Thứ Năm, 26 tháng 3, 2020

15 Lý Do Người Ta Thường Đưa Ra Để Tránh Không Phải Đi Lễ

Filled under:

15 Lý Do Người Ta Thường Đưa Ra Để Tránh Không Phải Đi Lễ

Nhiều khi, rất dễ để tìm ra được một lý do nào đó để bỏ một buổi lễ.  Nói chung là quá dễ dàng để tìm ra một lý do nào đó để không phải đi lễ. 
Nhưng, thánh lễ là một trong những ân sủng lớn lao nhất Thiên Chúa ban tặng cho chúng ta!
Bài viết hôm nay tìm đến một số trong rất nhiều lý do người ta thường vin vào và những cách người ta biện minh cho mỗi trường hợp.
Thưa anh chị em, chúng ta chưa bao giờ tạ ơn Thiên Chúa cho đủ vì những ơn sủng Người đã ban cho chúng ta trong bí tích Thánh Thể! Đây là một ân sủng quá lớn lao và đó là lý do tại sao chúng ta phải đi lễ ngày Chúa nhật là việc rất quan trọng. Đi lễ không phải chỉ để đọc kinh, nhưng là để rước Thánh Thể, bánh Mình Thánh Chúa Giê-su Ki-tô, Người đã giải thoát chúng ta, đã tha thứ cho chúng ta, kết hợp chúng ta cùng với Chúa Cha. Đây là một hành động thật đẹp anh chị em cần phải làm. Và chúng ta cần phải đi lễ mỗi Chúa Nhật vì đó là ngày Phục Sinh của Đức Ki-tô. Và đó là lý do tại sao ngày Chúa Nhật vô cùng quan trọng với chúng ta. - Pope Francis
1
Nhà thờ toàn những người đạo đức giả hay xét đoán.
"Nhà thờ không phải là khách sạn dành cho các vị thánh, đây là một bệnh viện dành cho các tội nhân”. - trích theo thánh Augustine
Nhà thờ chắc chắn không phải toàn là những người hoàn hảo. Tất cả chúng ta cố gắng để nên như Chúa Giê-su, chúng ta vẫn là các tội nhân. Chỉ mình Giê-su là toàn thiện và Người là lý do chính để chúng ta tới tham dự thánh lễ. Chúng ta đến nhà của Thiên Chúa để tìm kiếm Lòng thương xót và ân sủng của Người. Chúng ta đi dâng lễ vì chúng ta đang cần sự tha thứ mà chỉ có Chúa Giê-su mới có thể cho chúng ta điều đó. Đừng để hành vi của những người khác làm ảnh hưởng đến sự cảm nghiệm lòng thương xót, ân sủng, và tình yêu trong cuộc sống của bạn.
Cho dù có nhiều thiếu sót trong chi thể của Đức Ki-tô, nhưng vẫn có rất nhiều hoa trái tốt tươi trổ sinh từ đức tin Công giáo. Giáo hội đã trung thành phục vụ người nghèo khó, những quả phụ, người đau yếu, tù tội và nhiều người khác trong lịch sử của mình. Có hàng triệu người Công giáo đã chiến đấu để sống một đời sống công chính và thánh thiện theo đức tin. Hãy nhìn đến những người đang làm các công việc tốt đẹp hơn là những người chưa sống đức tin của mình.
“Anh em đừng xét đoán, để khỏi bị Thiên Chúa xét đoán, vì anh em xét đoán thế nào, thì anh em cũng sẽ bị Thiên Chúa xét đoán như vậy; và anh em đong đấu nào, thì Thiên Chúa cũng sẽ đong đấu ấy cho anh em. Sao anh thấy cái rác trong con mắt của người anh em, mà cái xà trong con mắt của mình thì lại không để ý tới?” (Matt 7:1-3)
2
Thiên Chúa hiện diện ở khắp nơi, tại sao tôi phải đi nhà thờ  mới đến được với Người?
Thánh Maximilian Kolbe nói, "Nếu các Thiên thần mà ganh tị với con người, thì chắc các ngài ganh vì một lý do duy nhất: Thánh thể”. Thật là một câu nói mạnh mẽ diễn tả ân sủng của Bí tích Thánh Thể. Đúng là Thiên Chúa ở mọi nơi, nhưng Người đã từ trời xuống và đi vào thân mình chúng ta qua hình thức Bánh Thánh. Chúng ta không thể nào cảm nhận được sự gần gũi như vầy ở bất cứ  nơi đâu trên trái đất này.
