Thứ Năm, 30 tháng 4, 2020

Phút cảm nhận Tin Mừng ngày 30-4-2020

Filled under:

Phút cảm nhận Tin Mừng ngày 30-4-2020
Ta là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ sống đời đời. Và bánh Ta sẽ ban, chính là thịt Ta, để cho thế gian được sống" (Ga 6,51).
Thấm nhuần lời dạy của Chúa Giêsu, đã có nhiều vị thánh sống quên mình. Các vị được ví như những tấm bánh được sẻ chia cho nhiều người, để Thiên Chúa được hiển vinh, Giáo hội được rộng mở.
Người Do thái xưa đã được Thiên Chúa ban Manna hằng ngày để nuôi sống họ. Khi nhắc đến Manna, họ rất hãnh diện. Vì đó là dấu chứng Giavê Thiên Chúa yêu họ. Họ là dân riêng của Ngài.
Những lời nói của Chúa Giêsu, hoàn toàn nói lên sự thật và quan trọng. Mọi người không những phải tin nhận, mà còn phải ăn thịt và uống máu của Chúa để có sự sống đời đời.
Giáo Hội đã trải qua bao thử thách, chống đối, vẫn kiên trì trong niềm tin này: tin vào Lời Chúa và hàng ngày cử hành Thánh Thể để con người được thông phần vào sự sống của Thiên Chúa.
Cảm nhận tin mừng: Chúng con tin vào sự hiện diện của Chúa Giêsu nơi hình bánh và hình rượu, để chúng con yêu mến, tôn thờ, để chúng con đón nhận được sự sống đời đời.
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, Thịt Chúa thật là của ăn, Máu Chúa thật là của uống. Xin cho chúng con biết chạy đến, biết tôn sùng Bí tích Thánh Thể; Bí tích tình yêu, Bí tích đem lại sự sống đời đời cho chúng con. Amen.


Thánh Giáo Hoàng Piô V (1504-1572)
Ngày 30/04

Ðây là vị giáo hoàng mà công việc của người là thi hành nghị quyết của Công Ðồng Tridentinô cách đây bốn thế kỷ. Nếu chúng ta nghĩ các giáo hoàng đương thời phải gặp những khó khăn nào trong việc thi hành nghị quyết của Công Ðồng Vatican II, thì Ðức Piô V lại gặp nhiều khó khăn hơn sau công đồng lịch sử đó.

Ðức Piô V sinh trong một gia đình nghèo ở Bosco, nước Ý. Tên rửa tội là Antôniô Micae và vì gia đình quá nghèo nên cậu phải đi chăn cừu. Trong dịp gặp gỡ hai tu sĩ dòng Ða Minh, vì thấy sự thông minh cũng như nhân đức của cậu, họ đã xin phép gia đình đưa cậu về sống với họ, lúc ấy cậu mới 12 tuổi. Sau một thời gian tu tập, Antôniô Micae được thụ phong linh mục năm 1528, sau đó được bổ nhiệm làm giáo sư triết và thần học ở Genoa. Trong mười sáu năm kế đó, Cha Micae đi khắp các cơ sở của nhà dòng để khuyến khích việc tuân giữ Quy Luật Dòng cách nghiêm nhặt qua lời nói cũng như hành động của người.

Năm 1555, Cha Micae được tấn phong làm Giám Mục của Nepi và Sutri, và năm 1557, người được nâng lên hàng Hồng Y. Năm 1566, Ðức Giáo Hoàng Phaolô IV từ trần và Ðức Hồng Y Micae được chọn làm người kế vị, lấy tên là Piô V.

Trong nhiệm kỳ giáo hoàng của người, 1566 -- 1572, Ðức Piô V phải đối diện với một trách nhiệm thật lớn lao đó là phục hồi một Giáo Hội vụn vỡ và phân tán. Dân Chúa thời ấy bị rúng động bởi sự thối nát của hàng giáo sĩ, bởi cuộc Cải Cách Tin Lành, bởi sự đe dọa xâm lăng thường xuyên của người Thổ Nhĩ Kỳ. Năm 1545, vị giáo hoàng tiền nhiệm triệu tập Công Ðồng Tredentinô nhằm cố giải quyết các vấn đề khẩn trương nói trên. Trong vòng 18 năm, các Giáo Phụ thảo luận, lên án, xác nhận và quyết định trong một chuỗi hành động. Và Công Ðồng kết thúc năm 1563.

Năm 1566, Ðức Piô V lên ngôi giáo hoàng và phải đảm nhận công việc cải cách tức thời do Công Ðồng đưa ra. Người ra lệnh thành lập các chủng viện để huấn luyện các linh mục một cách thích hợp. Người cho công bố sách lễ mới, kinh nhật tụng mới, sách giáo lý mới và thiết lập quy chế giáo lý cho trẻ em. Ðức Piô cương quyết áp dụng kỷ luật đối với những lạm dụng trong Giáo Hội. Người kiên trì phục vụ người nghèo và người đau yếu qua việc xây cất các bệnh viện, cung cấp thực phẩm cho người nghèo đói và lấy tiền quỹ thường để tổ chức tiệc tùng cho đức giáo hoàng mà giúp đỡ các người tân tòng nghèo ở Rôma.

Trong cố gắng cải tổ Giáo Hội và Tòa Thánh Vatican, Ðức Piô gặp sự chống đối mãnh liệt của Nữ Hoàng Elizabeth của Anh và Hoàng Ðế Maximilian II của Rôma. Các khó khăn ở Pháp và Hòa Lan cũng cản trở cho sự hợp nhất Âu Châu để chống với Thổ Nhĩ Kỳ. Mãi đến giây phút cuối cùng người mới có thể tổ chức được một đạo quân và chiến thắng ở Vịnh Lepanto gần Hy Lạp vào tháng Mười 1571.

Sự hoạt động không ngừng của Ðức Piô trong việc canh tân Giáo Hội được dựa trên cá tính của người là một tu sĩ dòng Ða Minh. Người dành nhiều giờ để cầu nguyện với Thiên Chúa, nghiêm nhặt chay tịnh, tự thoái thác những thói quen xa hoa của giáo hoàng thời ấy và trung thành tuân giữ quy luật cũng như tinh thần của Dòng Ða Minh.
Ðức Piô từ trần năm 1572.

Lời Bàn
Trong đời sống cá nhân và trong hành động của các giáo hoàng, cả Ðức Piô V và Phaolô VI đều dẫn dắt gia đình Thiên Chúa trong một tiến trình cải tổ nội bộ nhằm đáp ứng với những thúc giục của Thần Khí trong các Công Ðồng chính yếu. Với sự hăng say và kiên nhẫn, Ðức Piô và Phaolô theo đuổi những thay đổi do các Giáo Phụ trong Công Ðồng đề ra. Cũng như Ðức Piô và Phaolô, chúng ta cũng được mời gọi để liên tục thay đổi tâm hồn và đời sống.

Lời Trích
“Trong đại hội toàn cầu này, trong thời gian và không gian đặc ân này, quá khứ, hiện tại và tương lai như quy tụ lại. Quá khứ: vì ở đây, tụ họp ở địa điểm này, chúng ta có Giáo Hội của Ðức Kitô với truyền thống, lịch sử, các Công Ðồng, các tiến sĩ và các thánh của Giáo Hội; hiện tại: chúng ta đang từ giã nhau để đi vào thế giới ngày nay với những bất hạnh, đau khổ, tội lỗi của nó, nhưng cũng có những thành công, giá trị và đức tính của nó; và tương lai ở đây trong lời kêu gọi khẩn trương của những người dân trên thế giới muốn được công bình hơn, trong ý muốn hòa bình, trong khát khao có ý thức hay vô thức về một đời sống cao đẹp hơn, một đời sống mà Giáo Hội của Ðức Kitô có thể đem lại và muốn trao ban cho họ” (trích từ diễn văn bế mạc Công Ðồng Vatican II của Ðức Giáo Hoàng Phaolô VI).

Posted By Đỗ Lộc Sơn04:22

Thứ Tư, 29 tháng 4, 2020

THỨ TƯ TUẦN III PHỤC SINH - NĂM A NGÀY 29/04/2020

Filled under:

SỐNG ĐỨC TIN CÁCH TRƯỞNG THÀNH (Ga 6, 35-40)

Tin vào Đức Giêsu có nghĩa là đến với Ngài. Không chỉ dừng lại ở đó, mà chúng ta còn được mời gọi đi xa hơn nữa để đón nhận, tức là thông dự vào sự sống thần linh của Ngài bằng việc đón nhận chính Ngài.
Đây cũng chính là lời mời gọi của Đức Giêsu trong bài Tin Mừng hôm nay: “Ai thấy người Con và tin vào người Con, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết" (Ga 6, 40).
Tại sao Đức Giêsu phải tuyên bố như vậy? Thưa, bởi vì Ngài thấy lòng trai dạ đá nơi những người Do thái và họ đi tìm Ngài vì của ăn hư nát chứ không phải là của ăn tinh thần, tức là sự sống đời đời.
Lối sống và lựa chọn của người Do thái khi xưa cũng chính là lối sống và lựa chọn của nhiều người trong chúng ta! Nhiều khi chúng ta sẵn sàng bỏ lễ, bỏ nhà thờ chỉ vì mớ rau, củ hành, củ tỏi, con cá, con tôm, hay cũng có khi chỉ vì một nhu cầu nào đó rất tầm thường mà chúng ta sẵn sàng đánh đổi...!
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta sống đức tin cách trưởng thành. Tức là sống cho Đức Kitô và vì Đức Kitô. Quả thật: “Người ta không chỉ sống nhờ cơm bánh, mà còn nhờ Lời miệng Thiên Chúa phán ra”.
Muốn được như thế, chúng ta phải bỏ qua lối sống thực dụng, phải sống vượt lên trên những gì là vật chất, hẹp hòi, ích kỷ của mình. Có thế, con mắt đức tin của chúng ta mới nhận ra những dấu chỉ thiêng liêng và lý trí của chúng ta mới trong sáng để nhận biết điều gì quan trọng, điều gì thứ yếu.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho ban chúng con ơn khôn ngoan để chúng con biết lựa chọn điều cần thiết cho sự sống đời đời hơn là những thứ chỉ nuôi được thân xác. Xin cho chúng con biết quý trọng Bánh Hằng Sống chính là Thánh Thể Chúa và siêng năng rước Chúa vào trong linh hồn với trọn lòng mến. Amen.


