Thứ Hai, 13 tháng 4, 2020

“Cuộc khủng hoảng này chạm đến trong tận sâu thẳm tâm hồn chúng ta”

Filled under:

“Cuộc khủng hoảng này chạm đến trong tận sâu thẳm tâm hồn chúng ta”
 2020-04-09
Ông Pierre-Yves Fux, nhà văn và chuyên gia về tôn giáo, đồng tác giả một quyển sách nói về chuyến đi của Đức Phanxicô đến Genève, Thụy Sĩ. Ông là cựu đại sứ Thụy Sĩ tại Vatican, hiện nay ông là đại sứ Thụy Sĩ tại Chypre, ông sàng lọc khía cạnh thiêng liêng trong cuộc khủng hoảng chúng ta đang trải qua hiện nay. 
Có phải dịch Covid-19 đưa mọi người trở lại với đức tin, như chúng ta thường nghe không? 
Pierre-Yves Fux: Đúng, theo tôi đó là chuyện hiển nhiên dù chúng ta không thể nào khái quát hóa. Phải sống cách ly, phải sống “trong nhà kín” dẫn đến cầu nguyện dù các nghi lễ công cộng bị đình chỉ. Nhiều khía cạnh, nhiều thói quen trong đời sống hàng ngày chúng ta bị đảo lộn, và chính tôi, tôi cảm nhận ngay cả trong đời sống nội tâm của tôi cũng bị đảo lộn. Dù chúng ta thuộc về bất cứ tín ngưỡng nào, cuộc khủng hoảng này sẽ in một dấu ấn mạnh trong cuộc đời chúng ta. Bây giờ các chương trình truyền hình, truyền thanh về các buổi cầu nguyện có số khán, thính giả chưa từng có. Từ ít nhất năm mươi năm nay, chúng ta nói các nhà thờ trống rỗng, bây giờ nhà thờ đóng cửa thì rất nhiều người đang chờ để quay về!
Bây giờ người dân quay về với Chúa, nhưng đó có phải là do phản ứng sợ hãi không?
Phản ứng sợ hãi, sâu thẳm và phi lý, tôi đặc biệt thấy điều này nơi những người hốt hoảng đi mua giấy vệ sinh (cười)! Chúng ta còn lâu mới đi tìm sự cứu rỗi cho tâm hồn! Nhưng đại dịch này làm chúng ta ý thức có một thực tế mà chúng ta thường quên: cái chết đang chờ chúng ta, không phân biệt ai, và có thể đang cận kề. Tổ tiên chúng ta đã diễn tả điều này khi vẽ “điệu nhảy tử thần” trong thời dịch hạch. Chẳng hạn trong hầm hài cốt ở vùng Loèche, Thụy Sĩ có các bộ xương của các giám mục, hoàng tử, các quý công nương, các người ăn mày ... Nhận thức được sự thật này có thể làm cho mọi người suy nghĩ sâu sắc hơn, hoặc sốt sắng hơn, đoàn kết hơn.
Chúng ta có hy vọng phép lạ để sống còn thoát ra khỏi dịch bệnh này không?
Một trong các khía cạnh khủng khiếp của cuộc khủng hoảng này là chúng ta không biết gì nhiều về coronavirus, điều làm cho các nhà cầm quyền phải “khiêm tốn” khi viện đến các cố gắng phi thường, các biện pháp ngoài mọi chuẩn mực. Chúng ta còn lâu mới đạt được các mục đích có thể đo lường được hoặc có được một thỏa hiệp thương thảo. Đúng, chúng ta có thể bắt đầu hy vọng. Nhưng đừng quên: “Giúp mình trước, Trời giúp mình sau!”
“Thờ phượng trong thời gian sợ hãi và bất an là quan trọng .” Đó là xác tín của mục sư Christoph Sigrist, ở Grossmünster, trung tâm thành phố Zurich. Ennio Leanza
Trong thời có bệnh sida, Đức Gioan-Phaolô II đã từ chối trả lời khi có người hỏi ngài có phải đây là vì Chúa phạt không. Bây giờ các nhà lãnh đạo tôn giáo làm sao trả lời cho nạn dịch Covid-19 này?
Bây giờ tôi ít nghe nói đến Chúa phạt, nhưng có một số người cho rằng chúng ta nhận “bài học” sửa phạt của Quả đất do thay đổi khí hậu. Chúng ta có dám nói điều này ở bệnh viện Lombardie quá tải không? Khẩn cấp, đó là cứu mạng sống, đó là siết chặt hàng ngũ. Các nhà lãnh đạo tôn giáo vừa đóng vai người có trách nhiệm xã hội vừa là người cha thiêng liêng, người mang an ủi và mang hy vọng đến cho người dân.
