Thánh Piô Pietrelcina là
linh mục Dòng Phanxicô và là nhà thần bí, thường gọi là Cha Padre Pio hoặc Piô
Năm Dấu. Ngài sinh ngày 25-5-1887 tại Pietrelcina – Nam Ý, qua đời ngày 23-9-1968,
đa phần cuộc đời ngài chịu đau đớn vì năm vết thương như Chúa Giêsu. Ngài được
tôn phong chân phước năm 1999 và được ĐGH Gioan Phaolô II tôn phong hiển thánh ngày
16-6-2002.
Tên khai sinh của
ngài là Francesco Forgione, ông bà cố là Grazio Mario Forgione (1860–1946) và Maria
Giuseppa Di Nunzio Forgione (1859–1929). Ngài được rửa tội tại Nguyện đường Thánh
Anna. Ngay từ lúc 5 tuổi, cậu bé Francesco Forgione đã có ý dâng mình cho Thiên
Chúa.
Gia đình Forgione là
một gia đình Công giáo đạo hạnh, tham dự Thánh Lễ hằng ngày, cùng nhau lần
chuỗi Mân Côi vào buổi tối, và mỗi tuần kiêng thịt ba ngày để kính Đức Mẹ
Camêlô. Ông bà và cha mẹ của ngài không biết chữ, nhưng họ nhớ các câu chuyện
trong Kinh Thánh để kể cho con cháu. Bà cố nói rằng Francesco có thể nhìn thấy
và nói chuyện với Chúa Giêsu, Đức Mẹ và Thiên thần Bản mệnh.
Theo nhật ký của
linh mục linh hướng Agostino da San Marco, cậu Francesco Forgione bị viêm dạ
dày nặng lúc 6 tuổi, và bị thương hàn lúc 10 tuổi.
Hồi trẻ, Francesco cho
biết là đã từng có thị kiến và xuất thần. Năm 1897, sau khi hoàn tất ba năm học
ở trường công, Francesco vào học trường Dòng Phanxicô. Khi Francesco cho cha mẹ
biết ý muốn của mình, cha mẹ cậu đã đến Morcone, cách Pietrelcina 13 dặm
(21 km) về hướng Bắc, để tìm hiểu xem con trai họ có thể vào Dòng Phanxicô
hay không. Nhà dòng cho họ biết rằng nhà dòng rất vui tiếp nhận nhưng Francesco
cần học thêm.
Người cha đi Hoa Kỳ tìm
việc làm để lo học phí cho con trai theo yêu cầu của nhà dòng. Trong thời gian
này, Francesco lãnh nhận Bí tích Thêm Sức vào ngày 27-9-1899. Cậu được dạy
riêng và đủ yêu cầu của nhà dòng. Ngày 6-1-1903, lúc này cậu Francesco được 15
tuổi, cậu vào nhà tập tại Dòng Phanxicô ở Morcone. Ngày 22-1-1903, Francesco
nhận tu phục và lấy tên dòng là Pio, để kính nhớ Thánh giáo hoàng Pio I, vị
thánh này có thánh tích tại Nguyện đường Thánh Anna ở Pietrelcina. Ngài khấn lần
đầu với ba lời khấn: Khó nghèo, Khiết tịnh và Vâng lời. Thầy Pio tới tu viện
Thánh Phanxicô Assisi bằng xe bò để học tập chuẩn bị 7 năm cho chức linh mục.
Năm 17 tuổi, ngài
bất ngờ bị bệnh nặng, ăn không ngon, mất ngủ, mệt mỏi, ngất xỉu, và đau nửa đầu
dữ dội. Ngài thường xuyên ói mửa, chỉ có thể uống sữa và ăn phô mai. Các nhà
viết tiểu sử Thánh Padre Pio nói rằng trong thời gian này, cùng với bệnh tật
thể lý, có những hiện tượng lạ bắt đầu xảy ra. Các tu sĩ trong dòng thường nghe
thấy những tiếng động lạ phát ra từ phòng của ngài vào ban đêm – đôi khi là
những tiếng thét vang. Trong khi cầu nguyện, tu sĩ Pio có vẻ như ở trạng thái
sững sờ. Một người bạn của thầy Pio cho rằng thầy Pio đã xuất thần và lơ lửng
trên mặt đất.
