Chủ Nhật, 13 tháng 9, 2015

Bài giảng tại Santa Marta: Chúng ta, kể cả tôi, đều có nguy cơ là những kẻ đạo đức giả

Filled under:

Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng “chúng ta phải rèn luyện để đừng phán xét người khác nếu không tất cả chúng ta, kể cả tôi, đều có nguy cơ trở thành những kẻ đạo đức giả”. Ngài nhấn mạnh rằng chúng ta cần phải có can đảm để thú nhận lỗi lầm của mình ngõ hầu có thể trở nên từ bi đối với người khác. Đức Thánh Cha đã nói như trên trong bài giảng thánh lễ sáng thứ Sáu 11 tháng Chín tại nhà nguyện Santa Marta.

Bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô phản ảnh những giáo huấn của Thánh Phaolô về lòng thương xót, sự tha thứ và sự cần thiết tránh đừng xét đoán người khác. Ngài đặc biệt nhắc đến ân thưởng Chúa dành cho chúng ta khi thực hiện những điều này: Đừng phán xét và anh em sẽ không bị phán xét. Đừng luận phạt và anh em sẽ không bị luận phạt.

Hãy có can đảm để thú nhận lỗi lầm của chính chúng ta

“Nhưng có người nói: ‘Cha nói hay lắm. Nhưng thực tế làm sao thực hiện được, làm sao bắt đầu đây?’ Bước đầu tiên để đi theo con đường này là những gì? Thưa: bước đầu tiên đã được đề cập đến trong bài đọc thứ nhất, và trong Tin Mừng của ngày hôm nay. Bước đầu tiên là thừa nhận lỗi lầm của chúng ta. Hãy can đảm thừa nhận lỗi lầm của mình trước khi buộc tội người khác. Và Thánh Phaolô ca ngợi Chúa vì Ngài đã chọn mình và dâng lời chúc tụng vì “Ngài đã tin tưởng tôi, mặc dù tôi đã từng là một kẻ phạm thánh và là một tên bắt bớ, một tên khủng bố. Nhưng Chúa đã tỏ lòng thương xót tôi.”

Từ vị Giáo Hoàng trở xuống, tất cả chúng ta hãy coi chừng mình là kẻ giả hình 

Trích dẫn lời của Chúa Kitô hãy lấy cái xà ra khỏi con mắt chính mình trước, Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh rằng điều cần thiết là chúng ta thú nhận lỗi lầm của mình trước khi chúng ta có thể thấy rõ ràng ‘để có thể lấy cái rác ra khỏi mắt những người anh em của chúng ta’.

“Chúa Giêsu dùng từ ‘kẻ giả hình, kẻ đạo đức giả’ để chỉ những người hai mặt, với hai lối tư duy. Những người nam nữ không biết thừa nhận lỗi lầm của mình là những kẻ đạo đức giả. Tất cả bọn họ sao? Đúng, tất cả trong số họ: bắt đầu từ Giáo hoàng trở xuống: tất cả trong số họ. Trước một người không có khả năng thừa nhận lỗi lầm, nếu cần thiết, chúng ta phải nói rằng người đó không phải là một Kitô hữu, không phải là một phần của công việc rất đẹp là hòa giải, hòa bình; là sự dịu dàng, hiền lành, tha thứ, rộng lượng và lòng thương xót mà Chúa Giêsu Kitô mang lại cho chúng ta” 

Tiếp tục bài giảng, Đức Thánh Cha khuyên chúng ta nên dừng lại khi chúng ta bị cám dỗ để nói xấu về người khác.

“Khi chúng ta bị cám dỗ để nói với mọi người về những lỗi lầm của người khác, chúng ta phải ngưng chính mình lại. Hãy hỏi chính mình: còn tôi thì sao? Và hãy có can đảm mà Thánh Phaolô đã có, ở đây: ‘Tôi đã từng là một kẻ phạm thánh và là một tên bắt bớ, một tên khủng bố’. Biết bao nhiêu những điều chúng ta có thể nói chính bản thân mình. Hãy kiềm chế đừng bình luận về những người khác và hãy nhận xét về chính mình. Và đây là bước đầu trên con đường hưóng thượng. Bởi vì một người chỉ có thể nhìn thấy những mảnh rác nhỏ mọn trong mắt của người anh em, thì người ấy rơi vào nhỏ nhen với một tâm trí nhỏ mọn, đầy những sự nhỏ nhen, nhảm nhí” 

Đức Thánh Cha Phanxicô đã kết luận bài giảng của ngài với lời nguyện xin Chúa ban cho chúng ta ân sủng để có thể nghe theo lời khuyên của Chúa Giêsu là quảng đại trong sự tha thứ và rộng lượng với lòng thương xót. Ngài nói và thêm rằng một người chưa từng bao giờ và không bao giờ nói xấu về người khác nên được phong thánh ngay lập tức.

Bài giảng tại Santa Marta: Nếu không có khả năng tha thứ chúng ta không thể trở thành các Kitô hữu đích thực
Đặng Tự Do9/11/2015

Lòng Thương Xót, hòa bình và hòa giải là những điều trái ngược với chiến tranh và thù hận là những chủ đề chính trong bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô trong thánh lễ sáng thứ Năm 10 tháng Chín tại nhà nguyện Santa Marta. Ngài đưa ra câu hỏi liệu chúng ta có luôn luôn sẵn sàng đón nhận những ân sủng của bình an mà chúng ta nhận được qua Đức Giêsu và than trách cơ man những cuộc chiến tranh, những phá hoại, thù hận và bạo lực mà chúng ta nhìn thấy và đọc thấy mỗi ngày trên truyền hình và báo chí không.