Có phải hơi buồn khi thấy con người của thế kỷ 21, dù có các tiến bộ phi thường của khoa học, đã không phải lúc nào cũng hướng về Chúa như các thời kỳ có nạn dịch hạch không?
Tôi không nghĩ vậy: tiến bộ kỹ thuật không thể và không bao giờ thay thế được trách nhiệm, thay thế được lương tâm. Không có gì là định mệnh, không có gì là thụ đắc. Điều buồn nhất có lẽ là những người đương thời chúng ta không biết đến các bài học của quá khứ, vì lười biếng trí tuệ hay vì kiêu ngạo.
Ông có cầu nguyện không?
Có, mỗi ngày.
Ông cầu nguyện hơn bình thường?
Thường xuyên hơn, lâu hơn và khác hơn. Tôi để ý đến các thực tế khó khăn và nhiều tin nhắn tôi phải giải quyết mỗi ngày. Cách ly cho tôi được yên tĩnh để làm việc nhưng nó cũng thay đổi cái nhìn của tôi về sự việc và về con người.
Linh mục Dominique Fabien Rimaz dâng thánh lễ một mình trước chiếc camera nhỏ ở nhà thờ Chúa Kitô Vua ở Fribourg, ngài đăng trên Facebook và luôn có nhiều người xem. © sedrik nemeth
Có vị thánh đặc biệt nào để chúng ta cầu nguyện khi có đại dịch không?
Một người bạn gởi cho tôi lời cầu xin với Đức Mẹ Cứu rỗi, các tu sĩ Dòng Phanxicô ở Chypre thì cầu nguyện với Thánh Antôn Pađua. Tại nơi chúng tôi ở có nhiều nhà nguyện Thánh Sébastien, thánh tử đạo bị mũi tên đâm, đã được tôn kính trong những lúc có dịch hạch. Hôm qua cũng như hôm nay, các thánh là các bạn, là những người cầu bàu, những tấm gương. Một vài thánh ở bên cạnh người bệnh lây nhiễm, có thể nguy hiểm đến tính mạng của họ như Thánh Roch, giám mục Charles Borromée và nhiều thánh khác. Theo gương họ, ngày nay các người chăm sóc đã hành động như người anh hùng trong các bệnh viện kinh hoàng, họ phải lựa ai được cứu, ai không.
Theo ông, đâu là ý nghĩa của nạn dịch này? Có phải Chúa muốn phạt để con người tin hơn như người thời xưa, như chúng ta thấy họ trong khi bị dịch không?
Cái đẹp của thế giới hay cái đẹp của lòng tốt làm cho con người giữ vững niềm tin hơn là sự kinh hoàng của cái ác! Sự thật tôi không thấy sự trừng phạt trong các lời thóa mạ của các thầy giảng nảy lửa hay trong các tính toán ích kỷ. Đứng trước mối đe dọa không thể hiểu nỗi như đại dịch này, việc đặt câu hỏi để có một phản ứng tốt là chuyện bình thường. Đưa ra một ý nghĩa cho thời cánh chung của coronavirus thì thật vô nghĩa, thay vào đó chúng ta nên gương xem cái gì vẫn còn là thiết yếu, cái gì không.
Chẳng hạn đâu là hành động cụ thể khi ông chủ trì buổi nghi lễ ở vùng Geneva của Dòng Mộ Thánh Giêrusalem?
Các mối liên hệ được củng cố với các thành viên lớn tuổi, những người ở một mình mà chúng ta thấy đâu cũng có. Các bà, các hiệp sĩ của Mộ Thánh tài trợ cho các bệnh viện ở Đất Thánh, bệnh viện mở cho tất cả mọi người và rất cần thiết trong giai đoạn này. Nhưng ai đang nói về tác động của coronavirus ở Bêlem, Gaza, ở Giêrusalem? Hiệp hội xưa cổ này quan tâm và vì không thể đến tại chỗ, họ hành động từ xa và rất hiệu quả. Cũng một cách tương tự, bị cách ly ở nhà và đàng sau máy tính, với một nhóm nhỏ làm việc trực tuyến, tôi mở cửa sứ quán và chúng tôi họp nhau để giúp đồng hương, đôi khi họ ở trong hoàn cảnh khó xử.
Từ ban công, mục sư Jürg Rother, Giáo hội cải cách Zoug nói chuyện với tín hữu trên trang mạng xã hội. Xác tín của mục sư? “Tôi ở đây với giáo dân, chứ không ngược lại .” Geri Born
Bây giờ Giáo hội giải tội từ xa, dâng thánh lễ ảo, Tất cả những chuyện này có thật nghiêm túc không?
