Ông đạo sĩ Khalid Latif là tuyên úy Hồi Giáo cuả viện đai học New York University, là giám đốc cuả trung tâm Hồi GIáo ở New York City và đồng thời là tuyên úy cho sở Cảnh Sát NYPD.
Ông đã phân phối bài cảm tưởng đầy xúc cảm sau đây sau khi tham dự buổi Lễ Liên Tôn với ĐTC tại Ground Zero ở NYNY.
Vị Giáo Hoàng dậy chúng ta điều gì về tôn giaó?
Chúng ta thường đánh giá thấp về sức mạnh cuả tình yêu. Không chỉ là tình yêu lãng mạn, nhưng là một thứ tình yêu bắt nguồn từ tình thương, sự tôn trọng, sự hiểu biết và hy vọng đối với những người mà bạn gặp cũng như với những người bạn không bao giờ gặp.
Tình yêu này được xây dựng dựa trên tính cách phổ quát chung cuả con người bằng cách, trước hết, đánh giá đúng mức sự khác biệt giữa chúng ta. Đây là thứ tình yêu mà tôi cảm thấy khi được ngồi bên cạnh Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong buổi lễ liên tôn cầu nguyện cho hòa bình hôm thứ Sáu để mặc niệm biến cố 9/11 ở thành phố New York.
Tôi không thể nhớ đã cảm thấy sự phấn khích như vậy đối với một nhân vật tôn giáo bao giờ. Hay là đã có một lần nào mà thế giới có một nhân vật tôn giáo như vậy cả.
Sức lôi cuốn cuả Đức Giáo Hoàng Phanxicô bắt nguồn từ sự mong muốn của Ngài để đưa nhân loại lên cao đến một cấp độ cao hơn của sự lưu tâm, và Ngài đã luôn chứng tỏ ra trong lời nói và hành động.
Đây là một người đã chọn để đến với những người vô gia cư thay vì đi dự yến tiệc với các chính trị gia trong chuyến thăm Washington. Đây là một người đã đi ra ngoài văn bản tại Nhà thờ Thánh Patrick và thốt ra những lời cầu nguyện cho 700 người Hồi giáo đã tử nạn và 900 người bị thương trong cuộc hành hương ở Mecca ngày hôm đó.
Đây là một người, khi tới thăm Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, đã dành thời gian để cảm ơn các nhân viên bảo vệ, các người lao công, các người dọn dẹp và các đầu bếp vì các công việc quan trọng mà họ làm. Đây là một người đã 78 tuổi mà còn bôn ba khắp nơi trên thế giới, không ngừng nghỉ, để đến được với những người mà ông phục vụ.
Ông là một người đủ can đảm để mời gọi nhiều người thuộc nhiều tín ngưỡng khác nhau để cùng đến với nhau tại một điạ điểm thánh thiêng của cuộc tấn công 9/11, nơi mà những người ngu xuẩn đã lạm dụng tôn giáo để gây ra nhiều sự tang thương. Ông là người đã cho rằng, để có thể chữa lành thực sự, chúng ta phải đến với nhau và từ đó cùng nhau di chuyển về phía trước.
Đức Giáo Hoàng Phanxicô, đối với tôi, là một nhân vật tôn giáo; một người mà tôi không chia sẻ đức tin, nhưng là người mà tôi đã khá bồn chồn khi gặp mặt và cảm thấy bé nhỏ khi được ngồi ở bên cạnh. Tôi hy vọng rằng trái tim tôi đã thụ đắc một cái gì đó từ kinh nghiệm đó và nó sẽ còn tiếp tục ở lại trong tôi lâu dài, để tôi có thể một ngày nào đó được sống cùng một lòng vị tha và tình yêu (như Ngài), để mang lại sự hiểu biết và hòa bình rất cần thiết cho thế giới ngày nay.
Tôn giáo và đức tin là những phương tiện cho sự tốt lành. Vấn đề của chúng ta đối với các tôn giáo ngày nay bắt nguồn không phải từ các sự phê bình và những hoài nghi chống lại và bác bỏ niềm tin tôn giáo, nhưng là cách mà chúng ta tiếp cận nó. Tôn giáo đã trở nên quá máy móc, và chỉ còn là cơ chế. Đối với nhiều người trong số những người thực hành đức tin, các nghi lễ trở nên pháp chế và thoí tục, không còn ở trong trái tim của chúng ta nữa nhưng chỉ là những sự phô bày qua cử chỉ chân tay.
Chúng ta đã coi nghi lễ là cứu cánh cho chính nó, chứ không phải là một phương tiện cho một cái gì đó lớn hơn. Khi đức tin của chúng ta không còn có sự từ bi sống động, mất tình yêu và niềm hy vọng, thì tiềm năng của tôn giáo để biến đổi xã hội, để là một chất xúc tác cho sự thay đổi tích cực, đã bị suy giảm.
Tiềm năng đó còn suy yếu hơn nữa khi tôn giáo được sử dụng như một công cụ để đè nén con người xuống. Ngày hôm nay chúng ta chỉ nghe thấy các nhà lãnh đạo sử dụng tôn giáo để ra lệnh cho mọi người không thể làm gì hoặc chỉ được có gì. Một thứ tình yêu cho quyền lực đã được coi là ưu tiên hơn là sức mạnh của tình yêu. Chúng ta biện minh cho sự ngược đãi những kẻ kém may mắn và kém cỏi, những người khác chủng tộc, khác tầng lớp, hoặc chỉ đơn giản là khác, bằng cách tuyên bố đó là những gì mà Thiên Chúa muốn chúng ta làm.
Chúng ta nói như thế là không thể hiện được cái tình yêu vô điều kiện, lòng từ bi, hay lòng thương xót của Thiên Chúa trong hành động của chúng ta.
Đây là lý do tại sao Đức Thánh Cha Phanxicô là rất quan trọng cho ngày hôm nay. Khi mà những bộ máy chính quyền không đáp ứng được (những nguyện vọng cuả ) những người có đức tin, thì những người như Đức Giáo Hoàng Phanxicô có thể đóng một vai trò then chốt trong việc thách thức sự bất công xã hội và sự chênh lệch rất thịnh hành trên toàn thế giới.
Đức Giáo Hoàng giúp chúng ta hiểu rằng việc thay đổi thế giới bắt đầu bằng cách tạm dừng và tự thay đổi cái thế giới nội tại ở trong chính chúng ta. Chúng ta không thể đem bình an cho mọi người nếu chúng ta không có sự bình yên trong chính mình để có thể ban phát ra.