Tin Mừng Chúa Nhật II Mùa Chay Năm C
Bài Ðọc I: St 15, 5-12.
17-18
"Thiên Chúa đã thiết
lập giao ước với Abraham".
Trích sách Sáng Thế.
Trong những ngày ấy, Thiên
Chúa dẫn Abram ra ngoài và nói với ông: "Ngươi hãy ngước mắt lên trời, và
nếu có thể được, hãy đếm các ngôi sao". Rồi Chúa nói tiếp: "Miêu duệ
của ngươi sẽ đông đảo như thế". Abram tin vào Thiên Chúa, và vì đó ông
được công chính.
Và Chúa lại nói: "Ta là
Chúa, Ðấng dẫn dắt ngươi ra khỏi thành Ur của dân Calđê, để ban cho ngươi xứ
này làm gia nghiệp". Abram thưa rằng: "Lạy Chúa là Thiên Chúa, làm
sao con có thể biết con sẽ được xứ đó làm gia nghiệp?" Chúa đáp:
"Ngươi hãy bắt một con bò cái ba tuổi, một con dê cái ba tuổi, một con cừu
đực ba tuổi, một con chim gáy mái và một con bồ câu non". Abram bắt tất cả
những con vật ấy, chặt ra làm đôi, đặt phân nửa này đối diện với phân nửa kia;
nhưng ông không chặt đôi các con chim. Các mãnh cầm lao xuống trên những con
vật vừa bị giết, song ông Abram đuổi chúng đi. Lúc mặt trời lặn, Abram ngủ mê;
một cơn sợ hãi khủng khiếp và u tối bao trùm lấy ông.
Khi mặt trời đã lặn rồi, bóng
tối mịt mù phủ xuống, có một chiếc lò bốc khói và một khối lửa băng qua giữa
những phần con vật bị chia đôi. Trong ngày đó, Chúa đã thiết lập giao ước với
Abram mà nói rằng: "Ta ban xứ này cho miêu duệ ngươi, từ sông Ai-cập cho
đến sông Eu-phrát". Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 26, 1. 7-8a. 8b-9abc. 13-14
Ðáp: Chúa là sự sáng và là Ðấng Cứu Ðộ tôi. (c. 1a)
Xướng: 1) Chúa là sự sáng, là
Ðấng Cứu Ðộ, tôi sợ chi ai? Chúa là Ðấng phù trợ đời tôi, tôi sợ gì ai? - Ðáp.
2) Lạy Chúa, xin nghe tiếng
con kêu cầu, xin thương xót và nhậm lời con. Về Chúa, lòng con tự nhắc lời:
"Hãy tìm ra mắt Ta".- Ðáp.
3) Và lạy Chúa, con tìm ra
mắt Chúa, xin Chúa đừng ẩn mặt xa con, xin đừng xua đuổi tôi tớ Ngài trong cơn
thịnh nộ. Chúa là Ðấng phù trợ, xin đừng hất hủi con. - Ðáp.
4) Con tin rằng con sẽ được
nhìn xem những ơn lành của Chúa trong cõi nhân sinh. Hãy chờ đợi Chúa, hãy sống
can trường, hãy phấn khởi tâm hồn và chờ đợi Chúa! - Ðáp.
Bài Ðọc II: Pl 3, 17 - 4, 1
"Chúa Kitô sẽ biến
đổi thân xác chúng ta nên giống thân xác hiển vinh của Người".
Trích thư Thánh Phaolô Tông
đồ gửi tín hữu Philípphê.
Anh em thân mến, anh em hãy
bắt chước tôi, và hãy để mắt nhìn coi những người ăn ở theo như mẫu mực anh em
thấy nơi chúng tôi. Bởi chưng như tôi đã thường nói với anh em, và giờ đây tôi
đau lòng ứa lệ mà nói lại, có nhiều người sống thù nghịch với thập giá Ðức
Kitô. Chung cuộc đời họ là hư vong, chúa tể của họ là cái bụng, và họ đặt vinh
danh của họ trong những điều ô nhục; họ chỉ ưa chuộng những cái trên cõi đời
này.
Phần chúng ta, quê hương
chúng ta ở trên trời, nơi đó chúng ta mong đợi Ðấng Cứu Chuộc là Ðức Giêsu
Kitô, Chúa chúng ta. Người sẽ biến đổi thân xác hèn hạ của chúng ta nên giống
như thân xác hiển vinh của Người, nhờ quyền lực mà Người vẫn có, để bắt muôn
vật suy phục Người.
