1. Bài Đọc
“Chúa
Giêsu và các môn đệ đi ngang qua Galilê (1) và Chúa Giêsu không muốn cho ai
biết. Vì Chúa Giêsu đương dạy bảo các môn đệ và nói rằng: ‘Con Người sắp bị nộp
vào tay người ta và họ sẽ giết Người. Sau khi Người bị giết, qua ngày thứ ba,
Người sẽ sống lại’. Nhưng các ông không hiểu lời ấy và sợ không dám hỏi lại. Đến
Capharnaum, khi đã vào nhà, Người mới hỏi các ông: ‘Dọc đường anh em tranh luận
nhau về việc gì thế?’. Các ông làm thinh, vì dọc đường, họ đã tranh luận nhau
xem ai là người lớn nhất. Chúa Giêsu ngồi xuống, gọi 12 người đến và nói: ‘Ai
muốn làm đầu thì hãy làm người cuối cùng và tôi tớ cho mọi người’. Rồi đưa một
em bé (2) đặt ra giữa, Người ôm nó và nói với các ông: ‘Ai đón nhận một trong
những trẻ nhỏ như thế này vì danh Thầy là đón tiếp Thầy. Và ai đón tiếp Thầy,
thì không phải chính Thầy mà họ đón tiếp, nhưng là Đấng đã cho Thầy đến”.
2. Chú Thích
(1)
Qua Galilê: Để đi lên Giêrusalem, vì gần đến ngày thụ nạn.
(2)
Một em bé: Tiếng Hy Bá Lai (Hébreux), ‘talya’ có nghĩa ‘em bé’, cũng có
nghĩa khác là ‘tôi tớ’.
3. Suy Niệm
(1)
Không hiểu tại sao, cũng không dám xét đoán, vì đâu trong lúc Chúa Cứu Thế sắp
thụ nạn, các Tông Đồ lại tranh luận với nhau về việc người nào làm lớn nhất?
Phúc Âm có nói các ngài không hiểu lời Chúa Giêsu và không dám hỏi. Có lẽ các
ngài bàn riêng với nhau: Ngộ giả Chúa Giêsu có ra đi, thì ai kế vị Người để
hướng dẫn anh em. Không phải các ngài không buồn sầu, nhưng theo tính tự nhiên,
cũng lo sắp đặt ngày tương lai. Câu chuyện này có thể giải thích một phần nào
những điều chia rẽ trong các đoàn thể xưa nay. Chỉ nói riêng về Giáo Hội, tuy
Chúa Giêsu đã có những lời rõ ràng đặt Thánh Phêrô làm đầu; nhưng chính các
Tông Đồ cũng còn phân vân. Vẫn hay theo nguyên tắc, cả tập thể thì hơn một
người, nhưng bao giờ cũng phải có một người cầm quyền quyết định chung thẩm,
không thể hoàn toàn như nhau. Có người nói khi có ý khác nhau, thì phải bỏ
phiếu hay là bắt thăm. Nhưng chân lý hay là Chúa Thánh Thần không ở bên đa số
hay là việc tình cờ do tay người ta, mặc dù có thể tin Thiên Chúa nhận lời cầu nguyện
để dùng tấm thăm trả lời. Giáo Hội Công Giáo xưa nay vẫn tin Giáo Hoàng kế vị
Thánh Phêrô thì đứng đầu, có quyền quyết định, ngay cả trong những hội nghị
Công Đồng. Theo siêu nhiên, có thể tin đó là điều hợp với ý Thiên Chúa. Còn
theo thiên nhiên, thì nhận thấy nhờ đó mà Giáo Hội Công Giáo vẫn giữ được tính
cách duy nhất và thống nhất, một điều kiện thiết yếu cho đoàn thể.
(2)
Tuy Chúa Giêsu đã biết, nhưng cũng làm theo cách người ta, Chúa Giêsu đã hỏi
các Tông Đồ tranh luận nhau về điều gì. Các ngài không thưa lại, nhưng Chúa
Giêsu cũng giải đáp về điều kiện để làm cấp trên hay là đứng đầu. Theo luật
Thiên Chúa, đứng đầu là để mưu cầu hạnh phúc chung cho đoàn thể và
riêng cho mỗi phần tử. Vì đó, phải có yêu mến để hy sinh, khôn ngoan để sắp đặt
và điều khiển; các phần tử đều phải yêu kính và vâng lời. Các điều kiện này
ràng buộc lấy nhau theo trật tự như thế. Ngay như Thiên Chúa đối với thụ sinh,
Thiên Chúa chí minh chí thiện, lo cho cả vạn sự vạn vật, và chính vạn sự vạn
vật phải yêu kính và vâng lời Thiên Chúa. Những vật vô tri vô giác chỉ biết
theo bản tính và bản năng. Con người có lý trí và tâm tình, dần dần lại sai
lầm, người đứng đầu không còn lo cho đoàn thể và phần tử, trở lại chỉ lo cho
mình, chỉ biết người ta phải yêu kính và vâng lời mình. Rồi chính người dưới
cũng sai lầm, chỉ lo dua nịnh mua chuộc cấp trên; khiến cho ai cũng muốn được
chức quyền để cho người khác tôn kính và vâng lời, có quyền thế để lo sung
sướng cho mình. Người ta đã quên mục đích và đã lầm lẫn trật tự các phương thế.
