Thứ Bảy, 4 tháng 4, 2020

10 vị Thánh với thân xác không tàn rữa theo thời gian

Filled under:



10 VỊ THÁNH VỚI THÂN XÁC KHÔNG TÀN RỮA THEO THỜI GIAN

1. Thánh Bernadette, qua đời năm 1879.
Thánh nữ Bernadette hay Bernadette Soubirous sinh ra tại Lộ Đức, nước Pháp. Thánh nữ đã chứng kiến 18 lần Đức Mẹ hiện ra từ tháng 02 đến tháng 07 năm 1858. Ban đầu, Giáo quyền đã nghi ngờ sự việc này, thế nhưng sau khi điều tra cẩn thận, nhất là trong vụ việc điều tra để phong thánh, Giáo Hội đã công nhận những lần hiện ra đó của Đức Mẹ đối với thánh nữ. Sau khi chết, thân xác của thánh nữ Bernadette còn nguyên vẹn và không bị tàn rữa. Đền thờ Đức mẹ tại Lộ Đức hằng năm vẫn lôi cuốn hàng triệu du khách tới thăm viếng.


2. Thánh Gio-an Vianey, qua đời năm 1859.
Thánh Gio-an Bao-ti-xi-ta Maria Vianey (08.05.1786 – 04.08.1859) là một linh mục người Pháp. Ngài đã trở thành một vị thánh trong Giáo Hội Công Giáo Roma và được đặt làm quan thày của các cha xứ. Ngài thường được gọi bằng tên là “Curé d’Ars” (nghĩa là cha xứ của họ đạo Ars) ngay cả trong tiếng Anh. Ngài được mọi người trên thế giới biết đến vì những công việc mục vụ nổi danh của ngài trong việc làm biến đổi tận căn những tâm hồn của những người thuộc về giáo xứ do ngài coi sóc và cả khu vực lân cận nữa.


3. Thánh Nữ Tê-rê-xa Margaret, qua đời năm 1770


Vào ngày 19.03.1934, Đức Thánh Cha Pi-ô XI đã ghi tên chân phước Tê-rê-xa Margaret vào sổ bộ các thánh của Giáo Hội. Cuộc sống của thánh nữ rất âm thầm. Thánh nữ chết vào ngày 07.03.1770 ở tuổi 22. Trong cuộc sống ngắn ngủi này, thánh nữ đã qua 5 năm sống trong tu viện Cạc-men ở Florence. Thánh nữ không làm những việc gây chú ý hay lớn lao, và danh tiếng cũng chẳng lan rộng trên thế giới. Cuộc sống của thánh nữ rất âm thầm nhưng tỏa hương nhân đức.


4. Thánh Vinh Sơn Phao-lô, qua đời năm 1660
Thánh Vinh Sơn Phao-lô đã học hỏi những môn nhân học tại Dax với Cordeliers và tốt nghiệp thần học tại Toulouse. Ngài chịu chức linh mục vào năm 1600, rồi ở lại Toulouse cho tới khi đến Marseille để nhận quyền thừa kế. Trên đường trở lại Marseille, ngài đã bị bọn cướp Thổ Nhĩ Kỳ bắt cóc và đưa đến Tunis, rồi bán làm nô lệ. Sau khi đã hoán cải được ông chủ trở lại Ki-tô giáo, thánh Vinh sơn Phao-lô được trả tự do vào năm 1607. Ngài trở lại Pháp và làm cha xứ tại một giáo xứ gần Paris.
Năm 1705, Bề trên Tổng Quyền dòng Lazarist đã thỉnh nguyện xin phong thánh cho ngài. Vào ngày 13.08.1729, ngài đã được Đức Thánh Cha Bê-nê-đíc-tô XIII tuyên phong Chân Phước, sau đó được Đức Thánh Cha Clement XII phong Hiển thánh vào ngày 16.06.1737. Năm 1885, Đức Thánh Cha Lê-ô XIII đặt Ngài làm bổn mạng cho dòng nữ Bác Ái.


5. Thánh Silvan, qua đời năm 350
Người ta không biết nhiều về thánh Silvan, ngoại trừ việc ngài chịu tử đạo vì niềm tin. Đã 1.600 năm trôi qua, nhưng thân xác của Ngài vẫn còn được nguyên vẹn.