Bởi thế, anh em thân mến và
yêu quý, anh em là niềm hoan lạc và triều thiên của tôi; anh em thân mến, hãy
vững vàng trong Chúa. Ðó là lời Chúa.
Hoặc đọc bài vắn sau đây: Pl 3, 20 - 4, 1
Anh em thân mến, quê hương
chúng ta ở trên trời nơi đó chúng ta mong đợi Ðấng Cứu Chuộc là Ðức Giêsu Kitô,
Chúa chúng ta. Người sẽ biến đổi thân xác hèn hạ của chúng ta nên giống như
thân xác hiển vinh của Người, nhờ quyền lực mà Người vẫn có, để bắt muôn vật
suy phục Người. Bởi thế, anh em thân mến và yêu quý, anh em là niềm hoan lạc và
triều thiên của tôi; anh em thân mến, hãy vững vàng trong Chúa. Ðó là
lời Chúa.
Câu Xướng Trước Phúc Âm: Mt 17, 5
Từ trong đám mây sáng chói có
tiếng Chúa Cha phán rằng: "Ðây là Con Ta yêu dấu, các ngươi hãy nghe lời
Người".
Phúc Âm: Lc 9, 28b-36
"Ðang khi cầu nguyện,
diện mạo Người biến đổi khác thường".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo
Thánh Luca.
Khi ấy, Chúa Giêsu đưa Phêrô,
Giacôbê và Gioan lên núi cầu nguyện. Và đang khi cầu nguyện, diện mạo Người
biến đổi khác thường và áo Người trở nên trắng tinh sáng láng. Bỗng có hai vị
đàm đạo với Người, đó là Môsê và Êlia, hiện đến uy nghi, và nói về sự chết của
Người sẽ thực hiện tại Giêrusalem. Phêrô và hai bạn ông đang ngủ mê, chợt tỉnh
dậy, thấy vinh quang của Chúa và hai vị đang đứng với Người. Lúc hai vị từ biệt
Chúa, Phêrô thưa cùng Chúa Giêsu rằng: "Lạy Thầy, chúng con được ở đây thì
tốt lắm; chúng con xin làm ba lều, một cho Thầy, một cho Môsê, và một cho
Êlia". Khi nói thế, Phêrô không rõ mình nói gì. Lúc ông còn đang nói, thì
một đám mây bao phủ các Ngài và thấy các ngài biến vào trong đám mây, các môn
đệ đều kinh hoàng. Bấy giờ từ đám mây có tiếng phán rằng: "Ðây là Con Ta
yêu dấu, các ngươi hãy nghe lời Người". Và khi tiếng đang phán ra, thì chỉ
thấy còn mình Chúa Giêsu. Suốt thời gian đó, các môn đệ giữ kín không nói với
ai những điều mình đã chứng kiến. Ðó là lời Chúa.
Suy Niệm:
Sự kiện biến hình xảy ra
khoảng một tuần sau khi Ðức Giêsu báo trước cuộc thương khó và cái chết của
Ngài, nhằm củng cố niềm tin nơi các môn đệ để các ông có thể can đảm theo Chúa
trên con đường khổ giá. Sự hiện diện của hai nhân vật trong Cựu Ước: Môisê và
Êlia để khẳng định việc Ðức Giêsu chịu khổ nạn và đi vào vinh quang nằm trong
chương trình cứu độ của Thiên Chúa mà Thánh Kinh đã loan báo.
Cầu Nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, xưa Chúa đã
tỏ vinh quang của Chúa để tăng sức cho các môn đệ. Xin Chúa củng cố niềm tin
cho chúng con, để khi gặp gian nan, thử thách, chúng con không ngã lòng thất
vọng nhưng sẵn sàng đón nhận và can đảm dấn thân theo Chúa. Amen.
LỜI NGUYỆN TÍN HỮU CHÚA NHẬT II MÙA CHAY
CHỦ
TẾ: Anh chị em thân mến, nhờ mầu nhiệm Hiển
Dung, Chúa mời gọi chúng ta vâng nghe lời Đức Kitô và đổi mới cuộc đời. Tin tưởng
vào ơn trợ giúp của Chúa, chúng ta cùng dâng lời cầu xin:
- Đức
Giêsu phải trải qua đau khổ thập giá rồi mới bước vào Vương Quốc phục sinh
/ Chúng ta hiệp lời cầu xin cho mọi thành phần Dân Chúa hiểu rằng đó cũng
là con đường mà mỗi Kitô hữu phải đi qua.