"Chịu Lễ là một con đường ngắn nhất và an toàn nhất để lên Trời. Cũng còn những cách khác như: trong trắng, nhưng chỉ có được nơi những trẻ nhỏ; sám hối, nhưng chúng ta lại thường sợ điều này; cam chịu những thử thách cuộc đời, nhưng khi thử thách đến chúng ta thường than khóc và xin cho qua. Như vậy cách chắc chắn nhất, ngắn nhất là Bí tích Thánh Thể”. - Đức Thánh Cha Pius X
3
Thánh lễ chán lắm.
Có bao giờ bạn phải chịu đựng một ai đó say mê nói về chủ đề bạn chả thích thú tí nào? Người đó có thể nói dài hàng nhiều giờ đồng hồ về hóa học, thể thao, nhạc cổ điển v.v… Thông thường chúng ta thấy những điều này chán vì chúng ta không hiểu được tính phức tạp của vấn đề. Chúng ta không cần mất thời gian để tìm hiểu bóng đá nếu chúng ta không thích nó, nhưng chúng ta thực sự cần phải mất thời gian để hiểu được Thánh lễ vì ơn cứu rỗi của chúng ta tùy thuộc vào đây. Chúng ta càng tìm hiểu sự vĩ đại và niềm vui của Thánh lễ, thì chúng ta càng cảm thấy hoan hỉ về vẻ đẹp của đức tin và những truyền thống của chúng ta. Một cách khác để tránh không cảm thấy chán là hãy tham gia vào các công tác, như xếp chỗ ngồi, đọc thánh thư, hay làm ca viên. Phục vụ trong nhà thờ là một cách giúp bạn ngày càng hiểu và trân trọng thánh lễ.
'Thánh lễ quá dài', nếu bạn nói vậy, thì tôi sẽ nói: 'Vì tình yêu của bạn quá ngắn’. - Thánh. Josemaria Escriva
4
Tôi không Rước lễ, vậy việc gì tôi phải đi dự Lễ? 
Đúng là Thánh Thể là trung tâm điểm của Thánh lễ, nhưng Thánh thể cũng không phải là ân sủng quan trọng duy nhất chúng ta nhận được trong mỗi Thánh Lễ Chúa nhật. Đức Ki-tô là Ngôi Lời (Gioan 1:14). Khi chúng ta đế tham dự Thánh lễ và lắng nghe Phúc âm là chúng ta lắng nghe chính Lời của Đức Ki-tô. Tâm hồn chúng ta cũng được nuôi dưỡng bằng Lời Người giống như Bí tích Thánh thể. Chúng ta được nuôi dưỡng và lớn lên trong sự thánh thiện qua việc tham dự Thánh lễ. Chúng ta đến với Thánh lễ với lòng ao ước không chỉ là đón nhận ơn sủng, nhưng còn là trao tặng lại món quà của chính chúng ta cho Thiên Chúa. Thánh thể (Eucharist) là một từ Hy lạp có nghĩa là Tạ ơn (thanksgiving). Khi chúng ta đi tham dự Thánh  lễ chúng ta dâng lời tạ ơn Thiên Chúa về tất cả những gì Người đã làm và sẽ tiếp tục làm cho chúng ta.
Nếu với lòng ước ao,bạn có thể chịu lễ thiêng liêng. Hãy đọc kinh này của thánh Alphonsus Liguori :
Lạy Đức Chúa Giêsu, con tin thật Chúa con ngự trong Phép Mình Thánh, con kính mến Chúa con trên hết mọi sự, cùng ước ao chịu lấy Chúa con trong linh hồn con. Song le bởi vì bây giờ con chẳng có thể mà chịu Chúa con cho thậy được, thì xin Chúa con ngự vào linh hồn con cách thiêng liêng vậy, chẳng khác gì như Chúa con đã ngự vào thật, thì con xin ẵm lấy cùng hợp làm một cùng Chúa con cho trọn, xin Chúa con chớ để cho con lìa bỏ Chúa con bao giờ. Amen.
5
Đi lễ mà dẫn mấy đứa trẻ đi theo giống như một trận đấu vật vậy. Chúng ồn ào, leo trèo lên người tôi, tôi không thể ngồi yên. Đi lễ như vậy làm gì?