SUY NIỆM

Đức Giêsu nói: “Tất cả những ai thấy Người Con và tin vào Người Con, thì được sống muôn đời”, bởi vì Đức Giêsu là bánh đem lại sự sống. Khi chúng ta thấy và tin vào Người, thì được Người yêu thương và quy tụ lại vào ngày sau hết để sống muôn đời. Sự sống chính là quà tặng vô giá mà Chúa trao ban cho con người. Mà đã là quà tặng thì vô điều kiện từ phía người ban tặng, nhưng có điều kiện từ phía người nhận. Quả thực, quà tặng sự sống này hẳn sẽ không kéo dài muôn đời, nếu không đưa tới sự sống lại “vào ngày sau hết”. Chính sự sống lại, làm cho sự sống của kẻ tin, cả trước và sau khi chết, trở thành sự sống đời đời.

Cuộc sống làm người ở đời chẳng mấy dễ dàng. Con người lúc nào cũng phải đối diện với những vấn đề của cuộc sống: Môi trường sống bị ô nhiễm do bụi, khí thải, tiếng ồn; thiên tai, bão lũ, hạn hán ngày thêm trầm trọng bởi sự biến đổi khí hậu; dịch bệnh đủ loại thỉnh thoảng lại bất ngờ bùng phát ở một nơi nào đó và có nguy cơ lan rộng toàn thế giới; khủng hoảng kinh tế lại càng xô đẩy nhiều người đến chỗ đói nghèo; căng thẳng trong mối quan hệ giữa người với người, ngay trong gia đình. Có những vấn đề riêng tư mà tự mỗi người không sao giải quyết nổi. Con người lúc nào cũng phải vất vả trăn trở trước cuộc sống. 

Vì thế, chúng ta hãy đến với Chúa Giêsu để nhận được sự bảo vệ của Thiên Chúa. Hãy tin vào Người và cùng với Người đi trên con đường gập ghềnh, chúng ta sẽ đến được quê hương vĩnh cửu. Sự sống vĩnh cửu thực ra đã bắt đầu ngay từ đời này, khi chúng ta đến với Đức Giêsu với niềm tin tưởng: “Ai tin vào Người Con, thì được sống muôn đời” (c. 40). Hãy tin tưởng, phó thác vào món quà của Chúa Cha ban tặng là Đức Giêsu, để mỗi người chúng ta cũng trở thành món quà của Đức Giêsu cho thế giới.

Lạy Cha là Đấng giàu lòng thương xót, chúng con tạ ơn Cha vì đã trao ban chính Người Con yêu dấu là Đức Giêsu Kitô cho nhân loại. Nhờ đó, chúng con được tái sinh làm con cái Cha và được nuôi dưỡng bằng Mình Máu thánh Con Cha. Xin cho chúng tin tưởng và phó thác vào Cha, để được Cha cho hưởng sự sống đời đời là hạnh phúc chúng con hằng mong đợi. Amen.

 GKGĐ Giáo Phận Phú Cường

Posted By Đỗ Lộc Sơn04:36

Phút cảm nhận Tin Mừng ngày 29-4-2020

Filled under:

Phút cảm nhận Tin Mừng ngày 29-4-2020
"Ý của Cha Ta là hễ ai thấy Con và tin vào Người thì có sự sống đời đời" (Ga 6, 35-40).
Ngày nay có nhiều người xin ơn như ý. Thử hỏi: Ý Chúa hay ý mình.
Những người Do Thái đã nghe Chúa Giêsu giảng dạy, nhưng họ không tin, thật ra họ đã không hiểu gì. (Do không đọc kinh thánh cựu ước). Nơi họ, họ chỉ nhìn thấy những cái chóng qua, họ tìm kiếm Thiên Chúa không phải vì đã tin Ngài, mà chỉ vì chờ được ăn no nê bằng của ăn hư nát.
Muốn được thấy Chúa Giêsu, muốn tin nhận Ngài, trước tiên người ta cần bỏ đi cái vỏ ích kỷ tham lam của mình. Tránh xa thế giới hẹp hòi của mình.
Chúa Giêsu đã tuyên bố: “Phúc cho những ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa”. Thật vậy, chỉ những tâm hồn trong sạch, nghĩa là biết quên đi cái thế giới ích kỷ, phàm trần mới nhìn thấy Thiên Chúa.
Chúa Giêsu đã đến trần gian, vâng phục và làm theo ý Chúa Cha một cách triệt để. Ngài không một lời kêu trách khi chịu khổ hình thập giá, chịu xỉ nhục, hành hạ và chịu chết…
Lạy Chúa, được sống và cảm nhận được tình Chúa dành cho chúng con là cả một ân phúc lơn lao mà chúng con không sao đáp trả nổi. xin cho chúng con thêm lòng yêu mến Chúa, để chúng con can đảm chấp nhận ý Chúa trong cuộc đời. Amen.


Thánh Catarina ở Siena
    (1347 -- 1380)


    Trong cuộc đời ngắn ngủi, Thánh Catarina đặt trọng tâm vào việc hoàn toàn phó thác cho Ðức Kitô. Ðiều đáng khâm phục về thánh nữ là ngài coi việc phó thác cho Chúa như một mục đích phải đạt được qua thời gian.

    Thánh Catarina, tên thật là Catarina Benincasa, sinh ở Siena và là người con út trong một gia đình có đến 23 người con. Ngay từ khi bảy tuổi, cô đã dâng hiến tâm hồn cho Ðức Kitô. Nơi cô sinh trưởng rất gần San Domenico, trung tâm truyền giáo của Dòng Ða Minh, và khi lớn lên cô bày tỏ ý muốn đi tu, nhưng gia đình lại muốn cô kết hôn. Ðể nói lên ý chí quyết liệt của mình, cô đã cắt tóc và sau cùng, với sự đồng ý của cha mẹ, Catarina gia nhập tổ chức Mantellate, là hội phụ nữ có liên hệ đến Dòng Ða Minh, họ mặc áo dòng nhưng sống ở nhà, phục vụ người nghèo và người đau yếu. Trong vòng hai năm liên tiếp cô không bao giờ rời phòng, trừ khi đi xem lễ và xưng tội, và cũng không nói chuyện với một ai ngoại trừ cha giải tội. Trong thời gian này, Catarina luyện tập tâm linh qua lối sống khắc khổ.

    Sau đó, cô tự phá vỡ đời sống cô độc và bắt đầu hăng say chia sẻ công việc trong nhà, săn sóc người bệnh và giúp đỡ người nghèo. Tuy nhiên cô vẫn dành thời giờ trong thinh lặng và chiêm niệm.

    Dần dà, người ta nhận thấy dường như Catarina đọc được tâm hồn của họ và dân chúng thuộc đủ mọi thành phần -- giầu và nghèo, tu sĩ và giáo dân, thợ thuyền và lính tráng - bắt đầu tuốn đến với cô để được khuyên bảo. Từ đó một tổ chức tông đồ giáo dân được thành hình. Các lá thư của cô, hầu hết là các lời khuyên bảo tinh thần và khuyến khích các người mến mộ, ngày càng được công chúng đón nhận.

    Vì sự hòa đồng với người đời một cách không sợ sệt cũng như lời nói bộc trực và uy quyền của một người hoàn toàn phó thác cho Thiên Chúa, Catarina đã bị dị nghị và dèm pha. Nhưng mọi điều cáo buộc cô đã bị bác bỏ trong Tổng Công Hội Dòng Ða Minh năm 1374.

    Cô có ảnh hưởng rất lớn vì sự thánh thiện hiển nhiên, cũng như vì ảnh hưởng sâu đậm đối với đức giáo hoàng. Cô làm việc không biết mệt trong cuộc thập tự chinh chống với người Thổ Nhĩ Kỳ và trong việc hòa giải thành phố Florence với đức giáo hoàng.

    Cô thành công trong việc thuyết phục Ðức Giáo Hoàng Grêgôriô XI trở về Rôma, nhưng không bao lâu đức giáo hoàng từ trần và Ðức Urbanô VI lên ngôi. Khi cuộc Ðại Ly Giáo bùng nổ, Ðức Urbanô VI mời Catarina đến Rôma, vì đức giáo hoàng cần sự hỗ trợ của cô. Năm 1378, cô đến Rôma và thường xuyên viết thư gửi các nhà lãnh đạo quốc gia và Giáo Hội để bảo vệ cho quyền giáo hoàng của Ðức Urbanô. Hàng ngày, cô đi bộ đến Ðền Thánh Phêrô và cầu nguyện cho sự hiệp nhất.

    Một vài tuần trước khi chết, cô đang cầu nguyện trước một bức khảm ở Ðền Thánh Phêrô, cô trông thấy con thuyền của Thánh Phêrô dường như rời khỏi bức khảm và đậu trên vai của cô. Con thuyền xô cô ngã quỵ và người ta phải khiêng cô về nhà. Catarina hầu như bất toại cho đến khi từ trần, ngày 24 tháng Tư 1380, lúc ấy mới ba mươi ba tuổi.

    Cô được Ðức Giáo Hoàng Piô II phong thánh năm 1461, và được coi là một trong những vị thần nghiệm và văn sĩ linh đạo của Giáo Hội. Vào năm 1970, Ðức Phaolô VI tuyên xưng thánh nữ là Tiến Sĩ Hội Thánh. Thánh Catarina là người phụ nữ thứ hai (sau Thánh Têrêsa ở Avila) được vinh dự này.

    Trong khi các thư của Thánh Catarina thường được coi là cửa ngõ để biết đến con người của ngài, nhưng người ta thường nhắc đến tác phẩm "Ðối Thoại" mà ngài chỉ coi đó là "cuốn sách của tôi," gồm các lời giảng dạy của thánh nữ để lại cho các người mến mộ. Cha Raymond, vị linh hướng của thánh nữ cho biết tác phẩm này ghi lại những lời đối thoại với Thiên Chúa khi ngài ngất trí.

    
    Trích từ NguoiTinHuu.com

Posted By Đỗ Lộc Sơn04:18

Thứ Ba, 28 tháng 4, 2020

28/04 – Thứ Ba tuần 3 Phục Sinh.

Filled under:

Bánh trường sinh.