Đó là một nguyên nhân gây nên bao nhiêu tai họa đau khổ trong lịch sử nhân loại
và xã hội. Chúa Giêsu đã nhắc lại rõ ràng định luật của Thiên Chúa. Nhưng rất
tiếc là người ta đã không chịu lưu ý để tìm tòi học hỏi, không chịu để ý tìm
hiểu cho thấu đáo rõ ràng.
(3)
Cũng như lời Chúa Giêsu phán về việc đón nhận người ta vì danh Chúa Cứu Thế.
Lời này nói với hai hạng người, MỘT là bên đón nhận, HAI
là bên được đón nhận. Nhưng trong đoạn Phúc Âm này, có nói rõ Chúa
Giêsu gọi 12 Tông Đồ lại rồi Người phán dạy. Hình như không có người ngoài, hay
là Chúa Giêsu không có ý trực tiếp nói với người ngoài. Vậy ý chính là nói về
điều kiện của người đáng được đón nhận. MỘT là phải nhân danh
Thiên Chúa, HAI là phải xem như người ta đón nhận chính Chúa
Cứu Thế và Đức Chúa Cha. Nếu không có những điều kiện này, người ta có quyền
không đón nhận mà chẳng mắc lỗi gì. Vậy người môn đệ của Chúa Giêsu, bất cứ lúc
nào, nhất là những lúc đến cùng người ta, phải giữ ý tưởng, tâm tình, đến ngôn
ngữ, cử chỉ, làm thế nào cho người ta nhận mình là người nhân danh Thiên Chúa
mà đến, không phải nhân danh mình hay nhân danh một người nào khác, hay là tổ
quốc chủng tộc của mình. Nói được là phải giữ gìn hết sức mình, làm thế nào cho
kẻ khác nhận được họ đón tiếp Thiên Chúa chứ không phải đón tiếp người ta, mặc
dù mình không thể nào bằng Thiên Chúa hay giống Thiên Chúa hoàn toàn, nhưng
không ai đòi hỏi đến thế. Người ta chỉ có quyền đòi hỏi nơi mỗi con người làm
thế nào để cho họ biết họ là tôi con của Thiên Chúa, đại diện Thiên Chúa mà đến
với họ, đem hạnh phúc đến cho họ, tuyệt đối không tìm danh lợi cho mình. Không
phải chỉ có học mấy năm, có chức phận nào, hay là có biết một vài cách thức lễ
nghi chữ đỏ chữ đen là đủ, nhưng còn phải lưu ý lưu tâm suy nghĩ và tập luyện
đức độ hằng ngày./-
@Thiên
Phong-Trần Minh Đức Bảy
Bài giảng CN25B TN – Lm.
Giuse Đỗ Văn Thụy
Ai muốn làm lớn
Trong ba năm giảng dạy công khai của Chúa Giêsu, các sách
Tin Mừng thuật lại ba lần Chúa Giêsu báo trước cuộc thương khó Ngài phải chịu ở
Giêrusalem. Mỗi lần đều đặt trong một khung cảnh khác nhau và lời loan báo cũng
khác nhau. Nhưng cũng như đại đa số người Do Thái, không hề có ý tưởng về một
vị cứu thế bị đau khổ, bị đóng đinh.
Các tông đồ cũng vậy, không
hiểu và nhất là không muốn tin. Các ông chỉ mường tượng đến một nước trần gian
vật chất, với danh
vọng, uy quyền và giầu
có.
Mỗi lần nghe biết
như vậy Chúa buồn lắm, nhưng Ngài kiên nhẫn cải chính quan niệm sai lầm của các
ông, đồng thời Ngài nhắc lại cho các ông bài học cốt tử mà Ngài đã dạy dưới
nhiều hình thức khác nhau, đó là bài học khiêm nhường và phục vụ.
Cụ thể như bài Tin Mừng hôm nay: ngay sau khi Chúa báo
trước về cuộc khổ nạn của Ngài, các tông đồ không hiểu, lại tranh cãi nhau về
ngôi thứ, cấp bậc. Nhân dịp này Chúa dạy các ông:”Ai muốn làm người đứng đầu,
thì phải làm người rốt hết và phục vụ mọi người.[1]
Khi nói như thế, Chúa Giêsu muốn đảo ngược trật tự thông
thường của phẩm trật nhân loại. Muốn làm đầu thì phải làm cuối mọi người, muốn
chỉ huy thì phải làm “tôi tớ mọi người”.
