Thứ Ba, 6 tháng 11, 2018

Phút suy niệm ngày 6/11/2018

Filled under:



Phút suy niệm ngày 6/11/2018
"Anh hãy ra ngoài đường ngoài ngõ và cố ép người ta vào cho đầy nhà tôi. Vì tôi bảo cho các người biết: không một ai trong những kẻ đã được mời, sẽ được nếm bữa tiệc của tôi"(Lc 14, 15-24).
Những lý do để từ chối không tham dự một buổi tiệc lớn, trong đoạn Tin Mừng hôm nay, không có lý do nào là chính đáng hoặc cần thiết. Như vậy, tình cảm giữa người mời và người được mời chỉ là trên môi miệng và thật sự tan biến khi không còn đến với nhau.
Bao năm nay chúng con được mang danh là: "Kitô hữu" tức là con của Chúa. Chúng con cũng giống như người Do Thái xưa, sống lạnh nhạt với Ơn Chúa, không quan tâm đến những điều Chúa dạy, chỉ biết đến vật chất xa hoa.
Lạy Chúa. chúng con được diễm phúc làm con cái Chúa, xin cho chúng con biết quý trọng ân ban này, để chúng con xứng đáng được dự tiệc muôn đời trên Nước Thiên Đàng. Amen.



THÁNH LÊÔNARĐÔ TU HÀNH

Thánh Lêônarđô sinh trưởng trong một gia đình võ quan thuộc thành phố Amélia nước Pháp. Thân phụ ngài là một vị tướng có tài thao lược trong quân đội của Hoàng đế Clôđôvêô, vì thế ngày chịu phép rửa tội, Lêônarđô đã được Hoàng đế đỡ đầu và nhận làm con thiêng liêng.
Sống trong một gia đình sung túc, Lêônarđô được thụ hưởng một đời thơ ấu sung sướng an vui. Nhưng có lẽ Chúa nhiệm mầu đã muốn dùng Lêônarđô để nhắc cho hậu thế biết rằng: quyền cao chức trọng, vàng bạc phú quý không phải là lý tưởng con người theo đuổi, nhưng Chúa Kitô khó nghèo và âm thầm ở Nagiarét mới là cứu cánh cuộc đời. Vì thế khi Lêônarđô mới lên 14 tuổi, tuổi mà các cậu thiếu niên xây nhiều mộng vàng, cậu lại được thân phụ gửi gắm vào tu viện Mici để nhờ chính cha bề trên giáo dục về cả hai phương diện đạo đức và học vấn. Càng theo học, Lêônarđô càng thấy rằng đời sống vật chất xa hoa, cũng như quyền chức danh vọng của bậc vương giả, đều không làm cho cậu được thoả mãn những khát vọng thiêng liêng cao cả của tâm hồn. Thế rồi Lêônarđô nhất định trở về sống với thánh Kêmiđiô, Giám mục thành Reims là người đã rửa tội cho cậu. Sống gần Đức Giám mục, Lêônarđô luôn luôn lo lắng để tìm cho mình một con đường trọn lành. Lúc này cậu rất chán ghét những chức tước mà cha cậu muốn đặt cho. Lêônarđô luôn luôn hạ mình và coi mình như con một nhà cùng đinh khố rách áo ôm. Cậu từ chối tất cả những kiểu cách ăn mặc, những cuộc vui nhộn mà con một vị tướng có quyền hưởng.
Nhưng ai hạ mình xuống sẽ được nâng lên. Lêônarđô đã được Chúa ban cho một sức mạnh thiêng liêng quý báu: cậu có một sức quyến rũ những người lầm lạc tội lỗi một cách phi thường. Vì thế, Lêônarđô dìu dắt được nhiều chiên lạc trở về bằng đời sống cầu nguyện và những lời khuyên nhủ của mình.
Tiếng nhân đức của Lêônarđô đồn vang khắp nơi. Khi nghe biết, Hoàng đế cho triệu ngài vào triều đình và có ý định bầu cử cho ngài lên làm Giám mục. Nhưng Lêônarđô đã mạnh dạn tâu lại Hoàng đế rằng:
Tâu Bệ hạ, nếu muốn được quyền cao chức trọng thì hạ thần đã xung phong vào làm tướng cho quân đội Bệ hạ, nhưng hạ thần muốn lo những việc thiêng liêng hơn những việc vật chất. Vì thế hạ thần cũng muốn ở bậc thường dân hơn là lên làm Giám mục.
Hoàng đế nghe vậy rất lấy làm cảm phục lòng khiêm nhường phi thường của Lêônarđô, vua liền để ngài xin điều gì mặc ý. Sau những giây phút suy nghĩ, thánh nhân đã xin một điều mà Hoàng đế chưa bao giờ tưởng tới. Ngài xin Hoàng đế cho vào các ngục thất để ủy lạo phạm nhân, và ai tỏ vẻ hối lỗi, ngài sẽ bầu cử với Hoàng đế tha cho về. Được sự đồng ý của Hoàng đế, thánh nhân ngày đêm lăn lộn trong các nhà ngục và đã đem an vui đến cho bao tâm hồn, vì ngài đi đến đâu, là người ta nhận được hình ảnh của một người cha nhân từ luôn luôn thương yêu những đứa con lầm lỗi trở về đến đấy.
Ngày tháng trôi qua, Lêônarđô vẫn chưa thoả mãn lối sống như thế, một ngày kia ngài nghe thấy như có tiếng từ trời cao phán bảo: "Con hãy vào nơi thanh vắng mà an nghỉ một chút". Theo tiếng gọi của trời cao, Lêônarđô lên đường đến xứ Aquitania, vào trong một rừng sâu, dựng một túp lều và bắt đầu sống đời tu hành ở đó. Trong những ngày sống âm thầm ở khu rừng này, không ai biết Lêônarđô, chỉ trừ một số người man di mọi rợ mà thánh nhân đến giảng đạo và xin họ bố thí của ăn mà thôi. Nhưng một ngày nọ, khi Hoàng đế và Hoàng hậu nước Pháp vào trong khu rừng Lêônarđô ở để săn bắn, và Hoàng hậu không chịu được chướng khí của núi rừng nên đã ngã bệnh nặng. Tất cả các danh y đều chịu bó tay không còn thuốc nào có thể cứu sống được Hoàng hậu nữa. Được tin ấy, Lêônarđô cũng mủi lòng, ngài liền đến gần nơi Hoàng đế đang nghỉ để chia buồn. Vừa tới nơi, ngài liền sấp mình xuống đất cầu nguyện xin Chúa cứu sống Hoàng hậu.
Sau một hồi lâu, Chúa đã nghe lời thánh nhân và đã cho Hoàng hậu khỏi hết tất cả thứ tật bệnh. Thấy vậy, Hoàng đế cũng như tất cả những người xung quanh hết sức vui mừng sung sướng. Được phép lạ ấy, Hoàng đế đem một số vàng và một ít tiền đến để tạ ơn thánh nhân, nhưng ngài đều từ chối: "Tâu Hoàng đế, không có vàng bạc, châu báu nào có thể sánh được với ơn Chúa. Thế mà Người đã ban cho Hoàng đế một cách nhưng không. Vậy xin Hoàng đế đem những vàng bạc này làm phúc cho những người nghèo đói, góa bụa, côi cút. Còn phần tôi, tôi chỉ trông đợi mong ước những của châu báu trên trời mà mối mọt không xông, kẻ trộm không lấy được mà thôi". Thấy Lêônarđô từ chối tất cả, Hoàng đế buồn lòng nên năn nỉ xin dâng cho thánh nhân cả khu rừng, nhưng thánh nhân chỉ nhận một miếng con con để làm đẹp lòng Hoàng đế.
Sau đó thánh Lêônarđô dựng một đền thờ nhỏ ở trên một đỉnh núi để dâng kính Đức Mẹ và lại tiếp tục sống cuộc đời với hai môn đệ. Ba thầy trò sống trong trầm lặng, ngày đêm cầu nguyện cho những người chưa nhận biết Chúa được tìm thấy ánh sáng đức tin, cho giáo dân được hết dạ mến yêu và phụng sự Chúa. Tục truyền rằng: chỗ ba thầy trò ở không có nước để dùng, nên ngày ngày hai môn đệ phải thay đổi nhau đi kín nước mãi tận đàng xa. Một môn đệ đã xin với thánh Lêônarđô liệu cách nào cho đỡ phải đi xa quá như thế. Thánh nhân bảo đào một cái giếng ở ngay sườn núi, nhưng không có một giọt nước nào vọt lên cả. Ngài liền sấp mình xuống đất kêu xin Chúa, Đấng xưa đã cho nước ở trong mạch đá chảy ra cho dân Do thái, xin Chúa thương cho môn đệ mình được như vậy. Lập tức đáy giếng, nước vọt lên như suối nước chảy tràn cả một vùng.
Nghe biết những phép lạ ngài làm, nhiều người ở những đô thị sầm uất cũng như ở những miền hẻo lánh đua nhau đem các thứ bệnh nhân đến xin ngài cứu giúp. Có nhiều người bị gông cùm xiềng xích nhờ người đến xin cũng được thánh nhân làm phép lạ cứu thoát một cách lạ lùng. Những người ấy đem tất cả xiềng xích đến tạ ơn thánh nhân và xin ở lại luôn trong rừng với ngài.
Họ hàng thánh nhân cũng có một số đông bán hết của cải để làm phúc bố thí và xin ngài cho vào rừng cầy cấy sống bên cạnh ngài. Thế là chẳng mấy chốc khu rừng hẻo lánh của thánh nhân trở nên một làng nhỏ, trong đó mọi người đều sống thanh bình thư thái trong yên vui của tình huynh đệ nồng cháy.
Khi được 70 tuổi, thánh nhân ngã bệnh, ngài truyền cho các môn đệ khiêng lên đền thờ ở trên đỉnh núi. Sau khi khuyên nhủ các đồ đệ, thánh nhân đã an nghỉ giữa những tiếng khóc thê lương của hết mọi người trong khu rừng cỏn con đó. Xác ngài được an táng trong đền thờ ấy, và ngày ngày có rất nhiều khách thập phương lui tới cầu nguyện và tĩnh tâm. Thánh Lêônarđô đã được đặt làm bổn mạng những người bị giam cầm, tù ngục, vì lúc sinh thời thánh nhân hằng xót thương những hạng người đó, nhất là những người đang bị ma quỷ cầm buộc trong đống bùn tội lỗi.