Thứ Sáu, 8 tháng 3, 2019

Bài giảng của Ðức Thánh Cha trong thánh lễ thứ Tư Lễ Tro khai mạc Mùa Chay Thánh 2019.

Filled under:

Bài giảng của Ðức Thánh Cha trong thánh lễ thứ Tư Lễ Tro khai mạc Mùa Chay Thánh 2019.

J.B. Ðặng Minh An dịch
Vatican (VietCatholic News 06-03-2019) - Tại giáo phận Rôma, các cử hành trong Mùa Chay sẽ diễn ra lần lượt tại các nhà thờ, và được gọi là các "Stazioni" - các "chặng" như các chặng đàng thánh giá (Stazioni della Via Crucis).
Chặng đầu tiên đã do Ðức Thánh Cha Phanxicô chủ sự trong ngày thứ Tư Lễ Tro 6 tháng Ba năm 2019.
Lúc 4:30 chiều, Ðức Thánh Cha Phanxicô sẽ chủ sự cuộc rước kiệu sám hối từ nhà thờ thánh Anselmo của dòng Biển Ðức tới đền thờ thánh nữ Sabina của dòng Ða Minh.
Ði trong đoàn rước với Ðức Thánh Cha, có đông đảo các Hồng Y và Giám Mục trong giáo triều Rôma, các tu sĩ dòng Biển Ðức và Ða Minh. Trên quãng đường dài 500 mét, các vị vừa đi vừa hát kinh cầu các thánh, và thánh ca thống hối.
Tại Vương cung Thánh Ðường thánh nữ Sabina, có từ thế kỷ thứ Năm, Ðức Thánh Cha sẽ chủ sự thánh lễ đồng tế với các Hồng Y và Giám Mục, trước sự tham dự của linh mục tu sĩ nam nữ và giáo dân.
Trong bài giảng, Ðức Thánh Cha nói:

Tiên tri Giôen nói trong bài đọc thứ nhất: "Hãy rúc tù và tại Xi-on, ra lệnh giữ chay thánh" (Giôen 2:15). Mùa Chay mở ra với một âm thanh đinh tai, đó là tiếng tù và không làm êm đôi tai nhưng là lời công bố chay tịnh. Ðó là một tiếng kêu to tìm cách làm chậm nhịp sống rất nhanh nhưng thường thiếu định hướng của chúng ta. Ðó là một lời hiệu triệu hãy dừng lại, để tập trung vào những gì là thiết yếu, để chay tịnh khỏi những thứ không cần thiết làm chúng ta mất tập trung. Ðó là một lời cảnh tỉnh cho linh hồn.
Lời cảnh tỉnh này được đi kèm với thông điệp mà Chúa tuyên bố qua đôi môi của vị tiên tri, một thông điệp ngắn gọn và chân thành: "Hãy trở về với Ta" (v 12). Trở về. Nếu chúng ta phải trở về, điều đó có nghĩa là chúng ta đã lang thang phiêu bạt. Mùa Chay là thời gian để tái khám phá hướng đi của cuộc sống. Bởi vì trong cuộc hành trình cuộc đời, như trong mọi cuộc hành trình, điều thực sự quan trọng là đừng đánh mất mục tiêu. Tuy nhiên, trong cuộc hành trình nếu chúng ta mải mê ngắm nhìn phong cảnh hoặc dừng lại ăn uống, chúng ta sẽ không đi được xa. Chúng ta nên tự hỏi: Trên hành trình của cuộc đời, tôi có tìm kiếm con đường phía trước không? Hay tôi hài lòng với việc sống trong khoảnh khắc và chỉ nghĩ đến việc cảm thấy tốt là đủ, giải quyết một số vấn đề rồi quay ra vui chơi? Con đường này là gì? Có phải đó là sự tìm kiếm sức khỏe, mà ngày nay nhiều người coi là ưu tiên trước hết nhưng cuối cùng rồi nó cũng qua đi? Hay có thể là của cải và phúc lợi chăng? Nhưng chúng ta không ở trong thế giới này vì những điều như thế. Chúa nói hãy quay về với Ta. Với Ta. Chúa phải là cùng đích của cuộc hành trình của chúng ta trong thế giới này. Hướng đi phải dẫn đến Ngài.
Hôm nay chúng ta đã được ban cho một dấu chỉ sẽ giúp chúng ta tìm thấy hướng đi của chúng ta: đó là đầu ta được xức tro. Ðó là một dấu chỉ khiến chúng ta phải xem xét những gì đang chiếm hữu tâm trí chúng ta. Suy nghĩ của chúng ta thường tập trung vào những thứ thoáng qua, đến rồi đi. Dấu tro nhỏ mà chúng ta sẽ nhận được, là một lời nhắc nhở tế nhị nhưng thực tế rằng rất nhiều thứ chiếm giữ suy nghĩ của chúng ta, mà chúng ta theo đuổi và lo lắng mỗi ngày, sẽ không còn gì. Cho dù chúng ta làm việc chăm chỉ đến đâu đi nữa, chúng ta sẽ không mang theo được sự giàu có với chúng ta khi từ giã cuộc sống này. Thực tại trần gian biến mất như bụi trong gió. Những thứ sở hữu chỉ là tạm thời, quyền lực qua đi, thành công nhạt nhòa dần. Văn hóa chuộng vẻ bề ngoài đang thịnh hành ngày nay, thuyết phục chúng ta sống cho những thứ chóng qua, là một sự lừa dối kinh hoàng. Nó giống như một ngọn lửa: một khi lụi tàn, chỉ còn lại tro. Mùa Chay là thời gian để giải thoát bản thân khỏi ảo ảnh đuổi theo cát bụi. Mùa Chay là để tái khám phá rằng chúng ta được tạo thành cho ngọn lửa không thể dập tắt, chứ không phải cho những tro tàn lập tức biến mất; chúng ta được tạo thành vì Chúa, chứ không phải vì thế gian; vì sự vĩnh cửu của thiên đàng, chứ không phải vì sự lừa dối trần thế; vì tự do của con cái Chúa, chứ không phải để làm nô lệ cho vạn vật. Chúng ta nên tự hỏi ngày hôm nay: Tôi đang đứng bên nào? Tôi sống vì lửa hay vì tro?
Trong hành trình Mùa Chay này, hãy trở lại với những gì thiết yếu, Tin Mừng đề xuất ba bước mà Chúa mời gọi chúng ta thực hiện không giả hình và không giả vờ: đó là bố thí, cầu nguyện, và chay tịnh. Những điều này để làm gì? Việc bố thí, cầu nguyện và chay tịnh đưa chúng ta trở lại với ba thực tại không phai mờ. Cầu nguyện hiệp nhất chúng ta với Chúa; bác ái kết hiệp chúng ta với người lân cận; và chay tịnh hiệp nhất chúng ta với chính mình. Thiên Chúa, người lân cận, và cuộc sống của tôi: đây là những thực tại không phai mờ mà chúng ta phải đầu tư. Do đó, Mùa Chay mời chúng ta tập trung, trước hết vào Ðấng Toàn Năng, trong lời cầu nguyện, là điều giải thoát chúng ta khỏi cuộc sống phẳng lặng và vô vị, trong đó chúng ta dành thời gian cho bản thân mà quên đi Thiên Chúa. Sau đó, chúng ta được mời gọi chú tâm đến những người khác, với một tấm lòng bác ái giải phóng chúng ta khỏi sự phù phiếm của việc chiếm hữu cho thật nhiều và nghĩ rằng mọi thứ chỉ là tốt nếu cái tốt ấy là dành cho tôi. Cuối cùng, Mùa Chay mời chúng ta nhìn vào bên trong trái tim mình, với chay tịnh, để giúp chúng ta thoát khỏi sự dính bén với mọi thứ và khỏi tinh thần thế gian làm tê liệt trái tim. Cầu nguyện, bác ái, và chay tịnh là ba khoản đầu tư cho một kho báu tồn tại lâu dài.
Chúa Giêsu đã phán: "Kho báu anh em ở đâu, thì lòng trí anh em cũng ở đó" (Mt 6:21). Trái tim của chúng ta luôn chỉ về một số hướng: nó giống như một chiếc la bàn tìm kiếm những phương vị của nó. Chúng ta cũng có thể so sánh con tim chúng ta với một nam châm: nó cần phải tự gắn mình vào một cái gì đó. Nhưng nếu nó chỉ gắn liền với những thứ trần thế, sớm hay muộn nó sẽ trở thành nô lệ cho chúng: những thứ cho chúng ta sử dụng lại trở thành những thứ mà chúng ta phải phục dịch cho chúng. Vẻ bề ngoài, tiền bạc, sự nghiệp hoặc sở thích: nếu chúng ta sống vì chúng, thì chúng sẽ trở thành những thần tượng biến chúng ta thành nô lệ cho chúng, trở thành những tiếng còi quyến rũ chúng ta và sau đó đẩy chúng ta trôi giạt. Nhưng nếu trái tim chúng ta gắn liền với những gì không qua đi, chúng ta sẽ tái khám phá chính mình và được giải thoát. Mùa Chay là thời gian ân sủng giải thoát trái tim khỏi phù hoa. Ðó là thời gian chữa lành khỏi những nghiện ngập quyến rũ chúng ta. Ðây là thời gian để dán cái nhìn của chúng ta vào những gì là lâu dài.
Như thế, chúng ta có thể dán cái nhìn của mình vào đâu trong suốt hành trình Mùa Chay này? Thưa, vào Ðấng Chịu Ðóng Ðinh. Chúa Giêsu trên thập giá là la bàn cuộc đời, hướng chúng ta lên thiên đàng. Sự nghèo nàn của gỗ thánh giá, sự im lặng của Chúa, sự rũ bỏ chính mình vì yêu thương của Người cho chúng ta thấy sự cần thiết của một cuộc sống đơn giản hơn, thoát khỏi những lo lắng về mọi thứ. Từ thập giá, Chúa Giêsu dạy chúng ta lòng can đảm lớn lao liên quan đến sự từ bỏ. Chúng ta sẽ không bao giờ tiến được về phía trước nếu chúng ta bị đè nặng. Chúng ta cần giải thoát bản thân khỏi sự kìm kẹp của chủ nghĩa tiêu dùng và nanh vuốt của tính ích kỷ, khỏi lòng ước muốn có được nhiều hơn nữa không ngừng, không bao giờ được thỏa mãn, và khỏi một trái tim khép kín với nhu cầu của người nghèo. Chúa Giêsu trên gỗ thánh giá cháy bỏng với tình yêu và kêu gọi chúng ta đến với một cuộc sống say mê Người, không lạc mất giữa đống tro tàn của thế giới; đến với một cuộc sống cháy bỏng lòng bác ái, không bị dập tắt trong sự tầm thường. Có khó sống như Người yêu cầu không? Thưa thật khó sống, nhưng nó dẫn chúng ta đến mục tiêu của đời ta. Mùa Chay chỉ cho chúng ta thấy điều này. Nó bắt đầu với đống tro tàn nhưng cuối cùng lại dẫn chúng ta đến ánh lửa đêm Phục sinh; đến sự phát hiện rằng, trong ngôi mộ, xác của Chúa Giêsu không biến thành tro bụi, nhưng trỗi dậy một cách vinh quang. Ðiều này cũng đúng cho chúng ta, những người là bụi tro. Nếu chúng ta, với những yếu đuối của mình, trở về với Chúa, nếu chúng ta đi theo con đường tình yêu, thì chúng ta sẽ nắm lấy cuộc sống vĩnh cửu không bao giờ kết thúc. Và chúng ta sẽ tràn đầy niềm vui.
(Source: Libreria Editrice Vaticana HOLY MASS, BLESSING AND IMPOSITION OF THE ASHES HOMILY OF HIS HOLINESS POPE FRANCIS Basilica of Santa Sabina Ash Wednesday, 6 March 2019)