“Hãy để con trẻ đến cùng ta, đừng cấm chúng nó; vì nước Đức Chúa Trời thuộc về những kẻ giống như con trẻ ấy. Quả thật, ta nói cùng các ngươi, ai chẳng nhận lấy nước Đức Chúa Trời như một đứa trẻ, thì chẳng được vào đó bao giờ”. Mc 13-16
Không thể để sự bực bội riêng của chúng ta cản trở chúng ta và gia đình dâng lễ. Vâng, thật khó và đúng là ồn ào nếu mang con nhỏ đi lễ. Chúng tôi không phủ nhận điều đó. Không có điều gì dễ dàng hơn mỗi sáng Chúa nhật khi chúng ta đem con trẻ là chúng ta đã mang đến dâng Người món quà quý giá nhất chúng ta có. Nhiệm vụ của chúng ta là giảng dạy và giáo huấn con cái chúng ta có đức tin (CCC 2226). Chúng ta được kêu mời dạy con cái cách cầu nguyện và giúp chúng nhận biết mình là con Thiên Chúa. Mục tiêu trên hết là dẫn dắt con cái chúng ta về cõi trường sinh là thiên đàng. Chúng ta không thể làm được điều này nếu không cho chúng đi dự lễ.
Hãy tìm cách nào đó giúp con cái của bạn biết tập trung. Trước khi đi lễ, hãy đọc kinh cùng với con mình và xin Chúa Thánh Thần giúp giữ chúng ngồi im lắng nghe trong thánh lễ. Hãy mang theo những sách Công giáo để chúng đọc thầm. Ngồi ở phía trước - con bạn có thể cô thái độ tốt hơn nếu chúng nhìn thấy những gì đang diễn ra trên bàn thánh. Hãy giữ chúng sát bên và thì thầm vào tai chúng từng phần của Thánh lễ. Sau lễ thứ hỏi nhanh vài câu về các bài đọc. Thưởng cho chúng một món quà nhỏ cho bé nào trả lời đúng. Bạn nên đặt câu hỏi đúng với độ tuổi để chúng có thể trả lời dễ dàng. Cũng có thể diễn kịch thánh lễ tại nhà.
Đây là một sự hy sinh sẽ đem lại hoa trái tốt tươi. Bạn sẽ thấy con mình lớn lên trong tình gắn kết với Đức Ki-tô khi bạn cố gắng thực hiện những việc đó.
“Mục tử của các em nhỏ, dẫn dắt trong tình yêu và chân lý, qua nhiều đường lối quanh co; Chúa Ki-tô, Đức Vua chiến thắng vinh quang của chúng con, chúng con đến để ca vinh danh Người. Và đây là những em nhỏ chúng con mang đến, để hát to câu ca khen Ngài”. - Thánh Ambrose
6
Chẳng có đoạn nào trong Thánh Kinh nói rằng tôi phải đi tham dự Thánh lễ.
Kinh Thánh Duy Kinh (Sola Scriptura) là một khái niệm của Giáo hội Tin Lành. Là người Công giáo, chúng ta tin rằng đức tin của chúng ta và sự thực hành đức tin là kết quả của cả Thánh Kinh và những truyền thống của Giáo hội. Đánh giá sai giá trị của các truyền thống của chúng ta là một sai lầm lớn. Có rất nhiều chứng ngôn của Giáo hội sơ khai và các tài liệu khác cho chúng ta những bằng chứng rõ ràng cách thức những cộng đoàn Ki-tô hữu sơ khai đã tụ họp và lắng nghe Lời Người và tôn kính Thánh Thể. Trong Thánh Kinh cũng có một số chỗ nói về Thánh Lễ. Sau đây là một vài ví dụ: 
"Hãy nhớ giữ ngày Sabbath Thánh”. (Xuất hành 20:8), "Rồi Người cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, tạ ơn bẻ ra và trao cho các môn đệ và nói: ‘Đây là mình Thầy, hiến tế vì anh em, Anh em hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy”. (Lc 22: 14, 19) Phúc âm theo thánh Luca đoạn 24 kể về câu chuyện hai môn đệ về làng Emmaus, cũng phản ánh điều này. Bạn có thể bỏ Thánh Lễ được không?