Tháng 6-1905, sức
khỏe của thầy Pio quá yếu đến nỗi bề trên quyết định đưa thầy đến một tu viện ở
trên núi, hy vọng sự thay đổi không khí sẽ làm cho thầy phục hồi sức khỏe. Tuy
nhiên, sức khỏe của thầy càng ngày càng yếu, các bác sĩ khuyên thầy nên trở lại
quê nhà. Thế nhưng sức khỏe của thầy vẫn sa sút dần. Ngày 27-1-1907, tu sĩ Pio
khấn trọn đời.
Năm 1910, thầy Pio
được TGM Paolo Schinosi trao tác vụ linh mục tại nhà thờ chính tòa Benevento.
Và 4 ngày sau, ngài dâng lễ đầu tiên tại nhà thờ giáo xứ Đức Mẹ của các Thiên
Thần. Sức khỏe của ngài vẫn không ổn định, ngài được phép trở về với gia đình
cho tới năm 1916. Ngày 4-9-1916, cha Padre Pio được lệnh trở về nhà dòng, đến ở
tại tu viện Đức Mẹ Hồng Ân, tọa lạc trên núi Gargano ở San Giovanni Rotondo, thuộc
Foggia. Cùng với cha Pio, lúc này cộng đoàn có 7 tu sĩ. Cha Pio ở đây cho đến
lúc qua đời vào năm 1968.
Thế chiến I bùng nổ,
4 tu sĩ trong cộng đoàn này bị động viên đi quân dịch (ngày nay gọi là nghĩa vụ
quân sự). Lúc này, cha Pio là giáo sư và linh hướng. Khi một tu sĩ nữa được gọi
nhập ngũ, cha Pio chịu trách nhiệm cộng đoàn. Ngày 15-11-1915, ngài bị động
viên, và ngày 6-12, ngài được phân công tới đoàn Quân Y 10 ở Naples. Vì, sức
khỏe yếu, ngài được giải ngũ, nhưng lại phải tái nhập ngũ cho tới ngày 16-3-1918,
ngài được giải ngũ. Tính chung, ngài phục vụ trong quân đội 182 ngày.
Ngày 20-9-1918, khi
đang giải tội, cha Pio được in Năm Dấu (stigmata), đau nhức và chảy máu như Năm
Vết Thương của Chúa Giêsu. Dấu lạ này kéo dài suốt 50 năm, cho đến cuối đời
ngài. Máu chảy ra từ Năm Vết Thương có mùi thơm như hoa. Đầu năm 1919, tin tức
về cha Pio chịu Năm Dấu lan truyền khắp nơi.
Sau thế chiến I, người
ta bắt đầu thấy ở cha Pio có dấu hiệu của niềm hy vọng. Người ta thấy ngài có
biểu hiện của vài tặng phẩm tâm linh, bao gồm việc chữa lành, xuất hiện ở
hai nơi một lúc, xuất thần lơ lửng trên mặt đất, nói tiên tri, làm những dấu lạ,
không ăn và không ngủ (ít nhất 20 ngày ở Verafeno, và chỉ rước Mình Thánh Chúa),
có thể biết được tâm hồn người khác, có tài giảng thuyết, khéo đối thoại, và có
mùi thơm từ các vết thương.
Các vết thương được
coi là dấu chỉ của sự thánh thiện, và được các bác sĩ xét nghiệm. Kỳ lạ là các
vết thương không thể lành nhưng không bị nhiễm trùng. Bác sĩ Luigi Romanelli, trưởng
bệnh viện Barletta, đã theo dõi các vết thương của cha Pio suốt một năm trời.
Bác sĩ Giorgio Festa cũng xét nghiệm các vết thương đó vào năm 1920 và 1925.
Giáo sư Giuseppe Bastianelli, bác sĩ của ĐGH Benedict XV, cũng thấy rằng các
vết thương xuất hiện nhưng không thể giải thích. Nhà nghiên cứu bệnh lý Amico Bignami,
thuộc ĐH Rôma, cũng kiểm tra các vết thương nhưng không thể chẩn đoán. Bác sĩ
Alberto Caserta đã chụp tia X hai tay cha Pio vào năm 1954, nhưng không thấy sự
bất thường trong cấu trúc xương.