"Không phải Môsê, mà chính Cha Ta mới ban bánh bởi trời đích thực".


Lời Chúa: Ga 6, 30-35
Khi ấy, đám đông thưa Chúa Giêsu: "Ngài sẽ làm dấu lạ gì để chúng tôi thấy mà tin Ngài? Ngài làm được việc gì? Cha ông chúng tôi đã ăn manna trong sa mạc, như đã chép rằng: "Người đã ban cho họ ăn bánh bởi trời".
Chúa Giêsu đáp: "Thật Ta bảo thật các ngươi, không phải Môsê đã ban cho các ngươi bánh bởi trời, mà chính Cha Ta mới ban cho các ngươi bánh bởi trời đích thực. Vì bánh của Thiên Chúa phải là vật tự trời xuống, và ban sự sống cho thế gian".
Họ liền thưa với Ngài rằng: "Thưa Ngài, xin cho chúng tôi bánh đó luôn mãi".
Chúa Giêsu nói: "Chính Ta là bánh ban sự sống. Ai đến với Ta sẽ không hề đói; ai tin vào Ta sẽ không hề khát bao giờ".

Những người Do thái trong Tin mừng hôm nay là đại biểu của vô số những người không muốn nhìn lên khỏi đáy giếng tăm tối của họ. Dù chứng kiến nhiều phép lạ của Chúa, nhất là đã được Ngài cho ăn no thoả, nhưng cái nhìn của họ không vượt lên khỏi bao tử của họ. Khi Chúa Giêsu cho họ ăn bánh no nê và mời gọi họ đến thứ bánh không hư nát, họ đã chối từ Ngài; đôi mắt họ chỉ dán chặt vào thứ cơm bánh chóng qua; họ chỉ hướng đến cái trước mắt.
Đức tin là một ân ban nhưng không của Thiên Chúa cho con người. Đức tin ấy chính là ánh sáng chiếu dọi vào đáy giếng tăm tối mà con người đã rơi xuống. Đức tin ấy là sức mạnh lôi kéo con người khỏi cái tăm tối ấy. Đức tin ấy cũng chính là cái nhìn về chân trời đầy ánh sáng Thiên Chúa ban cho con người.
Cảm tạ Chúa đã ban cho chúng ta đức tin ấy. Cảm tạ Chúa đã cứu độ vào lôi kéo chúng ta ra khỏi vùng tăm tối của tội lỗi. Xin cho chúng ta được mãi là con người mới với Đức Kitô Phục sinh, được cùng tiến bước với Ngài để luôn sống như Ngài, nhìn đời bằng chính đôi mắt của Ngài và yêu thương bằng chính tình yêu của Ngài.


SUY NIỆM

Chênh lệch giữa các nước giàu và các nước nghèo, thậm chí sự chênh lệch ngay trong cùng một nước, là hiện tượng không thể chối cãi được trong nền văn minh tiêu thụ ngày nay. Nguyên nhân chính của sự chênh lệch ấy chắc chắn là do sự ích kỷ của con người. Càng có, con người càng muốn có thêm và chỉ muốn chiếm giữ riêng cho mình. Do đó, sự giàu có về của cải vật chất không đương nhiên làm cho con người được thêm phong phú.
Qua bài Tin Mừng hôm nay, Giáo Hội mời gọi chúng ta hướng về cùng đích của cuộc sống là chính Chúa, chỉ có Ngài mới đáp ứng được khát vọng thâm sâu của con người. Đám đông những người Do Thái được Chúa Giêsu cho ăn no nê ngày hôm trước, hôm sau lại tìm đến với Người. Chúa Giêsu biết rõ họ đi tìm mình không phải vì đã thấy được ý nghĩa của phép lạ, hoặc để nghe được giáo huấn của Người, nhưng chỉ vì của ăn nuôi thân xác. Chúa Giêsu kêu gọi họ tìm kiếm của ăn vĩnh cửu qua phép lạ nhân bánh và cá ra nhiều.

Thật thế, qua phép lạ ấy, Chúa Giêsu báo trước bánh trường sinh là chính Người. Chúa Giêsu là tấm bánh được bẻ ra để trao ban cho mọi người. Ai tin nhận Người, đón nhận sức sống của Người, người đó cũng sẽ được sống trường sinh. Người đó sẽ tham dự vào chính sự sống của Chúa Giêsu, nghĩa là cũng sẽ trở thành tấm bánh được bẻ ra và trao ban cho người khác. Chỉ có một cuộc sống như thế mới thực đáng sống, vì nó mang lại ý nghĩa đích thực cho cuộc sống con người.

Với năm chiếc bánh và hai con cá, Chúa Giêsu đã nuôi sống một đám đông trên năm ngàn người. Quả thật, Chúa Giêsu chỉ cần nói một lời cũng đủ nuôi sống cả nhân loại, nhưng Người đã không đến như một phù thủy, Người cũng chẳng đến để mang lại bất cứ giải pháp kinh tế nào. Người đến là để trở thành tấm bánh được bẻ ra và trao ban. Ai thực sự ăn tấm bánh ấy, người đó cũng sẽ trở thành tấm bánh được bẻ ra để trao ban cho người khác. Nhân loại thiếu ăn không phải vì thiếu cơm bánh, mà chỉ vì thiếu những tấm lòng quảng đại, thiếu những bàn tay được mở ra và san sẻ cho người khác.

Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn được nuôi sống bằng tấm bánh Giêsu, và cũng xin cho mỗi người chúng con luôn trở nên tấm bánh bẻ ra và trao cho người khác. Amen.



GKGĐ Giáo Phận Phú Cường

Posted By Đỗ Lộc Sơn05:43

Phút cảm nhận Tin Mừng ngày 28-4-2020

Filled under:

Phút cảm nhận Tin Mừng ngày 28-4-2020
Đức Giê-su bảo họ: "Chính tôi là bánh trường sinh. Ai đến với tôi, không hề phải đói; ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ”! (Ga 6,35).
Dân chúng thời Đức Giêsu mới nghe Ngài nói về một thứ bánh mà khi ăn vào không hề phải đói, thế là họ nhao nhao lên xin cho được: “Xin Thầy cho chúng tôi thứ bánh đó luôn mãi”. Đức Giêsu đã thổ lộ cho họ biết: "Chính tôi là Bánh Hằng Sống. Ai đến với Tôi, không hề phải đói; Ai tin vào Tôi, chẳng khát bao giờ".
Chúa Giêsu báo trước bánh trường sinh là Ngài. Ngài chính là tấm bánh được bẻ ra để trao ban cho mọi người, ai tin nhận Ngài, đón nhận sự sống của Ngài, người đó sẽ được trường sinh.
Cảm nhận tin mừng: Chúng con tưởng rằng: chúng con đang sống, cần gì sự sống nào khác nữa. Không! Chúng con đã sai. Cuộc sống của chúng con chỉ là khởi đầu cho cuộc sống mai sau. Vì thế, chúng con cần đến với Chúa qua Thánh Lễ mỗi ngày để tiếp nhận được sự sống thần linh.
Lạy Chúa, chúng con vẫn dự thánh lễ mỗi ngày, vẫn rước Chúa mỗi ngày. Nhưng cuộc sống của chúng con chẳng biến đổi chút nào. xin cho chúng con luôn khao khát Chúa là lương thực nuôi dưỡng đức tin của chúng con, là lương thực dẫn chúng con đến sự sống đời đời. Amen.

Thánh Phêrô Chanel
    (1803 - 1841)

    Bất cứ ai từng làm việc trong cô độc, và cần phải thích ứng tối đa và rất ít cơ hội thành công, đều tìm thấy một tinh thần tương tự nơi Thánh Phêrô Chanel.

    Thánh Phêrô Chanel sinh ở Clet trong giáo phận Belley, nước Pháp. Khi là học sinh tiểu học, ngài đã được thầy giáo chú ý vì sự thông minh và đạo đức. Khi gia nhập đại chủng viện, ngài được sự thương mến và quý trọng của các giáo sư cũng như đồng bạn. Khi là linh mục trẻ, ngài làm hồi sinh một giáo xứ trong khu "tồi tệ" của thành phố chỉ sau ba năm hoạt động. Tuy nhiên ngài vẫn muốn trở thành nhà truyền giáo, do đó lúc 28 tuổi ngài gia nhập Dòng Ðức Mẹ, là tu hội chú trọng đến công việc truyền giáo ở trong và ngoài nước. Nhưng, trái với điều mong ước, ngài lại được chỉ định công việc dạy học ở đại chủng viện Belley trong vòng năm năm kế đó, và ngài thi hành nhiệm vụ ấy với tất cả nhiệt thành.

    Vào năm 1836, nhà dòng được giao cho vùng New Hebrides ở Thái Bình Dương để truyền giáo, và Cha Phêrô thật vui sướng được bổ nhiệm là bề trên của nhóm truyền giáo, tuy nhỏ nhưng hăng say rao giảng Ðức Tin cho dân cư trên đảo.

    Sau mười tháng lênh đênh trên biển, họ đã cập bến và tách ra làm hai nhóm, và nhóm của Cha Phêrô thì đến Ðảo Futuna với hai người phụ tá, gồm một thầy dòng và một giáo dân người Anh. Khi ấy dân cư trên đảo còn trong tình trạng bán khai mà lệnh cấm ăn thịt người chỉ vừa mới được ban hành. Lúc đầu các vị truyền giáo được người bản xứ và tù trưởng Niuliki tiếp đón niềm nở. Tuy nhiên, khi các ngài càng ngày càng sành sõi tiếng địa phương và càng được dân chúng tin tưởng thì ông tù trưởng cảm thấy ghen tức và lo sợ; ông thấy rằng việc chấp nhận đức tin Công Giáo sẽ đưa đến sự bãi bỏ một số đặc quyền mà ông đang được hưởng, với tư cách của một thượng tế và vừa là người cầm quyền. Sau cùng, khi chính con trai ông bày tỏ lòng ước ao muốn được rửa tội, sự căm thù của ông bùng nổ và ông sai các chiến sĩ của ông đi bắt vị trưởng nhóm truyền giáo. Do đó, ngày 28 tháng Tư 1841, Cha Phêrô bị bắt và bị đánh đập cho đến chết bởi những người mà ngài muốn cứu vớt linh hồn họ.

    Chỉ trong vòng hai năm sau cái chết của ngài, mọi người trên đảo đều theo đạo Công Giáo và vẫn trung thành với đức tin ấy cho đến ngày nay. Cha Phêrô Chanel là vị tử đạo đầu tiên ở Ðại Dương Châu và là quan thầy của châu này.

    Lời Bàn

    Chịu đau khổ vì Ðức Kitô có nghĩa sự đau khổ vì muốn trở nên giống như Ðức Kitô. Thường thường chúng ta bị chống đối là vì hậu quả của sự ích kỷ và thiếu khôn ngoan. Chúng ta không phải là người tử đạo khi bị "bạc đãi" bởi những người đã đối xử với chúng ta y như chúng ta đối xử với họ. Một vị tử đạo Kitô Giáo là người, giống như Ðức Kitô, chỉ đơn giản làm chứng cho tình yêu Thiên Chúa, và sống thật với chính mình.


    Lời Trích

    "Không ai là vị tử đạo chỉ vì một quyết định, không ai là vị tử đạo vì một ý kiến; chính đức tin tạo nên vị tử đạo" (Ðức Hồng Y Newman, Bài Diễn Văn cho Các Giáo Ðoàn Hỗn Hợp)

    
    Trích từ NguoiTinHuu.com

Posted By Đỗ Lộc Sơn04:45

Thứ Hai, 27 tháng 4, 2020

Phút cảm nhận Tin Mừng ngày 27-4-2020

Filled under:

Phút cảm nhận Tin Mừng ngày 27-4-2020
“Các ông hãy ra công làm việc không phải vì lương thực mau hư nát, nhưng để có lương thực thường tồn đem lại phúc trường sinh, là thứ lương thực Con Người sẽ ban cho các ông.” (Ga 6,27).
Bài Tin Mừng hôm nay tường thuật việc một số người đi tìm Đức Giêsu. Khi tìm được rồi, họ có ý trách Ngài. Họ đi tìm Ngài không phải để lắng nghe những lời giáo huấn nhưng để được ăn no về thân xác. Chúa Giêsu đến thế gian đễ đem lại hạnh phúc cho con người; không phải là thứ hạnh phúc chóng qua, nhưng là hạnh phúc vững bền là nhận biết Thiên Chúa và tình yêu của Ngài.
Cảm nhận Tin Mừng: Ngày nay chúng con được Chúa ban cho vật chất khá đầy đủ, vậy mà chúng con còn lo tích cóp, không màng chi đến lời giáo huấn của Chúa. Thử hỏi: chúng con đã dành bao nhiêu thời giờ cho cuộc sống vĩnh cửu?
Lạy Chúa, lời Chúa dạy chúng con hôm nay làm chúng con giật mình về sự vô ý thức của chúng con. Xin cho chúng con nhận biết đúng đắn về đời sống là để chuẩn bị cho cuộc sống mai sau, là biết tìm vinh danh Chúa và tình thương cứu độ của Người. Amen.


Ngày 27 tháng 04
THÁNH PRIMÔ VÀ THÁNH FÊLICIANÔ TỬ ĐẠO
(+286)
Nghe theo lời xúc xiểm của con rể là Galêriô (Galère), Hoàng đế Điôclêtianô ban hành sắc dụ cấm đạo công giáo, mở đầu cho một cuộc bách hại đẫm máu. Có thể nói đây là một cuộc tàn sát dữ dội nhất đã giết hại không biết bao nhiêu mạng người, đến nỗi, người ta đã gọi thời kỳ này (năm 303-311) là kỷ nguyên của các thánh tử đạo.
Trong những ngày u ám đó, Giáo hội phải đau đớn hầu như đứt ruột khi nhìn đoàn con đông đảo của mình ngã gục trên vũng máu, nhưng cũng hiên ngang sung sướng vì đó là những giòng máu vinh quang đã làm cho danh Chúa được rạng rỡ và Giáo hội được trưởng thành, vững mạnh.
Hai thánh Primô và Fêlicianô, mà Giáo hội kính nhớ hôm nay, cũng là những chiến sĩ anh hùng đã đổ máu để minh chứng đạo Chúa, dưới thời cấm cách của Hoàng đế Điôclêtianô.
Một điều đáng tiếc là rất ít tài liệu nói rõ về thân thế hai thánh nhân. Theo cuốn "Hạnh các thánh" viết vào thế kỷ V, người ta được biết, hai thánh Primô và Fêlicianô đều là công dân Rôma, xuất thân từ một gia đình trung lưu và là anh em với nhau. Hai người luôn có một đời sống hăng hái thi đua làm việc phúc thiện. Từ những nơi công trường cho đến những chốn hẻo lánh xa xôi, hay trong hang cùng ngõ hẻm, người ta thường thấy hai anh em Primô và Fêlicianô lui tới để giảng Tin mừng, thăm viếng những người bệnh tật, hoặc làm phúc bố thí cho những người nghèo khổ.
Gặp thời kỳ cấm cách, hai người vẫn không giảm lòng hăng hái. Đôi lần vì cuộc truy nã quá gắt gao, Primô và Fêlicianô đã phải thực hiện lời Chúa căn dặn các tông đồ xưa: Khi người ta lùng bắt các con ở thành này, chúng con hãy lẩn trốn sang thành khác. Nhưng rồi cơn giông tố bách hại phũ phàng ngày càng đè nặng trên người có đạo công giáo. Đâu đâu người ta cũng thi nhau vạch mặt chỉ tên dân Chúa. Không bao lâu sau hai anh em Primô và Fêlicianô bị các thầy sãi tố cáo và hai người đã bị tống giam tức khắc theo lệnh của Hoàng đế Điôclêtianô. Nhưng đêm đêm sứ thần Chúa hiện xuống mở cửa ngục để giải thoát cho hai người.
Trở về, anh em Primô và Fêlicianô lại tiếp tục công việc rao truyền danh Chúa và thi hành bác ái, với một lòng phấn chấn và hăng hái hơn trước, vì các ngài biết rằng ngày giờ của mình chưa kết liễu và, chỉ khi nào Chúa cho phép, thì kẻ thù mới có thể hãm hại được con cái Người mà thôi.
Ít lâu sau hai anh em Primô và Fêlicianô lại bị bắt nộp cho quan tổng trấn là một người độc ác lại có nhiều mưu lược. Sau nhiều cuộc chất vấn, khảo hạch, hành hình, đều vô hiệu, ông liền dùng đến kế ly gián, nghĩa là giam mỗi người một nơi và tra vấn riêng từng người; ông hy vọng như vậy sẽ có thể đánh đổ được lòng trung kiên của họ một cách dễ dàng. Tiên vàn ông cho đòi Fêlicianô đến và dụ dỗ, nạt nộ, nhưng rồi vẫn không thâu lượm được kết quả nào, vì Fêlicianô một mực trung thành thà chết chẳng thà chối Chúa. Trong khi đó tại ngục thất tối om, Primô được sứ thần Thiên Chúa hiện đến an ủi và khích lệ theo gương can đảm của anh mình. Hôm sau tổng trấn cho gọi Primô đến và nói với giọng quả quyết: "Này Primô, ta khen cho anh ngươi đã biết xử sự khôn ngoan, anh ngươi đã tuân lệnh Hoàng đế rồi, và bây giờ được vua ban thưởng cho giầu sang phú quý lắm. Primô còn đợi gì mà không theo gương của anh mình đi". - Primô đáp lại cũng không kém phần quả quyết: "Thưa quan, quan đừng hy vọng lừa bịp tôi, thiên thần Chúa đã cho tôi biết anh tôi thế nào rồi. Ước gì tôi được thông phần đau khổ và chịu tử đạo cùng với anh tôi!". Không nén nổi bực tức, quan tổng trấn liền kết án hai người cho sư tử ăn thịt. Nhưng những con thú dữ thay vì nhẩy bổ vào xé xác hai người thì lại như quên bản tính hung hăng tự nhiên của chúng; chúng hiền từ đến quấn quít rồi nằm gọn dưới chân hai đấng thánh. Cuối cùng quan đành phải hạ lệnh trảm quyết hai người anh em, mà những cuộc tra tấn hành hình đã không làm chia rẽ nổi, thì lúc này cùng giắt tay nhau lên hưởng cùng một vinh quang và hạnh phúc trên trời.
Khi cuộc bắt đạo chấm dứt, các tín hữu công giáo lũ lượt tới viếng mộ hai thánh Primô và Fêlicianô mỗi ngày một đông. Thế kỷ thứ V, mộ các ngài thành một nơi hành hương sầm uất. Sang thế kỷ VI, khi quân Lombađô xâm nhập lãnh thổ Ý. Đức Giáo Hoàng Têôđôrê I đã cho di chuyển hài cốt hai thánh nhân vào nội thành Rôma; đến sau thánh cốt lại được đem để tôn kính tại một nhà nguyện trong thành. Ngày nay, khi tới kính viếng nhà nguyện đó, khách hành hương sẽ còn được chiêm ngắm một bức khảm tuyệt mỹ đặt ở trên cung thánh. Bức khảm đó vẽ hình Chúa Giêsu, hai bên là hai hình thánh Primô và Fêlicianô với những vầng hào quang sáng rực, tay cầm sách Phúc âm tượng trưng lòng trung thành và can đảm của các ngài đối với đời sống Phúc âm; phía ngoài cùng là hai cây Thánh giá lớn tượng trưng những hy sinh đau khổ các thánh đã phải trải qua vì lòng yêu Chúa, đồng thời còn như nhắc nhở cho mỗi người hay: phải qua Thánh giá mới tới vinh quang được: Per crucem ad lucem; đó cũng là ý nghĩa của lời Chúa phán: "Ai không vác thập giá mình và đi theo đường lối của Ta, người ấy không đáng làm môn đệ Ta".
Lạy Chúa, xin cho chúng con biết theo gương các thánh, can đảm xưng danh Chúa và trong đời sống hằng ngày, cho chúng con biết dứt lòng tơ tưởng những vinh hoa trần thế, biết vui lòng chịu khổ vì Chúa, vì lạy Chúa, đường Thánh giá tuy là con đường nhỏ hẹp, đau khổ và khó đi, nhưng đó chính là đường sẽ dẫn chúng con tới nguồn hạnh phúc vô biên.

Posted By Đỗ Lộc Sơn04:47

Chủ Nhật, 26 tháng 4, 2020

Chúa Nhật tuần 3 PHỤC SINH năm A.