7
Tôi không thích đi lễ.
Khi bạn đọc lên câu này, bạn hãy thử đọc nhẩm trong đầu với một giọng như ngựa hí và thậm chí hãy hình dung minh đang bước đi nước kiệu như ngựa. Nhưng tôi không thích đi lễ! Nó là một kiểu cách rất trẻ con - nhảy cẫng lên trước những việc các trẻ không thích làm, nổi quạu lên và từ chối làm những gì được yêu cầu phải làm. Chúng ta không thể nào bước vào đời một cách trưởng thành nếu cứ để cho tình cảm và cảm xúc quyết định hành động như những trẻ em. Hãy thử tượng những điều chắc chắn không bao giờ có kết quả nếu bạn đơn giản quyết định không làm chỉ vì bạn không thích: “Tôi không thích nghe những chẩn đoán của bác sĩ,” “Tôi không thích ăn kiêng”; “Tôi không thích trả các hóa đơn”; “tôi không thích tới trường”; “Tôi không thích dậy sớm để đi làm,” v.v.. Nếu cuộc sống của chúng ta được thống trị bởi hệ thống luật vô tổ chức thì chắc chắn xã hội sẽ là một thảm họa đầy những hỗn độn và rối loạn. Để sinh tồn, chúng ta thường khi phải làm những điều minh không thích làm. Chúng ta phải trưởng thành mới khám phá ra rằng những hy sinh và quên cái tôi đi là một phần nền tảng quan trọng của cuộc sống. Khi chúng ta kiên trì và quyết chí vượt qua những công việc và hoạt động chẳng vui thích đó thì chúng ta mới bắt đầu nhận ra được nét đẹp và giá trị to lớn của những công việc khó khăn nặng nhọc và kỷ luật.
Nếu chúng ta không đi lễ chỉ đơn giản vì chúng ta không thích, cuộc sống của chúng ta có thể sẽ gặp đầy những trắc trở. Đi tham dự thánh lễ, ngay cả khi chúng ta không cảm thấy thích, sẽ dẫn đưa chúng ta dần dần tới con đường đức tin trưởng thành và cho chúng ta sự bình an tâm hồn rất cần thiết cho cuộc sống trên trái đất này. Tại sao? Vì trong Thánh lễ chúng ta có thể kết hiệp trọn vẹn với Đức Ki-tô qua Thánh Thể. Chúng ta không bao giờ gần Thiên Chúa hơn bằng giây phút Mình Người ngự trong chúng ta. Chỉ một ân sủng đó thôi chẳng có thú vui và giải trí nào có thể tạm so sánh được. Cho dù vì bất kỳ lý do gì làm bạn không thích Thánh lễ, thì chính tình yêu của Đức Ki-tô hiện diện trong Phép Thánh Thể sẽ lấp đầy tất cả. 
"Mỗi một thánh lễ, nếu được dâng lên với trọn tâm hồn, sẽ làm tâm hồn chúng ta tràn đầy ơn phúc, những ân sủng cho đời sống tinh thần và vật chất mà chính bản thân chúng ta nhiều khi không nhận biết. Trái đất có thể tồn tại không có mặt trời chứ không thể tồn tại nếu không có Hy lễ Hiến tế Thánh”. - Thánh Padre Pio
8
Chủ nhật là ngày nghỉ duy nhất của tôi.
À. Chủ nhật. Ai lại chẳng thích có được một ngày thoát khỏi những công việc bận rộn suốt tuần để ngả lưng thư giãn và không làm gì cả? Ai cũng nghĩ đến việc phải tìm chỗ thư giãn nghỉ ngơi trên ghế trường kỷ xem một bộ phim, đi mua sắm ở trung tâm thương mại, hay dành thời gian lướt Pinterest để tìm ý tưởng mới. Và Đức Giê-su đã cho chúng ta một hướng dẫn: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng”. (Mt 11:28) Cách duy nhất để tìm lại được sự phục hồi thực sự và bình an cho tuần làm việc là hãy dành một giờ trong ngày nghỉ của chúng ta với Thiên Chúa. Người sẽ bổ sức cho chúng ta, động viên chúng ta, và tăng thêm sức mạnh cho chúng ta trong suốt tuần. Bạn sẽ thấy rằng mình còn rất nhiều thời gian để tận hưởng ngày Chúa nhật sau khi tham dự Thánh lễ. Nếu bạn vẫn cảm thấy khó khăn không thể bớt được 1 giờ ngày Chúa nhật bạn vẫn có thể đến các nhà thờ có dâng lễ chiều Thứ Bảy.
