VÂNG LỜI THẦY, TÔI XIN THẢ LƯỚI
I. LỜI CHÚA: Lc 5, 1-11
1 Một hôm, Đức Giê-su đang đứng ở bờ hồ Ghen-nê-xa-rét, dân chúng chen lấn nhau đến gần Người để nghe lời Thiên Chúa.2 Người thấy hai chiếc thuyền đậu dọc bờ hồ, còn những người đánh cá thì đã ra khỏi thuyền và đang giặt lưới.3 Đức Giê-su xuống một chiếc thuyền, thuyền đó của ông Si-môn, và Người xin ông chèo thuyền ra xa bờ một chút. Rồi Người ngồi xuống, và từ trên thuyền Người giảng dạy đám đông.
4 Giảng xong, Người bảo ông Si-môn: “Chèo ra chỗ nước sâu mà thả lưới bắt cá.”5 Ông Si-môn đáp: “Thưa Thầy, chúng tôi đã vất vả suốt đêm mà không bắt được gì cả. Nhưng vâng lời Thầy, tôi sẽ thả lưới.”6 Họ đã làm như vậy, và bắt được rất nhiều cá, đến nỗi hầu như rách cả lưới.7 Họ làm hiệu cho các bạn chài trên chiếc thuyền kia đến giúp. Những người này tới, và họ đã đổ lên được hai thuyền đầy cá, đến gần chìm.
8 Thấy vậy, ông Si-môn Phê-rô sấp mặt dưới chân Đức Giê-su và nói: “Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi! “9 Quả vậy, thấy mẻ cá vừa bắt được, ông Si-môn và tất cả những người có mặt ở đó với ông đều kinh ngạc.10 Cả hai người con ông Dê-bê-đê, là Gia-cô-bê và Gio-an, bạn chài với ông Si-môn, cũng kinh ngạc như vậy. Bấy giờ Đức Giê-su bảo ông Si-môn: “Đừng sợ, từ nay anh sẽ là người thu phục người ta.”11 Thế là họ đưa thuyền vào bờ, rồi bỏ hết mọi sự mà theo Người.
(Bản dịch của Nhóm Phiên Dịch CGKPV)
II. SUY NIỆM:
1. Ngài lên thuyền ông Simon
Đám đông chen lấn Đức Giêsu để nghe Lời Thiên Chúa. Chúng ta hãy hình dung ra đám đông và nhận ra rằng con người cần Lời Thiên Chúa biết bao, dù ý thức hay không ý thức. Vì con người, tự bản chất, sống không nguyên bởi bánh (bình diện nhu cầu), nhưng còn bởi Lời Thiên Chúa (bình diện tương quan). Bởi vì Lời Thiên Chúa là Lời ban sự sống; “Lời ban sự sống” là lời tin tưởng, cảm thông, tha thứ, đón nhận, yêu thương. Chúng ta không thể sống, nếu không có những lời này. Và Lời Thiên Chúa làm cho lời của chúng ta trở thành lời “ban sự sống”, giống như Lời Chúa là Lời ban sự sống. Ngược lại là “lời giết chết”, theo kiểu của ma quỉ (nên đọc Hc 28, 13-26, nói về sự “lợi hại” của cái lưỡi). Xin cho chúng ta kinh nghiệm, nơi bản thân mình, Lời Chúa là “lương thực” không thể thiếu đối với sự sống hằng ngày của chúng ta.
Đức Giêsu « đang đứng ở bờ hồ Ghennêxarét » để ban Lời Thiên Chúa cho con người. Chúng ta hay nghĩ Đức Giê-su ngự trên ngai hay trên tòa; nhưng ở đây, Ngài hiện diện thật là bình dị và thật là gần gũi giữa chúng ta. Và Đức Giê-su thích hiện diện ở giữa chúng ta như thế đó: ngay trong môi trường sống của chúng ta, ngay trong cuộc sống bình thường của chúng ta, ngay trong cộng đoàn, môi trường làm việc, ở giữa những vấn đề cuộc sống của chúng ta, và thậm chí, ngay trong lòng của chúng ta, qua Lời của Ngài và bí tích Thánh Thể, được ban cho chúng ta hằng ngày.