- Như
thánh Phêrô ai cũng đều mong muốn được hạnh phúc trọn vẹn / Chúng ta hiệp
lời cầu xin cho mọi người hiểu rằng họ chỉ được hạnh phúc thật sự khi tận
tuỵ phục vụ tha nhân.
- Trong
đời sống thường ngày con người gặp biết bao nhiêu là thử thách gian truân
/ Chúng ta hiệp lời cầu xin cho các tín hữu trong những giờ phút đen tối
nhất của cuộc đời / được ánh vinh quang Chúa tỏ hiện nơi Đức Kitô soi sáng
đỡ nâng.
- Đây
là Con yêu dấu của Ta / Ta hết lòng quý mến / Các ngươi hãy vâng nghe lời
Người / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho cộng đoàn giáo xứ Sơn Lộc chúng ta
biết chăm chỉ lắng nghe lời Chúa và đem ra thực hành.
CHỦ
TẾ: Lạy Chúa, xin cho chúng con biết cởi bỏ
con người cũ và loại trừ những việc làm xấu xa tội lỗi, để mặc lấy con người mới
theo hình ảnh Đức Kitô là Đấng hằng sống và hiển trị muôn đời.
SUY NIỆM TIN MỪNG
CN 2 MÙA CHAY
LM. GIUSE ĐỖ VĂN THỤY
Biến Hình trong Đời Thường (Lc 9,28-36)
1. Ba môn đệ Phêrô, Giacôbê và Gioan trên núi Tabor
Vừa nghe bài Phúc Âm hôm nay, chắc
có người thắc mắc là tại sao Chúa Giêsu lại chọn Phêrô, Giacôbê và Gioan. Tại
sao Đức Giêsu lại quyết định chọn ba ông từ Nhóm Mười Hai và cho ba ông chiêm
ngưỡng vinh quang của Người trên núi Tabor?
Phải chăng
các ông là những người tốt lành thánh thiện hơn trong số Mười Hai anh em? Đọc lại
Tin Mừng, chúng ta thấy chính ba ông lại đầy những khiếm khuyết lỗi lầm. Chúa Giêsu
biết rõ điều này hơn ai khác. Chúa biết biết rõ tâm tính của các ông. Người biết
các ông vốn là những ngư phủ chất phác, nhiệt tình nhưng lại bộp chộp. Các ông
hăng say đi theo Người, hết lòng cộng tác vào sứ mệnh của Người, nhưng cũng từng
có những phản ứng nóng nảy, bộc phát. Trong các câu chuyện kể của Tin Mừng,
chúng ta thấy Simon Phêrô có lần đã can ngăn Chúa Giêsu lên Giêrusalem, và
Phêrô lúc đó đã bị Chúa quở trách nặng lời: “Satan, lui lại đàng sau Thầy, con cản lối Thầy, vì tư tưởng của con
không phải là tư tưởng của Thiên Chúa mà của loài người”. Còn hai ông
Gioan và Giacôbê thì cũng bộp chộp không kém, vì tính tình nóng nảy, hai ông đã
được Chúa Giêsu đặt cho biệt hiệu là con của thiên lôi. Hai ông đã bị Chúa khiển
trách vì đã muốn cho lửa từ trời xuống thiêu hủy những người Samari không chịu
tiếp đón Người. Và nhất là đang khi Chúa Giêsu chuẩn bị cho các ông chấp nhận
tiến về Giêrusalem thì hai ông lại là người muốn tranh giành chỗ cao chỗ nhất
trong anh em. Vì biết rõ sự yếu đuối của các ông, nên sau khi tiên báo lần thứ
nhất về cuộc Thương Khó của mình, Chúa Giêsu đã đem riêng các ông theo Người
lên núi cầu nguyện và cho các ông chứng kiến vinh quang của Người. Các ông cần
phải được lĩnh hội những bài học tâm linh. Niềm tin của các ông phải được kiện
cường hầu đủ sức để đương đầu với những khó khăn sắp xảy tới: con đường đau khổ,
con đường Thập Giá.
2.Bây giờ chúng ta cùng nhau trở lại Núi Tabor trong bài Tin Mừng.