"Người đã tạo dựng nên chúng con cho chính Người, Lạy Chúa, tâm hồn con sẽ không bao giờ được nghỉ ngơi cho đến khi nào con được nghỉ an trong Chúa”. - Thánh Augustine thành Hippo
"Cho đến khi nào chúng ta chưa có được một tình yêu thiết tha dành cho Đức Ki-tô trong Phép Thánh Thể thì chúng ta sẽ chẳng làm được việc gì trọn vẹn”. - Thánh Peter Julian Eymard
9
Chà, bắt tay hả. Lây vi khuẩn. Tôi không thể nào chịu được việc bắt tay với tất cả những người đó.
Thánh lễ là một buổi họp mặt cộng đoàn xây dựng tình huynh đệ trọn vẹn để nên một chi thể. Trong Thánh lễ mọi sự đều trở nên một. Thân xác, linh hồn và tâm trí. Mọi cái đều kết hiệp với Đức Ki-tô là đầu của chi thể. Khi chúng ta bắt tay với những anh em xung quanh là chúng ta đang tìm thấy khuôn mặt của Đức Ki-tô nơi họ.
Cha Hurtado nói "Bằng sự hiến tế của Đức Ki-tô đã sinh ra một dân tộc mới, một dân tộc là chi thể của Đức Ki-tô trên trái đất cho đến ngày tận cùng của thế giới. Những ai đón nhận Đức Ki-tô sẽ trở nên chính Ngài”. Chúng ta đến với nhau để tạo nên một chi thể của Đức Ki-tô, và khi thực hiện việc này là chúng ta đang sống trong Người và thi hành sứ mạng của Người.
Tư tưởng thần học này có thể không thuyết  phục bạn nếu bạn là người sợ vi trùng. Nếu bạn vẫn không muốn bắt tay với anh chị em xung quanh trong tình huynh đệ Ki-tô, hãy mang theo một chai nước rửa tay sau những cử chỉ chúc bình an cho nhau. Hãy nghĩ đến việc này như một hy sinh nhỏ của bạn để có thể đến với Chúa và lãnh nhận Người trọn vẹn trong bí tích Thánh Thể.
“Mẹ nhìn thấy Chúa Giê-su trong mỗi con người. Mẹ luôn tự nhủ rằng đây là Chúa Giê-su đang đói, ta phải cho Chúa ăn. Đây là Đức Giê-su đang đau bệnh. Người này thì bị phong cùi hay hoại tử, ta phải rửa cho họ và chăm sóc họ. Mẹ phục vụ vì mẹ yêu Gis6-su”. - Mẹ Teresa
10
Chỉ người già mới đi lễ.
Khi đến dự thánh lễ, bạn có thể nhìn thấy xung quanh mình toàn là bạn bè của ông bà của bạn. Tuy nhiên, đây là một thói quen thường thấy các bà cụ thường ngồi chật các hàng ghế. Bạn có thể không nhìn thấy họ trong các lễ lúc 8 giờ sáng, nhưng giới trẻ thường năng động trong đức tin của mình. Hãy thử làm vài khảo sát nhỏ và bạn sẽ tìm ra rằng rất nhiều hoạt động tông đồ được giới trẻ thành lập để đốt lên ngọn lửa đức tin. Khi nào bạn thực sự cảm thấy buồn chán và cô đơn, hãy lên Google và tìm "World Youth Day image" (Hình ảnh ngày giới trẻ thế giới). Hãy sửa soạn tinh thần vì bạn sẽ bị choáng ngợp trước những con số khổng lồ giới trẻ Công giáo hành hương mỗi năm để tham gia sự kiện này.
Nếu bạn sống trong một khu vực mà đa số giáo dân là người cao tuổi, bạn hãy nhớ lời khuyên của Đức Thánh Cha Phanxico, “Các ngài không phải là gánh nặng, nhưng như Kinh Thánh nói, các ngài là một kho chứa đựng sự khôn ngoan (Sir 8:9). Giáo Hội luôn luôn trọng kính và biết ơn các ngài, làm cho các ngài cảm thấy được tôn trọng và luôn là một phần của cộng đoàn”. Còn rất nhiều điều cần phải học từ những kinh nghiệm và đời sống của các vị lớn tuổi. Chúng ta có thể trọng kính và tôn vinh các ngài bằng việc tham dự Thánh lễ cùng với các anh chị em của chúng ta trong chúa Ki-tô.