Nghịch lý này rõ ràng chỉ có ý nghĩa qua tấm gương Chúa
Giêsu biểu lộ qua sứ
mệnh của Ngài. Là Thủ Lãnh, Ngài đã đặt mình vào vị trí rốt hết để phục vụ mọi
người. Và Chúa
Giêsu tin rằng cần phải minh hoạ lời Ngài nói bằng một cử chỉ có ý nghĩa. Ngài
đặt một em bé vào giữa họ rồi ôm lấy em (c.36a). cử chỉ này tạo ra một ảnh
hưởng bất ngờ. Dắt một em bé vào giữa đám môn đệ rồi ôm hôn nó: tất cả điều này
đi ngược với tập tục đương thời. Xã hội thời xưa không quan tâm đến trẻ em.
Thậm chí họ còn thường xua đuổi, khai trừ chúng ra khỏi cộng đồng tôn giáo vì
cho rằng chúng ngu dốt không biết lề luật.
Như thế Chúa Giêsu đã thực hiện hành động phục hồi mang
hai chiều kích: con
người và tôn giáo,
khi Ngài đặt đứa bé – tiêu biểu một hạng người bị khai trừ – vào giữa những bạn hữu Ngài. Và Ngài nhấn
mạnh hành động này bằng một lời nói mang đầy ý
nghĩa (c.37a).
Nhân danh Chúa Giêsu tiếp nhận một đứa trẻ – ở đây tượng
trưng cho kẻ nghèo khó vào mọi kẻ bị khai trừ – chính là tiếp nhận chính Chúa
Giêsu.
Đây là câu trả lời đầy kinh ngạc Chúa Giêsu dùng để đáp
lại câu hỏi mà các môn
đệ tranh cãi nhau trong lúc đi đường: “Ai là kẻ cao trọng nhất?”.
Việc đua đòi danh vọng đã trở nên sỗ sàng đối với những
kẻ bước theo Chúa Giêsu vào lúc Ngài đang đi trên con đường khiêm hạ dẫn đến
đau khổ và cái chết. Trở nên “tôi tớ” mọi người, mở rộng vòng đai khép kín của
Giáo Hội đến tận những kẻ hèn mọn nhất, trơ trụi nhất chính là “sứ vụ” Chúa
Giêsu uỷ thác cho các môn đệ Ngài.[2]
Một hôm, Hồ Khưu Trượng hỏi Tôn Thúc Ngao:
“Có ba điều chuốc oán, ông đã biết chưa?”.
Họ Tôn trả lời: “Tôi chưa được biết”. Trượng Nhân nói:
“Tước vị cao người ta ganh, quyền thế lớn người ta ghét,
lợi lộc nhiều người ta oán”.
Tôn Thúc Ngao lắc đầu nói: “Không phải luôn luôn như thế,
tước vị tôi càng cao tôi càng xử nhún nhường, quyền thế tôi càng lớn tôi càng ở
khiêm cung, lợi lộc tôi càng nhiều tôi càng chia bớt cho những người chung
quanh, như thế thì làm gì bị oán thù của thiên hạ”.
Đức Khổng Tử cũng đã dạy các đồ đệ của ông như vậy.
Một hôm, Khổng Tử tới thăm miếu vua Hoàn Công, thấy một
chiếc lọ đứng nghiêng nghiêng, ngài hỏi, thì người giữ miếu cho biết: “Cái lọ
này là một bảo vật, thuở trước nhà vua thường để bên ngai vàng hầu làm gương”.
Khổng Tử liền hỏi: “Ta vốn nghe đồn nhà vua có một bảo
vật, bỏ không thì nghiêng, đổ nước vào vừa phải thì đứng thẳng, mà đổ nước đầy
thì lại ngã, có phải là vật này chăng?”.
Rồi ngài bảo các đồ đệ múc nước thí nghiệm, thì quả nhiên
đúng như thế.
Bấy
giờ ngài mới trịnh trọng giảng dạy:
“Thông
minh hiểu biết hơn người thì nên giữ bằng cách khiêm cung,
sức
khỏe hơn người thì nên giữ bằng cách nhút nhát,
giàu
có nhiều thì nên giữ bằng cách bố thí và tỏ ra nhún nhường.
Đó là
lối san sẻ bớt đi để khỏi đầy tràn mà sụp đổ vậy”.
Cũng
thế, Chúa Giêsu không những không chấp nhận khuynh hướng xấu của loài người là
muốn thống trị, muốn ăn trên ngồi trước mà Ngài còn đưa ra một đề nghị thật
khác thường: “Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết và phục vụ
mọi người”.
Đó là những điều mà Chúa Giêsu muốn nói với chúng ta trong bài Tin Mừng
hôm nay.