Phút cảm nhận Tin Mừng CN 3 Mùa Chay ngày 15-3-2020
Đức Giê-su nói: “Đấng ấy chính là tôi, người đang nói với chị đây.” (Ga 4,10).
Sau một cuộc hành trình dài, nóng bức, đói khát, Đức Giêsu cùng các môn đệ dừng chân nghỉ tại giếng Gia-cóp. Nhưng làm sao để có nước uống?. Đúng lúc đó có một người đàn bà xứ Samaria tới lấy nước. Đức Giêsu nói với bà ấy: “Xin bà cho tôi uống nước” (Ga 4,7). Bà ấy rất nỗi ngạc nhiên, vì từ lâu người Do thái và người Samaria không giao thiệp với nhau. Bà ấy trả lời rằng: “ Ông là người Do-thái mà lại xin nước uống với tôi là người xứ Samaria sao?” (Ga 4,9).
Mục đích của Đức Giêsu không phải là xin nước, nhưng Ngài muốn cho bà biết những điều quan trọng về Ngài. Đức Giêsu muốn cứu thoát bà, bởi Ngài biết; bà đang bị ràng buộc bởi ma quỷ, năm đời chồng bà đã từ bỏ là một minh chứng.
Giờ đây, Đức Giêsu không xin bà uống nước nưa, mà chính bà mới là người xin Đức Giêsu nước uống. Bà nói: “Thưa Ngài, xin cho tôi thứ nước ấy, để tôi hết khát và khỏi phải đến đây lấy nước”(Ga 4,15). Vậy, Đức Giêsu đã cho bà biết, chính Ngài là Đấng Kitô. Chính Ngài là người ban cho bà Nước Hằng Sống.
Cảm nhận Tin mừng: Chúng con có thể không khát về phần xác, nhưng chúng con đang khát về phần linh hồn. Chúng con ngồi bên cạnh sách Phúc âm, nhưng chúng con khát Lời Chúa.
Lạy Chúa. Người phụ nữ Samari, xin nước sự sống của Chúa, khi bà đã nhận ra và tin rằng Chúa là Ðấng Kitô.
Xin Chúa tha thứ, biến đổi chúng con là kẻ tội lỗi, được tái sinh trong nước sự sống của Chúa đời đời. Amen.
Xin Chúa tha thứ, biến đổi chúng con là kẻ tội lỗi, được tái sinh trong nước sự sống của Chúa đời đời. Amen.
THÁNH CLÊMENTÊ
DÒNG CHÚA CỨU THẾ
(1751)
DÒNG CHÚA CỨU THẾ
(1751)
Thánh Clêmentê, một chiến sĩ đầy nhiệt huyết đã đem toàn đời phụng sự Giáo hội.
Clêmentê sinh ngày 26.12 năm 1751 tại Taúyt (Tawitz). Cậu ra đời đem lại cho ông bà thân sinh và mọi người thân thuộc một niềm hoan lạc. Nhưng niềm vui lại chóng qua, vì vừa lọt lòng mẹ được 6 tháng, Clementê đã phải mồ côi cha. Mất cha là cậu mất một tình thương cao cả, một gương đức tin sống động. Theo lời bà Maria Steez mẹ cậu kể lại sau này, thì lúc ấy chính bà vì không thể cầm lòng nhìn vẻ mặt ngây thơ và buồn thỉu của Clêmentê, bà đã chỉ cho cậu cây thánh giá và nói: "Con ơi! Hãy nhìn lên thánh giá, chính Đấng giang tay trên đó là người Cha độc nhất của con, con hãy luôn sống đẹp ý Người". Hiểu lời mẹ, Clêmentê đòi lấy thánh giá và hôn yêu một cách chí thiết. Còn gì an ủi bà mẹ goá hơn! Niềm an ủi đó tràn ngập tâm hồn bà Maria trong những chuỗi ngày goá bụa của bà. Bà tận tụy giáo dục con, dạy con thấu hiểu lẽ đạo và tinh thần bác ái. Theo lời mẹ dạy, sau những giờ làm việc tận tụy ở nhà trường, Clêmentê dành nhiều giờ lui tới nhà thờ viếng Chúa và vào bệnh viện thăm các bệnh nhân, vì thế người ta không lạ gì khi thấy Clêmentê sớm được Chúa gọi sống đời tận hiến.