Trên Núi Tabor, bầu trời
trong sáng và Đức Giêsu đang cầu nguyện. Trong
khi Người cầu nguyện, khuôn mặt toả sáng, áo Người trắng như tuyết. Bên cạnh
Người, có Môsê - người ban bố luật vĩ đại và Êlia - vị ngôn sứ vĩ đại nhất
trong số các ngôn sứ. Rồi một đám mây bao phủ họ, nói lên sự hiện diện của
Thiên Chúa.
Họ được nghe
thấy tiếng nói của Chúa Cha phát ra từ đám mây:“đây là Con yêu
dấu của Ta, Người Ta tuyển chọn, hãy vâng nghe lời Người”. Phêrô thốt lên:
“Thưa Thầy, chúng con ở đây thật là hạnh phúc! Nếu Thầy muốn, con sẽ dựng ba lều,
một cho Thầy, một cho Êlia, và một cho Môsê”. Phêrô muốn được ở lại trên núi.
Ông muốn xây dựng một thiên đàng an toàn tại đó, xa khỏi những rắc rối và nguy
hiểm. Nhưng mục đích của cuộc biến hình không phải để khuyến khích họ trốn
thoát thực tại, mà để khích lệ các ông, giúp các ông có khả năng đương đầu với
những thử thách sau này.
Họ cần rất
nhiều sự nâng đỡ! Bởi vì sẽ đến một ngày và ở trên một ngọn đồi khác, lúc đó bầu
trời sẽ trở nên tối tăm, khuôn mặt Đức Giêsu, sẽ đầm đìa mồ hôi và máu. Áo của
Người sẽ không còn chói sáng nữa. Sẽ không còn tiếng nói phát xuất từ trời cao,
nhưng là những giọng nói chế giễu và nhạo
báng, chính vì vậy làm chúng ta liên tưởng đến Vườn Dầu. Tabor và Vườn Dầu, cả
hai đều xảy ra trên núi.
- Trên núi Tabor, Chúa Giêsu từ
hình dáng loài người biến thành hình dáng Thiên Chúa; ở Vườn Dầu, từ hình dáng
Thiên Chúa biến ra hình dáng con người yếu đuối.
- Trên núi Tabor, các môn đệ
thấy được thiên tính vinh quang của Chúa Giêsu, khiến họ ngất ngây sung sướng,
muốn ở mãi trong tâm trạng ngất ngây đó; trên Vườn Dầu, họ thấy Chúa Giêsu
trong nhân tính yếu đuối của một con người.
Hai biến cố giúp
chúng ta hiểu được con người của Chúa Giêsu và cũng giúp chúng ta nhận ra thân phận
con người trên trần thế. Quả thực hai sự kiện có liên hệ chặt chẽ với nhau. Và cả hai lần, họ đều ngủ, còn Chúa Giêsu lại thức để cầu nguyện.
Điều duy nhất còn lại, đó là một lần nữa, Đức Giêsu vẫn cầu nguyện. Điều giúp
Người trải qua, cả trong những giây phút sáng sủa lẫn tối tăm ảm đạm, đó chính
là mối tương quan của Người với Thiên Chúa Cha.
3.Tabor và Vườn Dầu đối với chúng ta
Hy vọng rằng tất cả chúng ta đều
có thể có được những kinh nghiệm về Tabor, ngọn núi của
niềm vui mừng và hớn hở, nhưng chắc hẳn chúng ta cũng cần phải làm quen với Vườn Dầu. Trên Núi
Tabor, chúng ta được thoáng thấy vẻ đẹp của Thiên Đàng: do được khích lệ, được
phấn chấn, có thể chúng ta đã nghĩ rằng “thật tốt đẹp khi được ở đây”, nhưng
chúng ta lại cũng cần phải được chìm đắm trong u tối của Vườn Dầu “tâm hồn Thầy
buồn đến chết được” (Mc 14,34).
Tabor và Vườn Dầu mạc khải
nét tương phản sinh động giữa nhân tính và thiên tính của Ngài. Hai biến cố này
không thể tách lìa nhau như hai mặt của một đồng tiền, và như thế cho chúng ta
thấy Ngài vừa là người thật vừa là Thiên Chúa thật. Hãy chấp nhận thập giá cuộc
đời để nhờ đó chúng ta sẽ được chia sẻ phần vinh quang phục sinh với Ngài.
4. Biến Hình trong Đời Thường
Nhà tâm lý học Abraham Maslow kể lại
câu chuyện một người mẹ trẻ như sau: "vào một buổi
sáng nọ, cô sửa soạn bữa sáng cho gia đình. Nhà bếp chan hòa ánh sáng, những đứa
con của cô đang cười đùa vui vẻ, và chồng cô đang đùa giỡn với đứa con út.
