Thứ Sáu, 1 tháng 5, 2020

Giuse trong xóm nhỏ điêu tàn

Filled under:

Giuse trong xóm nhỏ điêu tàn

"Giuse trong xóm nhỏ điêu tàn..."

Có lẽ không một người công giáo Việt Nam nào mà không thuộc nằm lòng bài thánh ca trên đây của cố linh mục Ðạo Minh, dòng thánh Giuse... Tác giả đã sáng tác ca khúc trong giai đoạn đau thương của đất nước giữa hai thập niên 40 - 50 và cũng như thánh Giuse, đã ra đi âm thầm trong một cái chết vô cùng bí ẩn sau ngày thay đổi chế độ.

Lời ca đơn sơ xuất phát từ cuộc sống lam lũ qua mọi thời đại của người Việt Nam. Nhưng tâm tình đó lại càng hợp với hoàn cảnh sống của người Việt Nam hơn bao giờ hết. Với khẩu hiệu lao động là vinh quang... dường như sau năm 1975, người Việt Nam nào cũng đã hơn một lầm mồ hôi nhễ nhại với cây cuốc, cái cày hoặc còng lưng trên chiếc xích lô đạp...

Trong cảnh sống đó, có lẽ ai trong chúng ta cũng cảm thấy gần gũi với thánh Giuse, vị thánh được mệnh danh là người công chính, nhưng đồng thời cũng là con người thinh lặng nhất trong Phúc Âm. Có rất nhiều thứ thinh lặng. Thinh lặng của những người câm điếc, bị trói buộc trong bất lực tự nhiên của mình. Thinh lặng trong cô đơn buồn chán. Thinh lặng trong căm thù oán ghét. Thinh lặng trong khép kín ích kỷ. Thinh lặng trong kiêu hãnh trước đe dọa, thử thách...

Thánh Giuse đã thinh lặng trong tinh thần chấp nhận và chiêm niệm. Trong cuộc sống âm thầm tại Nagiaréth, thánh Giuse đã thinh lặng để chiêm ngưỡng mầu nhiệm nhập thể kỳ diệu trong con người của Chúa Giêsu. Cuộc đời của thánh Giuse đã bắt đầu bằng một giấc mơ để rồi tiếp tục trong một giấc mơ triền miên. Nhưng đây không phải là một giấc mơ của mộng ảo phù du, mà là một giấc mơ trong chiêm niệm về hiện thực...

Trong sự thinh lặng chiêm niệm ấy, từng biến cố nhỏ của cuộc sống đã mang nặng sự hiện diện và tác động của Thiên Chúa.

Hôm nay là ngày lao động Quốc tế. Ngày lao động Quốc tế này gợi lại cả một quá trình tranh đấu của giới thợ thuyền của Âu Châu vào đầu thế kỷ vừa qua. Từ những bất công xã hội, cuộc đấu tranh của giới thợ thuyền đã làm trồi dậy phẩm giá của con người và giá trị của sự cần lao...

Ðối với người Kitô, ngày Quốc tế lao động này gắn liền với con người của Thánh cả Giuse, quan thầy và gương mẫu của giới cần lao. Do đó ngày hôm nay đối với chúng ta phải là một ngày của suy tư và cầu nguyện. Suy tư về ý nghĩa và giá trị những công việc hằng ngày của chúng ta. Cầu nguyện cho mọi người biết nhận ra sự hiện diện và tác động và lời kêu mời của Chúa trong cuộc sống...

(Trích trong ‘Lẽ Sống’ 


SUY NIỆM

 Trước khi tìm hiểu đoạn Tin Mừng hôm nay, chúng ta cần có một cái nhìn xuyên suốt, tổng quát về những gì phụng vụ đã cho chúng ta nghe trong mấy ngày vừa qua. Sau khi Chúa Giêsu làm phép lạ hóa bánh ra nhiều, dân chúng bắt đầu đổ xô đi tìm Người để được ăn mà không phải làm việc. Nhưng từ việc dân chúng đi tìm lương thực vật chất, thì Chúa Giêsu lại hướng lòng trí họ đến Bánh bởi trời là chính Người. Nhưng để có thể nhận lãnh Bánh đem lại sự sống đời đời, thì buộc người ta phải tin vào Người. Nghe nói đến việc phải tin vào Chúa Giêsu, thì dân chúng lại nại đến dấu lạ manna. Họ cho rằng manna đã là một dấu lạ vĩ đại để họ tin vào uy quyền Thiên Chúa, thì bây giờ muốn họ tin, Chúa Giêsu cũng phải làm một dấu lạ nào đó tương tự. Chúa Giêsu lúc đó mới cho họ biết, Manna không thể nào sánh ví được với Bánh trường sinh, bởi vì người ta ăn manna xong rồi cũng chết, còn trong khi đó, kết thúc Tin Mừng hôm qua, Chúa Giêsu khẳng định: “Tôi là Bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn Bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và Bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống”.

