Chủ Nhật, 27 tháng 9, 2015

5 Phút cho Lời Chúa 27/9/2015

Filled under:

THÀ CHẾT CHẲNG THÀ PHẠM TỘI
“Nếu tay anh làm cớ cho anh sa ngã, thì chặt nó đi; thà cụt một tay mà được vào cõi sống còn hơn là có đủ hai tay mà phải sa hoả ngục.” (Mc 9,43)
Suy niệm: Trước những căn bệnh hiểm nghèo như ung thư, người ta sẵn sàng chấp nhận cắt bỏ một phần chi thể để cứu cả mạng sống. Khi nói “thà cụt một tay, thà mất một mắt” mà được vào cõi sống, Chúa Giê-su muốn nhấn mạnh tính quyết liệt, không khoan nhượng trong cuộc chiến chống lại tội lỗi, sự ác. Quả vậy, hoả ngục, điểm đến của tội lỗi, là tình trạng còn tồi tệ hơn cả cái chết. Vì thế, để được vào cõi sống muôn đời, Chúa dạy chúng ta không chỉ tránh tội, những điều tự bản chất là xấu, mà ngay cả những gì thiết thân nhất với mình, những gì tự chúng vốn không xấu, nhưng một khi chúng trở thành dịp tội, chúng ta cũng phải dứt khoát loại bỏ.
Mời Bạn: Đức Thánh Cha Phan-xi-cô khi suy niệm về việc Đa-vít phạm tội đã nói: “Điều nghiêm trọng nhất là… Đa-vít đã mất cảm thức tội lỗi” mà chỉ coi đó là “một sự cố phải giải quyết” (Bài giảng 31/01/2014). Con người ngày nay đang đánh mất cảm thức tội lỗi: người ta không gọi tội lỗi là tội lỗi, mà khoác cho chúng những mỹ từ, thậm chí coi đó là những việc chính đáng, được phép làm (như hợp pháp hoá mại dâm, phá thai…). Để tân phúc âm hoá đời sống xã hội, người ki-tô hữu phải có cảm thức nhạy bén trước tội lỗi và loại trừ chúng ngay khi chúng mới xuất hiện dưới dạng một cơn cám dỗ hay một dịp tội.
Sống Lời Chúa: Noi gương thánh Đa-minh Sa-vi-ô trung thành suốt đời với quyết tâm khi rước lễ lần đầu: “Thà chết chứ không phạm tội”.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, con thật lòng gớm ghét tội lỗi và quyết tâm chừa bỏ chúng, để con yêu mến Chúa hết lòng.
 Thánh Vinh-sơn Phao-lô

(1580?-1660)
Cảnh một người hầu hấp hối xưng tội trên giường bệnh như đã mở mắt Vinh-sơn để nhìn thấy nhu cầu tâm linh của vùng quê nước Pháp thời bấy giờ. Đó là giây phút quan trọng trong cuộc đời của một người xuất thân từ nông trại nhỏ ở Gascony, nước Pháp, mà bấy giờ, việc đi tu làm linh mục không có gì lớn lao hơn là có được một cuộc sống tiện nghi.

Chính nữ Bá Tước de Gondi (có người đầy tớ được Vinh-sơn giúp đỡ) đã thúc giục chồng bà cung cấp tiền bạc và hỗ trợ một nhóm truyền giáo có khả năng và hăng say muốn hoạt động cho người nghèo, người hầu và tá điền. Lúc đầu Cha Vinh-sơn quá khiêm tốn nên không nhận làm người lãnh đạo cho nhóm này, nhưng sau một thời gian hoạt động cho các tù nhân khổ sai ở Balê, ngài trở nên nhà lãnh đạo thực sự của tổ chức mà bây giờ được gọi là Hội Thừa Sai, hay tu sĩ Dòng Thánh Vinh-sơn. Các linh mục này, với lời thề khó nghèo, khiết tịnh, vâng phục và bền vững, tận tụy làm việc cho dân chúng ở các thành phố nhỏ hay làng mạc.

Sau này Cha Vinh-sơn tổ chức các nhóm bác ái để trợ giúp tinh thần cũng như thể chất của những người nghèo trong mỗi xứ đạo. Từ sinh hoạt này, với sự trợ giúp của Thánh Louis de Marillac, xuất phát tổ chức Nữ Tử Bác Ái, "mà tu viện là bệnh xá, nhà nguyện là nhà thờ của giáo xứ và khuôn viên là đường phố." Ngài huy động các bà giầu có ở Balê để quyên góp tài chánh cho chương trình truyền giáo, xây bệnh viện, giúp đỡ nạn nhân chiến tranh và chuộc lại khoảng 1,200 người nô lệ da đen. Ngài hăng hái tổ chức tĩnh tâm cho giới tu sĩ khi sự sao nhãng, lộng hành và ngu dốt lan tràn trong giới này. Ngài là người tiên phong trong việc huấn luyện tu sĩ và thúc đẩy sự thiết lập các chủng viện.

Đáng để ý nhất, Vinh-sơn là một người hay cáu kỉnh -- ngay cả bạn hữu của ngài cũng công nhận điều ấy. Ngài cho biết, nếu không có ơn Chúa ngài sẽ "rất khó khăn và lạnh lùng, cộc cằn và gắt gỏng." Nhưng ngài trở nên một người dịu dàng và dễ mến, rất nhạy cảm trước nhu cầu của người khác.

Đức Giáo Hoàng Leo XIII đã đặt ngài làm quan thầy của mọi tổ chức bác ái. Nổi bật nhất trong các tổ chức này, dĩ nhiên, là Dòng Thánh Vinh-sơn, được thành lập năm 1833 bởi Chân Phước Frederic Ozanam, là người rất ái mộ Thánh Vinh-sơn.

Lời Bàn
Giáo Hội là của mọi con cái Thiên Chúa, dù giầu hay nghèo, nông dân hay trí thức, thượng lưu hay bình dân. Nhưng hiển nhiên điều Giáo Hội lưu tâm nhất là những người cần sự giúp đỡ -- đó là những người trở nên cô thế bởi bệnh tật, nghèo đói, ngu dốt và sự tàn ác. Thánh Vinh-sơn Phao-lô rất thích hợp là quan thầy cho mọi Kitô Hữu ngày nay, khi người đói ngày càng nhiều, và lối sống xa hoa của người giầu ngày càng đối chọi với tình trạng sa sút về thể chất và tâm linh của con cái Thiên Chúa.

Lời Trích
"Hãy cố gắng vui lòng chấp nhận sống với những điều kiện khiến bạn bất mãn. Hãy giải thoát tâm trí mình khỏi những điều làm bạn phiền hà, Thiên Chúa sẽ lo lắng mọi sự. Khi bạn vội vàng lựa chọn bạn sẽ làm buồn lòng Thiên Chúa, vì Người thấy bạn không tôn kính Người đầy đủ với sự tin tưởng thánh thiêng. Hãy tin tưởng vào Người, tôi nài xin bạn, và bạn sẽ được no đầy những gì mà tâm hồn bạn khao khát" (Thánh Vinh-sơn Phao-lô, Thư Từ).