Filled under:

Chúa Nhật tuần 3 PHỤC SINH năm A.
"Hai ông đã nhận ra Người lúc bẻ bánh".
Hai môn đệ Emau đã được thầy Giêsu dạy dỗ ba năm ròng rã. Người cũng đã tiên báo về sứ mạng thiên sai của mình, rằng Người phải vượt qua đau khổ mới tới vinh quang. Các ông tưởng mình đã hiểu, đã thuộc bài, nhưng thực ra các ông còn rất mù mờ. Chính khi đụng chuyện, khi mà người ta “đóng đinh Người vào thập giá” các ông mới chưng hửng. Hóa ra các ông chẳng hiểu gì! Thế là như rắn không đầu, các ông chạy tứ tán mỗi người một phương.
Đức Giêsu không chịu bỏ cuộc, Người đồng hành với các ông, trên đường Emmau Người đã giải thích Kinh Thánh cho các ông, rằng: “Đức Kitô chẳng phải chịu khổ hình như thế, rồi mới vào trong vinh quang của Người sao?” (Lc 24,26). Chính lúc nghe Lời Chúa, lòng họ đã bừng cháy lên (c.32), nhất là khi “Người cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra trao cho họ” (c.30) thì họ mới thực sự nhận ra Người, không chỉ bằng con mắt xác thịt mà bằng cả con mắt đức tin.
Vâng, giờ đây họ đã hoàn toàn xác tín rằng cuộc khổ nạn và cái chết của Đức Giêsu là một đêm dài tăm tối mà Người phải vượt qua để bước vào buổi bình minh vinh quang bất diệt. Đau khổ mà Đức Giêsu phải chịu không phải là một tai nạn bất ngờ nhưng là một chương trình cứu độ đầy yêu thương của Thiên Chúa.
Người Kitô hữu chúng ta đã nghe nói về Chúa và cũng được Chúa nói với chúng ta rất nhiều. Nhưng khi cơn gian nan thử thách tới, phong ba bão táp nổi lên, chúng ta mới thấy mình hiểu Chúa quá ít, yêu Chúa chẳng được bao nhiêu. Và niềm tin bắt đầu chao đảo theo con sóng cuộc đời. Như hai môn đệ Emmau, lúc này chúng ta cần phải bám lấy Lời Chúa, như đuốc sáng soi đường, như hải đăng định hướng, giúp chúng ta vượt qua các cơn giông tố.
Cũng đừng quên rằng, chính khi “bẻ bánh” mà hai môn đệ Emmau mới bừng sáng con mắt mà nhận ra Người. Chỉ có bí tích Thánh Thể mới giúp người tín hữu hồi phục sau những cơn giông tố. Chỉ có Bí tích Thánh Thể mới bổ sức cho người tín hữu sau những lần vấp ngã đắng cay. Chỉ có bí tích Thánh Thể mới dẫn đưa chúng ta từ nơi tối tăm sự chết đến miền ánh sáng Phục sinh.
Lạy Chúa, “xin ở lại với chúng con”, vì chúng con rất cần Chúa trong các cơn giông tố cuộc đời. Chúng con không xin Chúa những ơn cao cả, nhưng chỉ xin Chúa luôn hiện diện. Có Chúa, đời chúng con không phải chẳng còn sóng gió, nhưng chắc chắn chúng con sẽ tới bến bình an. Amen.


Ngày 26 tháng 04
THÁNH CLÊTÔ VÀ MACCELLINÔ, GIÁO HOÀNG TỬ ĐẠO
THÁNH CLÊTÔ
(+88)
Thánh Clêtô (+88) Rất tiếc rằng lịch sử đã ghi lại rất ít về đời sống cũng như cuộc tử đạo của hai vị Giáo hoàng Clêtô và Marcellinô mà quý danh của các ngài vẫn còn ghi trong phần lễ quy của chúng ta ngày nay. Riêng về Đức Giáo Hoàng Clêtô, lịch sử chỉ để lại mấy dòng sơ lược như sau: Đức Clêtô (còn gọi là Đức Anaclêtô) là một trong những vị Giáo Hoàng của thời Giáo hội sơ khai (thế kỷ I). Ngài thuộc dòng giống người Rôma chính cống. Thân phụ ngài là ông Emilianô cũng là một nhân vâït có thế giá trong xã hội. Đức Clêtô sinh trưởng tại khu phố quý tộc ở Rôma, gần với tư dinh của thượng nghị sĩ Pudentê; đó là nơi mà thánh Tông đồ cả Phêrô xưa đã lưu trú ở đấy ít bữa.
Đức Clêtô cầm quyền cai trị Giáo hội được sáu năm, một tháng và 11 ngày, dưới đời các vua Vespasianô và Titô rồi được phúc tử đạo. Tuân theo lệnh truyền của thánh Phêrô, trong khoảng tháng 12, Đức Clêtô đã truyền chức cho 25 linh mục để bổ nhiệm trông coi địa sở trong thành Rôma. Ngày 26-4 thi hài ngài được mai táng gần bên mộ vị Giáo Hoàng tiên khởi, trong khu Vaticanô. Sau khi ngài từ trần, ngai toà thánh Phêrô phải bỏ trống trong thời gian 20 ngày mới lại có Giáo Hoàng lên thế vị. Đó là mấy dòng rất vắn tắt về tiểu sử của Đức Giáo Hoàng Clêtô. Mong rằng thời gian và những công cuộc khảo cứu sẽ đem lại cho chúng ta nhiều chi tiết mới mẻ và xác thực hơn về đời sống vị thánh Giáo Hoàng.
-o0o-


THÁNH MÁCCELLINÔ
(+304)
Căn cứ vào tài liệu của bộ Giáo Hoàng thư (Liber pontificalis) người ta được biết : Đức Giáo Hoàng Maccenlinô cũng đã mang trong mình huyết thống của người Rôma. Thân phụ ngài là ông Projectô. Ngày 30-6-296, ngài lên ngôi Giáo Hoàng  kế vị Đức Caiô băng hà ngày 22-4 năm đó. Những bia tích cổ xưa nhất, mà gần đây các nhà khảo cổ học đã khám phá  được, còn cho biết : Đức Máccllinô cai trị Giáo hội được 8 năm, 3 tháng 25 ngày. Trong cuốn lịch sử Giáo hội VII, XXXII, sử gia Êusêbiô cũng đồng ý với ông Têôđôrê (lịch sử Giáo hội I,II), mà công nhận rằng một cơn bách hại đạo đã xẩy ra dưới đời Đức Máccellinô làm Giáo hoàng; và trong những ngày đen tối đó, Đức Máccellinô đã tỏ ra những tư cách xứng đáng của một vị chúa chiên. Ý kiến chung đều công nhận rằng ngài có tử đạo thật, nhưng bằng cách nào, như bị tra tấn, hành hình mà chết, hay chết mòn mỏi vì khổ cực trong lao tù thì không rõ. Các giáo hữu đã xin được xác ngài và mai táng ở chính nơi mà khi còn sinh thời ngài đã sửa soạn dành để cho mình, tức là một nơi thuộc tầng dưới hang toại đạo Priscilla. Ngài được an nghỉ trong một hầm mộ sáng sủa liền với phần mộ của vị tử đạo Crescentiô. Ba lần phong chức cử hành vào tháng 12, ngài đã đặt tay tấn phong cho bốn vị linh mục, hai thầy phụ tế và năm Giám mục để bổ nhiệm coi giữ các giáo đoàn, các địa sở mới thành lập. Trên đây là theo tài liệu trong cuốn Giáo hoàng thư. Thực ra về cuộc tử đạo của Đức Máccellinô, trải qua dòng lịch sử, người ta đã đưa ra nhiều giả thuyết khác nhau. Thế kỷ thứ V, những người theo phái Donatô vì muốn giảm giá vị Giáo Hoàng, nên đã tố cáo ngài một cách gắt gao. Chẳng hạn như Pêtilianô, Giám mục thuộc phái Đônatô ở Côntantinôpôli đã quyết rằng Đức Máccllinô và các linh mục của ngài là Mintiađê, Marcelô. Sylvestrê, trong thời buổi bách đạo đã vứt bỏ Sách Thánh và đốt hương tế thần. Nhưng lời quyết đoán của ông không có những bằng chứng cụ thể và chắc chắn, nên thánh Âutinh đã bác bẻ lại một cách dễ dàng. Tuy nhiên người ta không khỏi ngạc nhiên khi thấy có hai câu chuyện đã dựa theo những điều Pêtiliên đã khởi xuớng mà cho rằng Đức Máccellinô có sa ngã, nhưng ngay sau đó ngài hối hận; ngài đến trình diện trước một cộng đồng có đông các Giám mục, nhưng cộng đồng không muốn xét xử ngài, vì rằng không ai có quyền xét xử ngai Toà thánh Phêrô. Sách Giáo hoàng thư có lẽ cũng chịu ảnh hưởng của những câu chuyện trên đây, nên đã kể lại hai việc sa ngã nhưng lại đã nhấn mạnh nhiều đến sự hối lỗi và đền tội của Đức Giáo Hoàng Máccllinô. Vì thế, các tác giả đã bất đồng ý kiến: có người chủ trương Đức Giáo Hoàng đã sa ngã, kẻ khác lại phản đối và phủ nhận ý kiến trên. Những tác giả gần đây nhận có sự kiện sa ngã, nhưng lại giải thích theo một phương diện khác.
Trước dư luận khác nhau và tương phản ấy, Đức Giáo Hoàng Biển đức XIV nhận thấy cần phải hủy bỏ câu chuyện hoang đường trên, và điều đó Đức Giáo Hoàng Lêô XIII đã thực hiện năm 1883. Vì thế các sử gia hiện thời không còn ngần ngại theo chân tác giả Tillemon mà gạt bỏ ý kiến cho rằng Đức Giáo Hoàng Maccellinô đã sa ngã.

