Thứ Hai, 7 tháng 9, 2015

Suy Niệm Phúc Âm Chúa Nhật XXIII TN B

Filled under:

1. Bài Đọc
            “Khi ra khỏi bờ cõi xứ Tia (1), Chúa Giêsu đi qua vùng Siđon để đến biển Galilê, trong khu vực Đêcapon (2). Người ta dẫn đến một kẻ vừa điếc vừa câm, và xin Người đặt tay trên đầu nó. Người đưa nó đi riêng ra khỏi đám dân chúng, đặt ngón tay vào tai nó, và lấy nước miếng thoa vào lưỡi nó. Rồi ngước mắt lên trời, Người thở ra một tiếng và bảo: ‘Êphêta’, nghĩa là ‘Hãy mở ra’. Tức thì tai nó mở ra, và dây cột lưỡi nó tháo gỡ, nó nói được rõ ràng (3). Chúa Giêsu dặn những người ở đó không được nói việc ấy với ai. Nhưng Người càng dặn dò, họ lại càng tuyên bố. Họ đầy lòng thán phục, mới nói với nhau: ‘Người làm mọi sự tốt đẹp, làm cho người điếc nghe được và làm cho người câm nói được”.
 
2. Chú Thích
            (1) Bờ cõi xứ Tia: Sau khi đã cứu một người phụ nữ khiêm tốn (xem XX. Thường Niên A). Tia và Siđon nằm trên bờ biển Địa Trung Hải, phía Bắc Palestine.
            (2) Đêcapon: Có nghĩa ‘Thập thành’ hay ‘Thập tỉnh’, phía bắc xứ Galilê, không thuộc quyền vua Hêrôt.
            (3) Nói được rõ ràng: Có lẽ vì mấy tiếng này, nên có bản không dịch là ‘người câm’, nhưng dịch ‘Nó nói không được rõ ràng’.
 
3. Suy Niệm
            (1) Thấy người vừa điếc vừa câm, Chúa Giêsu thương xót, vì theo luật của Thiên Chúa, người ta sống với nhau, cần phải liên lạc để mưu ích cho nhau, nên có tai để nghe tiếng, mà hiểu ý tưởng và tâm tình của kẻ khác; có miệng nói để bầy tỏ ý tưởng và tâm tình của mình. Hơn nữa, lại còn nghe được âm thanh, biết có tai hại sắp xảy đến để mà tránh, biết có ích lợi nâng cao tinh thần thì lắng mà nghe; miệng nói còn có thể ca hát ngâm vịnh mua vui cho mình và người khác. Người bị điếc và câm phải chịu nhiều điều đau đớn và thiệt thòi. Thiên Chúa đã ban ơn cho người kia được nghe và được nói. Vẫn hay trước kia, anh ta không bị nghe những lời xúc phạm khó chịu, những tiếng xui giục vào đường tội lỗi, không nói những lời hư từ, những câu chuyện mất thời giờ của mình và của người khác. Từ nay, anh ta có thể chịu những điều thiệt hại đó. Chúa Giêsu biết như thế, nhưng vẫn cứu chữa. Vì theo luật của Thiên Chúa, ai có đủ điều kiện, thì Thiên Chúa ban cho có đủ phương tiện để sử dụng, từ các cơ quan thân thể đến các khả năng tinh thần. Còn ai không chịu học tập và giữ gìn để dùng cho có ích lợi, dùng vì yêu thương, lại đem dùng để gây tai hại, dùng vì ý độc ác. Người đó chịu lấy trách nhiệm và hậu quả tai hại. Không nên trách Thiên Chúa ban phương tiện. Trái lại, phải hết lòng tạ ơn Thiên Chúa, vì đó là việc của Thiên Chúa toàn năng và chí minh chí thiện. Có oán trách phàn nàn, chỉ được oán trách phàn nàn những người không biết sử dụng phương tiện, không biết giáo dục và tổ chức, để cho có những điều đau đớn thiệt hại lan truyên trong loài người.
 
