Đức Thánh Cha tiếp tục những giáo huấn về Mười Điều Răn
Chúng cho thấy ranh giới của cuộc sống
21 tháng Mười Một, 2018 13:30
Đức Thánh Cha tiếp tục loạt giáo lý về các Điều Răn. Trong bài huấn từ bằng tiếng Ý Đức Thánh Cha tập trung suy niệm: “Chớ muốn vợ chồng người; chớ tham của người” (trình thuật sách Thánh: trích Sách Xuất hành, 17), trong buổi Tiếp Kiến Chung ngày 21 tháng Mười Một, 2018.
Sau phần tóm lược bài giáo lý bằng một số ngôn ngữ, Đức Thánh Cha gửi lời chào đặc biệt đến các nhóm tín hữu hiện diện. Sau đó ngài mời gọi mọi người nhớ đến các Cộng đoàn Dòng Kín nhân ngày Pro Orantibus, được mừng hôm nay.
Buổi Tiếp Kiến Chung kết thúc với bài hát Kinh Lạy Cha và Phép lành Tòa Thánh.
* * *
Bài giáo lý của Đức Thánh Cha
Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Những buổi gặp gỡ của chúng ta nói về Các Giới Răn hôm nay đưa chúng ta đến với Điều Răn Cuối cùng. Chúng ta đã nghe nó từ lúc bắt đầu. Đây không phải là những lời đúc kết của văn bản nhưng còn nhiều hơn thế: chúng là sự kiện toàn cho hành trình đi qua Mười Điều Răn, đụng chạm đến tất cả trọng tâm của những điều đã nói với chúng ta trong Mười Điều Răn. Thật ra chúng không thêm nội dung mới: những cách nói “chớ ham muốn vợ […] hay bất kỳ điều gì khác của người anh em của ngươi” là cách nói ngụ ý trong các Điều Răn về tội ngoại tình và trộm cắp; vậy thì vai trò của những lời này là gì? Có phải là một sự tóm kết? Hay là một điều gì thêm nữa? Chúng ta hiểu rõ rằng tất cả các Điều Răn có vai trò chỉ ra những ranh giới của cuộc sống, những giới hạn mà nếu vượt qua sẽ tàn phá chính bản thân của mình và của anh em, làm hỏng mối quan hệ của con người với Thiên Chúa. Nếu bạn vượt qua ranh giới đó là bạn phá hủy chính bản thân; bạn cũng phá hủy mối quan hệ với Thiên Chúa và mối quan hệ với anh em. Các điều Răn chỉ rõ điểm này. Nổi bật lên trong Điều Răn cuối cùng này là sự thật rằng tất cả mọi sự phạm tội đều phát xuất từ một gốc rễ nội tâm chung: đó là những ham muốn tội lỗi. Tất cả mọi tội đều sinh ra từ một ham muốn xấu xa — tất cả mọi tội. Tâm hồn bắt đầu hướng đến điều đó, và người ta bước vào con sóng đó và cuối cùng là sa vào phạm tội. Nhưng đó không phải là một sự phạm tội theo mô thức thuộc pháp luật: nó là sự phạm tội làm tổn thương chính bản thân và người khác. Chúa Giê-su trình bày một cách đơn giản trong Tin mừng: “Từ bên trong, từ lòng người, phát xuất những ý định xấu: tà dâm, trộm cắp, giết người, ngoại tình, tham lam, độc ác, xảo trá, trác táng, ganh tỵ, phỉ báng, kiêu ngạo, ngông cuồng. Tất cả những điều xấu xa đó, đều từ bên trong xuất ra, và làm cho con người ra ô uế” (Mc 7:21-23).
Vì thế, chúng ta hiểu được rằng toàn bộ hành trình thực hiện theo Mười Điều Răn sẽ chẳng có ích gì nếu nó không chạm tới được mức độ này: đó là tâm hồn con người. Tất cả mọi điều xấu xa này đều sinh ra từ đâu? Mười Điều Răn rất dễ hiểu và sâu sắc về khía cạnh này: điểm đến — Điều Răn cuối cùng — của hành trình này là tâm hồn và nếu tâm hồn không được giải phóng, thì tất cả những gì còn lại sẽ chẳng ích lợi gì bao nhiêu. Đây là một thách đố: đó là giải phóng tâm hồn khỏi mọi điều xấu xa và độc ác. Những giáo huấn của Thiên Chúa có thể tóm gọn lại vào trong một điều duy nhất là vẻ đẹp của đời sống, mà dù trong trường hợp nào đi nữa nó vẫn còn ở trong đời sống của nô lệ chứ chưa phải là đời sống của con cái. Đằng sau chiếc mặt nạ của sự đúng đắn ngột ngạt thường ẩn nấp một điều gì đó kinh khủng.