Posted By Đỗ Lộc Sơn04:18

Thứ Sáu, 24 tháng 4, 2020

Lẽ sống ngày 24-4

Filled under:


Hạt Táo 
    
    Tại một xứ Hồi giáo nọ, có một người đàn ông bị vua truyền lệnh treo cổ vì đã ăn cắp thức ăn của một người khác. Như thường lệ, trước khi bị treo cổ, tù nhân được nhà vua cho phép xin một ân huệ. Kẻ tử tội bèn xin với nhà vua như sau: "Tâu bệ hạ, xin cho thần được trồng một cây táo. Chỉ trong một đêm thôi, hạt giống sẽ nảy mầm, thành cây và có trái ăn ngay tức khắc. Ðây là một bí quyết mà cha thần đã truyền lại cho thần. Thần tiếc là bí quyết này không được truyền lại cho hậu thế".

    Nhà vua truyền lệnh cho chuẩn bị mọi sự sẵn sàng để sáng hôm sau người tử tội sẽ biểu diễn cách trồng táo. Ðúng giờ hẹn, trước mặt nhà vua và các quan văn võ trong triều đình, tên trộm đào một cái lỗ nhỏ và nói: "Chỉ có người nào chưa hề ăn cắp hoặc lấy của người khác, người đó mớico thể trồng được hạt giống này. Vì đã từng ăn trộm nên tôi không thể trồng được hạt giống này".

    Nhà vua tin người tử tội, nên mới quay sang nhìn vị tể tướng, có ý nhờ ông ta làm công tác ấy. Nhưng sau một hồi do dự, vị tể tướng mới thưa: "Tâu bệ hạ, thần nhớ lại lúc còn niên thiếu, thần cũng đã có lần lấy của người khác... Thần cảm thấy mình không đủ điều kiện để trồng hạt táo này". Nhà vua đảo mắt nhìn quanh các quan văn võ đang cómặt, ông nghĩ bụng: may ra quan thủ kho trong triều đình là người nổi tiếng trong sạch có thể hội đủ điều kiện. nhưng cũng giống như vị tể tướng, quan thủ kho cũng lắc đầu từ chối và tuyên bố trước mặt mọi người rằng, ông cũng đã có một lần gian lận trong chuyện tiền bạc. không còn tìm được người nào có thể thực hiện được bí quyết trồng cây ấy, nha vua định cầm hạt giống đến cho vào lỗ đã đào sẵn. Nhưng ông cũng chợt nhớ rằng lúc còn niên thiếu, ông cũng có lần đánh cắp một báu vật của vua cha...

    Lúc bấy giờ, người tử tội chỉ vì ăn cắp thức ăn, mới chua xót thốt lên: "Các ngài là những kẻ quyền thế cao trọng. Các ngài không hề thiếu thốn điều gì. Vậy mà các ngài cũng không thể trồng được hạt giống này, bởi vì các ngài cũng đã hơn một lần lấy của người khác. Còn tôi, một con người khốn khổ, chỉ lỡ lấy thức ăn của người khác để ăn cho đỡ đói qua ngày, thì lại bị các ngài nghị án treo cổ...". Nhà vua và cả triều thần nghe như xốn xáo trong lương tâm. Ông ra lệnh phóng thích cho người ăn trộm.

    Lời cầu chúc "bình an" của Ðức Kitô Phục Sinh là một thứ hạt táo được gieo vào tâm hồn chúng ta. hạt giống bình an đó chỉ có thể nảy mầm thành cây và mang lại hoa trái là nếu mỗi người ai cũng dọn sẵn đất đai cho nó. Ðất đai thuận tiện để cho hạt giống của Bình An ấy được nảy mầm, chính là lòng sám hối thực sự. Sám hối nghĩa là biết chấp nhận chính bản thân và sãn sàng cảm thông, tha thứ cho người khác. Có nhận ra những yếu đuối bất toàn của mình, con người mới dễ dàng cảm thông và tha thứ cho người. Và có cư sử như thế, chúng ta mới thấy được hạt giống Bình An nảy mầm trong tâm hồn chúng ta và mang lại hoa trái cho người xung quanh...

Posted By Đỗ Lộc Sơn05:55

Thứ Sáu tuần 2 Phục Sinh ngày 24-4-2020

Filled under:

Thứ Sáu tuần 2 Phục Sinh ngày 24-4-2020
PHÉP LẠ DO TÌNH THƯƠNG
Chúa Giêsu lo lắng về vật chất cũng như tinh thần của con người. Ngài nhạy cảm với nhu cầu của con người. Để lắng nghe Ngài, họ cần phải no bụng. Đối với các môn đệ, đây cũng là bài học Ngài muốn các ông ngoài việc giảng dạy, các ông cần phải lo cho nhu cầu vật chất của dân Chúa nữa. Thế nhưng, Chúa cũng làm gương cho chúng ta, Người biết họ sắp đến bắt mình đem đi mà tôn làm vua, nên Người lại lánh mặt, đi lên núi một mình. Trong thực tế, nhiều khi chúng ta cũng bị cuốn hút bởi những kết quả mình đạt được và vui thú với chúng, chúng ta quên đi mục đích chính của mình là phục vụ vì yêu thương.
Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho chúng con biết sống quảng đại, biết nghĩ đến người khác hơn là nghĩ đến bản thân mình. Biết sống tình bác ái huynh đệ để trở thành môn đệ của Chúa đích thực. Xin cũng ban thêm đức tin cho chúng con, để chúng con luôn vững tin vào quyền năng Chúa. Amen.
Nguồn Cầu nguyện.