            (2) Muốn biết sử dụng thì cần phải có học hỏi, tất là phải có nghe. Tại sao lại có người phải điếc về tinh thần? Nghĩa là những người không biết nghe hay là không được nghe điều chân lý. Không biết nghe, MỘT là vì kiêu ngạo, không muốn nghe những điều trái với ý tưởng và tâm tình của mình. HAI là vì đã bị một lối giáo dục huấn luyện khiến cho mình tin mà không dám suy nghĩ lý luận, không dám nghe điều gì khác với những điều mình học biết xưa nay, khác với truyền thống tiền nhân, hay là không giống vị này vị khác mình nhắm mắt mà tôn kính. BA là vì lười biếng, không muốn tìm biết gì hơn. BỐN là vì hoài nghi, mỗi người nói một cách, không biết nên nghe ai và tin ai. NĂM là vì lý trí kém cỏi, không thể suy tư lý luận. Còn có những chứng bệnh tích cực trong xã hội, là người ta chỉ gieo vào tai kẻ khác những điều sai lầm. Có người vì muốn lợi dụng, có người vì tưởng là xác đáng ích lợi. Nhưng chính người nghe cũng có phần trách nhiệm, vì chính mình điếc về tinh thần. Muốn chữa các chứng bệnh đó, dĩ nhiên cần phải khiêm tốn, tin chắc chính mình và người khác, bất cứ là người có bằng cấp hay địa vị nào, đã làm người thì ai ai cũng có thể sai lầm. Ai cũng phải chịu khó học hỏi và suy nghĩ, cầu nguyện xin Thiên Chúa cho mình biết nghe điều chân lý.
 
            (3) Còn có người không được nghe chân lý, vì có người bị câm tinh thần. Muốn nói mà không chịu nói hay là không được nói. MỘT là vì chán nản, nói cho lắm cho nhiều cũng chẳng mấy ai chịu nghe mình. HAI là vì sợ hãi, không nói giống như người ta thì có thể gây thiệt hại cho mình. BA là vì lười biếng, không muốn nhọc công suy nghĩ, tìm cách thức nói thế nào cho có người chịu nghe. BỐN là vì khả năng kém cỏi, không biết cách thức trình bày. NĂM làvì có những thế lực cấm đoán, hoặc ngờ mình gieo điều sai lầm thiệt hại cho kẻ khác, hoặc vì tin người nghe còn ấu trĩ, chưa đủ sức phân biệt. Dù là nguyên cớ nào, cũng gây nên bệnh câm tinh thần. Thiên Chúa vẫn muốn cho người ta hết điếc và câm, để được nghe và được nói điều chân lý, là điều gây hạnh phúc chân thực vĩnh viễn cho con người. Không những Thiên Chúa ban cho phương tiện lý trí, tâm tình và ý chí tự do. Theo luật của Thiên Chúa, vì những điều kiện về cơ thể và giáo dục tổ chức thế nào, có người được nhiều, có người được ít. Thiên Chúa vẫn tôn trọng định luật của Thiên Chúa. Nhưng vì chí thiện và chí nhân, Thiên Chúa vẫn dùng đủ cách để kêu gọi nhắn nhủ, ai nấy phải làm thế nào, để cho đừng có hay là bớt số người câm và điếc về tinh thần. Nhưng đọc lịch sử, ngay cả cuộc đời của Chúa Cứu Thế dưới đất này, càng thấy rất ít người chịu nghe tiếng Thiên Chúa kêu gọi và thúc giục, ngay trong hàng môn đệ hay tôi con của Thiên Chúa. Có lẽ vì trải qua thời gian, các chứng bệnh tiêu cực và tích cực đã quá nặng, rất khó chữa. Nhưng chính việc của mỗi người còn do thiện chí và còn do tỉnh thức, vẫn phải cầu xin, suy nghĩ, tìm cách thế nào, để làm như những người xưa kia, dẫn người vừa điếc vừa câm đến cùng Thiên Chúa, và tự mình làm thế nào cho chính mình tránh khỏi mắc phải hai bệnh tật này về tinh thần./-
                                             @Thiên Phong-Trần Minh Đức Bảy