Chính vì thế, Ngài bị chen lấn, Ngài thấy hai chiếc thuyền, và Ngài chọn lên thuyền ông Simon, xin ông đưa thuyền ra xa bờ một chút. Lúc ấy, các ngư phủ, trong đó có ông Simon, đang giặt lưới, không biết họ có « nghe Lời Thiên Chúa » như đám đông không. Đức Giêsu hành động cách vô tư vì hoàn cảnh. Tuy nhiên, chúng ta có thể nhận ra đó là cách Đức Giê-su chuẩn bị cho ơn gọi của ông Simon, một cách thức thật lạ lùng ! lạ lùng như mẻ cá lạ sắp diễn ra, nhưng thật tinh tế và kín đáo hơn nhiều.
Ơn gọi của chúng ta cũng được chuẩn bị như thế đấy, thật nhưng không, vì nhiều khi chúng ta cũng đang « giặt lưới », vốn chẳng phải là việc thiêng liêng hay đạo đức gì. Ở khởi đầu, một cách nào đó, Chúa luôn yêu cầu chúng ta làm điều gì đó cho Ngài khởi đi từ điều ngài cần thật sự và từ khả năng trao ban thật sự của chúng ta, như Người ngỏ lời với người Phụ Nữ Samari: “Xin cho tôi chút nước” (Ga 4, 7); nhưng chính là để mời gọi chúng ta đón nhận những gì Ngài sẽ trao ban. Con thuyền của ông Simon, người sẽ là Simon Phêrô trong tương lai. Hình ảnh này gợi cho chúng ta Con Thuyền Giáo Hội, và mỗi người chúng ta đều được trao ban một sứ vụ trên con thuyền này.
2. “Chèo ra chỗ nước sâu…”
Với lời yêu cầu đầu tiên của Đức Giê-su, ông Simon làm theo nhẹ nhàng, không phản ứng gì. Nhưng lời yêu cầu thứ hai này, thì ông không thể không phản ứng, vì quá kì cục. Sau này, Ngài còn yêu cầu nhiều điều kì cục không kém, chẳng hạn Người nói : « Thì anh em cho người ta ăn đi ». Cả đêm, chẳng được gì, lưới lại bẩn, họ đang bỏ công giặt lưới chắc chắn với lòng nặng trĩu, như chính chúng ta từng có những kinh nghiệm tương tự. Hơn nữa, họ chuyên nghiệp hơn Đức Giê-su, bởi vì ông Phê-rô là dân chài, còn Đức Giê-su là dân thợ! Thế mà, Đức Giê-su lại đề nghị đi thả lưới chỗ nước sâu ; ban ngày chỗ nước sâu ở hồ, dường như không dễ bắt được cá. Tuy nhiên, ông Simon trả lời: « Theo lời Thầy, tôi sẽ thả lưới ». Tại sao ông lại chịu thả lưới ? Có điều gì giải thích được không ?
Chúng ta có thể giải thích ở bình diện tâm lí, theo đó, vì nể Thầy mà Simon chịu. Nhưng, có lẽ chúng ta nên hiểu ở bình diện thiêng liêng : lời của Đức Giêsu có sức thu hút, nhưng rất kín đáo, không thể giải thích được. Vì lời của Ngài và ngôi vị của Ngài là một. Ngôi Lời sáng tạo nên chúng ta nên thu hút chúng ta tự trong sâu thẳm, như lúc Đức Giê-su gọi ông Mát-thêu.
“Chèo ra chỗ nước sâu để thả lưới”, là hình ảnh nói lên con đường phải đi của chính Đức Giê-su, của ông Simon và của từng người chúng ta, trong ơn gọi đi theo Đức Ki-tô. Đó là hành trình Vượt Qua: phải ra tận chỗ nước sâu, nơi mà chẳng còn gì để bám víu, nơi có nguy hiểm chết người, nơi mà dường như khó có hi vọng làm được gì, gặt hái được gì, để cho cá bắt được, kết quả có được, là hoàn toàn đến từ Lời Chúa, là ân huệ Chúa ban. Và kết quả này là kết quả “gấp trăm”, là “sự sống mới” lôi kéo và mời gọi nhiều người. Quả thật sau này, Phê-rô sẽ chèo thuyền đi rất xa, và thả lưới chỗ rất sâu; xa và sâu đến độ hi sinh chính sự sống của mình, để cho sự sống mới phát sinh gấp trăm cho đời sau và đời này. Xin cho chúng ta biết liều lĩnh, vâng nghe Lời Chúa, chèo ra chỗ nước sâu mỗi ngày, và nhất là ở những khúc quanh đặc biệt của hành trình đi theo Đức Ki-tô.