6. Thánh Nữ Veronica Giuliani, qua đời năm 1727
Thánh nữ Veronica Giuliani (Veronica de Julianis từ 1660 đến 09.07.1727) là một nhà thần bí người Ý. Thánh nữ sinh tại Mercatello ở Duchy thuộc Urbino. Cha mẹ của thánh nữ là ông Phan-xi-cô Giuliana và bà Bernadetta Mancini. Khi lãnh nhận bí tích Rửa tội, thánh nữ được gọi là Ursula. Theo tự điển Bách Khoa Công Giáo, thánh nữ đã có những dấu hiệu thánh thiện ngay từ thưở bé thơ. Truyền thuyết về thánh nữ kể rằng khi mới chỉ 18 tháng, thánh nữ đã mở miệng quở trách chủ tiệm bán hàng ăn bớt về số dầu bằng lời nói sau: “Hãy biết sống công bằng. Thiên Chúa đang nhìn ông đấy”.


7. Thánh Nữ Zita, qua đời năm 1272
Thánh nữ Zita (1212 đến 27.04.1272) là bổn mạng của các tớ nữ và gia nhân. Thánh nữ cũng thường được coi như Đấng giúp người ta tìm lại những chìa khóa bị mất. Thánh nữ thường nói với những người khác rằng lòng mộ đạo sẽ trở thành giả dối nếu như bạn biếng nhác. Ngài luôn coi những công việc của mình như việc do chính Thiên Chúa ủy thác cho, và đồng thời như một việc đền tội. Ngài luôn tuân phục ông bà chủ của mình trong mọi sự như thể đó là điều mà Thiên Chúa muốn thế. Ngài luôn dậy sớm vài giờ trước những người khác trong gia đình và dùng thời gian cho việc cầu nguyện thay vì ngủ như những người khác.


8. Thánh Gioan Bosco, qua đời năm 1888
Thánh Gioan Bosco (16.08.1815 – 31.01.1888) là một linh mục công giáo người Ý, đồng thời cũng là nhà giáo dục, một nhà sư phạm nổi tiếng. Ngài biết đưa những vấn đề tôn giáo vào chính cuộc sống thường ngày với phương pháp Dự Phòng, một phương pháp giáo dục đặt nền trên Tình yêu hơn là Hình phạt.
Ngài đặt công cuộc của ngài dưới sự bảo trợ của thánh Phan-xi-cô Sa-lê, và từ đó những người gia nhập vào Tu Hội của Ngài cũng được gọi là những người Sa-lê-diêng. Ngài là vị thánh được ban tặng tước hiệu “Cha, Thầy, và Bạn của Giới trẻ”


9. Chân Phước Pi-ô IX, qua đời năm 1878
Khi chào đời, Đức Thánh Cha Pi-ô IX (13.05.1792 – 07.02.1878) được đặt tên là Gioan Maria Mastai-Ferretti. Ngài lên ngôi Giáo Hoàng của Giáo Hội Công Giáo Roma trong cuộc bầu chọn Giáo Hoàng vào ngày 16.06.1846 và qua đời vào năm 1878 sau hơn 31 năm trị vì Giáo Hội. Đức Pi-ô IX được chọn như là ứng viên của nhóm tự do và ôn hòa trong Hồng Y đoàn, và lên kế vị Đức Thánh Cha Gregorio XVI, một người được coi là có khuynh hướng bảo thủ.
Lúc đầu, Đức Thánh Cha Pi-ô IX có cảm tình với những cải cách dân chủ và mới mẻ tại Ý và trong Giáo Hội, nhưng dần về sau, Ngài lại có khuynh hướng bảo thủ sau khi Ngài chỉ được coi là một người cai trị tạm thời sau cuộc Cách mạng vào năm 1848.


10. Chân Phước Gioan XXIII, qua đời năm 1963
Đức Thánh Cha Gioan XXIII (tiếng Latinh: Ioannes PP.XXIII; tiếng Ý: Giovanni XXIII) có tên gọi là Angelo Giuseppe Roncalli (25.11.1881 – 03.06.1963), được bầu chọn làm vị Giáo Hoàng thứ 261 của Hội Thánh Công Giáo vào ngày 28.10.1958. Ngài đã triệu tập Công Đồng Chung Vatican II (1962-1965), nhưng không sống cho tới lúc kết thúc công đồng này. Ngài qua đời vào ngày 03.06.1963, tức 2 tháng sau khi Thông điệp Hòa Bình Trên Thế giới (Pacem in Terris) hoàn tất.
Ngài được phong chân phước vào ngày 03.09.2000 cùng với Đức Pi-ô IX.



Văn Chính, SDB (Theo http://donboscoviet.org.vn)