Vì sao thánh giá và tượng trong nhà thờ được che lại?

Như các bạn thấy, trong những ngày này thánh giá, tượng và hình ảnh các thánh ngoại trừ các tượng của đàng thánh giá, tất cả đều được phủ bằng khăn màu tím. Nhiều nhà thờ phủ từ chúa nhật thứ 3 hoặc thứ 5 Mùa Chay. Có nhà thờ chờ đến ngày Thứ Năm Tuần Thánh để làm cùng một lúc khi chuyển Thánh Thể vào nhà tạm. Hình thức che khăn là dấu chỉ Giáo hội sẽ sống lại biến cố Thương Khó của Chúa Giêsu từng ngày, từng giờ cho đến khi Chúa chịu đóng đinh vào Thứ Sáu Tuần Thánh, ngày khăn che được long trọng tháo ra.
Đặt trọng tâm vào sự Thương Khó của Chúa Giêsu Kitô
Tượng Đức Mẹ cũng được che và không được thắp nến. Mục đích là để ngưng việc kính các thánh, chỉ tập trung vào Chúa Giêsu đang đi trên con đường khổ nạn. Bàn thờ cũng không chưng hoa. Trong Mùa Chay, chủ đề Thương Khó là trọng tâm. Chúng ta không nên để chuyện gì làm mình chia trí khi nguyện ngắm về sự khổ nạn của Chúa Giêsu Kitô. Mùa Chay là mùa ăn năn trở lại, mùa làm mới lại đức tin, mùa đặc biệt nhớ lại sự Thương Khó của Chúa Giêsu.
Cho đến Thứ Sáu Tuần Thánh
Trong một vài nhà thờ, màu khăn che trùng với màu của áo lễ phụng vụ. Với màu đỏ ngày Lễ Lá, màu trắng từ ngày Thứ Năm Tuần Thánh đến ngày vọng Phục Sinh hay thánh lễ In Coena Domini. Có nơi chờ đến Thứ Năm Tuần Thánh mới che thánh giá và các tượng, nhưng làm như thế, thời gian quá ngắn để sống “sự Thương Khó” với Chúa Kitô và nắm hết ý nghĩa của tinh thần này. Ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, thánh giá được long trọng mở ra, linh mục hát ba lần “Ecce lignum Crucis in quo salus mundi pependit”  - “Đây là cây thánh giá, nơi đã treo Đấng Cứu độ trần gian” và giáo dân đáp lại “Venite adoremus” - “Chúng ta hãy đến bái thờ”. Trong ngày canh thức Phục Sinh, khi hát kinh Gloria đánh dấu đã bước qua giai đoạn ăn năn đến giai đoạn phục sinh, khăn che trên các ảnh tượng sẽ được lấy đi.
Ở nhà
Đó là ở nhà thờ, còn ở nhà thì chúng ta sẽ làm gì? Không một chi tiết chính xác nào nói về điểm này … nhưng ít nhất chúng ta có một “góc cầu nguyện” hay một phòng cầu nguyện trong nhà … bình thường một cành ô-liu được làm phép trong ngày Lễ Lá đặt bên cạnh cây thánh giá trong nhà nhắc chúng ta cái chết và sự sống lại của Chúa Giêsu Kitô.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch