DẤU HIỆU ƠN CỨU ĐỘ
“Như ông Mô-sê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ được giương cao như vậy, để ai tin vào Người thì được sống muôn đời.” (Ga 3,14-15)
Suy niệm: Để chữa lành những người Ít-ra-en ngày xưa trong sa mạc phạm tội kêu trách Thiên Chúa, và bị rắn cắn, Thiên Chúa đã truyền cho ông Mô-sê đúc một con rắn đồng treo lên cao và hễ ai bị rắn cắn mà nhìn lên con rắn ấy thì sẽ được sống. Chúa Giê-su cho biết hình ảnh đó tiên báo về Ngài: Ngài cũng sẽ chịu treo trên cây thập giá để ai tin vào Ngài thì sẽ được cứu. Thiên Chúa có thể có muôn vàn cách cứu độ loài người mà không cần Con Chúa phải đổ máu; thế nhưng Ngài đã dùng phương thế cứu độ bằng thập giá vì đó là cách tối hảo để diễn tả tình yêu vô biên của Chúa dành cho con người: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15,13).
Mời Bạn: Suy tôn thánh giá là suy tôn Đấng yêu thương chúng ta đến nỗi chấp nhận chịu chết trên thập giá để cứu độ chúng ta. Ngày nay người ta rất dị ứng với thập giá. Nhưng đối với những người tin Chúa Ki-tô, thập giá của Ngài lại là vinh quang. Nhờ đó, chúng ta nói được rằng: “Vinh quang của ta là thánh giá Đức Ki-tô. Nơi Người ơn cứu độ của ta, sức sống của ta, phục sinh của ta.” Bạn có sẵn sàng vác thập giá của mình để đi theo làm môn đệ Ngài không?
Sống Lời Chúa: Thực hiện một cử chỉ (hôn kính, bái lạy…) để biểu lộ lòng tôn thờ Thánh giá Chúa Ki-tô.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Ki-tô, hằng ngày chúng con vẫn làm dấu thánh giá trên mình. Chúng con tạ ơn Chúa vì tình yêu cứu độ, và xin Chúa giúp chúng con nối kết thập giá đời mình với thánh giá cứu độ của Chúa.
Sự Chiến Thắng của Thánh Giá
Vào đầu thế kỷ thứ tư, Thánh Helena, mẹ của Hoàng Đế La Mã Constantine, đến Giêrusalem để tìm kiếm các nơi linh thiêng mà Đức Kitô đã từng đặt chân đến. Thánh nữ san bằng Đền Aphrodite (thần Hy Lạp) mà truyền thống cho rằng được xây trên phần mộ của Đấng Cứu Thế, và sau đó Constantine đã xây Đền Mộ Thánh lên trên. Trong cuộc đào xới, các công nhân tìm thấy ba thập giá. Truyền thuyết nói rằng một thập giá được coi là của Đức Giêsu khi thập giá ấy chữa lành một phụ nữ đang hấp hối khi thập giá chạm vào bà.
Ngay sau đó, thập giá ấy trở nên mục tiêu cho sự sùng kính. Vào ngày thứ Sáu Tuần Thánh ở Giêrusalem, theo lời một nhân chứng, thập giá được lấy ra khỏi hộp đựng bằng bạc, và được đặt trên bàn cùng với tấm bảng nhỏ có ghi hàng chữ mà Philatô đã ra lệnh treo trên đầu Đức Giêsu. Sau đó "từng người một đến kính viếng; tất cả đều cúi đầu; trước hết họ dùng trán sau đó dùng mắt để chạm đến thập giá và tấm bảng; và sau khi hôn kính thập giá họ mới lui bước."
Cho đến ngày nay, các Giáo Hội Đông Phương, Công Giáo cũng như Chính Thống Giáo đều cử hành ngày Tôn Kính Thánh Giá vào tháng Chín để kỷ niệm ngày cung hiến Đền Mộ Thánh. Ngày lễ này được du nhập vào niên lịch Tây Phương trong thế kỷ thứ bảy sau khi Hoàng Đế Heraclius khôi phục được thập giá này khỏi tay người Ba Tư mà họ đã chiếm đoạt vào năm 614, trước đó 15 năm. Theo một truyện kể, vị hoàng đế định tự mình vác thập giá ấy vào Giêrusalem, nhưng không thể nào tiến bước được cho đến khi ông cởi bỏ phẩm phục sang trọng vua chúa và trở nên một người nghèo hèn đi chân đất.
Lời Bàn
Ngày nay thập giá là biểu tượng chung cho đức tin Kitô Hữu. Biết bao thế hệ các nghệ nhân đã biến thập giá thành một sản phẩm nghệ thuật để rước hoặc mang trên người như đồ trang sức. Đối với con mắt của các Kitô Hữu tiên khởi, thập giá không đẹp đẽ gì. Nó được dựng bên ngoài các cổng thành, trên đó có treo xác chết như đe dọa bất cứ ai không tuân lệnh nhà cầm quyền La Mã -- kể cả các lạc giáo không chịu thờ cúng các tà thần của người La Mã. Mặc dù các tín hữu đề cập đến thập giá như một khí cụ trong sự cứu chuộc, ít khi thập giá xuất hiện trong nghệ thuật Kitô Giáo cho đến sau khi Constantine ban bố sắc lệnh khoan dung.
Lời Trích
"Thập giá Đức Kitô thật tráng lệ là dường nào! Nó đem lại sự sống chứ không phải cái chết; sự sáng chứ không phải tối tăm; thiên đàng chứ không phải sự mất mát. Đó là mảnh gỗ mà trên đó Chúa Giêsu, như một chiến sĩ cao cả, bị thương tích nơi chân tay và cạnh sườn, nhưng nhờ đó đã chữa lành các thương tích của chúng ta. Cây trái cấm đã tiêu hủy chúng ta, bây giờ một cây khác đem lại sự sống cho chúng ta" (Theodore Studios)