3. “Bỏ hết mọi sự mà theo Người”
Chứng kiến mẻ cá, ông Simon sấp mình dưới chân Đức Giê-su và nói : « Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi ». Chúng ta có thể tự hỏi : Tại sao ông Simon lại thú nhận như vậy ?
- Phải chăng, vì nhận ra sự hiện diện thần linh ngang qua mẻ cá lạ, nên ông Simon đã nhớ lại vô số tội mình đã phạm. Đó là mặc cảm tội lỗi làm con người không bình an và không thể mở ra. Chúng ta hay ở trong trường hợp này. Nhưng đó có phải là « tâm tình » của ông Simon không ?
- Hay chính yếu là vì ông đã nghi ngờ lời của Đức Giêsu lúc Ngài mời gọi ông thả lưới.
- Hoặc, ông cảm thấy mình không tương xứng với ân huệ lớn lao vừa nhận được, bất chấp sự bất xứng của ông : ân huệ ban dư tràn bất chấp sự bất xứng, có tên gọi là lòng bao dung (trường hợp người con hoang đàng trong vòng tay cha). Vì chỉ có kinh nghiệm thiết thân về lòng bao dung như vậy, mới giải thích được sự kiện ông bỏ hết tất cả để đi theo Đức Giêsu ; và kinh nghiệm này phải được làm mới lại mỗi ngày trên hành trình đi theo Đức Ki-tô.
Ông Simon xin Đức Giê-su tránh xa, nhưng Ngài không những không tránh xa, mà còn mời gọi ông đi theo Ngài và chia sẻ sứ mạng của Ngài : « Đừng sợ, từ nay anh sẽ là người thu phục người ta ». Theo bản băn Hi-lạp, « đi bắt người ta », để đối lại với nghề nghiệp đi bắt tôm cá (x. Mt 4, 19 ; Mc 1, 17). Cùng một tài năng, nhưng chuyển đổi tượng ! Đức Giêsu không tránh xa Simon, vì chẳng để ý gì đến cái « cảm thức tội lỗi » của ông ; cảm thức này ai cũng có và cần được chữa lành và giải thoát (thay vì duy trì và củng cố) bằng lòng tín thác ; như Đức Giê-su luôn công bố cách long trọng : « Lòng tin của con đã cứu con ».
Lòng tin vào tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa, được thể hiện nơi ngôi vị và Thập Giá của Đức Giê-su, giải thoát chúng ta khỏi mặc cảm tội lỗi, khỏi sự nghi ngờ chết chóc đối với tình yêu và lòng thương xót của Chúa. Và đó chính là sức mạnh cứu độ của lòng tin, được chính Đức Giê-su công bố, chứ không phải là bất cứu điều gì khác, hay điều kiện nào khác.
Lời của Đức Giêsu trấn an Simon và tin tưởng chia sẻ sứ mạng cho ông, trong khi ông còn đầy bất toàn và còn cả một chặng đường dài đầy khó khăn phải đi. Và rồi, dù thánh Phê-rô có ra như thế nào, dù chúng ta có ra như thế nào, Đức Giêsu cũng sẽ nói : « Đừng sợ ». Đức Giê-su sẽ xây dựng Giáo Hội của mình trên đá tảng Phê-rô, nhưng như chúng ta vừa nhận ra và sau này cũng luôn luôn như thế, đá tảng Phê-rô lại dựa vào lòng thương xót.
Lời của Đức Giêsu trấn an Simon và tin tưởng chia sẻ sứ mạng cho ông, trong khi ông còn đầy bất toàn và còn cả một chặng đường dài đầy khó khăn phải đi. Và rồi, dù thánh Phê-rô có ra như thế nào, dù chúng ta có ra như thế nào, Đức Giêsu cũng sẽ nói : « Đừng sợ ». Đức Giê-su sẽ xây dựng Giáo Hội của mình trên đá tảng Phê-rô, nhưng như chúng ta vừa nhận ra và sau này cũng luôn luôn như thế, đá tảng Phê-rô lại dựa vào lòng thương xót.