“Ngày nay có bao nhiêu con người nam nữ làm việc cật lực – rất là cật lực - để sản xuất vũ khí gây chết người, những thứ khí giới cuối cùng tắm trong máu biết bao người dân vô tội. Ngày nay có nhiều cuộc chiến tranh đang diễn ra! Có bao nhiêu những cuộc chiến tranh và có bao nhiêu những kẻ gian ác miệt mài chuẩn bị cho những cuộc chiến đó. Họ chế tạo ra những vũ khí được sử dụng để chống lại người khác, để giết người! Hòa bình giải thoát chúng ta, hòa bình mang đến cho chúng ta cuộc sống, làm cho anh chị em phát triển; còn chiến tranh hủy diệt anh chị em, nó dìm anh chị em xuống”.

Một người không thể tha thứ thì không phải là một Kitô hữu

Tiếp tục bài giảng, Đức Thánh Cha Phanxicô cảnh báo rằng chiến tranh có thể xảy ra dưới nhiều hình thức khác nhau, thậm chí chúng tồn tại “ngay cả trong các cộng đồng Kitô hữu của chúng ta, giữa chúng ta”. Ngài cho biết những ý tưởng chủ yếu mà phụng vụ hôm nay muốn đề cập với chúng ta là sự tha thứ và nhu cầu kiến tạo hòa bình giữa chúng ta với nhau.

“Nếu anh chị em không thể tha thứ, anh chị em không phải là Kitô hữu. Anh chị em có thể là một người đàn ông tốt, một người phụ nữ tốt. ... nhưng anh chị em chưa thực hiện được những ý nguyện của Chúa chúng ta. Hơn nữa, nếu anh chị em không thể tha thứ, anh chị em không nhận được sự bình an của Chúa. Và mỗi ngày khi chúng ta cầu nguyện cùng Cha chúng ta trên trời: ‘Xin tha cho chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con’ thì hãy nhớ rằng đó là một điều kiện. Chúng ta đang cố gắng 'thuyết phục' Thiên Chúa rằng chúng ta là những người tốt lành bằng cách là chúng ta tha thứ cho những người khác. Nếu không phải như thế thì những lời kinh của chúng ta chỉ là những từ ngữ sáo rỗng, phải không? Tôi nhớ đến một bài hát hay: ‘Từ ngữ, từ ngữ, và lại những từ ngữ’ có lẽ anh chị em vẫn thường nghe ca sĩ Mina hát phải không? Hãy tha thứ cho nhau! Như Chúa đã tha thứ cho chúng ta như vậy.”

Đức Thánh Cha cũng đã vinh danh những người nam nữ anh hùng kiên nhẫn vượt lên cơ man những khó khăn và bất công để giúp đỡ gia đình họ. Ngài mô tả họ như những người lành thánh. Nhưng đồng thời, Đức Thánh Cha cũng cảnh báo về những người chuyên nói xấu những người khác để gây ra chiến tranh. Ngài nói điều quan trọng là “cảm thông với tha nhân, chứ không phải là lên án họ.”

Nhắc nhở cộng đoàn rằng Thiên Chúa luôn luôn có lòng thương xót, Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh sự cần thiết là các linh mục phải có lòng thương xót và tha thứ trong tòa giải tội.

“Nếu một linh mục khó có thể thương xót, thì ngài nên nói với giám mục của mình, là người sẽ trao cho vị linh mục ấy một công việc quản trị thích hợp chứ đừng ngồi tòa giải tội nữa! Một linh mục không có lòng thương xót sẽ gây ra rất nhiều tác hại trong tòa giải tội! Ngài hành hạ hối nhân. ‘Không, thưa cha, tôi cũng thương xót đấy chứ nhưng tôi có chút căng thẳng. ...? Thế à, nếu thế thì trước khi đi đến tòa giải tội, cha hãy đến với bác sĩ của cha, là người sẽ cho cha một số thuốc để làm cho cha ít căng thẳng hơn! Nhưng hãy tỏ lòng thương xót! Và anh chị em cũng hãy tỏ lòng thương xót giữa chúng ta với nhau. ‘Nhưng thưa cha, con người này đã gây ra bao nhiêu chuyện. ... Tôi làm sao bây giờ?’ Người đó phạm bao nhiêu tội tày trời hơn tôi nhiều! Ai trong chúng ta dám nói như thế, ai trong chúng ta dám nói rằng người này, người kia nặng tội hơn mình? Không ai trong chúng ta có thể nói điều này! Chỉ có Chúa chúng ta mới biết điều đó mà thôi.”

Đức Thánh Cha đã kêu gọi tất cả chúng ta hãy thể hiện phong cách Kitô giáo là lòng nhân hậu, tử tế và khiêm nhường chứ không phải là kiêu ngạo hay lên án hoặc nói xấu về người khác. Đức Thánh Cha đã kết luận bài giảng với lời nguyện xin Chúa ban cho tất cả chúng ta ân sủng để mang đến những hỗ trợ cho những người khác, để tha thứ và thương xót, như Cha chúng ta trên hằng thương xót đối với mỗi người chúng ta.