Ngài không muốn
người khác nhìn thấy các vết thương nên ngài luôn đeo bao tay và đi vớ chân. Khi
cha Pio qua đời, thi hài ngài không còn vết thương nào, cũng không thấy vết sẹo
nào.
Trong lá thư viết
năm 1911 gởi cho cha linh hướng Padre Benedetto, cha Pio cho biết: “Có điều gì đó xảy ra mà con không hiểu và
không thể giải thích. Ở giữa hai lòng bàn tay có dấu đỏ xuất hiện, lớn bằng
đồng xu, theo sau là sự đau nhức ở giữa các vết đỏ đó. The pain was more
pronounced in the middle of the left hand, so much so that I can still feel it.
Also under my feet I can feel some pain”.
Thế chiến I tiếp
tục. Tháng 7-1918, ĐGH Benedict XV gọi đó là “cuộc tự sát của Âu châu”, ngài
kêu gọi các Kitô hữu tích cực cầu xin cho chấm dứt chiến tranh. Ngày 5 và 7-8-1918,
cha Pio thấy thị kiến Chúa Giêsu bị đâm cạnh nương long. Và rồi cha Pio cũng có
một vết thương như vậy. Thật kỳ lạ!
Trong lá thư gởi cho
cha linh hướng Padre Benedetto, đề ngày 22-10-1918, cha Pio cho biết: “Sáng ngày 20-10-1918, sau khi dâng lễ, con cảm
thấy lơ mơ như buồn ngủ. Con nhìn thấy một người bí ẩn, tương tự như người mà
con đã gặp vào chiều tối ngày 5-8-1918, chỉ khác là tay và chân chảy máu. Nhìn
thấy vậy nên con sợ, con cảm thấy rất khó tả. Con cảm thấy như chết đi được nếu
Chúa không can thiệp và thêm sức cho con, vì lồng ngực con như muốn nổ tung. Rồi
cảnh này biến mất, con thấy tay , chân và cạnh sườn của con chảy máu. Hầu như
ngày nào con cũng chịu như vậy. Vết thương ở ngực chảy máu liên tục, nhất là từ
thứ Năm tới Chúa Nhật. Thưa cha, con đang chết dần vì đau đớn, vì các vết
thương và sự lúng túng con cảm thấy trong lòng. Con sợ con sẽ chảy máu cho tới
chết nếu Chúa không lắng nghe lời nài xin chữa lành cho con. Chúa Giêsu rất tốt
lành, Ngài không ban cho con ơn này sao? Hay ít ra là Ngài không làm cho con
hết lúng túng vì các vết thương này sao? Con sẽ cất cao lời ngợi khen và không
ngừng nài xin Ngài vì lòng thương xót của Ngài. Con đau nhức đến nỗi con cảm
thấy như thể con đang hấp hối trên thập Giá vậy”.
Ngoài các chứng bệnh
chịu từ hồi nhỏ, cả đời cha Pio còn phải chịu chứng viêm phế quản hen suyễn, bị
sỏi thận nên thường xuyên đau bụng dưới. Ngài bị viêm dạ dày mãn tính, rồi biến
chứng thành ung thư. Ngài còn bị nhiễm trùng mắt, tai, mũi và họng, cuối cùng
là chịu viêm mũi và viêm tai mãn tính.
Năm 1925, cha Pio chịu
phẫu thuật thoát vị (inguinal herni), rồi ngài còn phải phẫu thuật tai để cắt
bỏ khối u ác tính. Năm 1956, được làm sinh thiết để chẩn đoán bệnh. Ngài nằm
liệt giường suốt 4 tháng. Khi lớn tuổi, cha Pio rất khổ sở vì chứng viêm khớp.
