Trước và sau các chuyến tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô, Ngài đều đến đền thờ Đức Bà Cả ở Rôma và dâng một bó hoa trước tượng ảnh Đức Mẹ bồng Chúa Giêsu Hài Đồng. Chúng ta không biết Đức Giáo Hoàng nói gì, cầu nguyện gì, xin gì với Đức Mẹ, nhưng kết quả của tất cả các chuyến tông du thì ai cũng biết. Chúng ta không “phong thần, phong thánh” cho Đức Giáo Hoàng, nhưng thực tế đất nước Cuba đang bị hạn hán kéo dài, sau chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha, mưa đã đổ xuống trên hầu hết lãnh thổ, người dân Cuba gọi đây là những giọt nước thánh. Hay khi Ngài đến Hoa kỳ, bầu trời đã xuất hiện nhiều những hào quang đẹp mắt… Đó dù là những hiện tượng thiên nhiên bình thường, có chăng là sự trùng hợp với những chuyến tông du của Đức Thánh Cha, nhưng đối với người dân như là một phép lạ vì sự hiện diện của Đức Thánh Cha Phanxicô. Người ta chờ đợi, chào đón và hò hét vang dậy trên mỗi bước đường Ngài đi qua; những ai được gặp gỡ Ngài là một vinh dự và một kỷ niệm không bao giờ quên trong cuộc đời của họ. Thậm chí một đại biểu cấp cao trong Quốc Hội đã chờ để được lấy ly nước uống còn dư của Đức Thánh Cha sau khi Ngài phát biểu tại Quốc Hội Hoa Kỳ, và ông xem đây như là nước thánh. Hay ông chủ tịch Hạ Viện Hoa Kỳ John Boehner đã từ chức một ngày sau khi gặp gỡ Đức Thánh Cha. Ông nói rằng, thành công lớn nhất trong sự nghiệp chính trị của ông không phải là 13 lần liên tiếp được cử tri tín nhiệm, mà là mời được Đức Giáo Hoàng đọc bản thông điệp trước lưỡng viện Quốc Hội. Người ta nói rằng ông từ chức vì sau khi gặp Giáo Hoàng, ông không còn muốn làm chính trị nữa… và nhiều những sự kiện khác cho thấy tầm ảnh hưởng của Đức Giáo Hoàng trong những chuyến tông du của Ngài.
Tất cả những điều đó giải thích cho việc tại sao trước và sau các chuyến đi Ngài đều đến viếng Đức Mẹ. Chúng ta tin chắc một điều, Đức Giáo Hoàng nhận được nơi Mẹ sự bầu cử thần thánh trên trời và chắc chắn Mẹ luôn đồng hành trên bước đường của Đức Thánh Cha.
Chúng ta không dừng lại ở sự kiện những chuyến tông du của Đức Thánh Cha, nhưng chúng ta mượn sự kiện đó để nói lên sức mạnh của việc gắn bó với Mẹ. Khi chúng ta biết chạy đến với Mẹ, chúng ta sẽ bước đi trong sự vâng phục thánh ý Chúa.
Ngay lịch sử của việc mừng lễ Đức Mẹ Mân Côi cũng nói lên điều đó. Sau cuộc chiến thắng quân Hồi giáo Thổ Nhĩ Kỳ tại vịnh Lépante ngày 7-10-1571, nhờ ơn lạ đặc biệt của Đức Mẹ Mân Côi, Đức Thánh Cha Piô V dạy rước kiệu Mẹ trọng thể và thành lập lễ Mẹ Thắng Trận vào ngày 7 tháng 10 để ghi ơn Đức Mẹ. Trải qua một số triều đại Giáo Hoàng, đến thời của Đức Giáo Hoàng Piô X, Ngài đã ấn định mừng lễ Mẹ Mân Côi vào ngày mồng 7 tháng 10 như hiện nay.
Như vậy, mừng lễ Đức Mẹ Mân Côi là để chúng ta thấy sức mạnh lời bầu cử của Đức mẹ qua lời kinh Mân Côi. Những ai siêng năng lần chuỗi Mân Côi sẽ đón nhận được tình mẫu tử thiêng liêng của Đức Mẹ, sẽ được Đức Mẹ cải hóa cuộc sống để vững vàng hơn trên con đường vâng phục thánh ý Chúa.
I. LỜI MẸ NHẮN NHỦ
Khi đến với Đức Mẹ, chắc chắn chúng ta sẽ nghe được lời nhắn nhủ của Mẹ: “Hãy ăn năn đền bồi, hãy tôn sùng mẫu tâm, hãy năng lần hạt Mân Côi”.
1. Hãy ăn năn đền tội
Việc ăn năn đền tội không phải là sứ điệp của Mẹ, nhưng là của của toàn bộ Tin Mừng và của con Mẹ, Đức Giêsu Kitô. Vì khởi đầu Tin Mừng của Đức Giêsu Kitô là lời mời gọi của Gioan Tẩy giả, vị tiên tri của Đấng Tối Cao để dân chúng tỏ lòng sám hối ăn năn. Hay lời rao giảng đầu tiên của Chúa Giêsu khi bắt đầu sứ vụ công khai cũng là: “Thời kỳ đã mãn và triều đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng”.
Như vậy sứ điệp của Mẹ là để hướng nhân loại đến lòng Thương Xót bao la của Thiên Chúa hầu chúng ta đón nhận được ơn tha thứ của Ngài, vì chắc chắn không bao giờ Mẹ muốn con cái của Mẹ bị hủy diệt.