Ngày 24 tháng 04
THÁNH FIĐÊLÊ SIGMARINGA,TỬ ĐẠO
(1577-1622)
Thánh Fiđêlê Sigmaringa tên thật là Marc Rey con một gia đình rất đạo đức; ngài sinh năm 1577 tại tỉnh Sigmaringa, một thành phố chính của miền Hohenzollern. Sau khi qua ban trung học, Máccô được gửi tới Frigbourg học triết và lấy chứng chỉ đại học. Vì có đức khôn ngoan và nếp sống mẫu mực, nên mọi người đã tặng cho Máccô biệt hiệu là "triết gia Công giáo". Tuy mải mê với công việc đèn sách, nhưng Máccô vẫn không quên giữ nếp sống nhiệm nhặt, khắc khổ. Chính nhờ đấy Máccô mới có thể thắng vượt dễ dàng được những tình dục hỗn loạn sớm nẩy nở trong tâm hồn một người thanh niên mới lớn lên.
Được chỉ định làm hộ úy cho ba hoàng tử muốn du lịch Âu châu, Máccô vui lòng nhận chức vụ mới với điều kiện là họ phải để cho mình thời giờ làm các việc đạo đức và coi mình như một người cha, một người bạn hơn là một nhà dìu dắt. Cuộc du hành đó kéo dài trong sáu năm và cả ba hoàng tử đều làm chứng rằng Máccô luôn luôn trung thành với những quyết định: treo gương sáng cho mọi người, chăm lo săn sóc các bệnh nhân tại các nhà thương, năng lui tới các nhà thờ, và hằng làm phúc cho các người nghèo khó ngay đến cả tấm áo mặc hằng ngày của mình.
Sau cuộc du hành, Máccô đến Dilligen chuyên học luật để làm nghề trạng sư. Nhưng chẳng được bao lâu, vì sợ khó giữ đức công bằng, Máccô bỏ không theo học luật nữa, đồng thời được ơn Chúa thúc đẩy, ngài quyết bỏ trần tục và chọn dòng thánh Phanxicô, một lý tưởng tu trì mà ngài cho là có thể dung hoà được cả đời sống hoạt động và chiêm niệm. Nhưng trước khi nhập dòng, ngài khao khát được chịu chức thánh để có thể dâng thánh lễ mỗi ngày. Cha bề trên dòng cũng để cho ngài được hoàn toàn tự do theo ý riêng và chọn ngày nhập dòng. Thụ phong linh mục rồi, ngày 4-10-1612, ngài tới làm lễ tại tu viện các cha dòng Phanxicô và được cha bề trên nhà tập đặt cho gọi tên là Fiđêlê. Trong những ngày đầu năm nhà tập, không gì có thể kìm hãm nổi lòng sốt sắng của ngài. Được hãm mình chay tịnh và ăn ở nhiệm nhặt, ngài lấy làm vui sướng nhất. Luật nhà có nặng nhọc và bó buộc đến đâu ngài cũng chỉ thấy khoan khoái dễ chịu. Nhưng rồi ngài cũng phải qua những cám dỗ gay go làm cho ngài nghi ngờ rằng mình sống làm linh mục giáo phận có lẽ sẽ giúp ích cho đời nhiều hơn. Có những lúc tâm thần ngài hầu như bị lung lạc muốn ngả theo. Ngài sốt sắng cầu nguyện nhiều hơn rồi đi gặp cha bề trên nhà tập để giãi bày tâm sự; tức thì ngài lại được bình an và đủ nghị lực chống trả chước cám dỗ. Để cắt đứt hoàn toàn mối tơ duyên với trần tục, ngài xin phép cha bề trên cho gọi một người chưởng khế đến làm giấy cúng tất cả gia tài của mình vào quỹ trợ cấp các giáo sĩ. Từ đó không còn vương vấn với tiền tài nữa, ngài sẵn sàng sống kiếp nghèo hạnh phúc theo gương các con cái của thánh Phanxicô.
Đồng thời với nếp sống nghèo, ngài còn hãm mình ép xác mãnh liệt vì cho rằng đó là phương thế cần thiết để bảo toàn đức thanh bần. Vì lòng khiêm tốn sâu xa, ngài thường kể mình như người rốt bét nhất trong anh em; ngài coi những công việc hèn hạ nhất làm điều vinh dự. Lòng tôn sùng Đức Trinh Nữ Maria đối với ngài là phương thế đặc biệt để tiến tới trên đường nhân đức và là bài thuốc thần hiệu để chữa tính ươn hèn và nguội lạnh. Nhưng Chúa quan phòng còn muốn giao phó cho ngài những công việc lớn lao khác. Khi đã theo xong ban thần học, ngài được bổ nhiệm trông coi tu viện Weltkirchen. Được giảng dạy cho công chúng, dù có phải mệt nhọc đến đâu ngài cũng không hề quản ngại. Được chết vì bác ái mưu phần rỗi cho anh em, ngài cảm thấy rằng đó là vinh quang tuyệt diệu. Vì thế người ta thường thấy ngài chạy rảo khắp các châu thành và làng mạc để rao giảng sự ăn năn đền tội. Ngài chỉ lên toà giảng sau khi đã nguyện ngắm một nửa giờ trước Mình Thánh Chúa. Ngài thẳng thắn nguyền rủa những thói xấu của mọi người, không phân giai cấp, những kiểu cách lãng mạn của các bà các cô… Chẳng bao lâu thành phố Weltkirchen đã cải thiện, và thay hẳn cục diện làm cho người ta có cảm tưởng rằng đó là thời đại của các tông đồ. Để phòng ngừa dân chúng có thể quay trở lại làm điều bất lương, ngài xin nghị viện cho công bố những điều luật mà chính ngài đã soạn thảo.
Các sách báo rối đạo và có hại cho thuần phong mỹ tục cũng được ngài đề nghị cấm xuất bản và lưu hành. Chính ngài còn thân đến các thư viện, và hễ thấy ở đâu có những sách lố lăng ngài liền quăng ngay vào lửa. Trước sự phản đối và ngoan cố của nhiều người, ngài luôn giữ được sự bình tĩnh để hành động sáng suốt. Một ngày kia, khi ngài đang giảng, có một phụ nữ theo bè rối dám ngắt lời và công khai diễu cợt bài giảng của ngài. Giảng xong nhà truyền giáo tìm đến tận nhà bà ở, cố gắng lấy lời nói hiền từ và lẽ phải để chinh phục bà; nhưng bà một mực cố chấp trong điều lầm lạc của mình, cha buộc lòng phải đề nghị trục xuất bà ra khỏi thành. Thực ra ngài hành động như vậy không phải vì nóng giận hay vì ác cảm, vì trong khi sửa phạt cha vẫn nhỏ lệ, đêm ngày cầu xin Chúa soi trí mở lòng bà. Cuối cùng cha đã được may mắn nghe tin bà trở lại.
Càng săn sóc linh hồn kẻ khác, ngài càng lo lắng hơn cho phần riêng của mình. Vì thế cha đã muốn trở về tĩnh tâm ở trong dòng, để làm được nhiều việc đạo đức. Ngài đến ở giữa các tu sĩ, lấy đức khiêm nhường, lòng nhân hậu, tính thích trầm lặng và đời sống nhiệm nhặt để thúc giục mọi người nên thánh.
Bấy giờ quân đội hoàng gia Áo đóng tại Weltkirchen bị tiêu hao rất nhiều vì một bệnh truyền nhiễm. Bệnh dịch đó còn lan tới cả các gia đình ở thành phố giết hại nhiều người. Cha Fiđêlê lại phải bỏ đời tĩnh tâm để tới nơi có các người đau yếu, các bệnh viện, và đến cả các nhà đề lao, để yên ủi săn sóc và chạy chữa cho các bệnh nhân cả phần xác và phần hồn. Trong dịp này Chúa đã cho cha làm nhiều phép lạ. Một ngày kia, cha an ủi một bà lão mà bệnh tình của bà có lẽ cầm chắc cái chết. Cha nói: "Bà sẽ khỏi lại". Sau đó ngài bắt đầu cầu nguyện xin cho bà khỏi bêïnh, tức thì lời tiên báo của cha ứng nghiệm: bà khỏi bệnh trước sự ngạc nhiên của các y sĩ.
Trong khi đó bè rối vẫn tiếp tục hoành hành, gieo rắc nhiều điều lầm lạc tại nhiều nơi trong nước Thụy Sĩ, nhất là tại miền Grisons (Grisons). Để chặn đứng đà tiến của họ, Bộ truyền giáo đã xin các cha dòng Phanxicô cử những nhà truyền giáo nhiệt thành tới hoạt động tại các miền đó. Cha Fiđêlê được chọn để đứng đầu phái đoàn. Ngài sung sướng lãnh nhận chức vị đó với một niềm hân hoan và khao khát được triều thiên tử đạo. Có lẽ Thiên Chúa cũng đã tỏ cho ngài biết số phận vinh quang đang chờ đón ngài, vì người ta thấy rằng trong khi từ giã dân chúng miền Weltkirchen, nhà truyền giáo như cảm thấy đó là giờ phút vĩnh biệt mọi người.
Kết quả đầu tiên trong công cuộc truyền giáo của cha là một nhân viên quan trọng của thệ phản trở lại. Ông tên là Adolphe de Salès. Sau khi nghe cha Fiđêlê giảng xong, ông đến tìm cha và chất vấn cha cách cặn kẽ. Cuối cùng ông phục lẽ cha và xin theo đạo. Nhiều người khác cũng theo gương ông. Đầu năm 1622, khi thoạt bước chân vào lãnh thổ của những người Grisons, cha Fiđêlê lên toà giảng nhằm ngày lễ Hiển Linh. Lần đó cha đã làm cho cử tọa say mê vì giọng nói khoan thai, đanh thép và trang trọng của cha khi giảng; hơn nữa người ta còn nhận thấy vẻ thánh thiện chiếu giãi sáng ngời trên mặt cha. Những người thệ phản báo động cho nhau và quyết tâm làm hại ngài. Họ đồng mưu gây cuộc nổi loạn để rũ ách thống trị của người Áo, và nhân cơ hội đó, sẽ ám sát cha. Vị thừa sai được Chúa soi sáng cho biết kế hoạch của họ. Ngài chỉ cầu nguyện xin Chúa thương đến số phận đám dân lành. Những người Grisons nổi loạn thực. Họ đánh tỉa các đội quân của hoàng gia Áo, tấn công các đồn phòng thủ, xâm chiếm và làm uế tạp các giáo đường; sự kiện này gây nhiều hoang mang lo lắng cho người công giáo. Cha Fiđêlê chỉ còn lo lắng một điều là sẵn sàng dọn mình chết. Trong mấy ngày liền cha thức thâu đêm quỳ trước Thánh Thể hoặc trước ảnh Chuộc Tội để cầu nguyện xin Chúa và Đức Mẹ che chở.
Ngày 24-4-1622 ngài tới Grisch, một ấp lớn của những người Grisons. Nơi đây họ đã đào hào đắp luỹ và võ trang cẩn thận để chiến đấu với quân lực của đế quốc Áo. Sau khi xưng tội và hành lễ rồi, cha lại lên toà, giảng một bài rất hùng hồn. Các giáo hữu phải thú nhận chưa bao giờ được nghe cha giảng sốt sắng và hoạt bát như vậy. Giảng xong, cha được ơn xuất thần và Thiên Chúa đã tỏ cho cha biết đời ngài sẽ kết liễu ngày hôm đó. Ơn Chúa soi sáng càng làm cho cha thêm nhiệt tâm hăng hái hơn. Vừa từ toà giảng xuống, cha nói với người bạn đồng hành rằng: "Cha ở lại đây để giải tội cho người ta, còn tôi sẽ đi Sêvi, vì nơi đó, như cha đã biết, các giáo hữu đang đợi tôi; tôi không biết sẽ ra sao, nhưng xin vĩnh biệt cha trước và xin cha cầu cho tôi". Nói đoạn ngài lên đường.
Tới Sêvi, cha kéo chuông tập họp mọi người đến nhà thờ, rồi lên toà giảng khuyến khích mọi người hãy trung thành với lời đã hứa và nhớ cầu nguyện cho ngài. Cha vừa giảng xong, người ta nghe thấy có tiếng hô lớn: "Chuẩn bị gươm súng!" Quân đội Áo đang công hãm những người Grisons trong đồn của họ. Người Grisons tin chắc rằng cha Fiđêlê đã gọi những toán quân Áo kia đến, nên họ nắm lấy dịp đó để hại ngài. Một người trong bọn họ nhằm bắn cha trong khi ngài còn đang ở trong nhà thờ, nhưng may viên đạn đó lại không trúng đích. Riêng phần cha Fiđêlê, ngài hiểu rằng giờ chết của mình đã đến. Ngài muốn đi ra khỏi đó ngay, nhưng một giáo hữu giữ cha lại và nói: "Xin cha hãy khoan, đợi cho cơn giận của họ nguôi đi đã". Cha chỉ mỉm cười đáp lại: "Cám ơn ông có lòng tốt, nhưng thôi, ông đừng quá bận tâm đến số phận của tôi, tôi không sợ chết, vì từ lâu tôi hằng khao khát được dâng lễ hy sinh là mạng sống của tôi cho Thiên Chúa. Thôi, ta cứ đi, đã có Chúa và Đức Mẹ che chở, gìn giữ".
Ngài đi ra trước những cặp mắt căm hờn của bọn lính, nhưng không một ai dám nguyền rủa hoặc phỉ báng cha. Hình như Chúa cũng mở lòng cho họ biết kính sợ cha trong lúc này. Tới khi cha vừa rẽ sang đường đi Grisons, 20 tên lính theo phe rối, dưới quyền chỉ huy của một mục sư ồ ạt xông đến. Một tên kêu lên: "Đồ khốn kiếp, chính mi là hạng cuồng tín mà lại muốn làm nhà tiên tri. Mi phải tuyên bố rằng mi đã nói dối, lừa đảo người ta, hoặc mi sẽ chết vì tay ta thì nói". Cha đáp lại một cách từ tốn nhưng không kém phần rắn rỏi: "Ta chỉ dạy cho các anh chân lý đời đời, đó chính là đức tin của cha ông các anh; ta sẵn sàng hiến mạng sống ta, để các anh được nhận biết đức tin". - Một người lính khác cướp lời: "Chúng ta không cần nghe lý luận nhiều, ngươi có muốn theo đạo chúng ta hay không thì nóỉ" - "Ta được sai đến để soi sáng cho các anh, chứ không phải để thông phần sự lầm lạc của các anh" - Người lính thứ ba nói thêm: "Ngươi phải đầu hàng làm tù binh chúng ta, bằng không sẽ phải chết". - "Ta không sợ chết, ta sẽ bênh vực chân lý mà các vị tử đạo xưa đã bênh vực; ta quyết chết vì chính nghĩa như các ngài, để đáng chung số phận vinh quang như các ngài".
Một tên lính quá hăng tiết đã lấy thanh kiếm giáng trên đầu ngài. Cha bị choáng váng ngã lăn trên đất; nhưng với một cử điệu anh hùng quả cảm, cha gắng chỗi dậy, giang tay quỳ gối cầu nguyện: "Lạy Chúa nhân lành, xin tha thứ cho thù địch con đã mù quáng vì dục vọng, họ không biết việc họ làm. Lạy Chúa Giêsu, xin thương xót con; lạy Mẹ Maria, Mẹ Chúa, xin hộ vực con".
Đó là những lời cuối cùng của nhà truyền giáo. Một đòn kiếm khác lại giáng vào đầu ngài, đồng thời một cây chùy nặng đánh bể đầu nhà truyền giáo. Ngài nằm lăn trên đất, quằn quại trong vũng máu. Vì sợ ngài chưa chết hẳn, những tên sát nhân còn đâm thêm nhiều nhát khác và cắt đứt cẳng chân trái của cha. Cha tắt thở. Hôm đó là ngày 24-4-1622. Suốt ngày hôm đó, thi hài nhà truyền giáo tử đạo còn được phơi sương giãi nắng để thoả căm hờn của những tên sát nhân.
Nhưng đã đến lúc Thiên Chúa làm hiển danh tôi tớ Người bằng các phép lạ. Cách đó không lâu, võ quan chỉ huy trưởng quân đội Áo cầu khẩn vị thánh Tử đạo và được toàn thắng vẻ vang. Mục sư thệ phản đã chủ tọa cuộc hành hình vị thánh tử được ơn trở lại.
Khi hòa bình trở lại, các tu sĩ dòng Phanxicô ở Weltkirchen đến Sêvi đòi lại xác vị tử đạo và mai táng trong nhà thờ làng. Ngày song thập người ta mở huyệt ra. Lạ thay: xác ngài vẫn không bị hư nát, đầu và chân liền lại y nguyên không mang một dấu vết nào. Người ta liệm xác thánh nhân vào hòm quý giá. Dân chúng Weltkirchen vui mừng đón nhận xác thánh như một báu vật. Ít lâu sau người ta lại di chuyển thi hài vị thánh từ Sêvi về nhà thờ chính toà thành Coire. Dọc đường khi rước hài cốt thánh, thành Mayenfeld bị phát hỏa; người ta kêu cầu thánh nhân và tức thì ngọn lửa lụi dần.
Nhiều phép lạ khác còn được xẩy ra khiến Đức Giáo Hoàng Biển đức XIII có đủ bằng chứng để phong á thánh cho ngài năm 1729. Qua 14 năm Đức Giáo Hoàng Biển đức XIV lại phong cha Fiđêlê lên bậc hiển thánh để làm tấm gương rạng ngời cho toàn thế giới công giáo soi chung.