Trong khi cô đang trét bơ trên bánh và rót nước cam, ngay lúc đó, cô cảm thấy
tràn trề niềm vui sướng và yêu thương trong gia đình. Rưng rưng nước mắt, cô đã
cảm động đến nỗi không thể nói lên lời."
Maslow gọi lúc đó là giây phút tột
đỉnh. Nó là những giây phút ngắn ngủi quí báu chúng ta nhìn thấy những biến cố
thông thường cách siêu thường. Nó là giây phút giống như là Thiên Chúa chiếu
ánh sáng của Ngài vào những sự vật chung quanh chúng ta và làm cho chúng ta cảm
thấy mình đang ở trong một thế giới khác.
Ý tưởng về giây phút tột đỉnh giúp
chúng ta hiểu được phần nào những gì mà Phêrô, Giacôbê và Gioan đã cảm nghiệm
trong bài Tin Mừng hôm nay. Các ngài đã cảm nghiệm được những giây phút tột đỉnh.
Chỉ trong mấy phút quí báu, các
ngài đã thấy được Chúa Giêsu trong một hình thức hoàn toàn khác biệt. Chỉ trong
mấy phút quí báu, các ngài đã thấy Thiên Chúa chiếu rọi qua con người bề ngoài
của Chúa Giêsu. Chỉ trong mấy phút quí báu, các ngài đã nhìn thấy một thế giới
vượt trên thế giới này. Chỉ trong mấy phút quí báu, các ngài đã thấy từ ngoại
diện của Chúa Giêsu đến những gì bên trong nội diện: Con Thiên Chúa vinh hiển
và tuyệt mỹ.
Đó chính là mục đích của việc
Chúa Giêsu hiển dung trên núi Tabor. Tuy nhiên trong cuộc đời Chúa Giêsu cũng có mặt sáng mặt tối. Mặt tối là đêm Vườn Dầu
đau thương ảm đạm; mặt sáng là cuộc biến hình sáng láng trên núi cao. Nếu các
môn đệ chỉ nhìn thấy mặt đen tối, mặt u ám của đêm Vườn Dầu, lúc Chúa Giêsu bộc
lộ nhân tính hèn yếu của mình, tỏ ra kinh khiếp hãi hùng trước cuộc khổ nạn sắp
tới đến nỗi phải đổ mồ hôi máu và phải van lơn cầu khẩn với Chúa Cha xin cho khỏi
uống chén đắng (Lc 22, 41-44)… mà không thấy được mặt sáng của Người trên núi
cao thì các ông sẽ ngã lòng thất vọng. Và biết đâu, các ngài đã bỏ đi hết, thì lấy
ai làm nhân chứng cho biến cố phục sinh! Lấy ai loan báo Tin Mừng cứu độ?
Vì thế, Chúa
Giêsu cho các môn đệ thấy mặt sáng của Người trước, qua việc tỏ cho các ngài thấy
dung mạo sáng láng vinh hiển của Người, tỏ cho các ngài thấy Người là “Con Yêu Dấu
của Thiên Chúa Cha” để động viên tinh thần các ông khỏi sa sút, thất vọng trong
đêm Vườn Dầu sắp đến.
Sự kiện Chúa
Giêsu tỏ cho ba môn đệ thân tín cảm nhận thời khắc vinh hiển của Người trên núi
cao để chuẩn bị tinh thần các ông đương đầu với thời khắc đen tối của Người
trong đêm Vườn Dầu và đêm khổ nạn. M.Twain người Mỹ đã từng nói “ai cũng có một
vầng trăng và một đám mây đen.” Quả thật, trong cuộc sống, có những giây phút
chúng ta cảm thấy thật hân hoan phấn khởi, nhưng cũng không thiếu những lúc
chúng ta phải lầm lũi trong cô đơn trong sầu muộn. “Vầng trăng” và “đám mây”
luôn đan xen trong cuộc đời chúng ta.
Lạy Chúa
Giêsu, Chúa đã tỏ vinh quang trên núi Tabor để củng cố đức tin cho các môn đệ
khi các ông gặp gian truân thử thách. Xin Chúa cũng nâng đỡ đức tin non yếu của
chúng con để chúng con tin tưởng rằng: nếu cùng với Chúa vượt đêm đen của Vườn
Dầu hôm nay thì chắc chắn cũng được chung phần vinh quang phục sinh với Chúa. Amen.