham vui để rồi từ chối không chịu nhận – ngay cả với bản thân – tính tò mò thiếu lành mạnh này không? Tôi có thật sư cố gắng tránh những gì mà kinh nghiệm quá khứ cho tôi biết đó là dịp tội không? Khi có chuyện gì khiến tôi cảm thấy cần phải đi xưng tội, có bao giờ tôi tự nhủ rằng đó không phải là việc của một linh mục không
MỘT SỐ BỔN PHẬN PHẢI LÀM
Đã bao giờ tôi nghiên cứu hay học hỏi nghiêm túc về đức tin mà Chúa ban cho tôi với ý định biến nó thành một phần trong đời sống của tôi chưa? Tôi có cố gắng làm cho tư tưởng và lập trường của tôi giống với tư tưởng và lập trường của Chúa nhiều hơn không? Có bao giờ tôi quyết định là phải yêu Chúa hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực của mình chưa? Tôi có tin rằng tôi hiện hữu là vì mục đích đó không?
Cần chứng tỏ cho một người bình thường thấy rằng xét mình như thế, dù ngắn gọn, cũng giúp họ thấy mình còn cách xa đỉnh hoàn thiện lắm. Bạn quả là người hiếm có nếu như bạn không vướng vào ít nhất một vài khuyết điểm trên. Tuy nhiên, lúc sửa mình, bạn đừng cùng một luc cố làm tất cả mọi sự, hãy tập trung nỗ lực và cầu nguyện vào nhược điểm chính của mình. Khi khắc phục được tật xấu này, thì bạn cũng làm suy yếu những tật xấu khác. Bạn sẽ dần dần chừa được tính buông thả phóng túng và tăng dần khả năng tự chủ lên.
TRÍCH: NÊN THÁNH TRONG THỜI ĐẠI MỚI
TÁC GIẢ: KILIAN Mc GOWAN, C.P
NGƯỜI DỊCH: LM JBM TRẦN MINH CƯƠNG