Thứ Tư, 22 tháng 4, 2020

Thứ Tư tuần 2 Phục Sinh ngày 22-4-2020

Filled under:

Thứ Tư tuần 2 Phục Sinh ngày 22-4-2020
Án xử của Thiên Chúa
Cách đây 2.400 năm, triết gia Hy Lạp là Socrate đã bị mang ra toà và bị kết án phải uống thuốc độc vì hai tội: làm sa đoạ giới trẻ bằng những lý thuyết viển vông và tuyên truyền cho các thần minh mới. Bồi thẩm đoàn xét xử Socrate gồm 501 người được tuyển lựa trong số 6000 công dân Athène. Đây là vụ án nổi tiếng nhất của thế kỷ 4.
Vụ án nổi tiếng nhất cuả thế kỷ 20 hẳn phải là vụ án của Hosê Simon, một cầu thủ bầu dục trở thành tài tử kiêm phóng viên truyền hình về thể thao tại Hoa Kỳ. Simson là một người da đen bị cáo buộc đã giết vợ và bạn trai của cô ta. Đã có quá nhiều chứng cớ hiển nhiên, nhưng sau nhiều tháng xét xử, toà vẫn chưa đưa ra được một phán quyết nào. Nhiều người cho rằng với một bồi thẩm đoàn gồm đa số người da đen và nhất là với những luật sư nổi tiếng mà Simson đã bỏ tiền ra thuê, rồi ra anh ta có thể được trắng án. Và quả thực tin giờ chót vừa cho hay toà tuyên bố Simson vô tội và anh được tha bổng.
Nhà hiền triết bị kết án, kẻ sát nhân được tha bổng, bao nhiêu người vô tội bị đầy ải trong các nhà tù. Công lý của con người vốn bất toàn là thế. Chính vì vậy ở thời đại nào, nỗi khao khát công lý trong lòng người vẫn không bao giờ được toả mãn. Người Do Thái thời Chúa Giêsu cũng khao khát công lý: Đấng Cứu Thế mà họ mong đợi sẽ là một quan toà khôn ngoan, có khả năng xoá bỏ bất công, trừng trị kẻ gian ác và tái lập công lý. Các tín hữu tiên khởi phát xuất từ Do thái giáo cũng tiếp tục nuôi dưỡng một niềm mong đợi đó.
Nhưng một cuộc phán xử như thế đã không diễn ra khi Chúa Giêsu đến. Thay cho một quan toà nghiêm khắc, người ta chỉ thấy một vị mục tử tốt lành. Thay cho những phán quyết thẳng thừng, người ta chỉ nghe được những lời tha thứ dịu ngọt. Quả thật như Chúa Giêsu đã giải thích cho Nicôđêmô: Thiên Chúa sai Con Ngài đến thế gian không phải để lên án thế gian, nhưng để thế gian nhờ Con của ngài mà được cứu độ. Chúa Giêsu không xét xử và luận phạt con người. Chính con người tự xét xử mình bằng cách chọn lựa hay khước từ Chúa Giêsu. Mỗi hành động xấu tự nó đã là một bản án cho con người. Sự phán xét do đó không là một biến cố bên ngoài con người, mà chính là thái độ đáp trả của con người với lời mời gọi của Chúa Giêsu. Nếu tôi bước đi trong ánh sáng của Chúa Giêsu, tôi được bình an thư thái; trái lại, khi tôi chọn lựa bóng tối của ích kỷ, thì tôi đã tự ký bản án, tự đày đoạ chính mình rồi.
Thiên đàng, hoả ngục, ngày chung thẩm vốn được thêu dệt bởi biết bao hình ảnh thần thoại. Đó là những thực tại vượt quá sức tưởng tượng của chúng ta. Tuy nhiên, có điều chắc chắn là Thiên đàng, hoả ngục, ngày chung thẩm đều gắn liền với cuộc sống tại thế này. Con người có thể hưởng nếm Thiên đàng ngay từ cuộc sống này khi nó bước đi trong ánh sáng chân lý của Chúa Giêsu. Cũng ngay trong cuộc sống này, mỗi khước từ đối với Ngài đã là một thứ hoả ngục mà con người tự giam mình vào, và ngày chung thẩm cũng đã diễn ra trong con người qua từng chọn lựa của mình.
“Thiên Chúa yêu thương thế gian đến nỗi ban Con Một Ngài. Ngài sai Con Một Ngài đến thế gian không phải để luận phạt thế gian, nhưng để thế gian nhờ Con của Ngài mà được cứu độ”. Đó phải là niềm xác tín thúc đẩy chúng ta luôn sống tin tưởng và yêu thương.
Nguồn: Cầu Nguyện.