Ở tận nguồn gốc của ơn gọi, cũng giống như ở tận nguồn gốc của sự sống của loài người và của mỗi người (x. St 1 ; Tv 139), luôn luôn là tình thương nhưng không, lòng thương xót và sự tin tưởng. Và Chính chúng ta có kinh nghiệm này : tại sao Chúa lại chọn con, khi con là một con người như thế ? Đây là một kinh nghiệm nền tảng ; nếu quên, chúng ta khó có thể sống bền vững hay ít là khó có thể sống sung mãn ơn gọi đi theo Đức Ki-tô. Hơn nữa, đây cũng là kinh nghiệm nền tảng cho cách chúng ta thi hành sứ vụ, tất yếu có liên quan đến các tội nhân lớn bé. Sứ vụ của chúng ta là sứ vụ tỏ bày tình yêu nhưng không và lòng thương xót cho mọi người, không trừ người nào, dù đó là ai và ở trong tình trạng. Chúng ta không thể chu toàn sự vụ này, nếu chúng ta không kinh nghiệm sâu thẳm tình yêu và lòng thương xót nơi bản thân, nơi cuộc đời của mình.
Và “Khi đó, đưa thuyền vào bờ, bỏ lại tất cả, họ đi theo Đức Giêsu” (c. 11). « Khi đó », bản dịch Tiếng Việt « Thế là »: đó một thời điểm xác định; hãy nhớ lại thời điểm “khi đó” của hành trình ơn gọi của chúng ta. Tuy nhiên, thời điểm “khi đó” cần được tái hiện lại hàng ngày và nhất là trong những giai đoạn đặc biệt. Đưa thuyền vào bờ: thuyền tượng trưng cho phương tiện làm ăn, hay rộng hơn tượng trưng cho công danh sự nghiệp, thuyền tượng trưng cho cái mà đời mình như phụ thuộc hoàn tòan vào đó. Đưa thuyền vào bờ, nghĩa là sắp xếp lại cẩn thận, rồi…
Và “Khi đó, đưa thuyền vào bờ, bỏ lại tất cả, họ đi theo Đức Giêsu” (c. 11). « Khi đó », bản dịch Tiếng Việt « Thế là »: đó một thời điểm xác định; hãy nhớ lại thời điểm “khi đó” của hành trình ơn gọi của chúng ta. Tuy nhiên, thời điểm “khi đó” cần được tái hiện lại hàng ngày và nhất là trong những giai đoạn đặc biệt. Đưa thuyền vào bờ: thuyền tượng trưng cho phương tiện làm ăn, hay rộng hơn tượng trưng cho công danh sự nghiệp, thuyền tượng trưng cho cái mà đời mình như phụ thuộc hoàn tòan vào đó. Đưa thuyền vào bờ, nghĩa là sắp xếp lại cẩn thận, rồi…
Bỏ lại tất cả: nghĩa là ngoài cái thuyền ra, còn nhiều thứ khác nữa; nhưng nhất là những thứ mà con tim gắn bó nhất. Bỏ lại đàng sau, nhưng nhiều khi những điều này còn hiện diện trong lòng trong trí. Chúng ta đã bỏ rồi, nhưng chắc chắn vẫn còn nhiều điều cần phải bỏ lại.
Nhưng nếu Chúa kêu gọi chúng ta, Ngài sẽ cuốn hút chúng ta, bằng cách ban cho chúng ta sự hiểu biết thâm sâu về Ngài và tình yêu bền vững dành cho Ngài. Như kinh nghiệm của ngôn sứ Giê-rê-mia và của thánh Phao-lô:
Lạy ĐỨC CHÚA, Ngài đã quyến rũ con,
và con đã để cho Ngài quyến rũ.
Ngài mạnh hơn con, và Ngài đã thắng.
Có lần con tự nhủ: “Tôi sẽ không nghĩ đến Người,
cũng chẳng nhân danh Người mà nói nữa.”
Nhưng lời Ngài cứ như ngọn lửa bừng cháy trong tim,
âm ỉ trong xương cốt.
Con nén chịu đến phải hao mòn, nhưng làm sao nén được! (Gr 20, 7 và 9)
và con đã để cho Ngài quyến rũ.
Ngài mạnh hơn con, và Ngài đã thắng.
Có lần con tự nhủ: “Tôi sẽ không nghĩ đến Người,
cũng chẳng nhân danh Người mà nói nữa.”
Nhưng lời Ngài cứ như ngọn lửa bừng cháy trong tim,
âm ỉ trong xương cốt.
Con nén chịu đến phải hao mòn, nhưng làm sao nén được! (Gr 20, 7 và 9)
* * *
Những gì xưa kia tôi cho là có lợi, thì nay, vì Đức Ki-tô, tôi cho là thiệt thòi. Hơn nữa, tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời, là được biết Đức Ki-tô Giê-su, Chúa của tôi. Vì Người, tôi đành mất hết, và tôi coi tất cả như rác, để được Đức Ki-tô và được kết hợp với Người. (Phil 3, 7-8)
Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc