Thứ Sáu, 22 tháng 3, 2019

Ðức Thánh Cha Phanxicô: Kitô hữu không tin vào "số phận" nhưng vào ơn cứu độ từ Thiên Chúa.

Filled under:

Ðức Thánh Cha Phanxicô: Kitô hữu không tin vào "số phận" nhưng vào ơn cứu độ từ Thiên Chúa.

Hồng Thủy
Vatican (Vat. 20-03-2019) - Trong buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư 20 tháng 03 năm 2019, Ðức Thánh Cha Phanxicô giải thích lời cầu nguyện thứ ba trong Kinh Lạy Cha: "Xin cho thánh ý Chúa được thực hiện".
Ðức Thánh Cha giải thích rằng như lời thánh Phaolô trong thư gửi Timôthê: "Ðó là điều tốt và đẹp lòng Thiên Chúa, Ðấng cứu độ chúng ta, Ðấng muốn cho mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý", Thiên Chúa muốn cứu độ toàn thể nhân loại. ÐTC mời gọi các tín hữu đừng bi quan, đầu hàng trước điều mà mình cho là "số phận", nhưng tín thác vào Chúa, Ðấng luôn yêu thương và tìm kiếm chúng ta. Có thể trên đường đời chúng ta gặp đầy gai góc, khó khăn và thử thách, nhưng Chúa luôn ở bên chúng ta và không bao giờ bỏ rơi chúng ta.
Bài giáo lý của Ðức Thánh Cha
Mở đầu bài giáo lý, Ðức Thánh Cha nhận định rằng lời cầu nguyện "Xin cho ý Cha được thực hiện" được đọc trong sự nối kết với hai lời nguyện trước - "xin cho Danh Cha hiển sáng" và "xin cho vương quốc Cha hiển trị" - và cả 3 lời nguyện này tạo thành một bộ ba.
Thiên Chúa không mệt mỏi chăm sóc con người và thế giới
Trước khi thế giới được con người chăm sóc thì Thiên Chúa đã chăm sóc không mệt mỏi con người và thế giới. Toàn bộ Tin mừng phản chiếu sự đảo ngược của chiều kích này. Người tội lỗi Giakêu trèo lên cây cao bởi vì muốn nhìn thấy Chúa Giêsu, nhưng ông không biết rằng, trước đó rất lâu, Thiên Chúa đã bắt đầu tìm kiếm ông. Khi đến nơi, Chúa Giêsu nói với ông: "Ông Giakêu, xuống ngay đi, bởi vì hôm nay tôi phải ở lại nhà của ông". Và đến cuối cuộc viếng thăm, Người tuyên bố: "Con Người đến để tìm kiếm và cứu chuộc những gì đã hư mất" (Lc 19,5.10).
Thiên Chúa tìm kiếm và cứu chuộc mỗi người chúng ta
Ðây chính là thánh ý Thiên Chúa, điều chúng ta cầu xin cho được thực hiện. Ðâu là thánh ý Thiên Chúa được nhập thể nơi Chúa Giêsu? Ðó là tìm kiếm và cứu độ những gì đã hư mất. Và chúng ta, trong lời cầu nguyện, chúng ta cầu cho sự tìm kiếm của Thiên Chúa có kết quả tốt, xin cho kế hoạch cứu độ phổ quát của Người được thực hiện, trước hết nơi mỗi người chúng ta và sau đó trên toàn thế giới. Anh chị em có suy nghĩ việc Thiên Chúa tìm kiếm chúng ta có nghĩa là gì không? Mỗi người trong chúng ta có thể nói: "Nhưng, Thiên Chúa có tìm tôi không ?" - "Có! Thiên Chúa tìm bạn! Người tìm bạn! Người tìm tôi!". Người tìm mỗi người, từng người. Thiên Chúa vĩ đại! Biết bao yêu thương Người dành cho chúng ta.
Kế hoạch cứu độ rõ ràng của Thiên Chúa
Thiên Chúa không mơ hồ, không che dấu ý định của Người bằng những điều bí ẩn; Người không hoạch định tương lai của thế giới theo cách không thể giải mã được. Thiên Chúa thì rõ ràng. Nếu chúng ta không hiểu điều này, thì có nguy cơ là chúng ta không hiểu được ý nghĩa của lời cầu nguyện thứ ba trong Kinh Lạy Cha. Thật ra, trong Kinh Thánh có đầy những thành ngữ nói cho chúng ta về ý muốn tích cực của Thiên Chúa đối với thế giới. Trong sách Giáo lý Công giáo chúng ta tìm thấy một sưu tập những trích dẫn minh chứng về ý muốn trung thành và kiên trì của Thiên Chúa (x. các số 2821-2827). Và thánh Phaolô viết trong thư thứ nhất gửi cho ông Timôthê như sau: "Thiên Chúa muốn cho mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý" (2,4). Ðiều này, không chút nghi ngờ, chính là ý muốn của Thiên Chúa: ơn cứu độ của con người, mỗi người chúng ta. Thiên Chúa với tình yêu đến gõ cánh cửa trái tim chúng ta. Vì sao? Ðể lôi kéo chúng ta, để kéo chúng ta đến với Người và để đưa chúng ta tiến bước trên hành trình cứu độ. Thiên Chúa gần gũi với mỗi người chúng ta bằng tình yêu của người, để cầm tay dẫn đưa chúng ta đến ơn cứu độ. Biết bao yêu thương Người dành cho chúng ta.
Kinh Lạy Cha là kinh nguyện của con cái, không phải của nô lệ
Do đó, khi cầu nguyện "xin cho ý Cha được thực hiện", không phải là chúng ta được yêu cầu cúi đầu như nô lệ, như thể chúng ta là những nô lệ. Không! Thiên Chúa muốn chúng ta tự do; chính tình yêu của Người giải thoát chúng ta. Thật ra, Kinh Lạy Cha là lời cầu nguyện của những người con, không phải là của các nô lệ; những người con hiểu biết trái tim của cha mình và chắc chắn về kế hoạch yêu thương của người. Thật bất hạnh cho chúng ta nếu khi chúng ta tuyên xưng những lời này mà chúng ta lại nhún vai như dấu chỉ đầu hàng trước một số phận đẩy lùi chúng ta và chúng ta không thể thay đổi nó được.
Kinh Lạy Cha là lời cầu nguyện mạnh dạn và tranh đấu
Ngược lại, Kinh Lạy Cha là lời cầu nguyện đầy sự tín thác mạnh mẽ vào Thiên Chúa, Ðấng muốn điều tốt lành, sự sống và ơn cứu độ cho chúng ta. Nó cũng là lời cầu nguyện can đảm và cả tranh đấu, bởi vì trên thế giới còn quá nhiều thực tại không theo kế hoạch của Thiên Chúa.Tất cả chúng ta biết điều này. Diễn giải lời ngôn sứ Isaia, chúng ta có thể nói: "Ở đây, thưa Chúa, có chiến tranh, lạm quyền, bóc lột; nhưng chúng con biết rằng Chúa muốn điều tốt của chúng con, vì vậy chúng con cầu xin Chúa: Xin cho ý Chúa được thực hiện! Lạy Chúa, xin đảo lộn kế hoạch của thế giới, xin biến lưỡi gươm đao thành cuốc thành cày và giáo mác nên liềm nên hái; và không ai còn học nghề chinh chiến nữa!" (xem 2,4). Thiên Chúa muốn bình an.
Cầu nguyện là tin rằng Thiên Chúa có thể chiến thắng sự ác
Kinh Lạy Cha là lời cầu nguyện thắp lên trong chúng ta tình yêu của Chúa Giêsu đối với ý muốn của Chúa Cha, một ngọn lửa thúc đẩy biến đổi thế giới bằng tình yêu. Kitô hữu không tin vào một một "số phận" không thể tránh được. Không có gì tình cờ trong đức tin của các Kitô hữu: nhưng ngược lại, có một ơn cứu độ chờ đợi được thể hiện trong cuộc sống của mỗi người nam nữ và được thực hiện trong cõi vĩnh hằng. Nếu chúng ta cầu nguyện là bởi vì chúng ta tin rằng Thiên Chúa có thể và muốn biến đổi thực tại bằng cách chiến thắng sự ác bằng sự thiện, có nghĩa là vâng lời và phó thác chính mình cho Thiên Chúa, ngay cả trong giờ thử thách khó khăn nhất.
Khó khăn thử thách giúp cảm nghiệm đau khổ
Như đã xảy ra với Chúa Giêsu trong vườn Ghếtsêmani, khi Người nếm trải sự đau khổ và Người đã cầu nguyện; "Lạy Cha, nếu Cha muốn, xin hãy cất chén này xa con! Nhưng xin đừng theo ý con, mà là theo ý Cha" (Lc 22,42). Chúa Giêsu đã bị vùi dập bởi sự ác của thế gian nhưng Người phó thác cách tin tưởng vào đại dương tình yêu của thánh ý Chúa Cha. Cả các vị tử đạo, trong thử thách, các ngài không tìm sự chết, các ngài tìm điều sau cái chết, đó là sự phục sinh. Thiên Chúa, vì yêu thương, có thể đưa chúng ta đi trên những nẻo đường khó khăn để cảm nhận những vết thương và gai góc đau khổ, nhưng Người sẽ không bao giờ bỏ rơi chúng ta. Người sẽ luôn ở với chúng ta, bên cạnh chúng ta, trong tâm hồn chúng ta.
Thiên Chúa luôn ở bên chúng ta
Ðối với người có đức tin, điều này, còn hơn là một hy vọng, nó là một sự chắc chắn. Thiên Chúa ở cùng tôi. Chúng ta cũng thấy chính điều này trong dụ ngôn trong Tin mừng thánh Luca nói về sự cần thiết của việc cầu nguyện không ngừng. Chúa Giêsu nói: "Chẳng lẽ Thiên Chúa lại không minh xét cho những kẻ Người đã tuyển chọn, ngày đêm hằng kêu cứu với Người sao? Lẽ nào Người bắt họ chờ đợi mãi? Thầy nói cho anh em biết, Người sẽ mau chóng minh xét cho họ" (18,7-8). Thiên Chúa thì như thế, Người yêu chúng ta như thế, Người muốn điều tốt cho chúng ta như thế. Nhưng bây giờ tôi muốn mời anh chị em, tất cả cùng nhau đọc Kinh Lạy Cha. Những anh chị em không biết tiếng Ý thì đọc kinh này bằng chính ngôn ngữ của mình. Chúng ta cùng nhau cầu nguyện. Ðức Thánh Cha và các tín hữu đã cùng nhau đọc kinh cầu nguyện bằng Kinh Lạy Cha.

Giáo Hội Công Giáo sắp có thêm 9 chân phước.
G. Trần Ðức Anh OP
Vatican (Vat. 20-03-2019) - Giáo Hội sắp có thêm 9 chân phước trong đó có 7 Giám Mục tử đạo tại Rumani dưới thời cộng sản.
Hôm 19 tháng 3 năm 2019, với sự chấp thuận của Ðức Thánh Cha Phanxicô, Bộ Phong Thánh đã công bố 8 sắc lệnh liên quan đến các án phong chân phước.
Nhìn nhận phép lạ
Ðứng đầu là sắc lệnh nhìn nhận phép lạ nhờ lời chuyển cầu của nữ tôi tớ Chúa Maria Emilia Riquelme y Zayas (1847-1940), người Tây Ban Nha, mồ côi mẹ từ năm lên 7 tuổi. Ngày lễ Truyền Tin, 25 tháng 3 năm 1896, khi được 49 tuổi, chị đã thành lập dòng Các Nữ Thừa Sai Thánh Thể và Ðức Mẹ Vô Nhiễm. Chị qua đời năm 1940, thọ 93 tuổi.
7 Giám Mục tử đạo Rumani
Sắc lệnh thứ 2 nhìn nhận cuộc tử đạo của 7 Giám Mục Rumani, bị chế độ cộng sản Rumani sát hại trong khoảng thời gian từ năm 1950 đến 1970. Tất cả các vị đều thuộc Giáo Hội Công Giáo nghi lễ đông phương là Giáo Hội bị nhà nước cộng sản giải tán và ép xáp nhập vào Giáo Hội Chính Thống, giống như tại Ucraina thời Liên Xô. Tất cả các GM đều bị bắt và mọi tài sản của Giáo Hội này được giao cho Chính Thống sử dụng.
7 Giám Mục, mỗi vị bị bắt, bị cầm tù và đày tới các trại lao động khổ sai, bị cô lập, giá lạnh, đói khát, bệnh tật và hành hạ cho đến khi chết rũ tù. Các vị không hề được xét xử và khi chết bị chôn trong những ngôi mô vô danh, không có lễ nghi tôn giáo nào.
Cha Cremonesi tử đạo tại Miến Ðiện
Sắc lệnh thứ 3 nhìn nhận cuộc tử đạo của Cha Alfredo Cremonesi, thuộc hội thừa sai Pime, Italia, được gửi sang Miến Ðiện năm 1925 khi được 23 tuổi. Tháng 2 năm 1953, khi quốc gia này trải qua cuộc xung đột đẫm máu giữa các quân du kích và quân đội chính phủ, cha Cremonesi đã bị các binh sĩ sát hại khi cha cố gắng bênh vực dân làng ở Donoku. Lúc đó cha mới được 51 tuổi. Ngay từ khi bị sát hại, cha Cremonesi đã được coi như một vị tử đạo.
5 sắc lệnh còn lại nhìn nhận các nhân đức anh hùng của 5 vị tôi tớ Chúa người Italia gồm 1 Linh Mục, và 4 nữ tu. (Cath.ch 19-3-2019)


Một linh mục bị vu cáo lạm dụng tính dục được minh oan sau 8 năm.
Hồng Thủy - Vatican
Czech (Vat. 20-03-2019) - Cha Adam Stanislaw Kuszaj đã bị một thiếu niên 16 tuổi vu cáo lạm dụng tính dục. 8 năm sau cha được minh oan nhờ các bạn bè của nguyên cáo cho biết cậu ta đã dựng chuyện để trả thù cha. Khi cha bị kết án, báo chí đã đăng tải rất nhiều. Nhưng khi cha được minh oan, có mấy tờ báo loan tin vui này?
Cha Adam Stanislaw Kuszaj là một linh mục Ba lan dòng Ðấng Cứu độ. Khi sang Cộng hòa Czech chăm sóc mục vụ cho các tín hữu Công giáo ở đây, cha đã hiểu đây là một sứ vụ không dễ dàng khi quốc gia này có con số người xưng mình là vô thần cao nhất thế giới. Dù thế cha vẫn không ngờ mình sẽ bị đưa ra tòa với cáo buộc lạm dụng tính dục của một thiếu niên 16 tuổi.
Năm 2011, giáo quyền đã cấm cha Kuszaj thi hành tác vụ linh mục và cha bị trục xuất khỏi dòng. Cha cũng bị tòa dân sự kết án 6 tháng tù treo. Bị kỳ thị vì lời buộc tội nặng nề và bị bỏ rơi bởi hầu hết những người thân quen, cha chỉ có thể tự lo liệu cuộc sống của mình nhờ đi làm công nhân.
Năm 2016, vụ án đã được mở lại sau khi 3 người bạn của nguyên cáo khai rằng anh ta dựng lên những lời cáo buộc vì cha không giúp đỡ tài chính cho gia đình anh ta nữa. Nguyên cáo được thẩm vấn một lần nữa và các chuyên viên được tòa án hỏi ý kiến đã khẳng định rằng các lời tường thuật của người cáo buộc là không đáng tin. Người ta thấy rằng người đó đã muốn trả thù vị linh mục vì cha đã không muốn cho anh ta tiền.
Giữa tháng 2 năm 2019, cùng thời gian diễn ra khóa họp tại Vatican về các vụ lạm dụng tính dục bởi các giáo sĩ, tòa án thành phố Jesenik của Czech đã xét đơn kháng cáo của cha Kuszaj, và tuyên bố cha vô tội.
Giáo phận Ostrawa-Opava đã rút lại lệnh cấm cha Kuszaj thi hành thừa tác vụ. Về phần mình, cha Kuszaj cũng muốn sớm được trở lại thi hành sứ vụ. Chia sẻ với đài phát thanh Công giáo địa phương, cha Kuszaj nói: "Ðó là ước mơ của tôi và tôi muốn rằng nó được thực hiện. Tôi đã luôn muốn phục vụ con người và Thiên Chúa. Tôi đã mất 9 năm nhưng tôi đã học được nhiều điều".