Nhưng không may một thử thách đến với cậu. Năm Clêmentê bắt đầu được đi học cũng là năm gia đình lâm cảnh nghèo túng. Hoàn cảnh kinh tế buộc Clêmentê phải xoay nghề làm bánh lấy tiền ăn học. Thấu rõ hoàn cảnh của Clêmemtê, Chúa không muốn kéo dài những ngày thử thách. Người tìm dịp nâng đỡ cậu bằng cách soi sáng cho một cha dòng Chúa Cứu Thế nhận kiếm cho cậu một việc làm trong tu viện. Đầu tiên Clêmentê cũng làm việc như bao nhiêu người khác, nhưng dần dà cha dòng Lambertô nhận thấy Clêmentê có nhiều đức tính tốt và có thiện chí làm linh mục, bèn xin bề trên cho cậu vào học miễn phí trong nhà thử. Clêmentê sung sướng biên thư cho mẹ và bắt đầu học bốn năm la ngữ. Nhưng chưa được ba năm thì cha Lămbéc qua đời. Clêmentê lại phải qua những ngày cô đơn không người nâng đỡ. Cậu vâng theo ý Chúa trở lại nghề cũ, vừa làm vừa học. Nhưng rồi dịp may lại đến: cậu được một bạn đạo đức và giầu có giúp tiền để cùng đi hành hương sang Rôma. Khi trở về hai người bạn cùng đến thành Trivoly xin Đức Giám mục Banabê (sau lên ngôi Giáo Hoàng lấy danh hiệu là Piô VII) cho phép theo đuổi đời sống tu hành trong giáo phận. Sau một năm thử và một kỳ khảo, Clêmentê được Đức Giám mục ban áo "ẩn sĩ". Nhưng Chúa không muốn Clêmentê sống đời tu hành, Người muốn thầy chịu chức linh mục để hoạt động truyền giáo về sau. Nên Chúa quan phòng đã soi sáng cho ba nhà phú hộ thành Viên chung sức giúp tiền để thầy tiếp tục theo học thần học tại đại học đường.
Theo học vừa chẵn một năm, thầy nhận thấy các giảng sư chủ trương sai lạc với giáo thuyết của Giáo hội, và có khuynh hướng thiên về phái Lutêrô, nên thầy tuyên bố rút lui sau những ngày biện luận phản kháng kịch liệt. Phản ứng của thầy đã thức tỉnh nhiều người, trong đó có cả một giáo sư, ông Lahn sau làm linh mục và chết tại Viên. Bỏ đại học, Clêmentê cùng với người bạn là Tađê Hubl trở về Rôma thủ đô của thế giới công giáo. Hai người đến trọ gần nhà thờ Đức Bà Cả. Nơi đây thường ngày mỗi buổi sáng tinh sương, hai người đến dự lễ tại nhà thờ thánh Juliênô do các cha dòng Chúa Cứu Thế trông coi. Bầu khí đạo đức đầy hương thơm thánh thiện của các cha đã lôi kéo tâm hồn thầy Clêmentê. Thầy nhận rõ ý Chúa và nhất định chọn ơn kêu gọi. Không trì hoãn, thầy đến gõ cửa phòng cha bề trên, quỳ dưới chân cha xin nhập dòng. Được thúc đẩy bởi ơn thần linh, cha bề trên niềm nở đón nhận thầy. Bấy giờ Clêmentê được 33 tuổi. Thánh Anphongsô vị sáng lập dòng cũng tỏ ra rất hân hoan khi được tin thầy Clêmentê nhập dòng ngài. Nhân dịp ấy ngài có nói tiên tri về sứ mệnh của thầy Clêmentê: "Thiên Chúa sẽ làm rạng danh đầy tớ Người trong những xứ miền bắc ".
Sau năm nhà tập thánh thiện và đầy gương sáng, Clêmentê được mặc áo dòng, ngày 24-10 năm 1784; và năm sau ngày lễ thánh Giuse, thầy khấn và chịu chức linh mục, một ân huệ mà thầy hằng ao ước. Một năm sau, bề trên sai cha cùng với mấy thầy khác trẩy đi Vacsôvi và được vua Poniatowski tiếp đón nồng hậu. Tuy nhiên các ngài không khỏi phiền muộn khi thấy nước Ba Lan lâm vào cảnh rối loạn vì những ảnh hưởng không tốt của phái thệ phản mỗi ngày một phổ biến, nhất là từ khi họ được nữ Hoàng Catarina bảo trợ và ban nhiều đặc ân… Trước cảnh đau lòng ấy, cha Clêmentê đã phải thốt lên: "Chúng ta hãy cầu nguyện để sự dữ khỏi giáng xuống!" Lời tiên đoán ấy không bao lâu đã thể hiện. Năm 1793, Ba Lan xẩy ra nội chiến làm cớ cho quân Nga, quân Phổ và Thổ Nhĩ Kỳ tràn vào phân chia lãnh thổ. Tình trạng hỗn loạn kéo dài hơn một thế kỷ. Sức mạnh hùng hổ của quân địch, tình trạng kinh tế khủng hoảng và sự đồi bại của nền đạo lý đã làm thất đảm quân dân Ba Lan. Tuy nhiên nhà truyền giáo Clêmentê không nhụt chí. Cha vẫn hăng hái lao mình vào công việc không kể ngày đêm với khẩu hiệu vắn tắt: "Chúa muốn thế ".
Hoạt động truyền giáo của cha trước tiên nhằm nâng đỡ các người nghèo khổ. Sau cuộc tràn lấn như nước vỡ bờ của quân Nga, kinh đô Vacsôvi ngổn ngang những xác chết vô thừa nhận, trên các phố phường đầy những trẻ em côi cút không cha không mẹ, không nhà ở và bánh nuôi thân. Cha vận động dựng nhiều cơ sở tế bần, lập nhiều hội từ thiện hầu cứu giúp những trẻ em xấu số, những nạn nhân chiến tranh. Cha sống với họ như một người cha, một người mẹ hiền. Ngài hoàn toàn bỏ mình để có thể kiếm đủ lương thực nuôi dưỡng đoàn con mồ côi. Lần kia trên đường hành khất, cha gặp một bọn người quý phái, cha chìa tay xin họ làm phúc; không ngờ một người trong bọn họ nổi khùng khạc nhổ vào mặt cha. Không kể chi thái độ bất nhã và thiếu giáo dục ấy, đầy tớ Thiên Chúa lau khô mặt và nói: "Nước bọt ông nhổ là phần của tôi, nhưng xin các ông vui lòng cho đoàn con côi cút của tôi một thứ gì chứ ?" Cử chỉ bạt thiệp và lời nói dịu dàng của cha đã khuất phục con người cục cằn và khiến cả bọn mủi lòng. Họ vội vàng móc túi biếu cha nhiều tiền bạc.
Càng giầu lòng bác ái với kẻ nghèo khó, cha Clêmentê càng tin tưởng vào sự quan phòng của Thiên Chúa. Câu "Chúa muốn thế " luôn ở cửa miệng cha. Cha nhiệt thành với công việc truyền giáo, và hết sức hoạt động để không những giúp đỡ đoàn con cái mồ côi, mà còn hướng dẫn đám dân bơ vơ không chúa chiên sống lo âu vì đe doạ, ngoi ngóp trong bầu không khí tội lỗi. Cha lo liệu cho họ cả vật chất lẫn tinh thần, nhất là phần rỗi của họ.
Nhưng giữa lúc công việc trôi chảy cũng là lúc Chúa gửi đến cho cha một thử thách. Vì ghen tương công việc truyền giáo của cha, nhiều kẻ thù lợi dụng tình thế vu cáo cha trước mặt chính quyền. Thêm vào đó, Hoàng đế Nãpháluân sẵn có thâm ý muốn âm mưu chiếm đất Ba Lan, nên đã thúc đẩy chính quyền địa phương trục xuất các linh mục truyền giáo ngoại quốc mà đứng đầu sổ là cha Clêmentê. Cha buộc lòng trở về Viên và tiếp tục hoạt động truyền giáo, phổ biến tinh thần bác ái nơi quê hương. Tại đây nhờ ơn Chúa quan phòng, cha đã thiết lập nhiều cơ sở dạy chầu nhưng, giảng giáo lý, đồng thời mở trường học, xây nhiều viện tế bần và nhà mồ côi.
Cha say mê làm việc không kể gì tuổi già sức yếu. Thấy cha dù đã kiệt sức, lại mang chứng sốt rét nặng mà vẫn không thôi làm việc, nhiều người rất cảm thương cha. Để an ủi họ cha chỉ nói: "Chúng con đừng buồn, chỉ kẻ có tội mới khốn nạn và đáng thương, chúng ta hãy thực hành điều Thiên Chúa muốn, như ý Người và vì Người ". Cha cứ tiếp tục làm việc cho tới trưa ngày 15 tháng 3 năm 1820. chính lúc chuông kinh Truyền tin vang lên cũng là lúc linh hồn người về nơi vĩnh phúc. Cha êm ái phó linh hồn trong tay Chúa như một của lễ tận hiến hoàn toàn. Cha hưởng thọ 69 tuổi.
Tang lễ cha được cử hành trọng thể.
Tiếp đó là những phép lạ Chúa là vì lời bầu cử của cha.
Đức Lêô XIII phong chân phước cho cha Clêmentê vào ngày 20 tháng 5 1909, đức Piô X đã phong ngài lên bậc hiển thánh để mọi người năm châu cùng soi chung gương bác ái là phản ảnh tình yêu bao la của Chúa Kitô.