Đây không phải là chuyện hoàn toàn mới: kể từ khi có phát minh truyền thanh, phép lành urbi et orbi có thể nhận trực tiếp từ xa! Nếu là bí tích thì sắc lệnh của Vatican chắc chắn là “nghiêm túc”, và thành công của các video truyền trực tiếp cho thấy nó đáp ứng được nhu cầu, tôi nghĩ trong lãnh vực tiếp xúc giữa con người với nhau, internet chỉ là phương tiện dự phòng. Một khi đẩy lui được tai ương thì hơn bao giờ hết, chúng ta cần cần sự hiện diện hữu hình, thực sự ...
Trên các trang trang mạng xã hội, chúng ta thấy nở rộ các lời giải thích về tiên tri, từ Nostradamus đến Fatima. Ông nghỉ gì về những chuyện này?
Các trang mạng xã hội là nơi trút những chuyện khùng điên, như ngày xưa người dân thì thầm trong lỗ tai. Tôi chỉ muốn nói: chúng ta nên tránh các chuyện dị đoan, hoang tưởng, những chuyện chống các biện pháp giữ vệ sinh hoặc khinh miệt các giáo phái.
Điều này không có nghĩa là các lời giải thích của Giáo hội không thuyết phục sao?
Trong một xã hội đang lo âu, các lý thuyết âm mưu, các công thức ma thuật thường hấp dẫn hơn các giải thích hay yêu cầu hợp lý dù nó thuộc về bất cứ môi trường nào – tôn giáo, chính trị, y khoa, vv. Sự bất hợp lý tấn công vào các giải thích sự thật, nhưng nó có thể thắng được bằng sự tín nhiệm và đôi khi bằng anh hùng tính của các người đưa tin.
Đức Phanxicô mà người ta cho ngài đang mất đà có vẻ như đã lấy lại được quyền kiểm soát. Các hình ảnh ngài cầu nguyện ở một Quảng trường Thánh Phêrô trống vắng in hằn trong tâm trí người xem. Nhưng đó là hành vi tâm linh hay chỉ là một loại giao tiếp ‘com’?
Trong năm năm ở Vatican tôi chưa bao giờ thấy chuyện này! Các hình ảnh đẹp khủng khiếp tự chính nó nói lên, cũng như sự thinh lặng lâu dài. Nhưng ngoài cảm xúc, các sự kiện này mang một ý nghĩa: Vatican đưa tượng Đức Bà Cứu rỗi đã được rước kiệu trong thời dịch hạch năm 593 và Cây thánh giá nhiệm mầu đã được rước ở Rôma năm 1522 để xin cứu thành phố khỏi nạn dịch hạch. Đức Giáo hoàng tuyệt vời này đã không nói lời cuối cùng của mình. Là một hành vi thiêng liêng? Tôi tin vậy. Giây phút cầu nguyện nghiêm trọng này trong truyền thống Rôma, với các lời chân thành và trực tiếp theo phong cách của giáo hoàng Bergoglio. Không phải là nói theo giáo điều hay dạy đạo đức, đó là sức nặng của lời và sốc của hình ảnh, như thế ‘com’ giúp cho sứ điệp đến các vùng ngoại vi. Đức Phanxicô không chỉ làm cho người công giáo xúc động. Các người vô thần nói với tôi, giáo hoàng đơn độc trong buổi cầu nguyện vào một buổi chiều trời mưa đã thật sự nói với họ một cái gì.
Đức Phanxicô một mình trên sân trước Đền thờ thánh Phêrô vào một buổi chiều trời mưa trước Quảng trường Thánh Phêrô hoàn toàn trống vắng ngày 27 tháng 3. Một trong các hình ảnh đập mạnh của cuộc khủng hoảng đã làm cho đất nước Ý xính vính. Yara Nardi
Nạn dịch này là bất ngờ từ trời đối với ngài cũng như đối với các tôn giáo khác, phải không?
Ác quỷ! Sự bất hợp lý chúng ta đã thấy khắp nơi từ siêu thị đến tiệm thuốc, đúng không? Các tôn giáo có chỗ đứng của họ. Các nơi hành hương vắng tanh, các đền thánh đóng cửa, Một số buổi hội họp tôn giáo hay thể thao đã là dịp làm lây lan vi-rút, nhưng các người có trách nhiệm đã nhanh chóng có biện pháp phòng ngừa. Việc tín hữu không có thái độ chống đối có phải đó là dấu hiệu của một cuộc sống bên lề không? Tôi không biết. Nhưng căn bệnh đáng nguyền rủa bất ngờ này là dịp cho một sự bùng nổ tôn giáo.