Năm 1922, ĐGH Pio XI
(triều đại 1922-1939) cho điều tra về hiện tượng lạ của cha Pio. Và rồi Tòa Thánh
đã không cho phép cha Pio xuất hiện trước công chúng: Cấm dâng lễ công khai, cấm
chúc lành cho người khác, cấm viết thư, cấm cho người khác thấy các vết thương,
cấm giao tiếp với cha linh hướng Padre Benedetto. Cha Pio phải đến ở một tu
viện khác ở Bắc Ý.
Từ năm 1921 tới 1922,
cha Pio không được thi hành chức vụ linh mục công khai như giải tội và dâng lễ.
Từ năm 1924 tới 1931, Tòa Thánh tuyên bố rằng các sự kiện trong đời cha Pio
KHÔNG bởi nguyên nhân từ Thiên Chúa.
Năm 1933, làn sóng
sùng kính mạnh nổi lên, ĐGH Piô XI tiếp tục duy trì việc cấm cha Pio dâng lễ
công khai. ĐGH Piô XI nói: “Tôi không áp
đặt đối với cha Padre Pio, nhưng người ta cung cấp cho tôi các thông tin không
hay”. Năm 1934, cha Pio được phép giải tội và được rao giảng. Năm 1939, ĐGH
Piô XII (triều đại 1939-1958) đã khuyến khích người ta đến với cha Padre Pio.
Năm 1940, cha Pio dự
định mở bệnh viện ở San Giovanni Rotondo. Năm 1956, bệnh viện được khánh thành
với tên là “Casa Sollievo della Sofferenza” (Nhà An Ủi Người Đau Khổ). Để cha
Pio có thể giám sát công trình này, năm 1957 ĐGH Pio XII đã cho phép cha Pio khỏi
phải giữ lời khấn khó nghèo. Những kẻ nói xấu cha Pio đã dùng chính công trình
này làm vũ khí chống lại cha Pio, kết tội ngài đã biển thủ ngân quỹ.
Ngày 29-7-1960, Đức
ông Carlo Maccari (người Ý), về sau trở thành TGM của TGP Ancona, bắt đầu điều
tra đại diện cho ĐGH Gioan XXIII (triều đại 1958-1963) và Tòa Thánh. Với hồ sơ
khoảng 200 trang, Đức ông Maccari tường trình rằng cha Pio bị coi là đã “dan
díu” với các phụ nữ mỗi tuần hai lần. Một tu sĩ Dòng Phanxicô được phân công
nghe lén phòng cha Pio, nhưng không tìm được chứng cớ về việc cáo buộc này. Đức
ông Maccari là chướng ngại vật trong hành trình tuyên thánh cho cha Pio. Tuy
nhiên, theo tài liệu chính thức của Dòng Phanxicô, về sau Đức ông Maccari đã
công khai rút lại ý kiến và đã cầu xin với cha Pio khi hấp hối.
ĐGH Gioan XXIII và
ĐGH Phaolô VI (triều đại 1963-1978) đều bác bỏ các lời cáo buộc về cha Pio. Năm 1947, cha Karol
Józef Wojtyła (về sau là ĐGH Gioan Phaolô II, triều đại 1978-2005), một linh
mục trẻ Ba Lan đang học tại ĐH Giáo hoàng Thánh Thomas Aquino (Trường
Angelicum) ở Rôma, đã đến thăm và giải tội cho cha Padre Pio. Trong lần gặp gỡ
này, cha Pio đã nói tiên tri với cha Wojtyła rằng sẽ có ngày cha Wojtyła lên
ngôi vị cao nhất của Giáo hội. Và điều tiên đoán ấy đã trở thành sự thật, cha
Wojtyła đã trở thành ĐGH Gioan Phaolô II và nay đã được Giáo hội tuyên thánh.
ĐHY Stickler nói rằng cha Wojtyła đã tin lời tiên tri của cha Pio là thật khi
ngài được tấn phong hồng y.
Năm 1962, ĐGM
Wojtyła đã viết thư cho cha Pio để xin cầu nguyện cho bác sĩ Wanda Poltawska,
một người bạn ở Ba Lan bị bệnh ung thư. Sau đó, BS Poltawska đã khỏi bệnh một
cách kỳ lạ. Các chuyên viên y học không thể giải thích hiện tượng này. Khi ĐHY
Wojtyła trở thành giáo hoàng, tông hiệu Gioan Phaolô II, ngài đã mở án tuyên
thánh cho cha Pio. Cuối cùng, ĐGH Gioan Phaolô II II đã tuyên thánh cho cha Pio
vào ngày 16-6-2002. Có khoảng 300.000 người tham dự Thánh lễ phong thánh này.
