Thứ Bảy, 24 tháng 11, 2018

SUY NIỆM TIN MỪNG LỄ CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM BỔN MẠNG GIÁO HỘI VIỆT NAM

Filled under:

Lời Chúa: Lc 9, 21-25
 23 Rồi Đức Giê-su nói với mọi người: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo.24 Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi, thì sẽ cứu được mạng sống ấy.25 Vì người nào được cả thế giới mà phải đánh mất chính mình hay là thiệt thân, thì nào có lợi gì?26 Ai xấu hổ vì tôi và những lời của tôi, thì Con Người cũng sẽ xấu hổ vì kẻ ấy, khi Người ngự đến trong vinh quang của mình, của Chúa Cha và các thánh thiên thần.
Suy nim 1
 Trên con đường Nguyễn Trãi thuộc quận 1, thành phố Hồ Chí Minh, 
con đường của những cửa hiệu thời trang cao cấp san sát nhau, 
có một ngôi nhà nằm lùi vào và bị che bởi căn nhà bên cạnh, 
căn nhà mang số 47 B. 
Ngoài sân, một trụ bia ghi dòng chữ bằng tiếng Latinh được dịch như sau : 
“Tại đây, vì lòng tin vào Đức Kitô, 
Đấng Đáng kính Matthêu Lê văn Gẫm đã bị xử trảm, 
ngày 11 tháng 5 năm 1847.” 
Trong nhà, có trưng bày một phần của chiếc gông 
mà thánh nhân phải mang từ khám đường Chợ Quán 
đến chỗ Cây Da Còm thuộc họ Chợ Đũi, chính là nơi tọa lạc căn nhà này. 
Nhìn chiếc gông dài hai mét, 
chúng ta khó tưởng tượng được làm sao một người mang nổi. 
Cái gông đè nặng trên cổ, trên vai, triền miên gây khó chịu đau đớn. 
Ngày xưa Đức Giêsu vác thánh giá lên Đồi Sọ. 
còn các vị tử đạo Việt Nam mang gông ra pháp trường.
 Cái chết của Thánh Gẫm là kết quả của một chọn lựa nghiêm chỉnh. 
Ông lái Gẫm là người quen nghề sông nước, 
vì thế ông được nhờ đưa đón các linh mục, chủng sinh đi du học. 
Năm 1846, Ông được sai đi Singapore để đón về Việt Nam 
một giám mục, một linh mục và ba chủng sinh. 
Ông linh cảm thấy chuyến đi này sẽ gặp nạn, 
nhưng Ông vẫn vâng phục lên đường, liều hy sinh mạng sống. 
Ông lái Gẫm đã bị bắt, bị tra khảo, nhưng Ông không thoái lui. 
“Quan tha thì tôi nhờ, giết thì tôi chịu. 
Tôi là người có đạo từ thuở bé, tôi không bỏ đạo.” 
Ông Matthêu Gẫm đã đón cái chết với một niềm vui lạ lùng. 
Đến nơi xử, Ông bịt khăn màu xanh như đi dự tiệc. 
Ông đùa với những người lính, an ủi những phụ nữ khóc thương Ông. 
Ông dâng mạng sống lúc mới ngoài ba mươi. 
Ông lái Gẫm đã được tôn phong hiển thánh: Thánh Matthêu Gẫm.
 Nhìn ngắm cái gông của Thánh Gẫm, chúng ta thấy cái giá phải trả
để làm chứng cho Đức Giêsu trước mặt vua quan và dân ngoại. 
Để làm chứng cho con người hôm nay về Đức Giêsu, 
chúng ta cũng phải trả giá không kém. 
Cần tìm ra những cách thức phù hợp để lời chứng có tính thuyết phục. 
Giữa một thế giới tham lam, mê đắm bạc tiền, 
xin được sống nhẹ nhàng, siêu thoát. 
Giữa một thế giới lọc lừa, dối trá, 
xin được sống chân thật, đơn sơ. 
Giữa một thế giới phóng túng, trụy lạc, 
xin được sống điều độ, thanh khiết. 
Giữa một thế giới hận thù, tuyệt vọng, dửng dưng, 
xin được sẻ chia tình yêu thương, an bình và hy vọng.
 Cầu nguyn:
Lạy các thánh tử đạo Việt Nam,
các ngài đã dám sống đến cùng ơn gọi kitô hữu
trong một hoàn cảnh khó khăn nguy hiểm.
Sự hy sinh của các ngài
cho thấy tình yêu mạnh hơn sự chết
và chết là cửa mở vào cõi sống bất diệt.
Dù mang phận người yếu đuối,
nhưng nhờ ơn Chúa đỡ nâng,
các ngài đã chiến thắng khải hoàn.
Xin cầu cho chúng con là con cháu các ngài
biết can trường sống đức tin của bậc cha anh
trong một thế giới vắng bóng Thiên Chúa,
biết nhiệt thành làm chứng về tình yêu
bằng một đời hiến thân phục vụ.
Ước gì ngọn lửa đức tin
mà các ngài đã thắp lên bằng cuộc sống và cái chết,
được bừng tỏa trên Tổ quốc Việt Nam.
Ước gì máu thắm của các ngài
thấm vào mảnh đất quê hương
để công cuộc truyền giáo sinh nhiều hoa trái. 
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

SUY NIỆM 2


- Ta thật thương hại. Chú mi có biết rằng mình đã dại dột theo tà đạo, một thứ đạo phỉnh phờ thiên hạ, vua đã nghiêm cấm mà cứ nhắm mắt đưa chân như rứa, là tự đặt mình trong vòng phạm pháp. Mần răng mà tiếp tục ăn học tiến thân. Chú mi phải nghĩ đến tương lai chứ!
 