11
Ngồi. Quỳ. Đứng. Tôi chả biết mình đang làm gì.
Một cảm giác thật không thoải mái tí nào nếu nhìn chung quanh thấy bạn là người duy nhất vẫn đang đứng! Cũng thật ngượng nếu bạn luôn là người làm sau những người khác. Những hành động này không phải là những hành động tùy ý trong suốt Thánh lễ, mỗi hành động đều mang một ý nghĩa cầu nguyện riêng. Chúng ta cầu nguyện không chỉ bằng tâm trí thầm lặng, nhưng với trọn tâm hồn. Khi chúng ta làm những cử điệu này, đó là biểu trưng nghi thức lễ tế và thân thể để diễn tả lời cầu nguyện của chúng ta. Khi đứng, chúng ta thể hiện sự tôn trọng và vinh danh Lời của Thiên Chúa. Khi quỳ, chúng ta thể hiện sự tôn vinh và kính cẩn cao nhất đối với Đức Ki-tô. Đây cũng là một dấu hiệu cho sự vâng nghe Người và lòng khiêm nhường của chúng ta. Chúng ta cúi đầu trong kinh Tin Kính để tôn vinh sự kiện quan trọng nhất trong mọi lịch sử - khi Thiên Chúa xuống thế làm người. Những hành động này thể hiện niềm tin của chúng ta.
Cách duy nhất để có thể quen và cảm thấy thoải mái với trật tự nghi thức của Thánh lễ là tham dự tích cực! Như người ta vẫn thường nói, thực hành sẽ giúp hoàn thiện. Sách lễ Roma (có thể mua trên Amazon hay các nhà sách Công giáo) có thể giúp học và hiểu các phần của Thánh lễ. Đừng để chi tiết nhỏ bé này cản trở bạn cảm nhận được sự vĩ đại và quyền năng của Thiên Chúa. 
"Hãy làm cho mọi gối phải quỳ trước Người, Ôi Thiên Chúa vĩ đại của con, Người đã quá hạn mình trong phép Thánh Thể. Xin cho mọi con tim biết yêu mến Ngài, mọi tâm hồn tôn kính Ngài và mọi dự định đều hướng về Ngài!” - Thánh Margaret Mary Alacoque 
12 
Tôi không hiểu linh mục nói gì. 
Có trên 412,000 linh mục trên toàn thế giới. Mỗi người đều có một khả năng riêng biệt về sự thông thái, lối nói và kỹ năng giao tiếp. Một số trong chúng ta có thể được diễm phúc sống trong giáo xứ có linh mục có khả năng giảng thuyết tốt khơi gợi và thúc đẩy để đức tin chúng ta lớn mạnh. Một số có thể sống ở nơi có cha xứ giảng thuyết những vấn đề quá mức hiểu của chúng ta hay bài giảng nghe không cuống hút. Bất kể vị linh mục nào đang cử hành Thánh lễ trong nhà thờ thì chúng ta phải nhớ rằng vị linh mục đó không phải là lý do để chúng ta đi dâng lễ. Chúng ta đi dâng lễ để được kết hiệp với Đức Ki-tô trong phép Thánh Thể.
Trên tất cả, hãy kiên nhẫn với linh mục. Hãy tìm những cách để động viên ngài để ngài thể hiện khả năng Chúa ban. Ngài là người đã chọn tận hiến đời sống để vinh danh Chúa. Hãy cầu xin Chúa Thánh Thần soi sáng và thúc đẩy tất cả các linh mục.
13
Tôi vẫn đi lễ, nhưng tôi chẳng thấy mình thay đổi gì.
Đầu mùa xuân, chúng ta phải cẩn thận khi đi ra ngoài. Chúng ta không cảm thấy nóng nên chúng ta thường không xoa kem chống nắng nay cả khi mặt trời đã lên cao. Nếu chúng ta ở ngoài quá lâu, vào trong chúng ta sẽ bị rám nắng. Chúng ta không cảm nhận được những tia năng lượng của mặt trời, nhưng chúng thực sự ảnh hưởng trên chúng ta. Mặt trời thay đổi chúng ta, nhưng chúng ta không thấy được cho đến mãi về sau.
Với Thánh Lễ cũng có thể giống như vậy. Có thể bạn không để ý thấy được những thay đổi trong đời mình. Bạn vẫn gặp những khó khăn. Tội lỗi vẫn là những gì bạn phải chiến đấu. Tuy nhiên cho đến khi nào chúng ta thực sự ở trong Chúa Con, chúng ta sẽ được thay đổi. Chúng ta phải vững niềm tin rằng Thiên Chúa luôn hoạt động trong tâm hồn chúng ta thậm chí cả khi chúng ta không thể nhìn thấy được những gì Người đang thực hiện trong ta.
"Khi bạn nhận lãnh Người, tâm hồn bạn hãy vui lên và tôn vinh Người, hãy tâm sự với Người về đời sống tinh thần của mình, hãy giữ lấy Người trong linh hồn bạn là nơi Người hiện diện để ban cho bạn sự viên mãn; hãy đón nhận Người với hết cả tâm trí, và hãy cư xử thánh thiện với anh em mình để làm sao hành động của bạn là một bằng chứng cho sự Hiện Diện của Người. - Thánh Francis de Sales
14
Tôi sẽ đi lễ khi nào tôi cảm thấy cần. Bắt buộc hả, không bao giờ.
Có ai dám nói rằng họ chỉ cảm thấy đói lúc này lúc kia thôi và vì vậy họ chỉ ăn khi nào họ cảm thấy cần ăn, và khi nào họ thấy thật thuận tiện? Không ai dám. Cơ thể chúng ta nghiêm túc đòi hỏi chúng ta phải nuôi dưỡng nó. Đây là vấn đề của sự sống hay chết. Điều này quá rõ ràng. Một tình trạng tương tự cũng xảy ra với sự đó thiêng liêng với những tiếng kêu thúc bách từ tận sâu thẳm tâm hồn chúng ta. Chúng ta không thể nào không có cảm nhận cần Chúa Giê-su. Chúng ta không thể nào không muốn nuôi dưỡng tâm hồn chúng ta. Nếu chúng ta không nuôi dưỡng linh hồn chúng ta bằng Thiên Chúa thì chúng ta sẽ lấp đầy nó với những thứ thuộc về thế gian này mà nó sẽ không bao giờ làm chúng ta thỏa mãn. Vì vậy ở đây chúng ta gặp lại câu hỏi sống hay chết: “mỗi con người có một nhu cầu thậm chí còn mạnh mẽ hơn, một sự đói khát thậm chí còn khốc liệt hơn một người đói đang cần bánh ăn, một cái đói Thiên Chúa trong tâm hồn. Chỉ chính Người mới có thể làm thỏa mãn cơn đói này vì Người nói: “nếu các con không ăn thịt của Con Người và uống máu Người, con sẽ không được sống lại. Những ai ăn thịt Ta và uống máu Ta sẽ được sống đời đời, và Ta sẽ cho người đó sống lại trong ngày sau hết’. "(Ga 6: 53-55) - Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolo II. 
15 
Tôi không thể cầm trí được lâu! 
Ngày nay đây là điều rất bình thường khi chúng ta phải chiến đầu để giữ tập trung vào một vấn đề trong thời gian lâu. TV và Internet là thiên đường cho những ai thích tiểu thuyết và “những cú nhấp” (clicks). Nếu điều gì đó không còn giữ được sự tập trung của chúng ta, chúng ta hãy thay đổi cách. Một vấn đề rắc rối ở đây là tất cả đều tập trung vào sự thèm khát giải trí của chúng ta. Và ngay cả khi chúng ta cố gắng ra vẻ là không cần thì cái loại thức ăn vô bổ “nội tâm” này vẫn không bao giờ làm chúng ta hết thèm! Nhưng trong Thánh Lễ, chúng ta được mời gọi phải làm ngược lại: Nếu Thánh lễ không còn giúp chúng ta cầm trí, chính CHÚNG TA phải thay đổi. Điều này chắc chắn là một thách thức, nhưng ở đó, và chỉ tại đó, chúng ta mới đạt đến sự trọn vẹn cho những gì chúng ta khao khát!
Becky Roach
[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 11/04/2016]