Theo Đức Phanxicô, bảo vệ nền kinh tế thay vì bảo vệ người dân là “cuộc diệt chủng do vi-rút”. Có nên nghe một Trump hay một Bolsonaro không?
Bảo vệ tính ưu việt và phẩm giá con người luôn là một thách thức không dừng khi đứng trước lợi ích vật chất hay ý thức hệ. Từ lâu đã có các tiếng nói kêu gọi vì lợi ích chung như các tổ chức quốc tế ở Genève hay của các nhà lãnh đạo tôn giáo. Rất quan trọng. Một chính sách kinh tế và xã hội tốt là điều cần thiết để đi ra khỏi cuộc khủng hoảng này và phòng ngừa cho các cuộc khủng hoảng khác. Tại Thụy Sĩ chúng tôi hiểu điều này, và chúng tôi ưu tiên bảo vệ sự sống.
Ở khu phố Don Bosco, đông-nam thành phố Rôma, chúa nhật 29 tháng 3, bốn linh mục giáo xứ San Gabriele dâng thánh lễ trên mái nhà. Tiziana Fabi
Cuối cùng, tất cả những điều này sẽ làm cho chúng ta tốt hơn không?
Sẽ có một bản tổng kết và các bài học rút ra cho tương lai: làm tốt hơn, trở nên có trách nhiệm hơn, điều này sẽ có thể đòi hỏi một sự đào sâu về mặt tôn giáo và thiêng liêng. Nhưng tôi nghĩ nó cũng sẽ xảy ra với đời sống xã hội, trong tổ chức tập thể của chúng ta. Hình thức một thay đổi như vậy đã được Đức Phanxicô phác thảo một cách ngôn sứ trong Thông điệp Chúc tụng Chúa Laudato si’, với sứ điệp luân lý, xã hội và môi sinh của ngài.
Các linh mục đặc biệt ở tuyến đầu trong đại dịch, họ ở bên cạnh người bệnh, làm phép quan tài và đôi khi đã phải trả giá bằng chính mạng sống của mình. Điều này có mang lại một động lực mới cho Giáo hội công giáo và có tránh được các tranh luận chẳng hạn như về ấu dâm không?
Như bạn biết, dù tốt hay xấu, chứng từ cá nhân và bằng chứng qua hành động thì rất mạnh để cuốn hút người dân hoặc làm cho họ bỏ đi. Bên cạnh các nhân viên chăm sóc anh hùng, “các bác sĩ tâm hồn” sẵn sàng hy sinh chắc chắn sẽ sửa đổi hình ảnh của giới giáo sĩ. Nhưng họ đã có các người đi trước, ngày 21 thág 6 năm 2018 ở Genève, Đức Phanxicô đã tưởng niệm Thánh Lu-i Gonzague, tu sĩ Dòng Tên qua đời năm 23 tuổi khi săn sóc các bệnh nhân bị dịch hạch ở thành phố Rôma.
Để đáp ứng trong tuần Phục Sinh, giáo xứ Chelmsford, một thành phố nhỏ gần Boston có sáng kiến giải tội sau tay lái ở một bãi đậu xe bên cạnh nhà thờ. Keiko Hiromi qua http://www.imago-images.
Về mặt nhân bản, cuộc khủng hoảng hiện nay dạy và cho chúng ta thấy điều gì một khi chúng ta ra khỏi cuộc khủng hoảng này?
Ngay hôm nay, cuộc khủng hoảng này cho chúng ta thấy sự mong manh và khả năng chịu đựng của con người, cũng như khả năng con người có thể đạt đến điều tốt nhất cũng như rơi vào tồi tệ nhất. Những giây phút này là những giây phút cho thấy tính ích kỷ và lòng dũng cảm, cũng như chuyện ngu xuẫn và thông minh ở mọi mức độ của xã hội, trong môi trường chung quanh chúng ta và trong chính chúng ta. Một khi vượt lên, đại dịch này sẽ có một tác động lớn và lâu dài hơn biến cố ngày 11 tháng 9 cho đến hàng chục năm về sau. Tôi nghĩ điều này sẽ dẫn đến các biến đổi chính trị, tốt hoặc xấu sẽ có ảnh hưởng trên phản ứng của chúng ta đối với sự thay đổi khí hậu. Nhưng nhất là một tai ương lớn như thế này sẽ chạm đến mỗi chúng ta ở mức độ sâu đậm nhất, trong nỗi sợ, trong hy vọng của chúng ta.