Posted By Đỗ Lộc Sơn05:10

Thứ Năm, 23 tháng 4, 2020

Thứ Năm tuần 2 Phục Sinh ngày 23-4-2020

Filled under:

Thứ Năm tuần 2 Phục Sinh ngày 23-4-2020
Hướng nhìn lên cao
Thánh Gioan ghi lại hai cái nhìn về Chúa Giêsu:
một của Nicôđêmô và một của Gioan Tẩy giả.
Nicôđêmô nhìn vào Chúa Giêsu với những hiểu biết uyên bác nhưng hoàn toàn phàm tục của ông; ông lượng giá về Chúa Giêsu theo thước đo thông thường của loài người, đó là cái nhìn từ dưới đất.
Trong khi đó, Gioan Tẩy giả mời gọi các môn đệ ông vượt qua cái nhìn từ dưới đất để có cái nhìn từ trên cao.
Và thánh Phaolô đã nói: “Anh em hãy mặc lấy tâm tình của Chúa Kitô”. Với tâm tình của Chúa Kitô, nghĩa là với cái nhìn của tin yêu và hy vọng, người ta có thể đứng vững trong mọi nghịch cảnh và thử thách; với tâm tình của Chúa Kitô, người ta sẽ cảm nhận được ơn Chúa ngay những lúc như bị bỏ rơi và đánh mất tất cả; với tâm tình của Chúa Kitô, người ta sẽ cảm nhận được tình thương và tha thứ ngay giữa nơi chỉ có hận thù và chết chóc.
Nguyện xin Chúa gìn giữ chúng con trong tâm tình ấy.
Nguồn: Cầu Nguyện.

THÁNH GIO-GI- Ô,

Tử đạo, ngày 23 tháng 4

Thánh Gioan viết: Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác ( Ga 12, 24-25 ). Thánh Gio-gi-ô đã rất anh dũng, can đảm làm chứng cho Chúa.

MỘT CUỘC ĐỜI

Thánh Gio-gi-ô sinh tại Cappadoce trong một gia đình quí tộc, danh tiếng và giầu có. Lúc còn nhỏ, thánh nhân được giáo dục theo tinh thần Kitô giáo. Khi tới tuổi khôn lớn, tự ý thánh nhân xin được rửa tội để trở thành con cái Chúa và Giáo Hội. Thời ly loạn, với tuổi trai tráng, Ngài được gọi nhập ngũ và mau chóng được thăng cấp đại đội trưởng vì đức tính can đảm, cương quyết của Ngài dưới thời Hoàng Đế Đioclêtianô. Hoàng Đế lúc đó có ý bách hại đạo Chúa, Vua tỏ ý định ấy cho các sĩ quan quân đội. Mọi người đều tán thành ý kiến của Đioclêtianô, riêng đại úy Gi-gi-ô đứng lên phản đối sự bất công phân biệt đạo giáo, trái với ý Thiên Chúa. Thánh nhân cương quyết bảo vệ đức tin dẫu có phải hy sinh vì đạo, vì lý tưởng. Hoàng Đế và các sĩ quan khuyến dụ nhưng vô ích, không sao lay chuyển con người sắt đá, bảo vệ đức tin Lạy Thiên Chúa, Ngài là nơi con náu ẩn, là đồn lũy chở che, con tin tưởnng vào Ngài ( Tv 91, 2 ). Nhà Vua ra lệnh dùng những hình phạt hết sức đau đớn để xem có lay chuyển Ngài được chăng, tuy nhiên mọi hình phạt đều vô ích đối với Ngài vì : Chúa phù trì chở che, dưới cánh Người, bạn có chỗ ẩn thân: lòng Chúa tín trung là khiên che thuẫn đỡ ( Tv 91, 4 ). Cuối cùng, những thuộc hạ nhà Vua đưa Ngài tới các tượng thần hòng bắt Ngài thờ lạy, nhưng sau những lời cầu nguyện của Ngài, các tượng thần rơi rớt xuống đất bể tan tành trước sự hốt hoảng của các sư sãi đang xúi giục dân chúng xông vào bắt Ngài và xin trảm quyết Ngài ngay.Nhưng Chính Chúa gìn giữ bạn, khỏi lưới kẻ thù giăng, khỏi tai ương tàn khốc. (Tv 91, 3 ).
THÁNH NHÂN ĐƯỢC PHÚC TỬ VÌ ĐẠO
Thánh vịnh 91,14 viết rằng: Kẻ gắn bó cùng Ta sẽ được ơn giải thoát, người nhận biết danh Ta sẽ được phúc phù trì. Thánh nhân đã được phúc tử đạo ngày 23 tháng 4 sau khi đã cầu nguyện cho mình và cho những kẻ hãm hại mình. Thánh Gio-gi-ô được các quân nhân và hướng đạo sinh chọn làm bổn mạng vì tính can đảm, anh hùng và gương mẫu của Ngài.
Lạy Chúa, Chúa đã cho thánh Gio-gi-ô, tử đạo, được kết hợp với Đức Kitô trong mầu nhiệm thương khó. Chúng con ca ngợi quyền năng Chúa và tha thiết nài xin cho chúng con là những kẻ yếu hèn được trở nên chứng nhân dũng cảm( lời nguyện nhập lễ, lễ thánh Gio-gi-ô, tử đạo).

Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT

http://www.memaria.net/images/HorizontalLine1.png

Thánh George (c. 304)

Người ta thường vẽ hình Thánh George đang giết con rồng để cứu thoát một phụ nữ xinh đẹp. Con rồng tượng trưng cho sự dữ. Người phụ nữ tượng trưng cho chân lý thánh thiện của Thiên Chúa. Thánh George là vị tử đạo can đảm đã chiến thắng sự dữ.
Cuộc đời Thánh George thì đầy những huyền thoại đến nỗi thật khó để phân biệt thực hư. Người ta cho rằng Thánh George xuất thân từ Cappadocia thuộc Tiểu Á, là một sĩ quan trong đạo quân của Hoàng Ðế La Mã Diocletian (245 -- 313), và là người được Hoàng Ðế mến mộ.
Lúc bấy giờ, Diocletian là người ngoại đạo và thù ghét Kitô Giáo. Ông giết bất cứ Kitô Hữu nào mà ông gặp. Thánh George là một Kitô Hữu can đảm, một người lính đích thực của Ðức Kitô. Không sợ hãi, ngài đến gặp Hoàng Ðế và nghiêm nghị quở trách sự tàn ác của ông. Sau đó ngài từ bỏ địa vị trong quân đội La Mã. Vì lý do đó ngài bị tra tấn bằng mọi cách khủng khiếp nhất và sau cùng bị chém đầu.
Sự can đảm và hăng hái tuyên xưng đức tin của Thánh George đã đem lại niềm phấn khởi cho các Kitô Hữu thời ấy. Nhiều bài hát và bài thơ đã được sáng tác về vị tử đạo này. Ðặc biệt, các quân nhân là những người sùng kính ngài.
Ngài được phong thánh năm 494, Ðức Giáo Hoàng Gelasius tuyên xưng ngài là một trong những người "mà tên tuổi thật xứng đáng để người đời kính trọng, và chứng từ tử đạo của ngài đáng để dâng lên Thiên Chúa ."
Thánh George được đặt làm quan thầy của nước Anh, Bồ Ðào Nha, Ðức, Aragon, Genoa và Venice.
Lời Bàn
Tất cả chúng ta đều có những "con rồng" để khuất phục. Nó có thể là sự kiêu ngạo, sự nóng giận, sự lười biếng, sự tham lam, hoặc bất cứ gì khác. Hãy biết rằng chúng ta chiến đấu những "con rồng" đó với sự trợ giúp của Thiên Chúa. Và rồi, chúng ta có thể tự hào mình là chiến sĩ đích thực của Ðức Kitô.
Lời Trích
"Mỗi khi nhìn đến đời sống của những người đã trung tín theo Ðức Kitô, chúng ta lại có thêm một lý do nữa để phấn khởi tìm kiếm Thành Thánh tương lai" (Hiến Chế Tín Lý Về Giáo Hội, 50)

Posted By Đỗ Lộc Sơn05:23