- Bẩm quan, cháu không nghĩ là dại dột mô. Cháu không nghĩ đạo Gia-tô là tà đạo. Đạo dạy thờ Thiên Chúa là Đấng tạo dựng trời đất và loài người, dạy thảo kính cha mẹ, đạo cấm oán ghét hận thù. Như rứa cháu nỏ chộ chi là sai quấy mà phải bỏ.
 
- Nhưng vua đã ra lệnh cấm, và vua là trên hết. Kẻ nào bất tuân phải chịu tử hình. Chú mi biết rứa chứ?
 
- Bẩm quan, cháu có nghe, nhưng biết răng chừ. Bởi vì khi đã tin đạo là chân thật, là đúng là tốt thì không cách chi bỏ được.
 
Đó là mẫu đối thoại giữa quan tổng đốc và thánh tử đạo chủng sinh Tôma Trần Văn Thiện, nói lên niềm tin sắt đá của mình. Và tất cả 117 vị thánh Tử đạo Việt Nam đều bày tỏ đức tin kiên trung như thế.
 
Chúng ta hãnh diện về cha ông của mình, hãnh diện về lòng can đảm và sự anh dũng của các ngài, sẵn sàng tiến lên pháp trường để làm chứng cho đức tin.
 
Nhưng nếu chúng ta chỉ dừng lại ở thái độ ngưỡng mộ dành cho các ngài, thì quả thật chúng ta làm hổ danh các ngài, vì “con nhà tông không giống lông cũng giống cánh”. Chắc chắn các ngài cũng muốn con cháu nối gót các ngài: can đảm làm chứng cho đức tin.
 
Một cái chết như các ngài để biểu tỏ lòng tin có lẽ hầu như không còn xảy ra trên quê hương Việt Nam hôm nay. Điều đó không có nghĩa là chúng ta không còn có cơ hội để “đổ máu” làm chứng cho Tin Mừng.  “Việc đổ máu” làm chứng cho đức tin luôn là hành vi thuộc về đời sống Giáo Hội, được tái diễn mỗi ngày trong đời sống Kitô hữu. Lời Chúa Giêsu đã minh định điều đó: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo”. Như vậy “đổ máu” không chỉ là một biến cố thuộc bên ngoài thân xác như: chặt đầu, gông cùm, đòn vọt, nhưng còn là một biến cố thuộc đời sống tâm linh như hy sinh từ bỏ ý riêng, sống theo ý Chúa. Và đây chính là hành vi “tử đạo” mỗi ngày mà người Kitô hữu cần tỏ bày trong đời sống của mình.
 
Việc chu toàn bổn phận theo ơn gọi của mình chính là những bước chân anh dũng tiến lên để làm chứng cho Chúa Giêsu. Vì không ai có thể tuyên bố mình thuộc về Chúa Kitô mà lại bê trễ bổn phận. Vì bổn phận là thập giá. Việc chu toàn bổn phận hàng ngày là một sự dấn thân quyết liệt trong việc khước từ ý riêng, sự lười biếng và tính nhu nhược, sự hưởng thụ ích kỷ, đam mê dục vọng hư hèn. Sự đấu tranh khước từ nầy là lời đáp trả yêu thương, nó cũng quyết liệt như là những lời khẳng khái của các thánh Tử đạo trả lời trước tòa án của trần gian.
 
“Từ bỏ chính mình, vác thập giá” là bước vào con đường làm chứng cho đức tin. Vì đức tin không là một chiếm hữu thụ động, “đức tin không việc làm là đức tin chết”. Đức tin là một sự kiện luôn sống động, luôn lắng nghe, khám phá lời mời gọi yêu thương của Thiên Chúa tình yêu để sẵn sàng cất bước lên đường. Lắng nghe và sống theo Lời Chúa chính là tử đạo, là cuộc đổ máu bởi việc sát tế chính mình.
 
Lạy Chúa, chúng con tạ ơn Chúa vì Chúa đã ban cho Giáo Hội Việt Nam những chứng nhân anh dũng. Xin cho chúng con biết cất gót theo chân các ngài, luôn giơ cao ngọn đuốc đức tin trong việc chu tất ơn gọi làm người Kitô hữu hàng ngày. Amen.

GKGĐ Giáo Phận Phú Cường