Chúa Nhật tuần 3 PHỤC SINH năm A.
"Hai ông đã nhận ra Người lúc bẻ bánh".
Hai môn đệ Emau đã được thầy Giêsu dạy dỗ ba năm ròng rã. Người cũng đã tiên báo về sứ mạng thiên sai của mình, rằng Người phải vượt qua đau khổ mới tới vinh quang. Các ông tưởng mình đã hiểu, đã thuộc bài, nhưng thực ra các ông còn rất mù mờ. Chính khi đụng chuyện, khi mà người ta “đóng đinh Người vào thập giá” các ông mới chưng hửng. Hóa ra các ông chẳng hiểu gì! Thế là như rắn không đầu, các ông chạy tứ tán mỗi người một phương.
Đức Giêsu không chịu bỏ cuộc, Người đồng hành với các ông, trên đường Emmau Người đã giải thích Kinh Thánh cho các ông, rằng: “Đức Kitô chẳng phải chịu khổ hình như thế, rồi mới vào trong vinh quang của Người sao?” (Lc 24,26). Chính lúc nghe Lời Chúa, lòng họ đã bừng cháy lên (c.32), nhất là khi “Người cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra trao cho họ” (c.30) thì họ mới thực sự nhận ra Người, không chỉ bằng con mắt xác thịt mà bằng cả con mắt đức tin.
Vâng, giờ đây họ đã hoàn toàn xác tín rằng cuộc khổ nạn và cái chết của Đức Giêsu là một đêm dài tăm tối mà Người phải vượt qua để bước vào buổi bình minh vinh quang bất diệt. Đau khổ mà Đức Giêsu phải chịu không phải là một tai nạn bất ngờ nhưng là một chương trình cứu độ đầy yêu thương của Thiên Chúa.
Người Kitô hữu chúng ta đã nghe nói về Chúa và cũng được Chúa nói với chúng ta rất nhiều. Nhưng khi cơn gian nan thử thách tới, phong ba bão táp nổi lên, chúng ta mới thấy mình hiểu Chúa quá ít, yêu Chúa chẳng được bao nhiêu. Và niềm tin bắt đầu chao đảo theo con sóng cuộc đời. Như hai môn đệ Emmau, lúc này chúng ta cần phải bám lấy Lời Chúa, như đuốc sáng soi đường, như hải đăng định hướng, giúp chúng ta vượt qua các cơn giông tố.
Cũng đừng quên rằng, chính khi “bẻ bánh” mà hai môn đệ Emmau mới bừng sáng con mắt mà nhận ra Người. Chỉ có bí tích Thánh Thể mới giúp người tín hữu hồi phục sau những cơn giông tố. Chỉ có Bí tích Thánh Thể mới bổ sức cho người tín hữu sau những lần vấp ngã đắng cay. Chỉ có bí tích Thánh Thể mới dẫn đưa chúng ta từ nơi tối tăm sự chết đến miền ánh sáng Phục sinh.
Lạy Chúa, “xin ở lại với chúng con”, vì chúng con rất cần Chúa trong các cơn giông tố cuộc đời. Chúng con không xin Chúa những ơn cao cả, nhưng chỉ xin Chúa luôn hiện diện. Có Chúa, đời chúng con không phải chẳng còn sóng gió, nhưng chắc chắn chúng con sẽ tới bến bình an. Amen.
Ngày 26 tháng 04
THÁNH CLÊTÔ VÀ MACCELLINÔ, GIÁO HOÀNG TỬ ĐẠO
THÁNH CLÊTÔ
(+88)
THÁNH CLÊTÔ VÀ MACCELLINÔ, GIÁO HOÀNG TỬ ĐẠO
THÁNH CLÊTÔ
(+88)
Thánh Clêtô (+88) Rất tiếc rằng lịch sử đã ghi lại rất ít về đời sống cũng như cuộc tử đạo của hai vị Giáo hoàng Clêtô và Marcellinô mà quý danh của các ngài vẫn còn ghi trong phần lễ quy của chúng ta ngày nay. Riêng về Đức Giáo Hoàng Clêtô, lịch sử chỉ để lại mấy dòng sơ lược như sau: Đức Clêtô (còn gọi là Đức Anaclêtô) là một trong những vị Giáo Hoàng của thời Giáo hội sơ khai (thế kỷ I). Ngài thuộc dòng giống người Rôma chính cống. Thân phụ ngài là ông Emilianô cũng là một nhân vâït có thế giá trong xã hội. Đức Clêtô sinh trưởng tại khu phố quý tộc ở Rôma, gần với tư dinh của thượng nghị sĩ Pudentê; đó là nơi mà thánh Tông đồ cả Phêrô xưa đã lưu trú ở đấy ít bữa.
