Thứ Sáu, 11 tháng 9, 2015

Bài giảng CN 24B TN Lm. Giuse Đỗ Văn Thụy

Filled under:

Người ta bảo Thầy là ai ? Satan hãy lui ra đàng sau Ta (Mt 16,13-20)

Trước khi Đức Giêsu đặt câu hỏi : Anh em bảo Thầy là ai ?
Ngài đã từng làm nhiều phép lạ:
-          Hóa bánh ra nhiều (Mc 6,30-44;8,1-10)
-          Đi trên mặt biển (Mc 6,45-52)
-          Chữa người câm điếc (Mc 7,31-37)
-          Chữa người mù (Mc 8,22-26)
-          Trừ quỷ cho một bé gái (Mc 7,24-30)
Ngài đã dần dần chuẩn bị mọi người cho câu hỏi của ngài:
anh em bảo Thầy là ai ?
Thế mà dân chúng, người thì cho là Gioan Tẩy Giả, kẻ thì cho là Elia, kẻ khác lại cho là một tiên tri nào đó.(Mc 8,28). Cũng may, Phêrô đại diện cho các môn đệ đã trả lời: Thầy là Đấng Kitô (Mc 8,29). Phêrô đã trả lời đúng, nhưng hình ảnh về một Đức Kitô của Phêrô cũng không khác với quan niệm của đám đông : một Đức Kitô oai phong lẫm liệt, bách chiến bách thắng, nên khi Đức Giêsu nói về cuộc khổ nạn, đã làm Phêrô choáng váng. Không biết ông nói gì với Chúa, nhưng chắc chắn đó là những lời can ngăn đầy tình thương yêu chân thành. Phêrô muốn dẫn đường cho Chúa, nhưng Chúa lại muốn đưa Phêrô về đúng chỗ của ông là một môn đệ theo Chúa.
Cũng như Phêrô, tôi muốn chỉ cho Chúa phương cách cứu thế, chứ làm theo kiểu của Chúa thì e rằng chẳng còn ai tin và Ngài sẽ thất bại ê chề.
Cũng như Phêrô, tôi muốn chận Chúa lại, không cho Ngài tiếp tục cuộc hành trình “kỳ quặc” về Giêrusalem. Tôi muốn “dạy” cho Ngài lối đường nên đi. Tôi muốn Ngài rút b
ớt điều kiện cho mọi người cảm thấy nhẹ nhàng; cung cấp bánh ăn, của cải vật chất dư đầy cho người ta theo đông; làm nhiều phép lạ, ảo thuật giựt gân cho dân chúng thích thú.
Nhưng Chúa Giêsu quát lên: “Hỡi Satan, hãy lui ra đàng sau Ta.”
Có hai lần trong đời mình, Chúa Giêsu đã dùng đến chữ “Satan”. Một lần với tên Cám dỗ và lần này với Phêrô. Satan đối nghịch với Thiên Chúa. Satan làm đảo lộn trật tự thế giới. Satan phá hoại chương trình của Thượng Đế nơi con người. Thế nên lời quở mắng “Satan” là lời khiển trách nặng nề nhất.
Nhưng để ý sẽ thấy: trong lần quở mắng tên Cám
Dỗ, Chúa Giêsu bảo nó “hãy cút đi”, Ngài không còn muốn thấy mặt nó nữa; nhưng khi khiển trách Phêrô, Chúa Giêsu lại nói “hãy lui ra sau Ta”. Như thế Ngài vẫn cho người môn đệ cơ hội hoán đổi hướng nhìn và cách đi. Thay vì đi trước và chỉ lối cho Chúa, tôi phải hướng theo và tiếp bước sau Ngài.
Satan không thể bước theo Chúa vì bản chất kiêu ngạo của nó. Nhưng riêng tôi, dù bao vấp phạm lầm lỡ, dù lắm khi sống theo ý mình, hay từng chạ
y theo tiếng gọi của ma quỉ, tôi vẫn được ban cho cơ hội làm lại hành trình của người môn đệ Đức Kitô, dẫu biết rằng không môn đệ chân chính nào của Ngài lại không phải mang thập giá: “Ai muốn đi sau Ta thì hãy chối bỏ mình, hãy vác lấy khổ giá mình và theo Ta” (Mt 16,24).

Quả thật, đây là bài học khó nhất trong các bài học mà Chúa Giêsu muốn hướng dẫn cho các môn đệ. Quả thế, các ông tuyên xưng Chúa Giêsu là Đấng Kitô, nhưng là Đấng Kitô phải chịu trải qua cuộc khổ nạn rồi mới tới vinh quang. Đó là con đường Chúa Giêsu phải đi, là con đường Chúa Cha muốn Chúa đi, nên Người không tránh né.
Quả thật, một bài học không dễ càng chấp nhận. Chính vì vậy, không phải vô tình, trước khi Chúa Giêsu lên Giêrusalem, thì Marcô đã đưa sự kiện Chúa chữa người mù thành Giêricô. Có lẽ Marcô muốn nói rằng cho tới lúc này, các môn đệ vẫn mù và muốn cho các môn đệ và cả chúng ta hãy nhìn vào người mù thành Giêricô này.
Quả thế, đứng trước con đường Chúa đi là con đường thập giá, có lẽ mỗi người chúng ta cũng đui mù một cách nào đó. Chúng ta xin Chúa Giêsu mở mắt chúng ta như đã mở mắt cho người mù thành Giêricô. Chúa hỏi người mù: anh muốn tôi làm gì cho anh. Anh mù đáp: Thưa Thầy, xin cho tôi nhìn thấy được.(Mc 10,51). Khi anh nhìn thấy thì anh đi theo Người trên con đường Người đi (Mc 10,53). Điều đó nói lên rằng, người mù đã trở nên môn đệ của Chúa vì anh đang theo Chúa trên con đường Chúa đi, tức là con đường lên Giêrusalem, con đường lên núi Sọ, con đường khổ giá.
Và thánh Phêrô, sau lời khiển trách của Thầy, đã về lại với chỗ đứng đúng nhất của mình: ông không đòi Chúa theo ý mình, song là vâng theo ý Chúa; ông không dẫn đường cho Chúa nhưng là bước theo dấu chân Ngài. Cao điểm của sự “đi theo” này là việc Phêrô chịu đóng đinh thập giá vì Đức Kitô vào năm 69 AD.