Thay vì vậy, chúng ta hãy để cho Các Điều Răn này bóc gỡ chiếc mặt nạ của sự thèm muốn vì chúng cho chúng ta thấy sự nghèo nàn của chúng ta, để dẫn dắt chúng ta đến sự xấu hổ thánh thiện. Mỗi người chúng ta hãy tự hỏi mình: Những ham muốn xấu xa nào thường đến với tôi? Lòng ghen tỵ, lòng tham lam, sự nói hành nói xấu? — tất cả những điều này đều xuất phát từ trong con người của tôi. Mỗi người hãy tự chất vấn mình và nó sẽ giúp ích rất nhiều. Con người rất cần có sự xấu hổ thánh thiện này, sự xấu hổ mà nhờ nó con người khám phá ra rằng họ không thể tự mình giải phóng cho mình; sự xấu hổ mà nhờ nó con người biết kêu lên Thiên Chúa để được giải thoát. Thánh Phaolô đã giải thích điều này vô cùng rõ ràng về Điều Răn không được thèm muốn (x. Rm 7:7-24).
Thật vô cùng hão huyền khi nghĩ rằng con người có thể tự mình hiệu chỉnh bản thân mà không cần ơn sủng của Chúa Thánh Thần. Thật là hão huyền khi nghĩ rằng chúng ta có thể thanh tẩy tâm hồn bằng một nỗ lực phi thường của riêng ý chí chúng ta: điều này là hoàn toàn không thể. Điều cần thiết là phải mở lòng mình ra trong mối quan hệ với Thiên Chúa, trong chân lý và trong tự do: chỉ như vậy thì những nỗ lực của chúng ta mới trổ sinh hoa trái vì chính Chúa Thánh Thần dẫn dắt chúng ta tiến bước.
Lề luật Thánh kinh không lừa gạt con người rằng một sự vâng phục theo đúng nghĩa sẽ dẫn đưa con người đến một ơn cứu độ giả tạo và, hơn thế nữa, là không thể đạt được. Lề luật Kinh thánh là dẫn đưa con người đến với sự thật, cụ thể đó là sự nghèo nàn của con người, nó sẽ trở thành một sự mở lòng đích thực và riêng tư trước lòng thương xót của Chúa, lòng thương xót biến đổi và canh tân chúng ta. Thiên Chúa là Đấng duy nhất có thể canh tân tâm hồn chúng ta, với điều kiện là chúng ta mở lòng ra với Người: đó là điều kiện duy nhất. Ngài làm được mọi điều, nhưng chúng ta phải mở cửa tâm hồn ra cho Ngài. Những lời cuối cùng của Mười Điều Răn dạy tất cả chúng ta phải biết chân nhận bản thân là những người hành khất; nó giúp chúng ta biết đặt mình trước những bấn loạn của tâm hồn, biết dừng lại lối sống ích kỷ và trở nên nghèo nàn trong tinh thần, chân thành trước Chúa Cha, cho phép bản thân được cứu độ bởi Chúa Con và được dạy bảo bởi Chúa Thánh Thần. Chúa Thánh Thần là thầy hướng dẫn chúng ta: chúng ta phải cho phép bản thân được trợ giúp. Chúng ta là những người hành khất; chúng ta hãy cầu xin ơn này. “Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ” (Mt 5:3). Đúng vậy, phúc cho những ai biết dừng lại việc lừa gạt chính mình, tin rằng họ có thể tự mình giải thoát khỏi những yếu đuối mà không cần đến lòng thương xót của Chúa, chỉ có lòng thương xót đó mới chữa lành. Chỉ có lòng thương xót của Chúa mới chữa lành tâm hồn. Phúc cho những ai biết thừa nhận những đam mê tội lỗi, và với một tâm hồn thống hối và xấu hổ, không đứng trước mặt Chúa và người khác như là những người công chính nhưng như các tội nhân. Điều Thánh Phê-rô nói với Chúa thật đẹp vô cùng: “Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi!” Đây là một lời cầu nguyện rất đẹp: “Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi!”
Đây là những người có thể có lòng trắc ẩn, những người có thể thương xót tha nhân vì chính họ đã trải nghiệm được điều đó.
[Văn bản chính: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester của ZENIT]
© Libreria Editrice Vatican
[Nguồn: zenit]
[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 22/11/2018]