2. Hãy tôn sùng Mẫu Tâm
Chính vì tình yêu “bao la như biển thái bình” đó, Mẹ muốn chúng ta hãy chạy đến với trái tim Mẹ để hiểu được nỗi đau của người mẹ đứng trước nguy cơ đứa con của mình bị sói dữ ăn thịt; cảm được sức mạnh của người mẹ sẽ chiến đấu cho đến cùng với kẻ thù khi nó tấn công các con của mẹ… Nói cách khác, Mẹ muốn chúng ta đến với trái tim Mẹ vì Mẹ luôn gìn giữ sự sống vĩnh cửu cho chúng ta. Nhưng sâu xa hơn, khi đến với Mẹ là chúng ta đang thực hiện lời trăn trối của Chúa Giêsu: “Này là Mẹ con”.
3. Hãy năng lần hạt Mân Côi
Kế đến Mẹ dạy chúng ta hãy siêng năng lần hạt Mân Côi vì chuỗi Mân Côi là quyển Tin Mừng rút gọn. Khi siêng năng lần hạt Mân Côi là chúng ta đang tiếp cận với Lời Chúa một cách dễ dàng nhất. Khi lần hạt Mân Côi, chúng ta không chỉ đọc kinh bằng môi miệng, lần hạt bằng tay, mà chúng ta còn đi vào con đường cứu độ của Đức Giêsu Kitô theo bước chân của Mẹ.
II. CON VÂNG NGHE MẸ RỒI…
Hiểu được như vậy để mừng lễ Đức Mẹ Mân Côi hôm nay, chúng ta hãy nghe lời Mẹ để ăn năn đền tội, tôn sùng Mẫu Tâm và siêng năng lần hạt Mân Côi để chúng ta được sống và sống đời đời.
1. Ăn năn đền tội
Chúng ta phải ăn năn đền tội vì chúng ta đã đi ra ngoài con đường của Chúa, đã không sống theo thánh ý của Ngài, đã không vâng phục Ngài. Cốt lõi của biến cố truyền tin hôm nay là việc Ngôi Hai Thiên Chúa vâng phục thánh ý Chúa Cha, đi theo con đường mà Chúa Cha muốn để cứu lấy con nhân loại chúng ta. Và cũng chính nhờ tiếng Xin Vâng, chấp nhận bước vào đường lối Thiên Chúa của Mẹ mà Đấng Cứu Thế mới có thể nhập thể làm người.
Mọi tội lỗi là vì chúng ta đi ra ngoài con đường của Chúa được rào chắn, bảo vệ bởi những giới răn của Ngài. Hay nói cách khác, chúng ta không nghe lời Thiên Chúa mà nghe theo những xúi giục của ma quỷ.
Ăn năn sám hối là quay trở lại, đi trong đường lối của Thiên Chúa và vâng phục thánh ý của Ngài. Hình ảnh đứa con hoang đàng trong Tin Mừng Luca là hình ảnh của sự sám hối, ăn năn quay trở về nhà cha của mình để được sống trong tình yêu thương của người ta.
Việc ăn năn phải luôn kèm theo đền tội, vì sám hối là đau buồn về những sai trái của mình và quyết tâm đền bù những thiệt hại do những sai trái mình gây ra. Chúng ta làm thiệt hại cho người khác, chúng ta phải đền bù. Chúng ta làm thiệt hại cho chính bản thân mình, chúng ta phải đền bù. Chúng ta xúc phạm tình thương Thiên Chúa và người khác, chúng ta phải đền bù… Vì vậy một người có lòng sám hối thực sự sẽ chứng tỏ bằng một cuộc sống thánh thiện, đạo đức, yêu thương, vì họ thấy mình phải đền bù những thiệt hại do mình gây ra.
2. Yêu mến Mẹ và siêng năng lần hạt Mân Côi
Chắc chắn một điều: những ai yêu mến Mẹ sẽ được Mẹ yêu thương, gìn giữ để luôn sống trong đường lối của Chúa. Thể hiện rõ ràng nhất của một người có lòng yêu mến Đức Mẹ là việc siêng năng lần chuỗi Mân Côi.
Giới Trẻ ngày hôm nay bị những niềm vui khác lôi kéo để họ không còn quan tâm đến những việc linh thánh, mà cụ thể nhất là rất ít bạn trẻ biết lần chuỗi và siêng năng lần chuỗi là chuyện khác. Chúng ta tự hào vì mình biết nhiều thứ trong cuộc sống hôm, có cả những thứ mình không cần biết, nhưng cách thức lần chuỗi thì lại không biết. Chúng ta sưu tầm, mua sắm, trang hoàng đủ thứ hàng hiệu trên người, nhưng mấy ai mua cho mình được một sâu chuỗi. Chúng ta cho rằng tràng chuỗi là quê mùa, việc lần chuỗi là của những người rãnh rỗi, đạo đức trong nhà thờ, hoặc của những người tu hành… Ma quỷ đã thắng được chúng ta trong cám dỗ đầu tiên đó. Thử hỏi việc lần chuỗi Mân Côi theo từng gia đình trong tháng 10 này có được mấy người trẻ (câu hỏi này cũng dành cho cả những người lớn). Chúng ta quan tâm đến nhiều thứ quá, mà phương thế đơn giản, hiệu quả nhất để được hạnh phúc đời đời, chúng ta lại không quan tâm đến.
Hãy nghe sứ điệp của Đức Mẹ, như một lời van xin chúng ta: “Hãy ăn năn đền bồi, hãy tôn sùng Mẫu Tâm, hãy năng lần hạt Mân Côi”. Khi chúng ta thực hiện những sứ điệp đó, chúng ta sẽ được sống trong đường lối của Chúa, cuộc sống của chúng ta sẽ bình an, hạnh phúc và có một sự hấp dẫn, lôi cuốn người khác đến với Chúa.
“Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời cầu cho chúng con là kẻ có tội khi này và trong giờ lâm tử”. Amen.