Cha Pio qua đời năm
1968, lúc ngài 81 tuổi. Ngày 21-9-1968, sau 50 năm chịu Năm Dấu, cha Pio cảm
thấy kiệt sức. Ngày 22-9-1968, ngài muốn dâng lễ trọng thể, nhưng vì cảm thấy
quá yếu, ngài xin bề trên cho phép ngài dâng lễ thường như mọi ngày. Vì đông
đảo khách hành hương hiện diện tham dự Thánh lễ, bề trên bảo cha cứ dâng lễ
trọng thể. Cha Pio vâng lời nhưng cảm thấy rất mệt mỏi. Giọng ngài rất yếu, ngài
cảm thấy kiệt sức khi kết thúc Thánh lễ, các tu sĩ phải dìu ngài đi. Và đó cũng
là Thánh lễ cuối cùng của đời ngài.
Sáng sớm ngày 23-9-1968,
cha Pio xưng tội và tuyên khấn lại. Theo thói quen, ngài cầm chuỗi Mân Côi, dù
ngài không còn hơi để đọc lời kinh Kính Mừng thành tiếng. Cuối cùng, ngài lặp
đi lặp lại: “Gesù, Maria” (Giêsu, Maria).
Khoảng 2 giờ 30 sáng, ngài nói: “Tôi
nhìn thấy hai người mẹ”. Ngài có ý nói là Đức Mẹ và mẹ của ngài. Rồi ngài
trút hơi thở cuối cùng tại tu viện San Giovanni Rotondo, trong khi miệng ngài
thì thào: “Maria!”.
Ngày 26-9-1968, thi
hài ngài được an táng tại Nhà thờ Đức Mẹ Hồng Ân. Có khoảng 100.000 người tham
dự Thánh lễ an táng ngài. Lúc sinh thời, cha Pio thường nói: “Sau khi chết, tôi sẽ làm nhiều hơn nữa. Sứ
vụ thật của tôi sẽ bắt đầu sau khi tôi chết”. Có điều rất lạ: Sau khi cha
Pio qua đời, các vết thương đều biến mất, chỉ còn thấy một vết đỏ như vết sẹo ở
ngực, nhưng sau đó lại biến mất.
Ngày 1-7-2004, ĐGH
Gioan Phaolô II đã đến Nhà thờ Thánh Padre Pio, tọa lạc tại làng San Giovanni
Rotondo. Tượng Thánh Pio ở Messina (Sicily) đã thu hút nhiều khách hành hương
vào năm 2002 vì bức tượng này đã khóc và chảy ra những giọt huyết lệ.
Thánh Pio Năm Dấu là
bổn mạng của những người bảo vệ dân quyền. Người ta chọn ngày 22 tháng Giêng là
Ngày Vô Tư, để nhớ lời khuyên của Thánh Pio: “Hãy cầu nguyện, hãy cậy trông, đừng lo lắng!”.
Ngày 3-3-2008, người
ta khai quật mộ Thánh Pio, sau 40 năm ngài qua đời. Lạ lùng thay, thân xác ngài
vẫn nguyên vẹn. ĐHY José Saraiva Martins, Bộ trưởng Bộ phong thánh, đã cử hành
Thánh lễ với khoảng 15.000 người tham dự vào ngày 24-4-2008 tại Đền Đức Mẹ Hồng
Ân, trước khi thi hài Thánh Pio được trưng bày cho người ta kính viếng. Thánh
tích được trưng bày cho tới tháng 9-2009.
Thánh tích cha Padre
Pio được đặt tại Nhà thờ Thánh Pio, gần San Giovanni Rotondo. Tháng 4-2010, thánh
tích dược chuyển tới hầm mộ đặc biệt.
Lạy Thánh Pio Năm Dấu, xin cầu giúp nguyện thay. Amen.
TRẦM THIÊN THU (tổng hợp và chuyển ngữ)