Đức Clêtô cầm quyền cai trị Giáo hội được sáu năm, một tháng và 11 ngày, dưới đời các vua Vespasianô và Titô rồi được phúc tử đạo. Tuân theo lệnh truyền của thánh Phêrô, trong khoảng tháng 12, Đức Clêtô đã truyền chức cho 25 linh mục để bổ nhiệm trông coi địa sở trong thành Rôma. Ngày 26-4 thi hài ngài được mai táng gần bên mộ vị Giáo Hoàng tiên khởi, trong khu Vaticanô. Sau khi ngài từ trần, ngai toà thánh Phêrô phải bỏ trống trong thời gian 20 ngày mới lại có Giáo Hoàng lên thế vị. Đó là mấy dòng rất vắn tắt về tiểu sử của Đức Giáo Hoàng Clêtô. Mong rằng thời gian và những công cuộc khảo cứu sẽ đem lại cho chúng ta nhiều chi tiết mới mẻ và xác thực hơn về đời sống vị thánh Giáo Hoàng.
-o0o-
THÁNH MÁCCELLINÔ
(+304)
Căn cứ vào tài liệu của bộ Giáo Hoàng thư (Liber pontificalis) người ta được biết : Đức Giáo Hoàng Maccenlinô cũng đã mang trong mình huyết thống của người Rôma. Thân phụ ngài là ông Projectô. Ngày 30-6-296, ngài lên ngôi Giáo Hoàng kế vị Đức Caiô băng hà ngày 22-4 năm đó. Những bia tích cổ xưa nhất, mà gần đây các nhà khảo cổ học đã khám phá được, còn cho biết : Đức Máccllinô cai trị Giáo hội được 8 năm, 3 tháng 25 ngày. Trong cuốn lịch sử Giáo hội VII, XXXII, sử gia Êusêbiô cũng đồng ý với ông Têôđôrê (lịch sử Giáo hội I,II), mà công nhận rằng một cơn bách hại đạo đã xẩy ra dưới đời Đức Máccellinô làm Giáo hoàng; và trong những ngày đen tối đó, Đức Máccellinô đã tỏ ra những tư cách xứng đáng của một vị chúa chiên. Ý kiến chung đều công nhận rằng ngài có tử đạo thật, nhưng bằng cách nào, như bị tra tấn, hành hình mà chết, hay chết mòn mỏi vì khổ cực trong lao tù thì không rõ. Các giáo hữu đã xin được xác ngài và mai táng ở chính nơi mà khi còn sinh thời ngài đã sửa soạn dành để cho mình, tức là một nơi thuộc tầng dưới hang toại đạo Priscilla. Ngài được an nghỉ trong một hầm mộ sáng sủa liền với phần mộ của vị tử đạo Crescentiô. Ba lần phong chức cử hành vào tháng 12, ngài đã đặt tay tấn phong cho bốn vị linh mục, hai thầy phụ tế và năm Giám mục để bổ nhiệm coi giữ các giáo đoàn, các địa sở mới thành lập. Trên đây là theo tài liệu trong cuốn Giáo hoàng thư. Thực ra về cuộc tử đạo của Đức Máccellinô, trải qua dòng lịch sử, người ta đã đưa ra nhiều giả thuyết khác nhau. Thế kỷ thứ V, những người theo phái Donatô vì muốn giảm giá vị Giáo Hoàng, nên đã tố cáo ngài một cách gắt gao. Chẳng hạn như Pêtilianô, Giám mục thuộc phái Đônatô ở Côntantinôpôli đã quyết rằng Đức Máccllinô và các linh mục của ngài là Mintiađê, Marcelô. Sylvestrê, trong thời buổi bách đạo đã vứt bỏ Sách Thánh và đốt hương tế thần. Nhưng lời quyết đoán của ông không có những bằng chứng cụ thể và chắc chắn, nên thánh Âutinh đã bác bẻ lại một cách dễ dàng. Tuy nhiên người ta không khỏi ngạc nhiên khi thấy có hai câu chuyện đã dựa theo những điều Pêtiliên đã khởi xuớng mà cho rằng Đức Máccellinô có sa ngã, nhưng ngay sau đó ngài hối hận; ngài đến trình diện trước một cộng đồng có đông các Giám mục, nhưng cộng đồng không muốn xét xử ngài, vì rằng không ai có quyền xét xử ngai Toà thánh Phêrô. Sách Giáo hoàng thư có lẽ cũng chịu ảnh hưởng của những câu chuyện trên đây, nên đã kể lại hai việc sa ngã nhưng lại đã nhấn mạnh nhiều đến sự hối lỗi và đền tội của Đức Giáo Hoàng Máccllinô. Vì thế, các tác giả đã bất đồng ý kiến: có người chủ trương Đức Giáo Hoàng đã sa ngã, kẻ khác lại phản đối và phủ nhận ý kiến trên. Những tác giả gần đây nhận có sự kiện sa ngã, nhưng lại giải thích theo một phương diện khác.
Trước dư luận khác nhau và tương phản ấy, Đức Giáo Hoàng Biển đức XIV nhận thấy cần phải hủy bỏ câu chuyện hoang đường trên, và điều đó Đức Giáo Hoàng Lêô XIII đã thực hiện năm 1883. Vì thế các sử gia hiện thời không còn ngần ngại theo chân tác giả Tillemon mà gạt bỏ ý kiến cho rằng Đức Giáo Hoàng Maccellinô đã sa ngã.