Chân Phước Giles ở Assisi (1190-1262)
Ngày 22/04

Chân Phước Giles, một trong các môn đệ của Thánh Phanxicô, là người đơn giản và siêng năng cầu nguyện.
Vào ngày 23 tháng Tư, 1208, một người tá điền tên Giles đã phân phát tài sản cho người nghèo và đi theo Thánh Phanxicô. Trong phần giới thiệu ông Giles, Thánh Phanxicô nói: “Ðây là một người anh em tốt lành mà Thiên Chúa đã gửi đến cho chúng ta! Hãy ngồi vào bàn và ăn mừng.”

Trong thời gian đầu sau khi là một tu sĩ dòng Phanxicô, Thầy Giles tháp tùng Thánh Phanxicô trong nhiều công tác truyền giáo ở chung quanh Assisi, cũng như hành hương đến Rôma, Ðất Thánh và đền nổi tiếng của Thánh Giacôbê ở Compostela, Tây Ban Nha. Vào năm 1219, người đến Tunis để rao giảng cho người Hồi Giáo, nhưng người Kitô Giáo ở đây, sợ rằng người sẽ gây khó khăn cho họ, nên đã đưa người lên thuyền trở về Ý. Sau đó, Thầy Giles làm việc lao động trong vài năm. Vào năm 1234, người di chuyển đến Monte Rapido gần Perugia để theo đuổi đời sống chiêm niệm. Thầy sống ở đây cho đến khi từ trần.

Thầy Giles luôn luôn làm việc để có miếng ăn hàng ngày ngay cả khi người là khách. Có lần khi đang ở nhà một vị hồng y, và buổi sáng hôm ấy trời mưa tầm tã. Vị hồng y vui mừng nghĩ rằng Thầy Giles sẽ không thể nào làm việc lao động được, và thầy sẽ phải nhận lòng bác ái của đức hồng y. Tuy nhiên, người tu sĩ khéo léo này đã đi vào bếp để lau chùi, quét dọn và giúp người đầu bếp chuẩn bị bữa ăn tối!

Khi Thánh Bonaventura đến Perugia, Thầy Giles hỏi thánh nhân rằng, một người ngu dốt có thể yêu mến Thiên Chúa nhiều như một học giả không. Thánh Bonaventura, lúc ấy là một thần học gia nổi tiếng xuất thân từ Ðại Học Balê và là bề trên tổng quyền, trả lời: “Một bà già tầm thường có thể yêu mến Thiên Chúa nhiều hơn là một bậc thầy về thần học.” Ngay lập tức, Thầy Giles chạy đi gặp một bà già và nói, “Bà ơi, dù bà đơn sơ và không có học thức, nhưng nếu bà yêu mến Thiên Chúa thì bà có thể cao trọng hơn cả Bonaventura.”

Ðức Giáo Hoàng Grêgôriô IX, trước đây là Hồng Y Hugolinô và là một người ái mộ Thánh Phanxicô, đã có lần đưa Thầy Giles đến Viterbo để đức giáo hoàng có thể tận mắt chứng kiến sự thánh thiện của thầy. Cả hai bắt đầu nói chuyện về thiên đường, và Thầy Giles đã hai lần rơi vào tình trạng ngất trí trong một thời gian khá lâu. Một lần khác, đức giáo hoàng yêu cầu thầy khuyên bảo về nhiệm vụ của một giáo hoàng. Thầy nói với đức giáo hoàng là “Ngài phải có hai đôi mắt trong linh hồn: một đôi để chiêm ngắm những sự trên trời, và một đôi để nhìn đến những sự dưới đất.” Như đức giáo hoàng và Thánh Bonaventura đồng ý, Thầy Giles là một bậc thầy về đời sống tâm linh. Tập “Lời Vàng của Thầy Giles” đã ghi lại những lời nói đáng nhớ của thầy.

Là một trong những môn đệ tiên khởi của Thánh Phanxicô, Thầy Giles khước từ mọi dễ dãi về kỷ luật trong Quy Luật Thánh Phanxicô. Thầy được phong chân phước năm 1777.

Lời Bàn
Chúng ta được dựng nên với một mục đích. Chân Phước Giles biết rằng mục đích của đời sống chúng ta là sống với Thiên Chúa, và người đã vui vẻ chuẩn bị cho đời sống ấy.

Lời Trích
“Chim chóc trên trời, muông thú dưới đất và cá dưới biển đều thoả mãn khi chúng có đủ thức ăn. Nhưng con người thì không thỏa mãn với những sự trần thế và luôn luôn khao khát những điều khác, do đó hiển nhiên là con người được tạo dựng không chỉ cho chính mình mà còn cho tha nhân. Vì thân xác được tạo dựng là cho linh hồn, và thế giới này được tạo dựng là cho thế giới khác” (Lời Vàng).