Như vậy, từ bánh vật chất, Chúa Giêsu giới thiệu về Bánh ban sự sống. Và lời giảng của Chúa Giêsu đạt tới đỉnh điểm khi Người cho dân chúng biết: Bánh bởi trời chính là thịt của Người, được ban cho thế gian. Lần đầu tiên, từ “thịt” được nhắc đến trong bài giảng này, làm chúng ta liên tưởng tới phần nhập đề của cuốn Tin Mừng thứ tư. Trong đó, thánh Gioan đã viết: “Ngôi lời đã trở nên người phàm”, hoặc bản dịch khác: “Ngôi Lời đã hóa thành nhục thể”. Nghĩa là Ngôi Lời trở thành một con người có xương có thịt. Và hôm nay, Người lại tuyên bố, chính thịt ấy lại được trao ban cho con người như Bánh hằng sống, để khi nhân loại lãnh nhận thì không phải chết nữa.

Người Do Thái đã hoàn toàn hiểu những lời này theo nghĩa đen, nên họ cảm thấy khó chịu, cảm thấy ghê sợ khi nghe nói đến việc ăn thịt và uống máu: “Làm sao ông này có thể cho chúng ta ăn thịt ông ta được?”. Tuy nhiên, chúng ta có thể thông cảm với phản ứng của những người này, bởi vì trước đó, họ chưa bao giờ có khái niệm về Bánh hằng sống, cũng chưa từng nghe nói đến chuyện ăn thịt và uống máu một người nào đó để sống. Còn chúng ta hôm nay đã được nghe về diễn từ này khá nhiều lần, nhất là chúng ta đã hiểu được những lời này trong bối cảnh bữa tiệc ly. Trong đêm đó, khi mời các môn đệ ăn bánh và uống rượu, Chúa Giêsu đã nói: Đây là mình Thầy, đây là máu Thầy.

Như vậy, Tin Mừng theo thánh Gioan không tường thuật việc Chúa Giêsu lập bí tích Thánh Thể, nhưng qua diễn từ về Bánh hằng sống này, đã giải thích cho chúng ta cặn kẽ về ý nghĩa của bí tích Mình Máu Chúa Giêsu. Qua của ăn thức uống bình thường là bánh và rượu, Chúa Giêsu muốn trao cho nhân loại sự sống của chính Người. Ước gì mỗi chúng ta hôm nay tin vững vàng rằng, trong Bí tích Thánh Thể, Chúa vẫn trao ban thịt máu Người và mời gọi chúng ta đến lãnh nhận mỗi ngày, để chúng ta được nuôi dưỡng trong sự sống thần linh và ngày càng lớn lên trong đức tin, đức cậy và đức mến, vì lời Người đã hứa: “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy”.

Con người thường dựa vào khả năng hạn hẹp của mình để giới hạn uy quyền của Thiên Chúa, nghĩa là điều gì con người không làm được, thì họ cho rằng Thiên Chúa cũng bó tay. Như trường hợp của những người Do Thái hôm nay. Khi Chúa Giêsu khẳng định: “Bánh tôi sẽ ban chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống”, thì lập tức, họ nói: “làm sao ông này có thể cho chúng ta ăn thịt ông ta được?”. Nhưng cần nhớ rằng, Thiên Chúa làm được mọi sự, và không có điều gì là không thể đối với Ngài. Bởi đó, khi chưa hiểu những gì Thiên Chúa hứa, thì chúng ta hãy lấy đức tin mà bù lại.

Lạy Chúa Giêsu, nhân loại chúng con đang phải đối diện với những thảm họa của dịch bệnh. Lắm lúc chúng con mất đi niềm tin tưởng và lòng cậy trông vào Chúa. Xin ban thêm đức tin và lòng mến yêu cho chúng con, để chúng con biết chạy đến với Chúa mà hưởng sự sống đích thực từ nơi Chúa, và để chúng con biết đến với những người anh chị em đang đau khổ, hầu có thể góp phần xoa dịu những vết thương lòng cho nhau. Amen.


GKGĐ Giáo Phận Phú Cường